Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Mạnh Cường: Ngón đàn vẫn điêu luyện trên cung bậc bổng trầm

Mạnh Cường: Ngón đàn vẫn điêu luyện 
trên cung bậc bổng trầm
"Hồi xưa ông ngoại là lương y Nguyễn Văn Cập, nhưng lại là một tài tử ca, ông mê đờn ca nên cho các cậu của tôi lên Sài Gòn thọ giáo 2 danh cầm Văn Vĩ, Văn Giỏi. Ông thường xuyên tổ chức đờn ca tại nhà mời những tài tử có tiếng như: Ba Su, Tư Đức, Minh Tô, Cẩm Vâm... Tôi nghe mãi rồi thấm vào người lúc nào không biết và không nhớ mình đã tập bấm những ngón tay trên dây đàn lúc nào, chỉ nhớ cậu Tám (Nguyễn Thanh Hoàng hiện công tác tại Công ty Du lịch TP. Hồ Chí Minh) và cậu Út là nhạc sĩ Mười Được đã truyền nghề cho mình và mỗi lần các cậu đi đờn ca, tôi đi theo vác đờn..." Mạnh Cường kể.
Năm 13 tuổi, Mạnh Cường lên sân khấu lần đầu, độc tấu bản Tây Thi, lúc ấy cây guitar muốn lớn hơn anh. Cũng từ đó anh trở thành nhạc công của ấp, đàn cho các cuộc hội thi văn nghệ ở xã Tân Long (TP. Mỹ Tho). Được sự quan tâm và truyền lửa đam mê từ ông ngoại và hai cậu, Mạnh Cường học thêm đàn sến, say mê rèn luyện, chính vì vậy mà mới 17 tuổi, anh đã giành được huy chương vàng cá nhân, độc tấu nhạc cụ (đàn sến) trong Liên hoan đàn hát dân ca khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần I năm 1988. Một năm sau (1989), cũng với ngón đàn sến, Mạnh Cường nhận thêm chiếc huy chương vàng độc tấu nhạc cụ trong hội thi "Nhạc cụ dân tộc toàn quốc". Anh trở thành ngón đàn vàng trẻ tuổi của khu vực đồng bằng và là một trong những nhạc công không thể thiếu của tỉnh nhà tham gia các cuộc hội thi chuyên nghiệp.
Học xong phổ thông, Mạnh Cường thi vào Khoa nhạc cụ dân tộc của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh). Những người thầy dạy khoa này, nhiều người đã từng là thí sinh cùng "ứng thí" với anh tại Hội thi "Nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc", cộng thêm sự thông minh, chuyên cần nên anh luôn được sự trân trọng, yêu thương. Ba năm ở trường, anh học thêm nhiều nhạc cụ khác như: tranh, bầu, kìm... Mạnh Cường là một trong số ít danh cầm của Tiền Giang, được đào tạo qua trường lớp chính quy.
 Sau khi đạt huy chương vàng toàn quốc, Mạnh Cường không tham dự hội thi bằng ngón đàn độc tấu mà tham gia hòa tấu nhạc cụ, nhiều năm liền anh góp sức cùng đồng đội đem về cho tỉnh nhà nhiều tấm huy chương vàng hòa tấu nhạc cụ. Bây giờ, trong tất cả các cuộc hội thi lớn trong và ngoài tỉnh, chúng ta đều bắt gặp anh bên cây đàn bầu, uyển chuyển những âm thanh rung động lòng người mộ điệu.
Có khá nhiều người đến xin học đàn, Mạnh Cường đã có một số đệ tử theo nghề như: Nguyễn Trãi, Hồng Minh, Văn Mười (Tân Phước), Văn Tâm (Mỹ Tho), Kiều Oanh (Thới Sơn)...
Nguyễn Mạnh Cường hiện là chuyên viên Phòng Văn hóa thông tin TP. Mỹ Tho, anh thường xuyên được Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật mời dạy đàn, dạy hát cho các lớp đàn ca tài tử, lớp diễn viên sân khấu... Anh tâm sự: "Dàn nhạc cổ chủ lực của tỉnh ta hiện nay trẻ nhất là Hồng Tươi (Cái Bè), nhưng cũng ngấp nghé tuổi 40, lực lượng có triển vọng để kế thừa thì chưa thấy. Một điều nghịch lý cho học trò của anh: người có năng khiếu thì lại nặng gánh gia đình nên học nửa chừng rồi nghỉ, kẻ có lòng đam mê, có điều kiện học hành, nhưng năng khiếu đàn không có, cố gắng lắm chỉ nắn nót được vài câu vọng cổ. Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật có mở lớp dạy đàn, ca nhưng thời gian 1 hoặc 2 tháng thì quá ngắn. Một tay đàn lành nghề phải có 3 năm theo học thường xuyên và có khoảng 10 năm rèn luyện mới thành danh. Qua giải Nguyễn Thành Châu và Hội thi đàn ca tài tử vừa rồi tôi thấy buồn vì lực lượng hậu bối của đàn, ca cải lương thiếu vắng. Bạn Lâm Chí Lợi, nhạc công Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, đã có lời mời tôi phối hợp với anh, tập hợp anh em trong giới đàn ca có nghề để ghi chép, sưu tầm những bài bản tài tử, cải lương in sách và thu đĩa nhằm lưu truyền lại. Tôi hết sức ủng hộ ý tưởng này, nhưng đó là một dự án lớn phải có sự đầu tư về kinh phí và thời gian".
Ngọc Lệ 
Theo https://vannghetiengiang.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...