GS-TS Trần Văn Khê trong lần về thăm và nói chuyện âm nhạc ở
Hội An cách đây chừng mười năm đã tỏ ra yêu mến những giọng hát dân ca của thế
hệ trẻ. Một trong những gương mặt của “lớp trẻ” ngày ấy, theo như lời giáo sư
Trần Văn Khê là diễn viên Ngọc Huệ. Kể từ ấy, bằng giọng hát ru đặc trưng, chị
đã góp phần gìn giữ hồn phách của âm nhạc dân gian xứ Quảng...
Ngọc Huệ
Còn nhớ, GS-TS Trần Văn Khê đã khẳng định: “Đến Hội An,
lúc đi trên thuyền, tôi được nghe những điệu dân ca Quảng Nam do các thanh niên
nam nữ cất lên. Tôi có thể nói rằng, một truyền thống mà được lớp trẻ chắt
chiu, gìn giữ như thế sẽ là một sinh lực mới góp phần vào việc duy trì và phát
triển dân ca. Tôi rất vui và mong mọi nơi trên đất nước mình đều có một thái độ
trân trọng, thương yêu đối với dân ca Việt Nam như người Hội An đã và đang
làm...”.
Thật vinh hạnh cho những giọng ca trẻ như Ngọc Huệ, khi lọt
vào “mắt xanh” của vị giáo sư âm nhạc danh tiếng. Sinh năm 1965, những ngày Huệ
chào đời cũng chính là những ngày quê hương Hội An còn chìm trong tiếng bom đạn,
vậy mà câu hát ru của mẹ vẫn cất lên hằng đêm trong ngôi nhà nhỏ ở phường Sơn
Phô để đưa cô bé vào giấc ngủ êm đềm. Sau này chị nghe mẹ kể lại, mỗi lần câu
hát của mẹ lắng xuống là cô bé bật khóc như đòi mẹ hát thêm nữa. Nhiều năm về
sau, chị nhận ra rằng, những câu hát ru ngọt ngào ngày ấy đã ngấm vào máu
thịt mình tự bao giờ...
Những năm học phổ thông, Ngọc Huệ rất mê cải lương và bắt đầu
tập tành hát những câu trêu ghẹo lẫn nhau. Nhờ vậy mà thầy cô và bạn bè đã kịp
nhận ra một cô bé Huệ có giọng ca cải lương khá mùi. Nhưng rồi chẳng được bao
lâu, Huệ lại ham thích dân ca Quảng Nam đến mức “kinh khủng”, có lẽ do ảnh hưởng
từ những lời ru ngày xưa của mẹ như lời chị tâm sự. Với Ngọc Huệ, niềm đam mê
dân ca, hát ru cũng chính là “hạt mầm” nghệ thuật đầu tiên được gieo trên mảnh
đất màu mỡ. Năm 18 tuổi, cô thôn nữ Cẩm Phô đã lọt vào “tầm ngắm” của những người
làm văn hóa ở Hội An. Dễ thương, nhỏ tuổi lại có giọng hát dân ca đằm thắm, Ngọc
Huệ dường như trở thành “đứa con cưng” của đội thông tin-lưu động thị xã. Với
niềm đam mê sẵn có lại được cử đi học các lớp tập huấn dân ca tại Đà Nẵng do
các nghệ sĩ của Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) giảng dạy, giọng hát Ngọc
Huệ ngày càng chững chạc hơn. Chị không còn hát một cách ngẫu hứng mà thể hiện
một khúc hát ru hay một đoạn hô, hát bài chòi theo bài bản đàng hoàng. Bằng những
làn điệu dân ca xứ Quảng, Ngọc Huệ cùng các anh chị trong đội thông tin lưu động
đêm ngày không quản khó khăn, vất vả mang đến món ăn tinh thần cho quần chúng ở
cơ sở vào thời điểm mà đời sống tinh thần còn nhiều thiếu thốn...
Ngọc Huệ (phải) đang biểu diễn.
Năm 1985, lần đầu tiên Ngọc Huệ tham gia hội thi đưa thông
tin về cơ sở toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và cô gái sông Hoài đã xuất sắc đoạt
huy chương vàng cá nhân với một vai trong vở kịch dân ca “Lên đường”. Kể từ bước
ngoặt đáng nhớ đó, liên tiếp những năm sau này, Ngọc Huệ giành nhiều huy chương
vàng, bạc... tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh và toàn
quốc.
Hơn 20 năm qua, giọng hát Ngọc Huệ luôn gây ấn tượng đậm nét
trong các hoạt động văn hóa -nghệ thuật của phố Hội. Những năm gần đây, Ngọc Huệ
cũng như anh chị em nghệ sĩ Hội An dường như rất ít có những giây phút thảnh
thơi... Chị bảo, có lúc anh em như ăn ngủ cùng lễ hội rồi lại có khi vắt chân
lên cổ mà chạy, mà biểu diễn phục vụ du khách theo các tour du lịch. Đó là chưa
kể đến việc Ngọc Huệ cùng với các diễn viên khác đang hết sức chú tâm đến việc
“truyền nghề” cho lớp trẻ. “Mình là người đi trước, có chút ít vốn liếng về âm
nhạc dân gian thì cố gắng mà truyền lại cho thế hệ con cháu để các em đừng quên
đi cái vốn quý của ông cha để lại” - chị tâm sự.
Ngỡ rằng sức khỏe sẽ không cho phép chị dấn thân thêm nữa vào
nghiệp ca hát, nhưng lạ thay, chất giọng Ngọc Huệ vẫn không hề thay đổi. Chất
giọng mà theo như nhiều người thì rất đặc trưng cho loại hình hát ru, không ngọt,
không luyến láy uyển chuyển mà ấn tượng vô cùng. Máu nghệ thuật ở chị vẫn rạo rực
như thuở hai mươi ê a những câu cải lương chọc ghẹo. Chị vẫn sớm tối đi về trên
những lối nhỏ của phố mấy mươi năm qua, vẫn hồ hởi bước ra sân khấu mỗi khi
nghe xướng lên tên mình. Mới đây, chị vẫn vượt đèo, vượt dốc đến với miền núi
cao trong chiến dịch “Hát về đường Trường Sơn...” do Cục VHTT cơ sở
tổ chức, mang theo chất men dân ca xứ Quảng gửi nhớ gửi thương… Thế mới hay, một
khi đã chọn lấy nghề thì suốt đời chung thủy như là nghiệp. Cũng may, ở cái đất
phố Hội - sông Hoài ấy, nghiệp cầm ca cũng thể gọi là “sống được”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét