Võ Chân Cửu: Đi qua "đại mộng" trở lại
"quê
nhà" mang mang sầu vạn cổ
Trong những lúc cùng bạn bè uống rượu, tôi thường cao hứng đọc thơ Võ Chân Cửu,
những câu thơ ngông nghênh đầy kiêu bạc:"Người nói Đông Nam kẻ nói Tây
Thánh nhân ra đời vẫn chưa thấy
Đêm đêm trông sao trên bầu trời
Hiền nhân đời nay còn được mấy
Tà thuyết được thời rao nơi nơi
Ta muốn làm ma bay rong chơi
Làm ma còn có cháo lá đa
Làm người đói xin không ai cho..."
Cũng có những lúc đi qua một làng quê, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Phố chợ" của Võ Chân Cửu mà lòng buồn man mác trước cảnh bể dâu:
"Cố hương đèo nối ba truông
Đồn ma họp chợ bán buôn rộn ràng
Xưa theo chân mẹ về làng
Chỉ nghe gió thổi cát vàng mênh mông
Bây giờ xanh ngắt hư không
Trưa nằm nhắc chuyện viễn vông nhớ nhà
Làng xưa vắng bóng người qua
Nổi trôi phố chợ lòng ta ngậm ngùi."
(1974)
Võ Chân Cửu tên thật là Võ Văn Hưng, sinh năm 1952 tại Phù Cát, tỉnh Bình Định. Từ những năm cuối cùng theo học bậc phổ thông trung học, Võ Chân Cửu đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí văn học ở miền Nam. Năm 1972, khi mới tròn 20 tuổi, Võ Chân Cửu đã trình làng thi phẩm "Tinh sương". Và chỉ một năm sau, anh xuất bản tiếp tập thơ "Đại mộng". Trước năm 1975, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ, Vũ Hữu Định, Hoàng Ngọc Tuấn… là những cây bút có sức thu hút người đọc.
Sau năm 1975, Võ Chân Cửu làm báo, viết sách và tiếp tục làm thơ. Hiện nay anh định cư ở Bảo Lộc - Lâm Đồng. Từ năm 1990 đến 2015, Võ Chân Cửu liên tục xuất bản 4 tác phẩm, gồm: Ngã tư vắng trăng (Thơ - NXB Trẻ), Ngọn gió (Thơ - NXB Văn học), 22 tản mạn (NXB Hội nhà văn), Theo dấu nhà thơ (Tản văn - NXB Hội nhà văn).
Với tập sách 22 tản mạn, Võ Chân Cửu viết những câu chuyện văn chương được sắp xếp theo chủ đề văn chương và cuộc sống. Đây là cuốn sách có giá trị tư liệu văn học, giúp người đọc hôm nay biết thêm về cuộc sống văn học miền Nam trước năm 1975. Võ Chân Cửu giúp người đọc biết một phần nào về cuộc sống, những sinh hoạt văn chương, báo chí và những đam mê văn chương của những cây bút nổi tiếng như: Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Bắc Sơn, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Lương Vị, Vũ Hữu Định... Đặc biệt, những người yêu thích tác phẩm: “Hình như là tình yêu”, "Ở một nơi ai cũng quen nhau", "Cô bé treo mùng" biết được những ngày cuối cùng của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn trước khi từ giã cõi đời. Ở "22 tản mạn", thông qua những câu chuyện văn chương mang tính giai thoại, Võ Chân Cửu cũng đã nêu rõ quan điểm của mình về thơ: "... Dù bắt nguồn từ khuynh hướng hay trường phái nào, tác phẩm văn chương, nhất là thơ ca cũng phải từ cảm xúc con người.
"Khi cảm xúc bị tác động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu. Đó được gọi là Thơ. Như vậy, Thơ dùng biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người". Định nghĩa mang tính nhập môn ấy hình như được công nhận trên toàn thế giới. Nhưng có một ngày những người cầm quyền lại phủ nhận, bắt thơ phải phục vụ cho điều này, điều nọ... Từ đó cho rằng những vần thơ không xuất phát từ cảm xúc hiện thực không phải là thơ. Họ quên mất khả năng "linh cảm" của thơ...". Nhiều người tán đồng quan điểm của Võ Chân Cửu. Chúng tôi không thích bình giảng thơ theo kiểu lý luận, cũng không quan tâm đến bài thơ ấy thuộc trường phái nào: Thơ cũ hay thơ mới, hiện sinh hay siêu hình, hiện đại hay hậu hiện đại. Với chúng tôi, khi đọc một bài thơ ta bỗng thấy như có dòng điện chạy xuyên qua người. Có bài thơ đọc xong bỗng tâm hồn ta thay đổi sắc thái. Đó là những bài thơ hay. Phần nhiều thơ của Võ Chân Cửu đã lay động tận sâu thẳm tâm hồn người đọc. Chính vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi trong "Tổng tập văn học miền Nam" (Phần thơ, năm 1999) nhà văn Võ Phiến đã giới thiệu thơ Võ Chân Cửu. Tên tuổi Võ Chân Cửu được giới thiệu cùng một lúc với các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Quách Tấn... Điều này chứng tỏ thơ anh có sức lan tỏa rộng.
Trong tập thơ "Đại mộng", chúng ta bắt gặp nỗi cô đơn của nhà thơ trong những phương trời miên viễn. Hình ảnh giữa thực và mộng đan xen, hư ảo, liêu trai trong thơ của Võ Chân Cửu:
"Tiếng ai hát dưới trời thiên cổ
Không có trăm năm, chẳng một ngày
Đằng đẵng nghìn năm, buồn cổ độ
Ta về, nước lạnh bóng trời mây
Ai đi, khói cũng chìm trong mộ
Tiếng hát nhân gian rụng những ngày"
(Trích bài thơ: "Tiếng hát")
Đi qua những phương trời viễn mộng, Võ Chân Cửu trở về lại quê nhà mang mang nỗi sầu vạn cổ. Hai bài thơ "Chùa cổ ven sông" và "Quê nhà" là “tuyệt chiêu” của Võ Chân Cửu. Võ Chân Cửu đã dồn toàn bộ tâm huyết và nội lực vào bài thơ "Quê nhà" - bài thơ ngũ ngôn trường thiên với 37 khổ gồm 148 câu thơ. Đây là bài thơ mang dấu ấn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Võ Chân Cửu:
"Ta thấy từ vạn cổ Ta đi từ bến mê
Mang một linh hồn nhỏ
Vô minh đưa lối về
Trăng sao giăng mờ tỏ
Trên mặt đất u sầu
Nhà ai còn bỏ ngõ
Tiếng buồn bay đêm thâu
Đêm nào chờ trăng lặn
Nghìn xưa sau bên hồ
Khi thấy trên trời vắng
Khói sương đã phủ mờ
Đêm nào trong rừng vắng
Theo gió bay qua đồi
Tâm tư còn nghe nặng
Khi sương tan khắp trời
Đêm nào bên nấm mộ
Nghe đất nói gì đâu
Riêng ta và hoa cỏ
Cùng đối bóng trăng thâu...
Cô độc dặm tà dương
In dày qua núi biếc
Mây trắng miền cố hương
Bay dưới chân người bước
Vầng trăng soi hư không
Chốn nào ta trở lại
Bước chân ngoài mênh mông
Nghe thấy đời xa mãi
Mây bay từ thiên cổ
Cùng nhau trời đất tan
Ta một linh hồn nhỏ
Vơ vẩn miền Đại Hoang."
(Trích bài thơ: "Quê nhà")
Đọc "Quê nhà" của Võ Chân Cửu, trong lòng chúng ta chợt nhẹ nhàng ngân lên ca từ của Trịnh Công Sơn: "Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”, thảng thốt nhớ đến 2 câu thơ của Quách Tấn: "Chớp mắt ngàn thu quạnh/ Về đâu chiếc lá bay". Và, chúng ta đồng cảm với Võ Chân Cửu "nghe mây trắng chảy cùng sông".
La Gi, mùa bấc biển 2015
Lê Ngọc Trác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét