Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Trương Vĩnh Ký trong sương giăng mây phủ

Trương Vĩnh Ký 
trong sương giăng mây phủ...
Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (TVK) thông thạo 15 thứ tiếng phương Tây, 11 thứ tiếng phương Đông, là người đầu tiên viết sách dạy vần, truyền bá Quốc ngữ và cũng là người Việt Nam duy nhất được phong tặng “Thập bát văn hào thế giới”. Ông để lại cho hậu thế 118 tác phẩm cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp (không kể những tác phẩm còn dở dang), trong đó có những công trình biên khảo, sưu tầm, dịch thuật đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học, nhất là với khoa ngôn ngữ và lịch sử. Thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông xem ra vẫn còn bị che mờ bởi lớp lớp thời gian…
Tác phẩm Núi cao mây phủ (NCMP) - một tiểu thuyết danh nhân Việt Nam của tác giả Trần Thị Nim được NXB Văn Nghệ ấn hành - đã góp phần “giải mã” những vấn đề này. Nhân chuyến tiếp xúc với tác giả Trần Thị Nim, chúng tôi được chị chia sẻ nhiều suy tư, trăn trở xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp nhà văn hóa TVK.
* Thưa chị, NCMP được hình thành từ bối cảnh, sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Chị đã truy cập tư liệu và tái dựng nhân vật như thế nào?
Nguồn tư liệu “sống” lớn nhất mà tôi có là từ phía quê hương Cái Mơn và gia đình bên ngoại. Ngày còn học trường làng, tôi thường đi qua ngôi nhà của cụ TVK nay đã thành di tích lịch sử tỉnh, trong lòng tự hào đan xen một chút kiêu hãnh. Lớn lên, trở thành bác sĩ nhưng tôi vẫn dấn thân cầm bút, dù rằng tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp, không phải luật sư biện hộ, càng không phải là nhà nghiên cứu… Tôi chỉ muốn đứng về phía công tâm để nhìn nhận một trí thức yêu nước lỗi lạc trước một khúc ngoặt lịch sử. NCMP là tiếng nói của lương tri, sự công bằng. Tôi cảm ơn các nhà sử học Nguyễn Sinh Duy, Nguyễn Văn Cấn, Bằng Giang, Hoàng Lại Giang, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Trung… Tuy có khác nhau về cách nhìn nhận, nhưng họ đã giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng tác phẩm, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp TVK một cách trung thực. Nhân vật của tôi là nhân vật đi ra từ ký ức và sử liệu nhưng chân thật;. Hơi thở, nhịp tim của cụ thì cứ vằng vặc như trăng rằm.
* Việc cụ TVK làm thông ngôn cho Pháp đã tạo nên những nhìn nhận, đánh giá thiếu khách quan, thậm chí quá gay gắt ở không ít người. Với tư cách một người cầm bút, chị nghĩ gì?
Nên rộng lượng, thông cảm cho một trí thức trẻ, một công dân Việt Nam trước vận nước nguy biến, bắt buộc phải dấn thân vào khúc ngoặt ngoài mong muốn. Những lời đối thoại (mà tôi thể hiện trong NCMP) giữa cụ TVK và cha xứ, ba mẹ, những chí sĩ yêu nước, với vua quan Việt Nam, những người đại diện cho quân Pháp ở nước ta và cả ở chính quốc… trước lúc cụ nghiêng vai gánh một gánh trọng trách với mong muốn làm cầu nối giữa triều đình Huế và thế lực ngoại bang cho thấy tính cương trực, lòng yêu nước của cụ trước vận mệnh đất nước bấy giờ. Ơ hoàn cảnh trớ trêu như vậy, cụ không cầm được súng thì cầm bút chống giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng một nền văn hóa dân tộc.
* Quá trình cộng tác “bất đắc dĩ” với người Pháp, cụ TVK đã mang lại những gì cho đất nước?
Công lao của cụ TVK được tái hiện, mô tả khá đầy đủ ở NCMP. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một số việc: 
1- Hòa ước 1884 Pháp bắt triều đình Huế cắt nhượng các tỉnh miền Bắc. TVK đã đấu tranh gay gắt với Toàn quyền Paul Bert, đòi chính phủ Pháp phải thay đổi bằng hiệp ước Patenôtre (ký năm 1886), qua đó Pháp đã trả 3 tỉnh miền Trung thuộc chủ quyền triều đình. Sự kiện này khiến phe cánh không đồng chính kiến bí mật giám sát TVK. Khi Paul Bert mất cụ bị nhóm thực dân không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi phải lui về quê nhà dạy học, viết sách trong cảnh túng thiếu cùng cực và trong tâm trạng bi quan, tuyệt vọng. 
2- Trong cuộc gặp giữa thuyền trưởng Simon và cụ Phan Thanh Giản, thực dân Pháp đòi triều đình Huế phải nộp 4 triệu chiếu phí. TVK bàn thảo với vua Tự Đức và các cận thần chỉ trả 200.000 quan bằng cách lót tay cho hắn ít quà. Ba ngày sau, tuy Simon không thỏa mãn với số tiền 200.000 quan, nhưng vì đã nhận của đút lót nên phải ký kết….
* Chị có thể giới thiệu một tư liệu nào đó liên quan đến cụ TVK mà rất ít người biết?
Tôi thường mông lung nghĩ tới cuộc đời sự nghiệp văn học TVK đồ sộ dường ấy mà khi cụ chết còn cho khắc lên bia bài thơ, tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp của kẻ sĩ. Xin chép tặng bạn đọc Báo Quảng Nam:
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con mọt sách
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối côn trùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
Vì thế, tôi luôn biết ơn ông, luôn chia sẻ cùng ông - nhà văn hóa kiệt xuất thế kỷ XIX của Việt Nam vẫn còn vướng sương giăng, mây phủ.
Bác sĩ, nhà văn Trần Thị Nim quê Cái Mơn, Bến Tre. Tốt nghiệp Đại học Y khoa TP. HCM năm 1980, nguyên giảng viên trường Đại học Cần Thơ. Làm dâu Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) nhưng sinh sống tại làng hoa Gò Vấp. Chuyên tâm viết văn và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đến nay Trần Thị Nim đã hoàn thành 6 tác phẩm: Sùng đất mọt cây, Dấu chân để lại, Truyện nàng Thu Thủy, Dấu ấn cuộc đời, Không tưởng, Núi cao mây phủ.  
NGUYỄN TAM PHÙ SA
 Theo http://baoquangnam.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...