Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Nhà văn Sơn Nam - Nhà nam bộ học

Nhà văn Sơn Nam - Nhà Nam bộ học
“Tôi sống ở rừng U Minh từ bé đến lớn...”. Đó là câu nói của Sơn Nam khi ông tự giới thiệu về mình. Câu nói đầy vẻ tự hào về quê hương và toát lên một tính cách khiêm tốn ở ông. Nhưng con người sống ở rừng U Minh từ bé đến lớn, mà lại có một sự nghiệp văn chương đồ sộ thì quả là “đáng nể mặt”. Cá nhân tôi, từ khi biết Sơn Nam thì đã nể mặt ông rồi. Tôi biết tên tuổi Sơn Nam từ rất lâu - từ khi tôi hãy còn nhỏ, thích những chuyện đồng quê ở Nam Bộ, trên các báo và tạp chí của Sài Gòn ngày trước 1975; còn tiếp xúc với ông thì được đôi lần ở những năm gần đây. Phải nói rằng, được tiếp chuyện với ông tôi rất thích cái phong cách bình dân, giản dị ở ông. Không chỉ ở lời nói, cách ăn bận, mà cả ở những sinh hoạt thường nhật: sáng sáng, ngồi quán cà phê cóc, uống cái đen, hút vài điếu thuốc cũng đen, bữa nào khá thì hút “điếu có cán”. Là nhà văn lớn hiện nay của miền Nam, thậm chí của Việt Nam, là cây đại thụ ở đất đồng bằng Nam Bộ, theo tôi, tên tuổi ông có thể còn hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ của một quốc gia, được nhiều người ở các nước biết đến. Nhưng ông vẫn sống một cuộc đời gần với cung cách của một ông già Nam Bộ. Điều này làm tôi cảm thấy kính phục ông nhiều. Khi tiếp chuyện với ông lần đầu, tôi cũng lúng túng về cách xưng gọi. Gọi là “ông” thì cảm thấy ông già quá, dù ông cũng có tuổi, Sơn Nam sinh năm 1926; gọi là “anh” để muốn ông trẻ lại, thì cảm thấy mình không phải đạo, dù rằng, ông vẫn xem tôi là “anh bạn của tôi” (của ông), điều này làm cho tôi cảm thấy hết sức vinh dự; nhận thấy ông nhỏ tuổi hơn cha tôi, nên tôi gọi ông bằng “chú”, chú Sơn Nam, ông chấp nhận. Về phần ông, khi nói chuyện với tôi, trong các cách gọi tôi, sao tôi vẫn thích cách ông gọi tôi là “chú mày” vì như vậy tôi cảm thấy có cái gì đó thân tình và dân dã hơn.
Rất nhiều người cho rằng, nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn chương cũng thừa nhận vậy: “Người miền Nam nói chung, cả nhà văn nữa, viết như nói.”. Câu nói này thường có hàm ý chê “văn miền Nam dở.” (!?), là nói sao viết vậy, nhiều từ ngữ đời thường, câu cú không thành, ý tứ không chặt... Nhưng tôi rất đồng ý với ý tưởng của Sơn Nam và một số ít nhà văn, nhà nghiên cứu khác, “... không phải cứ ghi âm lại cuộc nói chuyện của người Nam Bộ là thành văn chương được đâu...”. Văn chương Nam Bộ có một cái gì đó khác nữa kìa. Đó là một thứ văn chương gần với ngôn ngữ nói, không nặng trau chuốt mượt mà để làm mất đi bản sắc đời thường, với những “góc cạnh” của nó. Có thể nhiều người không thích lối văn này, nhưng tôi thì lại khác. Nhưng thôi, đó là chuyện sở thích. Ai thích thứ gì thì tùy. Nhưng hãy tạm gác chuyện tranh luận sang bên để thưởng thức một đoạn văn đậm chất Nam Bộ của Sơn Nam, trong truyện “Đại chiến với thầy Chà”:
“Ông Chòi Mui nhìn giọt nước mà cười một mình. Nụ cười hiền hòa không mảy may chút gì hờn oán, nao núng:
- Mày dột vô nhà tao thì tao ra sau bếp lấy cái tô hứng mày, để dành uống chơi! Khỏi mắc công ra sau hè múc.
Lộp độp! Lộp độp!
Giựt mình, ông quay lại. Mưa dột ngay nóc mùng từ nãy giờ, thấm vải mùng rớt xuống chiếu. Cuốn mùng ư? Không dám, vì mùng đã quá tuổi, đụng chạm mạnh sợ rách. Dời giường ngủ qua chỗ khác ư? Nhà chật. Dột lâm râm khắp nơi như mặt rỗ. Ông Chòi Mui ra sau bếp tìm một miếng vỏ tràm nhét sơ sịa vào mái nhà để mong hạn chế phần nào cái lỗ dột quá lớn. Ông hát lên:
Chiều chiều bắt nhái giăng câu,
Nhái kêu éo ẹo, cái phận tui nghèo, chọc ghẹo tui chi?
Thích chí, ông lập lại đoạn chót:
- Chớ phận tui nghèo, chọc ghẹo tui chi?
Có người ghé xuồng ngay bến. Không cần dòm ra, ông dư biết là Năm Pho, người láng giềng gần nhứt, cách một con kinh nhỏ chừng năm trăm thước.
Chưa kịp phủi mấy giọt mưa đọng trên mặt, trên vai áo, Năm Pho đã vội lên tiếng:
- Ông già nãy giờ nói chuyện với ai vậy? Bộ có giấu bà nào trong mùng hả? Hèn chi tui nghe ông hát, thiệt hết sức muồi!
Ông cười:
- Có thuốc rê cho tao một điếu. Buồn, hát một mình. Mấy bữa rày túng quá. Sao? Có chuyện gì lạ không?...”.
Theo cảm nghĩ của tôi, Sơn Nam xứng đáng với danh xưng là một “nhà Nam Bộ học”. Có nhiều điều để nói về những sáng tác của ông có liên quan tới khái niệm này:
1. Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, ông là người thành công ở nhiều lĩnh vực: lĩnh vực nghiên cứu, ông có nhiều biên khảo công phu, khoa học, khoảng 20 tác phẩm. Có những tác phẩm rất có giá trị cho việc tìm hiểu về vùng đất Nam Bộ, như: “Ấn tượng 300 năm, Bến Nghé xưa, Cá tính miền Nam, Danh thắng miền Nam, Đất Gia Định xưa, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa, Giới thiệu Sài Gòn xưa, Lịch sử An Giang, Lịch sự khẩn hoang miền Nam, Người Sài Gòn, Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn...”; thể loại sáng tác, ông cũng có chừng 20 sáng tác gắn liền với bối cảnh miền Nam rất có giá trị. Ông thành công ở nhiều thể loại, những tác phẩm tiêu biểu là: “Bà Chúa Hòn” (tiểu thuyết), “Xóm Bàu Láng” (truyện dài), “Hình bóng cũ, Chuyện tình một người thường dân, Âm dương cách trở, Ngôi nhà mặt tiền...” (các truyện vừa). Đặc biệt là ở truyện ngắn, ông có hàng trăm truyện ngắn rất thu hút người đọc. Chẳng hạn, các truyện ngắn sau: “Bác vật xà bông, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Bốn cái ngu, Bức tranh con heo, Cây huê xà, Chuyện rừng tràm, Con heo khịt, Con rắn ri voi, Con sấu cuối cùng, Con trích ré, Cô Út về rừng, Đại chiến với thầy Chà, Đảng cánh buồm đen, Hai viên Ngọc, Hát bội giữa rừng, Hòn Cổ Tron, Hội ngộ bến Tầm Dương, Hồn người trong ly rượu, Hương rừng, Miễu Bà Chúa Xứ, Mối tình... đầm lai, Một cuộc biển dâu, Một kiểu anh hùng, Mùa len trâu, Ông Bang cà ròn, Ruộng Lò Bom, Sông Gành Hào, Tháng chạp chim về...” (trích trong “Hương rừng Cà Mau”), “Cấm bắt rùa, Con bà Tám, Con cá chết dại, Đường về quê, Hai cõi U Minh, Kéo trúm, Lũ trẻ chăn trâu, Mây trời và rong biển, Một chuyện khó tin, Một người hàng xóm, Ngày hội ba khía, Ngày xưa tháng Chạp, Ngó lên sở Thượng, Người đi đêm, Trong lòng bàn tay, Tục lệ ăn trộm, Vẹt lục bình, Vọc nước giỡn trăng...” (trích trong “Biển cỏ miền Tây”). Ông cũng thành công ở thể loại ký, như: ký sự “Tây đầu đỏ”. Ông cũng đã viết xong 4 tập hồi ký về đời mình gắn liền với bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng Sài Gòn, Gia Định. Đó là các tập: “Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, Hai mươi năm giữa lòng đô thị, Bình an”. Nhiều tác phẩm của ông được dựng thành phim, tiêu biểu như: “Mùa len trâu”, “Cây huê xà”, không chỉ được người xem trong nước biết đến mà nhiều người nước ngoài cũng quan tâm. Chỉ điểm qua, các sáng tác của ông về miền Nam với những tên tựa và nội dung của những sáng tác thì cũng thấy ông xứng đáng với danh xưng “Nam Bộ học” rồi.
2. Tiếp cận với toàn bộ tác phẩm của ông, người đọc như được ông đưa về thăm từng ấp, làng của Nam Bộ. Những địa danh nghe qua cũng hết sức ấn tượng về sự hoang dã, tự nhiên của vùng đất này, như: “Ba Giồng, Ba Láng, Ba Rài, Bãi Xàu, Bàu Láng, Bảy Ngàn, Bò Ót, Cà Bây Ngọp, Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Mơn, Cái Nai, Cái Nước, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng, Cạnh Đền, Cát Lái, Cần Chông, Cần Đước, Cần Giờ, Cần Giuộc, Cây Gừa, Chà Tre, Chắc Băng, Chắc Cà Đao, Cổ Cò, Cổ Tron, Cù Lao Cát, Cù Lao Dung, Đầu Sấu, Giồng Ông Tố, Giồng Tháp, Giồng Tượng, Giồng Xe, Gò Bầu, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài, Hòn Chông, Hòn Đất, Kè Đôi, Kè Một, Kinh Cùng, Lai Vung, Láng Thé, Lấp Vò, Lung Tràm, Man Thít, Mo So, Năng Gù, Nọc Nạn, Rạch Bần, Rạch Tre, Rạch Vược, Sáu Ngàn, Soài Rạp, Sóc Xoài, Tà Lơn, Tắt Ổ Cu, Tắt Ăn Chè, Tắt Quanh Queo, Thốt Nốt, Trà Ết, Trà Lồng, Trà Niền, Tràm Cừa, Tràm Trốc, U Minh, Vàm Cỏ, Vàm Láng, Vàm Nao, Vàm Rầy, Vàm Thuận, Vàm Trư, Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô...”. Có hàng trăm địa danh của vùng đồng bằng sông nước được nhắc đến trong các sáng tác của ông.
Ông còn làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả những vài trăm năm về trước, từ chuyện khẩn hoang miền Nam, chuyện thời Đàng Cựu, đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể: Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Hà Tiên, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Hồ, Vĩnh Long...; những chuyện tranh chấp thế lực của thời kỳ Trịnh Nguyễn; chuyện Gia Long bôn tẩu, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm, đánh Nguyễn Ánh; chuyện đấu tranh thời thực dân giữa ta và Tây; chuyện sinh cơ lập nghiệp của một vài dòng tộc, gia đình; chuyện kháng chiến; chuyện hơn thua tranh chấp đặc quyền giữa những gia đình, cá nhân; đan xen những chuyện xưa là những chuyện gần đây, trước và sau những năm thống nhất đất nước; chuyện thành thị lẫn chuyện nông thôn; chuyện khẩn đất, chuyện làng báo, chuyện đào thêm kinh xáng, mở rộng đồn điền, chuyện bán buôn, lập vườn, xây chợ; chuyện sinh hoạt, chuyện giải trí; các loại hình ca cổ, hò hát đối đáp, đưa em, huê tình, nói thơ, nói truyện; chuyện quan hệ yêu đương, tình cảm gia đình, xã hội...
Rõ ràng, những năm tháng sống, chịu khó đi nhiều, khéo nắm bắt và tra cứu, Sơn Nam mới có được một vốn sống cực kỳ phong phú như vậy. Đọc tác phẩm của ông, người đọc được tiếp xúc với những người Nam Bộ đủ các thành phần, hạng người, nghề nghiệp: giàu sang có, nghèo hèn có, công chức có, trí thức có, địa chủ, nông dân, thương gia cũng có... Ông am hiểu những nghề có tính đặc thù gắn với vùng đất, như nghề: thương hồ, tằn khạo, trị rắn cắn, làm ruộng dạo, bắt sấu, bẩy chim, ăn ong, khai thác lông chim, đánh bắt cá, len trâu, làm vườn, ruộng, rẫy... Ba tộc người được ông đề cập thường xuyên trong các tác phẩm của mình cũng là những chủ nhân của vùng đất Nam Bộ này: Kinh, Hoa, Khơ Me. Ông am hiểu nhiều phong tục, tập quán, lễ hội của họ: Tết cổ truyền, Lễ cúng trăng, Đua ghe ngo, ngày bổ tróc, ngày giỗ ông bà, thần thánh, kiêng kỵ... Người Khơ Me xuất hiện trong tác phẩm của ông với nhiều tình cảm mà ông dành cho họ. Bút hiệu Sơn Nam của ông cũng gắn với họ một kỉ niệm. Nghe Sơn Nam nói, ông là người Kinh, cha mẹ đặt tên là Phạm Minh Tài, (tên trong giấy khai sinh là Phạm Minh Tày, giải thích cái tên này, ông bảo do làng xã ghi lộn chữ “i" thành chữ “y”), sinh ở An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang, lúc còn nhỏ mẹ ông không đủ sữa cho ông bú, nên ở xóm có một bà mẹ Khơ Me tốt bụng, đã cho ông bú. Sau này, lớn lên viết văn, để nhớ ơn bà, ông lấy bút hiệu khởi đầu bằng chữ “Sơn”, biểu thị một họ lớn, trong một số họ phổ biến của người Khơ Me như: “Thạch, Danh, Kiên, Lâm...”; còn chữ “Nam” là ở miền Nam. Bây giờ, nếu ai hiểu bút danh của ông là “một đỉnh núi cao ở miền Nam”, thì theo tôi, cũng rất phù hợp.
Trong rất nhiều tác phẩm, ông đưa ta về với những sinh hoạt đời thường của người dân Nam Bộ trên vùng đất Nam Bộ, như truyện “Bốn cái ngu”, “Cô út về rừng”, “Con Bảy đưa đò”, “Xóm cù là”, “Ngày mưa đầu mùa”, “Ông Bang cà ròn”, “Ruộng Lò Bom”... Để phản bác câu ca dao “Trên đời bốn thứ nhàn du: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” bằng câu ca dao tương tự “Trên đời có bốn thứ ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” chỉ khác có mỗi một từ “nhàn du” hay là “ngu”, mà ông đã viết truyện “Bốn cái ngu” rất sinh động, để minh họa cho quan niệm này. Trong truyện là những sinh hoạt rất gần gũi với đời sống của người nông dân Nam Bộ:
“Mấy người hàng xóm la hoảng lên:
- Tư Hưng đâu rồi! Nuôi heo bầy mà bỏ nó chạy cùng đường cùng sá. Sao không nhốt lại?... Thiệt hết nói. Tanh rình tanh ói, chỗ nào cũng một đống, ai hơi đâu mà hốt. Nó còn ủi nền nhà, phá mấy liếp cải. Nói ra thì mích lòng, để trong bụng thì ấm ức.
Tư Hưng từ đầu xóm chạy lơn tơn về, lớn tiếng thanh minh:
- Bà con ơi! Tôi nhốt heo lại rồi. Chắc tại vợ tôi quên... Vợ tôi nó dại đột thì tôi chịu tội.
Nói xong, Tư Hưng chạy lùa ba con heo nái. Heo chạy tán loạn, đâm ngay vào vách lá, chui vào trong nhà. Anh ta nói to:
- Em ơi! Coi chừng heo chạy bể đồ đạc.
Nhưng hỡi ơi! Trong nhà không có một tiếng trả lời. Anh ta vào nhà, chạy tới trước cửa ngõ nhìn dáo dác. Vợ anh đâu rồi? Hay là đã xách gói trở về nhà cha mẹ ruột? Bốn tháng qua, vợ chồng anh ta gây lộn liên tu bất tận, tính đổ đồng hai ngày là xảy ra một cuộc cãi vã.
Tư Hưng nói:
- Đi đâu đi phứt cho rảnh. Gặp con vợ như vầy mau tàn mạt lắm. Thiệt là...”.
Ở một truyện khác, Sơn Nam còn đưa ta về với không khí lễ hội của đồng bào Khơ me với cuộc đua ghe ngo được ông miêu tả hết sực thú vị, hào hứng:
“Thế là sáng hôm sau lục cụ đích thân đọc kinh làm phép cho ghe ngo. Ghe đẩy xuống nước, bao nhiêu trai tráng trong làng reo vang dậy như... lân thấy pháo. Sáu mươi bốn cây dầm nhỏ phân phát ra, mỗi người mỗi cây. Trước mũi ghe, cây lộng đỏ giương lên che một cái khay đầy rượu, hương, trầu, hoa quả, và một ông Phật bằng vàng lớn cỡ ngón tay cái.
Chú phó hương quản được hân hạnh lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc chiến đấu sắp tới. Chú lạy lục cụ rồi đến ngồi ngay mũi ghe, dưới bóng cây lộng. Ba mươi hai cặp thanh niên lực lưỡng từ từ bước xuống, ngồi sắp hàng hai. Be ghe khẳm, ngang mí nước, tưởng chừng xê xích một phân nữa là chìm. Nhưng không đâu, chú phó hương quản đã vấn chiếc khăn nhiễu đỏ lên đầu rồi đánh vào cái cồn nhỏ:
- Môn! Môn! Môn!
Đoàn lực sĩ hạ dầm xuống khoát nước, nhịp nhàng. Chiếc ghe ngo phóng từng bực rồi nổi lên cao khỏi mặt nước. Nước văng trắng xóa hai bên. Tiếng cồn càng thêm nhặt. Rồi im bặt. Lúc ấy người ta thấy chú phó hương quản nâng cây dầm lên cao khỏi đầu, bơi trong không khí...”. (Chiếc ghe ngo)
Sơn Nam tự hào mình là người sống ở U Minh, nên những đoạn ông viết về nơi này, ông tỏ ra rất hào hứng và linh hoạt. Ông tả về rừng U Minh có một sức thu hút đến kì lạ. Ông nói về sân chim, ông kể về chuyện ăn ong, những kinh nghiệm đánh bắt cá, bẫy chim rất thú vị. Trong “Tháng chạp chim về”, ông viết về tâm sự của một lão nông lúc gặp lại con chim già sói thật là cảm động, khi “hai người bạn già” đã sống qua bao thăng trầm biến đổi của cuộc đời mà như thông cảm, chia xẻ được cho nhau:
“Con chim già sói đứng cao nghệu trên cây gòn, day mỏ qua phía nhà ông Tư.
Ông Tư đứng tần ngần, lấy tay che mắt nhìn nó, cố sức nhìn kỹ từ nét mặt như hỏi han sức khỏe của người bạn già quen thuộc, biết giữ thủy chung đạo bằng hữu. Ông nói:
- Mấy chục năm rồi, năm nào tháng Tết nó cũng về đây vài ngày. Năm nay nó già nhiều rồi. Đầu sói hơn mọi năm, cháu thấy không?
Như lời ông Tư, tôi thấy rõ ràng một đốm trắng ở giữa đầu con chim nọ. Là kẻ sanh sau đẻ muộn tôi nào gặp con chim này hồi mấy mươi năm về trước để so sánh cho biết nó già nhiều hay già ít? Mặt trời gần lặng rồi, nền trời đỏ khé. Con già sói đứng sững đó, im lìm như đúc bằng đồng đen, phía sau có hào quang.
Nó nhìn ông tư, râu tóc bạc phếu.
Ông Tư nhìn nó. Có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà nãy sinh ra bao mối cảm hoài. Trong con tim già, qua thời gian, giờ đây chắc chắn đã lắng xuống hết bao hung bạo của thời xuân xanh của ông và của đất nước hoang vu. Giữa ông và con chim nọ, không còn oán thù. Biển im lặng sau cơn giông tố. Đây là Bá Nha với Tử Kỳ cảm thông nhau. Cầu cho ông Tư với con chim già sói được sống lâu hơn trăm tuổi! Xin tạ ơn đấng tạo hóa đã dành cho đất nước này bao nhiêu đặc ân như những sân chim đây là một. Hiên ngang thay! Đẹp đẽ thay! Hỡi người Việt đầu tiên đến vùng Kiên Giang hưởng ơn Trời lộc Nước mà khai phá miền Nam...”.
3. Điểm nổi bật khác làm xứng danh “Nam Bộ học” ở các tác phẩm của ông là ông đã để cho các nhân vật của mình suy nghĩ, hành động, biểu thị tính cách hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của một người Nam Bộ. Đặc trưng người Nam Bộ ở đây được khái quát thành một số khái niệm, như: “mộc mạc, bộc trực, chân thành, hào hiệp, trọng nhân nghĩa, điệu nghệ...”; nhưng đó là các khái niệm, còn với nhiều người đọc Nam Bộ, khi đọc tác phẩm của Sơn Nam, họ như thấy mình xuất hiện trong các tác phẩm của ông, có một tính cách, suy nghĩ nào đó được hóa vai trong các nhân vật mà ông đã xây dựng, như: “lão Khăn Đen, lão Ngượt, lão Nhị, Lục cụ, ông Đạo Đất, ông Bang cà ròn, ông Từ Thông, bà Chúa Hòn, Cai tổng Biện, giáo Lý, giáo Trích, thầy Chà, thầy Hai Rắn, cô Ngó, cô Út, cậu Ba, cậu Cẩu, cậu Hai Điền, Hai Cần, Hai Đẹt, Hai Khị, Hai Khoánh, Hai Lành, Hai Lến, Hai Lượng, Hai Tỵ, Tư Hạnh, Tư Hiếm, Tư Hít, Tư Huỳnh, Tư Hưng, Tư Lập, Tư Thính,  Năm Hến, Năm Tự, Bảy Út, Tám Theo, Mười Hấu, Mười Hy, Bá vạn, Xí Vĩnh, thằng Mến, con Lài...”. Việc xây dựng tính cách, con người Nam Bộ điển hình qua những sáng tác của mình là không dễ dàng chút nào đối với lớp nhà văn Nam Bộ đã thành danh hiện nay, như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Lê Văn Thảo, Dạ Ngân..., và càng khó khăn với lớp nhà văn Nam Bộ trẻ đang cầm bút. Với cảm nhận riêng của tôi, những người cầm bút trẻ hiện nay, rất ít, và rất khó thể hiện được chất Nam Bộ trong việc xây dựng những nhân vật đặc thù của mình, ngoại trừ nhà văn trẻ Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư là người để lại dấu ấn tốt về tính cách đặc trưng con người Nam Bộ trong những sáng tác của chị mà tôi tâm đắc.
Trở lại tìm hiểu tính cách nhân vật trong các sáng tác của Sơn Nam, người đọc vẫn thấy cảm mến “lão Khăn Đen” trong truyện “Xóm Bàu Láng”, tuy là chúa đảng cướp, nhưng cách xử sự của lão với mọi người xung quanh vẫn theo quy luật hào hiệp, trọng nhân nghĩa, khinh tiền tài vốn tiềm ẩn ở con người Nam Bộ. Có thể nói, cai tổng Biện là “kẻ thù” của lão Khăn Đen, sau những năm tháng cai tổng ngồi tù ra, gặp lại lão Khăn Đen, lão vẫn niềm nở mời vào nhà và đã có những lời nói, tâm sự rất chí tình, thể hiện được bản chất con người của lão:
“Lão Khăn Đen rót rượu mời:    
- Ông Cai uống trước. Tôi muốn mời ông ghé vô đây rồi thủng thẳng anh em mình tới xóm Bàu Láng chơi. Người ta quên bọn già như chúng mình, Tuy không ở tù mất dạng như ông anh nhưng xóm này chẳng ai nhắc tới tôi. Tôi như thằng già vô dụng gần đất xa trời. Nói thiệt với ông anh, xưa kia tôi lỡ tay giết cha thằng Mến. Tôi hứa chuộc tội, cho thằng Mến với con Lài thành vợ chồng. Con Lài là tình nhân của thằng Mến hồi còn ở Hà Tiên. Ông Cai đừng hờn giận tụi nó.
Cai tổng Biện trợn mắt:
- Gia tài của tôi bị người ngoài sang đoạt. Biểu tôi đừng giận sao được.
- Có cái gì mà sang đoạt! Tụi nó bây giờ đang trả quả, nói theo lời nhà Phật. Ông anh đừng nóng. Có lẽ khi về già, tụi nó khổ bằng mười lần anh em mình. Mà anh em mình sống thui thủi như vầy cũng là trả quả, tôi là đứa sát nhân. Còn ông anh thì xin miễn nói.”.
Đoạn đối thoại giữa cô Huôi (bà chúa Hòn) với Tư Thiện trong tiểu thuyết “Bà Chúa Hòn”, cho thấy tính cách của một người phụ nữ, tuy ít học nhưng vẫn có những suy xét thấu lý đạt tình, phản ánh được nét bình dân, chân chất, trọng nhân nghĩa, khinh tiền tài ở họ:
“- Thưa cô, cô tránh về đâu?
Đôi mắt cô Huôi trở nên mơ màng:
- Về quê, ở với cha. Cha tôi hiền lành và khôn ngoan lắm. Ông không bao giờ đòi hỏi địa vị, danh vọng. Năm ngoái, tôi giúp ông một số tiền. Tuổi già, đâu cần ăn uống, rượu thịt. Ông đem tiền ấy trao cho một ông đạo, nhờ xây cất một ngôi chùa nhỏ. Tôi về ngôi chùa đó, xem thử còn thiếu sót điều gì không? Hoặc là cần dùng ít tiền nhưng mấy tháng qua, sư sãi không cho tôi biết.
Tư Thiện nói:
- Làm sao tôi theo cô cho tấm thân được an nhàn?
Như hiểu thâm ý của Tư Thiện, cô Huôi nói:
- Bây giờ thì chưa được. Nhưng ông đừng buồn. Đó là do trời định. Ngày xưa, nghe ba tôi nói lại thì phen đó bông quỳnh hoa nở rộ. Ông Đạo đất biết rằng hễ bông nở thì tôi được làm bà Chúa. Điều ấy đúng thật. Nhưng khó lắm. Số mạng của tôi giống như đóa hoa.”.
Lời tâm sự của ông hương giáo với thằng Kìm (“đệ tử” của Tư Lập) về Tư Lập trong truyện ngắn “Hương rừng” của Sơn Nam đã phác họa được đôi nét về tính cách ở những con người Nam Bộ như Tư Lập: trọng lẽ phải, trọng nghĩa khinh tài, có chí tang bồng mà Sơn Nam gọi là “bịnh giang hồ”: “- Ta hiểu lắm. Dù sao, trở về lần này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một xó để đổi lấy chữ nhàn? Ai nỡ bỏ cái danh dự để mua chuộc một chức tước quý phái huyền ảo. Từ xưa, tằng tổ của ta cũng vì khí   khái ấy mà phò Chúa, xiêu lạc đến đây! Bây giờ ta yếu lắm rồi. Dầu muốn bắt chước Tư Lập, ta cũng không còn sức lực để bắt chước. Gia thế của ta, thiên hạ đã rõ. Cậu thúc Tư Lập ở mãi tại đây chăng? Ta chỉ là người hương giáo, quyền hạn gì? Ừ! Tội là tội cho Hoàng Mai. Năm nay, nó ngồi một chỗ, không còn đủ sức mà ra thăm cội hoàng mai trước ngõ như hồi Tư Lập biết.”.
4. Điều quan trọng hơn để thiên hạ gọi ông “nhà Nam Bộ học” chính là ở văn phong của ông. Văn phong của ông đã kế thừa và phát huy được tốt văn phong của những nhà văn Nam Bộ tiền bối hoặc đàn anh, như: Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản, Phú Đức, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc... Đặc biệt là ở ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Nó mang những đặc trưng đầy đủ về phương ngữ Nam Bộ ở cả các bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách diễn đạt. Trong điều kiện giao lưu hiện nay, sự lưu giữ những đặc trưng thuộc về văn phong Nam Bộ trong những sáng tác của người cầm bút trẻ là điều cực kỳ khó khăn.
Người xưa có nói, hoặc nóng, hoặc lạnh, chớ âm ấm, theo kiểu “dở dở ương ương” thì tâm lý chung là có nhiều người không thích. Trong thưởng thức nghệ thuật, không biết có nên cực đoan như vậy không, chớ tôi thì vừa thích đọc văn phong của Tự Lực văn đoàn, kiểu như: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo...; vừa thích đọc văn phong Nam Bộ, kiểu như Phi Vân, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư..., chớ không khoái thứ văn phong hỗn hợp: Bắc Nam. Việc dùng từ ngữ trong văn bản khoa học, hành chính đòi hỏi sự chuẩn mực toàn dân; nhưng việc dùng từ ngữ trong sáng tác văn chương thì cần phải có chất liệu đời sống mà điều này thì cần phải có một lối diễn đạt thích hợp.
Tôi thích Sơn Nam dùng ngôn ngữ dẫn chuyện trong các tác phẩm “Bà Chúa Hòn”, “Xóm Bàu Láng”, tập truyện “Hương rừng Cà Mau”, “Biển cỏ miền Tây”, “Hồi ký Sơn Nam” (4 tập). Có những đoạn có thể xem là tiêu biểu của lối “văn nói Nam Bộ”, lối văn thường gồm những câu ngắn gọn, có nhiều từ ngữ Nam Bộ trong giao tiếp bằng lời được thể thành văn viết, như:
Đoạn nói về tình cảnh “gà trống nuôi con” của Tư Thính: “Tư Thính day lại. Đứa con gái vừa lên tám tuổi bưng chén cơm đến gần. Chú vuốt tóc con, bùi ngùi thương xót. Mẹ nó mất hồi năm ngoái. Ngày nào cũng vậy, trước khi ra ruộng, chú bới sẵn chén cơm, gắp khứa cá để trong cái dĩa nhỏ. Khi thức dậy, đứa con ăn cơm một mình rồi ra ngồi ở góc sân, trông ra ruộng.” (Bà Chúa Hòn)
Đoạn nói về tình cảnh cha con Hai Lến: “Nó chưa hiểu tại sao cha nó chiều nay bỏ qua thời tụng kinh chiều. Là người cư sĩ tu tại gia, cha nó luôn luôn đi chùa Phù Dung vào ngày sóc, ngày vọng và năm sáu năm liên tiếp, chưa bao giờ bỏ qua thời kinh chiều, dẫu là khi đau ốm. Ba nó lên bàn thờ ông Bổn để làm gì? Nó không dám hỏi, sợ bị rầy.
Từ trên cao, giọng khàn khàn của lão Hai Lến khấn vái nghe mơ hồ. Thằng Mến nghiêng tai nhưng chẳng tài hiểu rõ vì ba nó khấn vái lâm râm, tiếng to, tiếng nhỏ đứt quãng...” (Xóm Bàu Láng)
Đoạn nói về những trăn trở của Tư Lập khi quyết định rời khỏi khu rừng U Minh, mảnh đất lập nghiệp ban đầu của mình: “Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được.
Chú lại trở về.“ (“Hương rừng” trích trong “Hương rừng Cà Mau”)
Đoạn miêu tả đặc điểm ở một địa hình sông nước có nhiều lục bình: “Dông dài lắm. Chỗ này kêu là “giáp nước”, do Tây đào kinh xáng gây ra. Nước lớn phía Cần Thơ dồn qua, nước lớn phía Rạch Giá dồn lại. Hai ngọn nước gặp nhau tại đây. Suốt ngày đêm, nước đứng tại chỗ. Xa biển, ngoài biển vừa ròng, thỏm nỏm, chưa rút hết thì đứng lại, rồi nước lớn. Bởi vậy, từ mấy chục năm rồi, nó sanh đẻ tại chỗ, dày bịt, quy tụ nào xác chó, rắn nước, cá tôm. Giống như cái trấp ở U Minh, trên mặt cứng, phía dưới nước lõng bõng, coi như bơi xuồng được, nhưng rốt cuộc là chịu thua, sa lầy.” (“Vẹt lục bình” trích trong “Biển cỏ miền Tây”)
Đoạn tự sự trong hồi kí của Sơn Nam: “Lão ta không nói láo. Gần đất xa trời rồi! Nói láo làm chi cho mang tội. Chẳng qua là kinh nghiệm trường đời có giới hạn, muốn truyền lại, già trẻ ai muốn nghe thì nghe. Và dường như ít ai nghe. Họa chăng khi lão mất, người trẻ trở thành người già, nhớ lại bóng dáng lão, rồi đánh giá rằng là người có tư cách. Theo ngôn ngữ xưa trước năm 1945, có tư cách là có đầu óc, tức là người quan tâm ít nhiều đến chính trị, là người biết vinh nhục, có trách nhiệm.” (Từ U Minh đến Cần Thơ)
Ngôn ngữ đối thoại, hay ngôn ngữ nhân vật trong truyện Sơn Nam là ngôn ngữ thường nhật của người dân Nam Bộ. Nó thể thiện được   tính cách và tâm lí ứng xử của người Nam Bộ, chẳng hạn; sự bộc trực, mộc mạc, dân dã..., tính hào hiệp, trọng nhân nghĩa... Tôi thích những đoạn đối thoại trong các truyện: “Hình bóng cũ, Mùa len trâu, Cây huê xà...”.
Đoạn đối thoại giữ bà Henri Nhan và văn sĩ Hoài Hương trong truyện “Hình bóng cũ” đã thể hiện được khả năng xây dựng những nhân vật giàu chất Nam Bộ ở Sơn Nam. Cuộc đối thoại không kiểu cách, khách sáo. Chủ nhà thì chân tình, bộc trực, tâm lí với khách; khách thì có phần e dè, ngần ngại:
“Tiễn tôi đến khỏi bực tam cấp, bà nói khẽ:
- Công việc chẳng long trọng, to tát như ổng nói đâu! Cứ nhận lãnh đi, ông đừng quá khiêm tốn. Ban nãy, dường như ông hơi phật ý.
Cơn buồn giận của tôi đã bắt đầu dịu xuống:
- Dạ, tôi đâu dám phiền ai.
- Một hai ổng muốn trở về điền đất cũ ở Mỹ Lâm. Thật là khuấy nước giỡn trăng! Tôi khuyên ổng nên bỏ hết, vợ chồng đi lên Sài Gòn tìm huê lợi khác. Rầu quá. À, ban nãy tôi quên hỏi...
- Thưa bà...
- Ông ở Miệt Thứ, thuộc xóm nào? Chú ruột tôi là ông hội đồng X, chắc ông biết.
- Dạ ông hội đồng là bạn của ông dượng tôi.
Bà Henri tiếp:
- Tôi ít về quê lắm. Đi học Sài Gòn từ nhỏ tới lớn.
Đến cổng rào, bà kéo nhẹ cánh cửa sắt, đứng nép một bên, sờ vào túi:
- Đây, tôi gởi sở phí ông về xe. Ngày mai nhớ trở lại nghe. Chừng một tuần lễ thôi. Về tiền bạc, tôi lo liệu để ông được bề rộng rãi.”.
Đoạn đối thoại giữa những người trong gia đinh chú Tư trong “Mùa len trâu”, có thể làm ngạc nhiên vì cách ăn nói có vẻ quá “bình đẳng, dân chủ” trong một gia đình, làm người nghe hơi khó chịu vì nó thiếu tính “lễ nghi, thứ bậc, tình cảm” cần có của một gia đình, nhưng trong cách nói năng của người Nam Bộ thì điều ấy cũng bình thường. Vì theo họ, cái chính là sự chân thật trong tình cảm của các thành viên. Ta hãy nghe họ nói chuyện:
“Chú Tư Đinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến:
- Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết...
Thím Tư như phản đối chồng:
- Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết...”,...
Chú Tư chờ thằng Nhì vào nhà. Nó cởi cái áo ướt mem quăng trên sàn:
- Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài.
Chú nói:
- Bên giòng cát Sóc Xoài... Mày có qua tới đó không?
- Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?
- Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu cho họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi...”.
Đoạn đối thoại tình cảm giữa thằng Lợi và con Lài, con của hai ông thầy thuốc rắn, trong “Cây huê xà”, cũng dân dã, mộc mạc; không hoa mĩ, trau chuốt như lớp thanh niên thành thị, cố tìm những lời hay ý đẹp cho vừa lòng nhau: 
“Thằng Lợi day lại cười:
- Đi đâu vậy cô hai... rắn bông súng?
Con Lài sực nhìn chiếc áo có bông đang mặc. Nó e thẹn, liếc thằng Lợi:
- Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như con rắn hổ đất. Cười em làm chi.
- Rắn đâu dám cười rắn. - Nó vừa nói vừa nắm tay con Lài.”.
5. Trong sáng tác của Sơn Nam, chúng tôi học được rất nhiều từ ngữ Nam Bộ. Những từ này được ông dùng trong văn cảnh, hoặc diễn giải cẩn thận. Có đôi khi ông làm công việc giải nghĩa từ ngữ của một nhà ngữ học. Điều này đủ nói lên sự quan tâm của ông với từ địa phương Nam Bộ, mà ông sợ rằng, với thời gian chúng có thể bị mai một, chẳng hạn: “bài kía, bến bạ, bòng bong, bối, bồn bồn, bốn cốt, buồm dưới nước, cà lang, cà ràng, cà ròn, chạy tờ, choại, chòi mui, củi lục, đất phát, điệu nghệ, gay chèo, giá triệu, ghe bè, ghe cui, ghe diệu, ghe giản, huê xà, hươi, lái rổi, len trâu, lóc, mái cuốc, mái dài, miệt thứ, miệt vườn, ngọc ong, ngủ nước, nò cạn, nò Xiêm, nước rặc, nước rằm, phân đồng, phần do, phần thủ, sầu đâu, sở Thượng, tam sên, tắt, tầm bo, thèo lèo, thị quá, thỏn mỏn, xã Tây, xài giấy năm trăm, xiêm lo, xính xái, xổ nho...”. Nhờ lớp từ ngữ này, chúng tôi hiểu được nhiều câu ca dao, nắm bắt được nhiều đoạn văn hay, qua đó hiểu được những đặc điểm tự nhiên, xã hội của vùng đất chúng tôi đang sống mà lâu nay có nhiều điều vẫn thấy khó hiểu, hoặc còn bàng quan không muốn biết. Chẳng hạn:
“Ngó lên Sở Thượng thêm buồn,
Muốn châm cội rễ, ngặt đường xa xuôi.”.
Hay:
“U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.”.
Hay:
“Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng,
Tràm xanh củi lục, anh hùng thiếu chi.”.
Hay:
“Một mai ai đứng bên kinh,
Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài?
Bên kinh đã có con trai,
Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu...”.
Hay:
“Đèn thương ai đèn tắt?
Nước thương ai nước rặc về Đông?”.
Hay:
“Nước rằm chảy thấu Nam Vang,
Sầu đâu chín rụng, sao chàng biệt ly?”.
Hay:
“Anh ngồi phần thủ trống treo,
Miệng kêu ghe ghé chân trèo xuống thang.”.
Hay:
“Thương em, anh phải đi đêm,
Phần do bắt được, đánh mềm như dưa.”...
Ngoài ra, ông còn sử dụng một khối lượng rất lớn từ ngữ Nam Bộ thông thường trong cuộc sống mà bất cứ người Nam Bộ nào khi đọc tác phẩm của ông, họ cũng nhận ra, có thể nêu một ít lớp từ ngữ thông dụng đã được ông sử dụng trong các sáng tác của mình, như: “ai dè, ảnh, ăng kết, ất giáp, ậy, ba, bà cậu, bảnh, bàu, bển, bịnh, bóp đầm, bông cỏ, bông phướn, bông rua, bùng binh, cà rá, cá kèo, cào cào châu chấu, cắc, cắn, cây da, Chà chóp, Chà và, chén, chẹt, Chệt, Chệt Sơn Đông, chỉ, chiến, chìm xuồng, choại, chơn, chúa nhựt, con mẻ, dân Năm Căm, dân Sài Gòn, dừa nước, dòm, dợm, dượng, đau, đèn Huê Kì, đèn lồng, điên điển, đờn, đờn kìm, gây lộn, ghe hát, ghe hầu, giàn thun, giấy bộ lư, giấy con công, hà lãng, hàng xáo, hát bóng, heo, hóc Bà Tó, hòm, hươi, khóm, kiếng, kinh, láng, Lèo, lỏn chỏn, lóng, lội, lục bình, lung, má, mảng, mắm, mắm lòng, mần, miệt, miệt dưới, miệt trên, nằng nằng, ngách, nhà mát, nhểu hột, ô rô, ổng, qua, ra quô, rạch, rắn mối, rặt mùi, ròng, tằng khạo, tắt, thằn lằn, thiềng thị, thương hồ, tốc lực, trà, trấp, un, va, vẹt, vinh diệu, xe đò, xe hơi, xẻo, xôm,  xúp lê...”.
Sáu mươi năm viết văn, Sơn Nam đã tiếp nối được truyền thống văn xuôi Nam Bộ của lớp nhà văn đi trước, như: Nguyễn Trọng Quản, Phú Đức, Hồ Biểu Chánh, Phi vân, Bình Nguyên Lộc...; hơn thế nữa, ông còn làm được nhiều hơn những nhà văn đi trước là không chỉ dừng lại ở những sáng tác văn chương, mà còn quan tâm tới lĩnh vực biên khảo. Một lĩnh vực mà các nhà biên khảo miền Nam cũng có những đóng góp lớn, như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Lê Ngọc Trụ, Vương Hồng Sển... Có thể nói, văn chương biên khảo là phân nửa gia tài sự nghiệp cầm viết của Sơn Nam. Truyền thống văn xuôi Nam Bộ, tuy hãy còn non trẻ, nhưng ông và lớp nhà văn sau ông cũng đã mang vào kho tàng văn chương Việt Nam một bản sắc riêng cần phải được đón nhận với lòng trân trọng. Được biết, trước khi viết văn, ông cũng có làm thơ, và những vần thơ mà ông còn tâm đắc giữ lại là những câu thơ vẽ lên hình ảnh của những con người vô danh làm công việc khai hoang mở đất. Có lớp người này, chúng ta mới có được mảnh đất trù phú Nam Bộ hiện nay. Xin chép lại mấy vần thơ của Sơn Nam, để ghi lại tấm lòng của ông với vùng đất Nam Bộ yêu quý này: “Trong khói sóng mênh mông, Có bóng người vô danh, Từ bên này sông Tiền, Qua bên kia sông Hậu, Mang theo chiếc độc huyền, Điệu thơ Lục Vân Tiên, Với câu chữ: Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, Tới Cà Mau - Rạch Giá, Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng... Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ, Chướng khí mù như sương...”.
Khái niệm “Nam Bộ học” có thể còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi muốn nói, ông là người am hiểu nhiều vấn đề của Nam Bộ; biết rõ về tâm lý, tính cách con người Nam Bộ. Các sáng tác của ông đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu những vấn đề của Nam Bộ từ nhiều phương diện: “lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, lễ hội, phương ngữ, ngành nghề...”.
Tôi kính trọng nhà văn Sơn Nam không chỉ ở văn nghiệp đồ sộ mà còn ở tính cách của con người Nam Bộ bình dị, hòa đồng này và tấm lòng biết nâng đỡ thế hệ đi sau.

1/2006
Huỳnh Công Tín
Theo https://www.vanchuongviet.org/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự cô độc phủ đầy những mảnh đời nhỏ mong manh Ngọn đèn đường cô độc hơn trong những tối trời mưa// Đàn thiêu thân không còn lao đi tìm ...