Nguyễn Ngọc Tư - Nhà văn trẻ Nam bộ
Tôi bắt đầu đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư cách
nay vài năm. Lúc đó, chị Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nam Bộ sinh trưởng ở đất Đầm
Dơi - Cà Mau, đã tạo được tiếng vang nhất định trong lòng người đọc với tác phẩm
"Giao thừa". Lúc ấy, tôi đã khởi công làm quyển "Từ điển từ ngữ
Nam Bộ". Tôi quan tâm tới sáng tác của chị nhiều là vì để làm quyển từ điển
ấy, tôi rất cần những dẫn liệu của các nhà văn Nam Bộ. Các sáng tác của nhà văn
Nam Bộ lớp trước thì dễ tìm, dễ lấy dẫn liệu, vì ngôn ngữ của họ còn thuần chất
Nam Bộ; còn sáng tác của các nhà văn Nam Bộ hiện nay thì không dễ có. Mà hiện
nay, có là nhà văn Nam Bộ đi nữa thì liệu những dẫn liệu trong sáng tác của họ
có phải là lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ hay không? Vì trong thời buổi
giao lưu hiện đại này, giữ được những cái gì là bản sắc của riêng mình không phải
là dễ. Hơn nữa, ở lĩnh vực viết văn, có nhiều người nghĩ rằng, Nam Bộ không phải
là xứ sở của văn chương, nên còn có nhiều người "ngại" sợ thiên hạ biết
mình là người Nam Bộ nữa hổng chừng. Bởi đó, có đôi khi họ cố sửa giọng, nắn giọng,
thay đổi thói quen dùng từ để sao trong tác phẩm của mình, người đọc cảm thấy
có tính toàn dân, hiện đại hơn. Cá nhân tôi khi làm quyển "Từ điển từ ngữ
Nam Bộ", lại có một suy nghĩ khác: có được văn phong Nam Bộ của chị làm dẫn
liệu, nói có thể người ta cho là hơi quá, như "vớ được vàng". Cũng phải
cám ơn người bạn tôi, anh làm ở báo nên có nhiều thông tin, đã có
công giới thiệu về chị, và cho tôi một bản in photocopy khi chị cho xuất bản tập
truyện ngắn "Giao thừa", mà thật ra lúc đó chị đã có tên tuổi khi
giành được "giải nhất" cuộc thi sáng tác văn học Tuổi Hai Mươi
toàn quốc lần thứ hai kết thúc vào ngày 30/4/2000, với tập truyện "Ngọn
đèn không tắt".
Cho đến nay, ngoài những truyện đăng chung với các tác giả
khác trong những tuyển tập chung, chị đã có được các tập truyện ngắn riêng sau:
Tập truyện "Ngọn đèn không tắt" (Nxb. Trẻ 2000), Tập truyện
thiếu nhi "Ông ngoại" (Nxb. Trẻ 2001), Tập truyện "Biển
trời mênh mông"(Nxb. Kim Đồng 2003), Tập truyện"Giao thừa" (Nxb.
Trẻ 2003), Tập truyện và ký "Nước chảy mây trôi" (Nxb. Văn nghệ Tp.
HCM 2004), "Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư" (Nxb. Văn hóa Sài
Gòn 2005) và gần đây tác phẩm "Cánh đồng bất tận" (Nxb. Trẻ 2005) của
chị được phát hành gây nên một tiếng vang mới khen chê đều có, nhưng dù gì thì
hiện nay tên tuổi của chị không những đã được biết đến ở cả nước mà hình như ở
nước ngoài có nhiều bạn đọc cũng quan tâm. Trong các tập sách này, có nhiều
truyện được chọn in ở nhiều tập, có lẽ vì nó thu hút người đọc, như truyện:
"Dòng nhớ, Nhớ sông, Chuyện của Điệp, Hiu hiu gió bấc, Huệ
lấy chồng, Cái nhìn khắc khoải, Nhà cổ, Ngổn ngang...".
Đọc truyện của chị, người đọc sẽ cảm nhận được chất Nam Bộ thể
hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm. Bối cảnh trong các truyện ngắn
của chị phần lớn là vùng đất U Minh. Đó là mảnh đất cuối trời quê hương, mà nhiều
người chỉ nghe nói tới, chớ cũng không có lần được đặt chân đến, đừng nói chi đến
việc đi hết vùng đất Mũi. Trong tác phẩm của chị có một không gian Nam Bộ với
những loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: "mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra,
tràm, choại, quao, ô rô, dừa nước...", với những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt
chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc: "vàm Cỏ
Xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng,
Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao...", hay những tên ấp,
tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: "xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm
Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà Tha...". Nhân
vật trong tác phẩm của chị là những con người Nam Bộ với những cái tên cũng hết
sức bình dị, chân chất kiểu Nam Bộ: cách đặt tên theo thứ, và cách xưng gọi thứ
kết hợp với tên: "Hai, Ba, Tư, Chín, Út...; Tư Nhớ, Năm Nhỏ, Sáu Đèo..."
mang những tâm tư, nguyện vọng cũng hết sức nhỏ bé, đời thường. Đó là những con
người sinh sống bằng những ngành nghề cũng gắn liền với quê hương sông nước Nam
Bộ, như: "nghề sông nước, nghề nuôi vịt chạy đồng, nghề theo gánh
hát...", ngoài những ngành nghề truyền thống làm ruộng, làm rẫy, đan
lát... Đặc biệt, vùng đất và con người Nam Bộ trong các sáng tác của chị được dựng
lại bằng chính chất liệu của nó là ngôn từ và văn phong nhiều chất Nam Bộ của
chị.
Truyện của chị đa phần dừng lại ở những tình cảnh gia đình
nghèo, đề cập đến số phận buồn của những con người nhỏ bé, những nông dân chân
chất với những ước mơ và cuộc sống hết sức bình dị đời thường rất đáng cảm
thông, trân trọng, nhưng đôi khi cuộc đời nghiệt ngã cũng không cho họ được như
ý, được toại nguyện, như: "Chuyện của Điệp", "Nhớ sông",
"Đau gì như thể...",.
Truyện "Chuyện của Điệp" nói về một cô bé
lớn lên với ngoại, nhưng có tâm hồn đa cảm, bao dung: "Má à, sáng này má
kêu con Giàu theo con ra đoàn, mấy bộ đồ của bé Bơ còn nguyên một giỏ y thinh,
con gởi nó đem về cho má, mai mốt má sanh cho em bé mặc, nghen má.".
Hay truyện "Nhớ sông", nói về cảnh bất hạnh của
gia đình ông Chín, vợ mất sớm vì một tai nạn bất ngờ trên sông nước, để ông phải
lâm vào cảnh "gà trống nuôi con". Dù nghèo, nhưng ba cha con vẫn gắn
bó với nhau bằng một tình thương yêu hết sức thiêng liêng, cảm động. Đọc truyện
này nhiều người phải rơi nước mắt vì cảnh gia đình ông Chín: "Gia đình ông
Chín sống hẳn trên ghe. Cảnh của ông cũng buồn lắm. Nhà nghèo, ra riêng, gia
đình chỉ cho hai công đất. Năm Giang ba tuổi, Giang lên sởi. Ông chín bán đất cứu
con. Số tiền con dư lại, ông mua chiếc ghe nhỏ đi bán hàng bông. Cả nhà dắt díu
nhau linh đinh sông nước.". Cảm động nhiều là đoạn nói về tình cảnh trong
quá khứ, khi mỗi lần ghe ông ghé lại, đứa trẻ con ông lại lên bờ chạy như điên
dại, và lúc ấy, nó như tìm lại được khoảng trời tuổi thơ đầy mơ ước, mà điều
này khiến vợ chồng ông đau xót qua tâm sự: "Có lúc, vừa ghé lại bờ, chưa kịp
buộc dây ghe vô gốc mắm, do quẩn chân lâu ngày, Giang đã chạy lên bờ, chạy cuống
chạy cuồng như vui như điên trên đất, má Giang rớt nước mắt, "Con nó thiệt
thòi...". Ông Chín an ủi, "vì miếng ăn mà, mình ơi.".".
Cuộc sống nghèo khổ tạo cho con người một nghị lực, lâu dần
trở thành thói quen, mà thói quen dễ làm con người nhớ. Dù nỗi nhớ của những
con người nghèo khổ này "lạ quá!", mấy ai "thông cảm" được:
"Ghé Đập Sậy, Giang đòi ông Chín ở lại một đêm, cho Giang xuống ghe ngủ với
con Thủy. Giang than nức nở, "Trời ới, con nhớ ghe quá trời đất đi".
Xuống ghe, Giang mò mẩm từng món hàng, từng miếng sạp." (Nhớ sông).
Đọc truyện của chị người đọc có băn khoăn: ở vùng đất đồng bằng
này, còn bao nhiêu gia đình đang ở vào tình cảnh như gia đình ông Chín, gia
đình của Điệp, gia đình của cha con Tư Nhớ?!
Truyện của chị còn đề cao nhân phẩm của những con người lao động
nghèo. Họ thiếu thốn tiền bạc, nhưng không nghèo tình nghĩa mà lại giàu nhân
cách, trách nhiệm. Truyện "Đau gì như thể..." lại là một bi kịch của
3 thế hệ: ông, mẹ, cháu. Cả ba nương tựa vào nhau bằng niềm vui sống mong manh,
nhưng cũng hết sức mãnh liệt, bền bĩ. Tư Nhớ bị hàm oan vì "sự loạn
luân". Thiên hạ đồn đại dai dẵng, trong đó có người của chính quyền xã Xẻo
Mê cũng cho rằng, con của Nga cũng chính là con của Tư Nhớ - cha của Nga, và
ông đã bị nhốt mấy ngày ở Ủy ban vì chuyện này. Đoạn viết về tình cảnh này của
cha con chú Tư hết sức xúc động: "Đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã làm mẹ một đứa
trẻ khác, cũng môi đỏ, mắt đen. Hôm ở trạm xá về, ở xóm người ta lại thăm nườm
nượp, không kịp nhìn đứa trẻ, nắc nẻ khen liền: "Trời ơi thiệt là giống
chú Tư quá he". Có người chưa đi quá cái miễu ông Tà đã cười cợt bàn với
nhau, hỏng biết thằng nhỏ kêu ông Tư Nhớ là gì ha, là ngoại hay cha. Ông đang
quạt mẻ than, nghe câu ấy thảng thốt nhìn tro bụi tơi bời, con gái nỉ non, ba
ơi, kệ con, coi chừng người ta thấy, nói tới nói lui. Ông già nổi quạu đùng
đùng, "Thiên hạ để tôi sống đàng hoàng như một con người chớ". Tiếng
kêu nghe thấu đến trời, sao đồng loại con người không học cách hiểu nhau."
(Đau gì như thể...)
Chuyện oan khuất của một đời người là nỗi đau âm ĩ, dữ dội của
chính họ, nhưng người khác vô tâm thì sao có thể chia xẻ cho họ được. Ông đã
nhiều lần dành dụm tiền, viết lại đơn để lên các cấp Ủy ban xin được minh oan,
xã thì bảo ông lên huyện, "rồi huyện chỉ lên tỉnh, tỉnh hứa để từ từ coi lại",
"Lâu lâu, ông tới để nhắc chừng, mỗi khi hay có sự thay đổi, luân chuyển
lãnh đạo, ông đến nộp thêm bộ đơn nữa.", nhưng người ta xem chuyện đó đơn
giản, khi nghe ông trình bày sự việc: "- Ủa, đơn giản vậy thôi hả?"
làm ông quá thất vọng. Khi "chính quyền sai" ông không khiếu kiện, chỉ
xin hai chữ "minh oan", nhưng họ trả lời ông cũng hết sức "vô
tâm, cửa quyền": "Biết chú bị oan là tụi tui thả liền, chú còn đòi gì
nữa?", hay: "Chuyện của chú thấy vậy mà căng lắm, hồi trước giờ chính
quyền chưa xin lỗi trước dân lần nào, tôi đâu có dám phá lệ, hay chú lên huyện
hỏi thử coi...". Ngày xưa nói, "chính quyền là công bộc của
dân". Bây giờ nói, "cán bộ là đây tớ của dân", nhưng xem ra câu
nói ấy chỉ dừng lại ở cửa miệng.
Truyện "Cải ơi!" cũng đề cập tới tình cảnh của ông
già Năm Nhỏ phải chịu tiếng oan là "giết con" khi nhỏ Cải (con của vợ
ông), làm mất đôi trâu, sợ đòn, bỏ trốn. Cuộc hành trình dài lặn lội đi tìm đứa
con, với nhiều "phương kế" của ông, của một người "cha ghẻ"
(bố dượng) để mong tìm được con Cải, có nhiều chi tiết hết sức tình người, rất
xúc động. Những chi tiết này là cuộc sống sinh hoạt đời thường, bình dị, giàu
chất Nam Bộ và cũng thấm đượm tình người: "Ông già Năm Nhỏ lặng đi, tự hỏi,
bây giờ ông lên ti vi, con Cải có nhận ra ông không. Câu trả lời là có, ông đã
dắt con nhỏ đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chuối làm bè dạy cho nó
lội, thả trâu, chơi diều, ông đã cõng con nhỏ đi tắt mấy vạt đồng đến khám bệnh
chỗ ông bác sĩ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ dây thun
khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về... Tất cả
những thứ đó, ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn lên ti
vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng, về đi con ơi, đôi trâu có sá gì!".
Nhân vật trong truyện của chị phần lớn là những con người ít
phản kháng trước những ngang trái, bất công, nhưng giỏi sự chịu đựng. Cụ thể
như gia đình Tư Nhớ trong truyện "Đau gì như thể...", hoặc một nhóm
người nông dân nghèo ở Trảng Cò, trong truyện "Lỡ mùa": Người nông
dân khổ vì không có đất canh tác do những quy hoạch treo. Họ mất đất, nên luôn
ao ước được cày bừa trên mảnh đất của chính mình, mỗi khi thấy mưa về, nhưng giờ
đây cũng không được: "Trời vẫn trĩu đầy nước, tối âm u, ông Ba thấy núi
mây đen thẫm dựng lên một mảng trời phía Trảng Cò, ông chắc lưỡi như xót xa lắm,
điệu này dưới mình mưa lớn dữ, đất chắc chìm hết rồi, đồng chỉ chắc còn loi
ngoi cỏ, muốn cày, bừa cũng khó lắm đây. Ông Ba già nghe ruột mình nôn lên, từng
khúc, từng khúc, nghẹn ứ đến mức ông không lên tiếng được." (Lỡ
mùa).
Trong những sáng tác của chị, có rất nhiều truyện chị đề cập
tới tình yêu đôi lứa ở nông thôn, với những ước mơ, đơn giản, bình dị. Có những
tình yêu đi đến kết cục nhưng phải qua bao nhiêu thăng trầm, sóng gió, như truyện:
"Bến đò xóm Miễu", nhưng có rất nhiều tình yêu dang dở, xót xa, vì
nhiều lẽ: nghèo, thiếu học, không dám mở lời, ngang trái gia đình, hoàn cảnh...
Đó là những mảnh tình yêu đẹp, góp phần điểm xuyết thêm cho mảng hiện thực buồn
của nông thôn vốn yên tĩnh trở nên "xao động". Có các truyện:
"Lí con sáo sang sông", "Ngổn ngang", "Nửa mùa",
"Chiều vắng", "Huệ lấy chồng", "Hiu hiu gió bấc",
"Nhà cổ"...
Truyện "Hiu hiu gió bấc" là một tình cảm đẹp nhưng
bất thành đã để lại nỗi đau ở hai con người tha thiết yêu nhau: "Hôm đám,
anh hết còn tỉnh bơ ngồi ngoài bờ, dưới gốc còng, hào hứng bày cờ ra chơi với mấy
đứa nhỏ. Đám bạn gái ai cũng xì xầm, chắc thằng Hết không thương thiệt con Hoài
nên mới dửng dưng vậy. Chị Hoài nghe mà khóc không thôi, bảo với chị Hảo, có
cái tiếng bạc tình ảnh cũng gánh cho em rồi.".
Có khi tình yêu đến bất ngờ, rồi vội đi, để lại một khoảng trống
cho thực tại và một kỷ niệm đẹp trong quá khứ, như ở truyện "Cái nhìn khắc
khoải", chị viết: "Chị bật khóc, con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó
ăn chậm rãi. Ý nói sao mà tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy,
làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở dài. Tự mình
làm mình chịu, ai biểu...".
Chủ đề tha hóa cũng được chị đề cập trong một số truyện, như
truyện: "Nỗi buồn rất lạ", "Cánh đồng bất tận"... Có thể
nói, truyện "Cánh đồng bất tận" là một cảnh báo về sự tha hóa ở một lớp
người vì sự nghèo túng và thất học gây nên, cần phải được ngăn chặn bằng cách tổ
chức một xã hội tốt hơn nó hiện có. Đọc truyện này, người đọc có những khen chê
trái ngược nhau. Tôi nghĩ, dù thế nào, đã là nhà văn, viết được một tác phẩm mà
tạo được sự tranh luận rộng rãi ở người đọc, như hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp
trước đây, xét ở một khía cạnh nào đó thì thành công lắm rồi. Còn sự tha hóa
thì ở thời kỳ nào không có, xã hội nào không có, tầng lớp nào không có. Mỗi tầng
lớp có một kiểu tha hóa khác nhau. Tầng lớp lãnh đạo thì có người hủ quá, tham
ô, quan liêu, cửa quyền, tắc trách; tầng lớp công chức trung lưu, trí thức thì
có người vô tâm, mặc kệ, "sống chết mặc bây", tầng lớp nghèo thì có
người vướng vào chuyện hút sách, yêu đương lộn xộn, trộm cắp lặt vặt... Thành
thị tha hóa kiểu thành thị; nông thôn tha hóa kiểu nông thôn. Có điều, một số
người đọc cảm thấy liều lượng "hư đốn" trong "Cánh đồng bất tận"
lớn quá, như "bất tận", đâm ra không tin và phê phán chị vì có cái
nhìn "bôi đen" hiện thực. (Tôi đã đọc được nhiều ý kiến chê bai của
nhiều người, thậm chí, có người còn nhận xét văn của chị với những lời lẽ hết sức
nặng nề; có cả những lời đề nghị như muốn "kết tội" chị mà bản thân
tôi cho rằng, ý kiến ấy là quá đáng.); nhưng số người khác thì cho rằng, hiện
thực mà chị phản ánh, tuy là hư cấu nhưng nó phản ánh chân thực đời sống nông
thôn.
Có người cho rằng, chị viết "tình dục (sex) nông
thôn" nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng sự khen chê thì tùy bạn, thói
thường miêu tả hiện thực đẹp như một lời khen; đề cập tới hiện thực xấu như một
lời chê, mà "lời khen thì dễ nghe, lời chê thì khó chịu", nhưng thế
nào thì cũng xin bạn đọc "cẩn thận" để tránh nặng lời, qui chụp cho
tác giả và những người có ý kiến phê bình khác mình. Cá nhân tôi thích truyện
này ở quan cảnh nông thôn mà qua vài nét chấm phá của chị, hiện ra một nông
thôn Nam Bộ đặc thù, ai đã từng sống ở nông thôn cũng thấy thích bức tranh đồng
quê ấy. Chị viết: "Lần đầu tiên hai chị em tôi lạc giữa đồng. Cơn mưa buổi
xế chiều làm tắt rụi ánh mặt trời, và đêm tối nhanh chóng ập xuống. Mưa giăng bốn
bề, những rặng vườn trở nên xa vời, mờ mịt, căn liều và chiếc ghe của mình nằm ở
phía nào vậy ta, Điền hoang mang hỏi. Chúng tôi lội xom xom xuống một mé vườn
và rã rời tuyệt vọng xua bầy vịt quay ra...". Ở một đoạn khác chị viết:
"Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên nầy tôi
tự dưng nghĩ ra). Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu
riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa. Rất thính nhạy, (như kên kên ngửi được
mùi xác chết), đám thợ gặt đánh hơi kéo đến, nhưng người nuôi vịt chạy đồng lục
tục ở đằng sau...".
Trong nhiều truyện ngắn, khả năng miêu tả tâm lý ở người và vật
của chị tỏ ra khá sắc sảo. Đó là đoạn viết về lão nông nuôi vịt chạy đồng và
người phụ nữ tình cờ được ông "cưu mang" với con vịt xiêm tên Cộc thường
ngày vẫn là bầu bạn của ông. Những chi tiết trong đoạn truyện "Cái nhìn khắc
khoải" cho thấy sự am hiểu của chị hết sức tường tận về vùng đất đồng bằng
và tâm lý của con người Nam Bộ từng trải này:
"Tháng chín. Gió chướng non xập xòe trên ngọn dừa. Ông
trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ
nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã
lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống
sông mà chết. Ông khập khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở
lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết
mình đi đâu". Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối
cùng đậu phía đám dừa nước:
- Cô có sao không?
Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang.
Chị vẫn khóc.
- Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay... làm ơn cho tôi
theo anh đêm nay nghen.
Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi
vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi.
Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng
lùi lũi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị
đòn nghen mậy". Nó dừng lại, đủng đỉnh quay đi. Chị khịt mũi cái sột, lau
nước mắt kêu: "Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc
cái đầu lại, ý nói, vịt xiêm chớ vịt gì, thiệt tình.".
Một đoạn khác trong truyện "Nhà cổ" có những chi tiết
chắt lọc kèm với những phân tích, nhận xét ngắn gọn, đủ cho người đọc nhận diện
tâm lý, tính cách của từng con người ở trong "Nhân Phủ" tại làng cổ
Phương Điền:
"Năm tôi mười sáu tuổi, qua bên đó chơi, biết hai anh đều
lặng lẽ để bụng thương chị Thể mất rồi. Chị Thể mồ côi, từ nhỏ về ở nhờ trong
"Nhân Phủ", đẹp nết, đẹp người. Sinh thời, má anh Hải hay nắm tay
trìu mến, "Má có hai thằng con trai, chừng nào lớn, bây chọn một đứa, làm
con dâu má nghen". Chị Thể chỉ cười cười, không nói. Chị hiền, dịu dàng
như chiếc lá me, con trai xóm khác gặp một lần còn nhớ, huống chi ba người họ lớn
lên cùng nhau... nhưng nhường qua nhường lại hoài, mãi không ai mở lời. Chú em
nhịn ăn sáng, ốm ròm, mặt mày xanh ẻo cắc củm dành tiền tha về cho chị Thể nào
kẹp tóc, vòng bạc, dép, giày... Ông anh chẳng mua gì, nhưng thấy chị vo cơm thì
nhảy vào thổi lửa, thấy chị sắp giặt đồ, anh xách nước để sẵn mấy thùng. Những
buổi sớm mai, hai người cùng nhau xào nhân, nhồi bột, hấp bánh bao. Khói quây lấy
cả hai, khói thơm ngây dại mùi lá dứa. Người em thức sớm học bài, thấy cảnh đó,
đọc lung tung những câu chẳng có nghĩa gì.".
Đoạn tâm sự của ông già Sáu Đèo, làm nghề bán vé số, về con
bìm bịp và cuộc đời của ông, trong truyện ngắn "Biển người mênh
mông", khắc họa được hình ảnh một con người Nam Bộ với nghề sông nước đã
trở thành cái "nghiệp chướng" mà dù không còn khả năng phải lên bờ,
ông vẫn có rán giữ một kỷ niệm của vùng sông nước là "con bìm bịp".
Những nhận xét của ông già Nam Bộ này khiến cho ta phải suy nghĩ lâu hơn về nhiều lẽ của cuộc đời, về một lớp người Nam Bộ có tính cách "giang hồ, phóng khoáng, nặng ân nghĩa": "Đừng nuôi sáo, nuôi sáo kết cục rồi cũng chia ly hà, nó hay sổ lồng, chết yểu. Kiếm thứ dân dã mà nuôi, để nhớ quê, nhớ gốc rễ mình, để đi đâu cũng muốn về nhà. Như qua, nhiều lúc phò con bìm bịp nầy như phò bà già vợ vậy mà vui. Đi bán ở đâu, lâu lâu ông cũng tạt về nhà, quăng mấy con cá ươn cho "con quỷ sứ", xong rồi từ giã, "Tía đi nghen". Trời mưa dầm, ông già đội áo đi kiếm cóc, rắn mối cho nó ăn. Vui buồn gì cũng tía tía con con. Có đêm con bìm bịp kêu suốt, những tiếng bịp bịp ngắn ngủn buồn thiu thỉu, ông bảo với Phi, nó nhớ sông đó. "Lúc nào qua thấy nhớ sông nó đều kêu như vậy". Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ này xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê, gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau, nước ngược cắm sào đậu lại thổi cơm, bìm bịp kêu, nước bò lên bãi ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm.".
Những nhận xét của ông già Nam Bộ này khiến cho ta phải suy nghĩ lâu hơn về nhiều lẽ của cuộc đời, về một lớp người Nam Bộ có tính cách "giang hồ, phóng khoáng, nặng ân nghĩa": "Đừng nuôi sáo, nuôi sáo kết cục rồi cũng chia ly hà, nó hay sổ lồng, chết yểu. Kiếm thứ dân dã mà nuôi, để nhớ quê, nhớ gốc rễ mình, để đi đâu cũng muốn về nhà. Như qua, nhiều lúc phò con bìm bịp nầy như phò bà già vợ vậy mà vui. Đi bán ở đâu, lâu lâu ông cũng tạt về nhà, quăng mấy con cá ươn cho "con quỷ sứ", xong rồi từ giã, "Tía đi nghen". Trời mưa dầm, ông già đội áo đi kiếm cóc, rắn mối cho nó ăn. Vui buồn gì cũng tía tía con con. Có đêm con bìm bịp kêu suốt, những tiếng bịp bịp ngắn ngủn buồn thiu thỉu, ông bảo với Phi, nó nhớ sông đó. "Lúc nào qua thấy nhớ sông nó đều kêu như vậy". Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ này xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê, gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau, nước ngược cắm sào đậu lại thổi cơm, bìm bịp kêu, nước bò lên bãi ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm.".
Ngôn từ trong tất cả truyện ngắn của chị, từ ngôn ngữ dẫn
truyện đến ngôn ngữ nhân vật, nhất là ngôn ngữ nhân vật, đều khá thuần chất Nam
Bộ. Số lượng từ ngữ Nam Bộ được dùng trong tác phẩm của chị khá lớn. Đặc điểm
này tạo nên ở truyện của chị một văn phong riêng mà nhiều người cảm thấy yêu
thích. Trong các truyện của chị có rất nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ được chị
sử dụng khá thích hợp, thậm chí có những từ dùng rất đắc phản ánh được đặc
trưng của một vùng quê Nam Bộ. Đó là những từ chỉ địa hình, sản vật gắn với một
vùng sông nước: "áo bà bà, bà chằn, bình bát, bông, bông súng, bông trang,
cà ràng, cải lương, cây còng, cây tra, chàng tắm, chợ nổi, cò cò, dây thun, dừa
nước, đất nẻ, đậu hũ, đậu phộng, đèn chong, đờn, đùng đình, hàng bông, hàng
lơn, hột, kinh, lồng đèn, lức dại, mẻ ung, mền, miệt, mồng gà, mùng, nạng thun,
nước bò, nước kém, nước miếng, nước rong, ô rô, rạch, rạp, rẫy khóm, sao nhái,
sạp ghe, số đề, tà lỏn, tép đất, thằn lằn, thớt thịt, thương hồ, trái, trự, tủ
kiếng, tum...". Đó là những hoạt động, sinh hoạt: "bắn đạn, biên thư,
biểu, búng thun, chào sân, coi kiếng, cự, day, dùa, đá banh, đánh lộn, đơm nút,
giăng mùng, lặn đất, lục, mằn nắn, nhậu nhẹt, thiến heo, thường, tợp,
vô...". Đó là những trạng thái, tính chất: "bằn bặt, bịnh, buồn hiu,
cà chớn, chảnh, đong đưa, giả bộ, lai rai, lãng xẹt, lanh, lẫm lẫm, lỉnh lảng,
long chong, lông bông, lừ lừ, im re, ngộ, nhẹ hều, ốm, quớt, rã gánh, rớt nhịp,
sương sương, tạnh hột, tém tẻ, tệ hệ, thong dong, tròn dình, trớt he, trùng
trình, xà quần, xỉn, xửng vửng...".
Đó là những cách xưng gọi mang sắc thái Nam Bộ: "bây,
má, tía, qua, chế, ý...". Đó là những từ biến âm và biến âm có rút gọn:
"bi nhiêu, hông, hổng dè, hy sanh, kinh, mơi mốt, Tết nhứt, thiệt, thí mồ...;
ảnh, ban nẩy, bển, chỉ, con mẻ, cổ, hổng, ổng...". Đó là cách diễn đạt kiểu
Nam Bộ: "bảnh thiệt, cà lơ phất phơ, cá chốt rỉa, chành miệng, chợ ba bảy
chín, coi giò coi cẳng, đã thiệt, đánh lô tô, điệu này, đưa chốt qua
sông, mát trời ông địa, mắc mớ, mần chi, miệng cá sặc, mùi rụng rún, mừng húm,
quá giang, thử coi, vá chằng vá đụp...". Đó là những tình thái từ có màu sắc
Nam Bộ: "hen, nghen, vậy ta, khỉ khô...".
Nhìn từ phương diện nghệ thuật, chị đã sử dụng ngôn từ của
phương ngữ Nam Bộ khá thành công trong sáng tác của mình. Điều này, góp phần
làm nên một văn phong riêng ở chị. Tất nhiên, có thể có người không đồng tình với
những nhận định này vì cho rằng, trong tác phẩm văn chương mà sử dụng quá nhiều
tự địa phương thì sẽ gây trở ngại cho người đọc, hạn chế độc giả. Nhưng, để có
được những sáng tác phản ánh sinh động thực tại, không gì tốt hơn là phải dùng
được chất liệu ngôn từ của thực tại cần phản ánh.
Nguyễn Ngọc Tư mới bước vào làng văn, lại chỉ mới dừng lại ở
địa hạt truyện ngắn, và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm của chị thường là những
vấn đề gia đình, xã hội đương thời, gắn với không gian của một vài làng xã, huyện,
nên chúng ta chưa thể đòi hỏi điều gì hơn một tầm vóc bao quát những vấn đề văn
hóa, lịch sử, xã hội trong những sáng tác của chị. Nhưng với chừng ấy năm viết
văn, lại ở một địa bàn mà điều kiện tiếp xúc với tri thức sách vở còn nhiều trở
ngại, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, chị có một năng lực tốt mới có thể
khái quát được những vấn đề gia đình, xã hội để cô đọng nó vào trong một truyện
ngắn. Và những truyện ngắn của chị càng về sau càng có chiều sâu của sự nhận thức
trí tuệ hơn. Có điều, ở góc nhìn của một người Nam Bộ vốn quan tâm tới lĩnh vực
từ ngữ Nam Bộ dùng trong sáng tác văn chương hiện nay, thì tôi vẫn nghĩ chị là
nhà văn hiếm, vì còn giữ được cái cốt cách diễn đạt của một người Nam Bộ trong
sáng tác văn chương. Tôi chúc chị ngày càng có nhiều nghị lực, năng lực để đi
tiếp con đường viết văn mà chị đã chọn. Chỉ mong chị giữ được chất Nam Bộ trong
sáng tác của mình và ngày càng có điều kiện nghiên cứu, học tập những vấn đề rộng
lớn hơn để có được những tác phẩm lớn thể hiện được tầm quan sát, nắm bắt của
mình ở nhiều lĩnh vực lớn như: lịch sử, văn hóa, xã hội, ít ra là của vùng đất
Nam Bộ mà chị đã sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét