Sự tài hoa của Nguyễn Thuật
Nguyễn Thuật (1842-1911), tự là Hiếu Sinh, hiệu là Hà Đình,
quán tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị
trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong gia đình Nho
học, làm quan trải qua nhiều đời vua nhà Nguyễn. Từng được bổ làm Biên tu sung
Hàn lâm viện nội các, rồi thăng làm Giáo đạo trường Dưỡng Thiện, dạy các Hoàng
Tử. Năm Tự Đức thứ 34 (1881), ông làm Tham tá các vụ, lãnh bộ Hộ thị lang, rồi
nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), được cử làm
Phó sứ sang Trung Quốc lần thứ hai. Sau khi về nước ông được bổ làm các chức vụ
như Tuần phủ Thanh Hóa (1885), Tổng đốc Thanh Hóa (1887), Phó tổng tài Quốc sử
quán (1896), Thượng thư bộ Lại (1903),… Di cảo thi ca của ông để lại tương đối
phong phú đa dạng thể hiện sự uyên bác, tài hoa của bậc đại thần Nho học.
1. Từ điệu từ duy nhất...
Trong
tất cả các sáng tác của Hà Đình Nguyễn Thuật (1842-1912) chỉ có một sáng tác
duy nhất được làm theo thể loại từ (1), nhưng bài từ ấy đã nói lên được sự
tài hoa của Nguyễn Thuật đúng như lời nhận xét của Hà Thiên Niên, một học giả
người Trung Quốc rằng: “bài từ này thuộc phái Hào phóng, về nghệ thuật
không có điểm nào là không khả thủ”. Nội dung bài từ ấy như sau:
Thúy Vân (2) sơn sắc,
Hoảng Bồng Lai, nhất phong phủ hám xuyên trạch
Củng hộ Thần kinh tiêu thắng tích,
Cự chỉ xuất thê thiền trạch.
Túc giá nghinh phong,
Chu sư kích tiếp,
Vạn diệp đào ngấn bạch.
Trung lưu cố phán,
Tưởng tượng đương niên phá địch.
Nham bạn tùng bách sân sâm,
Lương tiêu hiến sảng,
Hoa lạc hương sinh tịch.
Tĩnh tọa sơn đình lâm viễn hải,
Để sự bất vong trù hoạch.
Phá lãng phi tài,
Mạn vấn Chi cơ thạch(3).
Đẩu nam chiêm vọng,
Dịch nghĩa:
Sắc núi Thúy Vân,
Ngỡ đảo Bồng Lai, một ngọn cúi trông xuống dòng sông.
Ôm ấp bảo vệ Kinh đô, là nơi cảnh đẹp nổi bật.
Há chỉ là chỗ dựng ngôi nhà để ngồi thiền.
Xa giá buổi sớm đón gió,
Thuyền của quân đội gõ mái chèo,
Muôn lớp sóng trắng xóa.
Ngoảnh trông giữa dòng,
Tưởng nhớ đến việc phá quân giặc năm nào.
Triền non tùng bách um tùm,
Gió lộng thổi đem đến sự khoan khoái,
Hoa rụng, hương bay từ trên chiếu.
Ngồi lặng ở ngôi đình trên núi trông ra biển xa,
Không quên trù tính mọi việc.
Chẳng có tài phá sóng,
Chuyến này thả chiếc bè,
Trộm hỏi đá Chi cơ,
Ngước trông sao Đẩu trời Nam,
Đêm này năm tới sẽ tới Yên Kinh.
Bài
từ này được sáng tác dựa trên từ điệu Niệm Nô Kiều(4), chép trong Hà Đình ứng
chế thi sao荷亭應 制詩抄 (kí
hiệu: VHv.2238) khi Nguyễn Thuật họa lại bài Hạnh Thúy Vân 幸翠 雲 (xa giá lên núi Thúy Vân)
của vua Tự Đức. Dựa trên đặc tính của thể từ, các câu trường đoản nhịp ngắt
liên tục cộng với cách gieo vần trắc đã tạo cho từ điệu sự nhịp nhàng nhưng
không kém phần phóng khoáng. Tài hoa của tác giả còn thể hiện ở chỗ vừa tái hiện
được vẻ đẹp như chốn Bồng Lai của núi Thúy Vân lại có thể gợi mở thiền thức và
tượng cảnh trong trí của độc giả về núi Thúy. Bài từ thể hiện sự lan tràn của
suy tưởng trước cảnh vật tưởng như thoát tục nhưng cũng gửi gắm vào trong đó
không ít ưu tư của vị đại thần trước thời cuộc đất nước, trong đó có việc liên
quan chặt chẽ đến chuyến đi sứ sẽ diễn ra vào năm sau (đêm này năm tới sẽ
tới Yên Kinh), tức là năm 1880 (5).
Từ là thể loại ít được các thi nhân trung đại Việt Nam lựa chọn
để sáng tác, cho nên tác phẩm này chỉ nằm trong số rất ít, tiêu hiểu cho việc
điền từ và sáng tác từ trong những thế kỷ trước. Nó thể hiện được sự tự do
phóng tác, cảm xúc của người viết không ngừng được tuôn trào, bất chấp những bó
buộc của thể thức. Khi đọc lên âm hưởng cộng với nhạc tính, bối cảnh núi Thúy
hiện ra như một bức tranh thủy mặc càng khiến người đọc có cảm giác thư thái dễ
chịu. Đây là điệu từ thể hiện nét tài hoa và tâm hồn ưu nhã của Hà Đình trong
việc lựa chọn thể loại sáng tác để bày tỏ xúc cảm của mình.
2. Cho đến các sáng tác thi ca
Cũng giống như tất cả các nhà nho là thi nhân, nhân sinh và cảnh
tượng luôn là những gợi ý cho những sáng tác hầu gửi gắm vào đó nỗi niềm tâm sự.
Nguyễn Thuật sinh ra, lớn lên và làm quan trong một giai đoạn lịch sử đầy biến
động của thế kỷ XIX, lại từng là người được đi ra ngoài vùng lãnh thổ của nước
Việt, hẳn con người ấy sẽ càng có nhiều xúc cảm và sự từng trải để chiêm nghiệm
về cuộc đời, thế sự. Sáng tác của Hà Đình tương đối đa dạng (6) về thể
loại, ngôn từ giàu hình tượng lại toát lên cốt cách của bậc trượng phu.
Những vần thơ trên hành trình đi sứ
Tâm thế bất nhục sứ mệnh luôn thường trực trong tâm
tưởng của Nguyễn Thuật, đây là bài thơ họa lại thơ vua Tự Đức ban tặng cho ông
trước kỳ lên đường đi sứ.
Nhân lạc trọng hành hành,
Thu phong vạn lý tình.
Thị thư từ ngọc án,
Phủng tiết xuất thừa minh.
Dịch lộ kinh mai tảo,
Xa trần sóc tuyết thanh
Hồi chiêm Nam cực dạ,
Tâm cộng phiến vân oanh (7)
Dịch nghĩa:
Cỡi
ngựa hoa lên đường đi sứ xa,
Gió
thu thổi dâng mối tình vạn dặm,
Khi bên án ngọc đứng hầu thơ,
Nay cầm cờ tiết ra đi vâng mệnh theo lời sang.
Nơi đường trạm mai nở sớm,
Xe đi trong gió bụi dưới trời lắng tuyết.
Trong đêm ngoảnh mặt nhìn về cõi Nam.
Lòng vương vấn theo đám mây.
(Bản dịch Nguyễn Ngọc Quận- Lê Quang Trường)
Bài thơ mang nét đẹp diễm lệ của cổ thi nhưng cũng không kém
phần hùng tráng, tráng chí của sứ giả bàng bạc khắp bài thơ lẫn trong gió thu
thổi dâng mối tình vạn dặm, trong tay luôn giữ chặt cờ tiết, lòng ngùi ngùi hướng
về cõi trời Nam.
Rồi khi ra đến cửa ải trong bài Khải quan (ký hiệu: VHv. 852)
Bắc hộ tình yên vạn lĩnh khai,
Nam đoan hồng nhật diệu song đài.
Tằng thành pháo trục quân hà động,
Cố quốc vân tùy sứ tiết lai.
Nhập cảnh nhân tình mang ứng tiếp,
Vong gia thần phận cảm bồi hồi.
Dự kỳ cách tuế xuân phong tảo,
Mã thủ hồi khan tái thượng mai.
Dịch nghĩa:
Phía
cửa bắc, khói tạnh, hiện lên muôn đỉnh núi nhấp nhô,
Phía nam, mặt trời đỏ chiếu sang hai đài.
Trên tầng thành cao, pháo nổ và kèn thúc quân vang dội,
Mây cố quốc bay theo sứ giả mà đến.
Tình người ở biên giới ân cần đón tiếp,
Vì nước quê nhà, phận bề tôi nào dám bồi hồi.
Dự tính rằng đến sang năm khi gió xuân thổi sớm,
Được cưỡi ngựa trở về nhìn hoa mai trên vùng biên giới.
(Bản dịch Nguyễn Ngọc Quận – Lê Quang Trường)
Đất, trời, mây núi nước Nam luôn lắng đọng trong tâm tưởng của
sứ giả trước khi rời cửa ải sang đất khách. Cờ tiết mao chưa lúc nào thôi hiện
diện và lồng trong hình cố quốc như càng nhắc nhở người đi sứ thêm nguyện “vì
nước quên nhà, phận bề tôi nào dám bồi hồi” và đương khi ấy, trong lòng đã
mường tượng ra khúc khải hoàn ngày trở lại “dự tính rằng đến sang năm khi
gió xuân thổi sớm, được cưỡi ngựa trở về nhìn hoa mai trên vùng biên giới”.
Mặc dù thân mang trọng trách chẳng thể xa rời trong giây lát
nhưng trước cảnh vật nơi biên ải cộng với tâm hồn nghệ sĩ, nét bút tài hoa ấy
đã kịp ghi lại những cảm nhận trên suốt chặng đường dài.
Sang đất khách, những danh thắng đã “từng chứa vài trăm
trong dạ” khi còn đọc trong kinh sử nay lại hiện lên trước mắt. Tiếp nối
nguồn cảm hứng thi ca cổ trong cảm thức đăng cao, vịnh cảnh, Nguyễn Thuật đã để
lại rất nhiều bài thơ lưu dấu ấn của mình như chùm bài thơ Ngô Châu thập thủ
(mười bài thơ về đất Ngô Châu) hay các bài thơ miêu tả cảm nhận của mình khi đến
lầu Hoàng Hạc. Dưới đây là bài thơ Đăng Hoàng Hạc lâu(8):
Trần cảnh mang mang bất ký thu,
Thiên hoang địa lão thặng tư lâu.
Tiên ông hà xứ thừa vân hạc,
Tra khách kim triêu thướng đẩu ngưu.
Giang khoát ngư long ba tiệm noãn,
Xuân thâm anh vũ thảo do sầu.
Đăng lâm khước lạc Đường nhân hậu,
Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu.
Trần thế mênh mang chẳng nhận biết được thời gian,
Trải qua thiên trường địa cữu, ngôi lầu vẫn còn đây.
Ông tiên đã cưỡi hạc bay về nơi xa khuất,
Khách dạo thiên hà nay tìm tới sao đẩu sao ngưu.
Ngư long dưới sông sâu, song nước dần ấm lại,
Anh vũ hót giữa xuân già, cỏ cây vẫn đang sầu muộn.
Mặc dù lên đây sau người đời Đường,
Nhưng được ngắm kỳ quan cảnh thuyền ngoài biển xa.
Điểm
nhìn của tác giả là từ trên cao vọng xuống, lúc này đã đăng lâu, phóng tầm mắt
trông xa cảnh vật như hiện ra như một bức tranh thủy mặc nhuốm màu thời gian cổ
độ. Trục không gian- thời gian hòa quyện cùng dòng niệm tưởng. Bất lực trước sự
miên trường của vũ trụ và sự hữu hạn của đời người. Khách dạo bước và ngút nhìn
lại quãng thời gian xa ngái, Hoàng Hạc vẫn khoác lên mình màu áo huyền thoại về
truyền thuyết tiên ông cưỡi hạc, ám ảnh thi nhân từ thiên cổ cho đến tận bây giờ.
Độc giả như bất giác rợn ngợp trước không gian rộng lớn và trơ vắng của cổ lầu.
Niềm an ủi duy nhất của tác giả đó là được ngắm kỳ quan cảnh thuyền ngoài biển
xa. Tứ thơ đã thoát khỏi khuôn sáo mô típ gợi nhắc về “giấc hương quan” của
Thôi Hiệu từ mấy trăm năm trước cũng như thể hiện sự hòa điệu của tâm hồn khách
sứ trước cảnh đẹp quanh mình.
Từ
một số bài thơ trên hành trình đi sứ, Nguyễn Thuật vừa thể hiện là một con người
đầy quyết tâm với sứ mệnh của mình bên cạnh đó còn thể hiện được tâm hồn cao
nhã qua nét bút đầy tài hoa.
Thơ biểu lộ tâm trạng ưu tư trước thời cuộc
Nguyễn Thuật một nhà nho-thi nhân-bậc đại quan từng trải qua
đến bảy đời vua nhà Nguyễn từ Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng
Khánh, Thành Thái, đây là thời kì lịch sử có nhiều biến động. Thực dân Pháp đã
lần lượt xâm chiếm đất nước ta. Nhà Nguyễn có nguy cơ đứng trước sự sụp đổ. Đứng
trước sự lựa chọn chính trị, Nguyễn Thuật đã có sự lựa chọn cho riêng mình,
không đứng vào hàng ngũ của Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, ông chọn cách cáo quan
về hưu rồi mở trường dạy học ở quê nhà. Khí tiết của một vị quan chân chính
càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Tinh thần dân tộc của ông được thể hiện khắp
trong các áng thơ văn như: Yết Phục Ba từ (viếng đền Phục Ba), Trưng
Vương nữ tại hạ quốc diệc sung tự bất thế (Trưng Nữ Vương của nước ta cũng
mãi được tôn thờ), Đề Phục Ba miếu (đề thơ miếu Phục Ba)…..Tấm lòng
yêu nước của Nguyễn Thuật luôn hướng về trời Nam.
Vệ cầm hàm thạch không sân hận
Việt điểu sào Nam cảm quyết phi (tức sự II)
Dịch nghĩa:
Biển Đông ngậm đá không ân hận
Chim Việt tìm cành há ngại bay
Cánh chim Việt bay không mỏi mệt, quyết đi tìm tổ ở cành Nam.
Vần thơ thể hiện niềm cảm khái sâu sắc của Nguyễn Thuật đối với nước non.
Dù
có mang khí phách “trượng phu chí tứ hải, Hà túc ngôn lữ sầu (trượng
phu chí ở bốn bể, đáng chi mà nói đến sầu lữ thứ) (Quế Đường thi tập, Lê Quý
Đôn) nhưng trước thời họa xâm lược, thơ của sứ thần cũng thường thể hiện nỗi
trăn trở, lo lắng trước vận mệnh của triều đại. Nguyễn Thuật đã thể hiện niềm
tâm tư sâu kín ấy nhất là trong các bài Tức sự (9)của mình:
Tráng
du nhân tận xỉ khinh phì,
Dục hiệu thừa sà sự dĩ phi.
Viễn hải kinh khan ngưu mã cập,
Đồng minh thùy niệm phụ xa y.
Dịch nghĩa:
Trong cuộc tráng du, mọi người đều thích cừu nhẹ, ngựa béo,
Riêng ta cũng muốn bắt chước người cưỡi bè xưa, song sự việc
nay đã khác rồi.
Nơi bể xa, giật mình thấy loài trâu ngựa mò đến,
Bạn đồng minh, ai là người nghĩ tới việc dựa vào nhau như môi
với răng
Đây chính là tâm trạng trong chuyến đi sứ lần thứ hai, việc
thương thuyết bất thành, không cầu viện được sự giúp đỡ của nhà Thanh để đối
phó với quân Pháp của Nguyễn Thuật. Hơn nữa, trong nhãn quan của những người
đương thời, phương Tây luôn là điều gì đó xa lạ khác với sự quen thuộc truyền
thống. Từ trong tư duy, Nguyễn Thuật cũng chưa thực sự mạnh mẽ dứt khoát đón nhận
sự mới mẻ đó. Ông đã nhìn vào thế giới mới đó bằng tâm thế dè chừng cảnh giác
nhưng cũng đầy tin tưởng về sự trường tồn của dân tộc.
Thiết thuyền loan ngoại yên ba diểu,
Đồng trụ thiên biên nhật nguyệt khai
Dịch nghĩa:
Thuyền sắt ngoài vịnh kia khói sóng mù tăm,
Cột đồng biên giới đứng vững trơ trơ giữa tháng ngày (Trưng
Vương nữ tại hạ quốc diệc sung tự bất thế).
Ưu tư trước thời cuộc đó là sự thể hiện nỗi trăn trở, đồng cảm
cùng với những gian truân của vận mệnh đất nước với lịch sử của dân tộc. Sự thể
hiện lòng yêu nước đó của Hà Đình khác chăng bởi ông là một con người tài hoa
mang tâm thế của một mệnh quan triều đình đứng trước cuộc đổi thay của thời thế.
Những vần thơ đầy tâm trạng nhưng chưa bao giờ yếm thế, tuyệt vọng với thế cuộc.
Thơ văn họa ký đề trên thắng cảnh non sông
Thơ Hà Đình không chỉ có sự trăn trở thời cuộc, những lần lãnh nhiệm chức vụ làm quan cai quản những vùng đất khác nhau, Hà Đình đều để lại dấu ấn. Đó chính là con người rất yêu thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của dân tộc. Trong số đó có Tiểu biệt danh lam là một bài thơ được khắc trên núi Ngũ Hành (Đà Nẵng) mà ít người biết đến:
Thơ Hà Đình không chỉ có sự trăn trở thời cuộc, những lần lãnh nhiệm chức vụ làm quan cai quản những vùng đất khác nhau, Hà Đình đều để lại dấu ấn. Đó chính là con người rất yêu thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của dân tộc. Trong số đó có Tiểu biệt danh lam là một bài thơ được khắc trên núi Ngũ Hành (Đà Nẵng) mà ít người biết đến:
Tiểu biệt danh lam hựu thập niên
Bình tung mộng nhiễu thủy vân biên
Thuộc xa hộ tòng trùng quá thử
Cổ điện linh quang thượng nguy nhiên
Vạn tuế sơn ngôn dĩnh hạnh vọng
Nhất du đế ý giới lưu liên
Bích vấn thi cú sa lung hảo
Lan giá lịnh nhân ức tích hiền
Đây là cảm xúc sau mười năm lại đến thăm núi Ngũ Hành, nhìn
mây và sóng lớp lớp cuộn vào nhau gợi cho tác giả nhớ đến lần theo hầu vua đi
ngang qua nơi này. Cổ điện xưa vẫn hiện ra nguy nga uy nghiêm, lời đá núi ngàn
năm còn vọng lại. Bài thơ thể hiện tâm hồn hào sảng của Nguyễn Thuật trước cảnh
vật của non nước Ngũ Hành.
Trong thời gian giữ chức tổng đốc Thanh Hóa, khi đến thăm thắng
tích Kim Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, ông đã soạn bài “Tu Ngọc Sơn động
kí”, được khắc trên vách đá cao của động Ngọc Kiều, với nội dung ngợi ca cảnh
đẹp nơi này:“Ta bốn năm làm đốc học Thanh Châu, có lần đã đi thăm Bàn A Châu
phong cựu Quan Lan Sào, xây lại Hạ Đình bị mất đi cũng là để làm vui cho những
người thích đi du ngoạn. Đối với Ngọc Sơn cũng thế. Kỳ quan này cách quận thành
khá xa. Có một hôm người coi giữ ngựa của tỉnh chèo thuyền nhẹ đưa đi thăm danh
thắng này. Đến nơi lại thay bằng thuyền nhỏ, vượt qua đầm sâu vào cửa động.
Trong động có một chỗ thênh thang như ngôi nhà nghìn gian rộng lớn, nước trong
lặng không chút gợn nhỏ, tuôn ra như một băng hồ. Khua chèo thì tiếng chuông đá
âm vang. Thuyền xuyên qua thì thấy ánh sang bắn lên tung tóe, nghe vang vọng
như tiếng tơ tiếng trúc, khúc gì bản hòa tấy trên chốn quân thiên? Bên cạnh động
tựa như chốn Quảng Hàn trong đêm. Nơi thì có chỗ giống như bếp núc nấu nướng.
Nơi thì như phòng ở có cửa sổ, dường như tích của những kẻ tránh đời thuở xưa?
Đó là những cái kỳ tráng của Thúy động, khó mà từng cái, từng cái mô tả hết được” (10). Lời
văn thật đẹp ý văn thật hay, trong trẻo, đọc lên như mường tượng ngay được vẻ
tuyệt diệu của cảnh động.
Trong họa bút miêu tả cảnh đẹp của Bàn A Sơn (thuộc làng Vồm,
xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), được Nguyễn Thuật thể hiện bằng
màu nước trên giấy, người xem như thấy được cảnh núi non xinh đẹp của thắng cảnh
xứ Thanh. Rồi ông cũng tự tay chấp bút đề thơ bày tỏ tâm trạng khó quên khi đến
thăm Bàn A Sơn lần nữa. Bức họa và bài thơ vẫn đang được lưu giữ ở từ đường tộc
Nguyễn Công ở Hà Lam, Thăng Bình cho đến ngày nay đều thể hiện được vẻ tài hoa
trong nội tại của Hà Đình. Nội dung bài thơ ấy như sau:
Trùng du Bàn A Sơn
Hà niên câm khiếu thủy vân ôi
Liêm sử phong lưu vị dịch tài
Triều thị kỷ canh sào tự tại
Giang sơn như tạc ngã trùng lai
Nghinh huân tọa hảo nham hoa lạc
Chữ mính tuyên phân thạch tỉnh khai
Dịch dịch thế đồ nhơn diệc lản
Bất phương trụ trượng địch phù ai.
Dịch nghĩa:
Lại
đi chơi núi Bàn A Sơn
Năm
nào vùng nước lạnh căm xa vắng
Khiến phong lưu không trổ được tài
Làm quan hay làm dân bao lần vẫn tự tại
Giang sơn như cũ ta lại đến đây
Đón hơi thơm, ngồi quét hoa rơi bên hang đá
Nấu trà nước suối, sẵn đây giếng mời
Mãi lo toan, đường đời ai cũng mệt
Ngại gì chống gậy chơi giặt sạch bụi mù.
Bài
thơ này cũng tỏ rõ nhàn chí của Nguyễn Thuật. Dù rất hăm hở trên đường đời lúc
tuổi trẻ làm quan giúp nước nhưng khi luống tuổi cũng muốn được thảnh
thơi “chống gậy chơi giặt sạch bụi mù”. Rủ bỏ trần thế danh lợi đến
nơi non cao nước biếc thưởng trà chống gậy, quét hoa rơi, ngồi bên hang đá.
Bài
thơ được treo trang trọng ở từ đường của hậu duệ của ông để nhắc nhở hậu sinh về
ý vị của cuộc sống, cách xuất xử ở đời. Phong thái ung dung tự tại dù làm quan
hay làm dân của Nguyễn Thuật được thể hiện khá rõ.
Như
vậy thi ca của Hà Đình chính là sự tiếp nối xu hướng vận động của thi ca và văn
học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX. Nhìn từ phương diện hình thức về cả lối đặt
nhan đề, thi liệu, hệ thống tên địa danh,.. đều nhận thấy rõ tuy chưa có gì nổi
bật nhưng nó cũng mang nhiều yếu tố riêng của Hà Đình. Khảo qua một vài giai phẩm
chọn lọc bao gồm nhiều thể loại từ thi họa, bi ký có thể thấy được lối viết khá
tài hoa phóng túng, điều ấy làm nên dấu ấn riêng biệt của Hà Đình. Thơ văn ông
đã bộc lộ được cái tôi của chủ thể trữ tình, thoát ra được vùng tư tưởng Nho
giáo để vươn đến thế giới đời thường gần gũi, sinh động.
(1) Từ
là thể loại văn học độc đáo có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên gọi đầy đủ
là Khúc tử từ, nghĩa là phần lời của bài hát. Sáng tác từ ban đầu được thực
hiện theo nguyên tắc tiên nhạc hậu từ - nhạc trước lời sau; ỷ
thanh điền từ - nương vào âm nhạc để điền lời. Dựa trên cơ sở bản nhạc có
sẵn, người viết từ, điền lời vào cho bản nhạc ấy để diễn xướng, phần lời
đó chính là từ còn thao tác viết từ gọi là điền từ. Ở Việt Nam bài từ đầu
tiên được ghi nhận là bài Vương Lang quy do thiền sư Ngô Chân Lưu
sáng tác dùng để tiễn sứ giả nhà Tống là Lý Giác về nước vào năm 987. Theo thống
kê, chỉ có khoảng 40 tác giả Việt Nam sang tác theo thể loại này, chứng tỏ từ không
phải là thể loại được yêu chuộng tại Việt Nam trước đây.
(2) Núi
Thúy Vân, nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(3) Theo
truyền thuyết, thời Hán có người tên là Trương Khiên cưỡi bè ra biển, rồi lên tận
sông ngân hà, dưới ánh trăng gặp người con gái đang dệt vải, lại thấy một chàng
trai dắt trâu ra sông uống nước. Người con gái trao cho Trương Khiên hòn đá Chi
cơ, một loại đá dùng để kê khung cửi. Về sau, trong văn chương thường dùng điển
cưỡi bè sao hoặc điển Trương Khiên cưỡi bè ra biển để chỉ việc đi sứ.
(4) Niệm
Nô Kiều nghĩa là nét đáng yêu mềm mại của Niệm Nô 念 奴, tên một danh kỹ sống vào thời Đường Huyền Tông niên hiệu
Thiên Bảo (742-756).
(5) Năm
Tự Đức thứ 33 (1880) Nguyễn Thuật làm tham tá các bộ, lãnh bộ Hộ thị lang, rồi
nhận lệnh làm Chánh sứ sang Trung Quốc, cùng đi với ông có Thị độc học sĩ sung
chức Sử quán Toản tu Trần Khánh Tiến hàm Hồng lô Tự khanh làm Phó sứ thứ nhất;
Lang trung bộ binh Nguyễn Hoan hàm Thị độc học sĩ sung chức Phó sứ thứ nhì.
(6) Các
tác phẩm của Hà Đình phong phú về thể loại: Hà Đình ứng chế thi sao, Hà Đình
văn tập, Mỗi hoài ngâm thảo, Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Khoái thư trích lục, …
(7) Trích
bài Tân Tỵ tuế cống, mông cải thụ Lễ bộ tả thị lang, sung chánh sứ, tần
hành phụng Ngự chế tứ thi cung họa nguyên vận (Năm Tân Tỵ đến kỳ tuế cống,
đội ơn đổi nhận chức Tả thị lang bộ Lễ, sung làm Chánh sứ. Rút từ tập Mỗi hoài
ngâm thảo.
(8) Bài
thơ thứ hai về lầu Hoàng Hạc của Nguyễn Thuật. Đề Hoàng Hạc Lâu:
Ngọc địch thanh tàn nhất hạc phi,
Giang phong vô dạng nhập song xuy.
Linh hòa lại hưởng thiên gian ngữ,
Ba tịnh yên phù địa tản si.
Cảnh đáo tình dư kham nhập họa,
Bút tùng các hậu cánh vô thi.
Bạch vân dao chỉ tây nam ngoại,
Thủy biện nga phân khả đáng quy.
Dịch nghĩa:
Tiếng sáo ngọc đã dứt, một cánh nhạn vút lên cao.
Hàng phong nhàn rỗi bên sông đưa gió vào cửa sổ.
Điệu chuông điệu sáo hòa vào như lời nói giữa khoảng không,
Làn song làn khói quyện mình nũng nịu cùng bến nước.
Cảnh vật đến khi quang đãng đáng vẽ thành một bức tranh,
Từ khi (Lý Bạch) gác bút đến nay không có thơ hay được đề nữa.
Chỉ đám mây trắng bay xa xa ngoài cõi tây nam,
Mới nhớ ra rằng phải sớm trở về.
(9) Phạm
Thiều - Đào Phương Bình (Chủ biên), Thơ đi sứ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, tr
50-507.
(10) Hồng
Phi-Hương Nao, Bút tích của Nguyễn Thuật mới phát hiện ở Thanh Hóa, TBHN,
2002, tr 444-449.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyên Lộc (1976), Văn học Việt Nam
nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb ĐH và Trung học chuyên nghiệp
Hà Nội, 1976
2. Nguyễn Q. Thắng (2005), Hà Đình - Nguyễn Thuật Tác Phẩm, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét