Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Xà cừ - Mùa lá đổ, mùa hoa về

Xà cừ - Mùa lá đổ, mùa hoa về
Tháng tư về, nắng ấm áp rải đều khắp không gian. Những làn gió thoảng, đem lại cho ta những cảm giác thật dễ chịu. Rồi những rung động nhẹ nhàng dâng lên khi ta lại được ngắm nhìn cánh đồng làng xanh rì lúa thì con gái; cây cối đâm chồi nảy lộc phủ xanh những tán cây trơ trụi qua mùa đông. Đâu đó lảnh lót trong không gian âm thanh tiếng chim đua nhau hót. Tháng tư đến gọi mùa hoa loa kèn. Những bông loa kèn trắng muốt e ấp trên những gánh hàng hoa tỏa về muôn nơi, đem đến cho người yêu hoa một niềm vui mới sau một năm chờ đợi. Vậy mà có ai lại nghĩ rằng vẫn có một mùa lá đổ - mùa lá xà cừ.
Cũng như bao ngôi trường khác, trường tôi trồng bàng, phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa. Nhưng có một loài cây được trồng nhiều hơn cả. Đó là xà cừ. Trong khuôn viên trường có đến hai chục cây lớn, nhỏ. Hơn một nửa trong số đó đã gắn bó với ngôi trường hơn hai thập kỉ. Thân cây to hai người ôm chưa xuể, tán lá tươi tốt quanh năm. Mỗi khi hè về ta mới cảm nhận hết giá trị của những tán lá ấy. Chúng như những chiếc ô khổng lồ xếp cạnh nhau đem lại cho ngôi trường một vẻ đẹp riêng, một ấn tượng khó quên khi lần đầu đặt chân đến. Những ai đã từng gắn bó với ngôi trường thì những cây xà cừ nhiều năm tuổi không thể thiếu trong đời sống tâm hồn mỗi người. Và ta càng cảm thấy xao xuyến hơn mỗi khi được đi qua những mùa lá đổ, mùa hoa về.
Tháng ba đến rồi qua đi, lá cây lác đác chuyển màu. Chỉ vài ngày sau, ngước trông lên đã thấy một màu vàng nhạt rồi đậm phủ đầy những cành cây vươn rộng. Một làn gió nhẹ lướt qua, vài chiếc lá rời cành rồi đồng loạt như rủ nhau ào ạt trút xuống, trải đầy sân trường. Thật thú vị khi được đứng dưới gốc cây mà ngắm nhìn, mà xòe tay ra đón lấy những chiếc lá bay bay, xoay xoay trong gió. Rồi ta được bước trên những thảm lá vàng rực mà ngạc nhiên xuýt xoa: Dường như ta bắt gặp mùa thu vàng giữa mùa xuân xanh ấy. Và bất chợt mường tượng tới những rặng cây phong lá đỏ mùa thu của đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một điều đặc biệt là cây vừa trút lá vàng, vừa trổ lá non. Những chiếc lá vàng vẫn còn treo trên cây, vậy mà những chùm lá xanh non đã nhú lên. Như chưa đợi những chiếc lá vàng rơi xuống hết, chúng đã xòe rộng ra với một màu xanh mướt mát. Chỉ vài hôm sau, cây xà cừ đã khoác lên mình một chiếc áo mới  sẵn sàng đón cái nắng hè chói chang, rực rỡ.
Thật dễ chịu biết bao vào những ngày hè oi ả được ngồi dưới hàng ghế đá đặt dưới những gốc cây cùng bạn bè hàn huyên, tâm sự. Đó chính là lúc ta lại phát hiện ra một điều mới mẻ nữa. Mùa hoa xà cừ đã về. Ta lại được ngắm nhìn những chùm hoa xà cừ mang sắc màu vàng nhạt, nhác trông rất giống hoa sấu. Nhưng để ý thật kỹ ta sẽ nhận thấy những chùm hoa đó không chỉ có một mà là những sắc màu: sắc xanh biếc của nụ hoa mới nhú bằng hạt tấm, hạt vừng; lớn hơn một chút màu xanh nhạt hơn, chuyển vàng rồi vàng đậm.
Đến khi nụ hoa to bằng hạt đậu xanh thì phần dưới đài hoa lại mang sắc hồng ngọc. Đó là do nhị hoa có màu hồng đậm, còn những cánh hoa mỏng manh, trong suốt ôm lấy phần nhị nên ta nhìn thấy màu hồng ngọc ấy in ra ngoài. Khi hoa nở, bốn cánh xòe ra đỡ lấy phần nhị hoa trông như những chiếc đèn lồng nhỏ xíu thật đáng yêu. Hoa nở hết mình rồi rời cành, bốn cánh vẫn xòe nguyên tựa những ngôi sao nhỏ rắc đầy sân trường. Một vài cô học trò nhỏ vốc một vốc hoa lớn, xòe tay ra cho chúng rơi qua kẽ ngón tay rồi cười thích thú vì phát hiện ra sự thú vị về loài hoa này.
Không rực rỡ như hoa phượng hay bằng lăng, không thơm nồng như hoa sữa mà hoa xà cừ giản dị, khiêm nhường nép trong những tán lá xanh tươi, khẽ rung rinh, đung đưa trong làn gió nhẹ làm xao xuyến lòng người, làm dịu đi cái nắng hè oi ả, chói chang. Mỗi khi xuân qua, hè tới ta lại mong ngóng được ngắm nhìn hàng cây xà cừ- mùa lá đổ, mùa hoa về. Tôi yêu ngôi trường của tôi hơn có lẽ một phần bởi những ký ức đẹp đẽ về một loài cây, một loài hoa. Xà cừ - loài cây tôi yêu!.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Theo http://www.baobacninh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...