Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam

Tư tưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam
Cho đến nay tư tưởng Phật Giáo đã thấm nhuần trong tâm hồn dân tộc Việt Nam thành một khối keo sơn khó phai mờ và lay chuyển. Đạo Phật đã gắn liền với dòng văn học và cùng với sinh mệnh thăng trầm của dân tộc đã gần hai mươi thế kỷ.
Tư tưởng sâu xa vi diệu của Phật Giáo đã hiện hữu trong mạch sống dân tộc ngay từ những khởi nguyên Trung tâm Phật Giáo Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay) do Ngài Mâu Tử, một vị chân tu Phật Giáo đến từ Ấn Độ khởi dựng, phát huy song song với hai trung tâm Phật Giáo của Trung Hoa là Lạc Dương và Bành Thành, khoảng đầu kỷ nguyên Tây Lịch. Liên tục nhiều năm sau đó, những vị Thiền Sư được tôn kính như vị Bồ Tát sống, Ngày Tỳ Ni Đa Lưu Chi từ Trung Hoa đến cư trú tại chùa Chúng Thiện truyền dạy về tinh hoa cao quý của Đạo Phật.
Qua nhiều thế kỷ kế tiếp Phật Giáo càng ngày càng phát huy rộng lớn do các Ngài Vô Ngôn Thông, Ngài Khương Tăng Hội, Ngài Khuông Việt Thái Sư. Đến thế kỷ thứ ba Ngài Khương Tăng Hội, người Giao Chỉ đã viết luận giải về Đại Thừa và Thiền Tông nên được nhiều người cho rằng chính Ngài Khương Tăng Hội là vị Thiền Sư lập nên Thiền Việt Nam chứ không phải truyền nhập từ Trung Hoa của Ngài Bồ Đề Đạt Ma. Và trải dài trong nhiều thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn... cho đến thời đại hôm nay, với thể tính triết học, khoa học, tâm lý nhân sinh... tư tưởng Phật Giáo đã hiển nhiên thấm thấu vào tâm hồn, hiện hữu thường trực trong đời sống của đại chúng dân Việt, từ những câu kinh tiếng kệ, hồi chuông nhân, tiếng trống Bát Nhã, trầm hương nghi ngút, mái chùa uy nghi ẩn khuất sau những tàng cây xanh, tĩnh mịch trầm lắng. Tư tưởng Đạo Phật quá cao siêu mênh mông và vời vợi như những ngọn đỉnh trời Hy Mã, suốt cả một đời tu học chưa hẳn đã bước tới ven khu rừng giáo lý uyên thâm vi diệu đó. Ở đây, chúng tôi chỉ xin mạo muội đề cập tới vài nét ảnh hưởng Phật Giáo trong thi ca Việt Nam như giòng suối nhỏ từ một vách đá núi thăm thẳm.
Cho đến nay, chúng ta chỉ cần đọc qua bất cứ tuyển tập thi ca Phật Giáo Việt Nam cổ điển nào, là y như chúng ta đều cảm nhận ngay hồn tính dân tộc ẩn dụ qua từng dòng chữ nồng thắm quê hương sâu thẳm tình người. Các Thiền Sư Việt Nam bao giờ cũng là những đại biểu độc đáo của dòng thi ca chính thống của dân tộc trong mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc. Trong cuộc hành trình đầy khởi sắc và phong phú của nguồn văn học ảnh hưởng Phật Giáo, chúng ta bắt gặp những dấu vết tuyệt vời của Thiền Sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Huệ Sinh, Ngộ Ấn, Mãn Giác, Đạo Hạnh, Không Lộ, Diệu Nhân, Huyền Quang, Trúc Lâm, Thượng Hải, Chân Nguyên... Chưa kể đế kho tàng văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ. Chúng tôi xin đan cử một vài thi phẩm của các vị Thiền Sư danh tiếng như bài Trăng và Nước của Đạo Hạnh:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
(Thủy Nguyệt)
Có thì có tự mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Có, không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào
(Võ Đình dịch)
Nói đến cái không của tâm để hòa nhập vào cái tâm ảo hóa của vũ trụ, Thiền Sư Hương Hải đã thể hiện rõ nét trong bài Nhạn Ảnh:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Nhạn vút qua không
Bóng chìm nước lạnh
Để dấu: nhạn không có ý
Giữ bóng: nước cũng vô tâm
(Nhạn và Bóng)
Sự cấu tạo nên thể xác con người do sự kết hợp tứ đại (đất nước gió lửa), cho nên qua thời gian con người phải chấp nhận sự hủy hoại một cách tự nhiên, cũng như loài hoa sớm nở tối tàn, vô thường, biến chuyển theo cái nghiệp nhân quả luân hồi, cứ thế tiếp tục từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thấu triệt nguyên lý tử sinh đó Thiền Sư Viên Chiếu đã viết nên thơ dạy đệ tử: 
Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhiệm suy di
(Vô Tật Thị Chúng)
Thân như tường nát đợi ngày
Trăm năm vất vả tới rày xót thương
Tâm không nếu đạt nẻo đường
Mặc cho không sắc vô thường đến đi
(Răn Chúng Khi Thầu Còn Mạnh - Võ Đình dịch)
Thiền Sư Mãn Giác cũng cảm nhận kiếp sống vô thường như huyễn của nhân thế. Tất cả lợi danh chỉ như giọt nước trên cành, như bóng mây qua cửa, có đó rồi mất đó, sắc sắc không không. Nhưng đời sống không phải là chuỗi ngày đầy bi lụy tối tăm, đầy đau thương khổ ải với nghiệp chướng oan khiên tràn đầy lệ thảm...
Người đã thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo, tự lý giải căn nguyên của khổ đau, luôn tỉnh thức, biến đau thương thành hy vọng hạnh phúc của cuộc sống. Hiên ngang chấp nhận mọi thử thách gian nguy của cuộc đời, bước tới đem đến nguồn sống đầy an vui hỷ lạc cho mọi người. Qua bài Dặn Dò Tăng Chúng của Thiền Sư Mãn Giác đã cho thấy một cách sâu sắc tinh tế bằng đức tin mãnh liệt vào sự tuần hoàn tự nhiên của tạo hóa, của kiếp nhân sinh để thắp lên niềm lạc quan, hy vọng ở ngày mai bằng những bôn hoa trí tuệ nhân ái:   
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Xuân đi trăm hoa rãi
Xuân đến trăm hoa khai
Xem chuyện đời trước mắt
Tóc trên đầu đã phai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Tối qua vườn trước một cành mai
(Có bệnh, dặn dò tăng chúng)
Lịch sử đã từng chứng minh một cách cụ thể nhất ở vào thế kỷ thứ mười, khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lập nên nước Đại Cồ Việt thống nhất và độc lập.
Trong thời đại này Mật Giáo và Thiền là hai hệ thống Phật Giáo hưng thịnh nhất. Qua triều đại vua Lý Thái Tổ, các Thiền Sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp Thuận đã bước ra cổng Thiền Môn trực tiếp giúp minh quân đem lại cảnh sống thái bình an lạc cho dân chúng kéo dài đến hơn cản trăm năm từ 1010 đên 1225. Trong thời gian này văn học dân tộc ảnh hưởng sâu đậm đạo Phật. tỏa sáng từ những áng văn chương tuyệt tác của các Thiền Sư Khuông Việt, Vạn Giác, Bảo Giác, Pháp Thuận, Thường Chiếu, Hải Chiếu, Huệ Hưng... Như những dòng lưu lượng thác đổ từ những ghềnh núi Trường Sơn cuồn cuộc ra biển lớn. Ở mỗi nhánh sông tạo thành những bãi phù sa trùng điệp phì nhiêu màu mỡ, cho cây trái vườn lên xanh thắm ngàn đời liên tục hình thành. Đến hậu bán thế kỷ mười tám, mười chín và hai mươi, những trang văn học Việt Nam ươm đầy những tinh hoa tuyệt kỷ của tư tưởng Phật Giáo. Từ những sáng tác đại chúng điển hình thơ truyện Sự Tích Quan Âm Thị Kính dưới nhiều hình thức và thể loại vừa để ngâm ca, vừa để trình diễn trên sân khấu, đại thể như:
... Chân như đạo Phật nhiệm mầu
Tận trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài
Tinh thông nghìn mắt nghìn tai
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Xem trong biển nước Nam ta
Phổ môn có đức Phật Bà Quan Âm...
Danh từ Quan Thế Âm có nghĩa là Người lắng nghe tiếng kêu trầm thống của cuộc đời, Lắng  nghe để tìm tới cứu độ. Những tác phẩm đáng kể khác như Thánh Đăng Lục, Thiền Tông Bản Hạnh, Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục, Kề Đăng Lục, Khóa Hư Lục, Tam Tổ Thực Lục, Đại Nam Thiền Uyển Tuyền Đăng Tập Lục... Thực sự chúng ta không thể kể hết những kho tàng văn học Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng siêu việt và uyên bác của Phật Giáo từ nghìn xưa.
Trong văn chương bác học, chúng ta nhận thấy có các nhà Vua thể hiện tâm đạo qua thơ văn như Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông, Tự Đức... các thi hào lỗi lạc Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Chu Mạnh Trinh, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi... đã chứng minh điều đó. Trong tác phẩm "Cung Oán Ngâm Khúc" Ôn Như Hầu đưa lên hình ảnh thâm thúy khơi sáng ngọn đuốc tuệ vượt qua khỏi kiếp luân hồi. Cuộc nhân sinh đầy khổ lụy vô thường, hãy nương vào cửa Phật để dứt sạch thất tình lục dục:   
Thà mượn thú tiêu dao của Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong
Đa mang chi nữa đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn "hoa đàm" "đuốc tuệ" làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời...
Đến đại thi hào Tiên Điền Nguyễn Du đã viện dẫn lý nghiệp báo luân hồi một cách triệt để của Phật Giáo. Cái nghiệp như hình với bóng đeo đuổi con người đến suốt một đời. Và cái tâm, căn nguyên của mọi vọng tưởng u minh mê lầm. Ở trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, Sư Tam Hợp đã giải bày:   
... Sư rằng: "Phục họa đạo trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Có trời mà cũng tại ta
Tu là cõi phúc, tình là dây oan...
... Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn vốn tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...

Hoặc ở những đoạn đầy thiền duyệt, thiền vị bàng bạc nhưng sâu sắc khác: 
... Đã đem mình gởi am mây
Thân này sánh với cỏ cây cũng vừa
Mùi thiền đã bén muối dưa
Mầu nhiệm ăn bận đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồn làm chi...
Thi hào Nguyễn Du còn thể hiện diệu tâm của đa số Phật tử Việt Nam qua các tác phẩm Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh, chẳng khác nào như một bài thuyết pháp thi vị và chân xác về lý giải vô thường và nhân quả luân hồi
Thi sĩ Chu Mạnh Trinh, trong cõi thơ của ông, chúng ta có thể tìm thấy những giao động mạnh mẽ khi ông diễn tả những cảnh trí lung linh huyền ảo của núi rừng tĩnh mịch nhuốm vẻ an nhiên tự tại của tinh thần Phật Giáo:   
... Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khác tang hải giựt mình trong giấc mộng
Đề cập đến Nguyễn Công Trứ là nói tới một văn hào nổi danh lúc vinh quang tột đỉnh, khi thảm thê tận cùng vực thẳm đắng cay, từng trải trăm đường tân khổ. Nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ là hưởng lạc hưởng nhàn.
Thơ văn Nguyễn Công Trứ chịu ảnh hưởng khá sâu đậm Phật Giáo:
... Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỉ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục...
Hay ở trong bài "Vịnh Nhân Sinh Quan" Nguyễn Công Trứ đã thể hiện rõ tưởng triết học Phật Giáo ở một trình độ cao hơn:
… Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi, 
như gió bấc, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín…
Đến cuối thế kỷ thứ 19 và 20, văn học sử Việt Nam chuyển mình tiếp thu những dòng văn học của thế giới. Thời điểm này đánh dấu biến cố lịch sử làm phong phú rực rỡ và mới mẻ mọi khuynh hướng tư tưởng để hình thành hướng đi và ý thức mới về văn học nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên sự hiện diện của những trào lưu văn học mới, không phải những nhà văn nhà thơ Việt Nam đã quên lãng từ bỏ cốt tủy đã ảnh hưởng sâu đậm trong hồn tính dân tộc từ ngàn xưa, những chất liệu tinh hoa của Phật Giáo. Chúng ta ghi nhận trong những tác phẩm của các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp, Tự Đức, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư… Nhưng rõ nét nhất trong thi phẩm Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp: 
… Thuyền đi, bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói:
"Nam mô A Di Đà"...
Mẹ bảo "Đường còn lâu
Cứ vừa đi vừa cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!"…
Khi qua Chùa Giải Oan
Trong mấy bức tường ngang
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn...
Ô! Chùa trong đây rồi
Động thắm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi!…
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng…
Quan niệm một số chân tu Phật Giáo trong những kỷ nguyên trước là tìm nơi non cao tĩnh lăng  để diện bích soi tâm, hay ít ra cũng lánh xa cõi trần đầ ô trọc có thể ảnh hưởng đến tâm thức tu học. Phải chăng đấy là cái tâm "ứng vô sở trụ" đã dẫn dăt   Huệ Năng đến Tào Khê. Một số tăng lữ khác quan niệm hãy đem đạo vào đời như kim chỉ nam lám sáng tỏ cái tâm của Thái Tông thoát nhiên tự ngộ nhận lãnh vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm - dĩ thiên hạ dục vi dục" cứu nhân độ thế.
Trong thời đại cận kề với những tư duy hiện sinh, những nhà thơ Việt Nam khoác áo nâu sồng cũng đã xuống núi, hiện đại hóa phương thức truyền bá đạo giáo hay hòa nhập tư tưởng tôn giáo vi diệu này vào cuộc đời một tu sĩ, thi sĩ muốn bùng vỡ tâm thức sâu kín của ông đến phương tuệ giác nào chăng? Tình cảm tha nhân rộng lớn ư? Cái điều ỡm ờ lãng mạn nửa đời nửa đạo thật khác thường của Phạm Thiên Thư đã làm cho nhân thế ngẩn ngơ hoài nghi cái chân lý đạo giáo Thi sĩ đang theo đuổi. Một nhà sư biểu lộ tình cảm một cách hồn nhiên bộc trực quá quắt khác thường còn hơn những nhà tơ trữ tình ngoài đời quả là một ngạc nhiên thích thú: 
… Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ…
… Môi em mỉm cười
Mang  mang sầu đời, tình ơi!…
Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương.
(Pháp Thân)
Tuy nhiên công trình thi hóa Kinh Ngọc - Qua Suối Mây Hồng - Kinh Hiền - Kinh Thơ và Đoạn Trường Vô Thanh thực sự Phạm Thiên Thư đã tỏa sáng giá trị tuyệt đỉnh của ảnh hưởng cao xa Phật Giáo trong nền tảng văn học Việt Nam hiện đại. Vũ Hoàng Chương được đánh giá cao như một Bắc Đẩu của dòng thi ca lỗi lạc với nội dung chứa chan tình yêu quê hương, tình yêu giữa con người với con người, qua thể tính triết lý nhân bản khai phóng và từ ái của đạo giáo Á Đông, nhất là tính chất bất bạo động, cho dù phải thầm lặng chấp nhận sự hủy thể để cúng dường đạo pháp như trường hợp Lửa Từ Bi hay trong thơ Pháp Nạn như một thảm họa chung của Dân Tộc:  
… Bầy chim kêu thương
Nặng trĩu một trời oan khuất
Ngóng về Nam, về Bắc
Cả hai phương sừng sững dựng may thành
Sân chùa cây bật gốc
Triền miên tử khí vây quanh
Giờ cúng trái hãi hùng mưa gió
Từng tiếng kêu bé nhỏ
Rào kẽm gai xé nát hồi thanh
Cá dưới khe vọng về đông khắc khoải
Sao lắng nghe từ màu xanh
Của sông phiêu lưu của biển tung hoành
Chỉ thấy nước hồ ao nằm trong tù độc thoại
Muôn trùng cửa khóa
Hơi bốc lên mùi máu còn tanh
Biển cuốn về bao nhiêu góc
Sông chia làm mấy mươi ngành
Bọc trong gai, nghẹn lời kinh
Giạt về đâu lúc tâm tình nửa khuya
Nhưng đá núi đây
Và lá rừng kia
Căm thù gan héo nát
Mồ hôi nước mắt tháng  năm đầy
Thoắt đã cùng chim cá
Vùng lên tất cả

Niệm mười phương Phật hướng về Tây
Cờ phất năm màu rợp sử xanh
Một phương chim Việt ngóng mây lành
Cản tay bao ngược liều bom đạn
Nỗi từ bi giải sắt đanh
Phật hiện bóng lên người vững bước
Trời quay mặt lại quỷ rơi nanh
Rằng xe diệu pháp ba ngàn cõi
Một cõi này thơm vết đấu tranh… 
Những ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật Giáo trong thi ca chúng ta còn tìm thấy trong những tác phẩm của Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Tuệ Mai, Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Cao Mỵ Nhân, Nhã Ca… Trong mỗi Sát na của đời sống con người cuốn hút vào cơn lốc đảo điên của vọng tưởng. Qua bao nhiêu sinh diệt của kiếp người, tâm động triền miên như sóng vỗ vào ghềnh đá. Thời gian trôi qua, lịch sử đã biến thiên theo từng giai đoạn thăng trầm. Con người đã tự chia phân từng biên giới ý thức hệ khác nhau.
Tự trói buộc vào sự ích kỷ đầy trầm thống khổ đau, u minh mê muội, đã phá sản bản chất từ thiện uyên nguyên. Như những đứa con của Mẹ qua cơn bão lửa khủng khiếp trên quê hương đã xuôi ngược bạt ngàn trên khắp cùng thế giới.
Cuộc hành trình vào miền đất tự do nghiệt ngã xót xa, ở nơi chốn lưu đày đất khách, lúc nào tâm tưởng cũng hướng về nơi nguồn cội sinh thành. Ở đó hình ảnh mái chùa cong ẩn sau vòm lá xanh biếc, hồi chuông công phu sớm chiều tỏa rộng trên dòng sông êm ả, tỏa ngát trên những cánh đồi đầy sương mai, dìu dặt trong thinh không buổi hoàng hôn hiu hắt vàng trên đỉnh núi: 
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồng sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng 
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách  mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Tôi  nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
(Huyền Không)
Đi đâu rồi cũng cảm thấy  mình cô đơn buồn nhớ quê nhà. Nỗi niềm thương cảm vẫn ray rứt như vết chàm khó phai trong tâm kham người đi. Thi sĩ Huyền Không đã thể hiện trung thực nỗi cảm hoài đó trong bài thơ Nhớ Chùa:
… Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tan thương dù có bao  nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẫn nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống  muôn đời của tổ tông
(Huyền Không)
Đời sống chưa hẳn chỉ có nhu cầu vật chất cơm ăn áo mặc, tiện nghi đầy đủ, sẳn sàng phục vụ thể xác tối đa, nếu cứ buông thả tự biến mình như con ốc vô tri buồn thảm trong guồng máy thực dụng.  Con người vôn dĩ là "cây sậy có tư tưởng" (Pascal) nên chúng ta cưu mang trăm ngàn mối tư duy, xem cuộc sống như mây trôi, như nưốc lũ qua cầu, trở về cõi an nhiên tự tại để chiêm nghiệm nỗi niềm xót xa của kẻ lưu đày nơi đất khách mơ về quê cũ:
Giọt sương khuya đọng ba ngàn cõi
Tịch mịch trầm tư ngọn cỏ bồng
Vết trăng loang lổ trên thềm vắng
Ai bảo dùm ta lẽ có không
Vẫn một cành mai xa xưa cũ
Mang đầy bản vị thuở ban sơ
Có chi trường cửu trong ttần thế
Bên thềm trăng vẫn sáng lung linh
Cỏ bồng, đêm vắng sương khuya giọt
Vô tận thời gian câm lặng qua
Ngày đi đêm lại sương đong trọn
Vô lượng hà sa thế giới trung
Điệp trùng chuỗi xích Hoa Nghiêm kết
Quê cũ đường xưa mây lửng lơ.
(Viên Lý)
Cho dù không gian, thời gian nào, những nhà thơ nhà văn Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước những phá sản tâm hồn, tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.  Chúng ta ghi nhận những đội ngũ văn hóa như Võ Phiến, Mai Thảo, Du Tử Lê, Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Nguyên Sa, Nghiêu Minh, Nguyễn Mạnh Trinh, Luân Hoán, Vi Khuê… Ngoài những thi phẩm chất chứa tình quê, nỗi nhớ nhung quá khứ êm đềm, còn ẩn dụ trong tư duy sâu thẳm, lối đi về thiên cổ vượt tới bến bờ Bát Nhã Chân Như trong những trang thơ nguồn thiền như huyễn của Thi sĩ Nghiêm Xuân Hồng:
… Học người Đồng Tử miền Hoa Tạng
Túy lúy càn khôn một lỗ lông
Thấy Sái - Cam Lồ bừng chiếu sáng
Hào quang muôn trượng - dạ thong dong
Đáy nước mò trăng trăng nào thấy
Chỉ thấy muôn vàn đốm lửa yêu
Hãy mò Tâm để quang lồng lộng
Một điểm không hư vạn kiếp đầy 
Từ ngày ở quê nhà, nữ thi sĩ Tuệ Nga đã tạo hướng thơ độc đáo tỏa ngát hương Đạo Từ Bi, bàng bạc nét vẽ Thiền Môn Tịnh Lạc. Ở hải ngoại, hơn hai mươi năm qua, cõi thơ Tuệ Nga vẫn tiếp tục lên đường với hành trang đầy đạo hạnh và chứa chan tình tự quê hương: 
… Chiều về mây trắng đan tơ
Mây nghiên thung lũng nghe bơ vơ sầu
Thoảng xa chợt tiếng kinh cầu
Gió chiều thanh thản nhiệm mầu Nam Mô
Đêm về kệ biến thành thơ
Dòng xanh xanh ngát lờ hoa Chiên Đàn
Nam Mô Vô Lượng Thọ Quan
Lại nghe thanh thoát ngân vang chuông hiền
Như dòng suối mát triền miên
Búp Lan Vừa Nở cánh trên giấy hồng
Đất trời một thoáng Hư Không
Lời Thơ Tiếng Kệ bềnh bồng hoa mây
(Búp Lan Vừa Nở)
Tập thơ đầu tiên cũng là tập thơ duy nhất của nhà văn Mai Thảo "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền" ấn hành ở hải ngoại có nhiều bài ảnh hưởng sâu xa tư tưởng Lão và Phật Giáo. Cái thân chẳng khác căn nhà trú tạm ở thế gian. Cuộc rong chơi đầy men say và văn chương lý thú, khắp cùng với bằng hữu cho đến ngày mỏi mệt và nằm dưới bóng mát Phật Đài vĩnh hằng cực lạc:
Nằm đây dưới bóng cây xanh
Nhìn qua lá biếc lại xanh sắc trời
Mát thơm đất trải bên người
Nghe trong ẩm lạnh da người cũng thơm
Đất lên hương, thấm qua hồn
Nghe Vui thoáng đến với Buổi thoảng đi
Giữa giờ trưa nắng uy nghi
Bóng vây vây nhẹ hàng mi cúi đầu
Người nằm nghe đất bao lâu
Tai nương ngợ tiếng đời sau thở dài
Lung linh sóng nắng đan cài
Cõi Trong điệp điện Cõi Ngoài mang mang
Chợt đâu rụng tiếng phai tàn
Rơi ngưng nửa dáng nắng vàng trôi qua
Linh hồn thiếp giữa triều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhòa quanh thân
(Nghe Đất) 
Vốn dĩ đã có Phật tính trong tâm hồn, nên cho dù ở cõi thơ nào của sáng tạo, những nhà thơ Việt Nam đều chuyên chở những ý niệm Phật giáo, như trường hợp Du Tử Lê đã biểu lộ trong bài Sơn Tự Thi khi tỏ tình với người yêu bằng triết lý hiện sinh đầy giây oan trói buộc. Ông không thánh hóa tình yêu vào những trang kinh mầu nhiệm, những thi sĩ cảm nhận sự hiện hữu "cành hoa tay Phật: lòng Ca Diếp" tuyệt vời ở chung quanh đời sống:
… Người trốn vô kinh vẫn thấy đời
Khắp cùng sơn tự ảnh hình tôi
Đừng quên sẽ chẳng bao giờ nhớ
Ai khảo ra mà ngươi cung khai
Nếu hiểu rồi ra là cát bụi
Kinh nào uyên áo hơn vô ngôn
Sơn tự là tôi em hãy trú
Có cũng xong. Mà không cũng xong
Hãy khép trang kinh trả lại đời
Cứ gì sơn tự mới an vui
Ủ hương cuối kiếp cho nhân loại
Ngã mạn đời sau, em của ta
Diện bích ngàn năm vẫn bất an
Nhờ em thưa lại với Quan Âm
Cõi tâm tôi trụ nơi nào nhỉ
Phải chính tình em? Chính mắt em…
Thế giới thi hóa tình yêu là ngôn ngữ vượt thoát tới đỉnh cao tuyệt vời của nghệ thuật, của sự thăng hoa đích thực chân thiện mỹ, vì thơ là sứ giả của Tình Thương và Hòa Bình đã đưa nhân loại gần gũi nhau hơn.
Những ý thức sâu xa bén rễ từ máu huyết tư tưởng Phật giáo hơn hai mươi thế kỷ, Dân Tộc Việt Nam đã từng biểu hiện bản chất hiền hòa, nhân hậu, không thù hận lâu dài. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Không có chiến công nào oanh liệt bằng chiến thắng tự lấy tâm mình. Trong kinh Pháp Cú đã dạy: "Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp kéo đến như bóng theo hình".
Chúng ta hãy tưởng tượng một cách hạnh phúc, một ngày nào đó trên quê hương Việt Nam, đích thực có mùa Xuân thanh bình Tự Do Dân Chủ thực sự, sớm chiều tiếng chuông ngân vang, tiếng trống trường khua giữa tiếng cười trẻ em rộn rã vào lớp học. Chuyện đầu sông hay cuối sông không còn là nỗi ly cách triền miên.
Người đã gặp lại người như câu chuyện trùng phùng lịch sử của đàn con yêu dấu Mẹ Âu Cơ. Những bão tố đau thương sẽ tan đi, tâm sẽ lắng đọng như mặt hồ tĩnh lặng. Tất cả rồi sẽ tan chìm trong mỗi phút giây đời sống phù trầm oan nghiệt. Cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn, rực rỡ hơn, tương lai êm đềm như suối nghe kinh, chim cúng trái, hoa Vô Ưu tỏa ngát hương trần gian.
Mùa xuân đạo hạnh chứa chan trong lòng nhân thế, mọi giấc mơ an lành hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện sớm trở thành sự thật.
Thái Tú Hạp 
Nguồn: Vanhoaphatgiao
Theo https://nguoiphattu.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...