Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Kiến thức và phương pháp

Kiến thức và phương pháp
Nhân đọc quyển Mấy vấn đề sử học Việt Nam cần làm sáng tỏ, do Nhà Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay ấn hành. H.2018, xin có đôi lời.
Trước hết cần thấy giới hạn của cuộc trao đổi. Chúng tôi chỉ trao đổi về các vấn đề mà GS. Phan Huy Lê và Quí vị nêu ra trong các Hội thảo, Hội nghị các bài viết trên báo chí kể từ năm 2008, sau Hội thảo khoa học Quốc tế về các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, và gần nhất là sau Hội nghị thông báo thành tựu nghiên cứu sử học ngày 22-2-2017, báo Tuổi trẻ đưa tin ngày 23-2-2017. Hoàn toàn không có sự công kích, vu khống, đòi xóa bỏ Đề án…, chống lại một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nếu các vị không nói ra thì chúng tôi chưa biết được xuất xứ chính thống, nghiêm túc và lớn lao của Đề án… bộ Quốc sử. Điều đó càng làm cho chúng tôi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực này; khi “Ban Bí thư Trung ương đã ban hành chủ trương nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam với qui mô nhiều tập và giao cho Ban Cán sự Đảng bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các bước tiếp theo” (Mấy vấn đề sử học… Sđd. Trg.69).
Chúng tôi cũng rất yên tâm khi thấy GS. Phan Huy Lê và cộng sự đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Có chăng Giáo sư và các cộng sự tỏ ra rất thụ động trong công tác của mình. Lẽ ra vấn đề này GS. Phan Huy Lê phải nêu ra chậm nhất là từ sau 1986, khi công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng, bắt đầu. Bởi vì sau hơn 10 năm chuyến đi và gặp gỡ của GS với giới trí thức miền Nam (1975) là có đủ thời gian cho GS nghiền ngẫm về việc xác lập một quan điểm mới, nhận thức mới cho lịch sử Việt Nam (Tuổi trẻ, 23-2-2017). Cho đến ngày 22-2-2017 và chính thức ngày 23-2-2017, bạn đọc mới được biết thì quả là quá chậm trễ, mất hơn 40 năm trời… Nhớ đến Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Quang Trung – Nguyễn Huệ mà xót tiếc thời gian. Vũ Trọng Phụng và Hàn Mặc Tử chỉ thọ được 27 tuổi. Quang Trung 39 tuổi. Nhưng cuộc sống có như thế nào, ta phải chấp nhận thế ấy. Không nên phung phí thời gian. Cũng không nên nóng vội dục tốc bất đạt.
Những vấn đề chúng tôi trao đổi là có cơ sở, qua phát ngôn của GS. Phan Huy Lê, có thể chúng tôi hiểu hay nhận thức chưa tới nhưng không phải là nói vô căn cứ. Trên tinh thần dân chủ học thuật và trách nhiệm công dân mà chúng tôi trao đổi. Còn đúng sai nông sâu rộng hẹp đến đâu, mong được Giáo sư và Quí vị chỉ giáo. Vì trong lĩnh vực này chúng tôi chỉ là bạn đọc bình thường. Còn Giáo sư và Quí vị mới là các bậc Thầy về sử học, ít ra, là các chuyên gia. Mong Giáo sư và các Quí vị nghĩ đến câu của Đức Khổng Tử Hối nhân bất quyện (Dạy người không mỏi) mà thay cho hành xử không cùng nền tảng kiến thức… nên dừng cuộc tranh luận ở đây! (Sđd. Trg.190).
Tiếp theo, chúng tôi thấy GS và Quí vị chưa đọc kỹ các bài viết nên vội qui kết qui chụp vơ đũa cả nắm. Cụ thể như sau:
Loạt bài “Những người vĩ đại” của Quan Văn Đàn trên VN TP. Hồ Chí Minh các số 438, 439, 440 tháng 2 và tháng 3-2017, hoàn toàn không đề cập đến GS. Phan Huy Lê và Đề án… bộ Quốc sử mà có nguồn cơn khác:
+ Trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thành trong Triết gia Trần Đức Thảo, NXB Đại học Huế – 2016 về sự xếp Trương Vĩnh Ký với Trần Đức Thảo cùng vào Ngôi đền Hùng của Văn hóa Việt Nam.
+ Trao đổi với TS. Nguyễn Bá Thành, khoa Ngữ văn Đại học KHXH&NV Hà Nội – ĐHQGHN, về công trình Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 – 1975 với luận điểm xếp Gia Long – Nguyễn Ánh và Quang Trung – Nguyễn Huệ đều là yêu nước như nhau, chỉ khác nhau về cách yêu nước.
+ Bình luận về Đêm nhạc Phạm Tuyên mà MC Lại Văn Sâm nói Phạm Quỳnh là người yêu nước đến tận cùng…
Bài Trở lại chuyện Phạm Quỳnh, VN TP.HCM số 447, của nhà báo lão thành Đặng Minh Phương nhằm nói lại cho rõ hành trạng của Phạm Quỳnh trước một số ý kiến thêu dệt, xuyên tạc, bóp méo sự thật về Phạm Quỳnh, không hề có ý “công kích” vào GS.PHL và Đề án… bộ Quốc sử.
Bài Lê Văn Tám không phải là truyền thuyết của Cao Đức Trường, VN TP.HCM số 447, cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ về sự tích Lê Văn Tám, không phải đề cập đến Đề án… bộ Quốc sử. Có liên quan đến GS.PHL vì GS đưa ra luận điểm về Lê Văn Tám mà ông Cao Đức Trường thấy cần trao đổi lại…
Bài Trương Vĩnh Ký oan nỗi gì của Nguyễn Văn Thịnh trên VN TP.HCM số 439, nhằm nói rõ hơn về con người Trương Vĩnh Ký, trao đổi về sự kiện xuất bản quyển Trương Vĩnh Ký nỗi oan trăm năm của tác giả Nguyễn Đình Đầu, có dính gì đến Đề án… bộ Quốc sử đâu.
Bài Không được xúc phạm vong linh Liệt sĩ của Nguyễn Văn Thịnh trên VN TP.HCM số 442, cũng chỉ để nói lại với Nguyên Ngọc và những người cho chị Võ Thị Sáu là bị tâm thần, không có gì liên quan đến Đề án… bộ Quốc sử.
Các bài viết của các tác giả trên VN TP.HCM có thể có phong cách biện luận khác nhau nhưng đều nhằm bày tỏ ý kiến của họ về các vấn đề lịch sử mà GS. Phan Huy Lê và các cộng sự nêu lên trước, từ Hội thảo năm 2008 ở Thanh Hóa cho đến Hội nghị Thông báo thành tựu… năm 2017 ở Hà Nội… đâu phải là vô căn cứ, là vu khống độc địa, là chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nếu nhìn nhận sự việc như thế thì đâu còn là dân chủ học thuật. Cho nên rất mong GS. Phan Huy Lê và Quí vị hãy bình tĩnh lại. Chúng tôi trao đổi để mong sớm được đọc bộ Quốc sử với chất lượng tối ưu. Cũng là mong điều lành cho GS và Quí vị thôi. Cũng bởi GS. Phan Huy Lê và một số Quí vị khác, trong những năm qua, đã bộc lộ những luận điểm, theo chúng tôi, là rất đáng lo ngại, rất khó đi đến “những trang sử dựa trên những cứ liệu lịch sử khách quan trung thực” (lời GS. Phan Huy Lê). Xin dẫn mấy trường hợp:
- Tính bất nhất trong tư tưởng sử học của GS. Phan Huy Lê.
Tính bất nhất cao nhất, ôm trùm toàn bộ, là từ bỏ ý thức hệ. Trong thời đại này mà từ bỏ ý thức hệ trong khoa học xã hội và nhân văn thì chẳng khác nào con thuyền ra khơi không cần bánh lái, la bàn, tự do bồng bềnh, gió chiều nào dạt theo chiều ấy. Đó chỉ là gánh hát sử học chứ không phải khoa học lịch sử. Cụ thể có nhiều, mà bài của Cao Đức Trường trên VN TP.HCM số 500 vừa rồi là một ví dụ. Đương nhiên ý thức hệ trong tình hình mới của thời đại, phải được hiểu một cách mới hơn.
- GS. Phan Huy Lê đưa ra quan điểm, nhận thức mới về lịch sử Việt Nam với khái niệm trung tâm là lãnh thổ hiện nay, theo chúng tôi, là chưa đúng và nguy hiểm. Xin lược trích như sau:
“Lời giải mà GS. Phan Huy Lê đưa ra để san lấp các khoảng trống lịch sử đó là cần phải xác lập một quan điểm, nhận thức mới về lịch sử Việt Nam. Một quan điểm tuy không được đưa vào các văn kiện của Liên Hợp Quốc nhưng gần như tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử. Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý, lãnh thổ đó đều thuộc về chủ quyền khai thác, bảo quản và nghiên cứu của chính quốc gia đang làm chủ đó…
GS. Lê lấy ví dụ Trung Quốc trước đây cũng viết lịch sử đất nước chủ yếu là của người Hán, nhưng bước sang đầu thế kỷ XXI thì quan điểm đó đã thay đổi, bây giờ họ trình bày lịch sử của Trung Hoa bao gồm nhiều tộc người như người Hán, người Mãn Thanh, người Mông và các vương triều phi Hán như nhà Nguyên, nhà Thanh…
Nếu xác lập được quan điểm mới này, chúng ta sẽ tìm được giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Nam bộ”…
(Tuổi trẻ, ngày 23-2-2017. Người tường thuật: Vũ Viết Tuân)
Có mấy vấn đề cần trao đổi về quan điểm này:
1/ Đưa ra khái niệm lãnh thổ hiện nay mà không đi cùng với tính truyền thống, ổn định trong lịch sử là rất nguy hiểm. Các quốc gia có tham vọng và hành động bành trướng, lấn chiếm… luôn luôn tuyên bố “lãnh thổ hiện nay” của họ. “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông là một ví dụ.
2/ Mặc dù GS. Lê dẫn Trung Quốc viết sử theo quan điểm mới, gồm các tộc người và các triều đại phi Hán… Không nhắc đến lãnh thổ hiện nay của họ, nhưng họ có thể cho rằng GS. Lê ngầm thừa nhận “lãnh thổ hiện nay” của Trung Quốc. Mà “lãnh thổ hiện nay” của Trung Quốc theo tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc là như thế nào, lẽ nào GS. Lê không biết. Chúng tôi không hiểu được ý tứ sâu xa của GS. Phan Huy Lê khi ông lấy Trung Quốc là ví dụ điển hình của quan điểm viết lịch sử trên lãnh thổ hiện nay. Nếu “gần như tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử…” thì hà tất phải đưa Trung Quốc ra làm ví dụ. Sao không lấy Mông Cổ hay Pháp hay vương quốc Anh làm ví dụ, lại đi dẫn cái nước láng giềng đang xâm chiếm trái phép lãnh thổ của đất nước mình làm ví dụ, khi họ đang kêu gào phần lãnh thổ mà họ xâm chiếm trái phép là “lãnh thổ hiện nay” của họ. Đây phải chăng là cái “Double mission” điển hình của GS. Phan?
Một cú “Double mission” như thế mà lại là “giải pháp xuyên suốt cho vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Nam bộ” được sao?
Ở đây GS. Lê vừa cố công đấm vào cánh cửa đã mở vừa tự đắc khoe công trạng một cách khó hiểu.
Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Nam bộ không chỉ là vấn đề “lãnh thổ hiện nay” mà phải gắn chặt, hữu cơ, với tính truyền thống lịch sử đã ổn định hàng thế kỷ nay. Từ thời Gia Long đã khai thác, khẳng định chủ quyền trên các vùng lãnh thổ này và tiếp tục ổn định cho đến ngày nay. Trung Quốc nhân cơ hội chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang tan rã, đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Không quân Việt Nam Cộng hòa đã chuẩn bị phương án nhấn chìm tàu Trung Quốc xuống biển Hoàng Sa, chỉ chờ lệnh xuất kích thì cuối cùng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo lệnh Hoa Kỳ, không cho xuất kích. Phi công Nguyễn Thành Trung đã kể lại chuyện này trên An ninh Thế giới, tôi không nhớ rõ số báo nào. Nhưng có chuyện ấy. Tôi nhớ phát biểu của ông Lý Văn Sáu, nguyên là người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, trong thời điểm tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, đã nói: Cần phải dân tộc hóa và quốc tế hóa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.
Làm sao để mọi người dân Việt Nam và nhân dân thế giới biết được tính lịch sử và hiện tại của Hoàng Sa, Trường Sa và hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc… thì GS. Lê lại khoanh vấn đề lại theo “lãnh thổ hiện nay” mà mỗi quốc gia đều có cách hiểu khác nhau. Theo chúng tôi, đây là khoảng nhòe cực kỳ nguy hiểm trong quan điểm lịch sử mới của GS. Phan Huy Lê mà công luận cần phải lên tiếng.
Cũng có thể GS. Phan Huy Lê chỉ đơn thuần khoe nền tảng kiến thức mà sa đà. Nhưng vấn đề lãnh thổ quốc gia, một khi đã viết thành văn bản, đưa lên thành quan điểm, ở một người “có trách nhiệm cao nhất về lịch sử Việt Nam” thì không phải chuyện đùa. Cần tham khảo ý kiến của Ủy ban Biên giới của Chính phủ về vấn đề này. Không nên nói tùy hứng.
Lời nói của lãnh tụ:
- Ông Cao Đức Trường và chúng tôi đều dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1945 và các Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949 về Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam để khẳng định thêm bản chất của thể chế này. Ông Phạm Hồng Tung cho rằng, nếu máy móc dẫn lời lãnh tụ là không khoa học: “Nếu nghiên cứu lịch sử mà chỉ dựa vào ý kiến của bậc vĩ nhân nào đó thôi, rồi đi đến kết luận, thì không phải cách làm khoa học. Như thế, nếu xuất hiện những vấn đề lịch sử khác mà các vĩ nhân không có ý kiến thì chả lẽ nhà sử học đành bó tay hay sao?” (Sđd. Trg.174-175).
Đây là chỗ rất dễ nhập nhằng cần phân tích rõ.
Không ai ngây ngô làm như ông Phạm Hồng Tung vừa phê phán. Khi nghiên cứu lịch sử phải lấy các sự kiện làm chính. Còn ý kiến của lãnh tụ hay vĩ nhân về vấn đề đó mà có giá trị thì thường được trích dẫn để khẳng định. Vấn đề là phải xem lời của vĩ nhân hay lãnh tụ nói về vấn đề đó xác đáng như thế nào, có ý nghĩa khẳng định hay phủ định như thế nào, có giá trị như thế nào trong đương thời và hiện nay.
Tuyên ngôn Độc lập 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo. Nhưng sau khi Tuyên đọc trước Quốc dân và Thế giới thì có giá trị là một văn kiện. Và đây là một văn kiện lịch sử có giá trị xuyên thời gian đối với người Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Chúng ta hãy xem Tuyên ngôn Độc lập nói về quan hệ với thực dân Pháp (xóa bỏ tất cả) có phù hợp với thực tiễn không và các Hiệp định nhà Nguyễn đã ký với Pháp (1862, 1874, 1884, 1949) là có giá trị thực tiễn không? Đây là mấu chốt của vấn đề. Trên văn bản Hiệp định thì Pháp tôn trọng nhà Nguyễn và muốn gìn giữ quan hệ đôi bên trong tình hữu nghị, một nền hòa bình bất tuyệt. Pháp không xâm lược Việt Nam mà là do nhà Nguyễn tự nguyện nhượng đất rồi chấp nhận nền đô hộ của Pháp, gọi cho đẹp, là Bảo hộ. Việc Pháp đưa lực lượng quân sự vào Việt Nam, lập các căn cứ quân sự, hệ thống đồn bót và trấn áp các lực lượng chống đối là để giúp Hoàng đế An Nam, hai bên thuận tình… Nhưng thực tế thì như thế nào, các vị lại biện hộ loanh quanh luẩn quẩn. Tôn trọng trên Hiệp định, văn bản nhưng cướp đoạt thực sự trên thực tiễn. Sao lại lẩn tránh trò bịp bợm, ăn cướp một cách hợp pháp!
Các vị hãy trả lời trước dân tộc xem từ 1862 đến tháng 3-1945 (Nhật hất cẳng Pháp), có còn nước Việt Nam độc lập thống nhất được Pháp tôn trọng chủ quyền hay không? Tôn trọng chủ quyền mà bắt cả ba vị vua triều Nguyễn đày đi biệt xứ sang tận châu Phi? Sao lại nhắm mắt trước thực tiễn mà cãi cầm cãi cố như vậy. Nếu cho rằng nhờ Hiệp định Elysée (1949) mà Pháp trả lại Nam bộ cho Quốc gia Việt Nam là các vị đã phủ nhận một thực tế: Đó là cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 đã giành lại nước Việt Nam từ tay đế quốc Nhật, trong đó có Nam bộ. Đã phủ nhận một thực tế là chính quyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp pháp hợp hiến đã quản lý Nam bộ từ sau Hiến pháp 1946, cho đến khi thực hiện Hiệp định Giơnevơ (1954).
Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949 về Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam không chỉ là lời lãnh tụ mà đây là sự kiện chính trị, sự kiện lịch sử, là tuyên bố của người đứng đầu Nhà nước. Không thể nói vận dụng lại các sự kiện, các văn kiện đó là máy móc được. Bởi các văn kiện đó phản ánh đúng bản chất của Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam, cho đến hôm nay.
Vấn đề mà các vị vin vào để phục dựng Quốc gia Việt Nam chỉ là Tuyên bố của Trần Văn Hữu về chủ quyền Hoàng Sa.
Vấn đề này ở bài “Phương pháp làm mờ…” trên VN TP.HCM số 499, ngày 24-5-2018, ông Quan Văn Đàn đã nói rõ. Vận dụng qui luật phủ định biện chứng thì giải quyết rất thỏa đáng. Các vị nói đến uy tín của Quốc gia Việt Nam ở Hội nghị San Phơrăngxicô… khéo tưởng tượng nhỉ! Nếu trả lời được câu này thì rõ ra ngay: Tại sao Anh – Mỹ không chấp nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lại chấp nhận Quốc gia Việt Nam? Trong khi các vị đã chứng minh tính không chính đáng về chính trị của Quốc gia Việt Nam, về thực chất tay sai bù nhìn của thực dân Pháp là chống lại công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc… Thế thì cái uy tín, cái vị thế của Quốc gia Việt Nam do bà mụ nào thổi cho vậy? Sự biện luận về pháp lý của các vị thật không biết nên hiểu như thế nào, nên nói như thế nào! Chỉ xin mượn hình ảnh này: Quí vị đã cưa sừng làm nghé để biện hộ cho các Hiệp định và trò hề bịp bợm của thực dân Pháp. Rồi lại đẽo chân người Việt cho vừa đôi giày San Phơrăngxicô để biện hộ cho Quốc gia Việt Nam!
Cuối cùng, ông Phạm Hồng Tung lại bác bỏ ông Tống Văn Lợi. Vì ông Tống Văn Lợi đã rất máy móc lấy câu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1922 để “đánh giá tổng thể cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ánh - Gia Long” (Sđd. Trg.160).
Thế là cái “Tháp Ba Ben sử học” đã hiện lên rồi!.
Thăng Long - Hà Nội, tháng 5-2018
Nguyễn Ngọc Quang
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP. HCM số 501
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...