Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Thư gởi bạn xa xôi

Thư gởi bạn xa xôi 
Về Phan Thiết
Với mình thì ”Phan Thiết” luôn bao gồm cả Lagi và Mũi Né, cả Ma Lâm và Mương Mán.  Vậy là đông tây nam bắc có đủ cả. Cái vùng đó thật lạ. Ngoài địa danh Lagi (đọc là La Di, giọng Nam bộ) thì còn có La Gàn, La Ngâu, La Ngà… Núi thì có Tà Cú, Tà Dôn, Tà Đặng, Tà Lài, Tà Mon… Hàm thì có Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Đức, Hàm Tiến… Có người bảo La là sông, Tà là núi và Hàm là ruộng. Mình chỉ biết vậy. Mương Mán nổi tiếng với Ga Mương Mán, trên tuyến đường xe lửa Bắc Nam hàng trăm năm, bỗng dưng sau 75 bị đổi tên thành Ga Bình Thuận, chẳng hiểu tại sao. Có lẽ rồi đây Ga Tháp Chàm sẽ đổi thành Ga Ninh Thuận… và rồi ga Diêu Trì, ga, ga… tiếp tục đổi tên.
Về Phan Thiết, lúc nào cũng ghé Lagi. Thế nào cũng ghé Đập Đá Dựng. Một ly cà phê. Nhìn dòng nước chảy xiết. Ngày nào, mới đó mà đã hơn 60 năm, cùng bạn bè đạp xe vượt đồi, qua các trảng cỏ cao hơn đầu người, lên Đá Dựng tắm sông. Trần truồng như nhộng. Đến khi Bình Tuy làm cái đập nước, có cái nhà một cột giữa dòng, có những con lân đá mang tên mới là Đập Đá Dựng thì vẫn trần truồng như nhộng tắm sông cả bọn. Mới thôi.
Về Mũi Né lúc này muốn ngắm dừa “xứ Rạng” thì phải vào các resort may ra. Mà rừng dừa cũng già quá đỗi rồi.
Vườn dừa Rạng.
Thuyền thúng (Thúng chai) bây giờ cũng lạ. 
Xanh xanh đỏ đỏ cũng khá tươi.
Bàu Trắng, Bàu Sen xưa là một vùng tuyệt đẹp với đồi cát mênh mông, hồ nước mênh mông xanh ngút ngàn mà nay dấu xe đặc chủng du lịch cày xới không thương tiếc… Nhớ ngày nào đưa đoàn T4G đến thăm còn hoang sơ lắm.
May còn một chút làng chài ở Hòa Thắng, nơi có cái đảo nhỏ trông giống như một con Rùa biển gọi là Hòn Đú (Rùa biển vùng mình gọi là con Đú, nhớ không? Đú lên cát đẻ trứng hằng trăm quả, như trái bóng bàn, mềm mềm và vỏ dai chắc, vùi trong cát để ấp, khi nở ra hằng trăm con đú con đua nhau bò xuống biến…).

Lần này về Phan Thiết mình còn ghé lên Ma Lâm. Tính gặp Ngô Đình Miên thăm mà bạn đi Saigon. Thôi ghé chụp cái hình chiếc ga xép nhỏ, ngày nào 12 tuổi, đi theo Chị Ba Oanh từ chùa HN lên thăm bác Năm H, anh Lìn, chị Nhạn… bằng xe lửa. Nay anh Lìn (Lâm Hồng Lân cũng vừa mới mất). Ma Lâm chỉ cách Phan Thiết 15km, thuộc Hàm Thuận Bắc, có đường đi thẳng lên Di Linh Đà Lạt, quốc lộ 28, ngang qua khu rừng nguyên sinh mênh mông đượm vẻ huyền bí nên từ xưa đã được gọi là Ma Lâm chăng? Ở đó có Đập Sông Quao hùng vĩ. Sông Quao đổ về Lương Sơn, Phan Rì, còn nhớ chứ? Lần này mình cũng có ghé thăm Đập Sông Quao. Năm xưa, còn Má, đã đưa Má đến đây.
Đập sông Quao
Ga xép Ma Lâm
Rồi ghé tạt ngang Chùa HN, nơi mình ở mấy năm tuổi thơ đi học Trường tiểu học Bạch Vân của cô Tiểu Sính (Hồ Thị Tiểu Sính, con Út cụ Hồ Tá Bang) rồi vào đệ thất trường Phan Bội Châu năm đó (1954)… Mấy cây điệp (phượng) to đỏ rực mùa hè và cây me khổng lồ ba người ôm không xuể trong sân chùa đã bị đốn chặt tự bao giờ, may còn sót lại một cây dừa ngơ ngác. Mới thôi.
Nhưng không thể không kể thêm rằng mỗi lần về Phan Thiết thế nào cũng phải ăn Bánh Căn và ăn chè “Mộng Cầm”, rồi uống trà Lipton đặc biệt chỉ thấy có ở Phan Thiết, quán cafe BM bên bờ biển Vĩnh Thủy (Thương Chánh).
Trà lipton nóng, tự pha chế. tự vắt trái quất, chanh, cam vào tách trà, có sẵn táo tàu, xí muội, cam thảo… các thứ! Rất ngon. Chỉ thấy có ở Phan Thiết.,
Vậy đó, vài chuyến về Phan Thiết gần đây của mình. Phải kể cho bạn nhớ quay quắt chơi!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
20 năm “Gió Heo May Đã Về”
Thư gởi bạn xa xôi,
Phạm Văn Nhàn ‘meo’ bảo Thư Quán Bản Thảo kỳ tới làm số đặc biệt về Lữ Quỳnh, viết gì cho bạn đi. Viết gì? Thơ Lữ Quỳnh mình đã viết không chỉ một lần: Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!… nhớ không? LQ cũng đã đưa vào tuyển tập.
Hôm nay nói chuyện khác nhé. Mình vốn đánh giá cao cái cách trình bày sách của LQ. Phải nói là bạn có cái ‘gu’ rất hạp với mính, vì thế mà cuốn Gió Heo May Đã Về cũng như tập thơ Vòng Quanh mình đều nhờ LQ trình bày sách. Càphê góc đường nào đó một buổi, trao đổi với nhau vài ba ý gì đó, tức khắc LQ  ‘dựng’ lên cuốn sách OK ngay! Trình bày sách không dễ đâu. Phải có nghệ thuật và phải có… tâm hồn, thấu cảm với tác giả.
Năm 1995, mình được 55 tuổi, vừa nghe chút ‘gió heo may…’ về, và cắm cúi viết. Một tùy bút không giống ai. Tiêu đề toàn là những ca từ của Trịnh Công Sơn, rồi đề từ trên mỗi chương cũng là ca từ TCS (về sau này có người nói nhờ đọc cuốn này mà thấu hiểu thêm về TCS đó bạn ạ!). Đưa Đỗ Trung Quân coi, Đỗ khoái chí viết ngay bài “Như sông vào biển” trên Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày đó. Trịnh Công Sơn viết thêm mấy dòng, nét chữ bay bướm, như một lời Bạt. Mình chọn một số minh họa của Đỗ Trung Quân đưa vào các chương sách rất có ý nghĩa. Dĩ nhiên, không phải là một tùy bút y học, tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học gì cả mà là một thứ “tả pí lù”, đầy hoang mang của lứa tuổi chớm già này. Tựa sách lúc đầu là Tùy bút viết cho tuổi chớm già. Nghe nặng nề quá. Mình và LQ bàn bạc rồi đổi tựa thành Gió heo may đã về... Sách bất ngờ bán chạy như tôm tươi. Tái bản liên tục. Báo Sàigòn Tiếp Thị thăm dò đưa lên mục Best seller. Chuyện in sách, bán sách gì gì mình giao hết cho LQ lo. Lâu lâu bạn nói sắp tái bản. Lâu lâu bạn nói có chút tác quyền còm đủ càfé. Vậy thôi. Là sướng rồi.
Nay 2017, vừa đúng 20 năm, ngày phát hành Gió heo may đã về, mình nghĩ đến lúc nên đưa vài hình ảnh cuốn sách 20 năm trước coi cho vui nhé. Dịp này không quên cám ơn Trịnh Công Sơn, Đỗ Trung Quân và đặc biệt cảm ơn Lữ Quỳnh, người bạn “mát tay”, có tài trình bày sách… quý hiếm!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

Bản viết tay của Trịnh Công Sơn




Minh họa của Đỗ Trung Quân
Theo https://www.dohongngoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...