Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Vài suy nghĩ về việc phổ biến âm nhạc truyền thống

Vài suy nghĩ về việc phổ biến 
âm nhạc truyền thống
Người xưa thường nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với tôi mỗi lần đi thuyết trình về nhạc Việt Nam, trong nước hay nước ngoài, tôi có dịp học thêm rất nhiều. Tôi thích nhất là phần trả lời những câu hỏi của thính giả. 
Tôi có dịp trình bày rành mạch hơn, đi vào chi tiết mà trong một bài thuyết trình chỉ nói phớt qua. Có nhiều câu hỏi gợi cho tôi đề tài suy tư hay nghiên cứu. Năm nay tôi đã thuyết trình về nhạc Việt Nam tại Đại học Connecticut, vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, về cách tán tụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam nhân ngày lễ Phật Đản tại chùa Việt Nam vùng Hardfort, gần Connecticut, chùa Phật giáo Việt Nam tại Los Angeles và chùa Liên Hoa ở quận Cam (Orange County).
Tại Connecticut, ngoài sinh viên Mỹ, tôi được tiếp xúc với nhiều người Việt và sinh viên Việt. Sau bài nói chuyện bằng tiếng Anh tại Đại học, tôi còn nói chuyện về âm nhạc Việt Nam bằng tiếng Việt, được rất nhiều sinh viên lứa tuổi từ hăm hai đến hăm chín ngồi chơi quây quần với tôi, đề cập luận bàn nhiều đề tài ngoài âm nhạc. Cuộc gặp gỡ bắt đầu từ hơn 21 giờ đêm dự định đến nửa đêm chấm dứt, “để bảo vệ sức khỏe cho tôi”, theo lời các cháu trong ban tổ chức. Vậy mà mọi người đều quên giờ, người hỏi cứ đặt câu hỏi, người trả lời cứ thong thả, vui vẻ trả lời, khi chia tay đã hơn 2 giờ khuya mà không ai thấy mệt. Đời nay mà vẫn giống thời xưa, gặp người tri kỷ, hiểu nhau, thì “bỉnh chúc dạ du” đốt đuốc soi đường, để đi chơi suốt đêm trường.
Tại châu Úc, tôi thuyết trình về nhạc Việt Nam hai buổi tại Đại học South Western Australia, ở Perth, một buổi trên truyền hình cho học sinh khắp châu Úc, nói chuyện cho một số kiều bào trong cộng đồng người Việt tại Perth hai đêm, họp mặt tại nhà một bác sĩ người Việt để nói chuyện có minh họa về nhạc sĩ tên tuổi thời tiền chiến, về những chuyện vui trong Văn chương Việt Nam, những bài thơ hay mà chưa hoặc không xuất bản v.v...
Tại Đại học Perth, ngoài sinh viên Úc, có một số sinh viên bên nhà sang học tiếng Anh tại Úc tới dự thính. Tôi được gặp lại một cựu nữ sinh viên Mỹ, học lịch sử châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng tại Đại học Hawaii, môn sinh của bạn tôi là giáo sư Trương Bửu Lâm, quen biết lúc tôi thỉnh giảng tại Honolulu năm 1988, nay đang là giáo sư về “Văn hóa Việt Nam” tại Đại học Tây Nam Úc Châu, gặp tôi, nói chuyện bằng tiếng Việt rất thông thạo và đã mời tôi đến giảng cho học sinh lớp Văn hóa Việt Nam của bà.
Trong cuộc gặp gỡ rất thú vị vừa qua, tôi rút ra vài nhận xét và có mấy đề tài cho tôi suy nghĩ để viết Tiểu luận sau này. Tất cả người Việt tôi đã được gặp, dầu ở lứa tuổi nào cũng thiết tha, hay muốn tìm hiểu Thi ca Vũ nhạc Kịch truyền thống Việt Nam.
Đối với những người đã biết, đã nghe, đã thích âm nhạc truyền thống Việt Nam, sau khi nghe tôi giải thích, đôi khi trong chi tiết, thấy thích thú hơn, vì hiểu rõ hơn.
Tôi thấy rằng, không phải chỉ giải thích âm nhạc nước này cho người nước khác, mà cả trong nước mình, cho người mình cũng cần “cây cung tiếng nói” nữa. Sự kiện ấy, gợi ý cho tôi suy nghĩ thêm về vấn đề “giáo dục âm nhạc” trong các trường mẫu giáo, tiểu học, sơ học, trung học và đại học, vấn đề viết báo, viết sách, nói chuyện trên đài phát thanh, trên đài truyền hình cần phải được đặt ra một cách rõ ràng, chính thức để tìm những biện pháp cụ thể, hữu hiệu hơn trong công việc giải thích âm nhạc truyền thống với quảng đại quần chúng, cho mọi người hiểu hơn để rồi yêu thích hơn và lại thêm một đề tài cấp bách cần phải viết: Tại sao âm nhạc truyền thống ngày nay ít được ưa thích?  Hoặc “Làm sao cho âm nhạc truyền thống Việt Nam được nhiều người ưa thích hơn?”.
Hôm thuyết trình về âm nhạc tại Perth, trong phần minh họa có Diễm Tiên, cháu ngoại tôi đàn Bầu, đàn Tranh và ca mấy câu vọng cổ, hai lớp Văn Thiên Tường. Bà con lớn tuổi ưa thích đã đành. Còn rất nhiều nữ sinh trẻ, đến hỏi thăm học đàn có khó không, học bao lâu có thể đờn được. Tôi thấy rằng, khi nghe một người ở lứa tuổi “cổ lai hi” như tôi đờn, thì ai cũng thấy là việc dĩ nhiên nhưng rất xa lạ với tuổi trẻ. Khi thấy một thiếu nữ, hay thiếu phụ trên dưới hai mươi lăm tuổi mà cũng đờn, cũng ca Tài tử được, thì các cháu thanh niên thiếu nữ thấy gần gũi hơn và có ý muốn học để đờn ca được như vậy.
Tôi thấy công việc truyền bá, phổ biến Âm nhạc Truyền thống rất cần có những tài năng trẻ, chẳng những chỉ biểu diễn mà còn phải thuyết trình, nói chuyện về âm nhạc để khuyến khích các thanh niên nên học nhạc Dân tộc. Như thế có hiệu quả hơn nhiều. Cần có một lớp huấn luyện các cháu nhạc sĩ, hay giáo viên trẻ tuổi để làm công việc giải thích và truyền bá Âm nhạc Truyền thống cho giới trẻ.
Có rất nhiều câu hỏi của thính giả cho tôi thấy rằng người Việt dầu sống xa quê hương, mà tâm tư vẫn hướng về đất Mẹ, vẫn tìm hiểu những gì liên quan đến Âm nhạc, Kịch nghệ trong nước. Như câu hỏi về cách hát ca Trù, ca Huế, ca Tài tử, hát Chèo, hát Tuồng, hát Cải lương, về Trống đồng, Đàn đá. Đôi khi đi cả vào chi tiết như những câu hỏi về cách phát âm trong lối ca, hát, ngâm của người Việt, tại sao ca Tân nhạc hay dùng cách phát âm của người Bắc, mà ca Vọng cổ phải dùng “tiếng Sài Gòn”? Hay là đụng đến vấn đề quan điểm hoặc nguyên tắc thẩm mỹ như: có thể dùng đàn ta đờn bản Tây, hay dùng đàn Tây đờn bản ta được hay không, tốt hay không, nên hay không?
Đờn bay bướm hay đờn sâu sắc, đờn nghe chơi hay đờn để tìm sự thư thả trong tâm hồn, đờn thế nào cho nó “Thiền vị”. Và có khi lại đi vào vấn đề dạy nhạc. Dạy truyền ngón hay dạy theo ký âm phương Tây v.v…
Tôi đã nhiều lần bàn đến vấn đề “Kỹ thuật và nghệ thuật”, “Sự mê tín chữ viết” (Superstition de I’écriture) trong khi thảo luận về các cách ký âm, “cái lợi, cái hại, cái hay, cái dở trong việc ký âm”, nên chính xác tinh vi hay chỉ ghi lại cái sườn, hoặc nét chính, mà cũng chưa viết thành văn bản.
Công việc giải thích, phổ biến Âm nhạc Truyền thống Dân tộc Việt Nam còn rất nhiều, mà sức người có hạn. Tôi nay tuổi càng cao, năng lực làm việc càng kém. “Thân này ví xẻ làm trăm mảnh”, may ra công việc mới có thể hoàn thành trước ngày sức cùng lực tận!
Suy nghĩ, suy tư và ưu tư nhưng tôi không nản lòng khi nghĩ rằng “tre tàn măng sẽ mọc…”
Các mầm non ơi! “Tre già” đang chờ “măng non” đây!.
Trần Văn Khê
Theo https://vannghetiengiang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiêu Sơn tráng sĩ 2XXXX

Tiêu Sơn tráng sĩ 2 Hồi 20 Vua Chiêu Thống Năm hôm sau, bốn người đến Lạng Sơn và theo Phạm Thái đi thẳng đến Kỳ Lừa thăm sư cự chùa T...