Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc
Việt Nam. Bằng sự hài hòa cân đối và tinh tế trong những tiết tấu lãng mạn và
trong hình tượng văn học của ca từ, âm nhạc của Văn Cao đã đi vào và ở lại với
lòng người như niềm ân sủng ngọt ngào. Và, mỗi khi thưởng thức những giai điệu
thanh thoát, trữ tình đã sớm làm nên phong cách dịu dàng, giàu chất thơ của Văn
Cao trong âm nhạc, cảm giác của người nghe thêm một lần nữa gặp lại những mùa
thu lãng mạn, bay bổng,...
Bước vào âm nhạc Việt Nam với ca khúc Suối mơ lúc
16 tuổi, Văn Cao nhanh chóng đưa mùa thu gắn liền với những giấc mơ khác vọng
thuộc về tâm hồn và sự sáng tạo của con người: Suối mơ bên rừng thu vắng -
dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng - ngày chưa đi sao gió vương - bờ xanh ngắt
bóng đôi cây thùy dương… Điểm khởi đầu của Văn Cao trên con đường chinh phục,
xây đắp và phụng sự âm nhạc là một tâm trạng cô đơn trong đêm mùa thu chết nghe
mùa đang rớt rơi theo lá vàng để rồi từ đó ông dâng tặng cuộc đời những mùa thu
chan chứa khát vọng tình người. Chính khát khao mang giá trị thuộc về đẳng cấp
của con người đã đặt vào giác quan của Văn Cao khả năng khám phá thế giới nội
tâm và tài năng thể hiện cảm xúc của khách thể thẩm mỹ bằng những nét nhạc hướng
tới cái đẹp cao cả, thanh tao. Sự mẫn cảm chân thành với khát khao tinh thần tốt
đẹp của người xưa trong chuyện tình Trương Chi tài hoa, bất hạnh với Mỵ Nương
là yếu tố trữ tình để Văn Cao giúp người khác hát lên tình yêu của họ trong âm
hưởng mùa thu man mác vẻ đẹp hoài cổ: Một chiều xưa trăng nước chưa thành
thơ - trầm trầm không gian mới rung thành tơ - vương vất heo may oanh yến mong
chờ - ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ (Trương Chi).
Qua âm nhạc của Văn Cao, mùa thu vẫn luôn làm xao xuyến trái
tim người nghe bởi tiếng lòng tha thiết cùng những ca từ rất sâu lắng, giai điệu
mượt mà. Đồng thời, lắng nghe tiếng thu bằng âm nhạc của Văn Cao có thể cảm nhận
được trong những ca từ tiếng Việt thăng hoa. Như Buồn tàn thu đã trở
nên bất tử bởi ca từ và giai điệu tuyệt đẹp: Ai lướt đi ngoài sương gió -
không dừng chân đến em bẽ bàng… thôi tình em đấy như mùa thu rớt rơi theo lá
vàng.
Mùa thu là lời hẹn ước của Văn Cao với âm nhạc. Nhạc sĩ hẹn về
dòng suối bên rừng thu nắn buông tiếng đàn lưu luyến để quanh đấy nghe hồn cầm
lắng tiếng đời. Thực hiện lời hẹn ấy, Văn Cao có sự nhạy cảm trong trẻo với mùa
thu đạt tới mức đã từng nghe gió biết thu sang (Thu cô liêu), đã cảm
thấy lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang (Trương Chi) và đã bao lần
nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng (Buồn tàn thu). Cũng bằng sự nhạy cảm
tinh tế trước mùa thu mà Văn Cao đã sáng tạo những hình tượng đẹp như em ngồi
đan áo, người con gái từ song the hé đợi đàn. Từ mùa thu trên sông Thương vang
dìu dặt tiếng tơ rơi của Trương Chi, Văn Cao đưa người nghe đến với mùa thu
trên sông Lô bừng sáng chiến công oai hùng sóng ngàn Việt Bắc/ bãi dài ngô
lau núi rừng âm u/ thu ru bến nắng vàng lặng nhìn màu nước sông Lô trôi... (Sông
Lô).
Có thể nói, mùa thu góp phần quan trọng tạo phong cách riêng
của âm nhạc Văn Cao. Và với mùa thu, âm nhạc của Văn Cao là một dòng chảy riêng
trong nền âm nhạc Việt Nam luôn hướng về thiên nhiên và con người. Mỗi tác phẩm
như là một bức tranh phong cảnh đẹp tựa Mùa thu vàng của Levitan vang vọng tiếng
hát cao vút, ngân dài.
Trên con đường nghệ thuật của Văn Cao, mùa thu là nguồn cảm hứng
kỳ diệu nhất, là đối tượng thẩm mỹ tuyệt vời nhất để ông sáng tác những giai điệu
bất hủ. Vừa mộng vừa thực, mùa thu ẩn hiện trong từng tác phẩm âm nhạc của Văn
Cao còn mãi giữa đời người và năm tháng.
Văn Cao… Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét