Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Một thời không quên

    Một thời không quên
Tôi được “thơ thới” tản bộ qua ba tập tản mạn và tản văn của Võ Chân Cửu. Tập đầu tiên, 22 tản mạn tôi được anh trao tặng tại Bình Dương ngày 22 tháng 9 năm 2012. Tập kế tiếp Theo dấu nhà thơ anh ký tặng riêng tại Hội chợ Sách Cần Thơ ngày 28 tháng 3 năm 2015 khi Công ty sách Phương Nam mở cuộc gặp gỡ, giới thiệu sách mới của anh và một cây bút nữ. Và tập thứ ba Vén mây, anh muốn coi như Theo dấu nhà thơ tập 2, nhưng theo tôi đây là tập 3 trong bộ tản mạn tản văn của anh. Không thể tách rời 22 tản mạn ra khỏi bộ ba nầy được, vì chính tập tản mạn đã dẫn dắt hai tập tản văn kia cho anh mở cửa lòng đối với bằng hữu văn nghệ một thời! Qua điện thoại, anh có ý xem Vén mây như là tập cuối bộ, tôi được anh cho đọc bản thảo hoàn chỉnh trên đường truyền máy tính ngày 28 tháng 8 năm 2016.
Nhận được sách hoặc bản thảo, tôi đọc liền một mạch, nhưng đọc rất thong thả, vừa đọc vừa tưởng vừa nhớ, bởi trong nầy có cả bạn bè tôi. Có người tôi đã quen đã gặp, có người chưa gặp nhưng quen nhau trên báo, đọc nhau qua tác phẩm. Có những sự kiện văn nghệ tôi đã biết, chứng kiến hay có nghe qua, có những chuyện bây giờ tôi mới tường tận. Võ Chân Cửu đã thủ thỉ kể lại chuyện gặp gỡ bù khú ăn nhậu, hoặc say mê làm văn chương. Thật thú vị, thật vui và cũng thật ngậm ngùi, bởi ngày nay kẻ còn người mất, người ở đâu đây và cũng có người mãi xa. Ngày xưa, bạn bè văn nghệ thường là bạn vong niên, lớn nhỏ hơn nhau năm, mười tuổi là người cùng thời.
Tôi và Võ Chân Cửu có sự trùng hợp là có cùng một năm sinh; và trước 1975 mỗi người đều xuất bản hai tập thơ. Nhưng tôi có duyên với thơ anh. Một lần ghé qua Sài Gòn ở lại năm, bảy ngày rong chơi, tôi gặp Vũ Hữu Định tại nhà anh Ngô Nguyên Nghiễm.

Vũ Hữu Định lấy hai tập thơ Tinh sương và Đại mộng của Võ Chân Cửu, thay mặt tác giả ký tặng tôi vào ngày 8 tháng 9 năm 1973. Bây giờ tôi vẫn còn giữ 2 cuốn sách đó! Thật là một kỷ niệm khó quên với anh Vũ Hữu Định dù chỉ mấy ngày ngắn ngủi bên nhau. Lúc đó, tôi chuẩn bị in tập thơ đầu. Sau khi đọc bản thảo của tôi, anh Vũ Hữu Định tỏ vẻ thích thú và khuyến khích tôi in sớm. Tiếc là khi in xong, anh trôi giạt phương nào, và Võ Chân Cửu ở nơi đâu tôi cũng chẳng biết để gởi thơ tặng. Thời chiến tranh, liên lạc và tìm thăm nhau không dễ, chỉ biết tin nhau trên báo hoặc qua bạn bè. Qua bộ tản văn nầy tôi mới biết Võ Chân Cửu đi nhiều, gặp gỡ và sống cùng nhiều anh em văn nghệ thời bấy giờ, nhất là các tỉnh miền Trung quê anh. Vào Sài Gòn học, anh có điều kiện tiếp cận giới văn nghệ nhiều hơn. Điều đáng khâm phục ở anh không chỉ là máu giang hồ mà anh còn có một trí nhớ rất tốt. Đến với bạn bè, anh có một tấm lòng, một chân tình mới có được những kỷ niệm đẹp như thế.
Tôi hiểu người làm văn nghệ nào cũng rất ham đi, ham gặp bạn bè và cả “ham yêu” cái đẹp, ham chơi… Nhưng hoàn cảnh đất nước lúc đó muốn đi không phải dễ, đường xe trắc trở, an ninh phức tạp, văn nghệ sĩ lại nghèo. Nhưng đặc biệt anh em văn nghệ thời đó rất phóng khoáng, chơi nhau thật lòng, đam mê văn chương, quí trọng tình bạn hơn bản thân mình. Tôi cũng đã từng đón những bạn thơ lang thang từ tỉnh nầy sang tỉnh nọ mà không có đồng xu dính túi nhưng được rong chơi ăn nhậu đủ đầy. Họ chưa từng gặp nhau, nhưng chỉ cần xưng tên là ôm chầm lấy nhau như quen từ kiếp trước. Họ biết tên tuổi, hiểu nhau qua tác phẩm trên sách báo từ lâu rồi. Bạn ở nhà tôi năm, mười ngày; đưa đi thăm thú văn thi hữu và phong cảnh xứ mình. Bạn cần đi thì dúi vào tay bạn vài ngàn đồng đủ lộ phí sang tỉnh kế bên - có người bạn thơ khác đang đón. Thời đó, miền Tây Nam bộ gạo cá phì nhiêu, nuôi một người quen trong nhà năm ba tháng chỉ là chuyện nhỏ.
Hành trình theo dấu nhà thơ của Võ Chân Cửu không chỉ bằng tình cảm, kể lại và nhận định, mà xung quanh một nhà thơ còn có những nhà thơ và vợ con, cuộc sống, sự dấn thân của nhà thơ trong thế giới văn chương. Anh đã khơi gợi một không khí văn chương và những con người làm nên nó thời bấy giờ. Những cảm nhận từ sự gần gủi và thân thiết hoặc tiếp xúc và thấu hiểu, được anh thể hiện một cách tản mạn và lãng mạn. Không bị ràng buộc bởi một thể loại nào nên nó rất phong phú và sinh động trong câu chuyện về thơ và các nhà thơ mà anh đã đọc, đã biết, đã quen trên con đường văn chương của mình. Một chút nhận định, một chút lý luận, một chút xúc cảm, một chút đồng ngộ!... Tất cả qua ngòi bút phóng khoáng,  Võ Chân Cửu đã biến hồi ký của hồi ức một thời trở thành một áng văn bàng bạc, thi vị và tao nhã. Không còn là hồi ký dù đầy ắp sự kiện và hoài niệm. Không còn là biên luận dù có không gian và thời gian, bày tỏ và nhận xét. Không còn là chân dung văn học dù viết về từng người với khá nhiều tư liệu về con người, cuộc sống và thi nghiệp. Cũng chẳng phải là du ký dù anh lang thang từ Trung vô Nam, từ Cao nguyên đến Sài Gòn rồi xuống tận miền biên viễn Tây Nam bộ. Anh đã giúp cho thế hệ sau nầy hiểu được, chia sẻ và cảm thụ một thế giới văn nghệ trong chiến tranh của một miền đất và của một giai đoạn. Thời mà chúng ta làm văn nghệ tự phát, tự lực, nhưng sao chân tình, nhiệt huyết và hồn nhiên một cách đáng yêu.
Phong cách diễn đạt tập trung mà đa dạng, lan man mà cô đọng, hoài niệm mà hiện sinh-đó là thủ thuật rất tài tình của Võ Chân Cửu đưa bộ sách trở thành một tác phẩm phong phú về thể loại và mang tính đặc trưng, độc đáo của dòng văn học cận đại. Những trang sách tưởng rằng rất mềm mại và mỏng manh nhưng chứa đầy những bước chân ngang dọc của anh, của những nhà thơ bằng hữu và của một thời. Bây giờ những người hiện diện trong bộ sách nầy còn, mất trong cõi vô thường; đời người như bóng mây, nhưng tác phẩm của họ là ánh dương, chỉ cần… vén mây! Nhờ có anh, một thời kỳ văn nghệ đa dạng, sôi động được sống lại trong hơi thở hôm nay, được lưu lại trong các trang sách chứa đầy những phận người, những tài hoa, không phải tan biến đi trong vết bụi mờ năm tháng.
Bộ tản văn ba tập của Võ Chân Cửu, theo anh chỉ là những dòng tản mạn. Mới đọc, ta chỉ thấy anh lang thang trong thế giới bạn văn rất tùy hứng, nhưng thực ra anh không tản mạn. Con người, nhân cách và tác phẩm được anh chắt lọc một cách tinh tế để viết về bạn mình…

Tây Nam bộ, 31-8-2016
 Trịnh Bửu Hoài 
Theo http://haibogiay.net/




 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...