Tuyển tập những bài thơ hay
LỜI MỞ ĐẦU
Một nghìn năm qua, những bài thơ viết về Thăng Long - Hà Nội
sẽ là một con số hàng nghìn không đếm xuể. Nhưng những vần thơ hay còn lắng đọng
trong tâm hồn độc giả thì không phải là nhiều. Tuyển tập những bài thơ hay
về Thăng Long - Hà Nội là một tập thơ được tuyển chọn gồm những bài thơ của
nhiều tác giả sáng tác theo chiều dài suốt Mười Thế kỷ viết về Thăng Long - Hà
Nội. Tiêu chí tuyển chọn các bài thơ hay dựa vào dư luận đánh giá của nhiều tầng
lớp độc giả yêu thích những bài thơ đó. Đặc biệt các bài thơ phải đích thực có
giá trị nghệ thuật. Sức sống của bài thơ phải trường tồn, tỏa rạng theo thời
gian và lịch sử. Ngôn từ, hình tượng, tứ thơ chứa đựng sức sáng tạo của tác phẩm,
thực sự làm lay động tâm hồn người đọc. Bài thơ có thể ghi lại dấu ấn của một thời
kỳ lịch sử, một vùng đất, một di tích lịch sử, một làng quê, hay ngõ phố hoặc
hình ảnh người anh hùng của lịch sử. Những bài thơ đó phải thuộc về đề tài
Thăng Long - Hà Nội, có bóng dáng của đất nghìn năm văn vật. Tựu chung lại các
bài thơ ấy có thể là sự ngâm vịnh, ca ngợi và thuộc về các chủ đề, chủ điểm dưới
đây:
- Ca ngợi, ngâm vịnh cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội trong bốn
mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
- Ca ngợi cảnh vật, cỏ cây hoa lá, sông hồ, núi non, sản vật
đất Kinh Kỳ.
- Ca ngợi cảnh đẹp Tây Hồ, Hồ Gươm, lâu đài, đình chùa, miếu
mạo, đền, các và thú vui điền viên.
- Ca ngợi cuộc chiến đấu hào hùng và những danh nhân anh dũng
lẫm liệt của Thủ đô Thăng Long.
- Tình yêu tha thiết nhớ nhung Thăng Long, luyến tiếc một thời
hoàng kim của Thăng Long.
- Ca ngợi tình yêu lứa đôi, ca ngợi con người, cảnh vật và
tinh thần thượng võ đất ngàn năm văn vật.
Viết về Thăng Long - Hà Nội là đề tài xuyên suốt nhiều thế kỷ,
nó lắng đọng và kết tỏa trong trái tim nhiều thi sĩ, dù họ có đi đâu, về đâu
nhưng trong tâm hồn của họ luôn luôn đau đáu nhớ về Thủ đô yêu dấu:
Tình cảm diết da tha thiết ấy được miêu tả trong vần thơ đậm
nhớ nhung xứ Bắc, đất Kinh Kỳ:
Ai về xứ Bắc, ta theo với,
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng.
Từ thuở mang gươm đi dựng nước,
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...
(Trích bài thơ Nhớ Bắc, tác giả: HUỲNH VĂN NGHỆ (1914 - 1977)
Nữ thi sĩ Huyện Thanh Quan khi phải vào làm cung trung giáo tập ở cung đình Huế
cho triều Nguyễn, lúc tới Đèo Ngang bà không khỏi chạnh lòng nhớ đất Thăng Long
bằng những vần thơ thấm đượm nỗi buồn man mác:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Trong niềm tiếc thương vô hạn về một vương triều đã vĩnh viễn
ra đi không bao giờ trở lại nhìn ngắm lâu đài thành quách của vương triều Lê, nữ
thi sĩ đã không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc:
… Dấu xưa ngựa cũ hồn Thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Năm tháng vẫn trôi đi, thành quách lâu đài đã phủ bụi thời
gian và những nếp rêu phong cổ kính, khi nhìn cảnh vật ấy, nhà thơ đã không khỏi
động lòng:
... Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường....
(Trích bài thơ: Thăng Long hoài cổ, tác giả: BÀ HUYỆN THANH QUAN (?- ?))
Quả thật đúng như Đại thi hào Nguyễn Du đã viết:
... Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Khi tâm trạng của nhà thơ đã buồn, luyến tiếc một vương triều
đã chìm sâu vào lịch sử nên khi bà tới Chùa Trấn Bắc cũng vẫn một âm điệu, một
tâm trạng với nỗi buồn man mác được viết bằng những vần thơ hết sức ước lệ, tao
nhã như những giọt mật của muôn ngàn đóa hoa kết lại:
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dàu,
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau.
Mấy dò sen rớt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?...
Đồng cảm với tâm trạng giống như bà Huyện Thanh Quan, nhà thơ
của mỗi thời đại đều có những hồi ức, nhớ nhung, luyến tiếc một cái gì đó của
quá khứ. Đại thi hào Nguyễn Du đã trải qua cuộc đời bảy nổi ba chìm: Gia đình đổ
nát, vương triều tàn lụi, phải sống tha hương nơi đất khách quê người, những mối
tình dang dở... khi trở lại Thăng Long nhà thơ đã không khỏi bùi ngùi nhớ
thương và luyến tiếc một thời đã qua và cất lên những vần thơ não nuột:
Núi Tản, Sông Lô vẫn núi sông,
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long.
Nghìn năm dinh thự thành quan lộ,
Một dải tân thành lấp cố cung.
Người đẹp thuở xưa nay bế trẻ,
Bạn chơi ngày nhỏ thảy thành ông.
Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận,
Địch thổi trăng trong tiếng não nùng.
(Trích bài thơ: Thăng Long I; tác giả: NGUYỄN DU (1766 - 1820),
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ;
Người dịch: QUÁCH TẤN)
Tâm trạng ấy, ta còn được bắt gặp trong lời thơ của Cao Bá
Quát. Một con người làm thơ ca đã đạt đến đỉnh cao trác tuyệt như người đời đã
ca ngợi: ‘’thần Siêu thánh Quát’’, hoặc ‘’Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán’’ và
ngay chính cả nhà Vua Tự Đức một con người cũng có tài thơ văn trị vì cả một
Vương triều trong thâm tâm nhà Vua này cũng đã phải trầm trồ khen ngợi về tài
thơ ca của Cao Bá Quát. Song cuộc đời của nhà thơ cũng như sóng ba đào chìm nổi.
Vương triều Nguyễn đã không dùng hết tài năng của con người muốn ‘’thế
Thiên hành đạo‘’. Sống trong một thời đại bất công, nhà thơ đã không chịu uốn gối
khom mình cúc cung tận tụy với vương triều Nguyễn, ông đã đứng lên làm cuộc khởi
nghĩa, tuy thất bại ‘’bị chu di’’ ông đã về nơi cát bụi nhưng những vần
thơ sáng tác của thi sĩ mãi mãi tồn tại với núi sông và hậu thế. Từ những hoàn
cảnh lịch sử ấy, nên thơ của Cao Bá Quát cũng đau đáu một nỗi niềm bi lụy khi
mô tả cảnh vật đất Kinh Kỳ một tâm trạng buồn cháy bỏng tâm can:
Thanh Đàm giục giã chia ly,
Nhị Hà rước áo người đi lên đường.
Chiều hôm, bãi rộng mây vàng,
Vòm trời thâm thấp, ánh dương trầm trầm.
Cảnh sông đêm tối âm thầm,
Thuyền ai giá lạnh lâng lâng băng ngàn...
(Trích bài thơ: Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi Nam, tác giả: CAO BÁ QUÁT (1808 - 1851);
xem
bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: TRẦN HUY LIỆU)
Với nỗi buồn man mác ấy khi qua Quán Trấn Vũ mặc dù vào
một mùa Xuân cỏ cây, hoa lá đang đâm chồi nảy lộc tốt tươi nhưng tâm trạng nhà
thơ vẫn không phải là một âm hưởng tươi vui mà là một “khúc nhạc” buồn:
Thương Xuân thấy cảnh chơi càng ngán,
Không chữ nhìn bia chuyện những ngờ.
Trúc Bạch bên hồ mây lặng lặng,
Thái Hòa quanh điện cỏ lơ thơ,
Gió chiều bóng ngả, về không dứt.
Cười mỉm trên cầu tóc phất phơ.
(Trích bài thơ: Đề bia đá Quán Trấn Vũ, tác giả: CAO BÁ
QUÁT (1808 - 1851);
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: HÓA DÂN)
Hay khi qua Chùa Thiên Quang, nhà thơ đã nhỏ lệ trước cung điện
cũ của triều Lê:
... Việc cũ trăm năm thương bóng xế,
Lòng trần một điểm thoảng chuông đưa...
(Trích bài thơ: Qua Chùa Thiên Quang, cảm thương cung điện cũ
triều Lê, tác giả: CAO BÁ QUÁT (1808 - 1851); Người dịch:
VŨ NGỌC HÙNG)
Nỗi buồn da diết ấy có thể cả về nhân tình thế thái, cuộc đời
chìm nổi nó đã dồn nén vào cả trong khuê phòng của thi sĩ:
Mảnh trăng vằng vặc trên không,
Soi vào chăn áo cô phòng của ta.
Bốn bề im bặt như tờ,
Đêm dài chìm lặng điểm thưa giọt đồng...
...Gió đưa hương thoảng xa xa,
Thổi vào vạt áo của ta đang sầu...
(Trích bài thơ: Khuê oán, tác giả: CAO BÁ QUÁT (1808 - 1851);
Tâm trạng buồn đau thất vọng, nỗi buồn vô biên, nỗi nhớ nhung
da diết, ta còn bắt gặp thấy trong tình yêu lứa đôi của Tú Uyên gặp tiên nữ ở
phường Bích Câu qua những vần thơ rưng rưng lệ:
Đua chen Thu cúc, Xuân đào,
Lựu phun lửa Hạ mai chào gió Đông.
Xanh xanh dãy liễu ngàn thông,
Cỏ loang lối mọc, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước quạnh hiu,
Phất phơ gió trúc, dập dìu mưa hoa...
...Làn Thu lóng lánh đưa chiều,
Não người dẫu chút bấy nhiêu cũng tình...
... Đưa tình một liếc sóng đào,
Dẫu lòng vàng đá cũng xiêu, nọ người...
(Trích bài thơ Xem hội chùa, Tú Uyên gặp tiên nữ, trong tác phẩm BÍCH CÂU KỲ NGỘ,tác giả: VŨ QUỐC TRÂN (?- ?))
Thăng Long đã trải qua 1000 năm với một chiều dài lịch sử ấy,
Thăng Long - Hà Nội vẫn như một người thiếu nữ trẻ trung mãi mãi không già. Nó
luôn luôn là một chiếc nam châm khổng lồ hút hồn thi sĩ của mọi thời đại. Và
các thi sĩ đã trả lại nó bằng tâm can của trái tim mình là những vần thơ vô giá
tựa như những hạt ngọc lung linh hay những giọt mật của muôn ngàn đóa hoa kết
tinh lại.
Viết về Thăng Long - Hà Nội trước hết ta phải tìm về cội nguồn
của những câu ca dao hay. Đó là nguồn sữa mẹ ngọt ngào bồi dưỡng vun đắp
cho tâm hồn, trái tim của các nhà thơ tuôn dòng chảy.
Vẻ đẹp của sông Tô Lịch trong thời bình minh của Thăng Long
đã vang lên trong câu ca dao ngày xưa:
Nước Sông Tô vừa trong vừa mát,
Cho thuyền anh ghé sát thuyền em.
hay:
Sông Tô nước chảy quanh co,
Cầu Đông sương sớm, quán già trăng khuya.
Lãng quên sao được sông Tô ơi! Từ lòng phố, từ lòng người, tiếng
vọng lại vang lên ân tình biết bao:
Sông em sẽ chảy biếc dòng,
Lung linh ánh điện soi lòng cửa gương.
Nhịp cầu chín nhớ mười thương,
Vắt qua như tấm lụa hường nắp phơi.
Máy reo hòa với sóng cười,
Em như cô gái lại hồi sắc Xuân.
Người đi trảy hội chen chân,
Đất Rồng vui gấp vạn lần hôm nay.
Vịnh về Hoa Điền nhà thơ Phạm Đan Phong có câu:
Phong quang phảng phất mỹ nhân tà,
Tô Lịch giang biên bát cửu gia.
(Phong quang trông phảng phất như người đẹp đứng
nghiêng mình
Tám chín nhà bên Sông Tô Lịch.)
Bên Sông Tô Lịch bốn năm nhà,
Người đẹp mơ màng cúi ngắm hoa.
Lời thơ bao quát cả vùng mà không chỉ rõ từng thôn xóm, vịnh
nơi đó vậy.
Sứ thần Trung Hoa là Ngụy Tiếp, năm 1736, khi tới đây đã làm
thơ tả quang cảnh chợ Kinh thành Thăng Long hết sức sầm uất, sinh động:
Gió bụi hòa chợ đông người,
Phất phơ tay áo đua chơi Xuân cùng.
Ngày dài thuyền chở xe dong,
Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua.
Cuối đề nhà cửa nhấp nhô, ...
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông,
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
hoặc những câu ca ngợi vẻ đẹp của Kinh thành Thăng Long:
Thăng Long - Hà Nội Đô Thành,
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ...
... Cố đô rồi lại tân đô,
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.
Hồ Tây hiện lên trong một buổi sáng bình minh có âm thanh
vang lên của cuộc sống thường nhật với cảnh màn sương khói tỏa:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Hay câu:
Đấy vàng đây cũng đồng đen,
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ.
Hồ Tây là một trong tám cảnh đẹp của đất Kinh kỳ. Nó đã tồn tại
trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm qua. Và biết bao thi sĩ đã viết về Hồ
Tây, Lãng Bạc, Dâm Đàm... với những vần thơ tuyệt tác. Dưới đây là những áng
thơ ca ngợi ấy. Đoàn Nguyễn Tuấn khi tới Hồ Tây cũng để lại những vần thơ còn
lung linh như những hạt ngọc:
Hồ Tây sóng gợn nước mông lung,
Tơ chuội, trên cầu đứng ngắm trông.
Đẹp thấu hang Rồng phô bãi lụa,
Gấm vây Bến Thước tắm ghềnh sông.
Phép màu đơn thuốc tay không nẻ,
Lẽ sống dâu tằm dạ mãi trong,
Vang lạnh chày sương đâu vỗ nguyệt,
Chuội tơ tiếng đáp xốn xang lòng.
(Chuội tơ ở Hồ Tây, tác giả: ĐOÀN NGUYỄN TUẤN (1750 - ?)
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: TẢO TRANG)
Phùng Khắc Khoan và hai người bạn thơ là Cử nhân Ngô Tường
Sinh và Tú tài Lý Hạ đến chơi quán rượu Tây Hồ thấy trên vách cửa đề bốn chữ lớn:
Tây Hồ Phong Nguyệt. Chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa:
Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt,
Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,
Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,
Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.
Dịch:
Cửa quán là đây trăng sáng soi,
Bên mành ai đứng đợi chờ ai,
Khách đến ba người thừa đội nguyệt,
Một cây huệ mọc giữa hai ngài.
Và ở đây đã có truyền thuyết về vị Trạng Bùng - Phùng Khắc
Khoan gặp tiên nữ hai bên đối đáp làm thơ:
Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
(Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)
Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên
(Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)
Vân tác ý thường phong tác xa,
Tiên du Đâu Suất mộ yên hà,
Thế nhân dục thức ngô danh tính,
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.
Tạm dịch:
Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió nhẹ làm xe
Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói
Người đời ai muốn biết, họ tên ta?
Tiên nữ nhà trời Ngọc Quỳnh Hoa.
Viết về Tây Hồ có lẽ không độc giả nào không biết tới bài thơ
nổi tiếng: Tụng Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng. Trong bài thơ viết về Hồ Tây ấy,
đã vang lên những tiếng sóng và cảnh đẹp hữu tình thơ mộng lay động tâm hồn của
biết bao độc giả các thời đại:
Xinh thay cảnh Tây Hồ!
Lạ thay cảnh Tây Hồ!
... Tòa thạch tháp, nọ nơi tiên để báu,
Chốn thổ đôi kia, chỗ Khách chôn bùa
Đền Mục Lang, hương lửa chẳng rời,
Tay lưới phép còn ghi công bắt hổ,
Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển,
Lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa...
... Chày Yên Thái nện trong sương chuyểnh choảng,
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt
gấm, Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây
lò...
(Trích trong Tụng Tây Hồ Phú, tác giả: NGUYỄN HUY LƯỢNG (?- 1808))
Khi đi thăm Chùa Trấn Quốc bên Tây Hồ, nhà thơ Phạm Quý Thích
cũng cất lên những vần thơ ngợi ca cảnh Tây Hồ kỳ thú:
I
Chùa dựng bên hồ tự thuở nào,
Rập rờn cây đá trúc lao xao,
Trịnh Vương “nhạc thủy” cung còn đó,
Trần đế “quan ngư” quán thấy đâu ?
Mười dặm hương sen theo gió thoảng,
Một hồi trời tạnh mở gương thâu.
Đến đây muốn tựa cây tùng lẻ,
“Đốn ngộ”, quy y chẳng dám cầu.
II
Cây lá tiêu điều Trấn Quốc Thu,
Cỏ hoa man mác cố cung sầu.
Lên lầu trông ngắm trời, mây, nước,
Giữa đám sen dày thuyền lướt mau.
III:
Sóng nước Tây Hồ buổi xế tà,
Ngâm thơ ngắm cảnh đã về chưa?
Mục đồng tranh lá sen làm áo,
(Trích
bài thơ: Đi thăm chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây, tác giả: PHẠM QUÝ THÍCH (1760- 1825);
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: HÀN VU THỦY))
Cũng viết về Tây Hồ nhưng lời thơ của Phạm Thái lại có phần
chua chát, nhìn cảnh Tây Hồ với nhiều sắc thái ảm đạm. Bởi lẽ ngoài mối tình đổ
vỡ bi lụy, đớn đau, trong tư tưởng nhà thơ lúc đương thời không quy phục nhà
Tây Sơn nên nhìn cảnh Tây Hồ sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh phò Lê bình
Thanh, đất nước còn đang ngổn ngang, Kinh thành Thăng Long vừa trải qua một trận
binh lửa tương tàn, nên lời thơ của ông có phẩn ảm đạm khi mô tả cảnh Hồ Tây:
... Có Thu nguyệt mới nước trời lẫn sắc,
Chửa Xuân thiên sao hoa cỏ chiều mùa...
... Cây ngang dọc, tuyết vừa đông bãi bạc,
Địch mục nhi đà thổi sáng bóng kim ô...
... Giăng lặn dưới đáy hồ trong vằng vặc...
... Phường Khán Sơn hoa kết võng vừa rồi,
Đoàn kỹ nữ bẻ bai hình đến phố.
Chợ Võng Thị rượu nồng hương mới chín,
Lũ túy ông tất tưởi dáng sang đò...
... Lớp tang thương rơi rụng tựa hoa tàn,
Ngẫm thiên tạo cũng vui thay cảnh thú...
(Trích trong bài thơ: Chiến tụng Tây Hồ Phú; tác giả: PHẠM THÁI (1777 - 1813))
Nguyễn Công Trứ một nhà thơ ‘’ngông’’ của thời đại khi đặt
chân đến đất Tây Hồ cũng không khỏi xao xuyến làm cho “lòng thơ ngơ ngẩn”:
Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền.
Bóng kỳ đài, trăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ, lum xum tòa cổ sát.
Chiếc cô lộ, mảnh lạc hà bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán biếu đài
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài,
Để khách rượu, làng thơ ngơ ngẩn!...
(Trích bài thơ: Vịnh Hồ Tây, tác giả: NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778- 1859)
Nhà thơ Miên Thẩm sinh ra ở đất Cung đình Huế. Ông viết bài
thơ Đưa nàng ca nữ về Hà Nội, tuy địa danh Tây Hồ nói ở đây là một địa danh ở
Trung Quốc song người đọc vẫn tưởng tượng đó là hình bóng của Hồ Tây phảng phất
trong thơ ông thật là lung linh huyền ảo:
Tây Hồ trăng khói, Dương Châu xưa,
Chẳng chút sầu vương vẫn múa ca.
Lần biệt ly này thương nhớ lắm!
Vườn Kỳ Vương lại rụng Thu hoa.
(Tên bài thơ Đưa nàng ca nữ về Hà Nội, tác
giả: MIÊN THẨM (1819 - 1870),
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Dịch nghĩa: NGÔ THỜI ĐÔN, Dịch thơ: HÀN VU THỦY).
Vua Tự Đức (1848 - 1883) triều Nguyễn khi tới Hồ Tây từng có
thơ vịnh:
Yên ba cửu dĩ ký bình tung
Cự liệu quân vương giải cấu phùng,
Võng lý vô ngư hoàn hữu hổ,
Tây Hồ hà loạn thiếu ngư long.
Dịch thơ:
Sóng yên khói lặng bấy lâu rày,
Đâu ngỡ nhà Vua gặp gỡ đây
Trong lưới cá không mà có cọp,
Lo gì cá hiếm ở Hồ Tây.
Thi sĩ Tản Đà trong bài thơ Tây Hồ và Nguyệt đã vang lên một
tình thơ lai láng:
Hiu hắt Tây Hồ chiếc lá rơi,
Đêm Thu vằng vặc bóng theo người,
Mảnh tình xẻ nửa ngây vì nước,
Tri kỷ trông lên đứng tận trời,
Những ngán cành hoa khôn quấn quýt,
Mà hay mặt sóng cũng chơi vơi.
Ai lên cung Quế nhờ thăm hỏi,
Soi khắp trần gian có thấy ai?
(Tên bài thơ: Tây Hồ và Nguyệt, tác giả: TẢN ĐÀ (1889 -1939))
Người anh em đối xứng Hồ Tây là Hồ Trúc Bạch, trước kia tuy
hai mà một, nhưng do nhân dân đắp đập chắn nước giữ nguồn cá để thu hoạch nên
lâu dần cái đập thành đường đi còn hồ nằm ở địa phận Làng Trúc Yên. Sau, Chúa
Trịnh chiếm đất làng xây tòa Trúc Tâm Viện để tĩnh dưỡng nhưng rồi nơi đó trở
thành địa điểm an trí các cung nữ mắc lỗi trong cung, phủ. Những cung nữ này
không được cấp bổng lộc nên phải tự kiếm sống bằng cách dệt vải bán. Loại vải ấy
nhân dân ưa dùng, quen gọi là lụa Làng Trúc, và hồ cũng được đặt tên Trúc Bạch:
Nền xưa việc cũ còn đây,
Rêu phong, bia gãy, ai rày hỏi han.
Gió giờ lay bụi trúc tàn,
Tưởng hồn oan nữa thở than nỗi lòng.
Viết về Hồ Tây của các thi sĩ Thế kỷ XX cũng thật là ngọt
ngào khôn tả xiết, Hồ Dzếnh khi tả về đóa hoa sen Hồ Tây cũng thật đậm đà thi vị
lồng trong khúc nhạc của tình yêu...
... Hồ Tây dẫu muộn mùa sen,
Vẫn còn một đóa y nguyên buổi đầu.
Như ngày ta mới quen nhau,
Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng...
(Trích bài thơ: Rủ em đi chợ Đồng Xuân, tác giả: HỒ DZẾNH (1916-1991))
Tác giả Đinh Hùng khi nhìn sóng nước Hồ Tây đã tưởng tượng mặt
hồ như ánh mắt người yêu và mối tình nên thơ đôi lứa:
... Nước Tây Hồ trầm tư mặt ngọc,
Chẳng gió giăng nên chửa ước nguyền.
Em nói, em cười vẳng tiếng oanh,
Hồn tôi bay theo khói Kinh thành.
Mộng ngoài sơn hải làm mây trắng,
Tưởng bóng hồ như bóng mát xanh...
... Ta dạo thuyền đây, ai nhớ lại,
Đình hoa Yên Phụ, sóng Tây Hồ.
(Trích bài thơ: Sóng Tây Hồ, tác giả: ĐINH HÙNG (1920 - 1967)).
Nhà thơ Võ Văn Trực ví mặt nước Hồ Tây như viên “ngọc biếc giữa
Thu vàng“:
Nước lồng bóng trăng Thu tròn vành vạnh,
Đã bao giờ sáng thế hỡi vầng trăng?
Thành quách đâu? Và đâu nữa ngai vàng?
Đâu bóng dáng ly cung rèm châu thềm ngọc?
Đâu lầu điện nguy nga? Theo nghìn cơn gió lốc?
Của thời gian đã đổ nát rồi ư?...
...Một Hồ Tây ngọc biếc giữa Thu vàng...
(Trích bài thơ: Trăng Hồ Tây, tác giả: VÕ VĂN TRỰC ( ?-?))
Hồ Tây cũng là nơi chứng kiến biết bao những mối tình thơ mộng
của lứa đôi.
... Mắt em buông xuống hồ đêm,
Thuyền anh trên bến cũng chìm lạ chưa?...
... Tây Hồ một thoáng mưa rơi,
Lá sen không ướt, ướt lời anh trao...
(Trích bài thơ: Một thoáng Tây Hồ, tác giả: NGUYỄN NGỌC OÁNH (1937-?)
Theo truyền thuyết vào thời Hậu Lê, chính nơi đây đã chứng kiến
mối tình của người anh hùng, vị quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Đại học sỹ Nguyễn
Thị Lộ, câu chuyện tình tứ ấy đã được truyền tụng qua bài thơ Chiếu gon khi
Nguyễn Trãi ướm thử hỏi nàng:
Nàng ở đâu ta bán chiếu gon,
Chiếu kia nàng bán hết hay còn!?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi!?
Có chồng chưa? Được mấy con?
Và nàng Thị Lộ đã liếc mắt, tình tứ trả lời:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có! Có chi con.
Hồ Tây trong bài Nắng Cổ Ngư của Trịnh Phong sao thiết tha dịu
ngọt, đầm ấm nồng nàn:
Hồ Tây chìm đắm trong sương khói,
Bờ vắng mơ màng liễu thướt tha...
... Lác đác hoa đào trong gió rơi,
Ven bờ Xuân nắng cỏ Xuân tươi.
Một con thuyền bé về đâu đó,
Chìm trong vùng khói sóng xa vời...
(Trích bài thơ: Nắng Cổ Ngư, tác giả TRỊNH PHONG)
Hồ Tây là một đề tài muôn thuở, nó luôn luôn gợi mở cho các
thi sĩ biết bao điển tích, điển cố để viết về nó, tác giả Trương Thị Kim Dung
khi tới Phủ Tây Hồ cũng để lại những vần thơ đáng nhớ:
... Bến Trúc đá rêu mòn,
Người không còn giặt lụa.
Dòng thời gian vẫn như
Sương khói Tây Hồ Phủ.
Vọng bóng câu thơ cổ
Gốc liễu ngồi muôn xưa...
(Trích bài thơ: Tây Hồ Phủ, tác giả: TRƯƠNG THỊ KIM DUNG (1963))
Ai đã tới Hồ Tây trong một buổi bình minh của mùa Xuân hoa nở
sẽ được ngắm nhìn màn mưa xuân trắng như tơ trời bay phủ khắp mặt hồ sẽ gợi lên
một tình cảm dạt dào yêu quý Hồ Tây biết bao nhiêu:
... Nhớ Hồ Tây mưa phùn bay giăng phủ
Bụi sương mờ lãng đãng bến bờ xa
Từ Thiên Phúc, Kim Liên về Tảo Sách
Bước lãng du bến đỗ gót đường qua...
Hồ Tây và cảnh đẹp không chỉ làm náo nức những người khi tới
đây ngoạn cảnh, nó còn gieo vào lòng thi sĩ ngay cả khi họ đã xa đất trời Hồ
Tây và trở về miền Nam vẫn trào lên sự nhớ nhung đau đáu:
... Anh theo hơi ấm lên Yên Phụ,
Ngoảnh lại Tây Hồ chớp mắt Tiên...
... Thì đây Hà Nội Hồ Tây ấy,
Anh muốn mang về em khát khao.
(Trích bài thơ: Một thoáng Hồ Tây, tác giả: TRẦN MẠNH HẢO (1949))
Không mênh mang dạt dào như hai bạn hồ trên, Hồ Gươm khiêm
nhường, tĩnh lặng suy tư gần 36 phố cổ nhộn nhịp. Tương truyền đây cũng là một
khúc dòng cũ của Sông Hồng. Thuở xưa, hồ có tên Lục Thủy vì bốn mùa nước xanh
ngăn ngắt. Sau chiến thắng quân Minh, khi Vua Lê Thái Tổ đi thuyền vãn cảnh hồ,
rùa vàng nổi lên lấy lại gươm thần nên hồ có tên Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm. Đây
cũng là một viên thủy ngọc của Hà Thành xưa và nay khiến cho các tao nhân mặc
khách tốn biết bao giấy mực, gieo vần thơ ca cảm hứng:
Bóng tháp lô nhô gợn sóng cồn,
Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non.
Nước trong chưa vấn tăm thần kiếm,
Đường rộng còn trơ dấu pháp môn...
Bên cạnh Hồ Gươm, là Đài Nghiên Bút Tháp cũng hiện lên lung
linh đẹp đẽ biết nhường nào với biết bao huyền thoại kỳ vĩ về truyền thuyết Rùa
vàng đòi lại Gươm thần:
Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa,
Có Cầu Thê Húc, có Chùa Ngọc Sơn...
... Đài Nghiên, Bút Tháp chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này...?
... Lầu chuông gác chống hai bên,
Trông ra Chợ Mới, Tràng Tiền Kinh Đô.
Khen ai khéo họa địa đồ,
Sau lưng Nhị Thủy, trước Hồ Hoàn Gươm.
(Ca dao)
Vũ Tông Phan khi qua đêm ở Đền Ngọc Sơn ngắm cảnh hồ thơ mộng,
dịu êm đã tuôn dòng thơ chảy:
Bên hồ dắt díu dưới trăng,
Nằm ngồi giữa đảo nước dăng quanh bờ.
Hỏi cổ kiếm ngắm chùa xưa,
Bên giường du khách lơ mơ đèn chài...
(Bài
thơ: Qua đêm ở Đền Ngọc Sơn, tác giả: VŨ TÔNG PHAN (1800- 1862)
Bản dịch: Trích trong sách LỊCH SỬ THỦ ĐÔ HÀ NỘI, in năm 1960)
Nhà thơ Nguyễn Khuyến khi tới Thăng Long đã tức cảnh viết về
Hồ Gươm với tâm trạng đau buồn ba lần đi thi không đỗ. Và cảnh đất nước nhiễu
nhương Tây, ta lẫn lộn, nên lời thơ cũng đượm cảnh u buồn:
... Hồ Gươm dấu cũ đã phai nhòa,
Tranh tre khắp chốn thành lầu gác,
Kèn thúc thâu đêm bặt trúc tơ.
Chiếc én tìm về quên lối cũ,
Đàn cò tối đậu lẫn sương mờ.
Năm trăm năm cũ nơi văn vật,
Còn xót hòn non một nằm trơ.
(Trích bài thơ: Hồ Hoàn Kiếm, tác giả: NGUYỄN KHUYẾN (1835-1959),
xem bản phiên âm Hán-Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: LÊ TƯ THỰC – NGUYỄN VĂN TÚ)
Một ngày Tết Trung Thu ở Hà Nội khi tác giả Dương Khuê ngắm cảnh
Thăng Long đổi thay và mặt nước Hồ Gươm in gác lầu đã tức cảnh:
Gió lặng mưa tan, ráng rực màu,
Giang thành tạnh sáng suốt đêm thâu,
Dưới hàng đèn điện xe tranh lối,
Bên cạnh Hồ Gươm nguyệt gác lầu...
(Trích bài thơ: Trung Thu ở Hà Nội, tác giả: DƯƠNG KHUÊ (1839-1902); Người dịch: KHẮC HANH).
Một nhà thơ khi xa Hà Nội, mà lòng vẫn mơ tưởng hướng về Hà Nội
biết bao niềm thương, nỗi nhớ đã trút trong vần thơ với một hào khí “Bút dầm
nghiên đá“ và pha mực nước Hồ Gươm để viết lên trời xanh:
... Bao giờ đến hội tao phùng nhỉ?
Xem nước hồ soi bóng liễu mơ....
...Muốn về nâng bút dầm nghiên đá,
Pha nước Hồ Gươm viết thật nhiều...
(Trích bài thơ: Mơ về Hà Nội, tác giả: BÀNG BÁ LÂN (1912-1988))
Viết về Hồ Gươm trong thơ của Nguyễn Đình Thi, mặt nước Hồ hiện
lên như có hình, có bóng gợi cả quá khứ thời gian kẻ mất, người còn lời thơ
rưng rưng lệ, xúc động bâng khuâng mà xao xuyến đến lạ thường sau chín năm đi
kháng chiến trở về:
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa.
Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá,
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa...
Và nhà thơ sung sướng, cảm động đến ứa nước mắt khi trở về Hà
Nội như một đứa con xa nhà nay được trở về quê với niềm vui đến tột đỉnh:
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt,
Leng keng chuông xe điện đổ hồi...
(Trích bài thơ: Ngày về, tác giả: NGUYỄN ĐÌNH THI (1924-2003))
Ngắm Hồ Gươm, ngắm Cầu Thê Húc nhà thơ đã tưởng tượng và ví
von màu xanh của Hồ Gươm tựa như màu xanh của truyện cổ tích và dáng cong cong
của Cầu Thê Húc giống như nét lông mày của người thiếu nữ:
Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích,
Con Rùa vàng, gửi bóng ở trên mây
Cây si mọc chúc cành xuống nước,
Thê Húc cong cong một nét lông mày...
(Trích bài thơ: Một góc chiều Hà Nội, tác giả: NGUYỄN DUY (1948))
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì ví mặt nước hồ xanh như pha mực:
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao...
(Trích bài thơ: Hà Nội, tác giả: TRẦN ĐĂNG KHOA (1958))
Đến đất Kinh đô, mảnh đất của thơ ca và nhạc họa, mảnh đất
thiêng liêng của nghìn năm văn vật. Nó đã hút hồn thi sĩ tựa như con tằm kéo
kén nhả tơ, các thi sĩỹ mọi thời đại khi tới Thăng Long dòng thơ trong trái tim
họ đã dào dạt tuôn chảy trong suốt 10 Thế kỷ và tâm hồn thi sĩ ấy luôn luôn lay
động trong họ có khi bay về quá khứ, xốn xang trong hiện tại, dạt dào hướng tới
tương lai mà rộn ràng thi khúc:
Nhớ Sông Hồng xuôi dọc cánh Kinh đô,
Gió Long Biên đưa sóng nước Tây Hồ.
Đêm lấp loáng trăng treo trời Hoàn Kiếm,
Bến Trúc Bạch bên lối Đường Hoa Điểm,
Ngỡ dịu dàng tha thướt bóng ai đưa!? ...
(Trích bài thơ: Thành xưa phố cũ, tác giả: LÊ VĂN KIÊN)
Hồ Gươm ở mỗi thời đại, mỗi thi sỹ được hiện lên với nhiều
dáng vẻ. Đây Hồ Gươm trong đêm Thu với con mắt của Hà Đức Ái:
Đêm cuối Thu thơm nồng hương hoa sữa,
Hàng sấu già xào xạc lá vàng rơi.
Cầu Thê Húc cong cong hàng mi đỏ,
Tháp Bút - Đài Nghiên thêu vẽ chữ trời...
(Trích bài thơ: Hà Nội của tôi ơi, tác giả: HÀ ĐỨC ÁI)
Và Hồ Gươm trong bóng sương mờ đã hiện lên:
Hồ Gươm sương phủ nhạt nhòa,
Bồng bềnh xác đỏ vỡ òa cơn mưa.
Ven hồ liễu rủ mộng mơ,
Sắc xanh quyện với non tơ dịu dàng...
(Trích bài thơ: Khúc Giao mùa, tác giả: NGUYỆT VŨ)
Hay Hồ Gươm trong một buổi chiều tà xế bóng:
... Nhớ Tháp Rùa đứng nghiêng chờ nắng đổ
Mặt Hồ Gươm phẳng lặng bóng chiều xiêu...
(Trích bài thơ: Nhớ Hà Nội, tác giả: PHỔ ĐỒNG)
Thiên nhiên cảnh đẹp của Thăng Long - Hà Nội được hiện lên
trong vần thơ của nhóm Nhị thập Bát tú Tao Đàn Nguyên Soái, thật là một cảnh
thiên nhiên ngoạn mục có cỏ cây hoa lá xanh tươi của hương vị Kinh kỳ:
Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc,
Sườn núi chim gù ẩn lá xanh.
(Trích VỊNH NĂM CANH)
Vào những năm Vua tôi Chúa Trịnh, tại Kinh thành Thăng Long
nhiều cung điện phủ Chúa được xây dựng rất nguy nga, lộng lẫy vàng son chất ngất,
nhà Y học nổi tiếng với tác phẩm Y Tông tâm lĩnh - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu
Trác, khi tới đất Kinh thành đã không khỏi bàng hoàng sửng sốt khi nhìn thấy cảnh:
Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm ngặt,
Cả trời Nam sáng nhất là đây!
Lầu tầng gác vẽ tung mây,
Rèm châu hiên ngọc bóng mai ánh vào.
Hoa cung thoảng ngọt ngào đưa tới,
Vườn Ngự nghe vẹt nói đòi phen;
... Quê mùa cung cấm chưa quen,
Khác gì ngư phủ Đào Nguyên thuở nào.
Và cảnh đẹp ấy trong ngày mồng Một Tết Nhâm Dần đã được nhà
thơ Bùi Huy Bích tả lại:
Biên cảnh năm năm chán mấy phần,
Kinh thành nay được gặp trời Xuân.
Nhị Hà nước gợn rung cây bóng,
Đền Ngự hương đưa động bụi trần,
Chín bệ cân đai đà chẳng cách,
Một vườn hoa trúc lại thường gần.
(Bài thơ có tựa đề: Ngày mồng 1 Tết Nhâm Dần
xem bản
phiên âm Hán-Việt phần tuyển chọn thơ; tác giả: BÙI HUY BÍCH (1744 - 1818))
Sống trong cảnh thiên nhiên, dựng bên bờ ao sen trắng một căn
nhà nhỏ, nhà thơ đã tức cảnh:
Kinh kỳ tạm trú bốn năm qua,
Bến nước thư trai dựng một tòa.
Đêm vẳng tiếng mưa chen tiếng dế,
Thân hèn lo nước lại lo nhà.
Lập lòe lửa đóm quyên thưa nhặt,
Hiu hắt cành lau, trúc thướt tha.
Thoang thoảng hương sen quanh ghế dựa,
Nào hay nằm giữa một vùng hoa.
(Ốm nằm trong gian nhà nhỏ, dựng bên bờ ao sen trắng,
đêm trở dậy đối diện với hoa làm bài thơ này.)
(Trích trong Hợp tuyển Thơ văn Việt
Nam, tập 3
xem bản phiên âm Hán-Việt phần tuyển chọn thơ; tác giả BÙI HUY BÍCH (1744 - 1818).
Và cảnh đẹp ấy còn lưu đọng trong lời thơ khi nhà thơ đi qua
khúc sông Xã Quang Liệt với dòng sông uốn lượn, làng xóm thanh bình cỏ cây hoa
lá xum xuê:
Xóm nhỏ thanh bình mé ngoại thành,
Chừng hơn hai dặm cách nhà mình.
Dòng Tô uốn khúc quanh đồng lúa,
Rặng vải che trùm những nếp tranh.
Ruộng bãi đan xen thành cảnh thú,
Cỏ cây tươi tốt dựng nhà xinh.
Mai ngày ca khúc "về đi chứ",
Đây dấu Văn Chinh đất nổi danh.
(Tên bài thơ Khúc ngâm trên sông Xã
Quang Liệt, tác
giả: BÙI HUY BÍCH;
xem bản phiên âm Hán-Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: BĂNG THANH)
Thăng Long - Hà Nội phồn hoa tấp nập trong những năm tháng
phát triển trở thành một "đô thị thương mại" đã hiện lên với nhiều cảnh
nhà cao cửa rộng, tầng lầu chất ngất mà trong tác phẩm Hương biệt hành đã mô tả:
Bên cầu Sông Cái Chợ Đồng Xuân,
Ngất trời san sát mấy tầng thanh lâu.
Liễu xanh, hòe biếc, thấp cao,
Màn là thấp thoáng rèm châu rỡ ràng.
(Trích bài thơ HƯƠNG BIỆT HÀNH;
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; tác giả: KHUYẾT DANH)
Trong con mắt người thi sĩ mỗi ngọn cỏ, dòng sông, đỉnh núi của
Thăng Long - Hà Nội đều là những đề tài nảy sinh vần thơ lai láng. Khi về Bắc
qua Sông Nhị Hà, Trần Danh Án đã viết:
Tản Viên mây phủ tối mờ,
Sông Lô dòng nước xanh lơ in trời....
Sự đời biến đổi chiều Thu,
Tình quê man mác lững lờ nước trôi.
Bóng trăng kim cổ đầy vơi,
Bắc Nam mấy độ tới lui con thuyền...
(Trích Về Bắc đi qua Sông Nhị Hà, tác giả TRẦN DANH ÁN (1754 - 1794). Người dịch: NGUYỄN VĂN BÁCH)
Còn nhà thơ Nguyễn Công Trứ, một sĩ phu đã từng thăng trầm
chìm nổi trên chốn quan trường của Vương triều Nguyễn khi tới đất Kinh thành
ông đã phải thốt lên những vần thơ ca ngợi về vẻ đẹp và con người ở nơi đây:
Chẳng thơm cũng thể hoa lài (nhài),
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
(Trích
bài thơ: Vịnh cảnh Hà Nội,
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; tác giả: NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778 - 1859))
Nguyễn Văn Siêu, người đương thời đã ca ngợi ông và Cao Bá
Quát là “thần Siêu thánh Quát” trong lĩnh vực thơ ca. Khi ngắm cảnh trăng trên
Sông Nhị Hà thì tâm hồn thi sĩ đã nhả ngọc phun châu:
Ngàn thôn khói lửa tỏa men sông,
Chật bến thuyền bè vạn nẻo thông.
Dạ khách bâng khuâng vương bến Bắc,
Bóng trăng bẽn lẽn ngó bờ Đông.
Mây vờn cây ngả soi dòng nước,
Trời rộng, lầu cao chạm đáy không.
Vũ trụ ngắm xem nhiều lạc thú,
Đêm nay cảnh ấy có ai cùng?
(Bài
thơ: Ngắm cảnh trăng trên sông Nhị Hà; tác giả: NGUYỄN VĂN SIÊU (1799 - 1872)
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: NGUYỄN VĂN BÁCH)
Khi tới Núi Phật Tích ở An Sơn (tức Chùa Thầy bây giờ) nhà
thơ đã bồi hồi nhớ chuyện xưa và viết:
Non xanh lớp lớp ngạo trời cao,
Cửa động hương hoa mãi ngọt ngào...
Tháp nghiêng chống chọi cùng mưa gió,
Bia cũ ngàn năm chốn bể dâu...
(Trích bài thơ: Thăm Núi Phật tích ở An Sơn nhớ chuyện xưa
- An Sơn: tức Sài Sơn Chùa Thầy; tác giả: NGUYỄN VĂN SIÊU;(1799 - 1872)
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: KD).
Lúc đến bến đò Chương Dương, nhà thơ cũng không khỏi động
lòng thi khúc vang lên những vần thơ:
... Tiễn khách chiều Thu qua bến cũ,
Hỡi lòng ngoảnh lại ngắm dòng khơi.
(Trích bài thơ: Bến đò Chương Dương
Tác giả: NGUYỄN VĂN SIÊU (1799 - 1872)
xem bản phiên âm Hán-Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: NGUYỄN VĂN BÁCH)
Thế Lữ trong bài thơ Người Phóng đãng tả cảnh trời Hà Nội
trong một buổi mưa bụi, lá bàng rơi và bày tỏ nỗi niềm người thi sĩ khi mất nước,
dòng tư tưởng bị tù hãm mượn lời con hổ trong vườn thú qua bài thơ Nhớ rừng để
nói về tâm trạng đau buồn ấy. Đó là thời kỳ nhiều trí thức và thi sĩ đương đại
không tìm thấy đường đi, không tìm thấy lối ra, dùng lời thơ để nói về nỗi niềm
u uẩn ấy:
Hà Nội mưa phùn mù mịt,
Lá bàng rơi rơi từng màu đỏ chết.
Phố vắng hai bên lặng ngắt như tờ,...
... Cho đến khi Hà Nội sáng trưng đèn,
Mới sực nhớ đêm nay không chỗ nghỉ.
(Trích bài thơ: Người phóng đãng, tác
giả: THẾ LỮ (1907-1989))
Còn Bàng Bá Lân khi bước qua những phố phường cổ nhớ về một
thời Hà Nội với những dáng hình cô gái đội nón quai thao, mặc quần lĩnh tía, đi
dép hài cong với làn môi đỏ thắm cười rất duyên:
Tôi chậm bước mỗi khi qua Hàng Bạc
Kiểu nhà xưa còn sót lại vài gian...
... Tay mềm mại khẽ nâng quai nón thúng,
Quần lĩnh tía, dép cong, làn môi thắm,
Cười phô duyên kín đáo của răng huyền,...
(Trích bài thơ: Gái xưa, tác giả: BÀNG BÁ LÂN (1912-1988)).
Hay hình ảnh một ông Đồ viết câu đối Tết khi mỗi độ Tết đến
Xuân về trên đường phố Hà Nội có lẽ còn in đậm trong tâm hồn bao thế hệ tầng lớp
trí thức Thủ đô Hà Nội. Một hình ảnh thân thương và lưu luyến biết bao:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ,
Bên phố đông người qua...
... Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Trích bài thơ: Ông Đồ; tác giả: VŨ ĐÌNH LIÊN (1913-1996)).
Còn nhà thơ Vũ Hoàng Chương khi bước trên những đường phố cũ
đã dạt dào những vần thơ da diết yêu đương của cái buổi: “tình thơm mộng nhớ“:
Tuổi thơm mười sáu tình thơm mới,
Duyên đượm hàng mi ngập nắng mai.
Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu,
Hàng Trống, Hàng Khay rộn bước người...
(Trích bài thơ: Phố cũ, tác giả: VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1916-1976))
Và tình yêu lứa đôi ấy được nhà thơ Ngô Văn Phú đúc rút bằng
hai câu thơ hết sức hào hoa vẽ nên vẻ đẹp của người con gái tựa như một nàng
tiên đẹp đẽ biết nhường nào:
... Áo em gom hết mùa Thu chín,
Hồn phố dâng theo một dải vàng.
(Trích bài thơ: Thu vàng, tác giả: NGÔ VĂN PHÚ (1937))
Một nhà thơ được mệnh danh “thiên thần“ của tình yêu tuy
không sinh ra trên đất Hà Thành nhưng ông viết về một tình yêu lứa đôi trong một
Đêm Trăng Đường Láng sao mà bâng khuâng thơ mộng đến lạ thường:
... Em đưa anh vào trong bóng trăng,
Anh đưa em, cành liễu thung thăng.
Đường Láng thơm bạc hà, canh giới...
... Em là một ngôi sao mới băng
(Trích bài thơ: Đêm trăng Đường Láng, tác giả: XUÂN DIỆU (1916-1985)).
Nhà thơ Hồ Dzếnh đã nói hộ ai đó về những mối tình xưa ấy ở
nơi Chợ Đồng Xuân đã dắt díu nhau đi:
... Đồng Xuân này lối năm xưa,
Anh chưa lấy vợ, em chưa lấy chồng...
(Trích bài thơ: Rủ em đi chợ Đồng Xuân, tác giả: HỒ DZẾNH (1916-1991))
Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ Viếng hồn trinh nữ ông đã tả
cảnh Kinh kỳ trong buổi tiễn đưa nàng về nơi an nghỉ cuối cùng sao mà thê lương
buồn bã sao mà đẫm lệ nhỏ sa. Những vần thơ ấy đọc lên bùi ngùi thương cảm đau
nhói buồng tim:
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ.
Tôi thấy quanh tôi và tất cả,
Kinh thành Hà Nội chít khăn xô...
... Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi!...
(Trích bài thơ: Viếng hồn trinh nữ, tác giả: NGUYỄN BÍNH (1918-1966))
Viết về hình ảnh một dòng sông đang băng băng cuồn cuộn chảy
về xuôi qua đất Kinh thành mà người đọc những vần thơ ấy tránh sao khỏi sự bùi
ngùi, bâng khuâng, man mác trong một buổi chiều thê lương, tê tái. Nó tựa hồ ví
như một người xa quê nhớ cố hương. Người thi sĩ đã gửi gắm lòng mình trong một
bài thơ ẩn chìm lòng yêu nước trong những năm tháng chưa tìm thấy lý tưởng và
đường đi. Đó là nỗi ngậm ngùi, xót xa như một người đứng trước ngã ba đường
không biết đi về đâu:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng...
... Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng...
(Trích bài thơ Tràng giang, tác giả HUY CẬN (1919-2005);
Lúc tác giả còn sống, ông nói sáng tác bài thơ này ở Bến đò Chèm)
Ở Hà Nội có nhiều tên đường phố, có những tên đường phố đã gợi
nhớ về một miền đất, một vị anh hùng hay một câu chuyện tình lãng mạn như Bích
Câu kỳ ngộ hoặc một tên dễ gợi cảm đến lạ thường như ngõ Tạm Thương mà nhà thơ
đã viết:
... Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm,
Thương một đời, đâu phải Tạm Thương.
(Trích bài thơ: Chơi chữ về Ngõ Tạm thương, tác giả CHẾ LAN VIÊN (1920-1989))
Hoặc những vần thơ triết lý về dòng sông về những kỷ vật của
thời gian cùng con người chúa tể của trần gian và năm tháng nó mãi mãi là nguồn
sinh sôi thúc đẩy trong mạch sống tình đời:
... Cây ta trồng giữa bao nhiêu đồng đội,
Như những cặp tình nhân cùng lứa tuổi
Em có đi qua cũng quên dĩ vãng lúc ban đầu...
... Chỉ còn cây... cây... chỉ còn cuộc sống.
Một mặt trận mùa Xuân đang náo động!
Tác giả CHẾ LAN VIÊN (1920-1989))
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, Tố Hữu đã xuất hiện như một
nhà thơ cách mạng hàng đầu. Ông đã đóng góp cho nền thơ ca cách mạng những tác
phẩm nổi tiếng: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng... Viết về Hà Nội ông để lại tác phẩm
khá nổi tiếng đó là Tiếng chổi tre. Đọc bài thơ này, người ta thấy hình ảnh người
lao công, những con người làm đẹp cho đường phố hiện lên đẹp đẽ biết nhường
nào. Họ là những người lao động cần cù trong những đêm Hè còn oi nồng nóng bỏng
hay những đêm Đông giá lạnh:
Những đêm hè,
Khi ve ve đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác,
Hàng me...
... Tiếng chổi tre đêm hè quét rác...
... Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rít
Tiếng chổi tre sớm tối đi về...
(Trích bài thơ: Tiếng chổi tre, tác giả TỐ HỮU (1920-2002))
Nhà thơ đứng trước cảnh lung linh sóng nước Hồ Tây và cảnh
đêm trăng Đường Cố Ngự đã để lại những vần thơ lai láng đọc lên lay động lòng
người:
Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư,
Trăng đầy mặt nước trăng như mặt người.
Trăng tươi mặt ngọc trên trời,
Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.
(Bài thơ: Trăng, tác giả TỐ HỮU (1920-2002))
Một nhà thơ sống cùng thời đại với nhà thơ cách mạng Tố Hữu
đó là thi sĩ Nguyễn Đình Thi. Một con người đa tài trên nhiều phương diện: Thơ,
kịch, tiểu thuyết, nhạc sĩ, họa sĩ đã kết tinh trong ông. Viết về Hà Nội, ông
đã để lại những vần thơ mà nhiều thế hệ khó quên:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,
Những phố dài xao xác hơi may.
Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
(Trích bài thơ: Đất nước, tác giả: NGUYỄN ĐÌNH THI (1924-2003))
Hà Nội cũng để lại nhiều ấn tượng trong thi phẩm của các thi
sĩ đương đại về cảnh đẹp, về sản vật, về hương hoa Hà Nội trong bài thơ Em ơi!
Hà Nội - Phố đã nói lên những đặc thù thi vị ấy:
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan,
Ta còn em mùi hoa sữa,...
... Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố,
Bơ vơ không nhớ nổi một con đường,
Tha hương ngay trước cổng nhà cha mẹ...
(Trích bài thơ: Em ơi, Hà Nội - Phố, tác giả: PHAN VŨ (1926-?)
Hà Nội trong những ngày Tết đến thường hối hả trên khắp các nẻo
đường, ngõ phố dòng người tấp nập đi mua sắm trên khuôn mặt của những con người
muôn phương ấy đều gợi lên một vẻ mặt thân thương gây cảm hứng cho tâm hồn thi
sĩ:
... Đất được mùa hoa, ta mùa đời,
Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui.
Như người ươm hạt yêu quả chín,
Đi suốt đường hoa, chỉ ngắm người!...
(Trích bài thơ: Chọn hoa ngày Tết, tác giả: VIỆT PHƯƠNG (1928-?)
Hà Nội có nhiều kỷ niệm để nhà thơ nhớ đến từ ngõ chợ thân
thương cho đến những địa danh nổi tiếng như làng hoa Ngọc Hà, hàng cây cơm nguội
Đường Yên Phụ, hàng hoa sữa Đường Nguyễn Du tỏa hương thơm gợi nhớ nồng nàn:
... Đêm thao thức Ngọc Hà hoa nở,
Thoảng mùi lan cửa sổ trăng dòm.
Đường thương nhớ Nguyễn Du hàng sữa,
Hương nồng nàn theo những gót son...
(Trích bài thơ: Miền nhớ, tác giả: NGUYỄN HÀ (1932-1999))
Còn nhà thơ Hữu Thỉnh, chỉ bốn câu thơ thôi mà nhà thơ đã
phác họa lên một bức tranh có dòng sông “bến lở”, có hoa sữa đượm đà và một mùa
Thu với không gian đơn lẻ:
Em đi về phương Nam
Sông đầy và bến lở
Để lại anh hoa sữa
Cuối Thu thơm một mình.
(Bài thơ: Hoa sữa
Tác giả: HỮU THỈNH (1942))
Trong bài thơ Những con đường tháng Giêng, Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
đã nói hộ biết bao trái tim về tình yêu Hà Nội với những kỷ niệm thân thương về
“cây cơm nguội lá vàng” về những dãy phố, ngọn đèn lúc hoàng hôn hay những cánh
hoa đào nở trong tháng Giêng sao mà gợi nhớ, nồng nàn tha thiết thế:
Tôi yêu những con đường Hà Nội,
Cuối năm cây cơm nguội lá vàng.
Những ngọn đèn thắp sáng lúc hoàng hôn,
Mái phố cũ nhấp nhô trong khói nhạt.
Ngã năm rộng, cỏ ven hồ xanh mướt,
Năm nay đào nở sớm tháng Giêng sang...
(Trích bài thơ: Những con đường tháng Giêng, tác giả: XUÂN QUỲNH (1942-1988))
Nhà thơ Phan Hách cũng có những cung bậc của bài thơ nói về cỏ
cây hoa lá, nói về tình yêu lứa đôi của đất trời Thăng Long – Hà Nội với biết
bao hình ảnh thân thương diễn ra trong cuộc sống thường nhật:
... Hoa sữa đêm như vò búp trầu không
Mái cửa sổ tiếng dương cầm của em có người nghe trộm
Mái cửa sổ lá sấu vàng khẽ rụng,
Tiếng đàn như trái chín lăn tăn.
Mùa Hè nhiều hoa tím bằng lăng
Lá găng vàng sau hàng rào sắt...
(Trích bài thơ: Hà Nội tôi yêu, tác giả: NGUYỄN PHAN HÁCH (1944))
Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?
Me Sài Gòn đang vào mùa thay lá.
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá!
Nhớ mùa sấu rụng Phố Tràng Thi.
(Trích bài thơ: Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?, tác giả: LÊ GIANG)
Hay một ngõ Tràng An đã xuất hiện trong thơ Vân Long:
... Tôi thả bước lơ ngơ,
Trước vòng ngõ cũ,
In một bước tình cờ,
Lên dấu chân ngày nhỏ...
(Trích bài thơ: Ngõ Tràng An, tác giả: VÂN LONG (1934-?))
Ở Hà Nội, nhiều gia đình, cơ quan còn giữ lại được những khu
vườn trong phố. Nơi ấy đã diễn ra biết bao cuộc tình duyên, những mối tình đầu
nóng bỏng của thưở tình yêu còn cắp sách đến trường. Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong
bài thơ Vườn trong phố đã nói lên tất cả những tâm trạng ngây thơ, ngổn ngang đầy
thi vị ấy:
... Vườn em là nơi đọng gió trời xa,
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng.
Con nhện đi về giăng tơ trắng,
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi.
Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi,
Một hạt nhỏ mơ hồ trên má.
Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá?
Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao...
(Trích bài thơ: Vườn trong phố, tác giả: LƯU QUANG VŨ (1948 -1988))
Hà Nội cũng có những miền đất gợi nhớ một thời của lịch sử đã
đi vào quá khứ khi tiếng tàu điện leng keng không còn vang lên nữa:
... Anh về làm rể thày thương,
Thương hơn, ấy những con đường anh qua.
Chiều nay về đến Tam Đa
Chuông tàu điện báo vào ga cuối cùng.
(Trích bài thơ: Con rể Làng Bưởi, tác giả: PHẠM NGỌC CẢNH (1934-?)
Khi nhìn thấy một thân cây, một tán lá, một bông hoa nhà thơ
bất chợt vang lên thi khúc nhớ về Hà Nội:
... Nỗi trầm tư mơ mộng nghìn năm,
Mùa Hè con chim ăn trái xanh,
Làm rụng sấu xuống mặt đường im lặng,
Lá cơm nguội ửng vàng như nhớ nắng,
Những phố bàng đông đúc trẻ con chơi...
(Trích bài thơ: Một thân cây, một tán lá, một bông
hoa,
Tác giả: HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG (1937-?))
Mỗi nhà thơ của mỗi thời đại có cái nhìn và phát hiện về
Thăng Long – Hà Nội nhiều cái mới lạ. Tác giả Thi Nhị đã mô tả về “Xóm Hạ Hồi”
trong lòng Hà Nội bằng những vần thơ duyên dáng đáng yêu:
Là xóm, lại không là xóm đâu,
Giữa lòng Hà Nội, ngõ chìm sâu,
Mấy khuôn vườn nhỏ êm như thể,
Lọc hết êm ru phố xá vào! ...
(Trích bài thơ: Xóm Hạ Hồi, tác giả: THI NHỊ (1937-1979))
Có nhà thơ phát hiện về Hà Nội với những nghề thủ công nổi tiếng
như nghệ nhân gốm Bát Tràng:
... Bút nghiêng lất phất hạt mưa,
Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn.
Hài hòa đường nét hoa văn,
Dáng em - dáng của nghệ nhân Bát Tràng...
... Lò nung rung ngọn lửa vờn,
Men xanh như thể tâm hồn quê ta...
(Trích bài thơ: Nét vẽ... màu đen…, tác giả: HỒ MINH HÀ (1937-1977)
Hay những vần thơ viết về một Phố Lò Sũ qua hình ảnh một chiếc
quan tài chờ chôn giặc, một cô gái đội mũ ca lô đứng gác dưới bóng trăng trong
những ngày Thủ đô kháng chiến:
... Phố Lò Sũ mang áo quan chờ chôn giặc,
Một tiếng đàn rung trên chiến hào...
...Em ơi gái liễu hàng mi xếch ngược,
Ca lô sao vàng đứng gác dưới trăng.
Có phải em: Em là Hà Nội...
(Trích bài thơ: Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến, tác giả: HOÀI ANH (1938))
Những chiều lên Bưởi của tác giả Vũ Từ Trang là những vần
thơ nói về vùng quê Bưởi - một vùng quê nổi tiếng xưa kia với nghề làm giấy dó
ngày đêm vang lên nhịp chày Yên Thái vang vọng mặt gương Tây Hồ:
Những chiều ngược Bưởi lên quê Giấy,
Gặp phố gặp làng với gặp cây,
Cây ở nơi này sao xanh lắm,
(Trích bài thơ: Những chiều lên Bưởi, tác giả: VŨ TỪ TRANG (1948))
Các thi sĩ thường ngâm vịnh viết về Hà Nội trong cảnh mùa Thu
lá vàng rơi cho Xuân đến đâm chồi nảy lộc theo quy luật muôn đời của tạo hóa:
Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng. Thu Hà Nội xuất hiện trong thơ Phan
Thị Thanh Nhàn thật là ngọt ngào hương vị:
Hà Nội vào Thu quá dịu êm,
Gió rất nhẹ làm ánh đèn xao động....
... Buổi tối mùa Thu êm dịu quá,
Hoa sữa thơm ngào ngạt khắp đường, ...
(Trích bài thơ: Hà Nội mùa Thu, tác giả: PHAN THỊ THANH NHÀN (1945))
Mùa Thu trong thơ của Lê Thành Nghị lại hiện lên lung linh
“như trái hồng chín vội của một ngày đầu Thu”:
... Nhẹ nhàng chiếc lá bàng thay,
Kéo theo một vạt lửa bay xuống hồ...
... Như bao giọt nến tràn đầy,
Trái hồng chín vội một ngày đầu Thu...
(Trích bài thơ: Sang Thu, tác giả: LÊ THÀNH NGHỊ (1946))
Hay cái nhớ mùa Thu của Dương Kỳ Anh đã làm cho người ta liên
tưởng tới mùa cốm nổi tiếng của Làng Vòng:
... Thu của cốm Vòng xanh chiều Thu,
Nghi Tàm cây rợp bóng người qua,...
... Lắng Thọ Xương xưa một tiếng gà.
Thu áo mỏng, chiều buông chậm...
(Trích bài thơ: Nhớ mùa Thu Hà Nội, tác giả: DƯƠNG KỲ ANH (1948))
Thơ viết về Hà Nội có nhiều cung bậc khác nhau. Có nhà thơ nhớ
Hà Nội thể hiện bằng một tình yêu qua không gian sâu thẳm từ nơi sơ tán trong
những ngày Hà Nội bị chiến tranh không quân ác liệt. Người Hà Nội phải về nơi
miền quê sơ tán. Khi Hà Nội bình yên họ mới được trở lại nơi thành phố thân
thương. Vũ Quần Phương là một nhà thơ đã thành công trong đề tài ấy. Thi sĩ vốn
xuất thân là một Bác sĩ, nhưng ông lại có tài làm thơ và bình thơ. Thơ ông đã
đi vào lòng nhiều độc giả, nhiều người thích thơ ông bởi sự bình dị, thấm sâu
và có nhiều ý nghĩa triết lý ẩn tàng trong mỗi vần thơ, tứ thơ. Đọc xong bài
thơ Từ biệt vùng quê sơ tán người ta thấy yêu quý hơn tâm hồn của tác giả đã
sáng tác ra những vần thơ cho đời, vì đời và rất trách nhiệm với đời:
Mai cha sẽ đưa con về phố,
Đêm cuối, nhà dân sao khó ngủ...
... Đêm nằm năm ở dễ quên sao?...
... Đồng đất nào chẳng quê hương làng xóm,...
... Bia nghĩa trang thấp thoáng cỏ ven đồi,
Màu khăn đỏ đi qua các em vào lớp học.
Trang sách vở ngày mai khi học về đất nước,
Năm tháng này cha muốn nhắc con nghe...
(Trích bài thơ: Từ biệt vùng quê sơ tán, tác giả: VŨ QUẦN PHƯƠNG (1940))
Có nhà thơ viết về Hà Nội bằng những tình cảm mộc mạc song nó
lại gợi lên rất nhiều triết lý của cuộc đời mà ta phải suy tư, ngẫm nghĩ. Trở lại
trái tim mình là một bài thơ như thế:
... Những gác xép bộn bề hy vọng,
Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô...
... Tôi đi ngang qua những cuộc đời thường,
Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại. ...
... Tấm lòng Hà Nội thiêng liêng,
Vẫn nguyên vẹn sau rất nhiều từng trải.
Con đường lóa bóng hoa vàng trẻ mãi
Tiếng lanh canh trên gạch lát hồn nhiên...
(Trích bài thơ: Trở lại trái tim mình, tác giả: BẰNG VIỆT (1941))
Có lẽ trong 10 Thế kỷ qua, những vần thơ hay viết về hào khí
của Thăng Long - Hà Nội trong cuộc chống ngoại bang để bảo vệ non sông gấm vóc
của Tổ quốc còn vang vọng mãi trong tâm hồn của nhiều thế hệ. Khi Mã Viện, tướng
nhà Hán sang cai trị nước ta, đàn áp thu cướp đồ đồng đúc thành cột chôn trên Hồ
Tây để “trấn yểm“ và ghi lời đe dọa rằng: “Cột đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt“ (Cột
đồng bị phá đất Giao Chỉ sẽ bị diệt vong). Nhưng với tinh thần “Thà chết không
chịu làm nô lệ“ quân dân Bách Việt đã quật khởi vùng lên phá tan cột đồng. Hai
câu thơ dưới đây đã nói lên tinh thần bất diệt ấy:
Cột đồng vắng bóng còn đâu tá?
Chỉ thấy Tây Hồ nước bóng gương.
Cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên của dân tộc ta đã 3 lần
gian lao đầy máu lửa như Vua Trần đã viết:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc bao phen lao ngựa đá
Non sông nghìn thưở vững âu vàng)
Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên rực rỡ, huy
hoàng, xán lạn của Vua tôi nhà Trần, Trần Quang Khải đã sang sảng ngâm vang những
vần thơ đầy hào khí Đông A trong cuộc chiến tranh quyết liệt với quân thù để bảo
tồn Quốc gia Đại Việt:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn Thu.
(TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ - Phò giá về Kinh.
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; tác giả: TRẦN QUANG KHẢI)
Và khí phách anh hùng ấy đã được tạc ghi trên Tháp Báo Thiên:
Ngã lai dục tỷ đề thi bút,
Quản lãnh Xuân giang tác nghiên trì.
Dịch:
Tới đây những muốn dầm ngòi bút,
Chiếm cả dòng sông mài mực thơ.
(Trích BÁO THIÊN THÁP)
Và khi đến Đống Đa, người ta đã bồi hồi nhớ lại về vần thơ đầy
xúc động:
Đống Đa ghi để lại đây,
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am.
Dưới con mắt của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nghĩ về cảnh đại bại của
viên tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống đã gửi xác nơi đây, thi sĩ đã viết lên những
vần thơ vừa mỉa mai, châm biếm:
Ghé mắt trông sang thấy bảng treo,
Kìa Đền Thái thú đứng cheo leo.
Vý đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
(Bài thơ ĐỀ ĐỀN SẦM NGHI ĐỐNG, tác giả: NỮ SĨ HỒ XUÂN HƯƠNG(?- ?)
Còn nhà thơ Vũ Tông Phan khi qua Đền Hai Bà Trưng đã bồi hồi
xuất khẩu thành thơ:
Ngàn Thu khí phách em như chị,
Muôn thuở anh hào gợn chiến công...
.... Mấy hồi thế cuộc đều như mộng,
Sông Hát còn sôi ngọn sóng hồng.
(Trích bài
thơ QUA ĐỀN HAI BÀ TRƯNG; tác giả: VŨ TÔNG
PHAN;
Bản dịch:
ĐINH TÚC và VŨ THẾ KHÔI).
Thăng Long - Hà Nội Nghìn năm Văn hiến, cũng là 1000 năm
thăng trầm của lịch sử. Mỗi tấc đất còn đến hôm nay, mỗi bước ta đi trên các ngả
đường, ngõ phố, dưới chân ta là các tầng văn hóa giao thoa của các triều đại.
Nó đã ngấm đầy máu và nước mắt của bao thế hệ tổ tiên. Dưới triều Trần, quân
Chiêm Thành đã hai lần vào đốt phá Thăng Long và cũng ba lần Vua tôi nhà Trần
đã rút khỏi Kinh thành Thăng Long làm “vườn không nhà trống” để làm kế sách diệt
phá quân Nguyên. Đến thời kỳ đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, quân
dân Hà Thành đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Chiến thắng lẫy lừng ở Cầu Giấy
đã làm cho lòng dân đất Kinh kỳ phấn chấn. Nhà thơ Bùi Văn Dị khi nghe tin này
đã hào hứng viết vần thơ bừng bừng khí phách:
... Sương mai trắng xóa ngàn gươm xốc,
Máu chiến đỏ ngầu vạn ngựa say.
(Trích thơ: Ngày 13 tháng 3 nghe tin thắng lớn ở Cầu Giấy
làm thơ ăn mừng, tác giả: BÙI VĂN DỊ (1831-?), Người dịch: NGUYỄN XUÂN TẢO)
Và chính nơi đây Kinh thành Thăng Long lịch sử này đã chứng
kiến hai vị tướng quân Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu tuẫn tiết vì Tổ quốc. Bởi
thế, khi nhà thơ Đào Tấn tới nơi này đã không khỏi bùi ngùi khóc thương về người
anh hùng ấy:
Giữ nước anh hùng bạc mái đầu,
Danh thơm bất khuất để ngàn Thu,
Hà Thành ngoảnh lại lòng như cắt,
Ước lệ lòng căm lũ giặc thù.
(Tên bài thơ KHÓC TƯỚNG QUÂN NGUYỄN TRI PHƯƠNG,
Tác giả: ĐÀO TẤN, (1845-1907);
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: NGUYỄN XUÂN TẢO).
Còn nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng không khỏi bùi ngùi khóc Phò
mã Nguyễn Lâm:
Anh hùng lỗi lạc con nhà tướng,
Tay sắt xin nguyền cứu nước non,
Nghìn thuở Thăng Long yên nắm cốt.
Xa xôi kinh khuyết nhớ anh hùng.
(Tên bài thơ KHÓC PHÒ MÃ NGUYỄN LÂM,
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ; Người dịch: DƯ LÊ)
Và truyền thống anh hùng ấy còn biểu tượng ca ngợi những hình
tượng đẹp đẽ của Thế giới thần linh trong tâm linh của người dân đất Kinh thành
với triết lý vô ngôn: Sinh vi tướng, tử vi thần ngợi ca vẻ đẹp uy nghiêm của thần
Trấn Võ oai nghiêm lẫy lừng trấn phương Bắc qua bài thơ Đền Trấn Võ:
ĐỀN TRẤN VÕ
... Phong vật đất Đông Kinh thắng cảnh Hồ Tây,
Thần linh ở nước Nam, vị Trấn Bắc là tôn nghiêm,
Đêm thanh vắng, khí gươm thiêng bốc tới sao Đẩu, sao Ngưu...
(Tác giả: PHAN VĂN ÁI, (1850-1893))
xem bản phiên âm Hán - Việt phần tuyển chọn thơ;
Truyền thống yêu nước của người Hà Nội mãi mãi sẽ đi vào lịch
sử bằng những vần thơ ngợi ca bất diệt trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao. Khi
con người ta chết, trở về với đất những người thân ở lại cũng có những phút buồn
đau và lòng tiếc thương vô hạn:
... Anh ngước nhìn lên hai dốc núi,
Hàng thông bờ cỏ con đường quen,
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói,
Núi vẫn đôi mà anh mất em! ...
Song vượt lên tất cả sự mất mát ấy là sự hồi sinh phi phàm trong lý tưởng chiến
đấu vì một ngày mai tươi đẹp nên người thi sĩ đã viết về cái chết ấy với một
nghị lực hồi sinh xán lạn:
... Anh viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng...
... Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Trích bài thơ Núi đôi, tác giả: VŨ CAO (1922-?)
(Địa danh trong bài thơ nay được xác định tại Huyện Sóc Sơn, Hà Nội))
Một sự độc đáo khác mà chỉ có thơ ca mới làm được là khi con
người biết mình đang đi vào cõi chết nhưng vẫn hồn nhiên những vần thơ vang lên
lanh lảnh của thi sĩ Quang Dũng qua bài thơ Tây Tiến:
Người về Sầm Nứa chẳng về xuôi
... Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
... Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Nhưng người thi sĩ ấy vẫn lãng mạn, lạc quan yêu đời,
lòng vẫn đau đáu nhớ về Hà Nội:
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm...
Nhà thơ vẫn nghĩ về những làng quê thắm đượm tình yêu thương,
lưu luyến với những tâm hồn chất phác của xóm làng nơi Trung đoàn đi qua để đợi
một ngày kia giáp chiến với quân thù:
... Những làng Trung đoàn ta đi qua,
Lều chợ bay tro đêm lửa trại.
Rạ thui bò khét cổng làng sau,
Gạo thổi cơm sôi thơm ngõ ruối.
Buồng chuối tiễn quân em mới cắt.
Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt
Khúc hát đồng ca Vệ quốc quân,
Cuối xóm trông theo vẫy mấy lần...
(Trích
bài thơ: Những làng đi qua, tác giả: QUANG
DŨNG (1921-1988)
Hà Nội trong bề dày lịch sử, biết bao thi sĩ đã sinh ra, lớn
lên hoặc ngụ cư ở nơi đây. Nơi họ đã nảy nở những tình yêu nồng cháy, nhưng
trong giờ phút lâm nguy của Tổ quốc họ sẵn sàng chia tay với người yêu để lên
đường làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Những cuộc chia ly ấy thường đẫm nước mắt
kẻ ở, người đi nhưng ở nhà thơ Nguyễn Mỹ lại vang lên những vần thơ nồng cháy đầy
nhiệt huyết cách mạng trong bài Cuộc chia ly màu đỏ:
Trưa một ngày sắp ngả sang Đông
Thu. Bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ,
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa...
... Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng sáng ngời...
(Trích bài thơ: Cuộc chia ly màu đỏ, tác giả: NGUYỄN MỸ (1935-1971))
Có thể nói trên Thế giới dân tộc nào cũng đều có lòng yêu nước.
Nhưng mỗi một dân tộc có một tình yêu nước và ứng xử khác nhau. Người Hà Nội,
yêu Hà Nội nhưng người ở muôn phương khi về tụ cư ở Hà Nội cũng gắn bó với mảnh
đất này như chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và họ đã hy sinh vì mảnh đất
yêu thương này khi bị quân thù dày xéo. Dù ở đời xưa hay đời nay tinh thần ấy vẫn
mãi mãi là bất diệt. Quả đúng như lời thơ của Đặng Dung đã viết:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma...
(Thù nước chưa xong đầu vội bạc
Gươm thiêng thử độ dưới trăng mài...)
Tác giả đã luyến tiếc vì những mối thù của đất nước chưa trả
được nhưng tuổi già đã đến với mái đầu.
Cuộc kháng chiến 1000 năm của người dân Kinh thành Thăng Long
trải qua các triều đại: Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn và hai cuộc
kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống ngoại bang bành chướng phương Bắc đều
nói lên tinh thần bất diệt ấy.
Những bài thơ viết về Hà Nội còn lưu lại trong lòng độc giả vẫn
là ca ngợi Hà Nội trong cảnh đẹp của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trong đó cảnh
vật làm nền là cỏ cây hoa lá, sóng nước mây vờn chim bay bướm lượn và bao trùm
lên tất cả là tình yêu lứa đôi tha thiết nồng nàn được miêu tả hết sức thi vị.
Thơ ca ngợi về cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội rất nhiều như
trên chúng tôi đã bình tuyển. Song vượt lên tất cả là sự ca ngợi hình ảnh người
anh hùng dân tộc, người đã tìm ra con đường cứu dân, cứu nước khai sinh ra nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là hình tượng vĩ đại Ctịch HCM sống
mãi trong trái tim của cả dân tộc. Hình tượng ấy được nhà thơ Viễn Phương ghi lại
trong bài thơ Viếng Lăng Bác thật là dạt dào tình cảm và xúc động từ đáy lòng
trào dâng:
... Ngày ngày Mặt trời đi qua trên Lăng,
Thấy một Mặt trời trong Lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ,
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa Xuân...
... Vẫn biết trời xanh là mãi mãi,
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Mai về miền Nam, thương trào nước mắt,
Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác...
(Trích bài thơ: Viếng Lăng Bác, tác giả: VIỄN PHƯƠNG (1928-?)).
NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét