Cho mãi đến khi Bích Khê bước sang tuổi 100
và 70 năm sau ngày ông tạ thế (2016), tên tuổi của thi sĩ tài hoa này mới được
trả lại một cách đầy đủ và thành kính nhất ngay trên quê hương của ông: Thu
Xà-một làng quê đã từng là khu phố cổ sầm uất.
Trong đáy thẳm của những người yêu thơ, Bích Khê bao giờ cũng chiếm một vị trí trang trọng nhất.
Từ một lời khích tướng
Bích Khê sinh năm 1916 tại làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh thuộc bờ bắc sông Trà, nhưng lớn lên tại Thu Xà, địa danh nổi tiếng cùng thời với Hội An, nằm ở phía đông huyện Tư Nghĩa, cách TP.Quảng Ngãi chừng 10 cây số về hướng biển.
Rong ruổi khắp sơn cùng thủy tận, hết Hà Nội đến Đồng Hới, tới Huế, rồi Phan Thiết... theo chân chị ông là bà Ngọc Sương, vợ nhà báo Lạc Nhân, chủ bút báo Tiếng Dân nổi tiếng cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bích Khê trải qua khá nhiều nghề, trong đó có nghề dạy học và nghề... chơi. Ông từng thuê hẳn một chiếc thuyền đi dọc sông Trà trong nhiều tháng liền chỉ để ngắm non xanh nước biếc.
Rong ruổi khắp sơn cùng thủy tận, hết Hà Nội đến Đồng Hới, tới Huế, rồi Phan Thiết... theo chân chị ông là bà Ngọc Sương, vợ nhà báo Lạc Nhân, chủ bút báo Tiếng Dân nổi tiếng cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bích Khê trải qua khá nhiều nghề, trong đó có nghề dạy học và nghề... chơi. Ông từng thuê hẳn một chiếc thuyền đi dọc sông Trà trong nhiều tháng liền chỉ để ngắm non xanh nước biếc.
Vườn thơ Bích Khê. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Song, sở dĩ người đời sau còn nhắc mãi tên Bích Khê là vì, ông đã để lại cho hậu thế những thi phẩm mà một người vốn nghiêm khắc trong việc đánh giá thi tài của các nhà thơ cùng thời như Hoài Thanh cũng phải thốt lên: “Tôi đã bắt gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Những câu thơ “hay vào bậc nhất” ấy, nằm trong tập Tinh huyết, một ấn phẩm được Bích Khê hoàn thành chỉ trong 3 tháng sau lời hứa với bạn ông-nhà thơ Hàn Mặc Tử: “Trong 6 tháng tới sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”.
Số là, Bích Khê có nhờ người cháu gọi mình bằng cậu ruột là Mộng Cầm chuyển cho Hàn Mặc Tử một tập thơ còn ở dạng bản thảo, với mong muốn hết sức khiêm cung là “nhờ xem giúp và góp ý”. Hàn Mặc Tử bấy giờ đã là một nhà thơ thành danh, đang yêu Mộng Cầm và cũng đang thọ nạn căn bệnh nan y tại Quy Nhơn. Hàn thi sĩ đọc xong tập thơ của bạn đã thấy thấp thoáng trong câu chữ bóng dáng của một tài năng, nhưng thay vì phúc đáp một vài nhận xét có tính động viên, thì ông khích tướng bằng “rất nhiều lời lẽ khiêu khích, mỉa mai”.
Lời khích tướng ấy đã chạm vào tự ái, khiến Bích Khê hạ quyết tâm sẽ thành “một thi sĩ phi thường” hoặc là quẳng bút. Đúng như lời hứa với bạn, sau 3 tháng, Bích Khê đã cho ra đời Tinh huyết “thơm đủ mùi phước lộc” như Hàn Mặc Tử đánh giá trong lời tựa cho tập thơ này. Từ bấy giờ, trong phong trào Thơ Mới có thêm một tên tuổi mà sự cách tân trong thi pháp của tác giả này vẫn còn làm ngạc nhiên với nhiều nhà phê bình văn học cho đến tận hôm nay.
Trong “vườn thơ Bích Khê”, khách thơ vẫn nhận ra một không gian bàng bạc với lá ngô đồng, một thời gian ngưng tụ qua tiếng đàn tỳ bà, một “làng cũ buồn thu quạnh” cùng một Ngũ Hành Sơn thấp thoáng mùi thiền...
Làng cũ trong vườn thơ
Câu thơ “hay vào bậc nhất” mà Hoài Thanh nhắc đến là câu: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông” trong bài Tỳ bà, một bài thơ toàn thanh bằng, điều cực hiếm trong Thơ Mới lúc ấy. Người cháu ruột của Bích Khê là anh Lê Quốc Ân kể rằng, trong khuôn viên của nhà thờ họ Lê tại Thu Xà từng có cây ngô đồng cùng cây nhãn cổ thụ luôn sum suê hoa trái. Những loài cây này đã lung linh trong thơ Bích Khê, đặc biệt là những bài thơ ông viết trước lúc lâm chung vì bệnh lao phổi. “Là lúc đêm về trên mái ngói/ Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay/ Em đang nổi bệnh trong phòng vắng/ Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy” (Làng em).
Cuốc xe ngựa muộn mằn cuối ngày đã đưa “bệnh nhân” Lê Quang Lương (tên thật của Bích Khê) trở lại Thu Xà sau nhiều tháng chữa bệnh lao phổi tại Huế bất thành. Tháng Giêng năm 1946, Bích Khê ra đi ở tuổi ba mươi. Trong hồi ký của mình, bà Ngọc Sương, chị ruột Bích Khê có nói, hay tin dân Thu Xà vùng lên cướp chính quyền vào mùa thu năm 1945, Bích Khê đang nằm liệt giường, nhưng vẫn đề nghị với người nhà khiêng ông ra đường để được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trước khi nhắm mắt.
Có lẽ chưa có nhà thơ nào mà số phận lại lận đận như Bích Khê. Cũng chưa thấy có nhà thơ nào mà không gian trong những trước tác của mình lại được hội tụ trong một khuôn viên như ở Thu Xà này. Gia đình nhà thơ đã dành gần 2.000 mét vuông đất “hiếm” để dựng lại không gian này thành “Vườn thơ Bích Khê”. Đây là địa chỉ cho khách thập phương mỗi khi về Thu Xà thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vùng quê phố cổ một thời. Bích Khê xứng đáng để được tri ân như thế, bởi những gì mà ông gửi lại cho hậu thế không hề ngắn ngủi như tuổi ba mươi của đời ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét