Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Tiếng vọng đời người

Tiếng vọng đời người
Khi đọc tập sách Nghe vọng tiếng đồng (*) của Lê Trâm dường như tôi quên đi nỗi tất bật của cuộc sống. Tập sách gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Nghe vọng tiếng đồng hay, quý và hấp dẫn ở chỗ: một, tác giả đã thẩm thấu, nhận định sâu sắc nhiều giá trị văn hóa của nhiều vùng đất, đặc biệt ấn tượng là vùng đất Quảng Nam máu thịt của mình; hai, tác giả đã từ tốn và nhân văn mổ xẻ công việc bếp núp nghiệp văn của mình và một số đồng nghiệp, thân hữu rất xác đáng, trung thực trong khát vọng bền bỉ đi đến cuối con đường Nghe vọng tiếng đồng không chỉ là tiếng ngân vọng mãi mãi đời người của tiếng chiêng đồng túp tu u u ù ù ú u u, nghĩa “đen thui” như Lê Trâm đã viết trong tạp văn cùng tên trong tập, với chất văn sắc sảo, câu chuyện quái kỳ. Nghe ra tên gọi còn mở ra cho bạn đọc nỗi ám ảnh tiếng vọng đồng quê, làng mạc của được và mất, của cái đẹp và hư ảo, của quá khứ và hiện tiền mà tác giả “ăn nằm” hoặc nghĩ về.
Tập sách gồm 24 bài viết. Dường như Lê Trâm cố tình sắp xếp theo trình tự thời gian để nhắc nhở sự biến dịch vô thường của thời gian. Phần tạp văn là hỗn tạp chuyện “bao đồng” ở xứ tôi (Quảng Nam, Quế Sơn, Tây Giang) lẫn xứ người (Tây Bắc, Phương Nam, Đất nước triệu voi); chuyện đã qua (Đi tìm dinh trấn Thanh Chiêm trong... tiểu thuyết) hoặc chuyện hàng ngày (Đường về Tây Bắc, Phương Nam không xa). Tất thảy cũng chỉ là “phông màn” để anh gửi gắm tâm sự, thổ lộ cách nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề về bản sắc, các giá trị văn hóa, về cái đẹp, về tình yêu…
Đi tìm dinh trấn Thanh Chiêm... trong tiểu thuyết không chỉ làng mạc, cách bố trí tường thành Thanh Chiêm ngày xưa, đã “bị vùi trong lớp bụi thời gian”, hoặc phê phán cuộc chiến, mà anh còn muốn gợi xa hơn văn bản một sự sống nẩy mầm, cựa quậy, hoặc là đánh thức một nét đẹp văn chương trong bề bộn hỗn loạn của triều đại phong kiến. Nghe vọng tiếng đồng, bằng  cảm hứng tài tình giới thiệu một cách chính xác, “đồng bóng” và sắc sảo về một ngành nghề truyền thống là làm chiêng đồng dưới cây bút của nhà văn, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, mà Lê Trâm đã “biết“ thêm thắt để câu chuyện thêm kỳ bí, hân hoan. 
Đường về Tây Bắc, Phương Nam không xa chỉ là những bài ký, ghi lại hành trình đi thực tế, giao lưu văn học. Nhưng cách viết của Lê Trâm thật tỉ mỉ, tròn đầy, chứng tỏ rất nhiều về “tài” quan sát của anh, về việc cẩn trọng, lý thú, cả nỗi cực nhọc của nghề cầm bút. 
Vat Phu huyền bí, Mười ngày trên đất Triệu Voi thì lại khác. Anh khai thác rất kỹ lưỡng, công phu các mảng văn hóa ở đất nước bạn Lào. Dường như ở các bài viết này, bạn đọc có cảm nhận người viết cũng kết tinh những nền văn hóa nhất định nào đó. Cách nhìn, cách so sánh của anh cũng thật gần gũi, thú vị, mang hơi thở văn hóa và giàu bản sắc các dân tộc. Chỉ riêng điều này thôi cũng không dễ dàng gì. 
Về các tiểu luận, Lê Trâm đã có những cảm nhận về một số tác giả, tác phẩm với tinh thần đầy trách nhiệm. Cái nhìn của anh nặng chất thơ. Ở loạt bài này thể hiện sự khiêm tốn, giản dị. Chẳng hạn trong các bài: Nhân đọc Điên cuồng như Vệ Tuệ, Bất tận những cánh đồng, Từ Mùa vàng hoa cúc đến Cái nhìn khắc khoải. Rồi Đọc Phiên tòa trên cát (tập truyện ngắn của Tiêu Đình), Bùi Công Dụng và sự lựa chọn mới, Mười năm văn xuôi Quảng Nam - đôi điều cảm nhận, Văn xuôi trên tạp chí Đất Quảng - sự góp mặt thầm lặng, bằng những cảm nhận khá chân xác, chấp nhận bút pháp cũ lẫn khát vọng kết cấu mới, mộc mạc lẫn tế nhị, Lê Trâm đã có những nhận định, nhận xét tương đối thấu đáo và đầy đủ nhiều mặt thành công cũng như hạn chế của một số anh em văn nghệ Quảng Nam. Một số chuyện “bếp núp” văn chương anh viết cũng thật gợi, ấn tượng (Bạn văn, Hồn của cây khô và đá).
Nghe vọng tiếng đồng có kết cấu truyền thống, mạch lạc, giọng văn sáng sủa, trong trẻo, thâm trầm. Tuy vậy, ít tính biền ngẫu, phóng túng nên một vài bài viết còn nặng bài vở, chưa thật xúc cảm. Gấp tập sách lại với bao ám ảnh về nghề cầm bút, lúc nào cũng ngay ngáy hay, dở, được, mất, những khát vọng lớn lao và suy tư vụn vặt. Và còn nghe tiếng vọng ở đâu đó trong tâm hồn…
(*) Đọc tập Nghe vọng tiếng đồng, tiểu luận và tạp văn của Lê Trâm, NXB Đà Nẵng 2010.
HUỲNH MINH TÂM
 Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...