Hình tượng “Mưa’’ trong bài thơ
"Mưa trên phố" của
Đoàn Ngọc Minh
Hình tượng "mưa" trong “Mưa trên phố” của Đoàn Ngọc
Minh đưa người đọc đến xứ sở miên viễn của nỗi niềm. Từng câu, từng chữ đem
theo vị mặn của mưa lòng. Bài thơ giàu hình tượng và giàu xúc cảm ngôn ngữ làm
cho người đọc cùng nhuốm dư vị mưa trên phố.
Một chút nắng vương qua ngõ, một chiếc lá nhẹ rơi hay mùi
hương ngọc lan ngan ngát thoảng qua… tất cả chợt đến rồi chợt đi để lại trong
thi nhân một nỗi niềm hoài vọng. Nhưng cái hoài vọng ấy đâu chỉ dành riêng cho
những gì gọi là sinh sắc. Đã rất nhiều nhà thơ tìm thấy cảm hứng của mình trong
những cơn mưa. Thả hồn vương theo hạt mưa ấy, Đoàn Ngọc Minh đưa vào thơ hình ảnh
những cơn mưa thật đẹp. “Mưa trên phố” là một trong những sợi mưa
lòng như thế.
Có thể nói, Đoàn Ngọc Minh là một trong những tác giả viết
khá nhiều về mưa. Nhưng điều đặc biệt là sự nhạy bén và tinh tế trong lập tứ lập
ngôn, thâm trầm và sâu sắc của chị. Cùng một cơn mưa nhưng nó mang đến nhiều
hơn những suy nghĩ về những gì hiện diện trong cuộc sống và tâm tư, tình cảm,
làm rung lên trong lòng người đọc những cung bậc của cảm xúc. Tác giả viết nhiều
về mưa nhưng không có bài nào giống bài nào. Mỗi lần chị viết về mưa là mang đến
cho người đọc những cảm xúc khác nhau.
Mưa trên phố có cách mở đầu rất đặc biệt: Mình về thật
sao? Đại từ mình thường dùng để gọi những người thân thiết nó
thường xuất hiện cùng với đại từ ta. Nhưng ở đây nó xuất hiện một mình, tạo
cho người đọc cảm giác về sự không tròn trịa, về cái gì đó không vẹn toàn. Đặc
biệt đặt trong câu hỏi tu từ, nó gợi lên cảm giác như là sự thảng thốt giật
mình đến ngỡ ngàng. Trong bài thơ, nó được lặp lại đến bốn lần, được tác giả đặt
ngay khổ thơ, điều này góp phần gợi ra âm hưởng bài thơ, một âm hưởng trầm buồn
đến nao lòng. Thật vậy, dìu dặt theo điệu nhạc thơ, ta không còn phân biệt được
tiếng mưa hay tiếng lòng của tác giả:
Mưa gieo hạt đầy phố
Bước chân ai vội vã…
Con phố bẽ bàng cô quạnh
Hương ngọc lan ngan ngát cổng chùa
Bức tranh đêm mưa có cả âm thanh của bước chân vội vã… một lữ
khách? một kẻ qua đường? bởi sự hoang lạnh đến đìu hiu và phố mưa trở nên
“bẽ bàng”, quạnh vắng xen mùi hương “ngọc lan ngan ngát”. Khung cảnh phố núi
đêm mưa gợi lên một sự tĩnh lặng không tưởng. Động đấy mà tĩnh đấy. Phải
chăng đó là cái tĩnh lặng trong hồn thi sĩ? Cái nỗi buồn lắng đọng của thi
nhân? Cảm nghe trong tiếng mưa rơi là cả những lời vu vơ mà tác giả tự thoại với
mình. Tiếng mưa đêm tạo cho không gian bất tận, cô liêu và nỗi lòng nhà thơ
thêm nhung nhớ về một miền xa thẳm nào đó. Hương ngọc lan thơm ngát tựa như hạnh
phúc ngọt ngào, dịu dàng nhưng chỉ là thoảng qua và để lại lòng người nỗi khắc
khoải khôn nguôi. Tự bức tranh mưa ấy đã gợi cho con người cảm giác trống vắng
giống như đề tài của nó “mưa”. Mưa là một hiện tượng tự nhiên,
nó đi vào văn học cùng với sâu thẳm cõi người, điệu mưa tựa như điệu lòng
mang mác thiên cổ sầu của nhà thơ. Đoàn Ngọc Minh từng viết:
“Có phải trời buồn nên bất chợt đổ mưa”
Đặt trong tương quan thời gian, đề tài sẽ làm bật lên
được nhiều điều. Thời gian “Mưa trên phố” gợi lên rất dễ thấy, đó là thời
gian của một đêm khuya, u hoài và tịch mịch. Khi tất cả chìm sâu vào yên tĩnh,
là lúc con người ta đối diện với chính mình. Đặt tâm hồn mình trên trục thời
gian ấy, thao thức không ngủ, thi nhân không khỏi thoát ra nỗi buồn muôn
thuở. Mưa đêm đồng hành với quạnh vắng, có mưa đêm là có nỗi nhớ, có thêm cái lạnh
của cô đơn:
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la
(Huy
Cận - Buồn đêm mưa)
Và khi nỗi buồn xuất hiện thì sẽ xuất hiện những cơn mưa
khác, nhưng đó không phải là cơn mưa của đất trời nữa mà là cơn mưa của lòng
người:
Em ghét mưa đêm
Lạnh lùng ray rứt
Để phòng em
Chăn gối cũng buồn tênh
Em ghét mưa đêm
Nghẹn ngào thổn thức
Để mi em
Tràn nước mắt lênh đênh
(Đỗ
Thị Bích Thu)
Đoàn Ngọc Minh cũng không ngoại lệ, mưa đêm xuất hiện để tô đậm
hơn cái buồn đến thê thiết lòng người. Trên phông nền của những cái quen thuộc,
tác giả chọn cho mình một cách thể diễn đạt rất lạ:
… mưa choàng lên vai em màu lạnh non ngàn
mưa giấu vào em giọt trăng xanh gầy
mưa chan vào em mênh mang xa cách
mưa táp vào em nỗi buồn không đáy!
mưa giấu vào em giọt trăng xanh gầy
mưa chan vào em mênh mang xa cách
mưa táp vào em nỗi buồn không đáy!
Cách sử dụng ngôn ngữ ở bốn câu thơ này như đẩy tâm tư nhà
thơ đến biên độ xa hơn. Bốn câu thơ gây ấn tượng cách sử dụng cùng một cấu
trúc: “mưa” tác động đến “em” (bằng một động từ mạnh), sau đó là cụm từ chỉ sự
lạnh lẽo (màu lạnh non ngàn), héo hon (giọt trăng xanh gầy), xa cách (mênh
mang xa cách), nỗi buồn vô tận (nỗi buồn không đáy) đã làm cho chúng ta như
quên đi những cơn mưa thật mà bị ngợp vào cơn mưa lòng của tác giả. Mưa đêm in
hằn hình bóng hao gầy, mưa thấm ướt nỗi lòng, mưa chan sự gãy đổ, chia ly.
Đoàn Ngọc Minh là người có nhiều biểu cảm về mưa, hình ảnh
mưa đạt đến độ chín nỗi niềm của chị: “Mưa và em phiêu dạt suốt dặm trường” (Mưa
và em)
Trong hành trình phiêu bạt đến tận cùng của sự cô đơn
đó, “mưa và em” là người bạn đồng hành, còn ở đây: mưa táp vào em, mưa giấu
vào em, mưa chan vào em, choàng lên vai em; những hình ảnh động của mưa dường
như đã choán mọi ngôi vị trong tâm hồn thi sĩ…“trên đời có ai đếm sợi mưa đếm hạt
nắng như ta và cô đơn hơn ta” (lời tác giả).
Tâm tư được dồn nén lại đến mức tác giả có cảm giác đã
hóa “trầm tích”. Tất cả các hình ảnh: Mưa - màu lạnh non ngàn - giọt
trăng xanh gầy - mênh mang xa cách - nỗi buồn không đáy đều đan quyện, hòa
cùng nhau trong nỗi trống vắng tận cùng, nỗi buồn vô hồi. Nỗi buồn ngoại cảnh
và nỗi buồn tâm linh cộng gộp, lũy thừa thành một nỗi buồn mênh mông bất định.
Có cái gì như chờ đợi, như ngóng trông người về thật sao để rồi chỉ
nhận lại một nỗi buồn, một cảm giác lạnh lẽo trong tịch liêu. Bất chợt từ cái
mênh mang ấy, phố mưa bỗng lóe lên dù rất mong manh, song cũng tạo cho thi sĩ sự
ấm áp: Phố mưa/ Chợt nồng ấm/Vị mặn/ xa”…
Nếu như ở khổ một tác giả miêu tả mưa qua thính giác và mưa ở
đó chủ yếu nghiêng về cơn mưa thực, khổ hai và khổ ba miêu tả qua tâm tưởng;
thì khổ cuối mưa hiện lên qua cảm giác “ấm” và vị giác “mặn”. Những giọt mưa
hay những giọt tình chưa thấm, chưa nồng đượm? Mưa cũng đang phấp phỏng chờ
mong, hy vọng. Phải trải qua bao giông tố cuộc đời, con người mới thấm thía cái
lạnh, cái ướt, cái tê tái, cô đơn, nhớ nhung như thế. Mưa đem theo tiếng lòng
thi sĩ, tiếng tức tưởi của thiên nhiên về một hạnh phúc vời “xa”.
Con người là một thực thể bí mật nhất và luôn đem đến những bất
ngờ. Tâm hồn là khát vọng của hỉ, nộ, ái, ố. Không ai có thể đi hết
chiều sâu hồn người. Nhưng bước theo con chữ mà họ dệt nên, ta có thể cảm nhận
được nét suy tư của họ. Hình tượng mưa trong “Mưa trên phố” của Đoàn Ngọc Minh
đã đưa người đọc đến xứ sở miên viễn của nỗi niềm. Từng câu, từng chữ đem theo
vị mặn của mưa lòng. Bài thơ giàu hình tượng và cũng giàu xúc cảm ngôn ngữ làm
cho người đọc cùng nhuốm dư vị mưa trên phố.
Triệu Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét