Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh

Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh
Bài của chị Thụy Khuê sưu cảo về thân thế và tác phẩm của Cao Xuân Huy. Bài này chị Thụy Khuê vừa viết xong cách đây mấy ngày, bài này chị dành cho VCV.
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
Ở Bắc: Người cha làm báo Sáng Tạo
Người cha ở Bắc tham gia Nhân văn Giai phẩm. Thực ra, ông không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, mà ở nhóm Điện ảnh kịch trường, hồi ấy có hai nhóm: Thụy An-Phan Tại và Trần Thịnh-Trần Công. Cao Nhị, cha Huy, trong nhóm thứ nhì.
Bùi Vĩnh Phúc, Cao Xuân Huy, Nguyễn Trọng Khôi, 
Trịnh Ý Thư, Thùy Hạnh, www.khoiart.com/Friends.htm
Họ chủ trương thành lập một hội điện ảnh độc lập. Đả phá phim tuyên truyền của Liên Xô. Đổi mới kịch nghệ và điện ảnh theo đường lối Tân hiện thực Ý, Nhật và đề cao phim Anh, Mỹ. Thụy An, Trần Công, Cao Nhị, Nắng Mai Hồng, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam... viết những bài giới thiệu, phê bình điện ảnh, hoặc tổ chức chiếu lại những phim hay, những kiệt tác tân hiện thực như Miếng cơm cay đắng (Riz amer), Chiếc xe đạp (La bicyclette) của Ý, Rashomon, Những đứa trẻ Hiroshima, Anh gắng nuôi con của Nhật, Hamlet của Anh, v.v...
Sáng Tạo do Trần Thịnh chủ nhiệm, Cao Nhị thư ký tòa soạn. 5/11/1956, Sáng Tạo ra đời, hai hôm trước ngày khai mạc Liên hoan phim Liên Xô.
"Tội trạng" của Sáng Tạo được nêu rõ như sau:
"Nửa tháng "Liên hoan phim Liên Xô" khai mạc vào ngày 7-11-56, thì đúng ngày 5-11-56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản, trong đó có đăng bài "Chúng ta gắng nuôi con", hoạt cảnh của Chu Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5-11-56, báo Sáng Tạo ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô.
Ngày 20/11/56, báo Nhân Văn số 5 lại đăng bài "Mấy bộ phim dở" của Cao Nhị. Cùng ngày ấy báo Sáng Tạo ra số 2, càng đả kích sống sượng hơn nữa vào các phim Liên Xô đang chiếu. (...)
 Những bài như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy giờ ở các số Nhân văn, Giai phẩm thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó" [2]
Cao Nhị, trong bài tự kiểm thảo, cũng "nhận tội":
"Tôi nhận làm thư ký toà soạn báo Sáng Tạo, tờ báo chuyên đả kích phim ảnh Liên Xô và đả kích lãnh đạo trên mặt sân khấu và điện ảnh. Sáng Tạo chỉ ra được hai số rồi chết. Thế nhưng hai số đó cũng gây ra một số tác hại đáng kể với những bài của Trần Công, Nắng Mai Hồng, Phan Vũ, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam, v v ... " [3]
Trong bài kiểm thảo này, Cao Nhị xác nhận trách nhiệm lựa chọn bài vở, viết những bài trên Sáng Tạo và trên các báo Cứu Quốc, Hà Nội Hàng Ngày, Độc Lập... phê phán điện ảnh Liên Xô và tổ chức điện ảnh doanh nghiệp của miền Bắc.
Qua bài "Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở" của ông đăng trên Nhân Văn số 5, chúng ta có thể thấy cách ông phê bình một số phim Liên Xô, đang chiếu trong Liên hoan như thế nào. Riêng về nội dung phim Ngai vàng sụp đổ, ông viết:
"Anh đi dẹp giặc, chị ở nhà đợi anh, trong cơn binh lửa, chị mắc tai ương; nhưng đến khi giặc tan, anh chị lại gặp nhau, gia đình đoàn tụ, vui vẻ cả. Nhưng ác một điều, câu chuyện tình đó đã lồng vào nhiều câu chuyện khác: âm mưu thắng đế quốc, dũng khí của nhân dân, tài đánh nhau của bộ đội, lại cả bộ mặt nham hiểm gớm ghiếc thằng địa chủ đi ăn cướp ái tình. Người xem rất kêu về cái đoạn kết dựng lên cái ngai vua rồi đạp nó gục xuống, tượng trưng cho ngai vàng sụp đổ. Nhưng tôi không nói tới diễn xuất hay những màn bố trí giả tạo. Điều quan trọng hơn, là công chúng xem phim rất không hài lòng về cái lối xây dựng phim, xây dựng con người rất vá víu, chắp nối ấy, nó không tài nào đi sâu và thể hiện được đúng hình dáng con người thật. Kinh nghiệm trong các tác phẩm văn nghệ Việt Nam mấy năm nay, kịch hay chuyện nói đến một trăm thứ và đều đá thêm một tí tình cho nó có “yêu đương”. Đó là lối xây dựng công thức không thế làm thoả mãn người xem."
Và đến phim Hai sĩ quan, Cao Nhị cho rằng: "Tịnh không bắt gặp con người thực, một anh đại úy có thực (...) Mặc dầu báo điện ảnh Liên Xô khen: “Hai sĩ quan nói lên một cuộc tình son sắt và dũng cảm…”, tôi chỉ thấy tình yêu đó là giả tạo, vì lẽ giản dị cặp tình nhân đó phải lao vào nhiều tình huống ly kỳ, lằng nhằng, nghĩa là cũng giả tạo nốt. (...)
... mấy bộ phim Liên Xô khác được hoan nghênh trong năm nay như Nữ tài tử dạy hổ hoặc Người yêu phương xa thì thực chất nó như thế nào? Con người trong phim rất nhạt, tình yêu lại càng nhạt hơn. Và cái lối xây dựng chủ đề tình yêu nhẹ nhàng, công thức gán ghép gợi cười cho người xem bằng những trò hiểu lầm ngộ nghĩnh không thể đáp ứng được với những đòi hỏi của người xem có suy nghĩ (...)
Tôi đơn cử ra hai bộ phim Ngai vàng sụp đổ và Hai sĩ quan, không phải để phân tích sâu xa vì nó dở quá, không biểu hiện được gì, ý tôi muốn để chúng ta cùng rút kinh nghiệm trong việc làm kịch bản phim hiện nay". [4]
Với những dòng "phạm thượng" như thế, người cha, sau Nhân Văn, bị cấm sáng tác, nhưng vẫn làm thơ chui, cho mình. Bà chị là người duy nhất thuộc hết thơ em. Khi Huy về thăm cha tại Hà Nội, năm 2002, định in một tập thơ cho bố, nhưng bà bác đã mất vài năm trước rồi.
Trong Nam: Người con đi lính và đi tù.
Nhắc lại lời người cha phê bình những tác phẩm điện ảnh của Liên Xô năm 1956 ở miền Bắc, để thấy cái gan Cao Nhị trong bối cảnh toàn trị thời ấy và cũng để hiểu cái gan của người con trong một bối cảnh khác, xung vào Thủy quân lục chiến, một binh chủng dữ dội của miền Nam: hai bối cảnh, cùng một dòng máu, cùng một lá gan.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1978, người cha Sáng tạo-Nhân văntìm đến thăm con ở trại cải tạo Thanh Hoá, nhưng không được vào, lại lặn lội trở về, cái ba lô thăm nuôi con cũng không nhận được.
Năm 1979, hai cha con gặp nhau lần đầu tại trại Bình Điền, Huế. Bố nói: "Mày ăn thịt gà đi, thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy". Người con cảm động tưởng mình có họ với chú Phùng Quán, tác giả những câu thơ mà anh đã thuộc lòng từ nhỏ: "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét; Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu". Bố hỏi: "Mày ghét Cộng sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?". Con nói: "Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó". "Thế mày bắn cả bố mày à?"... [5]
Đó là câu chuyện giữa hai cha con năm 1979 mà Cao Xuân Huy thuật lại cho Trần Văn Thủy một đêm họp bạn ở Cali. Sau câu hỏi là những chấm chấm. Hình như con không trả lời. Hình như "bố con nói với nhau vài câu chẳng ra làm sao cả".
Không có trả lời nào cho một câu hỏi như thế. Không có câu hỏi nào, cho một đất nước như thế. Người bố gọi cái thứ lính mà con đi ấy là lính ác ôn. Lính thủy quân lục chiến ngoài Bắc gọi là lính thủy đánh bộ.
Nhưng người cha đã biết gì về thứ lính ác ôn này? Bao nhiêu người ở Bắc đã biết gì về thứ lính thủy đánh bộ này, ngoài hai chữ ác ôn? Bao nhiêu người trong Nam biết gì về thủy quân lục chiến, trừ hình ảnh: dữ dằn, cảm tử.
Xa nước từ 1962, tôi cũng không biết gì về thủy quân lục chiến. Là người chống chiến tranh, tôi nghĩ ai vào thủy quân lục chiến là người thích đánh nhau, hiếu chiến.
Bởi lúc đó chưa có Tháng ba gẫy súng, chưa ai biết Cao Xuân Huy.
Tháng ba gẫy súng
Tháng ba gẫy súng [6] đưa người đọc vào những cạm bẫy không ngờ: Tước đoạt ở họ những thành kiến cố hữu. Làm cho họ mất hẳn "nhân tính", thứ nhân tính từ chương, viết hoa, đạo đức giả của xót thương vô tận, của niềm nhớ khôn nguôi, của ngụy tạo tình cảm, ngụy tạo ngôn ngữ, ngụy tạo "dân tộc, tổ quốc".
Tháng ba gẫy súng đặt họ vào môi trường khốc liệt của những con người không có lựa chọn nào ngoài đường chết, của đám tàn quân thua trận, hết đạn, cấp trên phản bội bỏ họ giữa đường, của đám quân dân hỗn loạn, bạn đồng hành đào ngũ, của những kẻ để tìm đường sống phải giết người, phải dẫm đè lên nhau mà chết, ở một cửa bể, một ngày tháng ba 1975.
Tháng ba gẫy súng, với thứ ngôn ngữ trần trụi của người lính "chưa từng viết văn bao giờ", đã lột trần một thứ nhân tính khác của con người: tham sống, sợ chết, hèn nhát, phản bội, dã man, tàn bạo. Mọi bộ mặt đều bị lột trần trước cửa tử, cái xấu cái tốt không thể giấu được qua lớp son phấn bề ngoài của đạo đức xã hội. Con người lộ hẳn thân thể trần truồng với lục phủ ngũ tạng, như bị giải phẫu bất ngờ, không kịp phòng bị. Ở cái tư thế ấy, ngôn ngữ cũng trần truồng, không che đậy.
Tháng ba gẫy súng là thứ ngôn ngữ tồng ngồng ấy, mà người "có học", mà cấp thượng lưu trí thức, mà những nhà làm văn chương thường gọi một cách khinh bỉ là "ngôn ngữ lính tráng". Vì thứ ngôn ngữ ấy mà nhiều người không muốn, không dám hay chỉ miễn cưỡng gọi Huy là nhà văn, không coi Tháng ba gẫy súng là tác phẩm văn học, mà chỉ là một cuốn hồi ký chân thật, bởi một tác phẩm văn học thì phải có văn chương, chứ đâu lại câu cú thô tục thế này.
Ở Tháng ba gẫy súng, chửi thề là vai chính. Những câu chủ chốt đều có chửi thề.
Bởi mỗi chửi thề là một thái độ, phản ánh một tình cảm, một nguyện vọng: yêu thương, hắt hủi, oán giận, ăn năn, hối hận, mắng mỏ, sai bảo, dã man, tàn bạo...
"Đụ mẹ, ông về đại đội liền bây giờ!" là mệnh lệnh của người tiểu đoàn trưởng, mắng mỏ, nhưng khoan hồng, không phạt vì tội ba gai trình diện trễ.
"Đù má, lâu dzậy mảy?". Là sự chờ đợi và vui mừng phía người chửi. Là sự hoàn hồn phía người nghe, kẻ một mình đang đêm tìm về đơn vị, mò mẫm trong rừng đầy địch và mìn... Tiếng chửi chấm dứt nỗi sợ, triệt tiêu viễn ảnh của cái chết. Tiếng chửi là tiếng sống.
"Đụ mẹ, đi đâu về trễ vậy cha nội" tiếng chửi là tiếng mắng yêu của đồng đội.
"Đụ mẹ, không tin thằng nào hết, giấy tờ giả thiếu chó gì. Ông cho tôi biết nó người Bắc hay người Nam", tiếng chửi là tiếng nghi ngờ của chỉ huy, là lệnh khám xét kẻ lạ, một mệnh lệnh phân biệt ta địch: tiếng Bắc là địch, tiếng Nam là ta. Một mệnh lệnh lô-gích nhưng éo le: Huy người Bắc 100%, nếu căn cứ vào giọng Bắc-Nam để phân biệt ta-địch, chuyến này chắc chết!
"Đụ mẹ, mình bị bỏ rơi rồi". Tiếng chửi thề thất vọng gần như vô vọng, tuyệt vọng.
"Đụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhẩy xuống biển tao bắn", tiếng chửi thề dã man phi lý của thần chết: kẻ có súng uy hiếp kẻ không súng, một thuỷ quân lục chiến uy hiếp một bộ binh.
Cao Xuân Huy sử dụng tiếng chửi như một ngôn ngữ, ngôn ngữ của sự thật, ngôn ngữ lính tráng, ngôn ngữ thủy quân lục chiến. Tiếng chửi nhấn lời nói mạnh hơn, làm tình cảm sâu đậm hơn: cho yêu thương thương yêu hơn, cho bạo tàn tàn bạo hơn. Tiếng chửi tiềm ẩn nỗi khốc liệt trong tâm cảm nhà văn. Tiếng chửi là tính thủy quân lục chiến trong con người. Tiếng chửi giấu nỗi hoang mang, che sự sợ hãi, ẩn nỗi kinh hoàng của những người phải thường trực xung phong đối đầu với cái chết.
Cao Xuân Huy chỉ dùng tiếng chửi thề, nói tục, cho đồng bạn, đôi khi dùng cả cho người lính địch (trong Vài mẩu chuyện), như để chào đón và trân trọng kẻ cùng thuyền. Không thấy Huy đặt vào miệng những kẻ chỉ huy phản bội một tiếng chửi thề nào.
Tiếng chửi trong Tháng ba gẫy súng là tiếng thoát ra từ con tim, là tiếng cao quý của tình bạn, tình đồng đội, tình người mà những kẻ hèn nhát không được quyền sử dụng. Huy không cho phép họ dùng thứ tiếng cao quý ấy.
Việc chuyển hóa những âm thanh thô tục thành cao quý, không phải ai cũng làm được. Huy làm được bởi anh không nhận mình là nhà văn nên không bị cái bổn phận làm văn chương của bọn nhà văn chi phối. Nhưng việc nói tục không dễ, làm sư hổ mang như Lục Tổ lại càng khó hơn, bởi ăn tục nói tục là con dao hai lưỡi, nếu nội lực không thâm hậu, tất cả sẽ chỉ trần trụi là sự tục tĩu.
Ngôn ngữ trong Tháng ba gẫy súng là ngôn ngữ ngắn, gọn của những người luôn luôn đối diện với cái chết. Sống và biết mình có thể chết bất cứ lúc nào. Thời giờ của họ bị giới hạn. Đích của họ là sống đến ngày mai, sống từ sáng đến tối, từ trưa đến tối, từ giờ này đến giờ khác, từ phút này đến phút khác. Vì vậy họ không thể "mất thì giờ" cho việc nói. Họ phải kiệm lời. Không dài dòng văn tự. Họ là những người lính thủy quân lục chiến, họ là những người luôn luôn sẵn sàng bước vào cửa tử, đùa giỡn với cái chết:
"Em đào sẵn cái hố cho hai thầy trò mình nằm thoải mái. Nếu lỡ có chết chỉ việc lấp cát là êm - Đụ mẹ, trù ẻo mày"
Mắng yêu cái chết: "Đụ má, chết sớm dzậy mày?"
Rủ nhau chết:
"Hồi nãy tụi nó tự tử nhiều quá, hay là mình tự tử luôn đi ông thầy"
Những câu chuyện tiếu lâm như thế trải dài trên con đường triệt thoái về chỗ chết của họ.
Tính chất khôi hài trong tác phẩm như những giọt rượu mạnh, rót vào cổ họng người lính xung phong, cho họ quên sợ, cho máu họ chai đi, họ được bọc thép trước cái chết.
Tinh thần thủy quân lục chiến là tinh thần kỷ luật tuyệt đối, phải đạt mục tiêu cuối cùng bất kể giá nào, dù phải nhận những mệnh lệnh ngu xuẩn nhất, dù cấp trên đã hèn nhát bỏ đi, dù súng đạn đã hết, dù bạn bè đã chết, dù cái chết đang chờ trước mặt.
Họ là người lính của nước cờ đầu và của nước cờ cuối, họ phải đổ bộ ở những nơi nguy hiểm nhất. Họ được giao cho những trách nhiệm chết người: phải mở đường máu. Phải đi đoạn hậu. Phải giữ trật tự khi lính làm loạn...
Nhưng cũng những người lính đó, khi đã mất chỉ huy, họ có thể phạm những tội dã man nhất, tàn bạo nhất.
Cửa biển Thuận An, sáng 26/3/1975:
"Chiếc tàu bắt đầu kéo bửng, những người bám vào bửng tàu được nâng lên cao khỏi mặt nước, một số người may mắn rơi ngay vào trong lòng tàu, số còn lại lần lượt rơi xuống biển
Bửng tàu đã được kéo lên hoàn toàn nhưng không khép kín nổi vì giữa bửng và thành tàu đã kẹp cứng một thân người. Người bị kẹp nửa thân trên nằm trong lòng tàu, nửa thân dưới thò ra ngoài, hai chân giãy giụa, đạp đạp trong không khí được chừng nửa phút rồi ngay đơ. Hai cái chân của người xấu số trở thành có ích cho nhiều người còn ở dưới nước, họ bám vào đó để tiếp tục leo lên tàu. Lúc đầu hai cái chân còn đủ hai ống quần, dần dần chẳng còn gì cả và cuối cùng, cả hai chân đều bị gãy. Nhưng gãy thì gãy, người ta vẫn bám vào đó để leo lên tàu. Ít ra cũng có đến cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Và chắc chắn sẽ còn được thêm nhiều người nữa nếu...
Chiếc tàu phụt khói từ từ quay mũi ra biển.
Chân vịt đạp nước đẩy không biết bao nhiêu người ra xa tàu, và không biết là đã chém đứt bao nhiêu người.
Thân tàu quay ngang đập vỡ không biết bao nhiêu đầu người, và không biết đã nhận chìm bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.
Biết bao nhiêu người đã chết vì chiếc tàu quay mũi.
Nhưng...
Chiếc tàu đã không ngừng quay khi cái mũi đã hướng ra biển. Mà, chiếc tàu vẫn tiếp tục quay, mũi tàu lại từ từ hướng vào bờ.
Chân vịt lại chém thêm không biết là bao nhiêu người.
Thân tàu lại đập vỡ thêm không biết là bao nhiêu cái đầu, và lại nhận chìm thêm không biết là bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.
Tại sao chiếc tàu bỗng dưng quay đúng một vòng tròn để làm chết biết bao nhiêu là người như vậy?
Ðã có những xác chết trôi nổi dập dềnh xen lẫn với những xác sống đang cố bơi ra tàu hoặc đang cố giữ cho mình không trở thành xác chết.
Chiếc tàu lại nằm im như đang mời gọi.
Chúng tôi ở cách xa vùng mặt trận có đến nửa cây số, tiếng súng chỉ nghe văng vẳng, nhưng chết chóc lại nhiều hơn có đến cả trăm lần.
Ủa, tại sao lại có người từ trên tàu nhảy xuống biển, không lẽ mắt tôi đã hoa lên vì rượu. Không phải một người, hai người mà là rất nhiều. Rõ ràng là mắt tôi trông thấy người ta leo qua lan can tàu, có người còn ngần ngừ, có người không ngần ngừ nhảy xuống biển. Lại có người lao mình qua lan can tàu để nhảy xuống biển.
Không tin nổi ở mắt mình mặc dầu tôi đã dụi mắt thật nhiều lần. Tôi hỏi Sĩ:
"Mày có thấy người ta nhảy từ trên tàu xuống biển không?"
Sĩ cũng ngạc nhiên không kém tôi.
"Ðụ mẹ, kỳ quá mày!"
Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, nhưng chúng tôi không có thời giờ để ngạc nhiên. Hai chiếc M-113 chở đầy người chạy từ hướng mặt trận đã cán bừa lên những người vừa từ biển lên còn đang nằm vật ra mà thở, và cán luôn cả những người không kịp chạy tránh đường.
Vừa thấy bóng thiếu úy Ngô Du - một trung đội trưởng của đại đội tôi - từ dưới biển trở lên, đang lảo đảo như muốn ngã gần mé nước, tôi và Sĩ chạy vọt tới đỡ và kéo Du chạy thật nhanh vừa kịp chiếc M-113 chạy lướt qua sát người chúng tôi.
Hai chiếc M-113 lội xuống nước để ra chiếc tàu.
Những cái bánh xích đua nhau cán lên đầu của không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu.
Ra đến nơi, chuyển hết người lên tàu xong, hai chiếc xe lội nước quay đầu lội vào bờ. Lại không biết bao nhiêu là đầu người bị nghiền nát bởi những cái bánh xích.
Vào đến bờ, hai chiếc M-113 ngừng lại. Từ vị trí tài xế, một cái đầu thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.
"Ai muốn lên tàu thì leo lên tôi chở ra."
Lúc đầu nhiều người ngần ngại, nghi ngờ, nhưng rồi lác đác cũng có người leo lên. Có đến cả 15 phút mà hai chiếc M-113 vẫn chưa đầy người.
Cái đầu lại thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.
"Leo lên gấp đi mấy cha, tôi ra chuyến này không trở vô nữa đâu."
Lại có thêm vài người leo lên.
Tôi phân vân trong sự chọn lựa. Nên hay không nên leo lên. Tôi hỏi Sĩ:
"Lên không mày?"
Sĩ lắc đầu:
"Tao không muốn chạy thoát bằng cái chết của những người đang lóp ngóp dưới kia."
Câu nói của Sĩ đã cho tôi một quyết định:
"Mẹ kiếp, có mày có tao hay không có mày không có tao thì những người đang lóp ngóp dưới kia cũng sẽ bị những cái xích sắt này cán. Ðừng có triết lý ba xu thằng con trai."
Sĩ cười bướng:
"Tao có nói khác gì mày đâu, nhưng tao không."
"Ðược rồi, phụ tao đưa thằng Du lên."
Sĩ và tôi đưa thiếu úy Du lên thiết vận xa. Trước khi leo lên, tôi nắm chặt vai Sĩ:
"Hy vọng sẽ gặp mày ở Ðà Nẵng."
Sĩ nhìn tôi cười:
"Ðụ mẹ, đồ cải lương, cút mẹ mày đi thằng con trai."
Hai chiếc M-113 lại lội nước ra tàu.
Lần này tôi mục kích tận mắt những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo chúng tôi suốt cả lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước phía sau chúng tôi. Không hiểu tôi có dã man không, không hiểu tôi có chai đá không, không hiểu tôi đã trở thành súc vật chưa, hay vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều cái chết từ sáng đến giờ, hay vì tôi đã yên tâm trên đường ra tàu an toàn mà tôi rất thản nhiên, lòng tôi rất bình thản khi nhìn những cái chết, quá nhiều cái chết ngay dưới chỗ mình ngồi, bị chết bằng ngay cái phương tiện mình đang sử dụng. Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan, vô thưởng vô phạt" (trang 114- 119).
Cảnh này, đã được trực tiếp đưa lên các kênh truyền hình thế giới những ngày cuối tháng ba: Một con tàu đầy người, những thân người cố gắng trèo lên và những thân người rơi xuống biển.
Một người viết hồi ký sẽ kể rõ hơn rằng: "Chiếc tàu dành riêng bốc thủy quân lục chiến, bị bộ binh và thường dân chen nhau trèo lên. Lính thuỷ quân lục chiến dùng võ lực bắt họ nhẩy xuống biển". Lời thuật có tính thông tin, không gây một cảm xúc gì.
Đọc Tháng ba gẫy súng, hiện cảnh bày ra hãi hùng với những chủ thể can phạm:
Trước hết là cái bửng tàu. Cái bửng tàu kẹp cứng một thân người, bản dạo đầu của tội ác.
Kế đến hai chân của người bị kẹp, hai chân người chết tức khắc trở thành một vật, khiến cho cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Người sống đã mất hết "nhận định", mất hết "nhân tính", chỉ còn nghĩ đến "nhân mạng" của mình.
Tiếp đến là cái chân vịt, và cái thân tàu. Rõ ràng là chiếc tàu có nhiệm vụ cứu người, nhưng cái chân vịt của nó đã cắt đứt bao nhiêu thân người và cái thân tàu đã cán bao nhiêu mạng và nhận chìm bao nhiêu mạng nữa xuống biển.
Rồi hai chiếc thiết giáp chở lính thủy quân lục chiến ra tàu, chúng có nhiệm vụ cứu người, nhưng những xích sắt của chúng nghiền nát bao nhiêu đầu người...
Sự kinh hoàng đến từ sự kiện: Những kẻ sát nhân ở đây không phải là người mà là vật: Bửng tàu, chân vịt, thân tàu, xe tăng. Tất cả đều bị đảo lộn. Vật trở thành người. Và người trở thành vật: Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan.
Nhưng vô cảm vẫn chưa phải là tội ác, mới chỉ là bản dạo đầu của tội ác.
Nội dung tội ác đến sau:
"Người trên tàu phần lớn là Thủy Quân Lục Chiến (...)
Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.
Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:
"Ðụ mẹ, có xuống không?"
"Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với."
"Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn."
"Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này."
"Ðụ mẹ, một."
"Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết.
Tôi lạy anh, tôi lạy anh."
"Ðụ mẹ, hai."
"Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà."
"Ðụ mẹ, ba."
Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.
Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển.
Tên lính vừa bắn người thản nhiên tiếp tục chĩa súng vào đầu một thiếu tá Bộ Binh đang sợ hãi nằm mọp người ở cạnh đó, mặt lạnh băng đầy sát khí:
"Ðụ mẹ, tới thằng này, mày có xuống không?"
Ông thiếu tá Bộ Binh này hơi lớn tuổi, mặt cắt không còn hột máu, run lên cầm cập, năn nỉ:
"Anh tha cho em, anh tha cho em."
"Ðụ mẹ, một."
"Thôi, thôi, thôi anh để em xuống."
Lết ra tới lan can tàu, ông ta quay lại năn nỉ lần chót:
"Anh tha cho em, anh thương em với."
"Ðụ mẹ, hai."
Biết là không thể năn nỉ, xin xỏ gì được, ông ta vừa khóc vừa nhảy xuống biển. (Trang 120-122).
"Chiếc tàu dành riêng đón thủy quân lục chiến, vì vậy lính thủy quân lục chiến dí súng vào đầu lính bộ binh bắt buộc họ phải rời tàu, nhảy xuống biển". Một người viết hồi ký sẽ ghi như vậy.
Và như vậy là đúng với sự thật, đúng luật, đúng những gì khán giả được xem trực tiếp trên truyền hình rồi, còn nói gì được nữa?
Nhưng với những "đụ mẹ, một; đụ mẹ, hai; đụ mẹ, ba" Cao Xuân Huy đã xoay trở tình thế, đã đổi trắng thành đen, đã đảo luật thành vô luật, đảo luật thành tội ác, bất nhân, đã tạo sự phi lý phi thường.
Mấy ai có khả năng đạt được "công tác" ấy với vài ba dòng chữ?
Cách xoay trở tình thế như thế đã khiến Tháng ba gẫy súng trở thánh tác phẩm chống chiến tranh mãnh liệt nhất mà văn học Việt nam có được trong nửa thể kỷ vừa qua. Chỉ với hoạt cảnh kinh hoàng ở cửa Thuận một sáng tháng ba, Huy đã khắc cái án tử hình lên mặt chiến tranh, trên đầu những người bị nghiền nát vì xích xe tăng, vì cái bửng, vì cái chân vịt của con tàu "cứu người" trên mặt biển.
Tại sao một người có nụ cười hiền như Huy, ăn nói nhẹ nhàng như Huy và ẩn trong một thân thể cường tráng, một bộ râu hùm, là cái e thẹn gần như rụt rè của một người con gái, như Huy, lại xung vào Thủy quân lục chiến?
Bởi vì người cha. Huy có dòng máu Nhân Văn trong người. Dòng máu chạy trong tĩnh mạch, có da che đậy, người ngoài không nhìn thấy. Chính cái dòng máu ấy, đã chi phối đời Huy, một đời chống chiến tranh, nhưng không trốn được đi lính. Một đời thanh niên xuống đường, chống chính trị, nhưng phải xông vào cuộc chiến, do bọn người chính trị hai miền gây ra.
Đã phải đi lính, thì chọn ngành nào đích thực là lính. Thế thôi. Chứ có thù hận gì. Chọn Thủy quân lục chiến vì là thứ lính đánh trận tới nơi tới chốn. Vì thế Huy không trả được lời cha: Thế mày bắn cả bố mày à? Mà có thì cũng sẽ là: Bắn chứ, trận địa mù mịt biết ai là ai?
Điều Huy biết chắc: đã đi lính thì phải chiến đấu như một người lính, đến lệnh cuối cùng. Huy không bỏ cuộc. Trận Cửa Việt 1972, đánh đến đúng giờ ngừng bắn, dù đồng đội đã chết gần hết. Mang nạng gỗ về Sài gòn. 1975, đang nghỉ phép, dù người cậu biết rõ tình thế, khuyên cháu nên đào ngũ, ở lại Sài Gòn. Huy vẫn ra Quảng Trị. Bởi không thể để "chúng nó" xoay sở một mình. Ăn nói làm sao với "chúng nó" khi gặp lại nhau.
Người ta tin Huy nói thật, vì người ta thấy Huy đã sống như thế nào: Ở hải ngoại, Huy làm báo Văn Học, làm với tinh thần ba gai thủy quân lục chiến. Nguyễn Mộng Giác có lần than phiền: "Cái thằng! Bài nào không ưng là nó bỏ sọt rác!". Hẳn là bài của những "chức sắc" trong làng văn mà ông chủ bút không thể từ chối. Huy tổng thư ký bèn quyết định dùm anh Giác. Bởi Huy chẳng sợ ai.
Thủy quân lục chiến với văn học thì có gì chung nhau đâu? Có. Chung nhau một sự dọc ngang nào biết trên đầu có ai, và một sự không bỏ cuộc, dù thế nào đi nữa.
Nhà văn đích thực không sợ ai, càng không sợ sự danh tiếng.
Nhà văn đích thực không bỏ cuộc giữa đường. Người bỏ cuộc là người amateur, người tài tử. Nhà văn đích thực viết tới lúc chết. Huy viết ít, nhưng viết tới lúc chết.
Huy làm tờ Văn Học tới lúc mọi người đã bỏ cuộc, độc giả bỏ báo, vẫn làm. Ung thư mắt, vẫn làm. Chỉ đến khi vừa bệnh, vừa thất nghiệp, Huy mới nghỉ. Nghỉ một năm thì chết: Huy làm báo Văn Học với tinh thần thủy quân lục chiến. Làm tới chết.
Người ta tin Huy nói thật, vì người thấy Huy chết như thế nào: Vẫn nụ cười hiền rất trẻ, không thể gọi Huy là ông, dù Huy đã hơn sáu mươi. Bệnh đã đại thắng, Huy phải lui dần, nhưng vẫn chống cự: Râu hùm chỉ còn lác đác. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao đã co lại, nhẹ hẫng. Từ Hải không ngồi dậy được nữa, không ăn được nữa, không uống được nữa, không ngủ được nữa, nhưng đôi mắt vẫn sáng lên khi nghe bạn kể chuyện văn học, vẫn cười khi nghe bạn pha trò. Minh âu yếm hỏi chồng: Anh uống tý sữa nhá. Huy gật. Minh phân bua: có bạn vui mới gật, thường thì chỉ lắc đầu. Nhìn Minh, biết là Huy có Phúc.
Huy không ký được nữa, nhưng vẫn dặn vợ tặng bạn cuốn sách cuối cùng, vừa in xong cách đây vài tháng. Với tính khiêm nhượng cố hữu, Huy đặt tên nó là Vài mẩu chuyện. Chuyện chứ không phải truyện. Đến chết vẫn không chịu nhận mình là nhà văn. Huy chết như một người thủy quân lục chiến.
Khiêm nhượng vì Huy gọi Tháng ba gẫy súng là hồi ký, và cứ nhất quyết chỉ là hồi ký.
Ai cũng có thể viết hồi ký. Sang, hèn, có tài, bất tài, đều có thể viết hồi ký. Nhưng không phải ai cũng viết được tiểu thuyết, chỉ nhà văn mới viết được tiểu thuyết. Không phải cuốn hồi ký nào cũng trở thành tiểu thuyết. Một cuốn hồi ký đạt được tầm cỡ nào đó, mới trở thành tiểu thuyết: tức là khi những cá nhân trong tác phẩm đã nhẩy ra khỏi vị trí riêng tư của mình để trở thành nhân vật mà nhiều người có thể nhìn soi mình trong đó. Cái tôi trong hồi ký là cái tôi riêng của một người tên A, sinh năm X, tại tỉnh Y, kể lại chuyện mình và chuyện  người khác trong những quan hệ cá nhân, có tính chất kê khai, tài liệu. Cái tôi trong hồi ký là cái tôi cá nhân, cái tôi xác định.
Cái tôi trong tiểu thuyết là cái tôi bất định của một nhân vật nào đó trong xã hội loài người. Cái tôi trong Tháng ba gẫy súng đã thoát khỏi cá nhân Cao Xuân Huy, trung uý, đại đội phó đại đội 4, tiểu đoàn 4 Kình ngư, thuộc lữ đoàn 1 thủy quân lục chiến, để trở thành một người lính thủy quân lục chiến, rồi một người lính, rồi một con người.
Tác phẩm Tháng ba gẫy súng sẽ tồn tại như lịch sử một người lính bại trận trong những ngày cuối cùng của một trận chiến, không biết ở đâu.
Câu chuyện của cá nhân Cao Xuân Huy trong hồi ký đã trở thành tiểu thuyết vì sự thật và hư cấu trùng hợp đến xương tủy, nó chấm dứt là câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người, nó trở thành phổ quát.
Ghi chú: 
[1] Nhờ bài Đi tìm dấu tích tờ báo Sáng Tạo (Hà Nội, 1956) của Lại Nguyên Ân (công bố trên Talawas ngày 3/2/2010) mà hoạt động của Sáng Tạo được sáng tỏ. Sáng Tạo ra được hai số: Số 1 (5/11/1956) và số 2 (20/11/1956) thì bị đình bản. Hiện nay chưa tìm lại được vết tích 2 số báo này.
[2] Trần Đức Hinh, "Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh", Điện Ảnh số 14, ngày 1/5/58 (tài liệu Lại Nguyên Ân).
[3] Cao Nhị, "Tôi đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc giới thiệu phê bình phim ảnh" Điện Ảnh số 15 ra ngày 15/5/1958, (tài liệu Lại Nguyên Ân).
[4] Cao Nhị, "Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở" Nhân Văn số 5, ra ngày 20/11/1956, tài liệu Talawas.)
[5] Cao Xuân Huy nói chuyện với Trần Văn Thủy, Nếu đi hết biển, Thời Văn 2004, trang 62.
[6] Viết năm 1984, in dần trên báo. 1985, xuất bản lần đầu. Tái bản nhiều lần. Bản điện tử lưu trữ trên tủ sách Talawas.
Vài mẩu chuyện
Hai mươi nhăm năm sau Tháng ba gẫy súng, Vài mẩu chuyện [1] ra đời. Tháng ba gẫy súng in chữ to, 177 trang, chữ nhỏ chắc chỉ được độ 120 trang. Vài mẩu chuyện, 80 trang chữ nhỏ. Là bởi Huy lười. Lười nhưng thấu suốt mọi lẽ: viết nhiều mà làm gì! Nhà văn lớn đến thế nào, rồi thì cũng chỉ được ký ức văn học giữ lại một vài cuốn là cùng.
Cao Xuân Huy đã lựa trước những dòng đáng đọc nhất của mình. Và cũng lại vẫn khiêm tốn đặt tên nó là Vài mẩu chuyện, để gián tiếp không nhận mình là nhà văn. Nhà văn viết truyện, còn Huy kể chuyện. Nhưng lần này, chuyện của Huy cũng lại bị trở thành truyện, tức là tác phẩm văn học. Mười truyện ngắn: Miếng ăn, Người muôn năm cũ, Quyền tối thiểu, Cái lưỡi câu, Ngu như lợn, Vải bao cát, Hành phương nam, Chờ tôi với, Mai thảo, Trả lại tiền.
Vài mẩu chuyện trả Huy lại với đời thường.
Đời cải tạo: miếng ăn, quyền tối thiểu, cái lưỡi câu, ngu như lợn,
Đời nhìn lại chiến tranh: người muôn năm cũ, hành phương nam, chờ tôi với.
Đời làm văn, làm báo: Mai thảo.
Đời sống: trả lại tiền.
Vài mẩu chuyện khép lại quỹ đạo chiến tranh để "nối vòng tay lớn".
Vài mẩu chuyện đằm hơn Tháng ba gẫy súng, những cơn đau nhẹ hơn nhưng tiến sâu hơn, như giữa hai đợt tấn công, cơ thể ung thư được hưởng vài giờ hưu chiến. Huy đã gặp Thạch Lam trong lối viết nhẹ nhàng mà đứt ruột. Mỗi truyện ngắn như một sợi tóc vướng trong hệ thần kinh của con người đã trải qua kinh nghiệm chiến trường hãi hùng như thế, không thể nào kéo nó ra được. Ở những người lính Mỹ không biết viết văn, đã có hội chứng Việt Nam.
Miếng ăn, quyền tối thiểu, cái lưỡi câu, ngu như lợn, mỗi truyện dàn dựng như một bi kịch mà tính bi đát đi đoạn hậu. Phải đọc đến câu cuối mới thấy kinh hoàng. Huy không dùng bất cứ một hình ảnh ghê rợn nào, đôi khi còn đùa cợt nữa, nhưng cái kinh hoàng khám phá ở đoạn cuối bao giờ cũng là bản chất của con người.
Ở những hồi ký viết về trại cải tạo, cái "ác ôn" thường được chĩa vào "quản giáo", cái ngu si đần độn thường được chĩa vào "cán ngố", tạo sự căm thù và đôi khi bật ra những nụ cười khả ố.
Ở Cao Xuân Huy, dù "cái đói, cái thèm, đeo đẳng hành hạ con người hết ngày này tháng nọ, năm nào, ngày nào, tháng nào,giờ nào, cái đói cũng bám chặt lấy dạ dày, cái thèm lúc nào cũng bám chặt lấy đầu óc", thì cái "ác ôn" vẫn không chiếu vào cán bộ, mà chiếu vào "anh em", vào những kẻ được tiếp tế mừa mứa, ăn thừa đổ đi, trong khi người bạn nằm cạnh đắp chăn chặn đói (Miếng ăn). Nội soi bao giờ cũng nguy hiểm hơn ngoại cảnh. Huy đã chiếu cái "ác ôn" vào bản chất con người, không chiếu vào "địch". Trong những năm tù, thế nào Huy chẳng gặp quản giáo ác ôn, nhưng Huy khác người vì sự lựa chọn đó.
Vì vậy những mẩu chuyện của anh thoát khỏi vòng hồi ký, thoát khỏi một câu chuyện, đề trở thành truyện ngắn, thành một tác phẩm nhân bản, giải giới cho những thù hận thường tình. Sự lựa chọn của Huy dường như không do một toan tính văn học. Tự bẩm sinh con người Huy như thế.
Vải bao cát và quyền tối thiếu là hai trường hợp phi thường của người tù cải tạo thèm sex đến cực độ mà lại từ chối sex. Ở quyền tối thiểu, người tù được hưởng "ân huệ" chăn chiếu với vợ khi người vợ đến thăm nuôi, nhưng Toàn đã từ chối "ân huệ" này: Việc vợ chồng là chuyện tự nhiên, là quyền tối thượng của con người. Khi được ban phát như một ân huệ, nó trở thành không thể chấp nhận được. Thành nhịn. Nhịn để giữ trọn tiết khí. Giữ trọn quyền sống tối thiểu của con người.
Ở vải bao cát, một trường hợp lạ lùng khác: Một ngày trong trại cải tạo, người ta tải vào một thiếu nữ bị trúng mảnh đạn M-79 khi đang cuốc đất. Bao nhiêu dồn nén sinh lý lâu ngày trồi lên xục xạo thân thể người tù trẻ, chưa vợ, Toàn trả cho một bạn tù bữa cơm sáng để mua cái việc được cầm đèn và cởi quần áo cô gái trúng đạn cho bác sĩ giải phẫu.
"Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng...
Bất ngờ, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.
Lúng túng.
Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.
Ngập ngừng.
"Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?"
Toàn như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.
Đờ đẫn.
Thẫn thờ.
Mắt Toàn như dại đi.
Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. " (Trang 58-59)
Lỗi tại chiếc quần lót. Chiếc quần lót của người con gái làm bằng vải bao cát. Vải bao cát xuất hiện trên khắp các mặt trận, hồi ấy, nhưng tại sao nó còn sót ở đây, trên thân thể này? Chiến tranh đã chấm dứt rồi mà. Hoà bình đã lập lại rồi mà. Nhưng hoà bình không thể lập lại. Lỡ giết nhau rồi. Lỡ tan xác rồi. Làm sao "lập lại" được?
Toàn lẩm bẩm với người con gái như một ăn năn, như nói với chính mình:
"Chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi... đừng sợ" (trang 60)
Một "chiều đông", ba người lính thủy quân lục chiến, trên đường hành quân, dừng chân trên phá Tam Giang, bên một "quán nhậu dã chiến" bên đường. Người thứ nhất đọc Hồ trường và thơ Quang Dũng. Người thứ hai nghe. Người thứ ba đọc Hành phương nam [2] tuy hướng của họ là phương bắc, chiếm lại những mảnh đất vừa bị mất. Người thứ nhất cãi: đâu phải thơ Nguyễn Bính. Đang cãi nhau sôi nổi, họ bị gọi lên đường hành quân...
Một chiều xuân, trên nghiã địa Sài Gòn, người thứ ba, mang nạng gỗ, một mình ngược hướng xuôi nam, đốt bài Hành phương nam dưới đề rõ tên tác giả Nguyễn Bính trên mộ bạn, như muốn nói nhỏ: của Nguyễn Bính thật, tao đâu có nói dối mày.
Hành phương nam của Nguyễn Bính là bài thơ.
Hành phương nam của Cao Xuân Huy không phải là một bài phê bình, nhưng lại toát ra cái gì sâu sắc, đòi đoạn, không tìm thấy ở những bài phê bình thơ Nguyễn Bính. Dường như nó (tức là bài Hành phương nam của Huy) hiểu Nguyễn Bính hơn ai hết, nó từ thơ Nguyễn Bính, đưa người đọc vào không gian những người lính đã thoát khỏi vòng thủy quân lục chiến để trở thành tráng sĩ. Nó tạo ra một trận địa mới, một lối chết mới: chết với thơ, chết trong thơ. Nó vinh thăng một tình bạn không chết theo cái chết.
Mai Thảo như cây cổ thụ giữa đám lau sậy. Như ông vua có quần thần hộ tống. Đàn em, ai chả muốn được làm quen với Mai Thảo. Vậy mà Huy không. Không chào. Nhất định không chào Mai Thảo. Một hôm Mai Thảo ngồi với đám thương nhân giàu có đang rôm rả khoe thành tích. Mai Thảo thần mặt ra. Huy lại gần nói nhỏ vào tai: anh muốn về không em đưa anh về. Mai Thảo ừ ngay lập tức.
Bài mai thảo là một chân dung văn học, chân dung Mai Thảo, nhưng Huy cũng lại biến Mai Thảo thành mai thảo một hình tượng văn chương, và chính Huy trở thành một hình tượng khác của văn chương: một cây xanh bên cây cổ thụ.
Chỉ ở một lời: anh có về không em đưa anh về, đã bao cảm thông, đã bao trìu mến, đã xoá bao cách biệt, đã dẹp bao hào quang, để thấy tình người.
Trả lại tiền là một truyện độc đáo: ngắn, gọn, chỉ có ba nhân vật: một gã lính ngụy vừa được thả. Một gã dân phòng và một ả điếm. Đối thoại cộc lốc. Cả câu lẫn chữ đều ngắn đến cực điểm. Mặc cả:
"Nhiêu?
Hai chục
Không có đủ
Dzậy có nhiêu? 
Tác giả gói tròn mối tương quan giữa ba nhân vật, ba cõi đời, trong một thoáng ngôn ngữ, một nhoáng thời gian: Gã dân phòng, đáng lý bắt kẻ phạm pháp, nhưng khi biết là lính ngụy, lại diụ giọng: Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ. Rồi hỏi: "Nó lấy cha nhiêu?"
Ả điếm, lợi dụng kẻ lạ không biết giá, lấy cao kiếm lời.
Gã dân phòng quát chị đàn bà: "Trả tiền lại cho người ta". Rồi đi.
Gã lính ngụy không nỡ ăn quỵt, trả tiền lại cho chị điếm.
Chị điếm hối hận cũng không lấy tiền "Thôi giữ lấy xài đi".
Bi kịch xây dựng trên tình người, nhưng với lối viết thật ngắn tác giả đã vót nhọn tình thương khiến nó trở thành dấm dẳn, thô bạo, thoát khỏi vòng nhân ái cổ điển, tạo ra một thứ tình người thô nháp như đá, khó nhận diện được.
Với Vài mẩu chuyện, Huy đã tha thứ cho mình, cho người. Huy đã trả lời câu hỏi cha: Mày bắn cả bố mày à? Không con không bắn. Bởi cuối cùng hai cha con đều chết, như người lính thủy quân lục chiến và người bộ đội (trong Chờ tôi với) cùng quê Hà nội, gặp nhau sáng 28 tháng giêng 1973, trao đổi với nhau vài mẩu chuyện rồi cùng chết vì những tiếng súng cuối cùng của cuộc đình chiến.
Dường như Huy trước khi chết đã tìm ra chân lý: sự đánh nhau trong cuộc chiến không giết nổi con người. Sự hành hạ nhau trong trại tù không giết nổi con người. Chỉ tạo ra những xác người mà phần tinh túy nhất vẫn còn đọng lại ở một nơi nào khác: phần của yêu thương, của tha thứ, của nhìn nhau, của nhận nhau.
Việc đời trùng điệp phơi bày trước mắt. Nhà văn không thể viết hết mà phải lựa chọn sự kiện nào, yếu tố nào nên đưa vào tác phẩm. Giống như công việc của nhà nghiên cứu, tài liệu đầy tay, nhưng phải chọn dữ kiện nào có thể sử dụng. Giống như công việc của một con người, phải lựa chọn một đạo sống nào cho mình. Chính sự lựa chọn ấy làm nên con người, làm nên tác phẩm. Làm nên Cao Xuân Huy. Làm nên Tháng ba gẫy súng. Làm nên Vài mẩu chuyện.
Huy có thể yên tâm ra đi. Huy đã nối vòng tay lớn với cõi sống và cõi chết. Bảo đảm với Minh và các cháu hai tác phẩm của Huy sẽ trụ lại. Rất lâu, không biết đến bao giờ. Bao giờ hết chiến tranh...
Vài dòng tiểu sử: Cao Xuân Huy sinh ngày 14/7/1947 tại Bắc Ninh, mất ngày 12/11/2010 tại Lake Forest, Nam Cali, Hoa Kỳ. Vợ: Đỗ Thị Minh. Con: Cao Nguyên Chúc Dung, Cao Nguyên Xuân Dung. Nhập ngũ tháng 2/1968. Thủy quân lục chiến. Cấp bậc trung úy. Tháng ba 1975 bị bắt. Đi học tập cải tạo đến tháng 9/1979 được thả. 
12/1982 vượt biển. 10/1983 tới Hoa Kỳ.
Tháng 6/1985, in Tháng ba gẫy súng.
11/1989 - 6/1992, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.
4/1993 - 10/1994, Tổng thư ký tạp chí Văn Học.
9/2004 - 2/2008, Chủ biên tạp chí Văn Học.
Tháng 7/2010, in Vài mẩu chuyện.
Ghi chú: 
[1] Tạp chí Văn học, Cali, 2010
[2] Hồ trường, thơ Nguyễn Bá Trác. Hành phương nam, thơ Nguyễn Bính.
24/11/2010
Thụy Khuê
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...