Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Bài học nghề nghiệp từ Hoài Thanh

Bài học nghề nghiệp từ Hoài Thanh
Vào nghề viết, tôi thường xem Hoài Thanh như là một trong những mẫu mực sáng tạo để nghiêm túc học hỏi. Văn nghiệp của ông bao giờ cũng gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ về đời và nhất là về nghề. Còn nhớ vào đầu năm 1997, trong một tiểu luận văn chương, tôi có nóng lòng bày tỏ nỗi ao ước sớm xuất hiện một Hoài Thanh mới trong phê bình. Khi còn ở dạng bản thảo, một đồng nghiệp đọc xong bèn chân tình khuyên tôi: “Chớ nên viết thế! Ở xa Hà Nội, ông không biết đâu, Hoài Thanh đang có vấn đề đấy!” Chả là dạo ấy, Nhà nước mới cho công bố Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, trong danh sách không thấy có tên ông. Tôi bảo: “Công việc nào mà chả có sơ sót, nhất đây lại là công việc liên quan đến xét đoán chân giá trị nghệ thuật”. Theo ý tôi, Hoài Thanh hoàn toàn xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu. Thời nào chẳng vậy, tài năng sáng tác thì nhiều, trong khi tài năng phê bình nào có bao nhiêu. Tôi đang nói tới thực tài, mà đã là thực tài thì có lẽ học hỏi, trao dồi bao nhiêu cũng không đủ. Còn có gì đó như trời cho, dẫu chỉ là một chút, một chút ít thôi. Vậy thì phải xem đây là viên ngọc quý hiếm, cần trân trọng nâng niu, lại càng cần làm cho sáng thêm cùng với thời gian.
Xin được trở lại với Hoài Thanh. Thú thật là tôi không có cái may mắn được gần gũi ông như nhiều đồng nghiệp khác. Nhưng giờ đây, mỗi lần giở lại những trang văn dung dị mà kết lắng như màu xanh của lá, màu vàng của nắng kia, tôi lại cồn cào nhớ đến ông. Với chúng ta, nỗi nhớ không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc. Nó là một hành động, tích cực như bao hành động khác. Chính vì thế mà nỗi nhớ bao giờ cũng mang một năng lượng tinh thần riêng, không thể xem là thói đa sầu đa cảm của những kẻ yếu mềm. Tôi muốn nói, nhớ tới Hoài Thanh là nhớ tới những bài học thấm thía từ ông, từ những trang phê bình lấp lánh ý nghĩa, đặc biệt từ số phận đầy vinh quang mà không ít cay đắng của chúng. Văn nghiệp của ông, như bao văn nghiệp của những tài năng lớn khác, luôn thật sự sống trong lòng các thế hệ mai sau là theo tinh thần ấy. Nhờ vậy mà các giá trị văn chương đích thực được lưu chuyển qua năm tháng đến được với muôn đời.
Hôm nay, tại diễn đàn trọng thể này, tôi xin được nói tới đôi bài học từ Hoài Thanh, có liên quan đến nghề viết văn danh giá mà không ít cay nghiệt của chúng ta. Sinh thời, ông là một tín đồ trung thành của một thứ tôn giáo đầy sức mê hoặc có tên là “Truyện Kiều”. Trước Cách mạng, ông luôn bị ánh sáng tỏa ra từ con chữ của Nguyễn Du quyến rũ. Và sau Cách mạng, như chính lời Hoài Thanh, bước chân đi theo Kháng chiến của ông đỡ ngập ngừng hơn do sớm gặp một lãnh tụ của Đảng cũng mê “Kiều” như ông. Trong vô vàn cảm nhận tinh tế mà sâu sắc của Hoài Thanh, tôi đặc biệt thích thú một đánh giá mang sức bao quát sau về nhân vật Kiều : Có thể gói gọn thân phận của nàng trong một chữ “đa” - đa tài, đa tình, đa sắc mà đa nạn. Một ai đó đã phát hiện ra rất đúng cái tài của Nguyễn Du qua việc mô tả dáng vẻ bên ngoài của Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Và của Thúy Kiều:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Số phận sau này của mỗi người đã được đoán định trong cái cách thể hiện ấy rồi. Kiều “đa nạn”, đời nàng là một chuỗi bi kịch “đứt ruột” kế tiếp nhau. Vậy mà nếu tôi có hỏi các đồng nghiệp của mình rằng muốn số phận của người cầm bút viết văn suôn sẻ như Thúy Vân hay trầm luân như Thúy Kiều? thì chắc không mấy ai trả lời ngoài dự đoán của tôi: Thúy Kiều. Bởi vì, Kiều bị dằn vặt, đọa đầy, đau khổ là do những năng lực và phẩm chất khác người đồng thời hơn người của chính mình. Chợt nhớ tới câu nói của một người bạn tôi cách đây 30 năm. Chúng tôi vốn cùng học phổ thông. Lên đại học, anh học Khoa Toán, còn tôi thì học Khoa Văn. Lúc ấy, anh âm thầm yêu một cô gái học cùng lớp với tôi mà chưa được đáp lại.
- Ông không biết con gái học văn phức tạp ư? - Tôi hỏi.
- Biết, biết rất rõ! Có điều, mình thà chấp nhận sự phong phú mà phức tạp, chứ không chịu nổi sự thuần nhất mà nghèo nàn.
Ôi! Cái nghề của chúng ta mới thật cao quý và ý nghĩa làm sao! Chỉ cần ai cũng hiểu được vậy thì không một người nào trong chúng ta lại không sẵn lòng lao vào công việc cực nhọc đầy hiểm nguy, chả gì có thể ngăn ta nổi. Nhưng trong đời viết văn còn có nhiều cái ngại khác, vô hình mà rắn đanh, dễ làm chùn chân mỏi gối ngay cả những người tâm huyết nhất. Ấy là số phận của những đứa con tinh thần thường được sinh ra trong sự sáng tạo cô đơn đến mức ngặt nghèo. Nhà văn phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mới mẻ mình vừa viết ra. Không phải bao giờ cũng êm chèo mát mái. Bởi có cái mới nào lại không chịu thử thách đâu? Nhưng ta lại hoàn toàn không có quyền thoái lui. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, không trách cứ ai được. Lại nhớ tới một bài học khác từ Hoài Thanh. Một lần, ông bình hai câu thơ của Tố Hữu trong bài “Mẹ Tơm” thế này: Câu đầu “Sống trong cát chết vùi trong cát”  âm vang lên trong tâm trí người đọc những triết lý bi thảm về cuộc đời, rằng đời là một thung lũng nước mắt, rằng con người đã khóc khi vừa sinh ra và nấm mồ xanh rì đang chớ ta ở phía trước, rằng thân cát bụi sẽ trở về vối cát bụi… Nghĩa là câu thơ đã đẩy người viết đến bờ vực thẳm chênh vênh, chỉ nhích một chút thôi là có nguy cơ lao xuống vực, không ai cứu giúp nổi cả. Thế rồi câu thơ kế theo kịp thời xuất hiện: “Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Nó thật sự đã giữ Tố Hữu đứng vững ngay nơi giáp ranh của hiểm nguy, để không rơi vào cái vòng u ám, bi lụy mà câu đầu có thể đẩy tới…
Mỗi khi nghĩ về số phận của tài năng văn chương, tôi hay liên tưởng tới lời bình tuyệt hay ấy của Hoài Thanh. Tài năng là vậy, dám đứng chân bên bờ vực, mà lại đứng vững, không bị sa xuống vực thẳm. Bản lĩnh cao cường của người cầm bút bộc lộ chính ở đây. Tôi thiết tha mong mỏi nền văn chương hiện đại của dân tộc ta trong điểm giao của hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ sẽ sản sinh ra được nhiều, thật nhiều những tài năng lớn với bản lĩnh khác thường như thế!
Ngổn ngang chất lượng phê bình
“Làm thế nào để nâng cao chất lượng phê bình văn chương?” là câu hỏi thể hiện mong muốn, hơn thế là đòi hỏi gióng riết không chỉ của giới văn chương. Một khi nền văn chương đến độ trưởng thành thì ý thức về nó, phản ánh dưới dạng quan niệm chi phối, quan niệm thực thi càng được xem trọng, hẳn chẳng có gì khó hiểu cả. Mối gỡ nên bắt đầu từ đâu. Đã có nhiều ý kiến, phần nhiều là tâm huyết và hiệu quả. Riêng tôi xin đi vào cơ cấu của phê bình và đội ngũ phê bình, những mong góp phần tháo gỡ vấn đề hệ trọng, bức bách này.
Tôi tán đồng với giáo sư Trần Đình Sử khi anh chia phê bình hiện nay thành 3 bộ phận: phê bình chuyên nghiệp, phê bình nghệ sĩ và phê bình báo chí. Ơ dạng thức sau cùng, ta nghĩ trước tiên đến những bài đọc sách (tôi không nói tin sách hay điểm sách - những chuyên mục còn cách rất xa phê bình). Trong tình hình tác phẩm mới, cả thơ lẫn văn, được in ra khá dễ dàng, vì thế số lượng thật đồ sộ, khó lòng bao quát được hết, thì việc xuất hiện ngày càng nhiều, ngày một thường xuyên việc đọc sách trên báo chí, chuyên và không chuyên về văn chương, nên xem là yêu cầu khách quan và cần thiết. Tuy tôi không nghĩ bài đọc sách nào cũng là bài phê bình thực thụ. Không phải ở độ dài ngắn mà ở tính chất, ở chất lượng. Nhiều bài đọc sách viết sơ sài, chung chung, thiếu căn cứ lý luận, và lấy việc cung cấp thông tin về tác phẩm, tác giả là chính.
Còn về cơ cấu đội ngũ? Nói gì thì nói, sự tồn tại các thế hệ nhà phê bình là một thực tế. Sự phân biệt già trẻ một cách tương đối cũng nên đặt ra. Không phải để phân hạng theo tước xỉ đâu. Cũng như văn chương, giá trị của phê bình ở chất lượng thấp cao, hay dở. Y lại tiếng tăm và kinh nghiệm để cho mình cái quyền ăn nói, cái quyền đưa ra lời phán xét cuối cùng, xếp ngôi định thứ, luôn tỏ ra quá lỗi thời và kém khôn ngoan. Những bậc thức giả, thức ngôn chả ai làm thế bao giờ. Phân biệt già trẻ để thấy mặt mạnh mặt yếu của từng thế hệ, giúp bổ sung cho nhau, tạo ra một đội hình vừa khác biệt vừa đồng thuận, thỏa mãn những nhu cầu luôn sôi động và biến đổi của đời sống văn chương.
Cần thấy rõ sự bất cập của từng thế hệ cầm bút viết phê bình. Thế hệ già thì không còn nhiều thời gian, sức lực và cả sự tinh nhạy để bao quát sự diễn biến nhanh của sáng tác. Còn thế hệ trẻ? Độ chín nghề nghiệp vẫn luôn là một đòi hỏi  nóng bỏng. Vừa qua tôi có đọc một vài tâm sự  của một cây bút phê bình trẻ về nghề của mình. Bên cạnh những ý nghĩ đúng và đây là lý do cho phép tôi đặt nhiều hy vọng vào anh và thế hệ trẻ cầm bút trẻ thì không khỏi còn những suy nghĩ non nớt và bồng bột. Chẳng hạn anh bảo: “Con người ai cũng ảo tưởng, cũng muốn ảo tưởng, bởi vì ảo tưởng là một mặt căng phồng của ước mơ. Làm người ai chẳng ước mơ, càng trẻ càng nhiều ước mơ, do đó nhiều ảo tưởng về bản thân. Điều này không có gì đáng sợ, nó lại có cái tốt là khiến người ta tự tin và mạnh mẽ” - những chỗ in nghiêng là do tôi chủ ý nhấn mạnh.
Sao lại viết như thế được! Làm người chỉ nên có ước mơ, càng giàu có càng tốt và càng ý nghĩa, nhưng lại hết sức tránh ảo tưởng - nghĩa là những ước mơ viển vông ít có cơ sở thực hiện. Và nếu vậy thì chỉ có ước mơ (chứ không phải “ảo tưởng”) mới đem lại “tự tin và mạnh mẽ” cho con người. Do vậy tôi trộm nghĩ, với những cây bút trẻ, việc quan trọng bậc nhất, quan trọng hàng đầu chưa hẳn là ở lòng trung thực để gắng giữ cho mình giọng nói riêng, mà có lẽ ở tính khoa học, ở “kiến thức sâu rộng” và ở khả năng  “cảm thụ nhạy bén” (Xin xem tạp chí “Sinh viên Việt Nam”, Số 33, ra ngày 14/8/2001).
Nói về cơ cấu của phê bình và đội ngũ phê bình trong yêu cầu nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tôi lại nghĩ tới quan niệm đã trở thành kinh điển của Biêlinxky: “Phê bình là mỹ học đang vận động”. Nhà phê bình Nga vĩ đại gọi phê bình là “mỹ học” (hiểu theo nghĩa là “lý luận nghệ thuật”). Tính khoa học đặc biệt được ông đề cao và vì vậy không phải ai cũng viết được phê bình. Viết được những áng phê bình hay lại càng khó, không dễ mà làm nổi. Phải am hiểu bản chất đặc thù của văn chương đến một độ nhất định (Ấy là để tránh chông chênh, sơ sểnh). Lại còn phải luôn tiếp cận những quan niệm văn chương tiên tiến nhất (Ấy là để tránh lạc hậu, lỗi thời). Tất cả tập trung ở hệ tiêu chí đánh giá đúng đắn mà ta quen gọi là chuẩn mực. Đây là lẽ hằng thường, là cái bất biến (cố nhiên nên hiểu một cách tương đối) chi phối hoạt động phê bình.
Câu nói của Biêlinxky còn bao hàm vế tối quan trọng thứ 2:  mỹ học đang vận dụng. Đã có nhiều cách hiểu khác nhau, tôi thì nghĩ đơn giản, điều đó có nghĩa phê bình là “mỹ học” đang được vận dụng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn văn chương. Phẩm chất và bản lĩnh của nhà phê bình bộc lộ chủ yếu ở đây! Như ta biết, văn chương mỗi dân tộc trong từng thời điểm nhất là ở những điểm giao giữa các giai đoạn, các thời kỳ, thường xuất hiện những vấn đề riêng cần được tháo gỡ. Có vấn đề thuộc tư tưởng lại có vấn đề thuộc nghề nghiệp; có vấn đề thuộc về người cầm bút, lại có vấn đề liên quan tới cơ chế xã hội; có vấn đề thuộc nội dung, lại có vấn đề thuộc về thi pháp…
Cần thấy rằng, các vấn đề của đời sống văn chương bao giờ cũng được nảy sinh từ những hiện tượng văn chương cụ thể mà rõ nhất là từ các tác phẩm văn chương. Phê bình với chức phận riêng của mình buộc phải lên tiếng, không được thoái thác chối từ.
Có nhiều cái khó cần vượt qua để phê bình và nhà phê bình đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn văn chương. Trước tiên là khả năng làm chủ tinh thần sáng tạo của các nhà văn: không chỉ đa dạng mà còn đa tạp, đa hướng, lại thường biến động khôn lường; không chỉ ở bề mặt mà còn ở bề sâu; không chỉ trên phương diện cá nhân mà còn liên quan đến xã hội.     
Sau nữa là khả năng vươn tới làm chủ xu hướng chung của thời đaị. Bởi văn chương khi nào cũng thuộc về một thời. Sự chi phối của thời đại tới văn chương và nhà văn có khi rõ rệt dễ thấy, cũng có khi sâu xa khó thấy hơn, nhưng bao giờ cũng là sưc mạnh thực tế, đi ra ngoài ý muốn của người viết.
Để thấm nhuần tinh thần của thời đại qua tinh thần của sáng tạo, nhà phê bình phải thật sự sống tỉnh táo và mê say, tự nguyện và trách nhiệm, để trở thành con người của thời đại mình trong ý nghĩa sâu xa và tính toàn vẹn của nó. Theo tôi, đó là điều mà cả đội ngũ phê bình trong những dạng thức khác nhau  sẽ còn cần tiếp tục trau dồi với ý thức cao nhất.    
Đà Lạt, 1/10/2001
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...