Bài thơ “Tiếng gà trưa” được nhà thơ Xuân Quỳnh viết năm 1968
giữa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi lớp lớp thanh niên Việt Nam phải từ
biệt gia đình, quê hương và gác lại những ký ức tuổi thơ thân thuộc để lên đường
ra trận. Qua những câu thơ sáng trong, đằm lắng, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã mang cả kỷ niệm tuổi thơ mộc mạc, tình cảm bà cháu hòa vào cuộc chiến tranh, vào cảm hứng
chung cho cả một thời đại. Để đem đến những cách nhìn nhận, cảm thụ phong phú hơn,
chúng tôi đăng hai bài viết của nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học)
và nhà giáo Nguyễn Thanh Truyền về bài thơ này.
Tiếng gọi tuổi thơ
(Về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, Ngữ văn 7, tập I)
Nhắc đến Xuân Quỳnh, người ta thường nghĩ tới những vần thơ
nhẹ nhàng, sâu lắng của một trái tim phụ nữ đa cảm. Không da diết, khắc khoải
như những sáng tác về tình yêu, trong giây phút hướng về tình cảm gia đình gần
gũi, như tình mẹ con, tình bà cháu,… tiếng thơ Xuân Quỳnh thường cất lên với giọng
trong trẻo nhưng vẫn thể hiện nét đẹp tâm hồn của một phụ nữ giàu yêu
thương. Tiếng gà trưa là một bài thơ như vậy.
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Bài thơ là phút lắng lòng của người chiến sĩ trên chặng đường
hành quân mệt mỏi. Lúc dừng chân bên thôn xóm yên bình, vẳng nghe tiếng gà nhảy
ổ quen thuộc của làng quê, người chiến sĩ để lòng mình cuốn vào âm thanh ấy và
trải ra mênh mông theo sức lan tỏa của nó. Mỗi lần động từ nghe được lặp lại,
trường lan tỏa của âm thanh tiếng gà mỗi lúc một rõ nét nhưng đó không phải là
sự mở ra theo chiều rộng không gian mà là sự chuyển động theo chiều sâu của cảm
xúc. Đầu tiên là sự thay đổi của ngoại cảnh: Nghe xao động nắng trưa, sau đó là
sự xâm lấn vào cảm giác: Nghe bàn chân đỡ mỏi và cuối cùng là sự thấm sâu trong
tâm hồn: Nghe gọi về tuổi thơ. Điệp từ nghe cùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi
cảm giác đã diễn tả tinh tế diễn biến cảm xúc ấy trong tâm hồn người chiến sĩ.
Tiếng gà mở đầu bài thơ là một âm thanh của thực tại, vẳng đến từ nơi nào đó
trong xóm nhỏ. Nhưng đến cuối khổ, nó đã trở thành âm thanh vọng về từ ký ức,
khi người chiến sĩ chìm trong giây phút trầm lắng để thả hồn miên man theo tiếng
gọi tuổi thơ.
Theo dòng hồi tưởng ấy, những kỷ niệm ùa về, sống động như
đang hiện ra trước mắt. Điệp ngữ tiếng gà trưa mở đầu các đoạn thơ sau, lặp đi
lặp lại bốn lần như một điệp khúc, điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật trữ
tình. Mỗi lần lặp lại, nó mở ra một ô cửa lung linh làm sáng bừng lên cả khung
trời kỷ niệm:
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Nhân vật trữ tình đã ngược dòng thời gian để trải nghiệm lại
những cảm xúc trẻ thơ trong sáng. Đó là niềm thích thú khi nâng niu ổ trứng hồng
ấm áp, là niềm vui say khi ngắm nhìn không chán mắt màu hoa, màu nắng trên mình
mỗi chú gà. Từ hình ảnh đàn gà và ổ trứng, người bà xuất hiện trong sự kết nối
tự nhiên của mạch cảm xúc. Đây chính là tâm điểm hội tụ mọi ký ức về những năm
tháng tuổi thơ của người cháu.
Có giọng bà vang vọng:
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
- Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Có bóng dáng thân thuộc của bà:
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Tất cả đều hiện lên trong niềm xúc động của người cháu khi được
sống lại trong tình yêu thương và sự chăm chút của bà. Tiếng bà mắng, bàn tay
bà khum khum soi trứng, những mảnh kí ức ấy đã thức dậy trong lòng người cháu cả
một tuổi thơ sống trong sự tần tảo, chắt chiu, hi sinh quên mình của bà:
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông đến
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Sự kéo dài của chuỗi thời gian “cứ hàng năm hàng năm” cũng là
sự lặp lại của bao nỗi lo âu, mong mỏi đã dệt nên đời bà. Bà đổi những lo âu,
mong mỏi và chắt chiu ấy chỉ để lấy nụ cười được bộ quần áo mới của đứa cháu
thơ. Đó là món quà gói trọn tình cảm yêu thương và hi sinh của bà nên ấm áp và
thiêng liêng vô cùng.
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt
Những câu thơ giản dị mà dồn nén bao cảm xúc. Đó không chỉ là
niềm vui trong quá khứ của đứa cháu nhỏ được quà mà còn là niềm xúc động rưng
rưng trong hiện tại của người chiến sĩ khi thấm thía tình cảm của người bà thân
thương.
Tiếng gà, ổ trứng và niềm hạnh phúc mà bà mang lại đã trở
thành suối nguồn yêu thương nuôi dưỡng và ghi dấu trong tâm hồn người cháu:
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Từ những giấc ngủ bình yên và ấm áp niềm hạnh phúc trẻ thơ
như thế, hình ảnh bà và những kỷ niệm tuổi thơ gắn với tiếng gà đã đi sâu vào
tâm thức và trở thành một phần thiêng liêng trong lòng người cháu. Đó chính là
một động lực mạnh mẽ để người chiến sĩ hôm nay quyết tâm chắc tay súng. Khổ cuối,
mạch cảm xúc quay trở lại hiện tại một cách tự nhiên bởi chính mối liên hệ sâu
sắc ấy:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Giọng thơ vẫn nhẹ nhàng nhưng mỗi lần điệp từ vì được lặp lại,
dường như cảm xúc lại lắng sâu thêm để tìm về với ngọn nguồn gần gũi và thiêng
liêng nhất. Những yếu tố tạo nên động lực của lòng quyết tâm chiến đấu ở người
cháu qua từng dòng thơ mỗi lúc một thu hẹp lại về phạm vi: Tổ quốc - xóm làng -
người bà - tiếng gà, ổ trứng đã nói lên một quy luật tình cảm vô cùng giản dị:
tình cảm gia đình làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước và sự thống nhất
giữa hai tình cảm cao đẹp này là cội nguồn sức mạnh tinh thần của mỗi người
lính. Lòng yêu nước cũng không phải là cái gì xa xôi, lớn lao hay trừu tượng.
Đó có thể chỉ là yêu một bếp lửa ấp iu như Bằng Việt; yêu một tiếng gà cục tác,
một ổ rơm trứng hồng như Xuân Quỳnh hay yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố
nhỏ đổ ra bờ sông như I-li-a Ê-ren-bua chẳng hạn. Nên ở một góc độ nào đó, sự
thu hẹp phạm vi ở khổ thơ cuối là cách thức cụ thể hóa lòng yêu nước, làm nổi bật
chân lý giản dị: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ
quốc. Bài thơ được mở đầu bằng tiếng gà trưa và kết thúc lại trở về với tiếng
gà. Nhưng đó không đơn thuần là tiếng gà gọi về tuổi thơ nữa, mà là tiếng gà gọi
dậy trong lòng người chiến sĩ bản chất của lòng yêu nước, cái lý do cao cả mà rất
đỗi cụ thể, hối thúc bàn chân băng rừng lội suối đấu tranh vì độc lập, thống nhất
nước nhà.
Bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo: thể thơ năm tiếng kết
hợp biểu cảm với tự sự, miêu tả; thỉnh thoảng, trong mỗi tiết đoạn liên tưởng
được gợi ra từ tiếng gà, lại được ngưng nghỉ, phân định bởi một lời thơ ba tiếng
(lời thơ: Tiếng gà trưa) như đánh dấu một nấc cảm xúc, bài thơ đã diễn đạt một
cách tự nhiên những tình cảm bình dị mà thiêng liêng, sâu sắc của người chiến
sĩ trẻ trên bước đường hành quân. Chất liệu dân gian thô mộc, cách lựa chọn tứ
thơ thông minh, chất trữ tình vừa bồng bột, nhí nhảnh vừa sâu lắng, đằm thắm là
đặc trưng của thơ Xuân Quỳnh trong giai đoạn này, cũng là một điểm chung
của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.
Vài suy nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh không phải là tác giả xa lạ với cảm quan văn
chương của nhiều thế hệ bạn đọc nói chung và bạn đọc trong nhà trường nói
riêng. Tuy nhiên, Tiếng gà trưa lại không phải là tác phẩm được nhắc
đến nhiều, ít nhất là cho đến trước khi nó được tuyển vào sách giáo khoa Ngữ
văn tích hợp. Đơn giản bởi vì tác giả của nó có không ít bài thơ hay. Nhưng, với
tư cách là đứa con tinh thần của một chủ thể sáng tạo giàu cá tính, Tiếng gà
trưa vẫn mang chứa những nét riêng đáng yêu. Và, dĩ nhiên là… đáng nói.
1. Điều đáng nói đầu tiên là tên gọi bài thơ: Tiếng gà trưa.
Phải nói ngay rằng đấy không phải là một nhan đề ấn tượng, gây chú ý. Kể từ khi
Thơ mới xác lập được vị thế, tạo nên một thời đại huy hoàng trong thơ ca Việt Nam,
tiếng gà buổi trưa không còn là âm thanh mới lạ nữa. Người ta có thể quên câu
nói này của Lưu Trọng Lư… Các cụ ta ưa những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu
xanh nhạt… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya; ta nao nao vì tiếng gà
lúc đúng ngọ… nhưng ai cũng nhớ những câu thơ của ông trong bài Nắng mới:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không…
Tất nhiên là tiếng gà trưa trong thơ Xuân Quỳnh và thơ Lưu Trọng Lư có sự khác nhau rất cơ bản: tiếng gà mái cục tác và tiếng gà trống gáy, một âm thanh rất bình thường (gà đẻ, gà cục tác) và một âm thanh bất thường (gà thường gáy sáng). Thơ chuộng lạ. Cái câu nói của tác giả Nắng mới và bài thơ ấy của thi sĩ mơ màng đã ám ảnh ta quá lâu nên cái nhan đề bài thơ của Xuân Quỳnh không khiến ta chú ý là phải. Mặc dù vậy, chính cái âm thanh quá đỗi bình dị ấy lại là dấu hiệu nghệ thuật của bài thơ. Tứ thơ khởi phát lên từ đó. Và cũng từ đó, Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh có lý do để bạn đọc phải nhớ, phải yêu. Tiếng gà trong thơ Lưu Trọng Lư xuất hiện sau tín hiệu nắng mới hắt bên song, tiếng gà trong thơ Xuân Quỳnh xuất hiện trước, khiến nắng trưa xao động; tiếng gà trong thơ họ Lưu là thanh âm thứ yếu, bổ trợ còn tiếng gà trong thơ Xuân Quỳnh lại là chủ âm, là huyết mạch nối kết dòng cảm xúc, liên tưởng.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không…
Tất nhiên là tiếng gà trưa trong thơ Xuân Quỳnh và thơ Lưu Trọng Lư có sự khác nhau rất cơ bản: tiếng gà mái cục tác và tiếng gà trống gáy, một âm thanh rất bình thường (gà đẻ, gà cục tác) và một âm thanh bất thường (gà thường gáy sáng). Thơ chuộng lạ. Cái câu nói của tác giả Nắng mới và bài thơ ấy của thi sĩ mơ màng đã ám ảnh ta quá lâu nên cái nhan đề bài thơ của Xuân Quỳnh không khiến ta chú ý là phải. Mặc dù vậy, chính cái âm thanh quá đỗi bình dị ấy lại là dấu hiệu nghệ thuật của bài thơ. Tứ thơ khởi phát lên từ đó. Và cũng từ đó, Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh có lý do để bạn đọc phải nhớ, phải yêu. Tiếng gà trong thơ Lưu Trọng Lư xuất hiện sau tín hiệu nắng mới hắt bên song, tiếng gà trong thơ Xuân Quỳnh xuất hiện trước, khiến nắng trưa xao động; tiếng gà trong thơ họ Lưu là thanh âm thứ yếu, bổ trợ còn tiếng gà trong thơ Xuân Quỳnh lại là chủ âm, là huyết mạch nối kết dòng cảm xúc, liên tưởng.
Ngoài nhan đề bài thơ, chi tiết tiếng gà xuất hiện trong bài
thơ đến 6 lần, từ khổ đầu đến khổ cuối. Nhìn chung thơ Xuân Quỳnh thường không
quá dụng công, dòng cảm xúc sẽ lựa chọn hình thức thể hiện khi nó được thức dậy.
Ở đây cũng thế, cảnh huống trữ tình rất phổ biến:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục… cục tác cục ta.
Từ cảnh huống ấy, tư duy nghệ thuật loé sáng, tiếng gà trở thành tín hiệu vừa điểm nhịp vừa giữ nhịp cho dòng cảm xúc tuôn chảy tự nhiên. Tiếng gà không chỉ là âm thanh sống động trong buổi trưa nắng, không chỉ gợi không khí làng quê thanh bình yên ả để người chiến sĩ được thư thái nghỉ ngơi, tiếng gà còn gọi về bao nhiêu kỉ niệm thân thương máu thịt thời thơ ấu đã xa và tiếng gà còn đồng hiện trong hiện tại nhắc nhủ con người hướng đến ngày mai, vì ngày mai chiến đấu. Tên gọi có vẻ khiêm nhường nhưng Tiếng gà trưa đồng thời thực hiện được vai trò vừa cụ thể hoá cảm xúc vừa thâu tóm được thi tứ. Một nhan đề như thế, chắc chắn không còn lựa chọn nào hay và hợp lý hơn!
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục… cục tác cục ta.
Từ cảnh huống ấy, tư duy nghệ thuật loé sáng, tiếng gà trở thành tín hiệu vừa điểm nhịp vừa giữ nhịp cho dòng cảm xúc tuôn chảy tự nhiên. Tiếng gà không chỉ là âm thanh sống động trong buổi trưa nắng, không chỉ gợi không khí làng quê thanh bình yên ả để người chiến sĩ được thư thái nghỉ ngơi, tiếng gà còn gọi về bao nhiêu kỉ niệm thân thương máu thịt thời thơ ấu đã xa và tiếng gà còn đồng hiện trong hiện tại nhắc nhủ con người hướng đến ngày mai, vì ngày mai chiến đấu. Tên gọi có vẻ khiêm nhường nhưng Tiếng gà trưa đồng thời thực hiện được vai trò vừa cụ thể hoá cảm xúc vừa thâu tóm được thi tứ. Một nhan đề như thế, chắc chắn không còn lựa chọn nào hay và hợp lý hơn!
2. Tiếng gà trưa là bài thơ lôi cuốn từ khổ đầu, đọc
tiếp thấy thú vị và đến đoạn kết thì nhuần thấm vào tâm trí người đọc -
nhất là người đọc tuổi hồn nhiên. Phần chủ yếu của bài thơ là dòng hoài niệm.
Trong dòng cảm xúc ấy hiện lên hình ảnh người bà và qua những kỉ niệm êm đẹp
người đọc cảm nhận được tình bà cháu gần gũi, yêu thương, ấm áp. Đã có không ít
người đọc thể hiện cảm nhận, ấn tượng sâu sắc về những tình cảm thiêng liêng từ
dòng hoài niệm đó. Nhưng, Tiếng gà trưa không chỉ là hoài niệm. Trong
vẻ hoài niệm hết sức hồn nhiên, Tiếng gà trưa có mạch ngầm suy tưởng.
Tiếng gà trưa được viết ngày 2/7/1965, nằm trong phạm
trù thơ trẻ chống Mỹ thời kỳ đầu. Nhìn chung, thơ chống Mỹ thời kỳ này chứa
chan cảm xúc, thể hiện khát vọng ra trận sôi nổi như:
Ôi ta thèm được cầm khẩu súng
Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè
Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng
Ta cay nồng mùi lá rụng bờ tre
(Lê Anh Xuân)…
Về đại thể, chất suy tưởng trong thơ chưa phải là đặc điểm nổi bật. Đặt trong bối cảnh này, ta vừa thấy nét chung vừa thấy nét riêng của thơ Xuân Quỳnh. Không phủ nhận Tiếng gà trưa vẫn là một dòng hoài niệm miên man, sâu sắc và chính dòng hoài niệm ấy làm dạt dào thêm cho khát vọng chiến đấu. Tuy nhiên, nhìn vào cách bố cục, cách phân đoạn văn bản của chính tác giả ta thấy bài thơ được chia làm hai phần rõ rệt (bằng dấu hoa thị). Sáu khổ thơ đầu là dòng hồi tưởng tự nhiên từ hiện tại nhớ về quá khứ. Hai khổ thơ cuối là chiêm nghiệm, suy ngẫm rút ra từ quá khứ sâu sắc thức dậy rất mãnh liệt ở trên. Mối quan hệ tất yếu theo quy luật tâm lý giữa hai phần là điều ta dễ thấy. Tiếng gà rộn lên trong nắng trưa được cảm nhận bằng thính giác, bằng thị giác, xúc giác và đến cả linh giác. Chạm vào linh giác, tiếng gà làm sống dậy kỷ niệm. Kỷ niệm sống dậy, lòng trí lại tưởng nhớ, suy tư. Như vậy, mặc dù cảm xúc bao trùm lên tất cả nhưng suy tưởng vẫn chảy một mạch ngầm, và nếu không có mạch suy tưởng ấy thì dòng hoài niệm kia thật khó có thể hồn nhiên xanh đến thế!.
Ôi ta thèm được cầm khẩu súng
Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè
Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng
Ta cay nồng mùi lá rụng bờ tre
(Lê Anh Xuân)…
Về đại thể, chất suy tưởng trong thơ chưa phải là đặc điểm nổi bật. Đặt trong bối cảnh này, ta vừa thấy nét chung vừa thấy nét riêng của thơ Xuân Quỳnh. Không phủ nhận Tiếng gà trưa vẫn là một dòng hoài niệm miên man, sâu sắc và chính dòng hoài niệm ấy làm dạt dào thêm cho khát vọng chiến đấu. Tuy nhiên, nhìn vào cách bố cục, cách phân đoạn văn bản của chính tác giả ta thấy bài thơ được chia làm hai phần rõ rệt (bằng dấu hoa thị). Sáu khổ thơ đầu là dòng hồi tưởng tự nhiên từ hiện tại nhớ về quá khứ. Hai khổ thơ cuối là chiêm nghiệm, suy ngẫm rút ra từ quá khứ sâu sắc thức dậy rất mãnh liệt ở trên. Mối quan hệ tất yếu theo quy luật tâm lý giữa hai phần là điều ta dễ thấy. Tiếng gà rộn lên trong nắng trưa được cảm nhận bằng thính giác, bằng thị giác, xúc giác và đến cả linh giác. Chạm vào linh giác, tiếng gà làm sống dậy kỷ niệm. Kỷ niệm sống dậy, lòng trí lại tưởng nhớ, suy tư. Như vậy, mặc dù cảm xúc bao trùm lên tất cả nhưng suy tưởng vẫn chảy một mạch ngầm, và nếu không có mạch suy tưởng ấy thì dòng hoài niệm kia thật khó có thể hồn nhiên xanh đến thế!.
Xin nói về hai khổ thơ cuối. Sau rất nhiều kỷ niệm của tuổi
thơ được gọi về, nhân vật trữ tình chiêm nghiệm: Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.
Hạnh phúc tuổi ấu thơ trong tình thương yêu bao la của người
bà gắn với hình ảnh ổ trứng hồng không thể nào kể hết. Tất cả khắc in đậm nét
trong lòng ngay từ tuổi dại thơ hồn nhiên. Hạnh phúc ngập tràn đến mức Giấc ngủ
hồng sắc trứng. Không có những niềm hạnh phúc ngập tràn ấy chắc chắn cái âm
thanh Cục… cục tác cục ta hết sức bình thường chẳng thể làm xao động tâm hồn
người chiến sĩ. Chiêm nghiệm đó thúc đẩy chủ thể trữ tình bộc bạch suy tưởng về
mục đích chiến đấu:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Người chiến sĩ xao động vì tiếng gà, nhận ra ý nghĩa lớn lao
của âm thanh ấy đối với cuộc đời mình, chợt liên tưởng đến lý tưởng cao cả mà
mình đang theo đuổi và nhận ra giữa những điều đó là một mối keo sơn gắn bó. Mục
đích chiến đấu được nhấn mạnh nhờ điệp từ vì. Phép liệt kê từ khái quát đến cụ
thể giúp tác giả đưa ra một loạt hình ảnh gợi cảm và có hệ thống: Tổ quốc,
xóm làng, bà, tiếng gà, ổ trứng. Những thủ pháp nghệ thuật đó không chỉ nhấn mạnh
được mục đích chiến đấu mà còn lý giải một cách cảm động ngọn nguồn của lòng
yêu nước. Khổ thơ này khiến ta nhớ ngay đến mấy câu văn của Ê-ren-bua:
Dòng suối đổ vào sông,
Sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga,
Con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền
quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Nếu thử minh họa bằng một hình xoáy trôn ốc dựa
trên sự vận động của hệ thống hình ảnh mà hai tác giả sử dụng ta sẽ dễ dàng thấy
được trình tự diễn tả của Ê-ren-bua và Xuân Quỳnh ngược nhau. Ê-ren-bua diễn tả
từ cụ thể đến khái quát, Xuân Quỳnh bộc lộ từ khái quát đến cụ thể.
Nhưng cả hai đều có một điểm xuất phát chung, thể hiện sự gặp
gỡ ý tưởng như một quy luật tất yếu muôn đời của lòng yêu nước. Tình yêu ấy là
thiêng liêng, cao đẹp nhưng lại xuất phát từ những gì bình dị, nhỏ bé, đời thường.
Rõ ràng lý tưởng chiến đấu vì lòng yêu Tổ quốc không phải là một khẩu hiệu
chung chung, mòn sáo. Ai cũng có kỷ niệm, có người thân, có quê hương…- những
điều tưởng rất riêng tư, bé nhỏ nhưng lại vô cùng gắn bó với đất nước rộng lớn.
Rất cụ thể, cảm động!
Thể hiện lòng yêu nước, Xuân Quỳnh viết thật tự nhiên. Nhấn mạnh
cái bình thường của cuộc sống trong hoàn cảnh chiến đấu, Tiếng gà trưa là hình ảnh
của sự sống, một sự sống sâu sắc, bền chắc. Không có đoạn suy tưởng này, mạch cảm
xúc của bài thơ không hoàn thiện, cảm hứng yêu nước của bài thơ không được cất
cánh. Và nếu thế, nó đã bị lãng quên!.
3. Trong dàn đồng ca đầu mùa đánh Mỹ, thơ Xuân Quỳnh nghiêng
về khai thác những cảm xúc riêng tư, từ cảm xúc riêng ấy lại cất lên những giai
điệu hòa cùng thời đại. Đọc thơ Xuân Quỳnh, không riêng bài Tiếng gà trưa,
không nên bỏ qua những hiểu biết về tiểu sử của tác giả. Mồ côi mẹ, sống với bà
suốt những năm thơ ấu, chính từ hoàn cảnh riêng tư ấy mà tình bà cháu ở đây
chân thực, cảm động đến vậy. Sách Ngữ văn 7 nói Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc
thêm tình quê hương đất nước (Tập một, trang 151). Rất chính xác. Điều đó được
thể hiện trong thơ và cả trong đời.
Sự thống nhất đời và thơ ấy (dĩ nhiên là không đồng nhất) là
một cơ sở giúp ta xác định và gọi tên chủ thể trữ tình. Nên chăng ở bài thơ này
ta không xác định cụ thể nhân vật trữ tình là nam hay nữ chiến sĩ? Nhiều giáo
viên vẫn hướng dẫn học sinh tìm hiểu tình cảm, kỷ niệm của anh chiến sĩ trong
bài thơ… Như thế có thoả đáng? Tôi nghĩ là không. Xác định nhân vật trữ tình phải
căn cứ vào nội dung cảm xúc của bài thơ. Nhân vật trữ tình là Hình tượng nhà
thơ trong thơ trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức của tác giả. (…) là con người
đồng dạng của tác giả (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb GD, 2004). Nếu xác định, gọi tên hình tượng nhân vật trữ tình ở bài thơ này là anh chiến sĩ, chúng ta sẽ
lý giải thế nào về những chi tiết rất nữ tính này:
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
và Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt…?!
Còn gọi là nữ chiến sĩ? Có lẽ không cần thiết phải cụ thể quá
như thế. Mặc dù, trong thời chiến, ai cũng có thể là chiến sĩ, không phân biệt
già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, các lĩnh vực hoạt động… Cảm xúc trong thơ là cảm
xúc điển hình. Dù là nỗi lòng riêng tư của ai, nếu tâm trạng ấy gợi được đồng cảm
thì đều có giá trị phổ quát. Người chiến sĩ trong bài thơ là
hình ảnh điển hình của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.
Và, những ai biết trân trọng quá khứ tuổi thơ, mang nặng nghĩa tình với gia
đình xóm mạc, mỗi lần hồi nhớ quá khứ lại như được tiếp thêm sức mạnh phấn đấu
vì lý tưởng cao đẹp thì đều có thể gặp hình bóng của mình trong thi phẩm Tiếng
gà trưa. Vì thế, tôi nghĩ không nên gọi nhân vật trữ tình ở đây là nữ chiến sĩ
hay anh chiến sĩ mà hãy gọi bằng một từ có ý nghĩa khái quát hơn: người chiến
sĩ. Kỷ niệm riêng tư của Xuân Quỳnh đã hòa điệu cùng ký ức của cả thế hệ, cái
tôi cá nhân nghệ sĩ đã thống nhất cùng cái ta dân tộc, cái bình dị cộng hưởng với
cái cao đẹp, lớn lao. Không nên vì việc xác định, gọi tên nhân vật trữ tình thiếu
chính xác mà vô hình trung thu hẹp ý nghĩa của tác phẩm.
Được dạy, được học bài thơ như Tiếng gà trưa kể ra
cũng là một may mắn. Nói về một bài thơ hay, cả người nói và người nghe đều như
được giàu có thêm lên. Đó là niềm vui không dễ có. Vài điều tâm đắc và một ít
trăn trở băn khoăn của cá nhân về việc tiếp cận bài thơ Tiếng gà trưa của
Xuân Quỳnh xin được chia sẻ và trao đổi cùng bạn đọc.
Đoàn Ánh Dương - Nguyễn Thanh Truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét