Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Những mùa thu qua trong thơ, nhạc

Những mùa thu qua trong thơ, nhạc 
Bóng dáng Thu đang rón rén đến đâu đó trong từng cơn gió se lạnh mỗi sớm mai, khí hậu cũng dường như thấp hẳn xuống. Cali bây giờ đã là cuối mùa Hạ. Thỉnh thoảng, trên không trung mênh mang những làn mây xám che mờ khuất tia nắng mặt trời, bầu trời âm u mờ tối như gần hơn, thấp hơn. Điểm thêm vài chiếc lá vàng lìa cành đang bay bay chao liệng trong gió, gợi cho ta cảm giác mùa Thu đang đến gần, thật gần…
Len lén như hình Thu chớm sang,
Bên thềm thoáng rụng xác lá vàng…
Sương mai lóng lánh trên cành đọng,
Chim chuyền cành cất giọng hót vang…
Nhè nhẹ gió vờn quanh khóm cây,
Bềnh bồng mây xám ngập ngừng bay…
Nắng Hạ chưa đi, chừng lưu luyến,
Gió Thu chợt đến, rủ hồn say... 
(Thu Tâm)
Khi trời đất thay màu trên vạn vật. tạo nên những thảm tranh thiên nhiên lộng lẫy làm say đắm mắt nhìn. Khi bầu trời trong xanh ngăn ngắt có đàn bướm rủ nhau về chao lượn trên những khóm hoa tươi, và khi có lác đác chiếc lá vàng chao nghiêng trên khắp nẻo... 
Để rồi Thu tự lúc nào đã quyến rũ tâm hồn thi nhân, nhạc sĩ. Bối cảnh lãng mạn của mùa Thu đã cho ra đời  những vần thơ, lời nhạc ca ngợi về mùa Thu tuyệt diệu. Mùa Thu, mùa gợi yêu thương gợi mơ mộng, mùa của hẹn thề, mùa của hợp tan…
Thu Quyến rũ  
Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Ngọc Bảo 
Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia cười vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa Thu.
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai.
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi... 
(Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
Còn gì đẹp hơn bức tranh thơ mộng của cánh rừng dưới ánh trăng, từng chiếc từng chiếc lá vàng rơi… có đôi tình nhân hạnh phúc ngồi bên nhau cùng ngắm trăng và lắng nghe tiếng thời gian trôi dưới  bước chân đàn nai khua trên đám lá khô xào xạc.
Em không nghe mùa Thu
Lá Thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô  
(Lưu Trọng Lư)           
Từ ý thơ đó, năm 1972 nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho ra đời một ca khúc tuyệt vời để đời:
Mùa Thu Cho Em 
Ngô Thụy Miên - Lệ Thu
Em có nghe mùa Thu mưa giăng lá đổ.
Em có nghe Nai vàng hát khúc yêu đương.
Và em có nghe khi mùa Thu tới,
Mang ái ân mang tình yêu tới,
Em có nghe, nghe hồn Thu nói:
Mình yêu nhau nhé...                           
Hay những nốt nhạc lạ trong sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương khi ông rung động trước một bóng hồng, tình yêu với những ước muốn lãng mạn trẻ trung trên xứ Paris tình nồng.
Mùa Thu Yêu Đương 
Lam Phương - Thanh Hà
Anh muốn đôi ta mãi như người tình…
Vui đời hẹn hò khi bên dòng suối
Nửa đêm thanh vắng dìu đến công viên
Đôi trẻ lạc loài  trên xác lá vàng
Mùa Thu yêu đương...
Và đây, tiếng lòng của cô nữ sinh Trưng Vương trong mùa lá Thu bay bay... mùa tựu trường chợt nghe bâng khuâng khi thấy vắng người xưa...
Nhạc sĩ Nam Lộc đã ghi lại những xao xuyến thuở học trò qua bài thơ của thi sĩ Nguyễn Thị Lệ Thanh:
Trưng Vương Khung Cửa  Mùa Thu 
 Nam Lộc - Ngọc Lan
Tim em chưa nghe rung qua một lần.
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh
Như lá me xanh, ngơ ngác rơi nhanh...
Nắng vấn vương nhẹ gót chân,
Mùa Thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng, lá rơi đầy sân...
Phạm Anh Dũng cũng nồng nàn không kém với mùa Thu. Hãy lắng nghe tiếng gọi thiết tha của ông hợp cùng giọng hát trầm ấm điêu luyện của ca sĩ Duy Trác:
Gọi Mùa Thu Mơ
 Phạm Anh Dũng - Duy Trác
Anh gọi mùa Thu mơ
Một sớm Thu sương mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa ...
Anh gọi mùa Thu mơ
Trời sớm sông không bờ
Lá vàng rơi lác đác
Dịu dàng cơn gió mơ...
Một rừng Thu với bát ngát sắc màu lộng lẫy, nhưng sao chỉ có mỗi màu vàng là các thi nhân và nhạc sĩ hay nhắc tới? Có phải chăng hình ảnh chiếc lá vàng lìa cành nói lên sự chia ly nên dễ gợi lòng thương cảm?
Trong lần lang thang ngắm từng chiếc lá thu vàng rơi khi hoàng hôn đang buông xuống. Tôi cảm nhận được một mùa Thu thật đầy đủ, đẹp não nùng tràn đầy cảm xúc. Nhìn bóng lá chao lượn nghiêng ngả trong làn gió nhẹ ,vàng rợp cả một trời không, xao xác dưới mặt đất khi bàn chân ai dẫm phải. Lòng chợt bâng khuâng như thương như tiếc nuối...
Cung Tiến  đã nói hết hộ tâm tư tôi trong:
Thu vàng 
Cung Tiến - Hồng Nhung
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống  chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về tơ vàng vương vương...,
Và đây Mùa Thu Paris của thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Nhà thơ kể chuyện tình mùa Thu với nàng kiều nữ tóc nâu bên vườn Luxemburg. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa những nốt nhạc vào làm cho bài thơ  thêm  rộn ràng say đắm:
  
Mùa Thu Paris  
Phạm Duy - Sĩ Phú
Mùa Thu Paris, trời buốt ra đi.
Hẹn em quán nhỏ, Hẹn em quán nhỏ, 
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề.
Mùa Thu đêm mưa phố cũ hè xưa.
Công viên lá đổ, Công viên lá đổ .
Chờ mong em gắng khổ từng giờ... 
(Cung Trầm Tưởng)
Người ta bảo màu tím là màu thủy chung son sắt, màu nói lên nỗi nhớ nhung chờ đợi. Người con gái ngây thơ mơ mộng rất yêu màu áo tím, chiếc áo dài thướt tha trong từng chiều Thu. Chưa kịp mơ ước dài lâu bên người tình,  người sợ màu tím là màu buồn chia cách nên nàng phải lìa bỏ. Nhưng cũng không níu giữ được chân kẻ ra đi, bây giờ màu tím chỉ còn là màu buồn tủi tiếc nuối.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng đã diễn đạt sâu sắc trong:

Ngàn Thu Áo Tím 

 Hoàng Trọng - Hiền Thục
Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong chìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa, ngắm mây chiều lướt xa.
Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến,
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ... 
(Hoàng Trọng)
Và trong lòng Nhạc sĩ trẻ tuổi tài hoa Đặng Thế Phong, trong tiếng mưa Thu rơi ông chỉ thấy một cảnh u buồn thê thiết. Dù mới hơn hai mươi tuổi, ông đã cảm nhận được nỗi sầu thương và viết lên những lời than thở như tiếng mưa núc nở trong đêm....
Giọt Mưa Thu
 Đặng Thế Phong - Ánh Tuyết
Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi,
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa Thu
Ai khóc ai than hờ
Vài con chim non chim  chíp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh...
Gió ngừng đi, mưa buồn chi
Cho cõi lòng lâm ly... 
(Đặng Thế Phong)
Có những người thấy mùa Thu thật trữ tình, thật lãng mạn, thật dễ thương. Bởi họ đang được cùng người yêu tay nắm tay đi trên con đường hạnh phúc. Mùa Thu lúc này đối với họ là cả chuỗi ngày dài thơ mộng, đáng yêu. Nhưng đến khi tình yêu đã vỗ cánh ra đi thì mùa Thu lại là nỗi đớn đau dằn vặt khó quên, mỗi khi Thu theo gió heo may ghé qua  cuộc đời gợi nỗi nhớ dâng cao... 
Từ Công Phụng cũng thổn thức khi nhận ra Thu đang về cùng lúc nói lời chia tay với người yêu. Bài hát với lời nhẹ nhàng tha thiết gởi gấm cả tâm tình u uẩn:
Mùa Thu Mây Ngàn
Từ Công Phụng - Tuấn  Ngọc - Thái Hiền  
Chiều nay có mùa Thu đi về,   
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối 
Mùa Thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn...
Gọi hồn trong gió Thu buồn 
Ngày mai chúng mình xa nhau rồi
Cầm tay em nhìn sao không nói. 
(Từ Công Phụng)
Và mùa Thu trong bài thơ nổi tiếng của TTKH xa xưa: Hai Sắc Hoa Tigôn, đã làm biết bao người nghẹn ngào thương cảm cũng như tốn biết bao giấy mực khi cố công tìm kiếm người sáng tác. Suốt một thời gian dài vẫn là một bí ẩn gói ghém trong bốn chữ viết tắt: TTKH
Một  mùa Thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn.
Nhuộm ánh nắng tà trên mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương…
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng...
Nhạc sĩ Võ Tá Hân đã đồng cảm và phổ thành ca khúc:
Hai Sắc Hoa Tigon - 
Võ Tá Hân - Thùy Dương
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu diễn tả nỗi ray rứt trong tình yêu khi một người đã rời khỏi. Tất cả từ tâm hồn đến vạn vật đều chơi vơi trống vắng, Và tưởng chừng như mùa Thu không bao giờ còn trở lại nữa, vì đời đã thiếu bóng em.
Mùa Thu Không Trở Lại
Phạm Trọng Cầu - Duy Trác
Em ra đi mùa Thu,
Mùa Thu không trở lại.
Đếm lá úa mùa Thu,
Đo sầu ngập tim tôi…
(Mùa Thu Không Trở Lại - Phạm Trọng Cầu)
Mùa Thu sầu úa vì  tình đã chết, người ra đi đã quên mất mùa Thu xưa mặn nồng chỉ còn người ở lại ôm niềm cô đơn tiếc nuối mỗi Thu về.
Nhạc sĩ trẻ Tùng Giang và Nam Lộc cùng sáng tác chung trong nhạc phẩm:
Bây Giờ Là Mùa Thu 
Bây giờ là mùa Thu
Chiều vẳng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa
Hiu hắt đứng trong mưa
Mưa như lệ tình xưa
Lệ thấm mãi cho vừa.
Lệ thương hoa phượng rũ
Em có nghe mùa Thu... 
(Tùng Giang - Nam Lộc)
Nhạc sĩ Lam Phương cũng khơi dậy tâm tình kẻ bị mất tình yêu, so sánh nỗi buồn qua số lượng những vì sao và hàng hàng lớp lớp  lá vàng trong rừng vắng. Nỗi đau càng thấm thía hơn trong trời chiều Thu nhạt nắng, những kỷ niệm mặn nồng lại tràn dâng sống lại. Khối tình nặng trĩu trong lòng khó làm sao vơi bớt, nên trong mắt bây giờ chỉ thấy cả bầu trời Thu một màu sầu úa mênh mông...
Thu Sầu 
Lam Phương - Ngọc Lan
Mùa Thu thưa nắng gió mang niềm nhớ,   
Trời chiều man mác buồn nát con tim…
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy...
(Thu Sầu - Lam Phương)
Và đây một Phạm Duy với nỗi tuyệt vọng não nề. Mùa Thu sẽ chẳng còn nữa khi không còn người yêu cùng ta sóng bước.
Bài thơ mang tên L' Adieu  của thi sĩ Guillaume Apollinaire, được PD phổ thành ca khúc "Mùa Thu Chết" tuyệt vời  từ năm 1965 cho tới ngày nay vẫn còn được ghi nhớ trong lòng những người yêu nhạc.
Mùa Thu Chết 
Phạm Duy - Lệ Thu
Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo
Em nhớ cho mùa Thu đã chết rồi.
Mùa  Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho.
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi em nhớ cho, em nhớ cho
Em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này, trên cõi đời này.
Từ đây mãi mãi không thấy nhau...
(Mùa Thu Chết - Phạm Duy)
Trịnh Công Sơn đếm từng mùa Thu qua đi trong nỗi cô đơn, ngay cả ánh nắng cũng mang một màu sầu thảm! Ngày từng ngày lịm chết dưới Thu vàng... 
Nhìn Những Mùa Thu Đi 
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Nhìn những mùa Thu đi,
Anh nghe sầu lên trong nắng… 
Và lá rụng ngoài song.
Nghe tên mình vào quên lãng.
Nghe tháng ngày chết trong Thu vàng...
(Nhìn Những Mùa Thu Đi - Trịnh Công Sơn)
Đoàn Chuẩn - Từ Linh cùng cho ra một tác phẩm khó phai nhạt trong lòng người thưởng thức. Ngậm ngùi nhìn người yêu lên xe hoa nhà người ta khi Thu về có lá rơi tứ phía tưởng chừng như giọt nước mắt chia ly, lời trách móc nhẹ nhàng...
Lá Đổ Muôn Chiều
Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Lệ Thu
Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về.
Ngày mai người em nhỏ bé
Ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt.
Có những đêm về sáng,
Đời sao buồn chi mấy cố  nhân ơi!…
Đã vội chi men rượu nhấp đôi môi...
(Lá Đổ Muôn Chiều - Đoàn Chuẩn - Từ Linh)
Kể làm sao cho hết những mối tình buồn, vui đến và đi trong từng mùa Thu. Và còn rất nhiều rất nhiều bài thơ, bài hát ca tụng nhan sắc của mùa Thu. Phải chăng cảnh sắc vừa nên thơ vừa ảm đạm của mùa Thu đã ảnh hưởng đến tâm hồn người, nên thường có những mối tình được nảy nở cũng như có nhiều cuộc chia ly đầy nước mắt trong mùa này nhiều hơn các mùa khác. Hoặc sự chia ly xảy ra quá nhiều trong thời gian những tháng ngày này nên mùa Thu trở nên buồn và đáng nhớ?  
Mỗi người trong chúng ta chào đón mùa Thu đến với một tâm trạng khác nhau. Riêng tôi, cứ mỗi lần Thu đến, lòng lại chợt nao nao vẩn vơ những nỗi buồn, nỗi nhớ xa xăm…. Hồn Thu như thấm đậm trong tâm tư, trong từng luồng suy nghĩ, gió Thu như buốt xoáy hơn từng thoáng ngậm ngùi nuối tiếc. Thu đến rồi Thu đi, vẫn thế, luôn để lại một chút gì đó lãng đãng trong không gian cho hồn chập chùng nỗi nhớ. Kỷ niệm thì có quá nhiều để không còn muốn nhớ, nhưng vẫn còn đó không phai mờ trong tim. Lòng tôi luôn bâng khuâng trong từng chiều buồn lành lạnh hơi gió heo may…
Mùa Thu của Năm Tháng và mùa Thu của Kiếp Người, đều có chút gì đó khiến lòng tôi man mác liên tưởng, lại càng nhớ nhung thương quý hơn những gì trong kỷ niệm… Tôi yêu mùa Thu não nùng đẹp, yêu cả những bài thơ và từng bản nhạc đã được nghe qua, rung động trước đôi tình nhân vai kề vai trong nắng Thu và thương cảm lây cho những mối tình tan vỡ trong Thu. Thu đã là đề tài muôn thuở của những thi, nhạc sĩ, từ đó làm giàu cho kho tàng văn chương và âm nhạc VN, cũng khiến thổn thức bao nhiêu tâm hồn và đã một số không nhỏ trong những tác phẩm đó đã bất tử với thời gian.
Trong khuôn khổ hạn hẹp, tôi chỉ ghép nhặt đưa lên một ít nhạc phẩm tượng trưng về mùa Thu của một số tác giả tiền chiến mà tôi đã từng yêu thích, cũng như tiêu biểu một ít sáng tác của vài tác giả thời tôi còn đi học.
Đời người rồi cũng đến một ngày rời bỏ tất cả như chiếc là vàng lìa cây, có hợp và có tan là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Và mùa Thu cũng do tạo hóa sắp đặt để mỗi năm lại rực rỡ quay về, héo tàn ra đi, suốt bao đời làm rạo rực trái tim thi nhân, bừng tỉnh những nốt nhạc...
 Thu 2013
Thu Tâm
Theo http://khoitim.blogspot.com/

Mùa thu Huế ơi

Mùa thu Huế ơi...!
Huế làm gì có mùa thu? Hay là mùa thu Huế quá ngắn đến mức nhiều người không kịp nhận ra...?
Không có cái năm nào lạ như năm 2015 con Mùi này, tháng 8 dương lịch trời Huế đột nhiên mát dịu trong cõi nắng vàng sau những cơn mưa và kéo dài suốt tuần sau đó, khiến ai ai cũng ngỡ ngàng có phải thu đã về trên Huế vẫn đang cổ kính dẫu trên đôi tay không còn đôi vầng nhật nguyệt mà giờ đang là những chiếc smartphone điệu ngộ...
Nhà cổ An Hiên (Huế) trầm mặc trong tiết thu Ảnh: QUANG HUY
Nhưng có phải lúc đó thu đã về không? Hay chỉ là một phái sinh của biến đổi khí hậu khiến mùa thu cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều đổi sắc? Trong cái nắng đương đại vàng một màu thiền trên sông Hương như hôm nay, không thể không nhớ cái mùa thu mênh mang của Huế từ bao ngày xa lơ xa lắc...
Trong vỉa tầng ký ức đời người, mùa thu thường hiện lên trong tôi một không gian cao rộng của tầng không. Không gian xanh lơ tinh khôi và mới mẻ nằng nặng hương vị ẩm mục của cây trái trong vườn. Và màu của mùa thu thênh thang xanh đến mềm tươi đầy nhựa sống trên lá non, mềm tươi đầy trải nghiệm trên những chiếc lá vàng. Hơi thở của mùa thu cũng nhè nhẹ hơn, không hừng hực như mùa xuân tràn đầy, không riết róng như mùa hạ nóng bỏng và không xuýt xoa như mùa đông lạnh giá... Ngày xửa ngày xưa, mùa thu gieo hạt giống trong ký ức trẻ thơ là những dòng thu sang “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh. Gần như không chỉ trong tôi, mà trong nhiều người khác, đó là một áng văn đẹp nhất về buổi tựu trường. Năm nào đó, giữa xứ Huế đọc xong bài “Thu điếu” của thi hào Nguyễn Khuyến, lòng thơ trẻ của tôi hình dung mùa thu là giấc ngủ trưa yên ả dưới khóm trúc nín thinh trong gió. Đến khi đọc “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, mùa thu gõ vào nhịp tim tôi là tiếng lá khua động trong không gian tĩnh mịch rừng thưa của con nai mơ hồ nào đó. Và khi nhìn thấy phiên bản bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan in trên giấy bóng trong tạp chí ảnh của Liên bang Xô Viết cũ, tôi nhận ra thế giới mùa thu không chỉ có tiếng dế mèn trái mùa nơi bãi biền ven sông mà còn có cái mênh mông của thảm lá vàng rơi... Mùa thu tích cóp dần trong tôi qua tháng năm toàn là những kỷ niệm kiểu như thế và lòng tôi luôn luôn mở cửa đón nhận những vị khách mơ hồ, hiền hòa, đầy bất ngờ cao rộng của sự nhẹ nhàng không biên giới, trải dài vô bờ bến như những làn sóng lăn tăn trên một dòng sông dìu dịu...
Mưa nắng đất kinh kỳ cũng dạy dỗ cho tôi biết rằng giữa mùa thu trong trang sách với mùa thu thực tế ở Huế, đã có một khoảng cách biệt rộng lớn. Ngày đầu tiên đi học của tôi, không có nắng vàng tươi rực rỡ trên cao, không có hoa cỏ hai bên đường và không có cả “lá ngoài đường rụng nhiều”... mà hôm đó là một ngày “nắng tháng 8 nám trái bưởi”, nắng đổ mồ hôi cháy da cháy thịt mà cái nóng hãy còn đeo đuổi tôi đến hơn 30 năm sau, đến tận bây giờ.
Cũng có người cắc cớ đặt dấu hỏi Huế làm gì có mùa thu? Bèn nói thật là tôi nghĩ mùa thu Huế quá ngắn đến mức nhiều người không kịp cảm nhận ra rằng Huế có mùa thu. Và rồi, cũng có thể vay mượn trong trí tưởng tượng một chút thu sang từ mơ hồ xa xôi nào đó để ứng với Huế, như thể cũng có mây bay trôi ngang đỉnh Ngự, như thể lá rụng đầy sông Hương hay trong những khu vườn Huế. Thế rồi mới thấy là không thể tưởng tượng ra mãi, bởi vì vòm long não trên đường Lê Lợi vẫn ngang nhiên xanh, không nhuốm một chút vàng nào để rụng.
Vậy Huế có mùa thu không? Và mùa thu Huế nó thế nào?...
Nếu định nghĩa mùa thu chỉ đơn giản là “Mùa chuyển tiếp từ hạ sang đông, thời tiết mát dịu dần” thì quả thật mùa thu có ở khắp nơi trên trái đất, trừ xứ Huế vốn chỉ có hai mùa mưa nắng. Sang tháng 7, tháng chớm thu nắng đã vợi bớt nhiều so với tháng 5, tháng 6 nhưng Huế vẫn nóng từng ngày. Có thể nửa đêm về sáng giấc ngủ cần một mảnh chăn đơn cho ấm nhưng đầu hôm tắt đèn vẫn phải để quạt chạy vù vù. Hơi thu vì thế, nói đùa như câu chuyện men rượu về khuya, bắt đầu len vào người từ lúc nửa đêm, lúc mọi người bắt đầu trôi vào giấc điệp, kể cả trong giấc mơ cô gái vừa đi qua cảm giác lâng lâng của lần đầu hò hẹn mà nụ cười hạnh phúc còn đọng trên khóe thu ba.
Có lẽ cái mát dịu của mùa thu xứ Huế cũng chỉ đến với người len lén trong khuya sâu như thế thôi. Hình như Huế chỉ có mùa thu về mặt thời gian, còn về mặt không gian thì họa hoằn lắm mới có được những ngày thu sang thắm thiết. Nhưng mà vẫn thấy mùa thu Huế chuyển rõ ràng sau những cơn mưa bất chợt như nước mắt vợ chồng Ngâu rơi xuống vào những ngày cuối hạ. Mưa nhẹ thôi, từ tang tảng sáng, hay từ xê xế trưa, để im vắng một khoảng trời nhung nhớ truyền thuyết thủy chung từ đó giăng nhớ sang chiều, sang đêm. Mùa thu xứ Huế về mặt không gian thì nhẹ nhàng, ngắn ngủi như không có gì, diễn ra cũng chỉ vài ngày im ắng song về mặt thời gian thì lại nặng bao khối ân tình. Ngoài chuyện vợ chồng Ngâu qua cầu Ô Thước gặp nhau trong ngày trùng thất, Huế còn có cả một mùa Vu lan con cái báo hiếu cho cha mẹ. Huế có gần một nghìn ngôi cổ tự, ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, con cái lên chùa lễ Phật cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Sông Hương năm nào cứ đến ngày rằm tháng 7 là hoa đăng nhà chùa thả giăng đầy mặt sông, như màu thu hoa đăng rực lên trong đêm về ý niệm sống nhân bản. Trong cả năm, mùa phóng sanh nhiều nhất của người dân Huế cũng là vào dịp này.
Thế nhưng, tất cả những câu chuyện ân tình ấy lại diễn ra rất đỗi nhẹ nhàng tự nhiên như tiếng chuông chùa nhẹ đưa, như lá trúc khẽ chao nghiêng trước gió. Ở đây có hai điều cần nói. Thứ nhất, tính cách Huế chi thì chi đi nữa, vẫn là thứ tính cách nhẹ nhàng, khoan thai hạng nhất thế giới, nên tính cách Huế cũng có thể ví von như tính cách mùa thu. Thứ hai, người Huế thường hay đùa về cái tình cảm của mình “chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm”, thấy cũng y như mùa thu xứ Huế. Như thể cái mát dịu được chắt chiu cả năm, để dành ra mát dịu cho đời được vài ngày thu Huế ngắn ngủi...
Gần như cái mát dịu của mùa thu đi tìm nơi trú ẩn trong vườn hoa trái, nên mùa thu là mùa cây trái xứ Huế chín rộ. Nhãn lồng Thành Nội vừa chín đến trái cuối cùng, các nhà vườn còn lủng lẳng thanh trà, cam, quýt, bưởi bòng... Thanh trà Nguyệt Biều bây giờ đã thành biểu tượng hoa trái xứ Huế. Quả này uống nước sông Hương, ăn đất bãi bồi sông Hương nên ngon, ngọt, thơm mùi thanh khiết đất trời Hương Ngự. Từ tháng 6 ta, thanh trà đã được các vườn bắt đầu thu hoạch nhưng phải đến tháng 8 ta, thanh trà mới ngon. Là bởi vào tháng này, các cây đại lão thanh trà mới chín trái, trái nhỏ thôi mà thơm mà ngọt quá chừng như hương mùa thu đã được tôi luyện. Cũng vậy, tháng 8 quýt Hương Cần mới ngon. Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các quýt khác là trái nhỏ, hơi dẹp, ở đầu tự nhiên cái núm lún xuống như cái núm đồng tiền trên má người con gái. Ăn quýt Hương Cần nên chờ đến tháng này hãy ăn; ăn sớm quá, trái thơm gắt mà không ngọt. Ăn vào tháng này, trái chín ủ trong tiết trời nắng nóng đã dịu đi nên cái mùi thơm vẫn thăng hoa mà vị ngọt lại như lắng đọng. Cắn một múi, nước tứa ra đầu lưỡi chưa kịp nhăn mặt đã nghe vị ngọt ùa đến bất ngờ, rồi mùi hương xộc lên mũi ngan ngát, rất riêng biệt. Cái ngon của quýt Hương Cần là vậy đó!
Lững thững về làng mùa thu, mùi rơm phơi dọc đường làng dậy lên tươi mới thơm thơm ngọt ngọt. Sau những ngày nắng gắt, rau cỏ trong vườn như tươi non hơn sau những cơn mưa chuyển mùa. Để ý thì mới thấy rau muống dịp này ở Huế ngon nhất trong năm. Như thể cơn mưa sau chuỗi ngày nắng gắt mùa hạ đã đánh thức tất cả mầm sống của cọng rau, khiến cái đọt rau nó trườn ra mãnh liệt, khiến cái ngọt thanh của cọng rau muống cũng được dịp mà non, mà mềm. Ăn rau muống dịp này nên ăn cả nước luộc vắt tí chanh, đơn giản vậy mà khó có sơn hào hải vị nào sánh bằng...
Về làng gặp lúc ngay sau trận mưa lớn, có khi lụt tiểu mãn, bấy giờ cánh đồng làng vừa gặt xong, cá rô, cá trê rúc từ hói rúc lên đồng, chỉ cần đặt chẹp là bắt được khối cá. Con cá rô đợi sang tháng 10 mới ngon nhưng lúc này cũng là lúc cá trê đã vàng lượm cái lườn béo ngậy, cá rô cũng đã mang đầy trứng trong bụng, kho với dưa cải, chắc không ai quên được món ngon đồng quê...
Mùa thu Huế ơi, sao ngắn chẳng tày gang mà bao nhiêu câu thơ viết hoài không hết...?!
Xưa có câu phê về thời tiết Huế: “Tứ thời trung hữu hạ, nhất vũ hòa vi đông” (bốn mùa đều có mùa hạ ở trong, một trận mưa đã hóa thành mùa đông) mới nghe đã ớn lạnh rồi. Mùa thu xứ Huế như có mùa hạ ở trong, cũng như có mùa đông bén rễ ở bên trong. Nó ngắn chỉ bằng khoảng cách một trận mưa giữa cơn nắng nực, rồi vụt chốc ngả sang đông... 
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Theo https://nld.com.vn/

Mùa thu hoài niệm

Mùa thu hoài niệm
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
(Ngô Thụy Miên)
Này yêu dấu, mùa Thu về chưa nhỉ?
Gọi mây trôi, em thả tóc bay đi
Hạt long lanh rơi nhạt lá thay mầu
Tình xanh biếc, xanh mầu đôi mắt nâu
Này yêu dấu, hương thu về nhè nhẹ
Nắng lụa đào êm theo gót nên thơ
Áo mơ phai xanh xanh vương trong nắng
Mắt môi cười xao xuyến tâm hồn anh
(Phạm Anh Dũng)
Thu đã về rồi em có biết?
Cây lá đổi màu,
Nắng nhạt,
nhẹ mây bay.
Chiều êm trôi cho thương nhớ giăng đầy
Bên khung cửa có vần thơ bỏ dỡ
Thu đã về rồi, em có nhớ
(Vũ Thư Nguyên)
Theo bước chân em thu vàng gót nhỏ
Đường xôn xao gió lay động mùa xưa
Như ngọn sòng đưa vỡ oà ký ức
Lửa tàn khói thuốc ấm bờ môi khô
(Nhật Vũ)
Trời đã bắt đầu se se lạnh, tiết thu.... Ai cũng chỉ cần mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng, tóc thôi không bới, không cặp mà xấp xỏa thả dài sau lưng, sau vai và... ta ra với mùa thu, ta hòa mình vào dòng người ngoài đường phố nơi đông đúc ngày thường ấy bây giờ dường như đã bớt hối hả hơn theo khoảng trời Thu .
Mùa Thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái
(Cung Tiến)
Gió thu trên ngọn úa tàn
Hắt hiu lá rơi từng lá vàng
Bài tình ca tan vỡ giữa đêm buồn
(Bảo Chấn)
Mùa thu thay lá, mùa nối tơ duyên
Anh nguyện một đời tình ta mãi là
Mùa thu yêu đương
(Lam Phương)

Vâng, mùa thu đã gieo vào người những nỗi niềm tâm sự một chút thành ngơ ngác, một chút thành nôn nao, và một chút cho những hoài niệm đã ngủ quên trong mỗi người Thu đến, trời thu tỏa những tia nắng vàng nhạt, những làn gió se lạnh lan tỏa man mác khắp nơi.
Nắng vàng nhường lưu luyến chiếu in trên hồ,
Chiều ru êm, gió vương mây mờ,
Thu tới tràn đầy niềm nhớ.
Gió chiều mang mong nhớ tới nơi xa vời,
Nhờ mây thu nhắn ai đôi lời chờ vui ước hẹn ngày mai.
(Dương Thiệu Tước)
Chợt thôi, người ta cảm giác muốn tìm chút hơi ấm của riêng mình, kìa đôi bàn tay chợt muốn tìm bàn tay và chẳng muốn rời nhau ra. Các chị, các bạn ơi... đang nghĩ gì khi thu chợt tới?
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người,Thu hát cho người, người yêu... ơi!
(Vũ Đức Sao Biển)
Em mùa thu của tôi
một chiều về trong vội vã
trong nhau như rất lạ
mưa còn suốt cả đời sau ...
(Phạm Anh Dũng - Phạm Ngọc)
Những hàng cây ven đường, những hương lá thu bắt đầu lan tỏa quyến rũ gửi theo gió hòa với đất trời đưa đi muôn nơi cảm giác nồng nồng ngai ngái thăm thẳm của mùa thu Thu đến, dù muốn hay không muốn vẫn mang nặng trong lòng những tâm sự riêng, vẫn se sắt tìm về nỗi nhớ xa xôi, vẫn mơ mộng khi bỗng nhiên nhìn bóng chiều tim tím nhạt dần buông phía cuối trời và lại giấu đi tận trong đáy lòng mình mọi lặng thầm của một ước mơ sâu kín.
Chiều thu đứng ngắm xa núi sông mơ màng
Chiều tha hương lòng nghệ sĩ bẽ bàng
(Nguyễn Văn Khánh)
Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Thu nay vì đâu nhớ nhiều
Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng
Ngỡ bóng ai về.
(Đoàn Chuẩn Từ Linh)
Vâng, mùa thu là cả một nỗi niềm đa cảm, tưởng chừng đã ngủ quên trong mỗi người bỗng nhiên dường như sống dậy với một niềm mong chờ dai dẳng yên bình và bão tố.
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ....
Vẫn chờ... đợi em!
(Phạm Duy)
Nhặt lá thu vàng trên lối đi
Hoang mang trong nắng cuối thu vàng
Em đi đã mấy mùa thu lạnh
Để dáng thu buồn mây vấn vương
(Nhật Vũ)
Vâng, dẫu mùa thu có có chất chứa bao điều chăng nữa, có bao nhiêu nỗi niềm trong mỗi người chăng nữa thì khi mùa thu tới với thật thơ mộng vẫn đánh thức trong mỗi người những nỗi niềm riêng của một thời bởi vì mùa thu đâu phải của ''Riêng ai'' mặc dù nhiều khi những ''Nỗi niềm riêng'' ấy cũng dường như bị chìm lắng.
Thế rồi mùa thu vẫn cách xa
Thế rồi mùa thu vẫn nhớ thương
Nên bầu trời không xanh
Nên bầu trời vương mây đen
Lá vàng sao rướm máu
Buốt tim kẻ tha hương
(Nhật Vũ)
Ai chẳng có một mùa thu trong chính mình... Thu của những hương cốm tiềm thức, Thu của hương bưởi vàng ánh sắc mùa, Thu của đêm than hồng mùi bắp nếp hòa quện, Thu của ''hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa'' rất xa.
Mùa thu đến rồi em
Cúc vàng khoe sắc thắm
Lá chao nghiêng trong nắng
Như là dáng em qua
Mùa thu giữa lòng ta
Riêng em thì đi mãi
Để nỗi niềm khắc khoải
Lạnh vào trong tim anh
(Hữu Xuân - Phạm Hà)
Trời mùa thu lắm mây
còn bước em đi quên về
vòng tay ôm lẻ loi
cho mình còn mãi thương nhau
(Trường Sa)

Ai cũng có mùa thu cho chính mình và ai cũng có hoài niệm bất chợt trong khoảng khắc khi bước ra khỏi nhà chợt thấy Thu ùa về... Vâng, mùa thu đến nhẹ nhàng với luồng khí mát khô lạnh se thắt cháy lòng của gió mùa thổi tới Vâng, những cơn bão tố bất ngờ như chút hờn tủi không ồn ào mà lặng lẽ để cảm thấy không gian và thời gian trải dài như một nỗi nhớ... không nguôi
Sương ấp lạnh non hương cứng lá
Đã từng nghe gió biết thu sang
Một chiều êm nghe gió thu xưa bao đềm êm
Một chiều êm, một chiều êm.
(Văn Cao)
Ai chẳng có chút nhớ Thu xưa, thuở học trò cắp sách, đạp xe tới trường với tà áo dài bay nhẹ theo gió, với sân trường giờ chơi cây xanh tràn nắng gió nhẹ của thu. Ai chẳng có những hẹn hò theo những áng mây tản mác theo theo cơn gió mà lòng e thẹn, hồi hộp nôn nao khi bất chợt tay trong tay mắt trong mắt bỗng lại thấy lá thu lìa cành... rơi nhẹ.
Đời trả về cho em sân trường xưa vàng võ u sầu
Đời dệt mộng anh đi riêng mình em xót nỗi chia lìa
Đường mộng nào anh sang
Riêng mình em tựa lá thu tàn
Biết lòng còn mãi mơ màng
Em vẫn tìm anh giữa mây ngàn...
(Quốc Dũng)
Chiều nay có mùa thu đi về
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn
(Từ Công Phụng)
Hôm mùa Thu gió hát bài ca cũ. Mùa Thu bay lá vàng.
Anh ru em ngủ, bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ.
(Đức Huy)
Ai chẳng có, anh và em, em và anh bước bên nhau trên đường đầy hương sắc của thu, và ai chẳng có những yêu thương mong chờ mãi mãi nhờ thu cất giữ giùm:
Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu
Hình dáng nụ cười
(Trịnh Công Sơn)

Vâng, mùa thu cất giữ giùm tất cả cho mỗi người trong chúng ta những kỷ niệm mà trong sâu thẳm nhất của tiếng lòng của mỗi trái tim, mỗi nhịp đập luôn muốn cất tiếng gọi lại:
Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát
Biển là em ngọt đắng trùng khơi
Biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi
(Trịnh Công Sơn)
Em hỏi anh mùa thu Sài gòn
Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng
Em hỏi anh mùa thu Sài gòn
Nước mắt bây giờ có như mưa tuôn
(Ngô Thụy Miên)
Chút buồn bâng quơ hồn đau ngọn cỏ
Chút buồn bâng quơ hồn đau ngọn cỏ
Chia tay ngày đó, thu đến bao giờ....
(Nhật Vũ)
Những con đường nhỏ, những gốc phượng già, những hàng me, những quán nhỏ hẹn hò, những khoảng trời xanh riêng vời vợi đâu đó chẳng mang theo những giao ước của mùa thu.
Phút cuối bên nhau,
Tóc em bay bay giăng sầu.
Khép kín môi nhau,
Còn nghe xót xa tình héo.
Có tiếng ca nào
Buồn như tiếng gió mưa sa. Với tiếng dương cầm Từng giọt rơi trên phiếm đàn.
(Anh Bằng)
Vâng, Thu đến sẽ là những nỗi nhớ ám ảnh mãi của mỗi người dù đang là còn trẻ lắm với những ước mơ xanh hay đã lớn thật nhiều với những trăn trở lo toan bận rộn của thường nhật cuộc sống trong suốt những năm dài. Ai chẳng có chút bất chợt dường như ngừng lại tất cả để nhìn Thu.
Hôm em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại
Lá úa khóc người đi
Sương mờ dâng lên mi
Em ra đi mùa thu
Mùa lá rơi ngập ngừng
Đếm lá úa sầu lên
Bao giờ cho tôi quên
(Phạm Trọng)

Vâng, đêm của mùa thu, nhiều khi tưởng rằng bình yên lắm bởi vì đêm trăng thu bao giờ chẳng mang vẻ mơ mộng huyền bí kỳ ảo? nhưng đêm thu với cảnh sắc hu hư, ảo ảo của ánh trăng soi hiền hòa khi đêm lặng đến ấy, những hàng cây cao bóng cả sáng trong ánh trăng thu thần tiên, dịu mát an lành đó... Ai chẳng có trong lòng một chút của sự mong chờ, nhớ mong bất chợt của kỷ niệm, của ký ức xưa chẳng chịu ''ngủ đi''
Qua lá cành
Ánh trăng lan dịu dàng
Ru hồn bao nhớ nhung
Đêm lắng buồn
Tiếng Thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ
Làn gió lướt tới 
cuốn đưa hồn ta phiêu diêu 
theo mây trắng trôi lơ lửng
Ngàn muôn tiếng réo rắt 
côn trùng như than
như van mơ hồ theo gió lan
(Đặng Thế Phong)
Một chiều mùa Thu vầng trăng phai úa
Xin cho em thôi sầu nhớ thôi ngập mộng.
(Huỳnh Nhật Tân)
Vâng, Trăng Thu không phải của chỉ riêng những tâm hồn trẻ nhỏ với ao ước đèn sao đón cỗ trông trăng mà Trăng Thu khi đến, dâng lên tròn vành vạch trong sáng lồng lộng giữa bầu trời đêm lại cũng là niềm mơ nhớ chẳng còn phân biệt theo háo hức của tuổi tác.
Em tôi bây giờ vẫn đợi vẫn chờ
Mùa thu vàng úa, vàng úa vẫy gọi hồn thơ
Tình ta tha thiết (ấy), tha thiết với tháng ngày
Đi giữa cuộc đời... tưởng như giữa cơn mơ...
(Hiếu Anh)
Vâng, đêm của mùa thu, trăng của đêm thu tròn sáng, và của gió, của những nỗi niềm mờ tỏ đêm về, những trăn trở của suy nghĩ dường như trở nên rõ ràng hơn bởi vì ai mà chẳng có chút nhớ về quê hương? ai mà chẳng có chút da diết nơi xứ người ai mà chẳng có chút nỗi tình cờ của Thu xa:
Mùa Thu không em con đường ngập ngừng
Mình anh lang thang đếm từng ngọn buồn
Mùa Thu không em rừng thu riêng anh
Nức nở từng giờ sương khói chiều Thu
(Phạm Mạnh Cương)
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
chân buông mau
dương thế bao la sầu
(Đặng Thế Phong)

Vâng, mùa thu đến cũng lặng lẽ mà rồi dịu dàng đi cũng lặng lẽ theo thời gian một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
Nhưng, mùa thu luôn luôn và luôn luôn gợi cho tất cả mỗi người trong chúng ta những cảm xúc, những mơ mộng, những hoài niệm cũ có vui, có buồn, có để quên đi và có để nhớ lại những hạnh phúc, những mộng ước ngát xanh như mờ, như tỏ của nỗi niềm riêng vậy
Người ngồi đó thời thiếu nữ
Đã qua bao mùa thu lá bay
Người ngồi đó hàng hiên cũ
Phố xưa sương mù hiu hắt chờ
(Trần Tiến)
Vằng vặc trăng sao
thương nào em có thấu
tâm sự này rướm máu
chia gì được đớn đau
Bao nhiêu mộng mơ đó
đã tan theo một cơn gió
bơ vơ dòng tóc vỡ
trôi dạt về bến nghìn đời
(Vũ Thành An)
Mùa thu, cho ta nhớ, cho ta thương... cho một mình ai giữa rừng cây, giữa đường phố lát lá vàng rồi lặng lẽ nghe lá rụng khẽ khàng... để rồi... nhặt tìm trong kỷ niệm bàng hoàng đôi tay... Đợi chờ dường như đã lâu lắm rồi, để nôn nao đứng, nôn nao ngồi lòng se sắt mong manh nỗi niềm trong lặng thầm. Vâng, tất cả đã chỉ tại...
Mùa Thu Lại Đã Về 
Mùa thu nơi đây tôi nhớ
Nhớ thương thành phố xa mờ
Mà bao năm qua tôi đã
Đi về trên những đường xưa
(Diệu Hương)
Thuyền con chuyển bến thu sang nhớ người
Núi sông đau chuyện đổi dời
Bao thu đằng đẵng cho tôi mỏi mòn
Hỡi ôi thu lạnh vào buồn
Heo may tình cũ có tròn mộng không
(Phạm Đình Chương - Cao Tần)
Phố Thu Cho Mình
Chiều trên phố nỗi nhớ vẫn lao xao
Hòang hôn nhuộm tím trời đêm thu nhỏ
Xin hãy quên những năm dài cách trở
Xin hãy quên những mùa thu không nhau
Trăng lóng lánh trăng tràn vào mộng mị
Thu mơ màng trăng lắng ngậm ngùi Trăng
Trăng thu ơi đừng làm ta mất ngủ
Gió thổi rỗng trời vòng tay rỗng không anh
Chợt thấy sợ đêm nay trăng thu tới
Cảm xúc buồn lấp kín nổi đêm suông ....
Ngô Đồng
Theo http://yournewdentist.com/

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...