Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Ngàn năm mây trắng

Ngàn năm mây trắng
"Trên non Yên Tử chòm cao nhất 
Trời mới canh năm đã sáng tinh 
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh..." 
Thơ Nguyễn Trãi
Cứ mỗi độ xuân sang, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền lại vân tập về miền non thiêng Yên Tử để được đắm mình trong mây ngàn gió núi, trong ngân nga tiếng chuông chùa vọng từ rừng thẳm - thứ thanh âm nâng đỡ tâm hồn Việt từ ngàn xưa. Rằng phía sau ánh hào quang chiến thắng, trong khói ấm của mùa màng phong vượng vẫn còn đó tiếng thầm thỉ của phận người, của lẽ tử sinh, của cuộc dung thông huyền nhiệm trong vũ trụ. Khát vọng khám phá tự nhiên và lòng thương yêu chúng sinh đã tụ lại dưới ngàn mây Yên Tử - mái nhà tâm cảm sau cuộc kháng chiến vĩ đại của quân dân Đại Việt.
Từ Hà Nội xuôi Quốc lộ 18 về Chí Linh, Phả Lại - một vùng núi non kỳ vĩ của xứ Đông xưa, nay là địa đầu của tỉnh Hải Dương. Bên kia là Lục Đầu giang mênh mông sóng nước; bên này là Côn Sơn, Kiếp Bạc, một vùng danh thắng hữu tình, là nơi yên giấc nghìn năm của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... những bậc anh hùng hào kiệt mà tên tuổi đã tạc ghi sử sách. Qua Mạo Khê, trước mắt thấy sừng sững dải vòng cung Đông Triều chắn ngang chân trời. Những ngọn núi cao xanh thoắt ẩn, thoắt hiện trong bồng bềnh mây trắng. Núi vẫn đứng đó từ ngàn xưa, mà sao bảng lảng như có như không. Quá trung niên mới hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tôi như đứa trẻ thơ ngây, vừa ngỡ ngàng, vừa mừng vui khôn xiết trước một vùng huyền sử chứa đầy kỳ tích linh thiêng của non nước Việt Nam, con người Việt Nam.
 Hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nơi dừng chân đầu tiên là chùa Giải Oan. Dưới chân, suối vẫn róc rách tự ngàn năm, phảng phất đâu đó xa xăm tiếng nài nỉ, nuối tiếc của bao cung tần mỹ nữ phải giã biệt đấng quân vương anh minh không màng trần tục quyết chí đi tu. Trời chuyển mùa sang xuân, đường lên Yên Tử xanh ngợp rừng thông, những hạt mưa nhỏ mát lạnh, len lỏi qua tán lá, đậu trên vai, trên mặt khách hành hương thiện tâm đến cửa nhà Phật. Cảnh vật mờ ảo dưới màn mưa, chỉ thấy những nụ cười rạng rỡ. Những nụ cười của vĩnh hằng và hữu hạn, của giải thoát và tục luỵ, siêu hình và cụ thể, quá khứ và hiện tại. Giữa nơi gió núi mây ngàn, dường như tiếng cười của con người tan trong cỏ cây hoa lá, thấm vào sỏi đá thiên nhiên. Vùng núi Yên Tử được ví như đôi cánh én, như đoá hoa sen, là xứ trán voi đầu rồng. Cách ví von bao hàm sự ngưỡng mộ, chở che, nâng đỡ từ muôn ngàn năm trước, để biển bờ xưa hóa thành núi thành rừng sau những cơn biến thiên của trời đất.
Dốc lên thăm thẳm, giữa bạt ngàn cỏ cây là những phiến đá rêu phong làm chứng nhân cho quá khứ và hiện tại cùng về đây hội tụ. Giữa lặng lẽ hoa rơi lá rụng, trong gió thoảng mây trôi, nghe rõ bước chân nơi cửa Phật. Đường lên cao đi len lỏi dưới tán rừng thông. Tương truyền rừng thông Yên Tử do vua Trần trồng hơn 700 năm trước, mặc sương pha tuyết điểm, rừng thông vẫn sừng sững đứng giữa trời mà reo, hòa với bản hùng ca dạt dào sóng biển từ cảng Vân Đồn cùng Bạch Đằng Giang - dòng nước đỏ hồng cuộn chảy tuôn về “biển đông”.
Trong mờ ảo khói sương, gần trăm am tháp ẩn hiện như một thế giới u tịch giấu bao điều bí ẩn mà người có duyên mới có thể khám phá. Bước qua ô cửa vòm, gặp ngay ngôi tháp chính. Không cao lớn, đồ sộ nhưng vẫn là ngôi cao giữa tĩnh lặng bốn bề - tháp Huệ Quang thờ tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Lần đầu đứng trước pho tượng Phật hoàng, điều mà từ bé, chỉ biết qua sách vở, thấy lòng mình bồi hồi đến khôn cùng. Một vị Vua với bao chiến công hiển hách mà khi thoát tục đi vào cõi Phật chỉ nhỏ nhoi một pho tượng đá thế này sao? Trong nghi ngút khói hương, tôi thành kính lễ đức Phật hoàng 3 lạy, xin Ngài thứ tha cho lòng thành của kẻ hậu sanh dám mạo muội đem những so đo tính toán đời thường đặt giữa chốn sắc sắc không không. Nhìn vườn tháp rêu phong, trong trập trùng mây trắng rừng xanh, những con đường đất đỏ mòn dấu chân chúng sinh như những sợi dây chưa gỡ rối vắt qua miền tục lụy. Hớp một ngụm sương mát lạnh, nghe trong xạc xào gió núi, ngoảnh lại đằng sau, thấy phía trần gian xa tít tắp!
Bỏ lại vườn tháp cổ với những gốc cây đại trăm năm tuổi, rễ cuồn cuộn theo đủ mọi hình hài nơi trần thế, bước qua những hàng gạch cổ in hằn dấu thời gian, tôi đếm từng bậc đá trong tiếng chuông ngân nga vọng ra từ ngôi chùa cổ Hoa Yên, nguyên là chùa Vân Yên. Vị sư trụ trì giải thích Vân Yên Tự có nghĩa là ngôi chùa mây yên lành. Câu nói của nhà sư làm tôi nhớ lại mấy lời thơ cảm tác của thi hào Nguyễn Trãi hơn 500 năm trước: “Trên non Yên Tử chòm cao nhất, Trời mới canh năm đã sáng tinh. Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả. Nói cười người ở giữa mây xanh. Muôn hàng giáo ngọc che gài cửa, Bao dải tua châu đá rủ mành”. Đến miền thiền Trúc Lâm Yên Tử lại càng ngộ ra nhiều điều về con người “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, tâm hồn Ức Trai tinh tế dường nào. Với chốn am mây, sương phủ mờ cảnh vật, khoác lụa thanh tịnh cho những pho tượng Phật và tượng Trúc Lâm Tam tổ hòa quyện vào nhau, lung linh giữa sương mây, hoa nến.
Chùa Hoa Yên xưa đơn sơ, tọa lạc giữa tịch mịch núi rừng, nhưng lại là nơi hoằng hóa của Phù Vân Quốc Sư, nơi Thái sư Trần Thủ Độ nói với vua Trần Thái Tông muốn rũ bỏ ngai vàng lên núi không về: “Hoàng Thượng ở đâu thì triều đình ở đó”. Nơi đây, Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông trụ tích đến cuối đời, truyền pháp cho tổ sư Pháp Loa, là nơi Huyền Trang Tôn Giả chong ngọn đèn Tổ đạo…Những gốc đại trầm mình sương tuyết trên 700 năm vẫn xum xuê hoa lá. Nơi kết thúc cũng là điểm bắt đầu, trong cõi u minh vẫn bật lên những mầm sống, để vạn vật bất tử. Thuyết luân hồi sao sâu sắc làm vậy. Giữa chốn linh thiêng này, không có gì ra đi là vĩnh viễn, có chăng chỉ là một cuộc sống khác. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ đầy diễm phúc cho bất cứ ai một lần đặt chân đến Thiền môn linh địa Yên Tử.
Người hành hương về Yên Tử mong một lần chạm tay vào Chùa Đồng. Lên đến đây là lên với cõi đá, đá to đá nhỏ chồng lên nhau như linh thú, như chim, như hoa muôn vẻ châu tuần. Mây trắng cuồn cuộn che lấp cả non xanh. Trời lạnh, chùa Đồng như thu lại, hội tụ khí thiêng đất trời về một góc. Mây tràn từ cao xuống thấp, điệp trùng như thực như hư, mây che kín đất trời, ngồi cạnh chùa Đồng mà nhìn người hành hương mờ ảo như sương. Lên đến chùa Đồng người ta có cảm tưởng như đã đến được Thiên Trúc, bụi hồng trần không chút vấn vương, lòng người phiêu diêu thanh thoát giữa cuồn cuộn mây trôi. Ngước mắt nhìn lên, trời xanh cao lồng lộng, nắng ngũ sắc tạo thành vòm như cánh cửa cõi Niết Bàn đang mở toang, mà ngõ hầu chỉ một cái nhún chân là tới nơi, khẽ giơ tay là chạm tới. Nhìn nghìn thước xuống, rừng trúc xanh thăm thẳm, dạt dào như sóng nước theo từng cơn gió, tựa như dải khăn nhà Phật trải dài trong trắng xóa mây bay. Phóng tầm mắt nhìn ra tít tắp, biển hòa lẫn với bầu trời xanh biếc mênh mông.
Dẫu ước ao một lần ngắm trăng trên đỉnh Phù Vân, nhưng rồi chiều về chúng tôi đành xuống núi trong hoàng hôn thanh thản. Dọc đường đi xuống, mấy em bé chào bán những bó măng trúc tươi non và những trái cà tiên vàng ươm; mấy người phụ nữ dân tộc Dao bày bán rễ cây thuốc cùng những lá trầu tiên thơm đượm, nghe đâu do An Kỳ Sinh, một người tu tiên giờ đã hoá đá trên sườn núi tìm ra để chữa bệnh cho nhân gian. Cầm trên tay mớ măng trúc, không quên mua một giò phong lan và một chai rượu mơ óng ả, thỉnh thoảng dừng lại ngửa cổ dốc một ngụm cho ấm bụng và đỡ chồn gối theo đường xuống núi. Xa xa, trăng đã nhuốm màu bàng bạc giữa mây trôi.
Quá nửa đời người mới đặt chân đến miền đất Phật, Yên Tử trong cảm nhận của tôi vẹn nguyên những câu thơ cổ điển thấm đậm nhân sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Vạn sự thủy lưu thủy - Bách niên tâm ngữ tâm - ỷ lan hoành ngọc địch - Minh nguyệt mãn hung khâm” (Muôn việc như nước chảy theo nước - Trăm năm riêng lòng nói với lòng - Tựa lan can, cầm ngang sáo ngọc - Ánh trăng sáng ùa vào đầy ngực). Ngẫm lại thấy ở Trần Nhân Tông, thật khó rạch ròi đâu là vị minh quân anh hùng, đâu là Thiền sư, đâu là thi sĩ. Chỉ thấy một con người ung dung tự tại giữa nhân gian, biết “chiết xuất” từ hơi thở của thiên nhiên, hòa chút mật ngọt của vũ trụ, tạo thành một nguồn năng lượng vô song cho triều đại, cho trăm họ và cho chính mình. Chính ông đã sát cánh cùng những quần thần và cũng là những người anh em, những vị tướng anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…Chính ông khai sinh ra Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than để đội quân nhà Trần quyết chí lời thề Sát Thát, làm nên hào khí Đông A của nước Đại Việt ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Trong bài Bạch Đằng Giang phú, nhà thơ Trương Hán Siêu khi ngao du qua cửa Đại Than, sang bến Đông Triều, đến sông Bạch Đằng, ra tận Vân Đồn rồi trèo lên Yên Tử, đã gọi vua Trần Nhân Tông là vị Thánh quân và thốt lên: “Nghìn xưa gẫm cuộc thăng bình, Tại đâu đất hiểm bởi mình đức cao”. Đức cao ở Trần Nhân Tông là đức của trí, đức của dũng, đức của nhân. Hơn 50 năm sống nơi trần thế, dù là thái tử hay khi ở ngôi vua, dù là Thái Thượng hoàng hay khi trở thành Thiền sư, ông đều thể hiện bản lĩnh tự tại sáng suốt với tính cách phóng khoáng, nhân từ. Nhờ bản lĩnh ấy mà Trần Nhân Tông giã từ cung son điện ngọc, quyết chí vào núi tịnh tu, lập Thiền phái Trúc Lâm, coi trọng tu tâm, truyền tâm ấn, bỏ qua những nghi thức tu luyện pháp thuật, tà ma bùa ngải...Đó là giáo lý kết hợp giữa triết học Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo, hướng tới sự giản đơn, lương thiện trong đời sống và tâm linh con người, hòa hợp con người với thiên nhiên. Vì thế, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phù hợp với mong ước về một cõi yên bình mà con người luôn vươn tới.
Dù bây giờ, con đường chinh phục đỉnh Phù Vân đã có cáp treo, nhưng lòng thành tâm của khách hành hương về miền Yên Tử vẫn muốn một lần thử sức mình với đỉnh cao nghìn mét. Ai cũng mong một lần đến chốn Thiền môn, được tách mình khỏi bao tục lụy. Người tín mộ năm nào cũng đi, bắt đầu từ tinh mơ, tối ngủ ở chùa Bảo Sái nửa chặng đường, sáng mai dậy sớm đi tiếp, có ngày tới vài ba nghìn người lên núi.

Chùa Đồng trong mây
Chùa Đồng

Những cây đại cổ thụ ở chùa Hoa Yên
Tháp Huệ Quang, nơi đặt tượng 
thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Đường tùng cổ thụ
Một góc vườn tháp cổ
Rời Yên Tử, tôi không dứt nghĩ suy miên man về những cảm nhận giữa bốn bề mây trắng trên đỉnh non thiêng. Đó là sự nối kết của cõi người lam lũ và mơ mộng, giữa thực và hư, khi mỗi hơi thở nhè nhẹ của con người hòa trong hơi thở bao la của vũ trụ. Dung hợp bản thể con người vào dòng chảy của đất trời là cách để con người tiếp cận với thế giới tự nhiên. Đó là sự tương đồng giữa vật lý hiện đại với đạo học phương Đông và giáo lý nhà Phật.
Người Việt, bằng cách riêng của mình, từ ngàn xưa đã giao ước cùng đất trời mà Yên Tử chỉ là một phần trong dòng chảy linh thiêng ấy. Một bản giao ước giữa con người với sương sa đá núi, với nước chảy thông reo… để ngàn năm sau mây trắng còn bay trên đỉnh non thiêng.
Nguyễn Vân Thiêng
Theo https://vov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...