Cảm xúc mùa xuân trong âm nhạc
Những ca khúc viết về mùa xuân luôn ẩn chứa trong đó niềm vui
say, háo hức, rộn ràng. Bởi mùa xuân luôn là khúc hoan ca của đất trời và lòng
người, của tuổi trẻ, của đam mê và khát vọng. Và đó cũng là mạch nguồn khơi gợi
bao cảm xúc sáng tạo của các nhạc sĩ.
Nếu mùa xuân kháng chiến mọi người hướng về tiền tuyến, mang
một tình cảm sâu nặng thì mùa xuân của hòa bình họ tự do trong cảm xúc, vì thế
âm nhạc phong phú, đa dạng hơn. Bức tranh mùa xuân trong âm nhạc lộng lẫy luôn
làm cho ta có cảm giác trào dâng khát vọng sống. Nhiều ca khúc viết về mùa xuân
đã đi cùng năm tháng như: Hoa cỏ mùa xuân - Bảo Chấn; Mùa xuân đến rồi đó - Trần
Chung; Cung đàn mùa xuân - nhạc Cao Việt Bách, lời Lưu Trọng Lư; Lời tỏ tình của
mùa xuân - Thanh Tùng; Phút giao thừa lặng lẽ - Huy Tuấn và Anh Quân; Một nét
ca trù ngày xuân - Nguyễn Cường; Đảng cho ta một mùa xuân - Phạm Tuyên...
Ca khúc “Hoa cỏ mùa xuân” do diễn viên Trung tâm Văn hóa,
Thông tin và Thể thao thành phố biểu diễn tại chương trình
ca, múa nhạc Chào năm mới năm 2019.
Trong âm nhạc, mùa xuân luôn được ưu ái bằng những ngôn từ
lãng mạn, sinh động nhất. Nhắc đến những khúc ca xuân phải kể đến ca khúc Mùa
xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình
thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay
trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một tia nắng vui cho bao tâm hồn...”. Ca
khúc do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1976 nhưng đến năm 1996 mới chính thức được
vang lên rộng rãi. Ca khúc không sôi động mà trầm lắng, bồi hồi, bâng khuâng
nhưng lại khiến người nghe có cảm giác nghẹn ngào, cảm động với tiết tấu dìu dặt,
êm ái. Càng về sau bài hát càng cuốn hút người nghe hơn với giai điệu da diết:
“Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết
yêu người…”. Ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện và được biểu diễn trong các
chương trình xuân trên sóng truyền hình.
Nhạc sĩ Dương Thụ có nhiều bài hát về mùa xuân như: Hơi thở
mùa xuân, Bài hát ru mùa xuân... và Lắng nghe mùa xuân về là một trong những ca
khúc của ông được khán thính giả yêu thích nhất. Ca khúc đã trở thành một giai
điệu đẹp, hiện đại với một mùa xuân tươi trẻ, ấm áp và đầy lãng mạn: “Phải
chăng mầm non mùa xuân đang hé nở. Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở. Phải
chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa. Khi anh trông em ung dung bên thềm nhà.
Kìa tiếng chim rộn hót xa vời, cánh hoa đào bỗng như cười, báo tin mùa xuân về!...”.
Cứ mỗi độ xuân về, ca khúc Một mùa xuân nho nhỏ (thơ Thanh Hải)
do nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc lại được vang lên. Hình ảnh của một mùa xuân rất
Huế của Thanh Hải đã được nhạc sĩ Trần Hoàn đồng cảm đến từng hơi thở: “Mọc giữa
dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc. Ơi con chim chiền chiện, hót chi mà vang
trời, từng giọt long lanh rơi, tôi đưa tay hứng về”. Có lẽ, với một cảnh trí rất
đỗi thanh bình của hoa tím, sông xanh, của tiếng chim với ca từ rộn ràng náo nức,
phấn chấn của lòng người trước một “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất
nước như vì sao/ Vững vàng phía trước” để rồi đến những câu kết đậm cảm xúc trước
cảnh núi sông liền một dải: “Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình...”.
Cả tác giả thơ và nhạc đều lắng nghe tiếng chim hót, cảm nhận màu sắc của vạn vật
bằng trái tim, bằng trí tưởng tượng, bằng sự liên tưởng hết sức độc đáo.
Mùa xuân đang tràn về khắp muôn nơi, mùa xuân mang đến cho
các nhạc sĩ nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung những xúc cảm dâng trào. Những
rung động ấy là động lực khơi gợi sức sáng tạo để từ đó các nhạc sĩ có thêm những
tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước, mùa xuân của tình yêu...
Thúy Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét