Đã mấy năm sống ở Sài Gòn với hai mùa: Mùa mưa và mùa khô,
quanh năm ngày tháng nắng vàng rực rỡ, trong tôi dường như đã quên mất mùa thu
và cũng quên cả các câu thơ về mùa thu đã thuộc bấy lâu thì bất chợt nhận được
2 bài thơ: Sớm Thu của nhà thơ Nguyễn Khôi và Thu Sớm của
nhà thơ Đặng Xuân Xuyến làm tôi bật nhớ ra mùa thu đang về trên miền
Bắc.
Mà cũng lạ, hai nhà thơ tuổi chú cháu này như một cặp đôi thi
nhân luôn phối hợp nhịp nhàng với nhau. Mới gần đây khi nhà thơ tuổi cháu Đặng
Xuân Xuyến đưa lên bài thơ Về Đi Em thì nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi
hưởng ứng ngay với bài Về Làm Chi Nữa, nói như nhà phê bình văn học Châu
Thạch thì cả hai bài thơ “đều là tiếng gọi người về trong nỗi xót xa, đều
là tâm trạng của những người có lòng khi thấy quê hương mỗi ngày mất đi bản sắc”. Hôm
qua, ngày 15/8 nhà thơ tuổi chú đưa lên bài Sớm Thu (http://dangxuanxuyen.blogspot.com/) thì
hôm nay 16/08 nhà thơ tuổi cháu hòa giọng luôn với bài Thu Sớm, (http://dangxuanxuyen.blogspot.com/) một
sáng tác được nâng niu cất giữ từ 15/09/2015. Cả hai bài thơ Thu này đều là những
cảm xúc rất chân thật và rất đẹp của hai tâm hồn trước cảnh Thu về.
Mặc dù đang vào ngưỡng tuổi 80 nhưng trong Sớm Thu của
nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi, ta không thấy hình ảnh lá vàng khi mùa thu tới
mà hầu hết các thi nhân Việt Nam từ cổ đến cận đại, từ cụ Tam nguyên Yên Đổ đến
Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu đều ca ngợi:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá
vàng trước gió sẽ đưa vèo
(Nguyễn Khuyến)
Trận
gió thu phong rụng lá vàng
Lá
bay hàng xóm lá bay san
(Tản Đà)
Con
nai vàng ngơ ngác
Đạp
trên lá vàng khô
(LưuTrọng Lư)
Sắc
trời trôi nhạt dưới khe
Chim
đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng
Đây
mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
(Xuân Diệu)
Mà với Nguyễn Khôi là cảnh Sớm Thu rất hiện đại:
Sớm
nay nghe hồn lành lạnh
Một
trời sương trắng: ờ thu,
Cao
Tầng ánh sao lấp lánh
Ban
công vẳng tiếng chim Cu
Có lành lạnh, có sương trắng nhưng không phải là cái lạnh,
cái sương buồn mờ ảo trong thơ Tản Đà:
Gió thu hiu hắt,
Sương
thu lạnh
Trăng
thu bạch,
Khói
thu xây thành.
Đó là cái lạnh cái sương trên cao tầng giữa thủ đô Hà Nội,
khi đêm chưa tan hẳn, ánh sao còn lấp lánh và không hề tĩnh lặng bởi “vẳng
tiếng chim Cu”. Nhưng tiếc thay, không phải là tiếng chim Cu trên không trung
được ví như tiếng nhạc của đất trời ngợi ca sớm thu cho mọi người thưởng thức
mà là tiếng chim Cu trong lồng treo trên ban công nhà ai đó:
Chim Cu nhốt lồng gọi bạn
Mơ
về một cánh rừng xa
Nhốt
lồng khác chi bị “hoạn”
Không
còn được sướng mây mưa…
Tiếng kêu trong bức bối khắc khoải, ao ước được tung cánh về
rừng của một kẻ đang bị giam cầm tù hãm.
Hơn một trăm năm trước, đứng trên mặt đất làng Bùi, nhà thơ
Nguyễn Khuyến phải ngửa mặt lên mới thấy được:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Nay nhà thơ Nguyễn Khôi ở lưng trời cao ốc, chỉ cần giơ tay
ra là nắm được mây trời. Nhưng thật phũ phàng đó không phải là đám mây xanh ngắt
mà là một đám mây độc đến chết người:
Đón thu lưng trời cao ốc
Quờ
tay định tóm đám mây
Mây
đen chừng đầy khí độc
Tạt
qua tối xẩm mặt mày…
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến là cảnh thu đến sớm trên một
làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bước chân thu sớm thật khẽ khàng tinh tế, nếu
không có cảm quan nhậy bén thì không dễ nhận ra. Vì vậy, anh có cảm nhận Thu đã
về rồi nhưng vẫn phải hỏi em:
Em hỡi! Mùa thu đã đến
chưa?
Có
nghe se lạnh gió chuyển
mùa?
Có
nghe thoang thoảng thơm cốm mới?
Có
thấy nhà bên rúc rích cười?
Và bây giờ mới chắc chắn mùa Thu đã đến thật:
Em nhỉ. Mùa thu đến thật rồi
Sương
chiều bảng lảng rắc muôn nơi
Diều
ai dìu dặt chòng chành nắng
Vắt
vẻo em cười. Ơ… đã thu.
Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con
diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng
kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm
trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em! Một Thu Sớm thật
thanh bình, thật đáng yêu.
Từ tháng Tám năm 1945, mùa Thu đối với người Việt Nam không
còn là mùa thu của lá vàng rơi, mùa thu của “Con nai vàng ngơ ngác” hay
mùa thu của “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” mà là mùa Thu Cách
mạng đẹp hơn cả thiên nhiên vốn có:
Trời bỗng xanh hơn nắng chói lòa
Nhà thơ Thâm Tâm từ những “Chán ngán tình gia sầu ngất
ngất/ Già teo thân thế hận mang mang”, đã gắn bó với cuộc đời mới trong khung cảnh “Mùa
Thu Mới”:
Trái hồng trĩu xuống cây rơm
Sáng
nay mùa cốm dậy thơm đầy làng
Lúa
vươn thân hút ánh vàng
Nguyễn Đình Thi thì rất vui khi nêu sự so sánh
hai trạng thái cảm xúc của mình về mùa thu trước và mùa thu nay:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi
đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió
thổi rừng tre phấp phới
Trời
thu thay áo mới
Trong
biếc nói cười thiết tha
Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, mặc dầu
đang chiến tranh, mùa thu cũng không bớt đẹp đi chút nào:
Sáng
mát trong như sáng năm xưa
Gió
thổi mùa thu hương cốm mới
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, đất nước mới hòa bình, nhà thi
sĩ làm cách mạng và nhà cách mạng làm thơ Tố Hữu phơi phới hát ca giữa trời
thu:
Ngẩng đầu lên: Trong sáng tuyệt trần
Tháng
Tám mùa thu xanh thẳm
Mây
nhởn nhơ bay
Hôm
nay ngày đẹp lắm!
Mây
của ta, trời thẳm của ta
Nước
Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa!
Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng dẫn dắt dân ta đi vào đổi mới,
đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập với khẩu hiệu: phát triển
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước
công nghiệp thì hình ảnh Thu Sang của Hữu Thỉnh thật đẹp, đẹp tinh
khôi, nhẹ nhàng và dịu êm duyên dáng, đẹp đến nỗi phải hàng năm phải cho học
sinh lớp 9 học:
Sông
được lúc dềnh dàng
Chim
bắt đầu vội vã
Có
đám mây mùa hạ
Vắt
nửa mình sang thu
Dòng sông sang thu không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội và gấp
gáp mà êm ả lững lờ trôi như một con người đang trầm tư, suy ngẫm. Các loài
chim chuẩn bị di cư về phương Nam tránh rét mới chỉ “bắt đầu vội vã”. Đám
mây mùa hạ hãy còn, đẹp như một giải lụa “vắt nửa mình sang thu” như
sẻ chia cùng bạn. Thu Sang đúng là đẹp hơn thơ!.
Hình ảnh Sớm Thu, Thu
Sớm trong bức tranh nhị bình trên của Nguyễn Khôi và Đặng Xuân Xuyến là
Thu buồn hay vui?
Với bài thơ rất chân thực của Nguyễn Khôi thì câu trả lời đã
khá rõ. Làm sao có thể vui được khi “Chim Cu nhốt lồng gọi bạn/ Mơ về một
cánh rừng xa”. Làm sao vui được khi “Mây đen chừng đầy khí độc/ Tạt qua tối
xẩm mặt mày…”. Và chính vì không vui được nên nhà thơ phải “Cúc vàng
mua về cắm lọ” để ngắm và ngắm cúc vàng để mà:
Nhớ nhung lá đỏ cành Phong
Thu
vàng nước Nga rực rỡ
Buồn thay, ngồi trong Sớm Thu ở nhà mình trên
Thủ đô nước mình, ngắm Cúc vàng Việt Nam mình mà lại nhớ lá đỏ cành
Phong, Thu vàng ở tận nước Nga xa xôi. Đã thế mà lòng vẫn bất yên vì lại nghe
thấy:
Lũ đang cuộn sóng sông Hồng…
Sớm Thu nay buồn nên nhà thơ mơ mùa Xuân tới, hy vọng ở
ngày mai cho tuổi 80 của mình:
Xuân
tới 80 rồi nhỉ?
Sớm
nay qua nẻo thu sang
Và niềm hy vọng ấy khiến nhà thơ:
Ngắm
hoa thấy lòng tươi trẻ
Chỉ
e hoa thẹn bẽ bàng…
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến, như trên đã nói, đó là một
cảnh Thu rất đẹp: Có gió chuyển mùa se lạnh, có sương chiều bảng lảng, có con
diều chòng chành nắng, có mùi hương cốm mới. Không có tiếng chim cu ngoài đồng
kể cả tiếng chim cu trong lồng nhưng có tiếng cười rúc rích bên nhà hàng xóm
trong đó có tiếng cười vắt vẻo đáng yêu của em!
Nhưng hẳn bạn đọc còn nhớ, nhà thơ họ Đặng đã từng kêu
lên: Quê tôi nghèo lắm, Nghèo cả giấc mơ, nghèo đến xót xa cõi cõi
lòng thì sao cái làng Đá của anh có một cảnh Thu Sớm đẹp và vui như vậy.
Phải chăng cũng chỉ là giấc mơ thôi?
Tôi nói chỉ là giấc mơ thôi bởi như ai cũng biết Sài Gòn
không có mùa thu nhưng lại có rất nhiều nhà thơ ca ngợi Thu Sài
Gòn mà điển hình là nhà thơ nữ Nguyễn Thị Lệ Thanh đã sáng tác bài
thơ “Trưng Vương, khung cửa mùa thu“, và nhạc sĩ Nam Lộc đã soạn
thành một ca khúc ghi dấu những mối tình nhẹ nhàng, nỗi bâng khuâng, những xao
xuyến của tuổi học trò:
Tim
em chưa chưa nghe rung qua một lần!
Làn
môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình
trần mong manh như lá me xanh Ngô ngác rơi nhanh
Thu
giăng heo may che bóng cây lạnh này
Người
cho em nghe câu nhớ thương từng ngày…
Người
mang cho em quen môi hôn ngọt mềm
Tình
cho tim em rung những đêm lạnh lùng…
Nắng
vấn vương nhẹ gót chân
Trưng
Vương vắng xa anh rồi
Mùa
thu đã qua một lần
Và hàng trăm nhà thơ khác chưa thành danh với hàng trăm câu
thơ như thế này:
Sài Gòn Thu đã chớm sang
Em
đi qua phố dịu dàng như mơ
Mùa
Thu đẹp tựa vần thơ
Tim
anh xao xuyến đến giờ còn vương
Chả là giấc mơ mùa thu cho Sài Gòn đó sao?
Thu Sớm của Đặng Xuân Xuyến cũng chỉ là một giấc mơ như
thế, cũng là hy vọng của anh về một Thu Sớm đẹp cho cái làng Đá quê
hương của anh. Mà nói như Lỗ Tấn: “Đã là hi vọng thì không thể nói đâu là
thực, đâu là hư”.
Bởi thế, tôi trân trọng tất cả những giấc mơ đẹp, những hy vọng
đẹp trong Sớm Thu của bác Nguyễn Khôi và Thu Sớm của nhà
thơ Đặng Xuân Xuyến.
Tôi thành thực cầu chúc cho hai nhà thơ:
Nhà thơ tuổi chú Nguyễn Khôi sẽ luôn có những Sớm
Thu với những giây phút “ngắm hoa thấy lòng tươi trẻ” và sẽ được
mãi như câu thơ của Thế Lữ:
Cùng
với ánh quanh minh còn mãi.
–
Cho người vui cảnh quên già.
Nhà thơ tuổi cháu Đặng Xuân Xuyến cùng làng Đá
quê anh sẽ có được đích thực những Thu Sớm đẹp với “Diều
ai dìu dặt chòng chành nắng” và vui tươi với tiếng “Vắt vẻo em cười” đầy
trong thôn xóm.
Rằm tháng Bảy 2016
NGUYỄN BÀNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét