Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy diệu vợi, bởi luôn ẩn chứa
hình bóng của những người phụ nữ. Thế nhưng, không chỉ là yêu đương, những câu
chuyện về Mẹ luôn là một trong những đỉnh cao âm nhạc của ông.
Mẹ của Phạm Duy có muôn mặt, muôn trạng thái. Nhưng luôn có
chung một điều khắc khoải, đó là chờ đợi và lặng lẽ.
Mỗi một nhạc sĩ luôn có cho mình một vài hình ảnh xuất sắc của
mẹ. Y Vân có Lòng mẹ, Trịnh Công Sơn có Người mẹ Ô Lý, Nhị Hà có Mẹ tôi… Nhưng với
Phạm Duy, mẹ là một câu chuyện kể dọc theo đường đất nước. Mẹ có thể rất trẻ hoặc
đã già nua, có thể là một biểu tượng sáng loà hay là điều bí mật mang theo suốt
cả đời người. Là điều nhỏ nhất và cũng có thể là cả tổ quốc. Mẹ như cỏ dại và
như đất trời. Là Đức Maria, Quán Thế Âm, và là bất kỳ người đàn bà vô danh nào
đó trên cõi Việt.
Bìa bản trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy
Nghe những giai điệu về mẹ của Phạm Duy, có lúc mà đau quặn
lòng. Những bài hát về mẹ của ông có một quyền năng kỳ lạ đánh thức tim người,
nhắc khẽ tâm thức Việt Nam, thân phận Việt Nam.
Mẹ trong âm nhạc của Phạm Duy khác thường. Với nhiều nhạc sĩ
khác, âm nhạc có mẹ là tạo hình để thương cảm, để chia sẻ. Còn khi đến mẹ của
Phạm Duy, người nghe tự thấy mình nhỏ bé, tự thấy mình còn phải mang một niềm
ơn.
Và với Phạm Duy, hàng loạt những ca khúc lừng danh về mẹ
vẫn chưa đủ trong sự vinh danh mà ông mong muốn. Phạm Duy cũng là nhạc sĩ duy
nhất có tập trường ca về mẹ, với 22 chương, hơn 2.000 ca từ. Trường ca Mẹ Việt Nam được
coi như một tuyệt tác, tạm tổng kết mọi giá trị mà ông muốn diễn đạt về hình ảnh
của mẹ Việt.
Nói về trường ca Mẹ Việt Nam, hay là nói về hình ảnh người mẹ
(1992), nhà văn Đặng Tiến viết rằng: "Đó là tổng hợp tất cả tình cảm của
Phạm Duy đối với quê hương và những trầm luân của mệnh nước nổi trôi qua hình ảnh
người mẹ, đồng thời cũng diễn tả trọn vẹn ơn sâu nghĩa nặng của cuộc đời đối với
chúng ta. Gọi là mẹ Việt Nam vì một cách nói, chứ mẹ là nguồn vốn không có quốc
tịch. Mẹ là sông – ta có chữ "sông cái" là sông mẹ – mẹ là Biển Hồ
lai láng, mẹ là trùng dương.
Còn với nhà phê bình âm nhạc người Canada – Georges Etienne
Gauthier thì "Mẹ Việt Nam vẫn là bản liên hợp đẹp đẽ và lớn lao nhất của
Phạm Duy từ trước đến nay. Hiếm khi trong tác phẩm của ông mà kỹ thuật và xúc cảm,
lý trí và tình cảm lại hoà hợp trong một vẻ vĩ đại và toàn hảo vững vàng được
như trong bản Mẹ Việt Nam" (bài nhận định viết năm 1972).
Nói về mẹ, để thấy riêng chủ đề này, Phạm Duy đã hoàn
thành cả một công trình, gom góp mọi cảm giác trên cuộc đời mà ông đi qua để giữ
lại cho hậu thế.
Phạm Duy vượt lên vai trò của một nghệ sĩ bình thường khi ông
ngẩn ngơ và dự báo những điều sẽ tới. Có thể đó là một nỗi buồn của thế kỷ mai
sau:
"Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới
Việt Nam là gì, giảng nghĩa cho coi
Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay
Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ hai mươi..."
Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mỗi ngày một nhiều hơn,
những người Việt phải xa xứ và phôi pha dần những điều quen thuộc của giống
nòi. Trong căn phòng nhỏ, có một người nhạc sĩ già cặm cụi viết lời hát của
mình vào không trung với nỗi niềm tuyệt vọng. Nhưng đâu đó, ông vẫn gieo hy vọng:
"Nhờ trong quá khứ, có mẹ lên ngôi
Thắm thiết tình người, gửi tới nhân loại..."
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai"
Năm 2006, trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói rằng
dù là sống với dòng nhạc trẻ, nhưng ông vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cảm từ
và tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. "Nghe nhạc Phạm Duy, mình
thấy thương người Việt hơn, thương nước Việt hơn", Lê Hựu Hà nói.
Nhưng không phải ai cũng có thể hát được Phạm Duy với một
tâm thức Việt, ngay cả với ca sĩ chuyên nghiệp cũng vậy. Ca sĩ Thái Thanh nói
bà sợ phải trình bày ca khúc Bà mẹ Gio Linh, vì lần nào hát bà cũng khóc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI vào năm 2001,
Phạm Duy nói rằng ông nằm trằn trọc trên chiếc giường tre ở chiến khu và viết một
mạch bài hát này. Ông kể rằng khi viết xong, đọc lại, ông đã khóc: "Viết
xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít".
Bài hát Bà mẹ Gio Linh hay Giọt mưa trên lá, với những hình ảnh
được kể lại đều đặn, như những nhịp đóng vào trái tim, khiến ai mang một tâm thức
Việt đều cảm thấy nhói đau và lặng người. Cái tài của Phạm Duy không chỉ là âm
nhạc, ông vẽ lại lịch sử những bà mẹ Việt Nam, như đã nói, là sự khắc khoải, lặng
lẽ và chờ đợi.
Quả có một cái gì đó là sự chờ đợi ở hình ảnh những bà mẹ Việt
Nam trong âm nhạc Phạm Duy. Nhưng chờ đợi điều gì thì không rõ nét, vô vọng lẫn
hy vọng... và đó luôn là điểm xoáy vào trái tim của người nghe, thổn thức đến tận
cùng.
Mẹ đi đâu, bao nhiêu năm nữa, tâm tính mẹ Việt vẫn là vậy, là
chắt chiu và chờ đợi, lặng lẽ. Ngay từ ngày đầu mà ông đã nhìn thấy: "Bà
mẹ quê, ngày tháng không mơ ước gì, nhỏ giọt mồ hôi vì đời trẻ vui..." (Bà
mẹ quê).
Và ngay trong mùa Xuân, mọi vật ngơi nghỉ, mẹ vẫn chắt chiu
trong cõi riêng đời mình, mơ đến những điều bình thường mà vĩ đại: "Trời
không mưa gió, mẹ bế con thơ, con bú say sưa..." (Xuân thì).
Trong nhạc tập của người Việt, âm nhạc của Phạm Duy như những
điều đơn giản, dễ dàng đi nhẹ vào lòng người, nhưng thấm sâu hơn cả những bài
luân lý ngày thường. Để kết, xin được mượn lời nhà văn Đặng Tiến, rằng: "Vài
ba câu hát ấy đã vận dụng, chuyển hóa không biết bao nhiêu là cổ tích, ca dao,
văn thơ cổ điển, phong tục tập quán Việt Nam. Nhạc Phạm Duy gây chấn động trong
ta và sau đó còn lưu lại nhiều tiếng ngân dài như những "Giọt mưa trên
lá’’ làm sống lại những chồi dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong ta.
Càng xa nước, ta lại cần nguồn, cần nghĩa mẹ, như nước trong nguồn chảy ra. Mát
ngọt, trong trẻo và vô tận".
Audio: Trường Ca "Mẹ Việt Nam" - Phạm Duy - Tuấn Khanh và Kim Anh thực hiện Audio.
Trình bày: Thái Thanh - Thái Hằng - Kim Tước - Duy Khánh -
Nhật Trường và Trần Ngọc
* Lời Kết
Nghe thêm:
* Bà mẹ Gio Linh -
Thái Thanh
* Bà mẹ quê -
Thái Hằng
* Giọt mưa trên lá -
Thái Thanh
* Xuân thì -
Khánh Ly
Tuấn Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét