Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Thơ trên những chân trời

Thơ trên những chân trời
Nếu nhiệm vụ của tập thơ này là phác họa đôi nét về đất và người QN trong vòng một thập niên, thì có lẽ nó đã làm được công việc trả lời, trong những chiều kích của một tạp chí. Và, dẫu người đọc đón nhận tuyển thơ này trong giới hạn ấy, cũng phải ghi nhận một sự thực: trong thơ QN đã có sự chuyển động từ cái tôi trữ tình quen thuộc trước đây sang cái tôi cá thể. Đó là sự thay đổi về quan niệm thơ: giờ đây, đã xa dần cách suy nghĩ “thơ là tiếng nói tình cảm”, “thơ là công cụ tuyên truyền, giáo dục”… Thứ đến, là những thay đổi về thi pháp (hiểu theo nghĩa rộng): không chỉ là những đặc điểm ngôn ngữ và phương pháp thể hiện mà còn về cấu trúc tác phẩm, về phong cách của từng nhà thơ và những vấn đề liên quan đến chủ thể sáng tạo... Những nhà thơ QN đã từng bước tiến đến cái bệ phóng đầu tiên đồng thời là cái đích đến cuối cùng của mọi hoạt động sáng tạo, như lời văn hào Nga Tsekhov: “Đối với tôi, tự do cao hơn mọi thần linh”.
Trong “khuôn mặt” ấy, dễ nhận ra nỗi nhớ Quê Nhà không chỉ là tình cảm mà đã trở thành sự dẫn dắt kiếm tìm. Để tiến đến nhận thức về lẽ biến dịch, đồng thời vẫn tồn tại sự dính mắc của tâm thức như một nghịch lý vĩnh cửu của con người: ham muốn bất lực cưỡng chống lại dòng biến trôi: “Biết rằng hoa cải không gặp loài hoa nhớ/ Vẫn cứ đi tìm mỗi độ xuân/ Biết rằng hoa cải không ai bán/ Lòng vẫn ngậm ngùi bước chẳng tuân” (Tường Linh). Ở một góc khác, nỗi nhớ quê ấy được xác tín như là bản năng, một dạng “tính trời“: Phải đâu là khách qua đường/ Tôi như cá cũ tìm nguồn sông xưa” (Nguyễn Quân). Xa hơn, nỗi nhớ đã lặn vào phần dưới của ý thức để rồi tái hiện trong những giấc mơ, cái mục tiêu ẩn và hiện suốt đời của nhà thơ. Hay chính những giấc mơ đã làm nên sự sống - cuộc đời của thi sĩ: “Cầm đôi tay mùa xuân/ Rơi giếng lòng chiếc lá/ Xa ngàn dặm quê tình/ Giấc mơ đầy bướm lạ” (Tần Hoài Dạ Vũ).
Với người nghệ sĩ, hạnh phúc là điều có thật, khi tác phẩm là sự “cho máu”, theo cách nói của nữ thi sĩ Elsa Triolet. Chỉ khi ấy, Nàng Thơ mới quay đầu “cười duyên” với thi nhân, để những câu thơ “trời cho” hiện ra như tặng vật bất ngờ. Từ đó, có thể tìm thấy nhiều câu thơ đẹp trong tập thơ này mà một trong những cái “trục” chính yếu là quê hương: “Ngọn đèn rằm trăng tròn bóng/ Mắt em gọi mùa lên cây/ Mộng mơ không cần cửa đóng/ Anh như đứng ở đuôi mày” (Ngân Vịnh). Hay như: “Sông trôi mãi thuyền xa phố cũ/ Ta nhớ người đứng giấc mơ xưa/ Phố năm nay dài hơn năm ngoái/ Ta nhớ làng cải biếc đầy sân” (Huỳnh Minh Tâm).
Đọc tuyển tập, chợt nhận ra thơ đã đụng chạm đến những đề tài trước đây còn e ngại: nỗi buồn riêng, sự đau thương của kiếp người, những điều bất như ý trong xã hội, những suy niệm siêu hình về tâm linh và vũ trụ… Dẫu những bài thơ trong tập thơ này hẳn chưa tiêu biểu cho từng tác giả, các nhà thơ dường như đã có chung một nhận định: Mọi sự giản đơn đều xa lạ với văn học. Như thế, nhà thơ sẽ dần dần trở lại vị trí đúng nhất mà xã hội đã tin tưởng giao phó, phải là tiếng nói chân thật của những người cùng thời. Thơ là sự không ngừng vươn tới những chân trời khác. Và, lòng tin yêu ấy, qua tập “Tuyển thơ Tạp chí Văn hóa QN” đã tìm thấy những nhịp đập có chung cùng hơi thở. Để sau tất cả những tàn phai, cái còn lại giữa đời là Thơ và Lòng Nhân Ái.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
 Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...