Nhạc sĩ Văn Dung
Khi những ngày xuân đang dập dồn gõ cửa, phố phường nhộn nhịp,
lòng người chộn rộn, náo nức, hân hoan. Có lẽ trong bốn mùa xuân hạ thu đông,
người nhạc sĩ bao giờ cũng ưu ái mùa xuân nhiều hơn cả. Chính vì thế các tác phẩm
xuân ra đời như một dòng chảy thôi thúc của cảm xúc tràn vào lời ca và âm điệu,
tạo thành bản tình ca xuân khơi gợi, dẫn dụ lòng người.
Từ “Mùa xuân đầu tiên” (Văn Cao), “Lời tỏ tình của mùa xuân”
(Thanh Tùng) đến “Lắng nghe mùa xuân về” (Dương Thụ), “Việt Nam ơi, mùa xuân đến
rồi” (Huy Du), “Mùa xuân đến rồi đó” (Trần Chung), hay “Mùa xuân nho nhỏ”
(Thanh Hải), “Mùa xuân làng lúa làng hoa” (Ngọc Khuê)…
Và có một nhạc sĩ năm nay tuổi đã ngoài 80, trên con đường âm
nhạc của mình, sáng tác cả chục ca khúc về mùa xuân, tình xuân mà ở đó là không
gian xuân rất riêng, đặc trưng của vùng núi Tây Bắc: “Em và sắc trời biên giới”,
“Em đứng đó mùa xuân”, “Lên Tây Bắc mùa xuân” hay mùa xuân của miền quê quan họ
với “Câu hát giao duyên em chờ anh”... Đó chính là nhạc sĩ Văn Dung, tác giả của
ca khúc nổi tiếng: “Những bông hoa trong vườn Bác”.
Nhạc sĩ Văn Dung tiếp chúng tôi trong căn phòng khách tầng 1,
mà chỉ qua cánh cửa sắt là con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo với khoảng trời nhỏ, mưa
xuân đang tí tách rơi. Đất trời Hà Nội vào những ngày giáp Tết se se lạnh, bảng
lảng mây mù, ngõ phố nhộn nhịp, thì trong căn phòng, người nhạc sĩ khả kính ngồi
đó nói về mùa xuân.
Ông bảo ta hãy lấy cái tít là: “Nhạc sĩ Văn Dung và những ca
khúc về mùa xuân”. Phải nói thêm rằng bên cạnh một con người nhạc sĩ tài hoa
thì ông còn là một nhà báo thực thụ, ông đã viết hàng nghìn bài báo từ thời “xẻ
dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ông là một người
trân trọng bản thân mình, yêu kỉ niệm, giữ gìn từng khoảnh khắc hạnh phúc đơn
sơ mà không kém phần nồng đượm.
Nhạc sĩ Văn Dung cho tôi xem lời nhận xét về ông, về âm nhạc
của ông từ những người bạn nhạc và những bài phỏng vấn ông thật sự tâm đắc. Tôi
đồ rằng thỉnh thoảng rỗi rãi ông vẫn lôi ra đọc. Những nhạc sĩ như Tân Huyền,
Chu Minh, Hồng Đăng, Huy Thục và cả thế hệ sau này như An Thuyên đều ca tụng nhạc
sĩ Văn Dung cũng như con đường âm nhạc của ông, và ông cũng rất tâm đắc về điều
đó. Như thể trong sáng tác, người nhạc sĩ đã bắt gặp những người bạn tâm giao,
tri âm, tri kỷ. Âm nhạc chính là tiếng tơ lòng của người nhạc sĩ cũng như Maxim
Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”.
Nhạc sĩ Văn Dung
Ông có lối nói chuyện dí dỏm, hài hước, vốn hiểu biết sâu rộng
như một nhà hiền triết đắc đạo. Điều đặc biệt hơn là ngọn lửa nghệ thuật trong
ông lúc nào cũng bập bùng cháy sáng. Có ai đó đã nói: “Nghệ sĩ không có tuổi”,
điều đó đúng với nhiều người và càng đặc biệt đúng với nhạc sĩ Văn Dung. Ông bảo:
“Người ta vẫn mơ thấy được mùa xuân vì qua những ngày đông buốt giá, mùa xuân đến,
đất trời vạn vật cây cối chim muông sinh sôi nảy nở, con người với những ước
mơ, khát vọng về cuộc sống yên bình hạnh phúc. Chính mỗi người chúng ta là một
mùa xuân và ta phải tìm thấy nó”.
Nhạc sĩ dí dỏm cười, bảo: “Sau ngày đất nước giải phóng, tôi
lên vùng cao Tây Bắc, đến Sơn La, bắt gặp người con gái tôi yêu. Tôi nhìn em là
thấy cả một mùa xuân nồng nàn đầy hương sắc và sức sống. Một tình xuân dạt dào,
đầy cảm xúc. Em chính là mùa xuân của tôi chứ còn đi đâu tìm nữa.
Và, bài hát Em đứng đó mùa xuân ra đời được nhiều ca sĩ thể
hiện, Hồ Quỳnh Hương cất giọng hát mà sau này người ta mê mẩn cô gái vùng cao:
“Chập chùng, chập chùng núi, mênh mông, mênh mông rừng. Đường về bản em còn xa.
Đường về Sơn La mùa xuân. Hoa ban trắng ngát tỏa hương cho đời. Hương hoa thơm
ngát lưng trời. Cúc bạc long lanh vuốt ve tay áo. Bồi hồi lòng em con suối rì
rào…”. Quả thật, ông đã thổi vào không khí xuân sự tươi mới của ca từ và âm điệu
rổn rảng, một nhạc sĩ đích thực tài hoa và cũng thật đa tình.
Từ say mê cô gái vùng cao miền Tây Bắc có không gian bao la
khoáng đạt với mênh mông núi, mênh mông rừng, những cánh hoa ban trắng ngát, suối
róc rách, rì rào, con người đa tình này lại đến với miền quê quan họ nơi đồng bằng
mà ở đó là những liền anh, liền chị với nón quai thao và áo tứ thân có văn hóa
mời trầu, kết bạn, hay giã bạn, bài hát Câu hát giao duyên em chờ anh: “Mùa xuân
ai đi tìm ai. Nón quai thao em qua sông dài. Mùa xuân anh đi tìm em qua miền
quê như trong huyền thoại…”. Chất trữ tình, chất xuân mơn mởn bằng ca từ và âm
điệu đã mở ra một không gian xuân đầy sức sống, với tình yêu đôi lứa nồng nàn,
say đắm, mộng mơ, lãng mạn.
Nhạc sĩ Văn Dung người mảnh khảnh, nụ cười thường trực trên
môi, tay run run, nhưng giọng nói thì khỏe khoắn và dáng điệu vẫn tinh anh,
nhanh nhẹn.
Nói đến mùa xuân ông hào hứng hẳn, bên cạnh đàn piano được phủ
tấm voan vẫn để nguyên đó, ông hát chay thôi, giọng lên bổng xuống trầm, không
nhạc cụ nhưng âm điệu rõ ràng và đầy khí thế, say sưa: “Chiến sĩ ghìm cương ngựa,
vuốt bờm đầm mồ hôi. Cất cao đầu ngựa hý giữa núi non lưng trời. Nghe tiếng ngựa
về qua bản làng lòng hân hoan, vui đón mùa xuân sang đồi nương tràn nắng ấm. Tiếng
ai, hát ru từ những bản làng, với tôi tháng năm trên những nẻo đường. Cỏ cây
núi sông sao thân thương quá. Trời đất biên cương trong tôi nỗi nhớ. Như tình
em trao tôi hương sắc nồng nàn, như mùa xuân về đây cùng cánh chim. Như mùa
xuân về đây cùng sắc hoa và tiếng hát em giữa trời bao la”.
Dừng lời, ông bảo: “Đây chính là đoạn một của ca khúc Em và sắc
trời biên giới.Đó là năm 1976, sau khi đất nước toàn vẹn lãnh thổ được một năm,
ông cùng các nhạc sĩ Văn Ký, Tân Huyền, Chu Minh đi lên Tây Bắc để viết về bộ đội
biên phòng. Dọc đường đi, đồi đá lởm chởm, khúc khuỷu, cuộc sống khó khăn thiếu
thốn, nhưng người chiến sĩ vẫn chắc tay súng để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Văn Dung nhìn những người chiến sĩ biên phòng gầy gò,
thiếu thốn và đầy rẫy gian khổ giữa trùng điệp của núi rừng hùng vĩ và từ đó
ông đã xây dựng nên tượng đài chiến sĩ bộ đội biên phòng lừng lững đầy khí thế,
hiên ngang, oai hùng bằng ca từ và âm điệu. Ông bảo: “Gốc văn hóa của âm nhạc
chính là lòng nhân ái”.
Nghệ thuật là sự thăng hoa của cảm xúc được thể hiện bằng sự
tài hoa và cái nhìn nhân ái của tác giả. Bài hát Em và sắc trời biên giới,
đối lập với hiện thực thiếu thốn đói khổ là một tình cảm đẹp và tinh thần lãng
mạn, bay bổng. Cả người nhạc sĩ và chiến sĩ đã sống trong tinh thần đầy say mê,
chính tinh thần ấy đã nuôi dưỡng để con người ta trưởng thành và vượt qua những
ngáng trở dù khó khăn, lao khổ đến mấy. Nhưng ca khúc này chỉ hoàn thành được
đoạn một và bài hát cất vào kho bí mật mà chưa được phổ cập như hiện nay.
Phải 20 năm sau, năm 1996, một sự tình cờ như là cơ duyên, nhạc
sĩ Văn Dung bắt gặp được bài thơ của nhà thơ Dương Kiềm, ngay lập tức nhạc sĩ
đã tìm ra mã khóa để hoàn thành ca khúc còn dang dở.
Vậy là khổ hai, lời thơ của nhạc sĩ Dương Kiềm và nhạc của nhạc
sĩ Văn Dung lại được cất lên: “Xuân đi giữa biên cương mây mù giăng qua suối.
Rừng trắng, phấn măng gửi tặng em năm mới, mà anh như gió xuân không mỏi, mang
đầy hương núi, hương hoa. Anh lại đi trên đường đầy hoa, bản em kèn vui đỉnh
núi, bướm vàng khoe áo mới, bầy ong thức vội rì rào hoa ban…”.
Cả bài hát cho ta thấy hình tượng người lính biên phòng lừng
lững, to lớn, đồ sộ như một ngọn núi chứ không phải người lính ăn đói, mặc rét
của một thời kỳ đất nước khó khăn sau giải phóng. Đối lập với sự hủy diệt của
chiến tranh, gốc văn hóa của âm nhạc chính là lòng nhân ái.
Tháng 12-1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào
giai đoạn ác liệt nhất, Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội, lúc này nhạc sĩ Văn Dung và nhạc
sỹ Phan Nhân cùng nằm trong hầm trú ẩn. Sau đợt bom B52 dội xuống, thành phố
khói lửa hoang tàn, có sự ra đi của những người thân yêu nhưng nhạc sĩ Phan
Nhân đã viết ca khúc: “Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương
thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không
quên niềm thương đau…”.
Nhạc sĩ Văn Dung bảo: “Bom dội xuống thủ đô của chúng ta, làm
gì có ai cười đâu? Tại sao lại viết được như thế?!”. Chính vì lẽ đó, nhạc sĩ
Văn Dung đã viết một bài báo về nhạc sĩ Phan Nhân: Từ chú ếch con đến Hà
Nội niềm tin và hy vọng. Nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc bài hát của
nhạc sĩ Phan Nhân: “Kìa chú là chú ếch con/ Có hai là hai mắt tròn/ Chú ngồi học
bài một mình/ Bên hố bom kề vườn xoan…”.
Nhạc sĩ Văn Dung nhớ hết từng kỷ niệm, thuộc hết từng lời ca
của mình và của bạn. Ông chưa quên điều gì, tất cả phần ký ức của một đời sáng
tác chất đầy cảm hứng từ thơ ca, âm nhạc, trải dài theo biến cố thăng trầm của
lịch sử qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, và sau này là công cuộc
xây dựng xã hội chủ nghĩa được ông gói ghém ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn và hôm
nay đây, dưới sắc xuân phơi phới của đất trời, ông đã vui lòng bộc bạch.
6/2/2016
Trần Mỹ Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét