Cuối cùng thì anh em tụi tôi cũng có đồ mới mặc tết. Năm nay
lúa trúng mùa và chín trước tết nên má bán mấy giạ để sắm sửa cho tụi tôi. Chị
thợ may kêu má mua hai khúc vải may chung cho bốn đứa, để khi cắt may chỉ lách
vải không hao. Nhờ tài khéo léo của chị ấy mà bốn đứa tám bộ, chị may thêm cho
hai anh tôi hai cái quần cụt nối, tôi có thêm cái áo sát nách thân trước hình
này, thân sau bông kia, vậy mà khoái trá cười híp cả mắt. Tôi ôm hai bộ đồ vào
lòng hít hà mùi vải mới. Cả năm mới có một lần được ngửi, được hôn hít đồ mới
trong cái nôn nao khó tả. Thường thì tôi là đứa chuyên mặc đồ cũ, đồ đạc của
anh chị. Còn hai anh tôi con nhà quê, nhà lại không khá giả nên không hề khen
chê có gì mặc nấy, đồ bông như con gái mà vẫn vui mừng đón nhận.
Niềm vui chất ngất thêm, 25 chị Hai về tảo mộ và ở ăn tết
luôn, chị mua cho mỗi đứa một đôi dép Nhật. Tôi lại ôm hôn đôi dép thắm thiết.
Tối! Đem tất cả vô mùng kề mũi ngửi, mà mùi thơm của dép Nhật lạ lắm, thích lắm!
Đêm nào tôi cũng ngửi đồ mới, dép mới trước khi ngủ và mong chờ mau tết. Chị Út
Lớn thấy hoài đâm ra bực, không cho tôi để gần chỗ chị nằm. Hai chị em cự nự, lấy
gối ôm chia ranh. Má tôi thì “thông cảm” bảo:
- Kệ nó con, cả năm trời mới có đồ mới em nó mừng mà!
Tôi khoái trá khi nghe má nói vậy, tôi thấy mắt má có nước,
nhưng cái con bé mới gần 6 tuổi như tôi làm sao hiểu được những gì chất chứa
trong mắt má.
Ngày ba mươi tết, chúng tôi bị người lớn sai như chong chóng
bởi má tôi nói đầu năm: nhà cửa phải sạch sẽ, nước, gạo, muối… phải đầy lu, đầy
hũ. Cây lá, trái, củ… thứ nào cần thì cắt đem vô nhà vì đến mùng ba cúng kiếu
ông bà và tết vườn xong mới được lặt bông, hái trái. Ăn bữa cơm rước ông bà chiều
ba mươi má tôi trông chị Sáu và bà chậm nước mắt nói “Tội nghiệp thằng Tám!”
khi nghe radio nghe hát “Xuân này con không về”. Tôi thì háo hức lấy dép và bộ
đồ mới ra. Chị Út Lớn nói:
- Mặc bộ đồ có nhánh mai vàng trước cho hên!
Tôi đòi mặc áo có hình cây đờn (bây giờ nghĩ lại: tôi thích
cây đờn vì có máu nghệ sĩ). Chỉ có vậy mà thành “đám giặc” vì mỗi đứa đều có
hai bộ đồ với hai loại vải giống nhau, chị Út Lớn và anh Mười muốn mặc đồ có
bông mai vàng trước, anh Chín với tôi không chịu, đòi mặc bộ đồ có hình cây đờn,
vậy là chia phe cãi lộn. Chị Hai phải can thiệp:
- Thích đồ nào thì mặc đồ nấy, của ai nấy mặc có gì mà rần rần,
má mắc tụi bây như mắc “cái gông ông Phủ Hường”!
Tôi vểnh cặp răng càng dế ra thắc mắc:
- Ông Phủ Hường là ai?
Má tôi bảo, nghe ông bà ngày xưa kể lại: “ông Phủ Hường ác lắm,
nếu dân làm gì ông không vừa lòng thì bắt bỏ tù đeo gông, ai cũng sợ và truyền
miệng như vậy!”.
Chị Út Lớn phân bua:
- Năm rồi mặc không giống nhau, tụi thằng Ngàn nó nói “anh em
tụi bây mặc đồ khín của nhau”!
Cuối cùng thống nhất, mùng một mặc áo có nhánh bông mai vàng,
mùng hai là bộ đồ có cây đờn. Còn mùng ba thì tùy vì mỗi đứa có hai bộ thôi.
Chị Hai vo tay áo, kéo tôi ra lu nước tắm gội, chà tay chân bằng
chanh rồi cắt móng cho tôi. Tôi xỏ chân vô đôi dép Nhật, chị Hai gỡ cái mạc dưới
dép tôi không cho, rồi ngắm bàn chân sạch bóng, bước đi nhon nhón vì sợ dép lấm
đất. Bốn anh em chúng tôi tràn ra con lộ đất trước nhà. Tụi thằng Ngàn giương mắt
ngó rồi che miệng:
- Anh em nó mang dép kìa tụi bây!
Các anh chị của tôi hơi ngượng vì “chân quen đạp đất”. Tôi
thì gân cổ:
- Ai như tụi bây hổng có dép mang!
Con Bế lân la tới gần hỏi mua bao nhiêu, tôi phồng mũi, mắt
treo trên ngọn dừa:
- Chị Hai tao mua ở tuốt Cần Thơ lận, không biết bi nhiêu nữa!
Chỉ thua anh em tụi tôi đôi dép mới thôi, chứ đứa nào cũng có
áo mới. Một hồi sự “kỳ thị” dép, giày đã lắng xuống, tụi tôi chơi “u hấp”. Anh,
chị tôi, bị đau chân nên lột dép để gốc dừa, còn tôi kẹp dép không quen đau kẻ
chân nhưng không chịu bỏ dép ra. Nước ba mươi lé đé liếp dừa, người lớn thỉnh
thoảng ngóng ra chỗ chúng tôi nhắc nhở:
- Coi chừng em té mương đó nghe tụi bây!
Nhưng đứa té xuống mương không phải là ba đứa trẻ mới biết đi
lẫm đẫm mà lại là tôi. Vì chạy thụt lùi tránh bồ bên kia qua, tôi lọt ùm xuống
mương. Con nước ba mươi lớn quá nên tôi bị hụt đầu và ực luôn mấy hớp nước.
Đang giãy giụa vì ngộp thì được ai đó nắm chân và bồng ngửa lên bờ. Tôi bật
khóc. Nhiều tiếng lao xao. Ai đó kêu “xốc nước” nhưng người khác bảo “không sao
mới té”. Tôi được đỡ đứng dậy, má tôi xem xét và hỏi có đau chỗ nào không, bấy
giờ tôi mới biết người vớt mình lên là ba thằng Ngàn. Tôi “hoàn hồn” và nhìn xuống
chân rồi khóc lớn. Ai đó kêu lên lo lắng:
- Coi nó có bị xóc cây vô lưng, vô bụng gì không? Đau ở đâu vậy
con?
Tiếng cười ồ lên đồng thanh, cùng lúc anh Mười thảy chiếc dép
trước mặt, tôi lượm lên nhưng chưa nín khóc:
- Còn chiếc nữa!
- Ai biết! Anh Mười đáp cụt ngủn.
Chị Hai dắt tôi vô nhà, tôi trì lại, chị bảo:
- Vô tắm thay đồ để cảm lạnh! Chín, Mười kiếm dép cho em!
Tôi được thay bộ đồ có hình cây đờn, tụi con Bế bao quanh, sờ
cây đờn và xăm xoi trên người tôi, nhưng chuyện đó giờ không còn quan trọng,
tôi lo không kiếm được chiếc kia. Hai anh tôi và đám con trai lấy bẹ dừa thọc
xuống đáy mương đến nổi bùn đen ngòm mà chiếc dép vẫn bặt tăm. Tôi vẫn thút
thít tới khi nước giựt ròng, chiếc dép từ trong bệ rễ dừa trôi ra. Tôi mừng quá
vừa khóc, vừa cười. Tụi con Bế được nước lêu lêu. Tôi cầm dép giá lên đòi đánh,
thì đứa nào đó nói:
- Chị Sáu mày về kìa Út Nhỏ!
