Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Bản sắc dân tộc, nét đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới

Bản sắc dân tộcnét đặc trưng của ngôn ngữ 
tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới
Bản sắc dân tộc là yếu tố làm nên nét đặc trưng, giá trị cốt lõi, độc đáo của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới. Bài viết tìm hiểu và chỉ ra các phương diện biểu hiện chủ yếu của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới: nhà văn sáng tạo ngôn ngữ mang tính hình tượng cao; vận dụng tự nhiên, nhuần nhị thành ngữ, tục ngữ, dân ca và lối diễn đạt của đồng bào dân tộc miền núi, khơi gợi cái không khí, cái hồn cốt, thần thái riêng của cuộc sống và con người miền núi. Bài viết cũng đánh giá khái quát mặt mạnh và mặt hạn chế trong việc thể hiện bản sắc dân tộc, nêu yêu cầu về việc giữ gìn bản sắc dân tộc và hiện đại hóa ngôn ngữ trong tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới.
1. Đặt vấn đề
Trong tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới (1986), với ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, độc đáo của miền núi và dân tộc, các nhà văn đã có nhiều cố gắng thể hiện và khẳng định bản sắc dân tộc trên nhiều phương diện của thể loại như đề tài, cảm hứng nghệ thuật, cốt truyện, giọng điệu, ngôn ngữ, nhân vật… Trong đó, ngôn ngữ là phương diện thể hiện nổi bật bản sắc dân tộc. Sự mộc mạc, giản dị, hồn nhiên, thi vị, giàu tính hình tượng cùng sức khơi gợi từ trong chiều sâu những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngôn ngữ đã giúp độc giả nhận ra đặc trưng văn hóa vùng miền khá rõ nét. Bản sắc dân tộc đã trở thành nét đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới.
2. Nội dung
Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới trước hết thể hiện ở tính hình tượng cao. Trong các tác phẩm, ngôn ngữ sinh động, giàu tính tạo hình thể hiện rõ nét ở xu hướng sử dụng “đậm đặc” phương thức so sánh, ẩn dụ, tượng trưng cả trong ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Các nhà văn đã vận dụng lối tư duy đặc trưng của người miền núi - tư duy cụ thể, trực quan để sáng tạo ngôn ngữ. Hiện thực đời sống, tâm tư, tình cảm của con người được họ quan sát, mô tả hết sức cụ thể, sinh động qua các hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, đặc biệt là so sánh. So sánh được dùng nhiều trong ngôn ngữ trần thuật. Các hình ảnh so sánh sinh động khiến cảnh thiên nhiên miền núi vốn đã đẹp càng trở nên thi vị hay hùng vĩ trong hình dung của độc giả: “Núi như những chàng khổng lồ khoác vai nhau giăng tận chân trời. Xen kẽ những ngọn đồi, và cánh đồng màu mỡ, những thảm nương xanh mướt khi mùa đang xanh; đâu đâu cũng đồi núi điệp trùng. Sương như mây phủ kín những đỉnh non cao...” (Chòm ba nhà - Cao Duy Sơn); “Thác Phja Bjooc đổ xuống từ độ cao gần sáu mươi sải tay. Triệu triệu những bụi nước từ dòng thác như tấm lưới khổng lồ tung lên trời cao, rồi trùm xuống vạn vật cách nó cả trăm thước” (Đàn trời - Cao Duy Sơn). Cũng có những cảnh thiên nhiên hiện lên cụ thể, rõ ràng: “Buổi sáng trên cao nguyên dịu dàng như cô dâu trong ngày cưới” (Trên đỉnh đèo dông bão - Đoàn Hữu Nam); “dòng nước ngọt như nước trong ống vầu, trong như rượu thóc” (Bóng của cây sồi - Đỗ Bích Thúy), gây ấn tượng mạnh mẽ: “… những giọt nước trên lớp cỏ vùi trong sương mù... Khi lờ lững, lúc cuộn như sóng băng qua những thung sâu, vượt lên những đỉnh núi như đàn ngựa tung vó, khiến ánh trăng thu vốn sáng là vậy phút chốc trở nên mờ tối” (Đàn trời - Cao Duy Sơn) hoặc dữ dội: “Trời về chiều, mặt trời đỏ như miếng tiết báo hiệu sẽ mưa đá, sấm rền” (Trên đỉnh đèo dông bão - Đoàn Hữu Nam); “Gió không thành cơn thành lớp mà cứ ào ào như đổ sỏi” (Thổ phỉ - Đoàn Hữu Nam)…
Ngôn ngữ kể, tả giàu tính tạo hình đã khơi gợi ở độc giả sự liên tưởng cao độ về một thiên nhiên vùng cao vô cùng sống động, đầy bí ẩn và kỳ diệu. Các hình ảnh so sánh, tượng trưng cũng giúp nhà văn phác họa chân dung con người miền núi chân thực mà sinh động hơn. Đó là những vẻ đẹp khỏe khoắn, đầy sức sống: “On xinh tươi khỏe khoắn như mầm cây” (Dòng đời - Hữu Tiến); “Trai thanh gái lịch, trai nụ gái hoa, trai non gái trẻ mặt sáng như gương, mắt long lanh như mắt họa mi, môi đỏ như cánh hoa mạ” (Mùa hoa Boóc Loỏng - Vi Hồng) hay duyên dáng, cuốn hút từ bước chân, vóc dáng: “… me là bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa trên đỉnh Phja Booc. Mỗi bước đi mềm mại hơn cả những dải mây hồng trong nắng” (Chòm ba nhà - Cao Duy Sơn). Đó là hình ảnh những con người chân chất, thật thà: “cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu, không bon chen, tị hiềm, đố kỵ” (Đàn trời - Cao Duy Sơn) hay những kẻ “lời ngon ngọt lòng lá ngón” (Thổ phỉ - Đoàn Hữu Nam). Những so sánh dày đặc trong tác phẩm của Vi Hồng đã lột tả sinh động những cung bậc cảm xúc, tâm trạng khác nhau. Trong tình yêu, trai gái bày tỏ lòng yêu tha thiết bằng cách ví von: yêu nhau quyện như “ong yêu mật”, cháy bỏng như “ngọn lửa bén bãi cỏ gianh khô” (Mùa hoa Boóc Loỏng - Vi Hồng), thậm chí dùng cả cái lối nói khoa trương dí dỏm, ngộ nghĩnh “dù trời có sập, chim có bay giật lùi, cây có mọc ngược chổng rễ lên trời thì em vẫn phải là vợ anh” (Vào hang - Vi Hồng). Còn người đau buồn thì lòng se sắt, héo úa “như lá dong héo phơi nắng, như lá khô rơi trong đêm sương muối” (Mùa hoa Boóc Loỏng - Vi Hồng). Trong ngôn ngữ nhân vật, cách so sánh, ví von, ẩn dụ cũng tạo nên sự sống động cho lời nói, biểu hiện lối nói quen thuộc, độc đáo riêng có của người miền núi. Trong Hoa mí rừng (Địch Ngọc Lân), nhân vật Yleng tỏ lòng biết ơn Thông đã cưu mang mẹ con cô: “Em thấy bộ đội Thông vất vả với em hơn con nai bơi ngược dòng sông lũ”; trong Trên đỉnh đèo dông bão (Đoàn Hữu Nam), nhân vật Lay khẳng định với dân bản về quyết tâm làm một cuộc cách mạng tư tưởng trong dân: “Cháu biết việc này khó như tay không bơi qua thác, nhưng nếu cả bản động lòng như ruốc cá, thì cháu tin không việc gì không làm được”. Trong Thổ phỉ, Đoàn Hữu Nam rất ưa dùng thủ pháp tượng trưng khi xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Các cuộc đối thoại của các nhân vật thường xuất hiện khá dày đặc những lời nói bóng gió, tượng trưng, cho thấy sự thâm trầm, sâu sắc của những người đã trải nghiệm nhiều gian nan, khắc nghiệt của cuộc sống. Chẳng hạn cuộc đối thoại giữa hai ông cháu cụ Giáo Choong về chuyện Dùn cháu cụ nhất định tham gia thổ phỉ:
“- Con người phải biết lấy phận mình, ở cành này với sang cành khác không gẫy cành thì cũng rơi xuống đất đấy… Đừng như con rùa mượn mai nữa…
- Cứ dao sợ gỗ rắn, gỗ rắn sợ dao mãi thì làm được cái gì.
- Mày phải biết ong có độc đến mấy nhưng gặp sừng trâu cũng phải chừa ra.
- Nhưng sừng trâu, sừng bò nào. Mưa gió bão bùng cuốn vạn vật vào cơn lũ ống thì đành chịu…
- Lý sự, lý sự… những kẻ lấy mồm làm cánh mà muốn che cả bầu trời, lấy tay làm vây mà định bơi qua bốn biển thì đúng thực là một lũ rồ.
- Nhưng chúng cháu…
- Lửa không nóng mà tro nóng, cái gì có thì bảo có, cái gì không thì bảo không, coi trái, coi phải, nhìn trước nhìn sau cho rõ… lời nói của ông khó vào tai cháu, nhưng cháu ơi, khỉ già biết cành cây khô, thấy cháu đang từ con đường sáng đi vào con đường tối thì ông nhắm mắt làm ngơ sao được…”.
Ẩn dụ, tượng trưng trong lời nhân vật không chỉ cho thấy sự thâm trầm, sâu sắc mà còn tạo nên sự bóng bẩy, thi vị cho lời nói, khơi gợi một phong vị rất riêng. Như lời của một chàng trai Tày ngỏ ý với cô gái anh yêu thương: “Slao ơi! Hoa kia chỉ có ong này cũng như sam - péc chỉ có anh tài mà thôi. Nếu hoa kia đã quyết khép cánh, thì ong này nguyện đậu trên cánh hoa mà chết héo chết khô… Ong lượn trăm vòng không tiếc sức chỉ mong hoa rộng cánh cho ong về, rộng lối cho ong lại” (Núi cỏ yêu thương - Vi Hồng).
Trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới, phép so sánh, ẩn dụ, tượng trưng đã được các nhà văn sử dụng như một thủ pháp tạo hình đặc trưng và hữu hiệu. Ở các hình ảnh so sánh, ví von, ẩn dụ, tượng trưng, không gian cảnh vật núi rừng, sông suối, bản làng đã trở thành đối tượng có giá trị độc đáo trong việc tạo hình, tái hiện sự sống, chuyển tải nhiều thông điệp khác nhau về cuộc sống và khí chất của con người miền núi. Lối so sánh, ví von, ẩn dụ, nhân hóa, tượng trưng ở đâycũng có bản sắc riêng. Nó không chỉ cụ thể, trực quan, giàu hình ảnh mà còn chứa đựng trong đó cái nhìn và cách cảm, cách nghĩ bộc trực, hồn nhiên, đôi khi hết sức dân dã của người miền núi. Trong Mũi tên ám khói, Ma Trường Nguyên kể: “Tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn rộng. Mường Cốc Tát trăm cái miệng thành ngọn thác, trăm cái tai thành tai rừng… nó lấy không được con vợ đẹp đổ núi lệch rừng”; Kim trong Bóng của cây sồi (Đỗ Bích Thúy) chỉ ước ao trong nhà có một người đàn ông “như cái cầu thang vững chãi” để “đặt chân lên đấy không phải sợ hãi”. Với sự hiểu biết kỹ và khả năng khơi sâu vào cái riêng, đặc sắc của vùng văn hóa, các nhà văn đã tạo nên một thế giới ngôn từ độc đáo trong các tiểu thuyết viết về miền núi. Những hình ảnh so sánh, ví von, ẩn dụ đặc sắc khiến cuộc sống được cắt nghĩa một cách giản đơn mà phong phú, sinh động. Đồng thời giúp độc giả hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc đời sống và con người miền núi, những bản thể người hồn nhiên, cương trực, quả cảm và vô cùng mạnh mẽ.
Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới còn thể hiện ở cách vận dụng lối nói, thành ngữ, tục ngữ, dân ca của đồng bào dân tộc miền núi
Không chỉ ưa lối nói ví von, so sánh, tượng trưng mà người miền núi cũng quen dùng thành ngữ, tục ngữ trong lời nói. Những châm ngôn giản dị được đúc rút từ trải nghiệm sống của nhiều thế hệ đã làm cho lời nói của họ trở nên thâm trầm, sâu sắc hơn. Nhiều nhà văn đã vận dụng một cách linh hoạt thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số vào ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Diễn tả sự xảo trá trong cách ứng nhân xử thế của những kẻ có quyền thế, trong Núi cỏ yêu thương, Vi Hồng miêu tả: “Họ Hoàng làm quan hay lật gan gà, lộn ruột lợn”;  Đoàn Hữu Nam nói về những tình thế trắc trở của các nhân vật cũng ví von: “Khi ông cởi bỏ được oan trái, được ra khỏi nhà lao, thì suối Hoa đã thành con trâu mắc sẹo, con cá trong chậu”; “Những kẻ thét ra lửa đang phải chịu uất ức của kẻ bị cướp mồi trước mõm đã nghe hắn, đã lẳng lặng múa dao trong sọt, ém mình chờ thời” (Trên đỉnh đèo dông bão); khát khao vượt gian khó để xây dựng lâu đài văn hóa ở La Pan Tẩn, thày giáo Thiêm tâm niệm thành ngữ Mèo: “Ba buổi sáng cũng đủ là một đời người! Thiêm vùng dậy… bên tai văng vẳng tiếng kẻng gõ từ đâu đó vọng về kích thúc lòng hăng hái” (Gặp gỡ ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng).
Khi tái hiện lời nói của nhân vật, nhất là nhân vật người dân tộc thiểu số, các nhà văn cũng tạo ấn tượng đậm đà sắc thái miền núi bằng cách xen một cách trực tiếp tiếng nói của đồng bào vùng cao vào lời nhân vật: “Riêng Thào A Chẩn, gạn hỏi mãi mới gãi đầu ngắc ngứ: “Mình nghĩ đã một lần ua đảng (vào đảng) rồi nên không cần đến dự nữa” (Gặp gỡ ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng); “Luùng a! Bà có biết không? Lúc đầu, khi nó còn ở trong nhà, tôi đã chĩa súng vào nó. Rồi tôi đếm. Diệt, i, pua, piây, pia, chứ!” (Chuyện của Lý - Ma Văn Kháng)… Hoặc dùng cách diễn đạt của người miền núi: “Tui nói thiệt, tui ưng miền Bắc to đẹp hung. Mai mốt thống nhất tui ưng bắt vợ miền Bắc to đẹp. Anh Bìn có trách nhiệm lo giúp tôi chuyện đó nghe”; “Bộ đội miền Bắc quen đánh địch giỏi, quen chết giỏi, nhưng không quen ăn củ mì, không quen phát rẫy” (Lạc rừng - Trung Trung Đỉnh); “Phải rồi! Sao em biết được. Hôm nào lời mời vào đến cửa, em đến uống rượu mừng nhé!” (Dòng đời - Hữu Tiến);  “Em đã có lời mời xanh màu cốm, lời ngọt vị nếp non, lời thơm hương gạo mới anh xin vâng”; “Vần ơi, anh đã tìm thấy con sức của nhịp chày đôi tay rồi… Mong em đừng để anh phải lẻ sức hụt tay đấy em ơi!” (Tình xứ mây - Ma Trường Nguyên). Một số tác giả lại dùng cách trích dẫn lời hát dân ca đan xen vào lời nói của nhân vật. Như lời hát tỏ tình say đắm: “Em ơi anh sẽ đợi/ Cây rau dớn bằng chân/ Cây cỏ tranh làm gậy/ Rau muống để lợp nhà/ Bấy giờ ta thành đôi/ Bấy giờ ta thành lứa”… (Trên đỉnh đèo dông bão - Đoàn Hữu Nam); hay tiếng bộc bạch, giãi bày nỗi lòng tha thiết: “Thương nhau thương cho đặng/ Như nước vào vợt không chảy/ Thương nhau thương cho lâu/ Như nước vào nia không thấm…” (Bóng của cây sồi - Đỗ Bích Thúy). Những con người bộc trực, chân chất, hồn nhiên như cây cỏ mà thâm trầm, sâu sắc như rừng già hiện lên, gợi ấn tượng đặc biệt trong từng trang sách một cách tự nhiên không cần quá nhiều kỹ thuật xây dựng công phu. Việc mô phỏng, tái hiện lối nói của người dân tộc thiểu số vào trong ngôn ngữ nhân vật đem lại sắc vẻ miền núi thú vị cho tác phẩm, vừa mộc mạc, hồn nhiên vừa tinh tế, thi vị.
Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới không chỉ thể hiện ở việc nhà văn sử dụng trực tiếp các chất liệu mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên đặc trưng rõ nét như đã phân tích ở trên. Trên thực tế, bản sắc độc đáo cũng như nhạc điệu tâm hồn dân tộc được gửi gắm trong từng con chữ, trong từng lời kể, lời tả, câu nói, khơi gợi cái không khí, cái hồn cốt, thần thái riêng của cuộc sống và con người miền núi. Hồn cốt, thần thái ấy hiển hiện ở những không gian trong trẻo: “Mặt trời lên đỉnh núi, ánh ban mai bừng lên… dòng suối đầu mùa khô ém mình dưới các tảng đá, khẽ róc rách” (Xứ mưa - Hoàng Thế Sinh); thơ mộng: “Núi cỏ mênh mang, xanh rờn các sườn núi, kéo dài tít tắp tận chân mây” (Đọa đày - Vi Hồng) hay kỳ vĩ của rừng núi: “nơi đó mặt trời đang rực lên như một trái đào khổng lồ, cỏ cây, rừng núi, cả những vồng mây đứng lặng… đều được nhuộm một màu thắm đỏ” (Đàn trời - Cao Duy Sơn). Hồn cốt, thần thái ấy cũng được gợi lên từ những cảnh sinh hoạt đậm đà bản sắc vùng cao được gợi tả trong tác phẩm, như tục lượn then của người Tày “Muốn lấy được lời của bạn gái mình động lòng nhớ thương, trai Tày phải cầm khăn tay trắng phất qua đầu ba lần... nhận được tín hiệu ngỏ lời hoa của bạn trai... người con gái cũng sẽ giơ khăn tay đáp lại hai lần, nhận lời đối hát.
Khi ấy, người con trai mới được phép cất tiếng lượn, gọi từ gan ruột những lời hay lời đẹp như cánh ong, cánh bướm vờn nụ tầm xuân”(Người lang thang - Cao Duy Sơn); tục hát tuồng Dá hai với “đủ khúc đoạn buồn, vui, giận dữ, hài hước” của người Nùng; chợ xuân trai gái tìm nhau trong câu sli, lượn, rồi hội lồng tồng, hội Nàng Hai mừng gạo mới... “khắp vùng Tày vang tiếng lượn then của người tày, tiếng Hà Lều của người Nùng, tiếng sli rực lửa của người Giang” (Cực lạc - Cao Duy Sơn); cảnh so chiêng, múa chiêng của người Ba Na: “Boong, “Địch”, “Bình”, “Boong”. Cái âm thanh vừa ngân xa vừa ngắt đoạn ấy dưới sự chỉ huy của cánh tay đen đúa khẳng khiu kia là sự chuẩn bị cho nhịp điệu quyến rũ của cuộc vui sắp tới… Họ gõ như múa. Họ di chuyển như múa vòng quanh ụ mối… nhảy theo nhịp điệu kỳ lạ của cồng chiêng” (Lạc rừng - Trung Trung Đỉnh); hay cảnh làm ma của người Mông: “… người cầm súng, cầm dao, cầm gậy thành đoàn thành đội, chạy vòng quanh thi hài, bắn súng, thổi tù và, chân chạy rầm rập” (Đất mường thời dông lũ - Trần Cao Đàm) để đuổi ma giặc vẫn làm hại linh hồn người Mèo. Ngôn ngữ của nhiều tác phẩm, nhất là tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số như Vi Hồng, Triều Ân, Mã A Lềnh, Vương Trung… khơi gợi được một cách rõ nét chiều sâu của sức sống cổ truyền mạnh mẽ, độc đáo, toát lên một cái gì đó rất sâu thuộc về bản sắc dân tộc.  
Trong xu thế đổi mới mạnh mẽ, toàn diện của nền tiểu thuyết đương đại, tiểu thuyết viết về miền núi từ sau năm 1986 cũng có cuộc chuyển mình sâu sắc trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ. Đa số người viết đã đem đến cho tiểu thuyết thứ ngôn ngữ tăng cường tính tốc độ, thông tin, tính triết luận, chất hiện thực - đời thường để chuyển tải những thông điệp mới của cuộc sống đương đại. Nhưng không vì thế mà bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ bị phai nhạt. Trái lại, hơn lúc nào hết, cái thần thái, hồn cốt của miền núi, sự rung cảm sâu sa của nhà văn trước những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo đã trở thành một đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi, tạo nên sức hấp dẫn riêng của nó trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 
Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ đúng là mặt mạnh, làm nên giá trị, thành tựu độc đáo, nổi bật cho ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi song nó cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Là mặt mạnh khi những chất liệu đậm bản sắc dân tộc được sử dụng với mức độ phù hợp. Là hạn chế khi nó bị lạm dụng, dẫn đến sự khiên cưỡng, sáo mòn. Những cách nói tượng trưng, ví von như: “Càng được nghe chuyện ở vùng người Dao, Ngọc Lan càng thầm phục anh Bàn Văn Piao. Anh đẹp trai lồng lộng…” (Nắng vàng bản dao - Triều Ân); “Bánh mì ăn giữa rừng đại ngàn lại có hương vị thị thành chen với khí núi đậm hương hoa dại thơm thơm” (Tình xứ mây - Ma Trường Nguyên); “… nói huyên thuyên như nước chảy xuống thác, như gió lùa qua cỏ khô” (Mùa hoa boóc  loỏng - Vi Hồng)… gây cảm giác nhàm chán, giảm khả năng phân tích lý tính - một yêu cầu của văn chương hiện đại. Nhà phê bình văn học Lâm Tiến  khẳng định: “Chỗ mạnh cũng là chỗ yếu của văn xuôi các dân tộc thiểu số là dùng lối ví von so sánh, giàu hình ảnh. Mạnh, khi tác giả dùng ngôn ngữ đó vừa phải, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của truyện… Nhưng yếu khi nhà văn lợi dụng cách nói đó và sử dụng nó quá nhiều”[1]. Mặt khác, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn, phong cách, tài năng của người viết. Nên nếu chỉ chú ý khai thác, sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc vào tác phẩm mà cho rằng đã thể hiện được bản sắc dân tộc thì chưa đủ. Việc tiếp thu các chất liệu mang tính dân tộc và chuyển hóa nó vào trong tác phẩm như thế nào cho phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu đòi hỏi tài năng, công sức và cả rung cảm tâm hồn của nhà văn đối với mảnh đất và con người miền núi.
Chỉ khi nào nhạc điệu tâm hồn dân tộc được gửi vào con chữ khiến người viết rung động thì khi đó bản sắc dân tộc mới thực sự lên hương lên nhạc và tạo được sức ám ảnh cho người đọc. Mặt khác, việc sử dụng với tần suất lớn chất liệu mang bản sắc dân tộc thường khiến cho ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi gần với ngôn ngữ thơ ca, đậm chất trữ tình mà giảm chất văn xuôi, chất đời thường vốn là một đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết. Thực tế này đặt các nhà văn viết tiểu thuyết về miền núi từ sau đổi mới đến nay trước yêu cầu vừa phải thể hiện được một cách tự nhiên, nhuần nhị, có chiều sâu bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ vừa phải tìm tòi, đổi mới để ngôn ngữ mang chất tiểu thuyết thực sự.
3. Kết luận
Từ năm 1986 đến nay, trong khoảng 30 năm phát triển, diện mạo của tiểu thuyết viết về miền núi đã và đang có những thay đổi sâu sắc. Xét về phương diện nghệ thuật của thể loại, ngôn ngữ cũng được đổi mới trên nhiều góc độ, mang đặc trưng thể loại một cách rõ nét hơn. Nhưng yếu tố không thể tách rời, làm nên giá trị cốt lõi và sức sống của nó chính là bản sắc dân tộc độc đáo. Thiết nghĩ, tính hình tượng và khả năng gợi hình cao, sự mộc mạc, nhuần nhị, hồn nhiên, sự gợi cảm và thi vị, sức truyền cảm từ trong chiều sâu cuộc sống và khí chất con người miền núi là nét đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật cần được bảo lưu và giữ gìn, phát huy trong xu hướng chung: giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Triều Ân (2009), Tiểu thuyết Triều Ân, Nxb. Hội Nhà văn.
2. Trung Trung Đỉnh (2002), Lạc rừng, Nxb. Phụ nữ.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2011), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
4. Vi Hồng (2005), Mùa hoa Boóc Loỏng, Nxb Lao động.
5. Ma Văn Kháng (2012), Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Nxb. Hội Nhà văn.
6. Ma Văn Kháng (2013), Chuyện của Lý, Nxb. Hội Nhà văn.
7. Địch Ngọc Lân (2001), Hoa mí rừng, Nxb. Quân đội nhân dân.
8. Thu Loan (2004), Giữa cõi âm dương, Nxb. Quân đội nhân dân.
9. Đoàn Hữu Nam (2004), Trên đỉnh đèo dông bão, Nxb. Quân đội nhân dân.
10. Đoàn Hữu Nam (2013), Thổ phỉ, Nxb. Hội Nhà văn.
11. Ma Trường Nguyên (1993), Tình xứ mây, Nxb. Hội Văn nghệ Bắc Thái.
12. Ma Trường Nguyên (1996), Rễ người dài, Nxb. Văn hóa dân tộc.
13. Đào Thủy Nguyên (2013), Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì đổi mới và hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3/2013.
14. Cao Duy Sơn (2006), Đàn trời, Nxb. Hội Nhà văn.
15. Cao Duy Sơn (2009), Chòm ba nhà, Nxb. Lao động.
16. Cao Duy Sơn, Người lang thang, Nxb. Hội Nhà văn.
17. Lâm Tiến (1997), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc.
18. Hữu Tiến (2007), Dòng đời, Nxb. Văn hóa dân tộc.
19. Đỗ Bích Thúy (2005), Bóng của cây sồi, Nxb. Thanh niên.
Ghi chú:
[1]. Lâm Tiến (1997), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc.
Tháng 2/2019
Điêu Thị Tú Uyên
Theo http://fpec.utb.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...