Người hát rong với "Dòng sông di sản"
1. Lê Anh Dũng là nhà báo, nhà thơ, dân dã, bình dị như
một đứa con trai của mẹ Thu Bồn. Sinh ra ở làng Đa Hòa, Điện Hồng, lớn lên ra
Đà Nẵng làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nhưng ký ức tuổi thơ ở làng quê, ở Hội An,
ký ức cội nguồn ăn sâu vào trong tiềm thức anh, trong những giấc mơ tái hiện chập
chờn.
Bao nhiêu năm xa quê, rồi quay về nguồn cội khi lá đương còn
xanh, anh đã trở về bằng tâm hồn thi ca, bằng kẻ hát rong trên quê hương mình
qua trường ca “Dòng sông di sản” (NXB Quân đội nhân dân - 2009). Trường ca dài
128 trang, chứa đựng sự lịch lãm, hiểu biết xác thực, lạ, đặc biệt về xứ sở một
dòng sông, một dòng sử ca.
Tác giả tự nhận mình là kẻ hát rong: đi kể chuyện bằng nhịp
điệu ca hát dân dã, cho đại chúng, cho mọi tầng lớp người. Vừa hát vừa kể chuyện,
vừa nói, vừa sáng tác dựa vào ký ức, không gò bó. Khúc ca có hơi hướng sử thi.
Chủ đề là câu chuyện của một dòng sông, dòng Thu Bồn của huyền thoại và giai
thoại dòng sông mẹ xứ Quảng, nguồn vật chất tâm linh địa phương. “Loài người sẽ
ra sao khi khắp mặt đất không còn thần thoại?” - một tra vấn thống thiết mà tạp
chí lớn của L'Esprit, Pháp từng đặt ra cho thời kỳ “Toàn cầu hóa”.
2. Nhìn tổng quan, Lê Anh Dũng có nội lực dài hơi, thiên
hướng sáng tác trường ca: Thưa mẹ, phía trăng lên (năm 2002); Giữa xanh thẳm đại
ngàn (năm 2004); Dòng sông di sản (năm 2009). Riêng “Dòng sông di sản” với tình
tự sâu đậm và xúc cảm bền bỉ. Tác giả nhìn cảnh núi sông, thác đổ, trăng treo,
ruộng rẫy, nương dâu bằng đôi mắt của chứng nhân trực tiếp, sống thực những
hưng phế lịch sử, chuyện tích dân gian… bằng chính trái tim cất giữ, bảo vệ thần
thoại.
Muốn thấu đáo tứ thơ phải thức tỉnh trong lòng ta nỗi lòng
tác giả và lòng người. Trường ca này là một tích lũy phô bày tư liệu phong phú
của ngành du lịch, có năng lực làm giàu kinh nghiệm nội tâm hơn là kiến thức lạnh
lùng trích ra từ sách báo.
Hai chương đầu là thần thoại thức giấc, nguồn cội hiển linh.
Giống như hai tiếng “đồng bào” từng là sáng tác từ thần thoại giúp những dân tộc
khác nhau trên dải đất Việt Nam có niềm tin chắc rằng tất cả đều được hoài thai
cùng chung một bọc trứng của mẹ Âu Cơ, mẹ chung dân tộc Việt. Thần thoại trở
thành đức tin, tưởng tượng trở thành cái “phải có thực”, trở nên tình đồng bào,
niềm tự hào và quan hệ đoàn kết. Một ánh sao băng rực sáng, một khối lửa đỏ
chói trên Dinh Bà: đó là mẹ Thu Bồn hiện về. Mẹ là người Chăm hay người Kinh?. Qua biến thiên cổ tích và niềm tin dân gian, mẹ là mẹ xứ Quảng, biểu trưng cho
xứ sở, khí thiêng sông núi:
Tôi quỳ lạy đất trời
Bóng sông bóng núi chứng lời trăng treo
Bóng sông bóng núi chứng lời trăng treo
“… Trước bạo cường/ phách ngang tàng/ trước quyền lực/ không
màng lợi danh. Phận nghèo khó/ lo học hành/ phận nhỏ mọn/ biết giữ dành danh
thơm. Ghét phường giá áo túi cơm/ ghét phường nịnh bợ cúi lòn đẩy đưa/ nắng nói
nắng/ mưa nói mưa/ không lèo lái/ không nói vừa lòng nhau. Nghĩa tình/ có trước
có sau/ lấy ơn trả oán/ niềm đau xóa dần. Trọng nghĩa nhân/ quý hiền nhân/
khinh tài lộc/ giữ kiệm cần chí tâm. Người xứ Quảng ghét kẻ thâm/ thích sòng phẳng
/ thích cởi trần đúng sai/ ai giàu sang/ thì mặc ai/ riêng mình/ lánh cõi
tiền tài/ nhẹ thênh…”(Chương tám: Người Quảng Nam)
Dòng sông là hóa thân xứ sở, sự hiển linh của “vũ trụ” đất trời
bao la. Tác giả đưa chúng ta đi trên con thuyền lịch sử, dạo chơi từ thượng nguồn
thâm u, ánh trăng mơ màng, vách núi chênh vênh, non cao chất ngất nhìn ngắm đỉnh
Ngọc Linh, núi Chúa, Hòn Kẽm Đá Dừng, Dùi, Chiêng, Tí, Sé: nỗi cám dỗ mạo hiểm
đối với du khách và dân gian.
3. Tác giả không vượt ra ngoài sơ đồ chung của du lịch,
không thiếu sót trong tầm nhìn chung về những đặc điểm quan trọng. Chúng tôi nhấn
mạnh đặc biệt vào “thi tứ”, nguồn phát tiết, tạo thành kết tụ riêng biệt cho
cái chung, phơi mở cái ẩn tàng, mập mờ, chập chờn trong truyền thống. Đó là cái
lớp lắng đọng mà tác giả gọi là “trầm tích” của truyền thống, văn minh, văn
hóa, tình yêu đồng bào, yêu quê hương, tinh thần chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Tình tự truyền thống là suối nguồn phát khởi tứ thơ chảy suốt bản trường ca:
Thu Bồn ơi
một đời không hết nợ
và hóa thân vào quá khứ xa xưa:
Tiếng mọt nghiến thời gian trắng bột
hay hồn mình lấm tấm hương xưa…
một đời không hết nợ
và hóa thân vào quá khứ xa xưa:
Tiếng mọt nghiến thời gian trắng bột
hay hồn mình lấm tấm hương xưa…
Hương xưa kết thành trầm hương “trầm tích” từ núi thiêng,
ngưng tụ trong lòng thằng Ảnh thương bà, yêu cô du kích mười bảy tuổi xanh, mà
bây giờ là đại tá Lê Anh Dũng. Chất ngây ngất yêu thương ngưng tụ thành năng lượng,
thành “tứ” trước khi hiện hình thành ngôn ngữ biến ảo của nghệ thuật thi ca. Nó
là hạt mầm, nước tưới để chuẩn bị cho màu sắc, vũ điệu của ngôn ngữ. Lê Anh
Dũng bảo làm trường ca để hát rong cho nhân dân, cho đồng đội, bạn bè, người
thương:
Mẹ Thu Bồn/ chiếc nôi ru đưa/ chảy qua đời em/ em thành tằm
tơ lụa là gấm vóc/ thành cái đẹp sững sờ đến khóc/ như cơn mơ/ em chợt đến bên
ngồi. Chảy qua đời tôi/ tôi thành thi sĩ lang thang/ thành kẻ hát rong quê xứ/
khản cổ/ hề chi/ bờ bãi xanh rờn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét