Đá không có tình cảm, không biết suy nghĩ, và dĩ nhiên, không
có ngôn ngữ, có phải vậy không? Nhiều văn sĩ, thi sĩ, và cả nhạc sĩ nữa, nghĩ
khác. Nhạc sĩ Diệu Hương từng hỏi: “Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không?
Em hỏi tôi phiến đá có linh hồn không?” Ngay từ tựa đề của bài hát, “Phiến
Đá Sầu,” nhạc sĩ đã ngầm bảo rằng đá biết sầu tư. Một nhạc sĩ khác, (Lê
Uyên) Phương đã hỏi. “Sao người biết cây không sầu, không biết khóc. Đá
không buồn, không nhỏ lệ đêm thâu. Cây không khóc, sao lệ vàng rơi rụng. Đá không
buồn sao đá phủ rêu xanh?” [1] Có nghĩa là, khi
nhìn thấy một hòn đá đóng rêu, chúng ta có thể nghĩ rằng hòn đá này biết buồn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn góp thêm vào, chẳng những đá biết buồn mà nỗi buồn còn
kéo dài, từ năm này sang năm khác, (mỗi năm là một tuổi) để trở thành “Tuổi
Đá Buồn.” Trong một nhạc phẩm khác ông hỏi người nghe: “Làm sao em biết
bia đá không đau?” Phải chăng đá biết đau nhưng không biết kêu lên?. Có thể nào đá có ngôn ngữ riêng nhưng chúng ta không nghe và hiểu được
hay không? Đá có tâm hồn không? Đá có tình yêu không? Tình cảm? Nếu biết nói
thì đã, đang và sẽ nói gì? “Đá có mặt từ bao giờ?” Một nhân vật của Kuwabata
khi nhìn vẻ hùng vĩ của vườn đá đã buột miệng kêu lên như thế. Để giải đáp những
thắc mắc này tôi đi tìm câu trả lời. Đá, tương truyền đã hiện diện từ thuở bà Nữ
Oa khai thiên lập địa, vì thế tài liệu về đá mênh mông không cùng mà sức người
thì có hạn. Tôi xin chỉ giới hạn sự tìm kiếm của mình trong một vài tác phẩm
văn chương và điện ảnh tiếng Anh.
Chùa Ryoan-ji cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16
Câu hát “đá không sầu sao đá phủ
rêu xanh” đã đưa tôi đến với truyện ngắn “Vườn Đá” (Stone
Garden) của nhà văn Yasunari Kawabata [2]. Truyện này lấy bối cảnh là vườn đá
chùa Saihōji, ngày nay được biết đến với cái tên Moss Temple (Chùa Rêu) hay
Kokedera. Là một trong những vườn Thiền, xưa và danh tiếng nhất của Nhật,
Saihōji được thiết kế bởi Thiền sư Musō Soseki. Một vườn Thiền khác, Ryōanji,
tuy được xây cất sau Saihōji nhưng nổi tiếng hơn, có lẽ nhờ đạo diễn Ozu
Yasujirō đưa vào cuốn phim danh tiếng nhất của ông, Late Spring. Thật ra
Chùa Rêu nằm ở hướng Đông còn Vườn Đá nằm ở phía Bắc của chùa Saihōji. Ueno
Otoko một nữ họa sĩ tài hoa nhưng sống ẩn dật, cùng với Sakami Keiko, cô đồ đệ
trẻ tuổi và xinh đẹp của nàng, đi thăm vườn đá ở chùa Saihōji. Otoko đến đó để
vẽ vườn đá, còn Keiko thì làm cái bóng đi theo nàng.
Vườn
đá của thiền sư Musō (Soseki), dãi nắng dầm sương hằng bao thế kỷ, cổ kính như
có mặt từ khai thiên lập địa; Tuy nhiên, những tảng đá có hình dáng đầy góc cạnh
này khiến người ta biết rằng có bàn tay kiến tạo của con người. Chúng khiến
Otoko cảm thấy tâm hồn nàng căng thẳng hơn bao giờ như bị một sức nặng vô hình
đè bẹp. “Chúng ta ra về nhé?” Nàng hỏi. “Mấy tảng đá này bắt đầu làm chị cảm thấy
sợ hãi.”
“Vâng.”
“Chị
không thể ngồi tĩnh tâm ở đây.” Otoko hơi loạng choạng khi bắt đầu đi xuống đồi.
“Chị không thể nào vẽ mấy tảng đá này. Chúng đầy vẻ trừu tượng - có lẽ em nắm
được tinh thần của nó với nét phác họa phóng khoáng của em.”
Keiko
nắm cánh tay nàng. “Thôi mình về nhà và chơi trò chơi cá heo đi.”
“Chơi
trò cá heo? Trò cá heo là trò chơi gì?”
Keiko
cười nghịch ngợm và quẹo sang trái đi về phía rừng trúc. Rừng trúc đẹp như những
bức ảnh người ta chụp cảnh vườn chùa.
Nét
mặt của Otoko đầy vẻ căng thẳng chứ không vui vẻ. Khi nàng đi dọc theo bìa rừng
trúc, Keiko gọi tên nàng. Cô gái đi nhanh lên để bắt kịp nàng và sờ nhẹ vào
lưng nàng.”Chị có bao giờ bị cái vườn đá đó thôi miên chưa?”
“Chưa,
chị thích đến đây dù chẳng để làm gì cả. Chị chỉ muốn được nhìn ngắm vườn
đá này ngày qua ngày.”
“Chúng
chỉ là đá tảng thôi, phải không? Nét mặt của cô gái vẫn rạng rỡ và tươi trẻ như
bao giờ. “Em tin chắc là chị đã nhìn thấy nét hùng vĩ cũng như vẻ đẹp rêu phong
của chúng, nhờ đôi mắt họa sĩ của chị. Nhưng dẫu sao đá vẫn là đá … . Em nhớ
bài tiểu luận của một thi sĩ chuyên làm thơ haiku. Ông kể rằng ở quê nhà ông
nhìn ngắm đại dương hết ngày này sang ngày khác. Sau khi dọn về Kyoto, nhờ đã
được nhìn ngắm đại dương mà ông thật sự hiểu ý nghĩa của vườn đá.”
Kokedera hiện nay.
(photo: http://www.japanesegardens.jp)
Chùa
Rêu ở trên đồi cao, giáp ranh Kyoto về hướng Tây, xây cất từ năm 1312, theo thời
gian trở nên hư hại nặng. Năm 1339, Thiền sư Musō Soseki, được Shogun Ashikaga
mời đứng ra trông coi việc sửa sang chùa và biến nó thành Thiền viện. Khi Soseki
nhận trùng tu Chùa Rêu, ngôi chùa này đã có sẵn một công viên xây dựng theo kiểu
truyền thống; có nghĩa là được trang trí bằng cây cỏ, hoa lá, và chim muông.
Thiền sư ra lệnh cho xây thêm một ngôi nhà thủy tạ có nhiều tầng. Ngôi nhà này
về sau trở nên khuôn mẫu của Kim Các Tự (Golden Pavillion), ngôi chùa sơn phết
vàng về sau bị đốt cháy, trong tác phẩm của Yukio Mishima. Tuy nhiên ngoài khu
vườn truyền thống này, còn có một khu vườn thứ hai cũng nằm trong khuôn viên
chùa. Khu vườn thứ hai này toàn là đá và chính nó đã khiến Musō Soseki được
truyền tụng là bậc sư tổ trong ngành kiến tạo vườn đá. Vườn đá Chùa Rêu trải
dài trên sườn núi như một bậc thang nhân tạo, càng lên cao càng hẹp khiến cho
nó có chiều sâu. Trong rừng cây âm u với những tảng đá có chiều dài hơn hai
mươi mét, cái uy nghi và hùng vĩ của đá khiến con người cảm thấy nhỏ bé và
yếu đuối.
Otoko
cho rằng vườn đá này có nét giống tranh của Cezanne, những bức tranh vẽ đá ở bờ
biển L’Estaque. Nàng không thể vẽ những tảng đá trong vườn đá của Chùa Rêu, cho
rằng chúng trừu tượng quá. Tài vẽ của Keiko (cô đồ đệ) tuy còn non nớt; nhưng
ngày hôm đó Otoko cảm thấy có một điều gì đó khá quan trọng đã xảy ra trong tư
tưởng của Keiko. Do sự khích động tư tưởng này cùng với nét phác họa phóng
túng, Keiko như đã nắm bắt được một phần hồn của vườn đá. Otoko hỏi dò và cuối
cùng khám phá ra rằng Keiko đã ngủ với Oki Toshio. Otoko và Keiko là tình nhân
(đồng tính luyến ái) với nhau. Oki Toshio là họa sĩ nổi danh, chừng hơn năm
mươi tuổi và có vợ con. Otoko từng là người tình của Oki và nàng có con với
ông. Keiko bảo rằng nàng ngủ với Oki chỉ vì muốn trả thù cho Otoko. Otoko nghĩ
rằng trong sự nghiêm trang của vườn Thiền Keiko không nên nói những chuyện thù
ghét và quan hệ tình dục.
Một mô thức Chùa Đá Ryoan-ji
(photo: http://everydaydreamholiday.com)
Không
phải vườn đá nào cũng là vườn Thiền. Để được xem là vườn Thiền, vườn phải do
Thiền sư thiết kế và xây dựng. Vườn Thiền Ryōanji sử dụng toàn đá và sỏi. Chỉ với
mười lăm tảng đá lớn nhỏ không đều, không đối xứng, đầy góc cạnh, không màu sắc
nổi bật, vườn đá Ryōanji là kiểu mẫu cho một số vườn Thiền trên thế giới nói
chung và Hoa Kỳ nói riêng. Khác với vườn đá Chùa Rêu với những tảng đá khổng lồ,
vườn đá của chùa Ryōanji, lừng danh trong phim Late Spring (Xuân Muộn)
của đạo diễn Yasujiro Ozu, chỉ bao gồm mười lăm phiến đá nhỏ chia làm năm nhóm.
Ở một góc nào đó nhìn về vườn đá chùa Ryōanji sẽ có một vài phiến đá bị che khuất.
Phim Xuân Muộn nói về tình phụ tử của người cha góa vợ, Shukichi, và
cô con gái, Noriko, đến tuổi lập gia đình. Dù mọi người chung quanh đốc thúc
nhưng Noriko ngần ngại không muốn lấy chồng vì sợ cha già không ai chăm sóc. Cuốn
phim miêu tả văn hóa Nhật Bản ở buổi giao thời, phụ nữ Nhật Bản bắt đầu tiếp cận
với văn hóa Tây phương, thích mặc âu phục khi ra phố và (phần nào) được quyền
chọn lựa về chuyện trăm năm. Vườn đá chùa Ryōanji xuất hiện trong phần kết thúc
của phim Xuân Muộn khi Shukichi (ông bố) và người bạn ngồi ngắm vườn đá bàn
chuyện cuộc đời. Câu chuyện của hai người đàn ông chỉ quanh quẩn trong chuyện
nuôi con và gã con, nhưng trong bóng chiều chập choạng hai người ngồi như hai
hòn đá bất trường tồn làm chứng nhân cho sự tàn phai của cuộc đời so với sự trường
tồn của vườn đá trước mặt họ. “Năm trăm tuổi, vườn đá Ryōanji, rất đáng
cho chúng ta thán phục như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Đây cũng là nơi
mà loài người có thể, soi vào trong đá như một tấm gương, phản chiếu tư tưởng
thầm kín của chính họ.” [3] François Berthier [4] đã đặt câu hỏi. “Đá có
ngôn ngữ hay không? Một vài hòn đá thô nhám rải rác trên một mặt phẳng đầy sỏi
- liệu nó có nhắn gửi một thông điệp gì không?” [5]
Các vị Thiền sư Nhật Bản tin rằng đá
có tất cả những đặc tính nói trên, có ngôn ngữ và ngôn ngữ là thông điệp. Công
viên Thiền loại bỏ tất cả những thứ trang hoàng như cây cảnh chim muông, thậm
chí không có cả cá và nước. Các Thiền sư chỉ dùng đá vì tin rằng đá là xương của
vũ trụ và chỉ có đá mới trường tồn với thời gian. Một trong những đặc tính của
Thiền là tìm kiếm cốt lõi sâu xa nhất của con người. Vườn đá sẽ giúp các Thiền
sinh dễ tập trung tư tưởng để tìm ra chân lý. Càng tiến đến gần với cốt lõi của
thiên nhiên, Thiền sư càng dễ tìm ra bản chất Thiền. Tương truyền, khi giác ngộ
các ngài có thể nghe tiếng sóng biển, thác đổ, suối reo và nước chảy qua mười
lăm tảng đá ở vườn thiền Ryōanji. Ở vườn đá Chùa Rêu, nhiều người kinh sợ vì cảm
nhận được có một dòng thác khổng lồ im lặng từ trên đỉnh núi cao đổ xuống.
Để trả lời câu hỏi đá có biết nói hay
không, người Hy Lạp kể rằng thời xưa có một hòn đá có thể nói những lời
tiên tri vận mệnh của quốc gia. Hòn đá ấy nằm ở trung tâm của vũ trụ và có tên
là Omphalos. Thần Apollo giáng trần đi tìm một nơi thích hợp để thiết lập nền tảng
cho ngành tiên tri. Thần xuống núi Mt. Olympus, đi từ miền Bắc đến miền Trung của
Hy Lạp và tìm được chỗ thích hợp. Đó là Crisa, một làng nhỏ dưới chân núi
Parnassus. Apollo giết con rồng cái ở dòng suối rộng gần đó rồi dựng đền thờ.
Chỗ này được gọi là Pytho, có nghĩa là giết rồng; còn Apollo được gọi là
Pythian tức người giết rồng. Đây vốn là nơi trú ngụ của nữ thần Ge-Themis và
con rồng là thuộc hạ của nữ thần. Giết rồng chiếm đất là hành động xâm lăng.
Zeus trừng phạt Apollo bằng cách lưu đày ông sang Thesaly ở chín năm. Đền tiên
tri của Apollo ngày nay vẫn còn dấu vết, trong đền thờ còn lưu truyền Omphalos,
một tảng đá cổ hình bầu dục. Omphalos có nghĩa là “cái rốn.” Tương truyền rằng,
Pythian (tức là Apollo,) thần cai trị Delphi, chiếm đóng cái rốn (trung tâm) của
vũ trụ. Để biết chính xác vị trí trung tâm của vũ trụ, Zeus đã ra lệnh cho hai
con ó thần cất cánh từ hai điểm cuối địa cầu, bay ngược hướng với nhau. Nơi
chúng gặp nhau là trung tâm của vũ trụ và hòn đá Omphalos được thả xuống vị trí
này để đánh dấu. Thần Apollo chọn nơi đây để xây đền thờ. Thánh địa Apollo vì
thế có tượng của hai con ó được xây dựng ở hai bên cửa. Trong đền thờ Apollo có
một vị nữ tiên tri. Nữ tiên tri này sẽ áp tai vào đá Omphalos lắng nghe và lập
lại lời tiên tri của thánh thần. Những lời tiên tri này thường không mạch lạc
và rất khó hiểu. Một nhóm tu sĩ khác sẽ đọc và giải thích những lời tiên tri
này.
Đền thờ thần Appollo ở Jordan (photo: Ngô Bắc)
Qua trung gian các vị tu sĩ, Omphalos
nói lên lời tiên tri của thánh thần. Mỗi khi trong nước có chuyện không yên, có
nhiều chiều hướng chính trị xung đột, các chính trị gia không thể dễ dàng quyết
định chính sách, họ thường cầu xin lời tiên tri của Omphalos. Độc giả có thể
chê rằng các chính trị gia Hy lạp mê tín, hay khen họ khéo dùng sự mê tín vào lời
tiên tri của thánh thần để lèo lái ý kiến người dân.
Nếu có hòn đá biết tiên tri, thì hòn
đá biết đi có lẽ không phải là chuyện lạ. Haruki Murakami đã kể truyện ngắn The
Kidney-shaped Stone That Moves Every Day (Quả Thận Đá Biết Đi) như sau:
Junpei là nhà văn bắt đầu có tên tuổi. Đang ở trong quán uống rượu nghe nhạc
chàng được một phụ nữ xinh đẹp đến làm quen. Nàng ba mươi sáu tuổi, lớn hơn
Junpei năm tuổi. Hai người hợp chuyện và trở thành đôi nhân tình. Nàng đến
phòng của chàng, hai người yêu nhau, và nàng ra về trước khi Junpei thức giấc.
Gặp nhau nhiều lần, ngay cả sau khi yêu nhau, Junpei vẫn không đoán được nghề
nghiệp của nàng. Thời gian bắt đầu quen nàng, Junpei vừa mới bắt đầu một truyện
ngắn trong đó có cô sinh viên y khoa đang tập sự trong bệnh viện. Cô sinh viên
bắt đầu dan díu với một bác sĩ giải phẫu đã có vợ con. Khi tình yêu của Junpei
chuyển sang mức độ gắn bó với người phụ nữ bí mật, truyện ngắn chàng đang viết
bỗng chuyển sang một chiều hướng khác, hoàn toàn thoát khỏi dự tính của chàng.
Cô sinh viên trong khi đi dạo nhặt được một viên đá, có hình dáng, kích thước,
sức nặng, và màu sắc giống như quả thận. Nàng mang quả thận đá về phòng làm việc
với dụng ý làm đồ chặn giấy. Rồi nàng phát hiện ra quả thận đá có thể di chuyển.
Buổi tối trước khi về nhà, nàng đặt quả thận trên bàn giấy, sáng hôm sau thấy
nó đi sang một chỗ khác. Từ khi có quả thận đá, nàng thay đổi tính tình, không
còn muốn giao thiệp với bạn bè hay đồng nghiệp nữa. Nàng chỉ muốn lắng tai nghe
lời trò chuyện của hòn đá. Nàng cũng không còn tha thiết với ông bác sĩ giải phẫu,nữa.
Khi hai người làm tình, nàng có thể sờ thấy và nắm được quả thận đá đang nằm
trên lưng người tình. Nàng có cảm giác như nó giẫy giụa nhớp nháp trong tay
nàng. Nàng mang quả thận đá lên tàu ra ngoài khơi, ném nó xuống biển, và nhìn
thấy nó chìm xuống đáy đại dương. Hôm sau đến phòng làm việc nàng lại thấy nó nằm
chễm chệ trên bàn. Người tình của Junpei bỗng dưng biến mất một cách khó hiểu
khi chàng trở nên quyến luyến với nàng. Một hôm, đang ngồi trên xe taxi, Junpei
nghe cuộc phỏng vấn trên radio về người phụ nữ đi trên dây căng. Giọng nói,
cách nói, và cách dùng chữ của người được phỏng vấn khiến chàng nhận ra đó là
người tình của chàng. Nàng nổi tiếng là người đi dây căng giữa hai tòa nhà cao
nhất của nhiều thành phố trên thế giới. Nghề nghiệp của nàng đòi hỏi một sự tập
trung tuyệt đối. Khi nàng biểu diễn cả thế giới bên ngoài nàng đều biến mất.
Tâm hồn nàng cũng không thể chứa bất cứ người nào. Tất cả thế giới bên ngoài và
bên trong lúc ấy chỉ có nàng và gió. Junpei nghĩ rằng tâm hồn người tình của
chàng đã nhập vào tư tưởng chàng khiến chàng viết truyện ngắn quả thận đá theo
chiều hướng ấy. Nàng đến và đi khỏi đời chàng hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của
chàng như quả thận đá đến với cô sinh viên trong truyện. Junpei kết thúc truyện
ngắn khi quả thận đá tự nhiên biến mất. Sau đây là trích đoạn trong truyện “Quả
Thận Đá Biết Đi.”
Nàng xoay người về hướng chàng và tựa
bộ ngực săn chắc vào cạnh người chàng. Hạ giọng, như để chia sẻ một điều bí mật,
nàng nói, “Anh biết không, Junpei, mọi thứ trong đời đều có lý do, khiến người
ta làm những chuyện người ta đã làm.” Junpei đang trôi dần vào giấc ngủ nên
không trả lời. Trong không khí ban đêm, câu nói của nàng mất đi cấu trúc bình
thường, dường như nó tan loãng vào mùi rượu nho trước khi chạm đến những ngõ
ngách sâu thẳm trong ý thức của chàng. “Thí dụ như, gió có lý do của gió. Chúng
ta chỉ không chú ý đến gió khi chúng ta sống và làm việc hằng ngày. Nhưng đến một
lúc nào đó chúng ta sẽ phải chú ý đến nó. Gió bao trùm anh với một mục đích cố
định, và nó lay chuyển anh. Gió biết tất cả những gì bên trong tâm hồn anh. Và
không chỉ riêng có gió mà thôi. Tất cả mọi thứ, kể cả đá. Chúng biết chúng ta rất
rõ ràng. Từ trên xuống dưới. Điều này chỉ xảy đến với chúng ta vào một khoảng
thời gian nhất định. Và tất cả những điều chúng ta có thể làm là tuân theo ý muốn
của chúng. Khi chúng ta chấp nhận chúng, chúng ta sẽ tồn tại, và trở nên sâu sắc
hơn.”
