Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Một mình tôi đi - Lặng lẽ nơi này

Một mình tôi đi - Lặng lẽ nơi này 
Mình đã nghe nhạc Trịnh mấy mươi năm rồi - nhiều năm ôm ấp một mối tình âm nhạc. Nếu nói là chung thủy thì thật là khó vì thời gian vẫn đang còn đứng đợi ở phía trước. Mối tình ấy cũng có nhiều thăng trầm lắm ấy chứ. Ngày là học sinh trung học mới nghe và yêu nhạc Trịnh mình chỉ dám nghe trộm, hát thầm vì e rằng có người cho là mình khác người, khác đời và khác lứa tuổi. Đến khi vào học Đại học thì nó được bộc lộ và toả sáng. Mình tìm thấy nhiều tâm hồn đồng điệu, đồng sở thích và cách cảm, cách nghĩ về nhạc Trịnh Công Sơn. Đến gần đây mình mới sống thực sự theo sở thích vì mình biết dù không hiểu nhưng vẫn có người trân trọng những giá trị nghệ thuật ấy. Mình lại nghe và hát nhạc Trịnh như xưa dù vẫn có người dị ứng với nó.
Tôi đã say mê nghe nhạc Trịnh vì tìm thấy một sự đồng điệu như thế, đặc biệt trong những đêm khuya ngồi một mình lắng nghe tiếng đêm, tiếng lòng, tiếng đời. Tôi mê đắm nhạc Trịnh được hòa âm theo lối đơn giản: giọng hát lảnh lót của người ca sĩ trên nền guitar thùng. Tôi đã quá yêu mến những bản tình khúc Trịnh Công Sơn trong suốt nhiều năm qua mà không hay để ý những ca khúc về thân phận, những ca khúc phản chiến của ông. Cho đến một buổi chiều gần đây, ngồi một mình nghe nhạc Trịnh, lặng buồn nhìn thời gian qua giọt cafe, mà tâm trạng đầy buồn bã, mệt mỏi cô đơn vì quá nhiều hoang mang tôi gặp trong cuộc sống. Giọng hát Thái Hòa vang lên với những ca từ đầy ám ảnh khiến tôi rớt nước mắt trước hạnh phúc và thân phận con người:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
… Đời như vô tận
Một mình tôi về

Một mình tôi về với tôi”
Đó là những giai điệu da diết, khắc khoải và những ca từ khiến tôi phải suy tư nhiều của bài “Lặng lẽ nơi này”. Tất cả cứ nhẩn nha, từ tốn, lặng thầm nhưng in sâu trong tâm trí người nghe. Nghe bài hát tôi luôn liên tưởng đến những đối cực, những sắc thái cảm xúc va chạm, tương tranh nhưng cũng đồng nhất tạo nên bản thể cuộc đời con người, bản thể của tình yêu:
“Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi”
Tình yêu là vậy, là mật ngọt trên môi và mật đắng trong đời. Ai đã sống trong tình yêu hẳn sẽ cảm nhận được cái hạnh phúc ấy, cảm giác về hạnh phúc mà đôi khi con người ta chấp nhận đánh đổi để có được nó.
“Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời”
Đến đây thì cái đắng dường như đã lấn át lên tất cả. Cái còn lại là “vị đắng” nhiều hơn, thấm hơn. Bởi vì cái mật ngọt ấy nào phải ai cũng cảm nhận được, có khi chưa kịp nắm bắt thì đã đi qua. Nhưng cái ” mật đắng” kia thì không phải chỉ tồn tại ở một khoảng khắc hay một quãng thời gian nhất định nào đó nữa, mà đó là cả CUỘC ĐỜI.
Thế nhưng, dù thế nào, thì tình yêu luôn là nỗi khát khao, bởi vì tình yêu là thuộc tính của trái tim con người, và đã yêu là không hối hận, đã yêu là không thể cưỡng lại, hoặc cưỡng lại là điều không thể bởi:
“Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai…”
Chút dư tình ngọt ngào của nó chỉ thoảng qua như hồng phai trước ngõ, còn dư vị đắng cay, chua xót của sự chia ly, tan vỡ lại theo ta suốt trong đời.Cứu cánh cuối cùng của cuộc đời để người ta bấu víu vào lại trượt dài. Tất cả đều dần xa rời tầm tay. Tình yêu lớn lao nhưng cũng quá nhỏ hẹp. Cuối cùng chỉ còn lại một mình ta trong cuộc đời:
“… Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối”
Tình yêu như biển khơi khiến con người lạc lối. Chút hy vọng cuối cùng là tình yêu đã không còn. Em đã ra đi cùng tình yêu để ta lạc lối, để ta u hoài:
“Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi…”

Dường như có một sự nghịch lý trong cách sử dụng ngôn từ ở đây. Thành ngữ “sông cạn đá mòn” thường chỉ tình yêu thuỷ chung, gắn bó sâu nặng thì ở đây Trịnh dùng nó với hàm ý chỉ sự phôi pha. Tất cả đều ra đi, tất cả đều xa dần con người từ tình yêu biển rộng đến chút dư tình xa vắng, từ em ra đi đến vầng trăng treo đầu con sóng cũng vụt biến mất. Những hình ảnh đều chỉ tính chất bao la, vô tận nhưng nó là sự tận cùng của sự cô đơn, của những mất mát trong đời. Tất cả những gì giao cảm đều trôi đi, mất mát dần theo thời gian và không gian. Và đồng hành với con người không phải là sự tri âm, không phải là người yêu vì “Từng người tình bỏ ta đi những dòng sông nhỏ” mà là nỗi cô đơn dằng dặc, là nỗi đau đầy vơi hiện hữu ngay trong hiện tại, với nỗi buồn như nhỏ máu.
Tình yêu đã mất, tuổi trẻ không bền, hạnh phúc qua đi, một mình ta lại về với ta:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Đờ như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi”
Sự tồn tại của con người như một hạt cát nhỏ nhoi giữa trời cao đất rộng, giữa cuộc đời vô tận. Một mình lặng lẽ nơi này để tìm về với chính bản thể. Cái cảm giác mất mát, hư vô luôn ám ảnh và đeo đuổi con người. Nền nhạc Violon réo rắt và lối hát nhẩn nha như đếm ra từng nỗi lòng trong tâm hồn. Nó để lại bao khoảng lặng đầy suy tư trong lòng người nghe khi bài hát kết thúc. Khoảng lặng đó cũng mênh mông như nỗi niềm của con người chỉ lặng lẽ đi về cuộc đời “với tôi”.
Lời bài hát: Lặng lẽ nơi này
Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời
Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai
Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối
Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi
À ơi nỗi đau này người
Tình yêu vô tội
Để lại cho ai
Buồn như giọt máu
Lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi.


Lê Trung Ngân
Theo https://bacsiletrungngan.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...