Làng J quê tôi nằm gọn trong một thung lũng, bốn bề núi đá,
xưa kia nghèo thậm tệ. Ấy vậy mà cũng lắm tài hoa ra phết. Tỷ như cụ Muôn, thơ
hay ác liệt, bay ra tận thiên hạ. Bà Chí Hòa thuộc lòng 3.254 câu Kiều, có thể
đọc ngược từ câu cuối trở lên. Ông Phán nói hài, đến Trạng Quỳnh “còn phải gọi
bằng cụ”…
Ông bà ngoại tôi cũng “tài hoa”, nhưng “tài hoa” về cái sự
đông con! Những 8 nhân mạng: Hoa, Nở, Thắm, Hồng, Hòa, Bình, Chiến, Thắng. Cuối
năm 1972, dì Bình bị bệnh phải vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị, dì Thắm về chăm
sóc, đúng lúc đế quốc Mỹ cho máy bay B52 đánh phá thủ đô Hà Nội. Bom trúng bệnh
viện, hai dì mất đi từ đó…
Ông ngoại tôi rất coi trọng chữ nghĩa. Mê sách lắm. Chả chuyện
gì trên đời này là ông không tỏ. Ông bắt các con phải học cho giỏi. Nghèo là do
ngu dốt. Ngu dốt là do bất học. Tính ông, cái gì làm được thì tự làm lấy, dứt
khoát không có mượn mõ của ai. Con cái mà lười học, ông đánh cho nát đít. Ông
không có ba hoa phét lác, nịnh bợ. Tuy quan tâm đến đường học hành của con cái,
nhưng xem ra ông có phần ưu tiên cho con trai nhiều hơn. Ông dạy hai cậu, làm
trai phải có viễn kiến nhìn xa trông rộng. Ông dạy con cái từ cái ăn cái uống,
cách cư xử với xóm giềng, không được bậy bạ làm hại người khác, khi đã giúp ai
là giúp đến cùng, không kể công. “Thi ân bất cầu báo”, ông dặn các con phải học
thuộc lòng điều đó để mà dụng cho mình.
Mẹ tôi là con cả, học hết lớp 7 vào thời chiến tranh không phải
chuyện đùa. Rồi mẹ đậu trung cấp Y, ngày đó dễ ai có được như thế ở cái làng
nghèo heo hút này. Mẹ công tác ở bệnh viện huyện, cách nhà ngót 20 cây số.
Dì Hồng học trung cấp thủy lợi, về Võ Nhai, rồi lấy chồng bên
đó, cũng làm cán bộ.
Dì Hòa sư phạm toán cấp 3, chồng là nhà báo trên tỉnh.
Cậu Chiến tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải, vợ người chợ
Sắt, giỏi giang chuyện bán buôn.
Cậu Thắng học giỏi nhất nhà – đại học Bách khoa, lấy vợ bác
sĩ. Bố vợ hàng Thứ trưởng.
Làng tôi coi hai cậu Chiến, Thắng như một tấm gương sáng về ý
chí phấn đấu vươn lên, để con cháu nhìn vào đó mà học tập.
Ông bà ngoại tôi nở mày nở mặt với thiên hạ, vì biết dạy dỗ
các con nên người.
Ông ngoại tôi không những giỏi việc đồng áng mà tuốt tuồn tuột,
việc gì cũng chơi được. Mà hay ghê, cả làng J chỉ có mỗi cày do ông ngoại tôi đẽo
thì mới dùng được. Và, đặc biệt hơn, ông còn trở thành một “thầy giáo làng”.
Nhiều người đã mang con cháu đến nhờ ông dạy bảo. Ông dạy cặn kẽ lắm, từ hiểu một
câu tục ngữ, ca dao đến một câu văn thâm thúy, thậm chí cả cách giải một bài
toán khó.
Lắm người thắc mắc, sao ông ngoại tôi biết nhiều thứ thế? Ông
bảo, học ở trường đời! Hồi đi ở cho nhà giàu ở Hà Nội, ông đã học lỏm các môn từ
con cái của họ. Ông lấy tiền chủ nhà trả công rồi trích ra một phần gửi cho con
của họ. Thế là ông hỏi chúng cái gì chúng cũng nói. Thực chất là ông thuê con của
chủ nhà dạy học cho mình, theo kiểu ông hỏi câu gì thì chúng trả lời câu ấy.
Ông đi không biết bao nhiêu nơi, làm thuê làm mướn, hầu hạ, tôi tớ cho bao nhà
giàu. Trời phú cho ông cái trí tuệ thông minh, nên chỉ cần nhìn ai đó làm gì là
có thể bắt chước được ngay. Ông bảo, trường đời mới là trường thực chất. Ông học
từ đứa con nít; học từ câu cảm thán của kẻ ăn xin ăn mày; thậm chí ông học cả
cái tốt của kẻ xấu hay rút ra cho mình bài học từ sự ngu dốt của người khác.
Phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng ông về làng J làm người ở cho nhà Bá Hội là một địa
chủ. Địa chủ ở đâu chả nói, chứ địa chủ làng J có khi còn phải đi vay nợ. Thấy
ông ngoại tôi chịu thương chịu khó, lại thông minh, chẳng quản việc gì, nên cụ
Bá Hội nhận làm con nuôi, rồi lo vợ cho chu toàn.
Cậu Chiến và cậu Thắng, giấy khen treo đầy nhà. Ông ngoại cấm
hai con trai không được coi khinh thiên hạ, để rồi mắc căn bệnh vĩ cuồng!.
Tuy lấy con nhà gia thế, nhưng cậu Thắng không bao giờ lợi dụng nhà vợ bất kỳ
cái gì. Tự lực cánh sinh! Cậu đã thấm nhuần lời cha mình dạy! Mợ Thắng dân thị
thành, con nhà vai vế nhưng không hề kênh kiệu. Cậu mợ sinh con một bề, hai
trai, chúng ngoan ngoãn, học giỏi còn hơn cả bố ngày xưa. Đúng là nhà có phúc.
Thạch Sanh - Xuân Chiểu
Cậu Chiến, Thắng thăng tiến vù vù trên đường công danh. Cậu
Thắng tuy làm em, nhưng lanh lợi, “chỉ huy” cả anh trai và các chị gái. Nói
chung cậu có uy nhất trong nhà. Con cháu nghe cậu một phép: Học ngành gì, xin về
đâu, hướng phấn đấu thế nào, vân vân đều do cậu quyết, cậu lo. Đã nhiều lần cậu
Thắng được ca ngợi lên ti vi, báo chí. Người ta như quá quen với chân dung cậu,
vang xa ra tận nước ngoài.
Cậu Thắng thông thạo việc cúng kiếng, lễ nghi, phong thủy, âm
dương ngũ hành, bát quái còn hơn cả cha mình. Ông ngoại tôi hãnh diện vì “con
hơn cha”. Hiểu lẽ đời, nên ông thầm lặng để “già quyền con”. Cậu Thắng không những
là “Tư lệnh” trong quyền hành công tác được Nhà nước giao phó, mà còn là “Tư lệnh”
trong gia đình.
Ông bà ngoại tôi mỗi ngày một già yếu. Cậu Thắng cho họp anh
em tôi để xin đưa bố mẹ về Hà Nội tiện việc chăm sóc. Ông bà ngoại lắc đầu, dứt
khoát không đi.
- Chúng tao quen sống ở làng, thì khi chết cũng phải ở làng!
– Ông ngoại khẳng định một câu chắc nịch.
Bà ngoại hùa theo:
- Thầy mày nói đúng đấy, ở đây có bà con lối xóm, về thành thị
đèn nhà ai nhà nấy rạng, chán lắm.
- U nói rõ buồn cười, thành thị đâu phải thế. Con đây này, ở
Hà Nội cả hai chục năm rồi, thấy có sao đâu. Bạn bè, hàng xóm thân thiết đầy!
- Cậu làm quan, người ta mới nể, chứ thầy u đây thì có gì? –
Mẹ tôi nói vậy. Cậu Thắng mặt bỗng đỏ phừng phừng:
- Sao lại không có gì? Con cháu đầy đàn, chứ còn muốn có gì
hơn, chị nói buồn cười! Còn chuyện nể hay không thì cả làng này biết! Ai dám
coi khinh nhà mình, kể cả lúc nghèo xác xơ – Câu nói của cậu
Thắng làm cả nhà bật cười. Lại được cậu Chiến “khéo mồm rủ
rê”, nhưng vẫn không xoay chuyển được ý muốn của cha mẹ. Thế là mộng cho cha mẹ
về thủ đô với mình của cậu Thắng coi như xôi hỏng bỏng không. Vẫn biết rằng về
thủ đô thì điều kiện khám chữa bệnh sẽ tốt hơn ở nơi quê nhà. Cậu mợ Thắng lại
có mối quan hệ rộng với những người “có tóc”, nên cha mẹ có sao thì việc xử lý
cũng nhanh chóng hơn.
Thế là ông bà ngoại tôi vẫn ở lại ngôi nhà xây cấp 4 trên nền
đất cũ, cách nhà tôi mấy trăm nhịp thở. Mà xem ra, ông bà ngoại cũng hợp cách
chăm sóc của mẹ tôi hơn. Mẹ là một thầy thuốc đã nghỉ hưu, nên có điều kiện phục
vụ cha mẹ. Tính tình lại hiền hòa, cởi mở, chuyên môn vững vàng. Bố tôi là
thương binh hồi giải phóng Sài Gòn 75, hợp tính bố mẹ vợ lắm. Bố tôi ít nói,
nhưng sâu sắc. Có lần mẹ bảo tôi: “Đừng có mà chê bố con là người dân tộc nhé,
đã không nói thì thôi, mà đã nói là câu nào ra câu đấy”.
Cậu Thắng cho họp dòng họ bàn việc xây dựng nhà thờ họ Đỗ. Tất
cả mọi người đều đồng ý. Cậu Thắng thuê người thiết kế bản vẽ. Đất nhà thờ lấy
một phần của ông bà ngoại tôi và mua thêm một diện tích của nhà hàng xóm. Khuôn
viên nhà thờ đúng 10 ngàn mét vuông. Nhìn bản thiết kế phối cảnh nhà thờ đã thấy
mê hồn. Rồi các cậu cho mời thầy, thợ cao tay về định hướng, xây nhà thờ. Cậu
Thắng bảo, đây là chốn tâm linh của dòng tộc, để mọi người tiến hành nghi lễ thể
hiện lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành. Rồi các cậu lo việc lập gia phả
dòng họ, cùng tượng thờ, bài vị, điển tích tổ tiên. Các cậu yêu cầu những người
thợ phải bảo đảm tuân thủ đúng những gì có trong bản thiết kế. Ông ngoại tôi
làm trưởng họ, lo việc tổ chức cúng giỗ mỗi năm ở nhà thờ.
Hai cậu Chiến, Thắng đã hiến kế kêu gọi mọi người trong họ
gây một quỹ khuyến học để tặng thưởng cho con cháu có thành tích lớn trong học
tập. Vào ngày giỗ họ, con cháu về tụ họp đông đủ trong nhà thờ, thắp hương tưởng
nhớ những người đã khuất. Anh em trong họ chia sẻ tình cảm, bàn cách giúp đỡ
nhau. Cậu Thắng ý kiến: “Nhà thờ họ không phải chỉ để ngắm nhìn, khoe khoang với
thiên hạ, mà nó phải mang ý nghĩa văn hóa, phù hợp với văn hóa dân tộc mình.
Nơi nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đạo lý, gia
phong tốt đẹp của tổ tiên dòng họ…”. Không ngờ, cậu Thắng mới ngoài 50 mà suy
nghĩ sâu xa đến thế. Cậu giống ông ngoại tôi ở chỗ thấy gì hay là học bằng được.
Chỉ qua việc xây dựng nhà thờ họ đã thấy ở cậu Thắng – một con người uyên thâm.
Một con người không những giỏi chuyên môn mà Phong thủy, Nho giáo, Phật giáo
cũng am tường sâu sắc. Cậu là người quyết đoán, làm ra làm, chơi ra chơi. Người
làng tôi kháo nhau, nhờ Chiến, Thắng mà
Cậu Thắng tiếp tục được thăng tiến lên tới tận Ủy viên Trung
ương Đảng. Làng J đồn đại, tiên đoán, thậm chí “cá cược” nhau: “Ông Thắng chắc
chắn không Tổng Bí thư thì cũng Chủ tịch nước”; người khiêm tốn hơn thì “chỉ tới
Phó là kịch đường tàu”…
Cậu Chiến, cậu Thắng cũng ít về quê. Ai cũng hiểu các cậu lo
việc lớn, nên “cử đàn tôi” về thay mặt mình. Nhờ các cậu mà tôi cũng được hưởng
sự ưu tiên. Giờ tôi đã trở thành một kế toán cứng trong tập đoàn của cậu Chiến,
tương lai đi lên như một hàm số đồng biến. Anh em chúng tôi, con của các cậu
các dì, ai cũng có việc làm và vị trí nhất định trong xã hội. Tuy nhiên, phải học
giỏi! Phải là chất lượng thật! Cậu Thắng bảo thế. Cậu không bao giờ xin việc
cho ai khi mà chỉ được cái mẽ bên ngoài, chuyên môn thì tậm tít. Trong mắt tôi,
cậu Thắng đúng là một Tư lệnh thứ thiệt…
Một bất ngờ, hết sức bất ngờ, bất ngờ đến độ không thể tin nổi,
khi người ta xôn xao bàn tán về cậu của mình như một tên tội phạm nguy hiểm!
Con bạn đưa cho tôi xem một tờ báo. Ở trang nhất có dòng “tít”: “Những vi phạm
của ông Đỗ Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng…”.
- Có phải cậu của mày không?
Tôi như người ngạt thở, không lẽ cậu của mình? Tôi không thể
trả lời đứa bạn đang còn kiên nhẫn đứng bên. Tôi thành kẻ câm điếc rồi.
Bạn nói tiếp:
- Mấy bữa trước tao cũng nghe người nói về cậu của mày. Người
ta không thể tin nổi, sao nó lại diễn ra nhanh thế, quay ngoắt 180 độ. Từ một
Tư lệnh nổi tiếng…
- Tao hiểu rồi, mày đừng nói nữa!
- Mà làm đếch gì phải buồn, giờ đầy thằng tham nhũng, có điều
chưa khui ra mà thôi!
- Tao nói rồi mà, tao xin mày!
- Nói vậy, tuy là cậu mày nhưng tao cũng đau chứ. Đau ở chỗ,
hy vọng tương lai cậu mày sẽ trở thành một người vĩ đại làm xoay chuyển tình
hình đất nước theo chiều hướng tốt, quét sạch lũ tham nhũng!
Tôi muốn trốn chạy ra khỏi thế giới này. Tôi cảm thấy mọi người
nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ. Và sẽ có biết bao câu chuyện thêu dệt lên? Tình
hình thời sự trong nước đều tập trung vào cậu tôi. Và, kinh khủng nhất đối với
tôi lúc này là cậu Thắng bị bắt tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra về những
sai phạm do cậu gây nên trong những năm trước đó (những năm mà gia đình tôi coi
như một thời hoàng kim). Và, kinh khủng hơn nữa khi cậu Chiến cũng bị bắt tạm
giam và chịu sự khám xét nơi cư trú. Rồi tiếp đến, chồng dì Hòa, một nhà báo
cũng bị bắt… Tôi bỗng tàn tạ cả thể xác và tâm hồn. Tôi muốn chết đi lúc này
càng sớm càng tốt.
Ngày xưa người làng tôi ái mộ dòng họ Đỗ bao nhiêu thì bây giờ
họ xót xa ra mặt bấy nhiêu. Tôi không dám mở mạng để xem thiên hạ người ta bàn
tán về các cậu của mình. Tôi có cảm giác các cậu của mình là kẻ thù của đất nước!
Còn đâu hình ảnh cậu Thắng phát biểu trước đồng bào lũ lụt, chia sẻ yêu thương
với các cụ già. Còn đâu một “Tư lệnh” năng nổ, với những phát ngôn gây sốc và
làm việc có hiệu quả; sẵn sàng cắt chức những ai vi phạm pháp luật, làm việc
theo cái kiểu được chăng hay chớ.
Rồi một phiên tòa xét xử về những vi phạm mà cậu tôi mắc phải.
Giờ tôi mới hay, cậu mình đã mắc phải những tội tày đình. Và,
chính cậu cũng là người kéo em trai mình, em rể mình vào vòng tội lỗi! Cậu
không cần thuê luật sư bào chữa. Cậu là người biết hơn ai hết về bản thân mình
đã sai phạm những gì. Cậu chấp nhận án tù chung thân!
Rất may, bà ngoại tôi mất trước ngày các con mình bị bắt. Nếu
không, tôi tin khi còn sống mà biết con mình thế này, bà sẽ chết tươi ngay lập
tức!
Riêng ông ngoại tôi, đau buồn đến mức câm lặng. Trong lúc ông
như thế này, mấy ai “quyền cao, chức trọng” tới thăm ông? Hay vẫn chỉ là bà con
chòm xóm. Ông sao mà nói được gì? Ngày xưa ông dạy các con phải có lòng dũng cảm
dám nhận khuyết điểm để mà sửa chữa! Rồi tất cả những gì các cậu và “đàn em”
mang về biếu cha mẹ, giờ phải bán đi để mà trả nợ. Nói đúng hơn là phải đền!
Bán hết! Đất đai nhà cửa bán hết! Ông ngoại quyết định như vậy. Ông đã quyết
thì không ai dám ngăn cản. Con số “làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước”
do con mình gây ra, có bao giờ ông nghĩ tới điều đó? Ông đau! Nỗi đau đâm xuyên
vào từng nơ-ron thần kinh, xuyên vào tất cả những gì có trên cơ thể ông giáo
làng mẫu mực ngày nào! Ôi, với tôi còn sợ hơn cả bom nguyên tử! Tôi bỗng thấy
mình tồi tệ, hôi hám và hèn hạ. Tôi sẽ không còn là hy vọng của cậu ngày nào:
“Con Uyên, mày học giỏi nhất trong những đứa cháu, cậu giao cho mày phải phấn đấu
lên được chức Tổng giám đốc mẫu mực về mọi mặt”. Cậu biết không, tương lai cho
ngày sau mà cậu mong đợi cho con cháu, giờ chính lại là nỗi buồn?
Ông ngoại tôi nằm viện đã hơn tháng trời. Từ trại giam cậu Thắng
gửi thư về: “… Ngàn vạn lần con xin lỗi thầy, vì đã không nghe kỹ những lời thầy
dạy…”.
Chắc phải đợi đến khi nào ông ngoại khỏe lại tôi mới dám đọc
thư của cậu Thắng cho ông nghe…
Và, không biết tình hình cậu Chiến, chú Bền chồng dì Hòa ra
sao? Nghe rò rỉ, còn nhiều phức tạp lắm…
Thời đại đã thay đổi trên đất nước này. Sẽ không còn có chuyện
hạ cánh an toàn. Bỗng dưng ông ngoại tôi bảo thế.
Ngày 4.3.2018
Đào Sỹ Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét