Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Phôi pha của Trịnh Công Sơn

Phôi pha của Trịnh Công Sơn
Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về nhớ chân giang hồ

Ôi phù du

Từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua

Không còn ai
Đường về ôi quá dài những đêm xa người

Chén rượu cay một đời tôi uống hoài

Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay

Có những ai xa đời quay về lại

Về lại nơi cuối trời làm mây trôi
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì tóc xanh mấy mùa

Có nhiều khi từ vườn khuya bước về

Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa.
PHÔI PHA
Tôi thấy mình đang ngồi trong một túp lều nho nhỏ trơ trọi giữa cánh đồng mênh mông nước. Cô đơn, trống vắng. Ánh trăng nhàn nhạt xuyên qua những làn mây mỏng phía trời xa. Đêm thật hoang vu, tĩnh mịch. Chỉ thấy tiếng côn trùng vọng lại từ xa xen lẫn tiếng thở dài của tôi và tiếng âm u trong tai mình từ sâu thẳm. Gió rít từng cơn hun hút qua kẽ vách, lạnh lẽo.
Tôi ngồi im đón nhận những khoảnh khắc trong lành nhất của đất trời. Tiếng đàn thở vào lòng đêm những âm thanh khúc trắc, chậm rãi. Có cảm giác tắc nghẹn từ những phím đàn, chúng không đều mà cứ nhỏ từng giọt, từng giọt như từng bước chân thơ thẩn của kẻ bộ hành về cõi hư vô. 
Ngọc đèn dầu leo lét cháy, tôi nhìn bóng mình trên vách và suy tư về những ngày đã qua với những con người đã gặp. Tất cả hiện ra như một cuốn phim đen trắng quay chậm. Từng gương mặt, từng nụ cười, từng nụ cười… Có những thứ đã nhạt nhòa theo thời gian những có những điều sẽ còn đọng lại mãi.
Nhớ những tháng ngày chật vật khi mới đặt chân vào Sài Gòn, những người đã giúp đỡ mình, những người mình tin tưởng, những người mình có lỗi, nhớ người mình yêu, những người bạn trong cuộc đời… nhớ ngày hôm nay.
Cuốn phim bỗng phụt tắt, chẳng còn gì cả, chỉ còn lại một cảm giác hụt hẫng trong lòng. Từng hát đêm bay vào tâm hồn tôi buồn bã.
Không còn ai, đường về ôi quá dài những đêm xa người…
Buồn vui trong cuộc sống thì ai chẳng đã từng. Nhưng có lẽ cái cảm giác tệ nhất là khi bạn bị bỏ rơi, khi bạn không còn mang lại niềm vui, hạnh phúc, lợi ích cho ai đó, họ bắt đầu lạnh nhạt dần, tệ hơn thì ném vào mặt bạn những lời vô cảm. Bạn có cảm giác như mình là kẻ đứng ngoài cuộc sống. Quá khứ và hiện tại tôi vẫn trải qua những điều đó. Bạn chẳng có giá trị gì cả, bạn là đồ bỏ đi!
Rồi đến một lúc nào đó thì những cảm giác ấy cũng quen dần và bạn chẳng nuôi hi vọng gì nữa, bạn sống cuộc sống của riêng bạn mặc kệ dòng đời trôi chảy.
Chén rượu cay một đời tôi uống hoài, trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi…
Có những lần, sau một đêm ngủ sâu, tôi tỉnh dậy thấy trong người khoan khoái, tôi nhâm nhi ly cà phê và thả hồn trong những bản nhạc quen thuộc, cảm giác lúc đó thật tuyệt vời! Ước gì ngày nào cũng được như vậy.
Cuộc sống bấp bênh hay phẳng lặng thì rồi cũng qua như những cơn gió thoảng. Còn lại gì? Để lại gì? Trong những giấc ngủ của mình, không dưới năm lần tôi mơ thấy mình bay được: chỉ cần nhún chân nhẹ một cái là tôi có thể trôi về bất cứ đâu mình muốn. Cuộc đời sẽ chẳng còn những sự phôi pha, chẳng còn những bể dâu nữa.
Đời người như gió qua… thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa…
Rất nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang màu sắc Phật giáo và triết lý phương Đông, bài này là một trong số đó. Nhiều quan niệm cho rằng trần gian chỉ là cuộc dạo chơi của các linh hồn, chết là “trở về” với cõi hư vô, với cuộc sống khác… nhẹ nhàng như những áng mây trôi. Có lẽ vì vậy mà ông mới viết là “thôi về đi đường trần đâu có gì”. Điều này cũng từng xuất hiện trong bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến:
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời
Ca khúc “Phôi pha” được thể hiện bởi nhiều ca sĩ. Tôi có nghe qua Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng… nhưng chưa thấy ca sĩ và bản phối nào diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng nhân vật chính trong ca khúc như ca sĩ Lan Ngọc. Bản phối này rất giản dị nhưng để tạo ra những âm thanh giản dị ấy không phải ai cũng làm được.
Có những người thích nhạc Trịnh chỉ đơn giản là thích, có những người thích vì tìm thấy sự đồng cảm, cũng có những người thì chỉ muốn “phô bày” cái “đẳng cấp” của họ. Dù có thích nhạc Trịnh hay không, thích như thế nào thì bạn cũng hãy thử ngồi một mình trong đêm và nghe bài “Phôi pha” này, bạn sẽ yêu nó thực sự.
Đức Thuận
Theo http://nguyenvietkhoa.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...