Vậy là bốn anh em tôi đồng thanh:
- Chị Sáu về! Chị Sáu về!
Rồi ào tới, giành xách giỏ, xách túi phụ chị. Còn chị thì đón
bé Phương (con gái của chị) từ tay chị Út Lớn và nựng nịu. Má từ của ngó ra cười
rất tươi.
Ngoài ít quà bánh, mứt và túi lạp xưởng. Chị Sáu còn mang về
cái bồng bột bự và nói:
- Đồ cũ, cô Tám gởi cho tụi nhỏ, má lựa vài bộ cho anh em thằng
Ngàn với chị em con Bế nha má!
Tôi sáp lại bộ ván chỗ cái bồng, nghe chị nói vậy, cái mặt của
tôi lúc đó chắc hẳn vô cùng khó ưa:
- Hôi, hổng cho tụi nó!
Chị Hai tôi nhanh miệng:
- Hồi nãy lọt xuống mương ai vớt mày lên vậy mậy?
Chị Sáu ôm con Phương ngã lên võng và tròn mắt hỏi lại:
- Hả? Già đầu mà té mương hả? Trời ơi! Coi chừng mấy đứa nhỏ
nghe má! Ừ mà trong đó có cái nón cô Tám kêu cho Út Nhỏ!
Đang sửng cồ, nghe có “cái nón” tôi liền “hạ nhiệt”. Má bảo lựa
đồ rồi đem qua cho tụi nhỏ liền, để đầu năm cho đồ cũ không nên (nó cũ với con
nhà giàu, chứ với trẻ quê nghèo như tụi tôi thì quý lắm!).
Nhá nhem tối, tôi đội cái nón rộng vành màu hồng, có cái
nơ, giành ôm mấy bộ đồ qua cho con Bế. Ai cũng hiểu tôi đòi đi cho đồ không phải
“lòng hảo tâm” mà muốn khoe cái nón. Má rành “bụng dạ” của tôi quá nên kêu tôi
cùng chị Út Lớn, đem mấy bộ đồ cho hai nhà.
Tối đó, má tôi đốt lửa rơm nướng bánh phồng để cúng rước
ông táo cùng với dĩa thèo lèo. Bánh phồng nếp mà mấy bữa trước cả xóm cùng nhau
qua nhà thằng Ngàn quết, phơi xong chia ra mỗi nhà được hơn hai chục, bánh này
nướng bằng lửa ngọn, nhất là lửa rơm mới phồng lên và ngon. Chúng tôi thích lắm
cười giòn hơn cả tiếng tí tách của lửa. Chỉ có tết, chúng tôi mới được ăn ngon,
mặc đẹp như vậy. Ngày thường, anh chị tôi theo má ra ruộng, đi mót lúa, bắt cá,
bắt cua… Tôi cõng bé Phương chơi quanh xóm. Vui vẻ thì chơi, gây lộn thì cõng
cháu chạy về nhà, đóng cửa trốn rồi lấy cơm nguội hai dì cháu ăn. Khi “sang”
thì có cá kho, tép rang không thì chan tương hột, muối quẹt ăn với chuối chín.
Ăn xong, để mặt mũi bé Phương ngao nghến, hai dì cháu lên võng hát hò rồi ngoẹo
đầu mà ngủ. Thức dậy lại cõng cháu lòng thòng hai chân đi chơi. Có lần, ngủ dậy
hết cơm nguội, bé Phương khóc đòi ăn bánh, mới mua kẹo thiếu bà Bảy, chưa xin
được tiền trả nên đâu dám vác mặt qua quán của bà. Con bé cứ chỉ qua đó đòi ăn,
hai dì cháu đứng đầu cầu ngó qua tiệm với lủng lẳng bánh kẹo mà nuốt nước miếng.
Tôi dỗ dành là chiều ngoại về nướng cua, nó không chịu rồi quay qua chỉ quài dừa
nước đang trổ, đám ong dú vo ve. Tôi chuyền bập lá dừa (đi trên mấy bẹ lá dừa
nước người ta đã đốn lấy lá) chân đau buốt, bẻ được nhánh bông dừa nước cũng trần
thân. Bước lên bờ đưa tưởng nó chịu cầm chơi, ai dè ăn không được nó quăng xuống
rạch. Tôi xốc nách bồng nó, vừa đi, vừa dỗ dành. Bé Phương chỉ vô cây quít nhà
ông Tư Sở, tôi thấy có mấy trái dưới gốc. Vừa lượm lên, lột vỏ định đút cho nó
ăn thì tôi nghe tiếng ông Tư Sở gầm lên:
- Đ.M! Đứa nào hái trộm quít vậy!
Nghe tiếng mở cửa, tôi quăng trái quít và cõng cháu chạy thụt
mạng về nhà đóng cửa, trốn trong sàn giường. Con bé sợ cũng im re không khóc nữa.
Tới má tôi về mới dám mở cửa. Bữa đó má không cười như mọi ngày mà lôi tôi ra,
lấy mo nang (mo nang ôm bông dừa lúc trổ, chặt xuống phơi làm củi) quất tới tấp
vô mông, vừa đánh má vừa nói:
- Nay ở nhà bày đặt trộm cắp, hái quít của người ta! Đói lắm
hả?
Tụi con Bế, thằng Ngàn nghe tôi khóc, chạy qua đứng coi, như
coi hát, thằng Ngàn còn “châm thêm dầu”:
Cơn tức giận chưa nguôi, má quất vô tay tôi mấy cái mo nang,
không hề cho tôi phân trần mà còn lôi tôi lại từng nhà xin lỗi họ. (Con nhà
nghèo luôn “mắc lỗi”! Phải chi lúc đó có một miếng bánh phồng nhỏ, hay viên kẹo
thôi, cho bé Phương ăn thì tôi đâu mang nỗi hàm oan đau đến tận bây giờ!).
Tôi tự hứa với lòng sẽ hết sức cố gắng chờ giao thừa coi “con
gì ra đời”, vì nghe má nói lúc giao thừa con gì kêu lên trước thì con đó ra đời,
báo trước một năm thuận lợi hay khó khăn cho bá tánh(!?). Cúng ông Táo xong, má
tôi dọn dĩa bánh mứt trên bàn thờ chia cho tụi tôi, hai chị lớn dỗ con ngủ.
Chị Sáu để bé Phương nằm trên ngực, tôi nằm trên võng cùng chị và ngáp dài rồi
díp mắt, miếng thèo lèo rớt xuống cổ không hay.
***
Sáng mùng một má cười bảo năm nay nhà mình mần ăn khá và khen
anh Chín thui nhánh mai chưng khéo nên nó tươi chong, nở bông đẹp.
Suốt ngày hăm chín, ba mươi Tết, lớn nhỏ đều “đầu tắt, mặt tối”
dọn dẹp, chưng bày, chuẩn bị các thứ…nên mùng một chỉ có người lớn vô bếp, còn
anh em tôi thì được tự do đi chơi. Mùi chiên xào, quyện cùng khói bếp tỏa ra cả
ngoài sân. Tôi dậy sớm, trông đợi mặt trời lên. Vườn dừa cao nghệu, lá dày đặc,
nắng khó lọt qua. Con lộ trước nhà cũng là cái bờ dừa lớn, mát rượi, hai anh
trai chụm đầu vào sòng bầu cua. Chị Út Lớn để bé Phương chơi với em thằng Ngàn,
chị cùng tụi con Bế, móc chân vào nhau chơi “bắc kim thang”.
Hôm qua, hơi tối, đèn dầu leo lét chuyện khoe nón của tôi
“chưa thành công lắm” nên tôi vẫn chưa hài lòng. Ngồi võng, mang dép, đội nón
đưa vùn vụt ngoài hàng tư mà không ai để ý, tôi ngưng đưa võng tới cửa tủ ngắm
nghía. Chị Hai vừa cho bé Trúc ăn dặm, vừa mắng yêu:
- Má coi kìa, Út Nhỏ giống ai mà nhí nhảnh quá!
Tiếng má tôi vọng ra từ trong bếp:
- Thì giống ổng (ba tôi) chớ giống ai! (tôi ghét ai nói tôi
giống ba, trừ má nói).
Ngắm nghía xong, tôi đến bên chị Hai há miệng “cá sấu” xin ăn
thử cháo thịt bằm của bé Trúc, chị cho tôi muỗng đầy. Tôi ngậm miệng, chùi mép
sợ má thấy rồi đội nón ra ngoài lộ. Ai nấy lo chơi sôi nổi, không để ý gì tới
cái nón của tôi. Tôi kiếm chuyện đòi chơi “bắc kim thang”, chị tôi không cho vì
tôi còn thấp, chân ngắn móc vô đứng không vững bị té. Sẵn “quê” vì không ai
khen nón đẹp, tôi òa khóc vô méc má là chị không cho chơi chung. Chị Sáu dỗ:
- Út ra dẫn bé Phương vô chị cho ăn cháo, chút nữa chị lì xì
cho cưng, không cho Út Lớn hén!
Má từ trong bếp ra, mùi khói, mùi chiên xào đi theo. Má nói
ngọt:
- Út ra cõng cháu vô đi, mùng ba má dành cho con cái đùi gà!
Anh chị mày quanh năm cực khổ để cho tụi nó chơi đi con!
Tôi thấy lòng hớn hở, sờ chân mày, mái tóc cháy sém của má và
hỏi:
Chị Sáu cười sặc sụa vì có lần tôi bị cháy chùm tóc trước
trán do chị Út Lớn lấy cây đập rơm (bằng khúc sắt nhỏ tra cán như cán dao) vùi
nó vô bếp than cho nóng rồi quấn vô tóc cho tóc quăn, nhưng chị để cây sắt cháy
đỏ, khi nắm nguyên chùm tóc uốn mái cho tôi thì nghe cái xèo, cùng mùi tóc cháy
là nắm tóc rời khỏi đầu, may mà không phỏng mặt. Chị bị má quất cho mấy roi vì
bày chơi dại. Còn tôi thì mất chùm tóc trước trán lâu lắm má mới sửa được cái
mái “bơm bê”.
Má nghe vậy cũng cười. Chị Hai nói thay:
- Hồi hôm má đốt lửa rơm nướng bánh phồng nếp cho tụi bây ăn
nên bị cháy, chớ uốn tóc gì mậy!
Tôi nhảy chân sáo ra cõng bé Phương vô nhà. Chị Sáu “thưởng
nóng” miếng dưa hấu đỏ tươi, thơm phức, cắn vô miệng cơm dưa như có cát tràn
hai bên mép, ngọt lịm…Cứ như vậy đó mà anh em chúng tôi luôn mong chờ tới Tết!
Mùa nối tiếp mùa!
Má tôi, người đàn bà quê đầy bao dung, chân chất vẫn luôn chật
vật với cái ăn, cái mặc cho đám con đông đúc. Mắt vẫn ngó xa xăm và nước mắt
lưng tròng khi những đứa con xa tới tết không về.
Đến lúc làm mẹ, đến lúc tự lèo lái cuộc sống, tôi mới
hiểu vì sao má tôi và những người đàn bà xóm nghèo đến khuya ba mươi Tết mới thắp
đuốc, quảy gánh, hú hí nhau đi chợ. Đêm đêm, khi đối diện chính mình, lòng cứ xốn
xang khi nhớ cái chân mày, mái tóc cháy sém của má hồi ấy; rồi sụt sùi thương
cho “cái con bé tôi” ngày xưa, cứ có cái gì lạ là hay khoe nên bị má mắng yêu:
“Nó là cái thứ chưa từng thấy của, có cái quần phèn, chó sủa sáng đêm!”.
Bây giờ quanh năm: bánh mứt, dưa hấu, lạp xưởng… chợ, siêu thị
đều có. Tết bây giờ cũng khác lắm ngày xưa.
Và tôi, người đàn bà nửa quê, nửa tỉnh, khi gió chướng tràn về,
trời se lạnh, nước kênh Chợ Gạo có chỗ ngập bờ, tôi rưng rưng đợi con, lòng
quay quắt nhớ về những cái Tết của ngày xưa!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét