1- Sáng sớm đã nhìn thấy lá vàng rụng đầy sân. Ừ, đang mùa
thay lá mà. Sân chùa có nhiều cây cao bóng mát cho khách thập phương ghé
lại tham quan thưởng ngoạn. Thế nên hoa lá và cây trái cứ mặc sức đua chen
cùng gió trời vi vút. Chốn Già Lam những ngày không lễ hội, cảnh vật mới
thật sự mang bản sắc im lìm vắng lặng. Thi thoảng lắm mới có tiếng xào
xạc của mấy chiếc lá vừa lìa cành. Dường như lá cũng sợ dẫm mình trên cõi
đất bình yên.
Có hai cô học trò nhỏ vừa bước đến bên gốc cây bàng ngồi học
bài. Họ mở sách và mãi miết chăm chú nhìn vào đó. Không gian vẫn yên ắng mang
theo tiếng thở dài của ai đó bên kia bức tường rêu. Một chiếc lá
vô tình chạm nhẹ vào tay cô bé áo hồng mang cặp kính cận dày cộm. Cô áo xanh
bên cạnh ngước nhìn trời nhìn đất rồi bâng quơ hỏi bạn, chắc cũng muốn xé tan
khoảng không gian trống vắng quanh mình:
Ê! Mi có thấy những chiếc lá vàng vừa rụng xuống không?
Ê! Mi có thấy những chiếc lá vàng vừa rụng xuống không?
Cô áo hồng trả lời mà mắt không rời quyển sách: - Thấy… rồi sao…?
- Đó là những chiếc lá đang tìm về nguồn đấy…
- Lá mà về nguồn à? Người ta nói cây có cội nước có nguồn. Lá
rụng thì phải về cội. Mi bày đặt văn chương hoá đến... sai bét. Cứ
nói lá rụng đi có được hơn không- Cô áo hồng ra vẻ hiểu biết ngắt lời
bạn.
- Thì cội hay nguồn cũng thế thôi. Tại người
ta phân biệt ra nguồn là nơi phát sinh của sông suối, còn cội là chỉ
cho gốc rễ. Chung quy cũng là chỉ cho đầu mối ban đầu của vạn vật. Ngôn
từ thì có khác mà ý nghĩa cũng như nhau. Cho nên …
- Thôi đi nhà ngôn ngữ học tương lai à! Lo học bài
thi đi. Còn chuyện mổ xẻ văn chương chữ nghĩa thì để sau này.
Cô áo xanh vẫn liếng thoáng: - Ý Ta đang muốn nói đến điều
khác cơ. Lá rụng thì trở về với cội nguồn, trở về với lòng
đất nơi mà nó đã nảy mầm sanh ra. Con người ta chết rồi cũng trở
về đất. Người ta không sanh ra từ đất mà từ lòng mẹ, do vậy mà họ
lấy đất để biểu trưng cho lòng mẹ. Người trở về đất cũng là trở
về với lòng mẹ, nơi khai thiên lập địa từ thuở ban đầu. Đất
chính là nguồn cội, mọi sự sống và cái chết đều bắt nguồn từ đó.
Cô áo hồng khẻ nhíu mày nhìn bạn: - Sao bữa nay Mi ăn nói lạ
lùng thế? Mình ra đây để học bài thi chứ đâu phải để triết lý về cội nguồn của
sự sống. Mi mới đến cửa chùa có mấy bữa mà coi bộ thấm nguồn tâm rồi… Thôi học
bài đi nhỏ.
Họ lại im lặng. Những trang sách giở đều theo tiếng rì
rào bâng khuâng của đám cỏ cây. Mặt đất vẫn thanh bình giữa mênh
mông của cảnh chiều trôi.
2- Bên kia bức tường xanh màu rêu bạc. Cô gái áo trắng nãy
giờ ngồi ngoài ban công nhà mình vô tình nghe được lời đối thoại vừa
rồi. Cô đã ngồi hằng giờ, thậm chí đã ngồi từng ngày này qua tháng khác; nơi một
góc nhỏ bên chậu hoa lý chỉ để nhìn ra khoảng trống trước sân chùa, như một thói
quen vô thức mỗi khi rảnh rỗi. Câu chuyện chiếc lá về nguồn của
hai cô bé nọ, có lẽ chỉ là chút cảm nhận thoáng hiện của tuổi học trò. Nhưng đã
đọng lại trong lòng người nghe ít nhiều khái niệm mới mẻ. Cảnh vật này hằng
ngày cũng chỉ là mây bay lá rụng. Hoa cỏ đủ sắc màu khi thì tươi thắm rực
rỡ, lúc nhạt nhẽo buồn tênh qua mỗi cái nhìn hờ hững. Từ những chiếc lá
xanh non cho đến lúc úa tàn héo rũ, đã trở thành quy luật thay
đổi mất còn của tạo hoá. Mọi thứ được sinh ra đến một lúc nào đó phải hủy diệt
đi. Hủy diệt để cho cái mới tiếp tục sinh sôi và lớn lên. Trong hành
trình sinh sinh diệt diệt này thì cái bắt nguồn là từ đâu. Nếu cái mất
đi chính là sự trở về, thì cái sinh ra là nơi bắt đầu cho mọi sự sống. Và
cũng có thể hiểu ngược lại. Nơi trở về cũng là nơi bắt đầu cho một cuộc hành
trình bất tận, còn chốn sinh ra cũng là để trở lại trong cái
vòng xoay nghiệt ngã của kiếp sinh tồn.
“Con người sinh ra đời phải làm nên điều gì đó, để
khi chết không thẹn cùng núi sông cây cỏ”. Không biết triết gia nào đã
lập ra luận đề sống cho đời người như thế. Vậy mà có lần cô
nghe từ băng giảng mà ngoại thường mở: “Sang hèn vinh nhục, cực khổ bon
chen tích luỹ cho nhiều của cải rồi cũng phải chết, thân xác người rồi
cũng theo cát bụi tan biến vào hư vô. Vậy hà cớ gì người ta cứ mãi chạy
tìm chút ảo ảnh của kiếp phù sinh. Còn cái nguồn tâm trong
sáng, cái ý thức trở về thì người ta lại bỏ quên, không biết
trau dồi để tìm cho mình một hướng đi về an lành vĩnh cữu”.
Ôi! Vậy thì cái trở về, cái nguồn cội ý
thức ấy là gì nhỉ? Bạc tiền danh vọng rồi cũng mất, sang
hèn vinh nhục cũng không còn. Và cái nguồn tâm trở về đó
không biết đã có ai nhìn thấy chưa, chứ thực tại thì con người ta
sống không thể thiếu khát vọng vươn lên. Vươn tới đâu cũng được, miễn là chu
toàn một lẽ sống thường tình trong vòng nhân thế. Chỉ
đến khi ai đó chợt hiểu ra cái nguyên lý sinh diệt khó tránh khỏi,
mới vội vã đi tìm cho mình một chút bình yên nơi cõi chết. Khi Ngoại từ nước
ngoài về định cư luôn ở quê nhà cũng đã nói: - “Ngoại nay gần đất
xa trời rồi, cũng phải trở về quê cha đất tổ để gởi nắm xương
tàn… Đời người có mấy thuở, bôn ba đến chết rồi cũng trắng tay con
à…”
Bây giờ ngoại đã mãn nguyện nằm yên dưới lòng đất lạnh,
ngay nơi mảnh đất quê hương. Ừ, ngoại nói câu ấy khi đã đi đến chặng cuối của con
đường đời. Nhưng còn cô, ở tuổi thanh xuân cô cần phải ruổi
tìm cho mình một tương lai để đảm bảo cho cuộc sinh tồn tiếp
nối. Mẹ không ngừng hối thúc: - Con phải đi, đừng dùng dằng suy
nghĩ nữa...
Cô cố ý nhại lại lời của Ngoại: Đời người bôn
ba cho lắm rồi cũng tay không trở về. Có đi đâu trọn kiếp thì mai này cũng
quay lại mái nhà xưa... mẹ à.
Mẹ dịu giọng nhưng vẫn cương quyết: - Con còn
trẻ, đâu phải chỉ biết sống cho riêng mình. Ngoại già rồi thì khác. Người già
thường tìm về sống với nguồn gốc quê hương.
Như vậy nguồn cội sự sống của cô bây giờ là ở một nơi nào
đó, xa lạ với những gì quen biết ở đây, xa hẳn với
cách tư duy trầm mặc mà cô chịu ảnh hưởng ít nhiều từ ngôi
chùa cạnh nhà. Rồi một mai khi tuổi xế chiều, cô lại nói với đám con cháu rằng
mình mong muốn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Lúc ấy ngôi
chùa cũ chắc vẫn còn đó, mà tháng năm tường nghiêng ngói đổ càng làm cho lòng
người trở về man mác chút lòng hoài niệm xa xôi về một thời
đã mất:
Ở đâu thì cũng với chừng ấy thời gian và không
gian. Khác chăng vì sự thế xoay vần, nên con người đôi khi cũng phải
vần xoay theo cho hết đời dâu bể. Nói gì thì nói, mai này cô cũng đi rồi. Ngôi
chùa và cảnh tượng hôm nay, chỉ còn là chút mờ sương động lại trong
ký ức. Cuộc hành trình dường như chỉ mới bắt đầu. Dù sao thì lá vẫn
xanh, bầu trời vẫn toả sáng, và đời người thênh thang trong nẻo
sống vẫn cứ phải ươm mầm cho bao chồi non khác vươn xa. Ôi! những chiếc lá
xanh, dù mi có tồn tại hay không thì niềm tin về một ngày
mai luôn tỏa sáng.
3- Câu chuyện chiếc lá về nguồn chỉ còn lại chứng
nhân duy nhất là mấy gốc cây bàng già cỗi đi qua cùng năm tháng. Sân
chùa ngày thường chỉ đón nhận đám thanh thiếu niên thích tìm
nơi yên tịnh học bài hoặc để dạo chơi ngắm cảnh. Cô gái áo xanh áo hồng
ngày trước thôi không còn lai vãng. Một cơn gió thoảng, một chiếc lá vàng
vừa rời khỏi sự sống trên cành nào còn ai bận tâm bình phẩm hay triết
lý về cội nguồn của nó. Ngôi nhà bên bức tường rêu đã đổi chủ. Cô gái áo
trắng đã đi về một phương trời khác rồi. Có lẽ cô đã đi thật xa. Nơi xứ lạ chắc
không rãnh rỗi ngồi nhìn lá rụng mà suy tư vẩn vơ về thân phận kiếp
người. Tất cả rồi cũng nhanh chóng lãng quên theo mỗi bước đường vân du vô
định.
“Sông dài cá lội bặt tăm
biết đâu lối cũ mà tìm về thăm”
biết đâu lối cũ mà tìm về thăm”
Vị sư già mỗi sáng ra quét sân, dọn sạch lá rụng để
cho đám học sinh có nơi chỗ đến học bài. Gương mặt sư vẫn điềm đạm ung
dung trong tà áo lam thanh thoát. Và chưa bao giờ Sư tỏ
ý phàn nàn khi bọn trẻ chơi đùa thích níu bứt mấy cành lá xanh vứt bừa
cả sân. Lá xanh lá vàng thì cũng sẽ nằm gọn dưới một nhát chổi thôi. Mà đâu phải
chỉ có lá vàng mới trở về nguồn cội, đôi khi lá xanh vẫn chịu cảnh xa
ngọn lìa cành. Không biết trong lòng sư có khởi lên ý niệm đó
không, thỉnh thoảng chỉ thấy người ngước lên như để lắng nghe tiếng
hót líu lo của mấy chú chim sâu đang di chuyển qua lại trên cành
cao.
... Dưới mặt đất lá vàng vẫn rơi rụng, ngày tiếp ngày hằn sâu
thêm vóc dáng một đời người cặm cụi theo thời gian. Trò
chơi nhân thế buộc mọi người mãi loanh quanh để
vui thú cho trọn với cuộc đời, nào có mấy ai cất công tìm hiểu... xem
đâu là nguồn cội để quay về.
Lam Khê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét