Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Thanh Thúy: “Tiếng hát liêu trai“ ngày xưa và bây giờ

Thanh Thúy: “Tiếng hát liêu trai“ 
ngày xưa và bây giờ
Bài viết sau đây được tổng hợp từ nhiều người viết đã gửi về cho chúng tôi để thành một liên kết; về Thanh Thúy một nữ danh ca nổi tiếng từ thập niên 1960 cho đến nay. Bài viết như đúc kết cuộc đời và sự nghiệp của người nữ danh ca từng được mệnh danh là “Tiếng hát khói sương” hay “Tiếng hát liêu trai” đó.
Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh 2/12/1943 tại cố đô Huế, trong một gia đình gồm 5 chị em. Trong số các chị em chỉ có Thanh Châu còn theo đuổi nghiệp ca hát như người chị ruột của mình (Thanh Châu bắt đầu tập sự đi hát từ các Giải Kim Khánh do nhật báo Trắng Đen tổ chức và tại phòng trà International Quốc Tế của Ngọc Chánh và Thanh Thúy, khi ra hải ngoại mới chính thức bước vào sự nghiệp ca hát).
Nói về Thanh Thúy, khi vào tuổi trăng tròn đã xuất hiện đầu tiên tại phòng trà Đức Quỳnh (nằm bên cạnh rạp Việt Long, vào cuối năm 1974 được xây dựng lại lấy tên Văn Hoa Sài Gòn, còn bây giờ tên rạp là Thăng Long) vào cuối năm 1959, cùng Minh Hiếu lúc đó. Nhưng thật sự Thanh Thúy đã yêu thích nghề ca hát từ năm 16 tuổi, đã đi hát nhiều nơi, nhưng khi hát ở phòng trà Đức Quỳnh mới tỏa sáng, được mọi người biết đến qua báo chí thời đó thường viết bài ca tụng.
Giọng ca Thanh Thúy trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào, nức nở cùng với dáng dấp mảnh mai, yểu điệu thục nữ, mái tóc dài buông lơi trên vai gầy trong tà áo dài thuần túy của người phụ nữ Việt, mặc dù nhiều nữ ca sĩ trong thời kỳ này khi đi hát cũng đều mặc áo dài, nhưng với Thanh Thúy lại mang một sắc thái… liêu trai đặc biệt khó quên.
Ngoài hàng đêm hát tại phòng trà Đức Quỳnh rồi Anh Vũ, trong thời gian này Thanh Thúy còn xuất hiện trước công chúng trên các Đại Nhạc Hội, các chương trình phụ diễn Ca Nhạc Kịch của các rạp chiếu bóng cùng với các ca sĩ như Bạch Yến, Kim Tước, Châu Hà, Hà Thanh, Thúy Nga (vợ Hoàng Thi Thơ sau này), Minh Hiếu, Phương Dung…, đồng thời tiếng hát còn vang vọng trên các làn sóng phát thanh, đĩa nhạc từ cuối thập niên 50; qua những nhạc phẩm như Nửa Đêm Ngoài Phố, Kiếp Nghèo, Người Em Sầu Mộng, Ngăn Cách, Tàu Đêm Năm Cũ, Giọt Mưa Thu, Tiếng Còi Trong Sương Đêm… nhưng Thanh Thúy nổi tiếng qua những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trúc Phương và Y Vân.
Thanh Thúy đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt của mình đi vào lòng khán thính giả khắp nơi, từ những năm 1960 như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Thanh Thúy đã bước lên đài danh vọng của thế giới đèn màu để đạt được ước mơ của mình và có điều kiện trang trải cho cuộc sống gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, thân mẫu đang lâm trọng bệnh. Nhưng niềm ước mong của người con hiếu thảo không được toại nguyện trước định mệnh cay nghiệt. Tháng 6 năm 1960 khi thân mẫu qua đời, Thanh Thúy phải thay người quá cố để chăm sóc hai cô em gái là Thanh Mỹ và Thanh Châu. Và hai người em vẫn nương theo thời gian gần gũi với Thanh Thúy, qua bao năm sống từ trong nước cho đến khi ra hải ngoại chị em vẫn cùng ở bên nhau.
Người ta nói có lẽ Thanh Thúy mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu mượt mà, ngọt ngào, du dương… khiến mọi người xúc động, tái tê từ phong cách trình diễn cho đến lời ca trầm mặc, thiết tha tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương.
Năm 1962 Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa Hậu Nghệ Sĩ. Đồng thời trong ba năm liền (1972-1974) theo cuộc trưng cầu ý kiến đọc giả của nhật báo Trắng Đen, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất. Và còn nhận được rất nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng như Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng Hát Khói Sương, Tiếng Hát Lúc Không Giờ, Tiếng Sầu Ru Khuya, Tiếng Hát Lên Trời, Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm v.v…
Rồi giữa thập niên 1960 có một thời gian Thanh Thúy vắng bóng không đi hát, bởi trong thời gian này Thanh Thúy đã lên xe hoa cùng Trung tá Ôn Văn Tài (thuộc binh chủng   Không Quân và sinh ra một cậu con trai), khiến người mộ điệu “Tiếng hát liêu trai” đâm ra nhung nhớ.
Đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng Thanh Thúy không thể bỏ nghiệp cầm ca quên đi sự lưu luyến của mọi người, cho nên Thanh Thúy đã đi hát trở lại tại phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee bấy giờ đang do Khánh Ly khai thác. Rồi khi Khánh Ly ra lập phòng trà riêng, Thanh Thúy cùng nhạc sĩ Ngọc Chánh chính thức đứng ra khai thác nơi đây thêm một vài năm mới trở thành chủ nhân phòng trà khiêu vũ trường International Quốc Tế.
Từ khi “tái xuất giang hồ” Thanh Thúy hoạt động văn nghệ rất hăng say, làm chủ phòng trà, ra băng nhạc và đóng phim (không nhiều, chỉ vài ba phim với hãng phim của Kim Cương).
Còn khi qua Mỹ vào cuối những ngày tháng 4/1975 cho đến nay, Thanh Thúy đã được mời đi trình diễn gần như khắp các tiểu bang bên Hoa Kỳ và cũng đã đặt chân đến nhiều quốc gia như Canada, Úc, nhiều nước ở Âu Châu, xuất hiện trên nhiều nhãn hiệu băng nhạc Video, CD, đồng thời còn điều hành một trung tâm sản xuất băng nhạc của riêng mình. Đối tượng khán thính giả của Thanh Thúy phần đông là những người đứng tuổi, những người từng mến mộ giọng ca liêu trai này từ khi còn ở trong nước, và trải qua bao nhiêu biến đổi nhưng vẫn trung thành với tiếng hát đã gợi lại tâm hồn họ biết bao nhiêu kỷ niệm.
Trong một bài viết của Hoàng Bích Yên:
Trong kiếp cầm ca, tiếng hát Thanh Thúy được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải ra, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ 20, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam.
Tiếng Hát Qua Ngọn Bút
Thanh Thúy qua những ca khúc trữ tình, lãng mạn của nhiều nhạc sĩ tài danh được mô tả bằng tiếng hát lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Nguyên Sa viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy… Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…
Nguyên Sa lấy tựa đề “Từ Em Tiếng Hát Lên Trời” trong bốn câu thơ lục bát rất tuyệt của Hoàng Trúc Ly tỏ bày trong niềm giao cảm về Thanh Thúy:
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.
Khi xuất hiện dưới ánh đèn màu, trên sân khấu, tiếng hát Thanh Thúy hòa nhập vào cung đàn, chan hòa với âm thanh đã bay bổng, vươn cao trên đỉnh non cao.
Đầu thập niên 60, ngọn bút của cây bút đầu đàn nhóm Sáng Tạo & Kịch Ảnh, Mai Thảo đã gọi Thanh Thúy là “Tiếng Hát Lúc Không Giờ”. Và Mai Thảo, trong giới văn hữu gán cho danh xưng là ông hoàng của vũ trường, như bị mê hoặc bởi âm điệu, như bị cuốn hút trong mơ hồ, lãng đãng của cung bậc và bóng dáng, trong men rượu, trong ánh đèn mờ ảo, tay kiếm lão luyện trong văn giới đã phóng với đường gươm : “Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong giòng sông sương mù… chậm và khuya… công phu… kỳ lạ!”. Với tiếng hát đó, Mai Thảo còn gọi thêm “Tiếng Hát Khói Sương” qua bài viết của Lâm Tường Dũ, hình như thông dụng nhất. Sau nầy có ca khúc Tiếng Hát Khói Sương của Đắc Đăng, Thanh Thúy đã hình thành CD mang tựa đề với ca khúc đó.
Ở hải ngoại, vào cuối thập niên 90, tác phẩm “Chân Dung Những Tiếng Hát” của Hồ Trường An, bằng cái nhìn cá nhân của nhà văn, không viết dưới dạng “order” đầy dẫy hình dung từ sáo ngữ. Nhiều chân dung bị đẽo, gọt, nhận xét khắt khe qua ngọn bút; Nhưng Hồ Trường An đã viết về Thanh Thúy “Tiếng Hát Khói Sương Chiêu Niệm”: “Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô giỡn vọt âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, bỏ đứt nền nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở cách phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó cô thành công rực rỡ”.
Cuộc Đời & Nghệ Thuật
Họa sĩ Vũ Hối, qua nét bút độc đáo như tranh vẽ với bốn câu thơ :
“Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”.
Cũng như Lệ Thanh, Hà Thanh… Thanh Thúy sinh trưởng ở sông Hương núi Ngự, lớn lên ở Sài Gòn. Gia đình Thanh Thúy ở phía sau chùa Kỳ Viên Tự, đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu). Gia đình rất mộ đạo Phật, từ nhỏ, Thanh Thúy thường theo bà ngoại và mẹ đến làm công quả ở chùa. Quy y với pháp danh Sumana, được sự dạy dỗ của Thượng tọa Thích Hộ Giác và Tăng thống Tố Thắng. Vì vậy khi mới tuổi thanh xuân, bước chân vào nghề ca hát, thân mẫu Thanh Thúy rất lo sự cám dỗ ánh đèn sân khấu nên lúc nào cũng tựa cửa chờ con mỗi khi đi trình diễn. Và Thanh Thúy vào nghề ca hát vì yêu thích lẫn kế sinh nhai để giúp đỡ gia đình.
Đầu thập niên 60 Thanh Thúy nổi danh, tên tuổi Thanh Thúy rất ăn khách vì vậy Nguyễn Long đưa hình ảnh đó vào điện ảnh. Nguyễn Long viết và thực hiện cuốn phim “Thúy Đã Đi Rồi” vào tháng 11 năm 1961. Ca khúc Thúy Đã Đi Rồi (nhạc Y Vân lời Nguyễn Long) làm tựa đề trong phim, nữ ca sĩ Minh Hiếu vào vai Thanh Thúy trong phim, làm nổi bật hình ảnh yêu kiều chân dung người nữ ca sĩ xứ Huế. Ngoài phim còn đi vào kịch nghệ, các vở thoại kịch được trình diễn trên sân khấu, truyền hình được các nghệ sĩ Xuân Dung, Kim Cương, Bích Thủy đóng vai Thanh Thúy. Hình ảnh đó làm mê hoặc bao kẻ tình si, và chân dung Người Em sầu Mộng trong thơ Lưu Trọng Lư đã mang đến cho bao trái tim đa cảm, lãng mạn.
Trong đó, có chàng nhạc sĩ vừa tròn tam thập, người Trà Vinh, dong dỏng cao, tóc phủ dài trông rất lãng tử, cũng là hoàng tử trữ tình của thể điệu Boléro, Rumba qua nhiều ca khúc được ái mộ. Từ tỉnh lên thủ đô, chàng sống phiêu bạt ở Sài Gòn, dang dở mối tình với cô học trò con nhà giàu có. Hình ảnh Thanh Thúy dẫm lên trái tim Trúc Phương, là nguồn cảm hứng cho chàng nhạc sĩ đam mê sáng tác. Và ngược lại, Thanh Thúy nổi danh, được yêu thích nhiều qua nhiều ca khúc của Trúc Phương. (Sau ba thập niên, tháng ngày thoi thóp với căn bệnh ngặt nghèo, trong căn phòng thuê tồi tàn, nhỏ hẹp ở ngõ hẻm quận 11, Sài Gòn, nhạc sĩ Trúc Phương lìa bỏ cõi trần ngày 18 tháng 9 năm 1995, để lại cho đời 65 ca khúc và một số tác phẩm khác chưa được phổ biến).
Trong những ca khúc đầu đời của trái tim đau khổ, duyên nợ bẽ bàng, tình yêu đơn phương tan theo mây khói nhưng hào quang lại về trên đỉnh mây trời giữa kẻ viết dòng nhạc, lời ca và người nâng niu tiếng hát. Đâu đây vẫn vang vọng với tuyệt phẩm Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, Hình Bóng Cũ… mang mang thiên cổ lụy, xót thương, nghe để tiếc thương cho chuyện tình cay đắng… tiếng hát Thanh Thúy chơi vơi, bồng bềnh trên đỉnh cao, trái tim nhạc sĩ rướm máu, chôn vùi bên vực thẳm.
Sau khi mãn tang cho thân mẫu, Thanh Thúy lập gia đình vào năm 1964, người chồng cũng là tài tử chính trong phim Bão Tình (do Lưu Bạch Đàn sản xuất và đạo diễn). Chàng sĩ quan Ôn Văn Tài sau nầy mang cấp bậc đại tá trong binh chủng Không Quân. Gia đình được định cư tại Hoa Kỳ trong năm 1975. Vào cuối thập niên 90, đôi tình nhân thuở nào được trở thành ông bà nội.
Với Trúc Phương, duyên nợ không trọn nhưng mối giao cảm trong âm nhạc vẫn cón cao đẹp, giữ mãi cho nhau. Bên bờ Thái Bình Dương, Thanh Thúy vẫn tiếp tục gởi đến tha nhân nhiều ca khúc của Trúc Phương, tương trợ tác giả nơi quê nhà sống bất hạnh. Được tin Trúc Phương vĩnh biệt nhân gian, bên trời Cali, bên người thân trong gia đình, Thanh Thúy viết:
- “Anh Trúc Phương, một ngôi sao sáng của vòm trời âm nhạc Việt Nam vừa vụt tắt. Tin anh qua đời đến với tôi quá đột ngột. Tôi đã bàng hoàng xúc động với sự mất mát lớn lao nầy. Anh và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi gắn liền nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy…
“Đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn anh vào quân ngũ và tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẩm đều nói về cuộc đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương…
“Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi đôi ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong…” (TGNS, tháng 2-1996).
Trúc Phương đã yên nghỉ ở nghĩa trang Lái Thiêu, để lại người vợ bệnh hoạn và sáu con. Trong ca khúc “Mắt Chân Dung Để Lại”, dòng nhạc cuối đời của Trúc Phương vẫn còn tơ vương bóng hình Thanh Thúy: “Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời”.
Bên cạnh Trúc Phương, ngoài văn nhân đa tình, từ đất thần kinh, chàng thư sinh gầy gò, lang bạt vào Sài Gòn cuối thập niên 50, bắt gặp bóng dáng đồng hương Thanh Thúy, trái tim chàng say đắm. Và cũng là cơ hội tạo nguồn rung cảm, đem cung đàn dẫn nhập vào mối tình si. Ca khúc đầu tay “Ướt Mi” của Trịnh Công Sơn đã gọi tiếng hát buồn não nề của Thanh Thúy như “khóc trong đêm mưa, than trong câu ca”. và ca khúc “Thương Một Người” qua hình ảnh “Thương ai về ngõ tối, sương rơi kín đôi vai… Thương một người và mái tóc buông lơi…” Nhưng tình yêu đơn phương của chàng nhạc sĩ mới bước chân vào làng ca nhạc chỉ còn lại bóng mờ trước tiếng hát thành danh. Thanh Thúy hát bài “Ướt Mi” qua tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Ánh 9 rất tuyệt. Thời gian sau, Trịnh Công Sơn chạy theo tiếng hát khác ở Đà Lạt (tiếng hát Khánh Ly).
Với nhiều ca khúc nói lên nỗi niềm cay đắng, nghiệt ngã, u hoài, tâm trạng thương cảm, ai oán, bẽ bàng, ngang trái trong cuộc đời và cuộc tình được dàn trải qua tiếng hát Thanh Thúy như sự an bày, kết hợp, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Từ nhạc phẩm tiền chiến như Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương, Tan Tác của Tu Mi, Chuyển Bến của Đoàn Chuẩn, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn, Nhắn Gió Chiều của Nguyễn Thiện Tơ, Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực, Tiếng Đàn Tôi và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy… đến Ngăn Cách, Người Em Sầu Mộng của Y Vân, Lạnh Lùng của Đinh Việt Lang sang Kiếp Cầm Ca của Huỳnh Anh, Tiếng Ve Sầu của Lam Phương đến Mộng Chiều của Khánh Băng, Nhạt Nắng của Xuân Lôi, Đường Nào Lên Thiên Thai cửa Hoàng Nguyên… và nhiều ca khúc của Trúc Phương phù hợp với tiếng hát Thanh Thúy đã gắn liền giọng ca và dòng nhạc trong giới thưởng ngoạn.
Bước sang lãnh vực kinh doanh, Thanh Thúy và nhạc sĩ Ngọc Chánh - con chim đầu đàn của Shotguns - mở phòng trà khiêu vũ trường International Quốc Tế, mở nhãn hiệu băng nhạc Thanh Thúy, được hai năm thì qua Mỹ theo làn sóng di tản vào tháng 4/1975.
Cuộc sống lưu vong xứ người không còn môi trường thuận lợi tưởng chừng tiếng hát khói sương bị nhạt nhòa theo sương khói nhưng rồi sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tha hương được hồi sinh. Thanh Thúy trở lại với với kiếp tầm nhả tơ.
Tháng 6 năm 1976, Thanh Thúy cho phát hành cassette đầu tiên “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” được đồng hương nhiệt tình đón nhận. Theo thời gian, Trung Tâm băng nhạc Thanh Thúy được hình thành, thực hiện được ba cuốn Video: Thúy, Chuyện Tình buồn và Ngày Về Quê Cũ. Bước vào thế kỷ 21, hai mươi lăm năm sau năm 1975, khoảng ba mươi CD của Thanh Thúy được thực hiện, trong đó có những CD về tôn giáo như Mẹ Hiền và Phật Ca I, II, III… Là Phật tử thuần thành, Thanh Thúy đã hướng tâm làm công quả trong chương trình phát thanh Tiếng Nói Hương Sen của Phật Giáo. Vào cuối thập niên 90 Thanh Thúy cùng người em gái thực hiện công tác từ thiện ở Á Châu để giúp vui và ủy lạo bà con đồng hương đang bị kẹt ở trại tị nạn.
Khi người nghệ sĩ được thành danh thì cũng là đối tượng cho báo giới khai thác để đáp ứng thị hiếu của độc giả.
Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân… Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí”.
Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ, Thanh Thúy được ái mộ từ nghệ thuật đến nhân cách. Nghệ thuật xử thế của Thanh Thúy tự nhiên và lịch sự không có vẻ đóng kịch, không đẩy đưa vì vậy khi tiếp xúc với Thanh Thúy, thiện cảm, chân tình và thoải mái để trao đổi với nhau. Trung tâm Thanh Thúy vẫn đều đặn hình thành nhiều băng nhạc qua hàng trăm ca khúc với giới tiêu thụ thân quen, dĩ nhiên, tiếng hát của Thanh Thúy ngày nay phù hợp cho giới thưởng ngoạn đã đứng tuổi trải qua một thời cảm mến khi còn ở quê nhà.
Trước kia, trong một lần đọc bài viết của Thanh Mỹ, Thanh Châu về người chị biểu tượng như hình ảnh người mẹ hiền đã kề cận bên nhau qua bao thập niên trong nghệ thuật và cuộc sống, tôi cảm mến hình ảnh đó, gọi điện báo tin cho bài viết, Thanh Thúy hỏi thăm cần hỏi điều gì không, tôi trả lời đã thưởng thức nhiều bài hát và đọc qua những bài viết về Thanh Thúy rồi cũng đủ tạo dựng cho hình ảnh tiếng hát thành danh từ quê nhà và hải ngoại.
Hoàng Bích Yên
Nguyễn Việt 
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...