Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Chút cảm nhận về “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao

Chút cảm nhận về “Mùa xuân đầu tiên” 
của Văn Cao 
Một điệu Valse nhẹ nhàng, êm ái thật thích hợp khi trời đất đang bẽn lẽn khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của mùa Xuân. Cách đây 31 năm, trong căn gác cũ kỹ phố Yết Kiêu, nhạc sĩ Văn Cao lướt những ngón tay khô gầy trên những phím dương cầm vàng ố màu thời gian để cho ra đời tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên”. Cái cách mà Văn Cao cảm nhận mùa xuân thanh bình đầu tiên của đất nước có vẻ trầm lắng, không phải ông không vui, rất vui là đằng khác, song ông lại tận hưởng cảm giác đó bằng tâm hồn nghệ sĩ riêng của mình.
Mùa xuân dặt dìu theo con én lượn về, mênh mang, mơ màng. Tưởng chừng như xuân của Văn Cao thật đơn giản với tiếng gà gáy xa xa khi những giọt nắng trưa vàng cùng những sợi khói bềnh bồng len nhè nhẹ qua vòm cây, kẽ lá song lại có sức biểu cảm, lay động lòng người. Mới đây thôi, bao người đón Xuân bên tiếng nổ đì đùng khét lẹt mùi thuốc súng, đã lâu rồi người ta mới cảm thấy mùa xuân bình thường, thanh thản và nhẹ nhõm.
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn".

Người người hớn hở trước cảnh mùa xuân tươi mới song Văn Cao lại thoáng chút xao xuyến nhìn những người mẹ đón con về sau cuộc chiến, nước mắt đã rơi, đã thấm trong giây phút trùng phùng thiêng liêng nhưng Văn Cao hoàn toàn tin tưởng vào một cuộc đời êm ấm trong tầm tay những người con trở về.
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.”
Người ta thường nói Văn Cao là nhạc sĩ cổ điển bởi những giai điệu mượt mà, sang trọng của ông, không hẳn là như thế. Trong những bản nhạc của mình, bằng giác quan của người nghệ sĩ, Văn Cao tinh tế chuyển tải đến chúng ta những tiên đoán một cách chân thành tuyệt đối, mà ở bài nhạc này là những giá trị nhân văn cần đạt được sau mùa xuân đại thắng. Ta không nên say trong chiến thắng mà quên đi mọi thứ còn phía trước. “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là mùa xuân của hoan ca mà còn là mùa xuân của sự bừng tỉnh nhận ra tính nhân bản bị đánh mất trong chiến tranh cần phải được đánh thức trong mỗi con người. Bằng phẩm chất của người nghệ sĩ cách mạng, Văn Cao đã nói rất thật:
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.”
Và ở cuối bài ca, Văn Cao vẫn “mênh mông” lắm, song ông khẳng định lại lần nữa mùa xuân hôm nay là “mùa xuân mơ ước”, “xưa có về đâu”.
“Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông…”
Mùa xuân mới đang dần tới, sắc xuân rực rỡ trên những phố phường, cây cỏ giang cành lá quấn quít với gió xuân, lòng ta tràn ngập niềm vui sướng trong sự thanh bình, chợt lặng nghe những lời ca chân thành của người nhạc sĩ đa tài luôn tin vào những giá trị chân thật của con người. Trong âm nhạc, Văn Cao là người tự do và hạnh phúc.  
Kim Chi
Theo http://thcshycuong.pgdviettri.edu.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...