Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Mây trôi

Mây trôi
1. Những tia nắng cuối ngày vội vã theo gió chạy về phía trời Tây rồi chui vào miệng dãy Khau Khang, hắt lên vòm trời quầng sáng nhiều màu giữa vô vàn khối mây cuồn cuộn trôi. Gió lạnh vẫn ào ạt thổi. Gió kéo tụi sương về giăng màn trên các mái nhà trong bản, chăng dây trên những ngọn cây. Gió đẩy tụi sương lên cao, nhập nhòa vào mây, kết thành những hình khối vừa lạ, vừa quen.
Vừa mới đấy mà sương đã nhúng ướt bờ vai em rồi. Mặc kệ, em vẫn ngồi như mọc rễ bên hai con chó đá ngoài cổng để mà suy ngẫm. Những ý nghĩ thoắt ẩn, thoắt hiện rồi cuộn tròn làm kén trong đầu em. Giá như em lấy được cái kén ấy ra khỏi đầu thì tốt biết mấy. Mắt em vẫn không nguôi ngước lên núi nhìn mây lũ lượt trôi đi. Mà kể cũng hay thật đấy, sao tụi mây dễ thay đổi đến vậy? Rõ ràng em vừa nhìn thấy đám mây trùng phùng tựa như đoàn quân vai đeo ba lô, gài đầy lá ngụy trang, súng ống nhấp nhô, băng rừng, đạp núi. Rõ ràng chưa hết một nhịp thở tụi mây ấy đã giãn nở thành dòng sông băng băng, cuồn cuộn, sôi réo trong mùa nước lũ... Mà kìa, sau một thoáng chớp mắt đã biến ảo thành bầy ngựa, vươn mình, bờm dựng đứng, tung vó thi nhau phi nước kiệu trên núi cao...
Em mải mê để nếp nghĩ trôi theo tụi mây. Bao nhiêu năm qua đi trong vui, buồn, sướng, khổ, em không thay đổi thói quen, vào độ gió lạnh se sắt, khi những cây đào trong vườn, trên núi nứt vỏ để tụi nụ chen nhau hé mắt, chờ ngàn vạn hạt mưa xuân rắc xuống, đua nhau khoe màu đỏ nồng nàn, sắc hồng quyến rũ. Vào lúc sương chiều duềnh lên, tan trong khói bếp ấm nồng là em ra ngoài cổng, chỗ hai con chó đá, nhướng mắt lên núi cao, thả hồn vía theo tụi mây, rồi trượt xuôi ánh mắt xuống những triền dốc ngút ngát màu xanh của cây rừng, qua từng thửa ruộng bậc thang, xuống con đường đất đỏ chạy qua trước nhà, đến lúc bóng tối dán kín mắt thì mới vào nhà. Nếp quen nhìn xuống dưới núi từ ngày nào em cũng không nhớ nổi...
Sương bồng bềnh, dênh dang, từng vốc, từng nắm ùa ập vào người lành lạnh, rồi lại nhẹ nhàng tản ra, nhởn nhơ đậu vào mái tóc dài búi nặng trịch sau gáy của em, giống như chơi trò đuổi bắt. Em dẩu mồm thổi phù phù, mắt mơ màng nhìn tụi sương li ti chạy dạt ra phía trước, rồi tụ lại thành đám nhỏ nhoi bay la đà, phiêu diêu. Ừ, những mùa đông thủa ấy, cũng ở chỗ này, anh và em, hai người thi nhau thổi đến cạn kiệt cả hơi, thi xem ai thổi nhiều hơn, sương phiêu diêu xa hơn là người ấy thắng cuộc. Em bỗng bật cười một mình. Bao giờ thì em cũng là người thắng để anh được ngắm đôi mắt to tròn, đen láy của em rạng ngời trong chiều hoàng hôn nhập nhoạng. Em tin thế!
Mấy năm qua, em luôn nghĩ anh đang ở bên em, rất gần, gần đến nỗi em thấy hơi thở của anh phả vào má em. Anh không đi xa, anh đang chơi trò ú tìm đâu đó giữa núi rừng mênh mang cùng những cây đào điệp trùng này, rồi anh sẽ về bên em để lắng nghe em nói, nhìn em cười, an ủi khi nước mắt lăn tròn trên má em...
Bây giờ, nỗi nhớ anh đã hóa đá trong tâm can em. Sự chờ đợi của em cuốn theo chiều gió thổi, mây trôi. Gió càng thổi mạnh thì mây càng đi xa để lại khoảng trời tràn căng trống trải.
2. Trong bóng hoàng hôn chạng vạng, bốn con mắt của đôi chó đá thật trong trẻo. Không hề vương một chút bụi. Những ánh mắt nhìn em như cảm thông, an ủi, vỗ về. Em chợt run bắn lên.
Theo như pa bảo, cụ tổ nhà em từ xa xưa hì hụi khuân hai tảng đá đỏ từ dãy núi Khau Khang sau lưng nhà về. Đục đẽo, mài giũa thành đôi chó đá giống nhau như được đúc ra từ một chiếc khuôn. Đôi chó đá ấy ngấm nhiều mồ hôi của con cháu các đời trong dòng họ La, vì thế đỏ rừng rực như được chà sát, kỳ cọ bằng dầu bóng. Em không hiểu vì sao mà tụi chó đá này, vào những đêm ngày thường thì không tỏa sáng, thế nhưng năm nào cũng thế, đúng tối hai mươi bảy tết là trên mình đôi chó đá lại phát ra ánh sáng màu huyết dụ mờ mờ, ảo ảo lung linh, huyền diệu... Nó cứ sáng mãi đến hết tháng giêng thì mới thôi.
Hồi em là cô nhóc, ngày nào em cũng ao ước được cưỡi lên lưng chó đá. Nhiều hôm em quanh quẩn con bên trái, lại sang con bên phải cả ngày không biết chán. Vào những chiều hè, em nằm duỗi dài cạnh chó đá, nhắm mắt lại, lắng nghe trong gió có tiếng thở nhè nhẹ, phập phồng, êm ái... ru em vào giấc ngủ nồng say, cho đến lúc nghe tiếng pa gọi ời ời mới đẩy mí mắt lên thì trời đã nhập nhoạng tối rồi.
Giờ thì pa cũng không ở đây với em. Pa xuống phố huyện ở với anh trai, chị dâu của em. Pa thương em mà nấn ná, chần chừ không muốn đi. Thế nhưng, sau trận ốm cách đây tròn hai mùa con nước dâng dưới suối, nếu anh trai không về kịp đưa xuống bệnh viện huyện thì chắc pa không được như hôm nay. Anh trai cùng chị dâu em nói mãi thì pa xuôi tai mà ở lại dưới phố. Em dù không muốn để pa đi ra khỏi bản, thế nhưng pa ngày một già yếu, nếu pa có mệnh hệ gì thì em không biết phải làm sao. Bụng không ưng, nhưng ngoài miệng em phải nói lời nước chảy để pa yên bụng đi cùng anh trai. Bây giờ, cái chân pa yếu hẳn, không về được nhà, chỉ có anh trai thư thoảng kéo theo chị dâu cùng thằng cháu về chốc lát rồi đi.
Hôm nay hai mươi bảy tết rồi, trong gió dường như có tiếng lách tách bóc vỏ của nụ cây. Lác đác trên triền núi đã có những bông hoa như đốm lửa lập lòe đỏ gọi xuân về. Chẳng biết anh trai có về nhà không? Hôm qua em gọi điện thoại, anh trai đang bận gì mà không nghe, cũng không thấy gọi lại.
Em buồn. Cũng không hiểu có phải tại anh trai không trả lời hay là những ngày này nỗi nhớ anh cồn cào thắc thỏm, nên hôm nay em ngồi lâu hơn mọi hôm. Mặc cho trời mỗi lúc một lạnh, sương mỗi lúc thêm dày, em vẫn ngồi bên hai con chó đá mà nhìn sương, nhìn mây cho đến lúc bóng tối ập vào che kín mắt, em chưa vào nhà.
Đấy, bên sân nhà anh lại vang lên tiếng đôi guốc tre lộc cộc. Chẳng hiểu tại sao mé anh cứ thích đi guốc tre. Hàng dép mang đến bản mình, tới từng ngõ rao gọi, mời mọc thế mà mé anh vẫn không bỏ thói quen lồng đôi chân vào guốc tre.
Em quen với tiếng guốc tre kéo theo tiếng thở dài nặng nề, sâu hút của mé anh mỗi ngày. Quen đến nỗi hôm nào không thấy là em lo lắng, cập rập lấy hai dép tay làm bằng gỗ nghiến, gõ từng bước đi bằng tay trên nền đá để sang nhà anh. Vẫn biết, sự hiện hữu của em trong nhà anh là thừa, thế nhưng nếu em không sang nhà bên ấy thì bụng nóng như thể đám cháy đang tóa lửa, hun khói.
Anh sẽ hỏi vì sao em không đi bằng đôi chân như hồi anh còn ở bên em, mà lại đi bằng tay phải không? Chuyện này chỉ có tụi mây trôi trên trời, những hòn đá mồ côi ở núi Khau khang là thấu hiểu. Bao năm nay em vẫn buộc chặt cái đau này ở trong bụng thôi. Chuyện này nói ra thì phải nói từ đâu nhỉ? Chẳng lẽ từ thầy Tào coi lá số của chúng mình ư? Như thế có đúng không?
3. Anh à, anh đi xa lâu ngày thế còn nhớ không? Người già bảo thế đất bản mình mang dáng cây hoa hải đường lớn được mọc ra từ chân núi Khau Khang. Những con đường mòn lên núi giống như trăm ngàn cái cành của cây hoa ấy. Đá trên núi nhấp nhô phô diễn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí cũng mang màu đỏ tựa như ngàn vạn cánh hoa đua sắc dưới ánh mặt trời. Phải chăng vì thế mà người bản mình, đàn ông vâm váp khỏe mạnh, nước da đỏ au, còn đàn bà đôi má bốn mùa mang sắc thắm hoa đào.
Trên đỉnh núi Khau Khang có đôi hồ nước hình hai con dê núi nằm gối vào nhau. Trên đầu con dê là hai đôi cặp sừng xoắn bện từ ngàn năm không tách rời. Giữa khoảng trống của hai đôi cặp sừng nổi lên hòn đá lớn mang màu bắp nếp giát những viên đá li ti màu hồng ngọc. Vòng quanh tảng đá là dòng nước thắm đỏ để hai hồ hòa chung dòng chảy. Nước trong hồ không đun nấu mà lúc nào cũng nóng. Trên mình hai con dê ấy nước sủi lăn tăn như có ai đó ngồi trong bụng núi thổi bong bóng, nhúng vào chậu phẩm ngũ sắc lấp lánh xoay tròn, mê hoặc.
Đây là nơi người bản đầu năm đến rước nước về cúng trời, đất, cúng hồn rừng, hồn người thiên cổ. Và ở đôi hồ nước này là nơi những cặp nam thanh, nữ tú trước khi làm lễ cưới xin hai cốc nước mang về. Cốc đựng nước là do chú rể làm từ cây vầu. Trên cốc trạm trổ mây trời, chim muông, thú rừng... Thế nên nhìn cốc đựng nước chú rể mang sang nhà gái đủ biết có là người trai tài hay không.
Nước thiêng lấy về, chia đều vào bốn cái cốc. Hai cốc để nhà trai thắp hương trên ban thờ, còn hai cốc nhà gái dâng tổ tiên. Khi chú rể đi đón dâu mang theo nửa cốc nước đã thắp hương sang nhà gái. Cô dâu trước khi về nhà chồng, vái lạy tổ tiên, cha mẹ, xin nửa cốc nước trên ban thờ nhà mình, để rồi hai nửa nước thiêng hòa với nhau làm một. Chú rể cùng cô dâu mỗi người uống hai ngụm nước nhỏ. Một ngụm cho mình, một ngụm cho người mình yêu. Sau đó nước trong cốc rảy vào hai họ trong đoàn người đưa cô dâu về nhà chồng.
Hồi anh ở nhà, vào đêm ba mươi tết, đúng thời khắc sang canh, khi lũ gà nhà đua nhau khoe tiếng gáy chào ngày mới, em với anh thắp đuốc, cùng người bản lên đỉnh núi Khau Khang, nơi hai hồ nước ăm ắp, ấm nồng, múc đầy ống bương nước mang về nhà thắp hương tổ tiên. Rồi cũng từ ống nước lộc ấy chia đều cho từng người trong gia đình, mỗi người một ngụm thơm thảo thôi, còn dành cho tụi ngựa, dê, gà, lợn... mỗi con uống một chút, mau ăn chóng lớn, sinh sôi bầy đàn.
Tết năm ấy, trên đường rước nước về, anh thầm thì nói với em, ăn cái tết xong thì cũng em hết tuổi kim lâu, bước sang tuổi hai mươi hai, tuổi tròn đầy của người con gái, thế nên qua ngày mùng bảy tết gia đình anh mời thầy Tào coi ngày, sang nhà em làm lễ xin lá số, bàn việc cưới để hai đứa về chung một nhà. Chuyện này, mé anh đã định rồi, pá em cũng biết.
Anh nói thế làm em vui đến độ đôi chân ríu lại, quýnh quáng không bước nổi. Nếu lúc ấy chưa đi đến gần cổng nhà em, nơi đôi chó đá có niên đại hàng trăm năm tuổi đang tỏa sáng màu huyết dụ, thì em có lẽ mừng quá mà vấp vào đá rồi.
Cái tết ấy qua nhanh như thể người ta thở một nhịp thôi.
Cho đến hôm nay em nghĩ vừa trải qua giấc mộng buồn.
Thầy tào khi giáp hai lá số của chúng mình phán rằng, nếu hai nhà làm đám cưới thì trong ngày nhà trai rước dâu phải lấy vải chàm phủ che đôi chó đá lại. Điều này không được, vì đôi chó đá là linh hồn bao năm nay của dòng tộc. Người họ La từ đời này qua đời khác không ai nuôi chó trong nhà, cũng không ai ăn thịt chó bao giờ. Nhà nhà theo cụ tổ làm một đôi chó đá về để ngoài cổng cho nó trông nhà. Trong ngày vui phải để chó đá nhận mặt chàng rể.
Nếu không phủ vải chàm vào chó đá, thì anh với em đi lấy nước phúc ở đôi hồ trên núi không được đi theo lối người bản, phải cắt rừng, leo núi mở hai con đường khác nhau theo hai hướng, anh đi bên trái, em đi phía phải, sao cho khi gặp nhau ở đôi hồ nước sẽ vẽ thành một vòng khép kín. Có như thế mới ăn ở với nhau được...
Lời của thầy Tào chỉ biết nghe thôi, không được trái ý. Thế nên em với anh trước hôm hai nhà làm đám cưới đã lặng lẽ cắt rừng, băng núi tìm đường leo lên trên đỉnh Khau Khang.
4. Sáng tháng Giêng lạnh tái tê. Cái giá buốt thấm qua da, ngấm vào từng mạch máu, lạnh như thể kim châm vào bụng. Sương bưng kín mắt. Bản tĩnh mịch nghe rõ tiếng thở của tụi trâu, lũ ngựa. Em cầm con dao đi rừng cùng cái cốc anh đưa mà người run lên từng hồi, từng chặp. Gió lạnh vẫn chạy ràn rạt lao qua đá.
Anh lặng lẽ ôm em. Hơi ấm nồng từ khuôn ngực vạm vỡ của anh nhẹ nhàng lan tỏa. Dường như hương thơm thanh tao của tụi hoa đào dưới chân núi cũng quấn quít theo hơi thở của anh mơn man, nhè nhẹ phả vào mặt em. Nếu như tụi gà rừng không đua nhau tấu lên bản nhạc gọi sáng làm em giật mình thì có lẽ chúng mình cứ say nồng mãi như thế giữa sương sa và gió lạnh.
Lúc ấy, anh thầm thì: - Em vứt lo lắng đi, cái chân đi chắc thì sẽ lên núi nhanh.
Em khe khẽ gật đầu, cười thật tươi để anh vui, rồi lặng lẽ quay người rẽ sang bên tay phải, theo đường rừng leo núi. Em lo, nếu cái chân không đi nhanh thì anh sẽ nhìn thấy nước mắt lăn tròn trên mặt em.
Em mải miết ngược núi. Người em như trôi trong sương và mây, cho tới lúc mặt trời từ đâu đó giữa biển sương mù dày đặc, tỏa muôn vàn sợi tơ màu lông gà non óng ánh xuống núi rừng, mồ hôi em túa ra thấm đẫm lưng áo chàm. Đôi giày vải em khâu, đế dày thế mà bị đá cào rách. Chắc giờ này đôi giày của anh cũng giống như thế.
Cặm cụi bước giữa trập trùng đá, muôn vàn cây lớn, cây nhỏ thì em bỗng giật mình. Có tiếng con gì thở phì phì như tụi ngựa thồ hàng nặng đập vào tai em. Cái chân ngập ngừng, chưa kịp rẽ lối thì mắt em đụng vào mắt con rắn to bằng bắp tay, da màu đỏ như đá núi Khau Khang này. Mắt nó có đám lửa cháy rừng rực làm em bủn rủn ngã khuỵu xuống. Trước lúc lăn qua đá núi, mê man, bất tỉnh, em vẫn nhận ra, lưỡi con rắn quấn bắp chân em, thít chặt...
Cho mãi gần hai năm sau, khi tỉnh lại trong bệnh viện, em mới biết, năm người đi du lịch trên núi Khau Khang đang trên đường xuống núi thì gặp em bị nạn. Và rồi, năm người ấy đã thay nhau cõng em, đưa vào ô tô chuyển đến bệnh viện huyện sơ, cấp cứu. Bây giờ, sau khi em sống thực vật, trải qua bốn lần chuyển viện, dường như với họ, em không bao giờ là gánh nặng, mà là người thân. Em cũng không biết có phải mệnh em cao số, hay là em đã gặp may, bởi thế nên em đã được sinh ra lần thứ hai nhờ vào những tấm lòng từ bi, thiện nguyện của người dân ở thành phố Thái Nguyên.
Khi em mê man, mặc dù trôi nổi giữa lằn ranh của ánh mặt trời và bóng tối, đến bờ con sông nước trắng như tuyết, lạnh đông cứng người, em thấy gương mặt màu đồng hun của anh rạng rỡ cười thật tươi, kéo em về hiện tại. Hơi thở anh nồng nàn, ủ ấm cho cơ thể lạnh giá của em, để rồi em vượt qua mê lú trong cõi hư vô, mà trở về với pá, với dân bản, với anh.
Ngày em về bản, pá mời người làng trên, bản dưới đến mổ lợn ăn mừng. Pá dỡ bát hương em trên ban thờ, mang đi giải mát dưới suối xa. Bản mình vui như ngày hội, duy chỉ có vắng thầy Tào và vắng anh thôi.
Anh tin đá núi đã vùi lấp em, thung sâu nuốt chửng em nên mới đau buồn đến thế phải không? Nếu như thầy Tào cùng mé anh không ép anh lấy con gái thầy Tào, cái đứa gái cắt tóc như con trai, mặt vẽ hoa, thoa phấn, môi đỏ chon chót, cưỡi xe máy của người đàn ông cho không mất tiền, vênh váo nhả khỏi vào mặt người bản, thì chắc anh sẽ không bỏ bản mà đi phải không anh?
Em nghe pá bảo, anh xung phong nhập ngũ vào bộ đội, qua mấy mùa mưa nắng không về. Gia đình, dòng tộc, người bản cũng không biết anh đang phiêu du ở đâu.
Bây giờ, cái mắt mé anh nhìn em ấm lại rồi, không sắc lạnh như ngày em mới từ bệnh viện trở về bản. Em đã khóc mừng vì điều ấy. Em cảm nhận rõ lắm, sự hắt hủi lạnh băng có chút nhẫn tâm của mé anh khi bà nghĩ, em là người gieo rắc tai vạ cho gia đình bà, gây ra nỗi đau rỉ máu trong anh, dẫn dụ anh ra đi mà không trở về.
Mé anh đâu có biết, từng khắc, từng giờ trôi qua, nỗi nhớ anh dày lên trong tâm hồn em. Mỗi khi gió lay cây vườn xào xạc là em lại giật mình. Khi tụi cây đào ra hoa như trải thảm đỏ từ núi xuống bản là em khắc khoải, dày vò. Trong em như thể có hai con người. Em nhớ anh trong vắt, tinh khôi, nhưng em lại mong anh hãy đừng vội về nhà. Em lo anh nhìn thấy em tàn phế như thế này...
Chiều nay mé anh bảo, tết này sang bên nhà anh cùng gói bánh đón xuân về, em vui đến nỗi mắt chảy nước không thôi. Mé anh bảo, mày khóc làm gì, cái mắt người đi xa không nhìn thấy. Nếu nước mắt kéo được chân thằng Ngún về thì tốt biết mấy. Nói thế rồi mắt mé anh ngấn đỏ, nhìn phía trời xa có tụi mây lũ lượt kéo nhau bay đi.
5. Trời đêm trôi về gần sáng. Em bó gối qua đêm bên bếp lửa mà không chợp mắt. Lửa vẫn ngun ngún liếm gốc củi. Từng cơn gió bấc từ núi chạy xuống bản, chui qua khe liếp, đổ tràn vào bếp vuông trên nhà sàn, kéo ngọn lửa đổ nghiêng, đổ ngả, cuốn theo những đốm đỏ nhảy nhót giữa gian nhà trống trải.
Kìa! Mắt em không tin nổi, quầng sáng từ đôi chó đá ngoài cổng như có phép lạ. Chúng tưng bừng tỏa sáng để tụi sương nhảy nhót vũ điệu hoang dã, kết nối thành muôn vàn những bông hoa đào rực rỡ, kéo tụi chim rừng ngân vang giọng hót gọi ban mai, trôi trong tiếng reo vui của lá rừng xôn xao, cùng nhịp chân gấp gáp, chắc nịch của người đi xa trở về bản đón xuân sang.
Nhà văn Bùi Thị Như Lan, sinh năm 1967, quê Đông Viên, Chợ Đồn, Bắc Cạn.
Tác phẩm: Tiếng chim kỷ giàng (Tập truyện ngắn), Mùa hoa mắc mật (Tập truyện ngắn), Lời Sli bay cao (Tập truyện ngắn), Bồng bềnh sương núi (Tập truyện ngắn), Cọn nước đôi (Tập truyện ngắn), Mùa hoa Bjoo phạ (Tập truyện ngắn), Tiếng kèn Pílè (Tập truyện ngắn).
"Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan tập trung phản ánh những số phận con người sống trên vùng cao. Ở nơi ấy, con người mộc mạc, hào phóng như thiên nhiên, vũng chãi như núi, hồn hậu như hoa rừng, cô đơn như mây, nồng nàn như thác, trong vắt và man mê như suối. Nhân vật trong văn Bùi Thị Như Lan hiển hiện nồng ấm và gần gũi, khi nghiệt ngã, lúc hồn nhiên khoáng đạt, vui đấy, mê đắm đấy mà buồn như lá. Ở họ, cả hạnh phúc, niềm yêu hay bất hạnh đều mang vẻ đẹp nguyên sinh, vẻ đẹp Bùi Thị Như Lan gắn bó máu thịt. Văn Bùi Thị Như Lan rất nhiều ma lực, ám nhập, lôi cuốn, nhiều trang viết như tạc khắc. Chúng ta nghe thấy sau những trang văn kia cả những tiếng thở dài, cả phập phồng của khí trời, thiên nhiên, cây cỏ vùng cao, cả những buồn vui, khổ đau trong mỗi số phận người. Nhà văn Bùi Thị Như Lan đoạt nhiều giải thưởng văn chương". (Hoàng Quý) 
Thịnh Đán, tháng 1/2016 
Bùi Thị Như Lan

Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...