Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Nhân vật văn học và chức năng của nhân vật văn học

Nhân vật văn học và chức năng 
của nhân vật văn học
1. Khái niệm “Nhân vật văn học”
“Văn học là nhân học”. Từ lâu, câu nói của M. Gorki đã trở thành một định nghĩa được mọi người dẫn ra mỗi khi trình bày hay lý giải bản chất của văn học. Văn học dù đề cập tới vấn đề nào, dù không trực tiếp viết về cuộc sống của con người, dù viết về một thế giới khác với thế giới con người thì điểm phát xuất và đích đến của văn học vẫn luôn là cuộc sống con người. Tác phẩm văn học viết về một thế giới của những chim muông cây cỏ, hay một thế giới thuộc thiên giới hay địa phủ thì qua những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm ta vẫn nhận ra dấu ấn của cuộc sống con người.
Nguyễn Minh Châu quan niệm “Cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là cuộc sống của con người”. Trong thế giới nghệ thuật, nhân vật là nơi gửi gắm nội dung tác phẩm cũng như thông điệp của nhà văn. Nhân vật giữ một vai trò quan trọng trong tác phẩm, giữa nhân vật và đời sống văn học có mối liên hệ chặt chẽ.
Tác giả của giáo trình Lý luận văn học tập 2 định nghĩa: “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [1, 114].
Pospelov minh giải thuật ngữ “nhân vật” trong Dẫn luận nghiên cứu văn học: “Thuật ngữ “nhân vật” lấy từ tiếng Pháp và có nguồn gốc La tinh. Người ta gọi bằng từ “Persona” - cái mặt nạ mà diễn viên đeo vào mặt, và về sau gọi là nhân vật được miêu tả một cách nghệ thuật trong tác phẩm” [2, 17].
Nhân vật văn học là hình tượng con người hoặc mang ý nghĩa con người được thể hiện bằng các phương tiện văn học trong tác phẩm. Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn, nhằm miêu tả, khái quát và biểu hiện những tư tưởng, quan niệm của tác giả về cuộc sống, con người. Đó có thể là những nhân vật có tên như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến (Chí Phèo); là Jean Valjean, Fantine, Marius… (Những người khốn khổ). Hay những nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ nào trong Truyện Kiều; là người đàn bà vợ nhặt trong Vợ nhặt của Kim Lân; là người đàn bà làng chài - mụ rỗ mặt - trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Nhân vật trong tác phẩm văn học biến hóa đa dạng, có thể là các loài vật, loài cây trong truyện cổ tích, là chú chó Buck trong Tiếng gọi nơi hoang dã - Jack London, là con rối tạp chủng Gregos Samsa trong Hóa thân - Kafka. Nhân vật đồ vật trong các tiểu thuyết của giáo hoàng tiểu thuyết Mới A. Robbe - Grillet (Cục tẩy, Ghen - Cánh cửa chớp lật).
Nhân vật văn học có thể được miêu tả đầy đặn chi tiết từ ngoại hình, tiểu sử, tâm lý, tính cách, số phận thường thấy trong các các phẩm tự sự hay kịch. Có khi nhân vật văn học chỉ được miêu tả một cách thoáng qua ở một bình diện nào đó. Sự miêu tả đầy đủ chi tiết đến đâu một mặt chịu sự chi phối từ thể loại cũng như dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Đọc Chí Phèo, ta thấy được cuộc đời của Chí Phèo cả quá khứ lẫn hiện tại, thấy được ngôn ngữ chửi bới, cà khịa tới những hành động rách mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn rồi bi kịch đớn đau của Chí Phèo khi bị tha hóa rồi sau đó bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện ngay trên chính con đường trở về như thế nào… tất cả những điều đó được Nam Cao dụng công thể hiện rất chi tiết. Nhưng có khi nhân vật chỉ là những chủ thể hành động và phát ngôn (ít khi bộc lộ cảm xúc) như truyện của Ernest Heminway, tiêu biểu là Ông già và biển cả. Những đoạn hội thoại của nhân vật được xóa sạch mọi dấu ấn tâm lý chỉ độc một lời nói như cỗ máy vô hồn, mà người ta gọi đó là lối văn phỏng vấn. Các nhân vật bị xóa hết các dấu ấn tiểu sử, đến cái tên cũng trở nên biến dạng méo mó, điều này thấy rõ ở các tiểu thuyết của Kafka K. trong Lâu đài, Josep K. trong Vụ án, và sự miêu tả các nhân vật được tiến hành và xử lý bằng “lối viết trắng” (Albert Camus).
Với tác phẩm trữ tình, do dung lượng và đặc trưng của thể loại là yếu tố cảm xúc, nên nhân vật trong tác phẩm trữ tình hầu hết chỉ được khắc họa với những suy nghĩ tâm tư, cảm xúc. Đó có thể là tâm trạng nhớ nhung, là nỗi buồn phiền hay là sự dằn vặt trong thế giới nội tâm của nhân vật. Đôi khi những tác phẩm trữ tình cũng miêu tả nhân vật chi tiết hơn với những yếu tố ngoại hình, tính cách song vẫn không phải là nội dung chủ đạo so với cảm xúc của nhân vật.
Em là ai cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Ánh mắt em nhìn hay chớp lửa đêm đông
Thịt da em hay sắt hay đồng        
Nhân vật văn học có khi trùng với một hiện tượng nổi bật của tác phẩm. Ngoài những nhân vật là con người kể trên ta còn thấy nhân vật Nhân Dân trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, thời gian là nhân vật của cuốn tiểu thuyết dòng ý thức Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, nhân vật chiếc quan tài trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Công Hoan…
Văn học không thể thiếu nhân vật, đặc biệt là với các thể loại như tự sự hay kịch để có thể hình thành nên cốt truyện. IU. M. Lotman chỉ ra các thành phần không thể thiếu để làm nên cốt truyện, nhân vật là thành phần thứ ba không thể thiếu. “Từ những điều trên dẫn tới chỗ yếu tố nhất thiết phải có của bất kỳ một cốt truyện nào đó là: 
1) Một trường ngữ nghĩa nhất định được phân ra thành hai tập hợp bổ sung cho nhau; 
2) Ranh giới giữa những tập hợp này, cái ranh giới không thể đi qua được trong những điều kiện thông thường, nhưng ở một trường hợp cụ thể (văn bản cốt truyện luôn hướng về trường hợp cụ thể) nhân vật - hành động có thể đi qua được; 
3) Nhân vật - kẻ hành động” [3, 410].
Ngay cả khi cả khi các nhà tiểu thuyết Mới tuyên bố “Cái chết của nhân vật” thì nhân vật vẫn luôn tồn tại trong tác phẩm của họ. Việc xem như nhân vật đã chết chỉ là sự chối bỏ nhân vật để thay vào đó là thế giới ngập tràn đồ vật nhưng miêu tả đồ vật vẫn luôn gợi ra hình bóng của nhân vật. Nói như Đặng Anh Đào thì “không thể nào tiêu diệt được nhân vật trong tác phẩm của những người định cắt đứt với truyền thống bằng cách đó. Nhân vật trong tác phẩm của họ chỉ bị tổn thất một mặt mà thôi - dù đó là một mặt rất cơ bản của nhân vật truyền thống… Tiểu thuyết mang nhân vật vẫn sống” [4, 25].
Nhân vật văn học không chỉ là mặt nạ (persona) - như một ký hiệu chết cứng mà đó là hình tượng hết sức sống động, là “ký hiệu đặc biệt, không hề đơn giản như quân cờ, bởi đó là con người sống, một cá thể có cuộc sống riêng, nhiều khi phức tạp, bí ẩn, không thể lược quy vào một ký hiệu” [2, 116]. Nhân vật văn học vừa là đối tượng vừa là con người hành động trong tác phẩm dưới sự điều khiển của ngòi bút nhà văn tham gia vào sự phát triển xung đột truyện. Có khi nhân vật văn học trở thành một sinh thể độc lập có đời sống riêng để tạo ý nghĩa tự thân cho mình, đó là trường hợp những nhân vật điển hình.
“Nhân vật văn học là một hiện tượng ước lệ, có những dấu hiệu để nhận ra”. Cũng như con người trong đời sống, dấu hiệu đầu tiên nhận biết nhân vật là tên. Mỗi nhân vật được đặt tên trước hết là định danh sau đó trở thành dụng ý nghệ thuật trong một số tác phẩm. Tên gọi góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn đó. Các nhà văn Tự lực văn đoàn gọi tên nhân vật rất thơ mộng, rất đẹp và rất thời thượng, họ là những thanh niên tân nhân vật mà ta thường thấy với những tên: Ngọc, Lan trong Hồn bướm mơ tiên; Lộc, Mai trong Nửa chừng xuân… hay như trong Số đỏ - sáng tác hiện thực - của Vũ Trọng Phụng: Tuyết (ngây thơ), Phán (mọc sừng), cậu Tú Tân, cô Hoàng Hôn, Văn Minh, Xuân (tóc đỏ), ông TYPN… Nguyễn Tuân đã gọi nhân vật của mình bằng những cái tên mà một thời vẫn quen gọi, như: ông Phủ, ông Nghè, ông Thượng, ông Ấm, cụ Kép, ông Cử Hai, ông Đầu Xứ Anh, ông Đầu Xứ Em v.v... Những cái tên đó phần nhiều gắn với lối gọi của những con người theo nghiệp khoa cử, của những kẻ sĩ trong chế độ xưa.
Tiếp đến là những dấu hiệu tiểu sử nghề nghiệp, hay những đặc điểm nhận dạng riêng. Những dấu hiệu ấy dần được đúc kết thành công thức giới thiệu nhân vật trong sáng tác văn học dựa theo từng thể loại. Dấu hiệu ban đầu đó chi phối và quy định tới tiến trình cốt truyện cũng như mọi hành động của nhân vật. Nguyễn Đình Chiểu giới thiệu về nhân vật với những dòng đầu:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
Hai câu thơ mở đầu khái quát toàn bộ nội dung tư tưởng cũng như cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về con người. Như thế những sự việc diễn biến tiếp sau ở truyện thơ này đều hướng tới ca ngợi tấm gương trung hiếu - Lục Vân Tiên và tấm gương tiết hạnh - Kiều Nguyệt Nga.
Nhân vật văn học là hình tượng tư duy trực tiếp bằng ngôn ngữ. Bởi thế sự miêu tả chủ yếu ở nhân vật chính là thông qua hành động. Qua hành động nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình. Ở văn học hiện đại, sự thể hiện nhân vật không gò bó trong phạm miêu tả hành động mà còn được thể hiện qua sự miêu tả tâm lý nhân vật. Văn học có thế mạnh trong việc đi sâu vào dòng ý thức, dòng nội tâm của nhân vật làm sống dậy những mảng sống khuất sau vẻ thường ngày không được phơi lộ. Đằng sau một cô Mị (Vợ chồng APhủ ) câm lặng cam chịu như con rùa nuôi nơi xó cửa, ít ai ngờ được trong tâm hồn người sơn nữ ấy luôn tiềm tàng một sức sống mãnh miệt. Tô Hoài, bằng khả năng phân tích diễn biến tâm lý độc đáo, làm sống dậy diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Trong đêm tình mùa xuân, Mị từng hồi hộp với âm thanh của tình yêu và Mị cũng có ý thức định quyên sinh - một hình thức của sự phản kháng lại cách sống đày đọa. Lòng ham sống, yêu đời là yếu tố tiềm ẩn trong người phụ nữ này. “Mị thấy phơi phới trở lại trong lòng” rồi Mị muốn chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay” [5, 166].
Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Khi xem xét đánh giá nhân vật văn học ta không nên đồng nhất với con người ở ngoài đời để đưa ra những phán xét đúng - sai, tốt - xấu, chân thật - không chân thật. Đơn cử như trường hợp nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Nhiều ý kiến của độc giả, đặc biệt là của độc giả thời hiện đại, tiếp nhận nhân vật Tấm như một con người có thực ở ngoài đời, đặt nhân vật trong hệ không - thời gian có sự sai biệt so với Chronotope cổ tích. Người ta cho hành động Tấm giết Cám là ác. Cần đặt nhân vật trong hệ thống thi pháp thể loại của truyện cổ tích. Tấm hiện lên trong truyện không phải với tư cách là con người cá nhân. Đó là nhân vật chức năng. Nói cách khác, Tấm là cái loa phát ngôn cho tư tưởng khát vọng của nhân dân, và nhân vật được xây dựng trên triết lý dân gian “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, “ác giả ác báo”… Chiến thắng trong truyện cổ tích không phải là chiến thắng trong hiện thực mà đó là chiến thắng trong mơ ước, nhân dân ta mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng, không có sự áp bức và bóc lột. Bởi vậy cổ tích mãi là giấc mơ của nhân dân về một hiện thực trong mơ ước.
Tóm lại, “Nhân vật văn học là con người được thể hiện bằng các phương tiện văn học. Nội dung của nhân vật nằm trong sự thể hiện của nó. Chỉ đến khi tác phẩm kết thúc người đọc mới có ý niệm đầy đủ về nhân vật” [1, 118].
2. Chức năng của nhân vật văn học
Là yếu tố căn bản của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm văn học có chức năng nghệ thuật và chức năng biểu cảm.
Trước hết, nhân vật phải có khả năng khái quát tính cách. Nhân vật với những hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ, lời nói, tâm trạng… tất cả những yếu tố đó góp phần làm rõ tính cách của nhân vật. “Tính cách nhân vật văn học là hiện tượng có tính lịch sử nên chức năng khái quát tính cách nhân vật cũng mang tính lịch sử” [6, 235]. Ở mỗi thời đại, quan niệm và nhận thức ấy có sự thay đổi vô cùng phong phú, phức tạp. “Trong văn học nghệ thuật hậu hiện đại, thay vì con người khổng lồ - chủ nhân ông vũ trụ của nghệ thuật Phục Hưng, con người duy lý trong thời kỳ Khai Sáng, con người cô đơn, xa lạ trong cái hiện thực phi lý, song vẫn cố gắng tìm kiếm bản thể hài hòa nguyên vẹn của mình (và cho mình), trong nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, là con người bị “chấn thương” từ bên trong bởi sức ép của thực tại rối ren, hỗn loạn, của mạng lưới thông tin, tri thức dày đặc thời hậu công nghiệp, một thứ “mờ mờ nhân ảnh” đằng sau những ký hiệu, những trích đoạn của “liên văn bản” [7, 57].
Nhân vật văn học được xem như chiếc cầu nối hai bờ tư tưởng giữa người đọc với nhà văn để đưa người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, hòa nhập vào môi trường nơi con người hành động trong tác phẩm sinh tồn. Theo bước chân của các nhân vật trong truyện thần thoại, ta được sống trong thế giới của buổi sơ khai, khi trời và đất còn là cõi hồng hoang hỗn độn chưa có sự phân biệt trời với đất, chưa có ngày và đêm. Thần linh là những đấng tối cao đang tham gia vào công cuộc thiết lập vũ trụ, mỗi thần một công việc:
Ông đếm cát
Ông tát bể
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú
Ông trụ trời
Ông cời cua
Ông làu chim
Ông câu cá…
Nhân vật thần thoại nói riêng và trong văn học dân gian nói chung là nhân vật chức năng, mỗi nhân vật có một chức năng riêng, và hành động chỉ với chức năng đã được quy định. Bởi thế sau khi làm xong nhiệm vụ nào đó thì nhân vật hoàn tất chức năng của mình và kết thúc sự tồn tại. Đó là cơ sở để lý giải sự kiện, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng trở về trời. Bởi chức năng nhân vật Thánh Gióng là chức năng đánh giặc.
Nhân vật văn học thể hiện tư tưởng nghệ thuật. Nhân vật văn học góp phần thể hiện quan niệm cũng như lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nam Cao với những Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận,… thường được nhà văn miêu tả trong sự đối sánh với các loài vật. Qua hệ thống nhân vật với đặc điểm kể trên nó thể hiện cái nhìn con người trong tư duy nghệ thuật Nam Cao. Nhà văn nhìn con người dưới cái nhìn biện chứng giữa hai phần “người” và “con”. Đó là hai mặt không tách rời trong mỗi một con người, hai mặt đó luôn đấu tranh phủ định lẫn nhau. Những xu thế ấy được Nam Cao thể hiện qua sự miêu tả bao giờ cũng là sự đe dọa, sự tiếm quyền của phần “con” khiến phần “người” bị lấn át. Nên mỗi nhân vật, mỗi tác phẩm của Nam Cao bao giờ cũng là những hồi chuông thức tỉnh con người đang đi trên ngưỡng phân biệt giữa phần “con” và phần “người”, và các nhân vật Nam Cao thường chìm trong bi kịch trong cái chết, có thể là cái chết thể xác có thể là cái chết tinh thần… Nam Cao muốn truyền thông điệp tới độc giả, hãy cứu lấy nhân tính của con người, cần nhân đạo hóa môi trường sống để con người trở nên tốt đẹp hơn.
Nhân vật văn học là con đẻ của thời đại, mang dấu ấn của thời đại. Mỗi một thời đại lịch sử có những kiểu nhân vật đặc thù. Chẳng hạn hình tượng anh vệ quốc quân là nhân vật của thơ ca Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ, nhân vật anh giải phóng quân trở thành điểm sáng trong sáng tạo thơ ca, là hình tượng kết tinh vẻ đẹp của con người thời đại. Hay cùng viết về hình tượng nhân vật keo kiệt trong văn học, từ Harpagon tới Grandet cũng là cả sự chuyển biến mang dấu ấn thời đại lên hình hài của nhân vật. Nếu nhân vật Harpagon của Molier là sản phẩm của xã hội phong kiến nên tính cách Harpagon là tính keo kiệt, hà tiện của bọn giai cấp quý tộc. Nhưng đến Grandet, y là sản phẩm của xã hội tư sản Pháp, nên tính cách của Grandet không dừng lại ở tính hà tiện như Harpagon mà nó nhuốm tính tình của thời đại kim tiền trong xã hội tư sản, nó toát nên tính cách keo bẩn của bọn tư sản Pháp thời đó.
Việc lựa chọn xây dựng và cách miêu tả nhân vật mang dấu ấn sáng tạo độc đáo của nhà văn, và chịu sự chi phối của phong cách nhà văn đó. Nam Cao thường thành công trong đề tài viết về nhân vật trí thức tiểu tư sản và người nông dân. Vũ Trọng Phụng miêu tả con người bằng cái nhìn giễu nhại nên ông thường chỉ thấy ở các nhân vật những thói hư tật xấu “Xã hội này  tôi chỉ thấy là khốn nạn quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt mà cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê thợ thuyền lầm than bị bóc lột” [8]. Nhân vật trong những “tờ hoa” của Nguyễn Tuân bao giờ cũng là những nhân vật tài hoa, những chủ thể thẩm mỹ hết sức độc đáo.
Nhân vật văn học là công cụ, phương tiện, cách thức tác giả khám phá, miêu tả, khái quát những tính cách người, những vấn đề về con người và đời sống xã hội. Nhân vật văn học góp phần thể hiện quan niệm cũng như lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Phùng Ngọc Kiếm, Nguyễn Xuân Nam (2011), Lí luận văn học tập 2, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.
2. G. N. Pospelov (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học tập II, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Iu. M. Lotman (2007), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4.Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
5. Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Nghiệp (2007), Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi tập 2 (văn xuôi). NXB Giáo dục, Hà Nội.
6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Lê Huy Bắc (2006), Nghệ thuật Phran-Dơ Káp-Ka (chuyên luận), Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
8. Vũ Trọng Phụng (1937), Để đáp lại Báo Ngày nay: Dâm hay không dâm, báo Tương lai, số ra ngày 25/3/1937.
Tháng 2/2019
Bùi Phương Thảo
Theo http://fpec.utb.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...