Lũ buồn hoang và những ám ảnh
1. Không phải ngẫu nhiên, Miên Di đặt tên cho tập thơ đầu tay
của mình
là Lũ buồn hoang, một cái tên vừa quen lại
vừa lạ. Quen, vì thơ viết về nỗi buồn, không phải là điều xa lạ với vũ trụ thi
ca. Bởi, nỗi buồn xưa nay vốn là một “đặc sản”, một “hằng số” của thơ mà đã là
thi nhân, ít ra cũng có một từ, một câu, một bài thơ viết về nỗi buồn và những
câu thơ ấy đã găm vào tâm cảm người đọc những dấu ấn khó phai mờ. Đó là những
câu thơ chất chứa một nỗi ưu lo đến cháy lòng trước thời thế của Tú Xương: “Trời
không chớp bể cũng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.”, là những câu thơ
buồn mà đẹp của Xuân Diệu trong Đây mùa thu tới: “Rặng liễu đìu hiu đứng
chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”, hay những câu thơ xao xác một tiếng
lòng thổn thức của Huy Cận trong Nhạc sầu: “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm
thế!/ Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường”… Nhưng lạ, vì cách định danh lũ
buồn hoang như tên gọi tập thơ của Miên Di quả là điều độc đáo, thể hiện một
sự sáng tạo của thi nhân. Nỗi buồn ở đây không còn là một “tính từ” chỉ cảm xúc
như ta vẫn gặp mà đã trở thành một thân phận, một hiện hữu, một định mệnh ám ảnh
cả một kiếp nhân sinh, không chỉ riêng phận số nhà thơ mà còn biết bao phận
số khác trong cõi nhân gian đầy bất an này.
Đọc Lũ
buồn hoang ta như thấy tâm hồn thi nhân trôi trong dòng sông mà ở đó, nỗi
buồn đã trở thành những lớp sóng ngữ ngôn vỗ về, xô đẩy, lan tỏa cảm xúc của
nhà thơ, chiếm lĩnh tâm thức, tâm cảm người đọc. Điều này được thể hiện rõ
trong các tứ thơ, các tựa đề bài thơ mà thi nhân đã lựa chọn như một tâm thức
hiện sinh mà khi đọc lên ta không khỏi thấy nao lòng và tự hỏi sao cuộc đời lại
có quá nhiều trạng thái buồn đến như thế!?. Đó là mảnh buồn đan kín trong nỗi
cô đơn thân phận như một định mệnh: “Thuyền đâu tự biết lẽ loi/ Cô đơn vào đáy
mắt tôi mảnh buồn” (Mảnh buồn). Và nỗi buồn không chỉ dăng mắc trong phận số
con người mà còn vây phủ cả tự nhiên như một thứ hương thơm đầy huyễn hoặc: “Trên
thân thể của bông hoa/ Nỗi buồn cũng rất ngọc ngà. Và thơm” (Buồn hoa). Không
những thế, trong cảm nhận của Miên Di nỗi buồn như một sinh thể, ở đó không chỉ
có niềm đau mà còn có cả niềm yêu thương mà con người chỉ có thể cảm nhận được
nếu chạm đến ngọn buồn, hay nói cách khác là phải sống đến tận cùng với nỗi buồn,
với niềm đau thân phận: “Trèo lên ngọn của nỗi buồn/ Thấy như đứa trẻ thủa
còn leo cây/ Thò tay hái ít thơ ngây/ Bỏ vào túi áo cho đầy yêu thương… Nỗi buồn
trên ngọn rất hiền/ Trèo lên mới thấy hết miền cõi yêu.” (Trên ngọn buồn)
Có thể nói, đây là một liên tưởng lạ không chỉ trong ý tưởng mà cả trong việc
sáng tạo hình tượng thơ. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến khúc tình ca Trên
ngọn tình sầu của Từ Công Phụng phổ thơ Du Tử Lê, một bài hát đã trở thành
nỗi ám ảnh đối với tôi cũng như bao thế hệ thanh niên ở miền Nam trước 1975.
Không biết, khi Miên Di viết “trên ngọn buồn” có liên tưởng gì đến hình tượng “ngọn
tình sầu” trong khúc tình ca bất hủ này không, nếu có cũng là chuyện bình thường
của qui luật “liên văn bản” trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng dẫu sao, việc sáng
tạo những hình ảnh thơ đẹp và quyến rũ khi viết về nỗi buồn trong thơ Miên Di
hay nỗi sầu trong nhạc Từ Công Phụng, theo tôi đều đáng trân trọng. Bởi, nỗi buồn
và niềm đau xứng đáng được tôn vinh trong văn chương qua những hình tượng văn học
đẹp và độc đáo như thế. Điều này ta còn bắt gặp ở nhiều câu thơ khác của Miên
Di như “ngày ngày dạy lũ buồn ngoan/ Có đau cũng phải đau ngoan, nhen buồn!”
(Buồn ngoan); “Em dừng lại nơi đoạn đời tấp nập/ anh như ngã ba buồn chấp chứa
kẻ hỏng xe/ lặng lẽ vá nổi buồn nhau một chốc/ rồi lại đi không phải nhớ nhung
gì” (Vá buồn); “Vào những chiều đói nỗi buồn khôn tả/ Ta như con thú cuồng
nhấm máu vết thương lâu” (Đói buồn); “Màn đêm bọc tiếng thở dài/ Co ro như
một bào thai trong buồn” (Bọc buồn)… Như vậy, trong tâm thức của Miên Di
buồn như một “bào thai” đã có từ tiền kiếp, để đến hôm nay hiện hữu trong cõi đời
như một tất yếu của kiếp nhân sinh.
2. Đọc thơ Miên Di, ta thấy nỗi buồn không
chỉ có ở những bài thơ có tựa đề “Buồn” mà ngay cả ở những bài thơ khác, ta
cũng thấy có những câu thơ mà dư vị của nỗi buồn cũng mặn chát nỗi đớn đau của
thân phận với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trải dài trong phận số không chỉ
của thi nhân mà còn của những con người mà thi nhân đã gặp gỡ, đã yêu thương,
đã sẻ chia trong cõi nhân sinh. Đó là nỗi buồn bỏng cháy tâm hồn của những kẻ
“thiếu quê hương” mà từ góc nhìn hiện sinh cảm thức “thiếu quê hương” này chính
là cảm thức lạc loài của thân phận mà không ai trong cuộc đời lại không trải
qua những khoảnh khắc như thế: “Bỡn cợt với nét mày châu/ Vì nhau ai nỡ nêm đau
vào buồn… Thử làm một kẻ lưu vong/ Quê hương thất thểu ở trong nỗi buồn” (Bài
thơ viết cạnh dòng sống). Nỗi buồn trong thơ của Miên Di, vì thế, là nỗi buồn, ở
đó, ta như bắt gặp những trải nghiệm trong cuộc sống của thi nhân trên nhiều
phương diện mà điều ám ảnh thi nhân nhất là nỗi buồn trong tình yêu với những
yêu thương, những đổ vỡ, những mất mát, hạnh phúc, khổ đau: “Tôi tu bằng cuộc
tình buồn/ Chân như mơn mởn trên cồn cỏ hoa” (Khúc tu phiền). Để rồi, điều ấy
đi vào tâm cảm thi nhân và neo đậu ở đó như một ký ức buồn: “Cảnh buồn như một
tâm tư/ mây trôi gợi những từ từ xa nhau/ Bây giờ em ở nơi đâu/ Tôi buồn qua phố
một câu hỏi này/ Em đi bỏ lại bóng gầy/ vào đêm vắng vắng vào ngày vơi vơi/ Đôi
chim ân ái trên trời/ bỏ tiếng hót lại cõi người buồn thiu” (Lạc rồi). Không chỉ
là ký ức buồn mà trong thơ Miên Di nỗi buồn còn là ngôi nhà của hửu thể, ở đó
thi nhân đã “trang trí” bằng những nỗi buồn riêng: “Trong nội thất của nỗi buồn/
Tôi trang trí những hình tròn và cong/ Để khi bị ngã bên trong/ Luôn va phải một
cõi lòng rất em.” (Trang trí) Và, trong ngôi nhà hữu thể ấy, những nỗi đau, những
vui buồn của cuộc sống đều được thi nhân gởi vào trong đó, để chiêm nghiệm, để
cảm nhận và để sống với nó như một phần tất yếu của hiện hữu: “Có thay vui buồn
thì cũng phải buồn vui/ Yêu từng cơn mà bên nhau cả cuộc/ Hạnh phúc khi buồn là
hạnh phúc rất vui/ Em nhặt rau thấy phần bỏ đi giống như mình yêu thương nhau/
mà chọn lấy phần tươi tốt/ Nên những ngày tháng chan chung nồi canh xanh ngọt/
Mà riêng nhau ua úa nỗi niềm/ Mình đã bỏ nhau khi còn chung bữa/ Nhặt dần vui
ra khỏi nỗi buồn.” (Vợ đi lấy chồng)
Có thể nói, những nỗi buồn mà
thi nhân đã “nhặt” được từ cõi nhân gian từ những mất mát của tình yêu, tình vợ
chồng, đối với một số người trong xã hội hiện đại, nhiều khi, không phải là điều
đáng để họ quan tâm thì trong thơ Miên Di, ta thấy ở đó những dằn vặt đến đơn
đau và là nhân tố tạo nên dự phóng sáng tạo mà nếu không có nó, chắc chắn sẽ
không có những câu thơ viết về nỗi buồn thê thiết đến như thế!? Song, bên cạnh
những nỗi buồn đầy vị đắng chát trong tình yêu, tình chồng vợ, đọc thơ Miên Di
ta còn thấy sự ám ảnh của những nỗi buồn về thân phận, mà sự nghiệm sinh trong
những tháng năm “làm kiếp con người” (từ dùng của Trịnh Công Sơn) đã giúp thi
nhân nhận ra những điều ấy với những rung cảm tinh tế nhất, của tâm hồn nghệ
sĩ, trước từng khoảnh khắc của hiện hữu mà nếu không có những phẩm tính này, sẽ
không có một Miên Di - Thi nhân với nhiều trở trăn, ưu lo về thế sự: “Những bửa
cơm dẫn ta đi biền biệt/ bữa cơm buồn/ rồi lại bữa cơm” (Thời vắng sống) “Chạm
vào tuổi bốn mươi/ Buổi trưa vội vã/ Những cành lan không chồng vẫn sinh nở/ tờ
báo trên mặt bàn dang dở/ đời chỉ là những mẫu tin nhanh/ Ta không kịp sống đến
tận cuối những tin buồn/ với nhau cũng vậy… Tuổi bốn mươi/ khoảng giữa của vui
buồn/ như khoảng giữa của từng lựa chọn/ ta vò tóc trên đầu như sóng bạc/ Khúc
xé mình đến đoạn rẽ sông.” (Tâm sự tuổi bốn mươi) Hay nỗi xót ra về sự “ra đi”
đầy bi thiết của người Bà trong những ngày tháng đói nghèo mà khi đọc lên lòng
ta không khỏi thấy chênh chao một nỗi đau thân phận: “Cả đời bà chẳng được quà/
Bà đi vào lúc cả nhà thiếu ăn/ Tiễn đưa chỉ có vành khăn/ và ba tất đất lạnh
tanh ngoài đồng.” (Cuối năm thăm mộ Bà)
Sống ở đời, không ai không đối
mặt với những lo toan, phiền muộn và những điều ấy nhiều khi có thể đẩy ta vào
bi kịch buộc ta phải tìm đến một sự lựa chọn hiện sinh, để rồi chính ta phải tự
trả lời câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại? hiện hữu hay không hiện hữu!?.
Không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác và vì thế, không ai có thể vui
buồn thay cho người khác. Bởi, những buồn vui trong cuộc đời chính là một căn
phần của hiện hữu tự nó sẽ làm nên nhân vị của phận số mỗi người. Hơn ai hết,
là một thi nhân, Miên Di đã nhận chân được sự tất yếu này nên trong thơ anh, những
diễn ngôn viết về nỗi buồn cũng là những thông điệp nhân văn mà tác giả muốn
chia sẻ với người đọc “Vì mỗi ngày ta làm người tỉnh táo/ Tự chôn trong lẽ chết
từng ngày/ Ta sống như bạt ngàn ngôi mộ/ Nằm im im trên buổi chiều buồn” (Bài
thơ mất trí); “Những ngày khổ đã thành máu thịt/ Con chó buồn bỏ nạc nhớ khúc
xương” (Những ngày khổ); “Tao vẫn nhứ cái thằng nhiều khát vọng/ mơ ước mơ dễ
phủ được thế thời/ giờ phụ vợ bưng nỗi buồn xó bếp/ thương nó cái nhìn vẫn khao
khát như xưa” (Bạn); “Buồn như gỗ ruỗng mục mình/ Nghe ra từng vết đau đinh lỏng
dần.” (Ruỗng); “Lòng anh lồng lộng bốn bề/ Vậy mà chật cứng một thề hẹn xưa/ Chỉ
cần một chút gió mưa/ một chiều yên ả/ một trưa rộn ràng/ Một chiếc lá cũng
chưa vàng/ một bài hát cũ / một hàng dừa nghiêng/ Thế là bắt gặp niềm riêng/
Lòng anh lồng lộng lại điêng điếng buồn.” (Một thề hẹn xưa)… Bởi, nói như Aimé
Césaire: “Nhà thơ là một kẻ rất già nua và rất mới mẻ, rất phức tạp và rất giản
dị, ở quảng biên thùy đã từng qua lại, giữa mộng và thực, sáng và tối, ẩn và hiện;
trong cơn đảo lộn bất thần ở nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu,
tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng, và đi tới mãnh liệt” [1]. Thế mới
biết, sự nhạy cảm và tinh tế trong tâm hồn thi nhân cần cho cuộc sống và cho
thơ biết dường nào!?
Một ám ảnh khác trong cõi nhân sinh cũng
trở thành một dự phóng sáng tạo trong tập thơ Lũ buồn hoang của Miên
Di, đó là nỗi buồn trong phận số của người phụ nữ mà ở đó thi nhân đã sẻ chia với
cảm nhận của một người trong cuộc. Vì vậy, nỗi buồn của người phụ nữ ở đây
không chỉ là nỗi buồn của riêng họ mà đó cũng là nỗi buồn của chính nhà thơ. Sự
hóa thân kỳ diệu này cho thấy không còn đâu là khoảng cách giữa cái tôi trữ
tình của nhà thơ và nhân vật trữ tình: “Tôi nhận ra khi còn là đứa bé/ Mắt chị
buồn như một mùa mưa/ Cảnh chị em mình như bãi chợ/ tránh chỗ nào vẫn cư rác
dơ” (Chị);“Nhà em treo chữ Vu Quy/ có hoa rượu, có xầm xì nhỏ to/ Ngực
anh có một cơn ho/ có trận rượu nát ra tro nỗi buồn” (Lục bát vu quy); “Tôi
đang sẵn có trên đời/ Mà sao em lại làm người cô đơn/ Trong tủ áo cứ đầy hơn/
mà sao vẫn thấy trống trơn trong buồn” (Tôi đang sẵn có trên đời); “Có một chỗ
ngồi trống trong mắt cô dâu/ dành cho người buồn nhất/ ngày em lấy chồng … Ai
trang điểm cho em/ sao không đánh phấn nỗi buồn/ đôi môi nguội trong màu sơn
nóng/ em lơ đễnh nghe những lời chúc tụng/ trăm năm buồn như một dòng sông.”
(Bài thơ đứng ngoài tiệc cưới) Và chính điều này làm cho nỗi buồn trở nên ý vị
như một phần tất yếu của cuộc sống mà con người không thể chạy trốn và chối bỏ
được: “Có lẫn tránh tận hư vô/ Em không thoát khỏi là cô gái buồn” (Phận đàn
bà); “Sợ tôi buồn, em bảo tôi đi bước nữa/ Em thương tôi bằng những bửa cơm người/
Còn em ở vậy thổi cơm cho thằng bé/ sợ con buồn, em chẳng nỡ để ai yêu.” (Sau
ly dị). Chất nhân sinh ở nỗi buồn trong thơ Miên Di, vì thế đã ám ảnh tâm cảm
người đọc, bởi ở đó mỗi người đều có tìm thấy bóng dáng nỗi buồn của mình trong
cuộc đời trần thế vốn luôn bất toàn này. Và đây cũng là tiên đề tạo nên sự nỗi
loạn hiện sinh và chất triết luận trong thơ Miên Di.
3. Nói đến Lũ buồn hoang, có lẽ, một
điều không thể không đề cập đến đó là tâm thức “nỗi loạn” trong thơ Miên Di và
có lẽ đây là điều tạo nên chất “hoang” trong thơ viết về nỗi buồn của Miên Di.
Đọc những bài thơ như Uống rượu với Chúa, Tâm sự với Chúa, Em,
Chúa và tôi… ta như bắt gặp ở đây những cảm xúc mang tính nỗi loạn khi thể hiện
nỗi buồn. Hình tượng Đức Kitô trong thơ, thực ra không phải là điều mới lạ. Bởi,
trong phong trào Thơ mới, ta thấy hình tượng Chúa cũng đã xuất hiện khá nhiều
trong thơ Hàn Mặc Tử. Còn trong thơ miền Nam trước 1975, hình tượng Chúa cũng
xuất hiện trong thơ của nhiều nhà thơ, trong đó đặc biệt nhất là thơ Nguyễn Tất
Nhiên. Song, Chúa xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử hay Nguyễn Tất Nhiên là hình ảnh
cao vời của Đấng toàn năng và nhà thơ cầu mong ở Chúa ân sủng để cứu rỗi những
nỗi khổ đau trong cuộc đời mình. Còn Chúa trong thơ Miên Di không chỉ là hình ảnh
của “Đấng quyền năng” mà còn là một con người, một thân phận cũng gánh chịu khổ
đau, có thể chia sẻ những buồn vui với con người trong cuộc đời. Đó là lời sẻ
chia với Chúa về những nỗi đau trần thế của thi nhân ở một buổi “tiệc”
giữa chốn nhân gian trong “Uống rượu với Chúa”: “Buổi chiều nghiêng vào riêng/
rót hoàng hôn xuống thế/ Chúa rót chiều vào đêm/ ly rượu buồn như thế… Mời Chúa
một nụ cười/ của nỗi đau trần thế/ ly rượu buồn như thế/ máu của đấng quyền năng.”
(Uống rượu với Chúa). Hay lời tâm sự với Chúa, mong Ngài hãy quên đi nỗi
buồn: “Chúa đừng buồn nữa Chúa ơi/ Trầm luân cõi thế cho Người lên Ngôi” (Tâm sự
với Chúa). Thậm chí có lúc thi nhân đã “ngạo nghễ” tự thú: “Muốn làm thằng vô lễ/
mời chúa cụng với mình/ một cơn say nhân thế/ thương khổ và điêu linh.” (Uống
rượu với Chúa) Bởi lẽ, trong tâm thức của thi nhân: “Chúa bây giờ nếu là Chúa
hôm qua/ thì sẽ chẳng phục sinh làm gì nữa/ Chúa đâu thể một lần cứu rỗi/ khổ
đau bây giờ và cho cả xưa sau.” (Em, Chúa và tôi). Song, không chỉ tâm sự mà
thi nhân còn tra vấn cả Chúa và Phật về những nỗi khổ của con người trong cõi
nhân sinh: “Có lần anh hỏi Chúa ? đấng toàn năng sao bất lực trước cuộc đời/ và
hỏi Phật trăm tay nghìn mắt/ câu kinh buồn như tuyệt vọng âm u.” (Vết thương)
Không chỉ có cái nhìn khác về Chúa mà
trong thơ Miên Di, cái nhìn của thi nhân về chốn thiêng đường ở nước Chúa cũng
là một cái nhìn khác lạ của một tâm thức hiện sinh, khi thiên đường trong thơ
anh không ở nước Trời mà tồn tại bên những nỗi khổ đau trần thế: “Anh sẽ đặt
thiên đường ở đây/ nơi khổ đau và nghèo khó/ đời vui không nếu vắng những ngày
buồn (…) Nên anh đặt thiên đường ở đây/ nơi nhiều nước mắt”(Cho nhau một
chút thiên đường). Và những bài thơ này đã thể hiện tâm thức nỗi loạn hiện sinh
trong thơ Miên Di. Nhưng đó là một sự “nỗi loạn đáng yêu” của một tâm hồn luôn
chất chứa những nỗi đau đời, luôn khao khát một sự giải thoát khỏi những nỗi khổ
đau thân phận nhưng đành bất lực. Bởi, những khổ đau trong cõi nhân sinh này là
một nghiệp chướng, một hệ lụy của tội “tổ tông”. Vì thế, cho dù nhân loại với
bao khát vọng muốn giải thoát con người khỏi những “khổ đau” trần thế cũng chỉ
là những khát vọng lãng mạn mà thôi. Thế nên, thi nhân đã mơ về cái thuở hồng
hoang khi mà con người chưa sống với quá nhiều tham vọng và ham muốn, vốn là cội
nguồn của những khổ đau: “Mơ thành sói dữ dịu dàng/ Trở về thăm thuở hồng hoang
trong người.” (Giấc mơ tôi) Bởi vì, trong suy niệm của thi nhân: “Gói sao được
vệt khói mờ/ Khi cầu an lạc là thờ khổ đau.” (Gói Khói)
Thơ Miên Di là thơ của những nghiệm
sinh từ chính cuộc đời mình. Điều này đã kết tinh trong thơ anh thành những dự
phóng sáng tạo. Vì thế, khi khám phá nỗi buồn trong thơ Miên Di, ta thấy những
nghĩ suy về nhân tình, về cuộc sống luôn thấm đẫm trong từng ngữ ngôn mà ở những
ngữ ngôn này thể hiện rõ sắc màu triết luận như một thứ dư vị riêng làm cho chất
trữ tình trong thơ Miên Di càng thêm ý vị, nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa chất
trữ tình và trí tuệ. Bởi nói như Paul Claudel: “không phải trí tuệ làm ra thơ,
nhưng chính nhờ trí tuệ mà ta thấy ta làm thơ”[2] Còn A.
Breton thì cho rằng: “Thơ phải là sự tan rã của trí tuệ”[3] Và chất
triết luận trong thơ Miên Di là sự kết tinh của sự tan rã trí tuệ và tâm hồn để
phóng chiếu thành những ý thơ mang màu sắc triết luận mà ta có thể cảm nhận khi
đọc những câu thơ thi nhân luận về hạnh phúc: “Nếu em khóc cho điều vừa mới/ Một
tin vui hay đám tang người/ Hai buồn ấy cùng chung dòng nước mắt/ Hạnh phúc buồn
hay hạnh phúc vui” (Hạnh phúc không vui). Hay sự cảm nhận về sự hiện hữu của
tha nhân: “Khi em ngủ ở trên đời/ là vẫn có mặt trong rời xa nhau/ khi em thức ở
nơi đâu/ Em còn tôi đấy đằng sau nỗi buồn” (Định nghĩa lại em); “Có lần tránh tận
hư vô/ Em không tránh khỏi là cô gái buồn.) (Phận đàn bà) và sự hiện hữu của
chính mình: “Tôi định nghĩa lại bão giông/ bình yên náo loạn ở trong lòng mình/
một nỗi ngao ngán bình bình/ một xôn xao rất là thinh lặng buồn/ Tôi hờn dỗi cả
lối mòn/ đi hoài cứ gặp một tồn tại tôi” (Định nghĩa lại); “Tôi gặp tôi rất bất
ngờ/ không trong tôi nữa bây giờ trong em/ Trong xe cộ trong ngày đêm/ Tôi gặp
tôi ở bên thềm vắng tôi/ Gặp tôi vô ngã rong chơi/ Lạc trong ý nghĩ rối bời hỏng
hư/ Tôi là một khối trầm tư/ Hiện diện như thể một hư vô. Buồn” (Tìm gặp vô
ngã)
4. Một tập thơ hay chưa hẳn là một tập thơ
đã hoàn hảo. Bởi, thơ cũng như tình yêu không bao giờ có sự viên mãn tuyệt đối.
Vì thế, cũng như những người yêu nhau, thi nhân luôn khát vọng đi tìm sự hoàn
thiện cho hành trình sáng tạo thơ của mình. Bởi, nếu trong hành trình sáng tạo,
nhà thơ tự bằng lòng với mình, cũng đồng nghĩa là hủy diệt sự tồn sinh của thơ
mình và như thế, điểm đến của thơ chính là nấm mồ đã chờ sẵn ở nghĩa trang thơ.
Đọc Lũ buồn hoang, bạn đọc
có thể bắt gặp ở đó những câu thơ khá hay, thể hiện sự tìm tòi đáng ghi nhận của
Miên Di, mà khi đọc lên chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì sự mới lạ của nó. Mới
lạ nhưng không “màu mè” “làm dáng” mà chân chất, thành thật đến đáng yêu. Đó là
những câu thơ buồn và đẹp mà khi đọc lên, không khỏi thấy lòng mình chao chát một
nỗi xót xa: “Vắng em sau yên xe/ Anh chuyện trò với khoảng trống/ Chiếc áo em
may anh vẫn còn đang mặc/ Tấm áo bền hơn vết rách/ Anh diện lên mình hạnh phúc
đã qua” (Vợ đi lấy chồng). Hay: “Lòng như chỗ vắng bặt tăm/ Tôi và một chiếc lá
nằm, thương nhau” (Chiếc lá & tôi) “Cuối năm một khoảng mênh mông/ Một mênh
mông giữa cõi lòng nhỏ nhoi.”(Cuối năm thăm mộ Bà); “Thế là bắt gặp niềm riêng/
Lòng anh lồng lộng lại điêng điếng buồn” (Một thề hẹn xưa) “Mái bếp dột đã
thành quen với mẹ/ tiếng gà quê quạnh quẽ những trưa chiều” (Tháng 7 này) “Thỉnh
thoảng thăm mẹ một hôm/ Xòe tay xin ít trẻ con rồi về” (Tâm sự với mẹ) “Tiếng
ru quắt quẻo cuối thôn/ ta về như trẻ lon ton làm người” (Lẽ chết màu xanh) “Buồn
như gỗ ruống mục mình/Nghe ra từng vết đau đinh, lỏng dần” (Ruỗng); “Đói khuya,
sờ cái ví nghèo/ Tiếng rao khuất nẻo còn treo ngoài thềm” (Tiếng mì gõ); “Đêm nằm
thương những dòng sông/ tự cào xói lỡ ở trong lòng mình” (Tự cào)… Song, trong
tập thơ Lũ buồn hoang không phải không còn những câu thơ, những bài
thơ dễ dãi khi phải ép vận, ép từ một cách khiên cưỡng, thiếu tự nhiên, chưa đạt
tới một độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn mà nếu nhà thơ tỉnh táo hơn, biết
hạn chế những điều này thì tập thơ Lũ buồn hoang sẽ hoàn hảo hơn. Đó
là những câu thơ như: “Sân ga chôn dấu một điều/ Càng đông càng chất chứa nhiều
phân ly” (Tâm sự với sân ga) “Con phố như là ta bà/ về đêm lại thấy rất là an
yên” (Phố và tôi) “Ban sơ một tin bão xa/ Ta mộng lớn bỗng dọn nhà giúp em” (Thức
tỉnh nhỏ) “Nghèo bây giờ nhớ nghèo ngày xưa/ Ran ran nhớ rệp vẫn chưa thấy
nghèo” (Qui chiếu nghèo) “Phật tôi không tuổi không tên/ Tôi tu trong cuộc nổi
nênh đời mình/ Nhà tôi là cả hành tinh/ Tha nhân là một gia đình thân nhân”
(Khúc tu phiền); “Ai tìm an lạc thấy chưa/Có nghe như nguyện khi vừa ngứa xong”
(Giác ngộ nhỏ)…
Trong phần cuối tập thơ Lũ buồn
hoang, Miên Di viết “Tôi thích những ngày buồn, hoàng hôn đầy túi áo/ đem tiêu
hoang cũng không hết những ngày buồn.” (Tiêu hoang), Còn tôi thì thích những
bài thơ, những câu thơ viết về nỗi buồn của Miên Di trong tập thơ này. Tuy
không phải đã đạt đến sự hoàn hảo về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ
thuật nhưng Lũ buồn hoang đã chạm đến những nỗi đau trong cõi nhân
sinh của thân phận, vì vậy nó sẽ neo lại trong lòng người đọc như một nỗi ám ảnh
của vô thức và tâm linh. Bởi, nỗi buồn không chỉ đơn thuần là một trạng thái cảm
xúc của tâm hồn con người mà còn là một yếu tính của hiện hữu. Không có nó con
người không còn là con người. Vì vậy, thơ viết về nỗi buồn sẽ luôn tồn sinh với
đời sống. Miên Di chọn viết về nỗi buồn và có thể nói anh là một trong những
nhà thơ viết nhiều và viết hay về nỗi buồn trong thơ ca đương đại, hy vọng anh
sẽ có chỗ đứng trong nền thi ca nước nhà. Bởi nói như Paul Claudel: “Thơ ở khắp
mọi nơi, trừ ở những nhà thơ tồi.”[4] Rất may!
Miên Di với Lũ buồn hoang đang hiện hữu trên thi đàn, không phải là một
nhà thơ như thế! Tôi kỳ vọng và chờ đợi những mùa gặt mới trên cánh đồng thơ của
Miên Di với tư cách là một “Nhà thơ - Phu chữ” như thi sĩ Lê Đạt đã từng xác
quyết khi luận bàn về hành trình sáng tạo của thi nhân trên con đường dấn thân
đi tìm vẻ đẹp của nàng thơ…
Chú thích:
[2] Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình (biên soạn), Những bậc thầy văn
chương, Nxb. Văn học, H, 2002, tr.637
Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp,
Đầu mùa mưa, 11/5/2019
Trần
Hoài Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét