Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Ký tính thiền trong "Áo xanh" của Bùi Giáng

Ký tính thiền trong "Áo xanh" của Bùi Giáng 
Bùi Giáng (1926-1998) là một trong những thiên tài thi ca hiện đại Việt Nam. Ân sủng thơ ông phát lộ chói sáng. Chưa nói đến sáng tác, chỉ nguyên dịch thơ Đường luật thôi thì ông có thể đứng vào hàng Nguyễn Công Trứ (người dịch Thu hứng của Đỗ Phủ), Phan Huy Vịnh (người dịch Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị), Tản Đà (người dịch Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu)... Đây là hai câu trong bài Chu hành tức sự của Nguyễn Du và bản dịch của ông: Thiên địa phiêu chu phù tợ diệp/Văn chương tàn tức nhược như ti (Thuyền con chiếc lá giữa trời/Thơ văn tiếng thở như lời tơ than). Cuộc đời Bùi Giáng trải qua nhiều cung trầm, mê tỉnh thất thường, nhưng sự nghiệp thi ca ông luôn bền vững trên thi đàn Việt, là tiếng nói lạ, đầy triết lí sâu thẳm nhưng nhẹ nhàng tựa những vần lục bát, đẫm hồn Việt. Áo xanh của ông là tuyệt tác và được viết theo thể thơ Việt đặc thù.
Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh
Áo xanh (Mưa nguồn, Nxb Hội Nhà văn, 1993)
Bài thơ được in trong tập Mưa nguồn vào năm 1962, tứ thơ lạ, bề ngoài là chuyện cảm thương về một “cô em” mang một nỗi buồn nào đó và lời khuyên nhủ chân tình của nhà thơ, nhưng tầng sâu là chuyện Thiền, chuyện dâu bề cuộc đời và cả cái lí do con người vượt qua dâu bể, sống trọn kiếp người. Cái miền thẳm sâu này, đọc từ liên kí hiệu, chúng tôi tri nhận được phần nào đó “ký tính Thiền”.
Đương nhiên, khó có cách đọc tối ưu nào khác ngoài đọc liên kí hiệu để có thể chạm đến tầng sâu của tư duy thơ Áo xanh. Bài thơ thoạt đọc thì rất nhẹ nhàng, có phần kể lể, ý thơ lộ,… như thể một người trưởng thành đang an ủi người trẻ tuổi, nhưng tất cả ngần ấy chẳng thể nói lên được điều mà tác giả muốn gửi gắm. Phải đọc thơ từ con mắt Thiền, từ sự tĩnh lặng của tâm hồn, từ sự phóng chiếu liên tưởng đến một thế giới ảo mộng mà bằng cách nào đó đã có trong ta dai dẳng từ tháng năm này đến tháng năm khác thì cõi thiêng mới hé lộ phần nào. Khi đó, chốn “mù sương” không còn là lãnh địa của hoang mang hay nỗi đau mà là cõi Thiền, cõi mơ hồ bảng lảng bất định của hiện tồn và cả cái cách con người phiêu trong chốn vô thường đó.
Cõi ấy còn là miền vô thức, luôn “ngủ sâu” trong kiếp phận người, nơi mà cứ đi hoài đi mãi cũng chẳng đến đường cùng, cứ đi lên đi xuống cũng vẫn đắm chìm trong bấy nhiêu chuyện nhiễu phiền thế thái. Nhưng đồng thời đó chính là cõi đáng sống, thoát khỏi cái vòng “mê” đó, con người sẽ về đâu?
Thi nhân chắc hẳn đã để (hoặc muốn) cho bóng hình thiếu nữ rời xa cái cõi mang mang kia: “Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu.” “Bờ cỏ” là giới hạn của cõi tỉnh, đấy là cõi xanh, cõi sáng. “Bờ cỏ” gắn với yêu thương. Tứ thơ bị đảo ngược khiến chuỗi kí hiệu của nó cần phải được liên kết ngược, gợi lên cảnh quê làng: người con gái rời xa chốn quê ra thị thành, bước chân vào cõi “mù sương” hoặc khác đi, nghĩa này có lẽ đúng hơn: người con gái trưởng thành, rời xa bờ cỏ, nếp áo xanh “thơ thiếu” để đi vào cuộc đời đầy chông gai, nhiều phiền muộn…
Ta không thật chắc “em” hay “áo xanh” đó có phải được viện dẫn để chỉ người thiếu nữ (vì rất có thể đó là một nam nhân) nhưng rõ là có sự dịch chuyển từ cõi “xanh” sang chốn “mù sương”, một cõi “khác”. Và thế là khách thể trữ tình rơi vào nỗi buồn, nỗi buồn tha nhân. Cái ranh giới nữ nam đó đôi khi bị xoá mờ trong tâm trí người đọc, để hiện hữu một “người” nói chung. Con người với tháng năm hạnh phúc trên “bờ xanh” của cỏ, sau viền “áo xanh”, sau “tuổi xanh” hồn nhiên thanh thản.
Phải nói, “xanh” là màu chủ của bài thơ, nếu không thì sao nhà thơ lấy đó làm nhan đề (Áo xanh)? Màu xanh vốn được chuộng trong thơ, đặc biệt là thơ lãng mạn. Hàn Mặc Tử cũng từng nói về cái tuổi xanh da diết: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Mùa xuân chín). Bùi Giáng dùng lại thì cũng chẳng có gì lạ. Nhưng sự mầu nhiệm trong cái sắc xanh ở Bùi Giáng là bầu khí quyển nhẹ nhàng, biêng biếc xuyến xao, cái màu xanh cổ tự, day dứt ám ảnh khôn nguôi.
Màu xanh phơi phới tuổi xuân thì, đồng thời cũng là màu xanh bị đánh mất, nhưng vẫn còn nguyên đó, ở nơi ít ngờ nhất, luôn thường trực trong ta về một miền tiếc nuối. Trở về cõi “mù sương” của Bùi Giáng, ta sẽ gặp “nỗi buồn”. Thi nhân đặt dấu hỏi: Tuổi thơ em có buồn nhiều, hỏi nhưng thực chất là khẳng định: có buồn. Nỗi buồn của thời hoa mộng luôn được các thi nhân diễn giải thật hay: Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì (Đây mùa thu tới, Xuân Diệu). Như một mặc định, “thiếu nữ” thường gắn với “buồn” trong thi ca. Nhưng nếu Xuân Diệu cứ để dáng buồn đó khảm vào tâm trí người đọc, thì Bùi Giáng lại đưa ra lời nhủ: Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua.Thi nhân không nói để “bóng chiều mang đi” mà là “bóng chiều bay qua”, với hàm ý nỗi buồn đó “đi” cùng “bóng chiều”. Bùi Giáng có lối thơ nhảy cóc thật ngoạn mục. Mạch thơ ông không tuân thủ nghiêm nhặt sự mạch lạc nhân quả vốn thường thấy trong thơ Mới. Sự đứt gãy này chính là biểu hiện của tư duy thơ siêu thực, nơi trường liên tưởng được thực hiện qua các “khoảng trống” không nối kết trực tiếp, nơi cõi “vô” ngự trị. Vì thế, diễn từ thơ sẽ tạo dựng ở đây hình ảnh kép, song hành cùng “bay”, cùng ám gợi, cùng nhấn mạnh hay xóa nhoà một kí ức buồn nào đó. Nỗi buồn bay theo bóng chiều, thử hỏi còn gì thơ hơn? Bóng chiều cũng mang buồn. “Chiều buồn” đã là trầm tích trong thi ca, chiều buồn thương sầu tủi, chiều vào thơ có bao giờ vui đâu. Câu thơ dựng lên hai hình ảnh đồng dạng: thiếu nữ buồn và bóng chiều buồn, đồng thời như gởi một động hướng trẻ-già, buổi chiều của phận người, của dòng thời luôn mải mốt bộ hành, đâu có buông tha ai. Nỗi buồn đã khảm lên phận người và phận đời, như nhắn nhủ: không ai tránh được nỗi buồn, vì nếu không biết buồn thì chắc cõi thế sẽ thảm hoạ khôn cùng.
Nhưng cái “bóng chiều bay qua” đó còn chuyển tải thêm vẻ phi phàm khác nữa. Không phải là “chiều” mà là “bóng chiều”. Cái “bóng” “bay qua” nỗi buồn chắc hẳn làm tăng thêm buồn, nhưng với Bùi Giáng, có lẽ cứ buồn thêm thì hãy hết buồn, và đồng thời, ngầm khẳng định buồn là phần tất yếu của cuộc đời hệt như vui. Đến đây ta tiệm cận hơn nữa vào vùng uyên áo của tính Thiền, một dạng ký hiệu vô ngôn, vô minh, mang tính “không”, nhưng không thể chối bỏ dù cho ai đó có ý thức hay không. Tình thực, thi nhân muốn nỗi buồn của thiếu nữ bay đi cùng bóng chiều như một quy luật vĩnh hằng của tạo hoá, chiều qua đi sẽ đến ngày tươi sáng, tương tự nỗi buồn qua đi sẽ lại là niềm vui. Cuộc đời con người, có lẽ chỉ quẩn quanh trong hai sắc thái buồn - vui đó. Nếu khác, thi nhân muốn gửi nhắn đến cái người buồn kia điều vô thường của con Tạo, hết buồn sẽ vui nhưng rồi đâu đó, biết đâu lại vẫn buồn. Nếu đã là quy luật tất yếu thì khi buồn con người ta chẳng nên buồn quá và khi vui cũng chẳng cần thái quá vì vui. Hai câu cuối của bài thơ đúc kết cái triết lý uyên áo muôn thuở này và gợi mở nhiều cảnh mộng:
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh
Có thể nói, đây là hai câu thơ hay bậc nhất trong làng thơ Việt và ắt hẳn của cả thế giới. Trong đó có cả sự bình yên lẫn ba động, quy luật lẫn hỗn độn, tất yếu lẫn ngẫu nhiên… Có thể diễn giải: “Biển dâu” là cụm từ chỉ sự thay đổi, hỗn loạn của cuộc đời. “Giang hà” là sông núi, là đất nước, là cuộc sống nói chung. “Giang hà” là bất biến. Lấy cái thường biến để hướng đến cái bất biến, nhà thơ cho thấy sự vần xoay không ngừng của thế sự. Đây là cách nhiều nhà thơ khác thường làm. Bùi Giáng còn đi xa hơn thế. Ông cho thấy ngay cả cái bất biến kia rồi cũng cứ phải “biến”. Tóm lại, thi nhân thấy cái thường biến trong bất biến và cái bất biến trong thường biến. Sự ảo diệu Thiền đã hiển lộ.
Hiểu theo cách này thì, diễn giải thơ sẽ là: cuộc đời, thời đại, dân tộc, đất nước vốn luôn dịch chuyển và đổi thay, như cái cách thiếu nữ sẽ trưởng thành xa rời màu áo xanh để khoác lên mình áo đỏ, áo vàng, áo đen,… tùy duyên phận. Có sự so sánh ngầm giữa “giang hà” và “em”. Chuyện đổi thay của “em” tương ứng với chuyện đổi thay của “giang hà” hoặc lãng mạn hơn, chuyện đổi thay của một cá nhân cũng là đổi thay của trời đất, của vũ trụ. Lấy cái riêng để nói cái chung lấy cái vi mô để khái quát lên cái vĩ mô, ý thơ trở nên diệu vợi, khôn cùng. Một số phận nhỏ nhoi trong cái bao la toàn bộ, hoặc khác đi, cái bao la trong hình hài của cái bé nhỏ đơn chiếc. “Đổi thay” và “chuyển dịch” vốn là thuộc tính của tồn tại, vậy thì hà cớ chi phải buồn?
Dẫu thế, nhưng nếu không biết buồn thì hẳn trái đất sẽ vắng hết bóng người? Con người luôn buồn ngay cả khi vui hay biết trước điều gì đó sẽ mất mát trong đời. Huống hồ đây lại là tuổi xanh. Vậy nên mới có chuyện thi nhân tính đến điều gì sẽ còn sau dâu bể. Sự đúc kết của Bùi Giáng quả thật độc đáo, xuất thần. Đấy là “mộng ban đầu” (sơ nguyên mộng) và “áo xanh”. Đây là những cái “bất biến vĩnh hằng”. Vẫn dùng lối kép song hành, lối kép này vận động cùng hướng. Tứ thơ không có dạng kép ý nghịch hướng. Điều này diễn tả sự bình lặng trôi. Một sự chảy trôi miên viễn, lặng thầm, khó thấy nhưng đầy sức mạnh, không lực nào có thể ngăn cản. Cả “mộng ban đầu” lẫn “áo xanh” rồi sẽ bị cuốn theo thăng trầm thời gian. “Mộng” sẽ tàn và “áo xanh” sẽ nhầu nhỉ, nhưng cả hai sẽ không bao giờ mất. Sẽ luôn còn đó trong tâm thức, luôn loé sáng ở những khúc cua định mệnh của dâu bể cuộc đời.
“Biển dâu”, “giang hà”, “áo xanh” “mộng ban đầu” (sơ mộng) và “mộng nguyên vẹn” (nguyên mộng),... là những hình ảnh đẹp. Tự chúng kí hiệu cho những nét nghĩa vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính khái quát về cuộc đời và cả đằng sau đó, nhưng nhãn tự thơ không nằm ở chuỗi hình tượng kia mà rơi vào trạng thái “sực tỉnh”, một cú đốn ngộ. Tính Thiền tập trung nhất ở động từ này. Cái cách “sực tỉnh” của thơ cũng vận động theo lối lan toả từ thấp đến cao, từ xa đến gần. 
Gần thì đấy là chuyện thiếu nữ sực tỉnh trước sự trưởng thành, gần nữa là chuyện dịch chuyển từ chốn làng quê ra thị thành; và xa là chuyện con người sực tỉnh trước những vận động nghiệt ngã của cuộc đời; và xa hơn là sực tỉnh trước sự sực tỉnh vì cuộc đời vẫn thế, con người nên đón đợi và hòa nhập hơn là trốn tránh và chối bỏ. Cuộc tranh đấu sinh tồn thông minh nhất mọi thời có lẽ là thích nghi hơn là triệt phá? Nhưng phần đa cái giống người lại luôn muốn phá bỏ, để cuối cùng mãi còn đó mâu thuẫn: cho dù có sực tỉnh đến bao nhiêu lần thì vẫn cứ là sực tỉnh thôi.
Neo lại một chữ “còn” chênh vênh đầu câu như là cái cân trĩu nặng lưu giữ vĩnh hằng mọi ước mơ đẹp của tuổi trẻ. Con người ta, khi trưởng thành dù phải nếm bao cay đắng cuộc đời mà vẫn có thể sống được là nhờ cái “mộng ban đầu” đó, mãi vẹn nguyên và luôn loé sáng kịp thời trên những nẻo đường câm để dắt ta qua bao bờ mê bến lú. Con đường Thiền của Bùi Giáng đã hoàn tất.
Thiền tính trong thơ tạo nên một mảng ký hiệu đặc thù: cõi mù sương, xanh, sực tỉnh, bờ cỏ, sơ nguyên,… gợi dẫn sắc không, ngộ, duyên phận,… những cái lõi cốt của hiện tồn muôn thuở. Và cho có mang một chút bẽ bàng, khắc khoải của tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan trước Thăng Long thành hoài cổ: Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu thì chất Thiền u mặc vẫn luôn bàng bạc khắp hồn thơ Áo xanh, gợi liên tưởng đến những vần Haiku của Matsuo Basho: Trên cành khô/Quạ đậu/Chiều thu, nhưng lại không quá “ẩn” và lạnh lẽo như Basho, thơ Bùi Giáng mang cái nồng nàn của hồn Việt, được tiếp nối từ vô thức giống nòi về cái cành mai vẫn nở sau đêm đông giá rét trong thơ Mãn Giác Thiền sư, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Cả cái “Sự trục nhãn tiền quá” của Mãn Giác lại vẫn hiện diện trong “áo xanh”, không phải là cái tà áo xanh đẫm nước mắt khóc nàng kỹ nữ bên bến Tầm Dương của chàng lãng tử Giang châu Tư mã Bạch Cư Dị, mà là áo xanh đích thị xanh của Bùi Giáng như khẳng định điều nho nhỏ rằng mọi vật đổi sao dời sẽ không làm mất đi những điều tốt đẹp nhất của cõi người. Một khi đã mang trong mình giấc mộng ban sơ, cái giấc mộng vẹn nguyên ấy, luôn ngời xanh tuổi mới lớn, sẽ luôn đẹp, thì vĩnh viễn kẻ đó bị lưu đày trong cõi cô độc đầy bất trắc của giống người; hay, cách khác, con đường đi đến bản ngã người, muôn thuở, với Bùi Giáng sẽ không ngoài nẻo “áo xanh”.
Lê Huy Bắc 
Theo  http://www.khoanguvandhsphue.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...