Nhạc sĩ (Lê Uyên) Phương hỏi rằng,
sao người biết: “Đá không buồn, không nhỏ lệ đêm thâu.” Có lẽ chúng ta không có
cơ hội chứng kiến tận mắt những giọt nước mắt của đá nhưng huyền thoại Hy Lạp
đã để lại câu chuyện một núi đá biết khóc. Đó là câu chuyện về nữ thần Niobe.
[6] Hòn
đá mang hình dáng Niobe trên đỉnh núi
Mount Sipylus hiện nay ở Manisa Province,
Turkey.
Niobe
là con gái Tantalus; vua của Phrygia, cai trị vùng đất bây giờ thuộc về Turkey.
Tantalus mang nửa dòng máu thần, vốn là con (rơi) của Zeus. Mẹ của Niobe cũng
là thần. Tantalus khôn nhưng không ngoan, tính tình gian xảo thích lường gạt
các vị thần khác. Tuy là thần nhưng cũng có nhiều vị thần rất dễ tin. Tantalus
là vị thần cùng một nhóm với Sisyphus (nhưng không là Sisyphus như thường bị hiểu
lầm). Vì Tantalus dám lường gạt cả Zeus và thường hay khoe khoang sự xảo quyệt
của mình nên ông bị Zeus trừng phạt bằng cách phải lăn một hòn đá lên đỉnh núi
và Tantalus kiệt lực nên hòn đá lại rơi xuống chân núi. Hòn đá này trở thành biểu
tượng cho những mưu đồ đại sự không thành công. Câu chuyện Tantalus trở thành
ông thần khuân đá chỉ được nhắc thoáng qua trong huyền thoại Niobe và tôi chỉ
chú trọng đến câu chuyện núi đá rơi nước mắt.
Niobe
nhìn thấy buổi tiệc huy hoàng chúc mừng nữ thần Latona có hai đứa con là Apollo
và Artemis. Apollo, đã được nhắc đến ở phần trên, là vị thần lập ra đền tiên
tri Delphi có hòn đá Omphalos. Artemis là vị nữ thần cai quản nghề săn bắn.
Apollo và Artemis đều là con của Zeus với nữ thần Latona. Niobe khoe rằng mình
thuộc dòng máu thần, cha là vua, mẹ là thần, chồng cũng là vua. Niobe lại xinh
đẹp lộng lẫy. Tại sao loài người không ca ngợi nàng, người có mười bốn đứa con,
mà lại đi tôn sùng Latona chỉ có hai người con. Lời lẽ ngạo mạn của Niobe khiến
Latona nổi giận. Nữ thần ra lệnh Apollo và Artemis giết tất cả mười bốn đứa con
của Niobe. Apollo giết bảy con trai và Artemis giết bảy con gái. Niobe trốn về
núi Mount Sipylus nhưng vẫn bị biến thành đá. Nỗi hận mất con của nàng không
bao giờ nguôi ngoai nên mãi đến ngày nay nước mắt vẫn còn rơi từ núi đá này.
Đây là một bài học quí giá cho loài người, khi mình giàu có, xinh đẹp, và quyền
thế chớ vội khoe khoang và so bì mà chuốc hại vào thân.
Điển
tích Niobe được nhạc sĩ Leonard Cohen nhắc đến qua mấy câu hát trong bài “Steer
Your Way” (Lèo Lái Hướng Đi Của Bạn).
They
whisper still, the ancient stones
The
blunted mountains weep
As
He died to make men holy
Let
us die to make things cheap
And
say the Mea Culpa [7] which you gradually forgot.
Những hòn đá cổ xưa vẫn thì thầm.
Những ngọn núi cúi đầu than khóc
“Người” chết để loài người trở nên
thánh thiện
Chúng ta chết cho những thứ rẻ tiền
Và tập nói Mea Culpa, hai chữ mà người
ta dần lãng
quên.
Trong huyền thoại Việt Nam, khi quá đỗi
đau buồn nàng Tô Thị biến thành núi đá Vọng Phu và tình yêu tuyệt vọng của
Trương Chi đã biến quả tim của chàng thành đá. Niobi nếu không bị trừng phạt bằng
cách hóa đá có lẽ bà cũng sẽ tự hóa đá vì quá đau buồn. Không biết núi Vọng Phu
có từng chảy nước mắt như núi Aglayan Kayla (Weeping Rock) hay không.
Tôi đã kể bạn nghe chuyện hòn đá biết
nói lời tiên tri, quả thận đá có thể di chuyển, và núi đá biết khóc. Bây giờ
tôi xin kể câu chuyện một hòn đá biết nghe. Trong huyền thoại Afghanistan người
ta đem nỗi buồn kể cho hòn đá nghe, hòn đá thấm nhập nỗi buồn của loài người
cho đến một ngày nó sẽ vỡ toang, và khi ấy người ta sẽ không còn đau khổ nữa.
Hòn đá này là “Sang-e Saboor” có nghĩa là “The Patience Stone” hay “Hòn
Đá Kiên Nhẫn” [8].
Ở
một nơi nào đó trong quốc gia Afghanistan, có một thiếu phụ đang săn sóc người
chồng bị hôn mê vì viên đạn ghim vào trong cổ. Nàng tiêm nước trợ lực, lau bụi
bặm trên mặt mũi và thân thể của chồng trong khi cuộc chiến vẫn khốc liệt xảy
ra trên đường phố bên ngoài ngôi nhà của nàng. Giữa cô đơn, nàng bắt đầu trò
chuyện với người chồng đang hôn mê. Lấy chồng sớm, không được chồng yêu, cử chỉ
vũ phu của chồng làm nàng đau buồn. Đều đặn, ngày qua ngày nàng thổ lộ tất cả
những điều thầm kín trong tâm hồn nàng. Người chồng không biết có nghe được
không, nhưng nàng vẫn nói cho vơi bớt nỗi khổ trong lòng. Chiến tranh càng lúc
càng ác liệt. Cuộc sống rất thiếu thốn nhưng nàng vẫn tìm cách mua các đồ dùng
y tế để săn sóc chồng. Lính, không của phe này thì phe kia, tìm bắt người của
phe đối nghịch và hãm hiếp phụ nữ. Nhiều phụ nữ phải đi làm điếm để có tiền
trang trải cuộc sống. Lính của phe nào cũng có thể bắn giết dân trong làng dễ
dàng. Có lần để tránh bị hãm hiếp, nàng nói dối với tên lính là nàng làm điếm
(người ta khinh phụ nữ làm điếm đến mức không thèm hiếp). Hắn ta nhổ nước bọt
lên mặt và đánh đập nàng trước khi bỏ đi. Dần dần nàng thổ lộ cả những ước muốn
về tình yêu và tình dục, mong rằng khi tỉnh lại người chồng sẽ đáp ứng và thỏa
mãn nàng. Có một anh lính trẻ tưởng nàng là điếm thật nên mang tiền đến để được
ân ái với nàng. Tên lính còn trẻ đến độ chưa hề giao hợp với đàn bà. Sau vài lần
qua lại, nàng thú nhận với chồng, nàng có cảm tình với tên lính trẻ. Người chồng
sau mười mấy ngày hôn mê nghe đến đó bỗng dưng tỉnh lại và đưa tay bóp cổ nàng.
Nàng
quay lại để cho thêm dung dịch trợ lực vào bao tiếp nước. “Bây giờ thì em
hiểu vì sao bố anh đã rất nhiều lần nhắc đến hòn đá nhiệm mầu ấy. Lúc ấy, Bố
suy yếu lắm và sắp qua đời. Anh không có mặt ở nhà, bởi vì anh lại đi chiến đấu.
Cách đây vài tháng, trước khi anh bị bắn, Bố bị ốm nặng, chỉ có em là người săn
sóc Bố. Bố bị ám ảnh bởi hòn đá nhiệm mầu ấy. Một hòn đá màu đen. Bố cứ nói
hoài về hòn đá ấy… Bố gọi hòn đá ấy là gì nhỉ?” Nàng cố nhớ lại chữ ấy. “Bố
yêu cầu tất cả bạn bè đến thăm hãy mang hòn đá ấy đến cho Bố… một hòn đá đen rất
quí báu…” Nàng điều chỉnh cái ống nhỏ dẫn nước tiêm vào cổ người đàn
ông. “Anh biết mà, cái hòn đá anh đặt trước mặt … kể lể chuyện khó khăn với
nó, tất cả gian nan, đau đớn, và buồn khổ… Anh thú thật với hòn đá những điều
thầm kín trong lòng, những điều anh chẳng bao giờ dám kể cho ai nghe…” Nàng
kiểm soát lại những giọt nước nhỏ xuống đều đặn. “Anh nói với hòn đá, và cứ
tiếp tục nói mãi. Hòn đá lắng nghe, thu thập tất cả lời nói của anh, tất cả những
điều bí mật của anh, cho đến một ngày nó sẽ vỡ ra. Vỡ toang, thành những mảnh
nhỏ li ti.” Nàng lau vòng quanh mi mắt và nhỏ thuốc vào mắt cho chồng. “Và
vào ngày hôm ấy anh sẽ được phóng thích, tự do, không còn những nỗi đau buồn
hay thống khổ nữa… Hòn đá ấy tên gì?” Nàng kéo tấm khăn trải giường cho
ngay ngắn. “Vào ngày trước khi Bố mất, Bố gọi em, Bố muốn gặp riêng em. Bố
đang hấp hối. Bố thì thầm với em. Con ạ, tử thần đã xuất hiện trước mắt Bố,
ngài đi chung với thiên thần Gabriel, và ngài thổ lộ một bí mật mà Bố sẽ gửi gắm
với con. Bây giờ thì Bố biết chỗ chúng ta sẽ tìm thấy hòn đá. Nó ở Ka’bah,
trong thánh địa Mecca! Trong đền thờ Chúa. Con có biết không chính cái hòn Đá
Đen mà hàng triệu người hành hương đã đi vòng quanh trong ngày lễ Eid [9]. Đó, đó chính là hòn đá Bố đã nói
cho con nghe… Ở thiên đường, hòn đá này đã từng là cái ngai của Adam… nhưng sau
khi Adam và Eva bị Chúa đày xuống trần, ngài cũng đã gửi hòn đá theo, để con
cái của Adam có thể bày tỏ với hòn đá những điều buồn khổ… Đây cũng chính là
hòn đá thiên thần Gabriel đã trao tặng Haggar và cậu con trai đã dùng nó làm gối
khi Abraham lưu đày người hầu nữ này với cậu con trai vào trong sa mạc… Vâng,
đó chính là hòn đá đã hứng chịu tất cả những xui xẻo bất hạnh của thế giới. Hãy
đến nơi ấy! Kể với hòn đá tất cả bí mật của con với nó… cho đến khi nó vỡ
toang… và con sẽ được giải thoát không còn những dằn vặt từ thể xác đến tinh thần.” Đôi
môi nàng trở nên trắng bệt như màu tro vì buồn phiền. Nàng ngồi thật lâu trong
im lặng để mặc niệm.
Bằng giọng khản đục, nàng tiếp tục
nói. “Những người hành hương đến Mecca, thế kỷ này sang thế kỷ khác đi
vòng quanh hòn đá, để cầu nguyện; thế tại sao đến giờ này nó vẫn chưa vỡ ra?” Nàng
bật cười giọng mỉa mai, và môi nàng có màu trở lại. “Một ngày nào đó nó sẽ
nổ tung và ngày đó sẽ là ngày tận thế. Có lẽ đó là tính chất của ngày Khải Huyền.
Người chồng, đã được nàng xem là hòn
đá kiên nhẫn. Hòn đá lắng nghe hết nỗi thống khổ của nàng. Người chồng tỉnh dậy
bóp cổ nàng đó là lúc hòn đá kiên nhẫn vỡ toang, và đó là lúc nàng cảm thấy được
giải thoát. Người thiếu phụ cũng chính là một hòn đá kiên nhẫn, đã nhận lãnh tất
cả những nỗi nhọc nhằn xã hội đổ lên người đàn bà ở một xứ vẫn còn ngược đãi phụ
nữ, khi nói tất cả những uất ức trong lòng nàng với thân xác bất động của người
chồng, và nhìn nhận những ước muốn về tình yêu về tình dục, chấp nhận ngủ với
anh lính trẻ (nhiều lần) vì cảm mến hơn là vì tiền, nàng cũng như một hòn đá
kiên nhẫn bị vỡ toang.
Mặc dù loài người chưa tìm thấy chứng
cớ cụ thể rằng phiến đá có tình yêu, nhưng chắc chắn có rất nhiều tình yêu được
gửi vào trong đá. Theo phim Departures của đạo diễn Yōjirō, ở Nhật Bản trước
khi có ngôn ngữ, người ta đã dùng đá làm thư gửi cho nhau. Daigo Kobayashi vốn
là nhạc sĩ đại hồ cầm trong ban nhạc giao hưởng. Ban nhạc bị giải tán, chàng bị
mất việc nên mang cô vợ trẻ về quê nơi chàng có căn nhà của mẹ để lại. Bà mẹ của
Daigo qua đời đã được hai năm. Ngôi nhà của mẹ là nơi chàng được bao bọc bởi ký
ức thời ấu thơ, với nhiều kỷ niệm đau buồn. Cây đại hồ cầm đắt tiền chàng bán để
trả nợ. Trong nhà vẫn còn cây đàn cũ chàng dùng ngày còn bé. Trên cây đàn có một
gói giấy, trong đó có một hòn đá khá to, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay của
một người đàn ông trưởng thành. Khi bà mẹ qua đời Daigo đang ở nước ngoài không
thể về chịu tang mẹ. Điều này với chàng vẫn là một bứt rứt khôn nguôi. Khó có
cơ hội trở lại với nghề nhạc sĩ, Daigo hành nghề tẩn liệm người chết và nghĩ rằng
đây là một quả báo vì chàng đã chẳng có hiếu với mẹ. Ngôi nhà này mẹ Daigo mở
thành quán ăn. Bố Daigo bỏ nhà đi theo cô hầu bàn, lúc Daigo chừng chín tuổi.
Viên đá to cất trên cây đàn là của bố Daigo tặng. Chính ông bố đã kể chàng nghe
câu chuyện người xưa dùng đá để gửi thư cho nhau. Hòn đá trơn nhẵn hay sần sùi,
nặng hay nhẹ, to hay nhỏ được dùng để bày tỏ tâm tình của người gửi. Người nhận
sẽ cảm nhận được tình yêu trong lá thư bằng đá. Ngày bố Daigo ra đi theo tiếng
gọi tình yêu ông hứa sẽ gửi thư đá về cho chàng nhưng vỏn vẹn chỉ hòn đá này
chàng được bố tự tay trao tặng, khi cả gia đình Daigo còn hạnh phúc, đang đi dạo
dưới ánh trăng trên bãi đá gần bờ sông. Cậu bé Daigo cũng tặng bố một viên đá
nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay cậu. Nghề tẩn liệm người chết không được xã hội
quí trọng nhưng Daigo rất yêu nghề vì chàng nghĩ có thể giúp người chết có vẻ
xinh đẹp và trang trọng hơn. Chàng nhận được tin bố chàng qua đời. Ông sống cô
độc trong một thành phố nhỏ ven biển. Khi thấy thi hài của Bố không được tẩn liệm
đúng nghi lễ, dù vẫn còn giận Bố đã bỏ mẹ con chàng, Daigo tự tay tẩn liệm bố.
Khi săn sóc thi hài Bố chàng khám phá trong lòng bàn tay của Bố nắm chặt hòn đá
nhỏ, lá thư đá đầu tiên của chàng gửi cho Bố.[10] Có thể trong đá chứa rất tình yêu khi những lá thư đá này gói ghém
tình cảm của người gửi thư.
Nếu ngày xưa, Sang-e Saboor, có thể vỡ toang, vì không còn chịu
được nỗi đau khổ của con người; thì ngày nay chúng ta có một hòn đá cứng rắn
hơn. Hòn đá này đã chịu đựng rất nhiều tai ương người ta đổ lên “nó” mà vẫn còn
nguyên vẹn. Hòn đá này có tên Lưu Hà, vợ của Lưu Hiểu Ba, nhà thơ, kiêm nhà
tranh đấu, kiêm Khôi Nguyên giải Nobel Hòa Bình năm 2010. Trong bài thơ “What
One Can Bear” ông Lưu Hiểu Ba viết rằng: “Em nói với anh, Em có thể chịu đựng
bất cứ cái gì.” Người vợ hiền lành của ông là viên đá hứng chịu sức nặng
của thế giới cứng cỏi đến mức có thể làm tan vỡ xương sọ của ông để giải
thoát tư tưởng của ông. Những lý tưởng dân chủ của ông bị nhà cầm quyền xem như
là thuốc độc. Với ông những tư tưởng cách mạng ấy cùng với tình yêu đôi lứa đã
thấm đẫm tâm hồn của cả hai người.[11]
Không phải hòn đá nào cũng tượng trưng cho sự khốn khổ, nhà
thơ Charles Simic đã từng bảo rằng ông sẽ hạnh phúc làm một hòn đá. Ông
nhìn thấy sự ấm áp sáng sủa của muôn ngàn tia lửa ẩn giấu trong lòng đá.[12]
Đến đây tôi phải thú nhận là cuộc tìm kiếm qua văn chương và
phim ảnh những câu chuyện về đá đã không thể chứng minh trong thực tế đá biết
buồn, biết khóc, biết đi, biết nói, hay biết đau. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền khẳng
định đá có nước mắt với “Lệ Đá Xanh.” Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nói rằng “hỡi
người đi trên cát xin nhớ rằng cát trắng đang đau.” Hai ông cũng như bao
nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ và văn sĩ khác, gửi gấm suy nghĩ và tâm sự của họ vào
trong đá. Phim Departures cho nhân vật gửi gắm tình yêu vào những lá thư đá. Điểm
chung của các nhà văn, là để diễn tả nỗi đau khổ đến mức tận cùng, họ cho nhân
vật biến thành đá như Niobe của Hy lạp, Tô Thị và Trương Chi của Việt Nam. Các
văn nghệ sĩ cũng gián tiếp công nhận tính chất vô tri, vô cảm xúc của đá. Atiq
Rahimi ngầm công nhận đá không biết đau buồn nên người ta mới đổ đau khổ lên
hòn đá Sang-e Saboor. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng công nhận mức ù lì vô cảm của
đá khi viết rằng “Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô.”[13] Chúng ta
không thể khẳng định đá có tâm hồn, nhưng chúng ta có thể quan sát tâm hồn của
con người qua những câu chuyện về đá trong văn học. Bạn đọc có thể cảm nhận được,
tình cha con gói ghém trong những hòn đá họ tặng cho nhau, nỗi cô đơn của hòn Vọng
Phu, trái tim khắc khoải của Trương Chi, những giọt nước mắt đau đớn vì mất con
của hòn núi Niobe (Mount Aglayan Kayla), nỗi buồn chiến tranh và thân phận người
đàn bà trong xã hội Afghanistan trong “Hòn Đá Kiên Nhẫn,” cái tự do
thênh thang với gió của người đàn bà đi dây trong “Quả Thận Đá Biết Đi,”
hay nỗi đau đớn của Lưu Hà khi chồng bà. ông Lưu Hiểu Ba, bị giam cầm cho đến
chết vì ý thức chính trị.
Những đoạn văn tiếng Anh dịch sang tiếng Việt trong
tác phẩm “Beauty and Sadness,” “The Patience Stone,” “Reading Zen in the
Rocks,” “Steer Your Ways,” và “What One Can Bear” là của Nguyễn
thị Hải Hà. Bài thơ Stone của Charles Simic được nhà thơ Trần thị Lai Hồng dịch
và đăng trên mạng Gió O.
Chú thích:
[2] Kawabata, Yasunari. Stone Garden trong Beauty
and Sadness. Trans. Hibbett, Howard S. New York. Alfred A. Knopf, Inc.
@1996.
[3] Berthier, François. Reading Zen in the Rocks.
Trans. Parkes, Graham. Univ. of Chicago Press. Chicago and London. @2000. p.
vii
[4] François Berthier là Giáo sư về ngành Mỹ thuật Nhật Bản
và Lịch sử của Institut National des Languages et Civilisations Orientales in
Paris.
[6] Weeping Rock, có hình dáng của Niobe trên đỉnh núi
Sipylus. Wikipedia.
[7] Mea Cupa tiếng Latin chỉ sự thú nhận lỗi lầm của
mình.
[8] Rahimi, Atiq. Sang-e Saboor. Trans. Polly
McLean. New York. 2008. p. 75. Le Prix Goncourt.
[9] Eid là ngày lễ hội tôn giáo Muslim.
[10] Phim Departures. Đạo diễn Yōjirō Takita. @2008
[11] Liu, Xiaobo. What One Can Bear. Nguyễn thị
Hải Hà dịch.
http://www.gio-o.com/
[12] Simic, Charles. Stone. Trần thị Lai Hồng
dịch.
http://www.gio-o.com/
[13] Trịnh Công Sơn. “Rồi Như Đá Ngây Ngô”.
http://lyric.tkaraoke.com/
Nguyễn Thị Hải Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét