Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Cõi thơ Bùi Giáng

Cõi thơ Bùi Giáng 
Nhà thơ Bùi Giáng xuất hiện trong nền thơ ca Việt Nam như một hiện tượng kỳ lạ và độc đáo. Suốt trong mấy mươi năm nhiều tác giả trong và ngoài nước viết bình thơ Bùi Giáng. Những chuyện đời của Bùi Giáng đôi khi trở thành giai thoại. Bùi Giáng sống những năm tháng ngao du, lang thang trên các đường phố Sàigòn. Người ta từng gặp Bùi Giáng với hình hài người điên, quần áo đủ màu sắc, đôi khi say ngất ngưởng, ngủ bên lề đường dưới bóng cây xanh lá.
Thi sĩ Đức Tường trong nhóm thi ca München hâm mộ Bùi Giáng như một thần tượng, cách đây mấy năm trong dịp về Sài gòn, anh đến thăm nhà Bùi Giáng lúc còn tại thế. Được cháu Bùi Giáng đưa anh đi viếng mộ, đốt nén nhang thơm tưởng niệm người thi sĩ tài ba. Ai đã đọc Bùi Giáng hoặc nghe những chuyện về con người kỳ dị này chắc chắn sẽ bị cuốn hút. Một hiện tượng độc đáo đến hy hữu trong đời sống văn học Việt Nam
Tôi cùng quê với Bùi Giáng, nên Đức Tường yêu cầu tôi nói về thơ Bùi Giáng để góp mặt vào đêm thơ nhạc. Thưa quý vị cùng quê hương xứ Quảng nhưng chưa chắc hiểu Bùi Giáng bằng những người đã yêu thơ của ông. Tôi đã gặp Bùi Giáng một vài lần, sau 1975 Bùi Giáng điên loạn hơn, có thể Bùi Giáng sung sướng nhất vì điên, từng đứng trước Đại Học Vạn Hạnh chửi người tịch thu trường này. Ông Nhất Thanh từng luận về Bùi Giáng:
- Ồ, chẳng có ngôn từ nào thích hợp với Bùi Giáng cả. Ông chỉ là một ông già bình thường nhất, dễ thương nhất. Nếu có điên chăng, có lẽ là tất cả chúng ta.
Nhà văn Đào Hiếu viết:
- Cũng có thể hiểu Bùi Giáng như thế này: Ông coi đời là hữu hạn, là phi lý, là chốn lưu đày, là cõi phù du, là cái mớ bòng bong vớ vẩn....
Chúng ta thử đi vào cõi thơ của Bùi Giáng, để có thể xác định được cuộc đời của thi nhân một thời vang bóng trên thi đàn miền Nam trước 1975. Nhà văn Mai Thảo đã ca tụng:
- Cõi thơ Bùi Giáng lúc bấy giờ ào ạt, vỡ bờ, bát ngát trường giang mênh mông. Bùi Giáng ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ.
Thân thế và sự nghiệp
Bùi Giáng là tên thật, tuy nhiên cũng có vài bút hiệu nói lái khác như Bán Dùi, Bùi Giàng Búi. Xuất thân gia đình vọng tộc, giàu có, sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu xã Vĩnh Trinh, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bùi Giáng là con thứ 5, thân phụ là ông Bùi Thuyên, mẹ Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng bà con với Bác sĩ Bùi Kiến Tín là người bào chế dầu khuynh diệp với nhãn hiệu Khuynh Diệp BS Tín trước 1975.
Bùi Giáng vào Sài Gòn, người miền Nam gọi ông là Sáu Giáng. Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Năm 1945, ông cưới vợ trẻ đẹp nhưng bạc mệnh là bà Phạm Thị Ninh, sinh trưởng trong một gia đình công chức khá giả, con gái của ông bà Phán Trai, ở gần Chùa Cầu, Hội An.
Theo dư luận khoảng năm 1948, Bùi Giáng dọn nhà, lên Trung Phước vùng thung lũng đồi núi chăn dê, ông nuôi dê để chơi thôi không bán, cũng không làm thịt dê để nhậu. Ông rất yêu những con dê, ông đặt cho mỗi con một cái tên, rất kỳ lạ (người em vợ kể lại)
Bùi Giáng rất thương vợ. Sáng nào ông cũng vắt một bát sữa dê đem chưng lên cho vợ uống
Nhưng không tránh khỏi kiếp hồng nhan bạc mệnh, năm 1948 bà Ninh bị bệnh sanh con non nên cả mẹ con đều qua đời. Từ đó ông không lập gia đình, không hiểu một vài tác giả dựa vào tài liệu nào viết Bùi Giáng đi chăn bò? chăn bò và chăn dê khác nhau. Sau này Bùi Giáng xuất bản thi tập Mưa Nguồn có bài Nỗi lòng Tô Vũ dài 60 câu, nhắc lại kỷ niệm khoảng thời gian chăn dê:
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay em tha hồ mặc sức
Vang vang lên đồi núi giọng be be
Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa...
Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa
Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh
Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả
Anh lim dim cho chết lịm hồn mình,
Cây lá bốn bên song song từng lứa
sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Bùi Giáng chăn dê thời gian ngắn, không giống như Tô Vũ bên Trung Hoa 100 năm trước công nguyên vua Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô, vì sự bất hòa giữa hai nước Tô Vũ sứ thần nhà Hán bị Hung Nô giam giữ đưa đi chăn dê ở vùng Bắc Hải nay là hồ Baykal. Những ngày Bùi Giáng lặng lẽ lùa dê vào núi, vui chơi thiên nhiên suối nước.. rồi Bùi Giáng gửi đàn dê lại cho "chuồn chuồn, châu chấu"...
Vào Sài Gòn ghi danh học Đại Học Văn khoa, nhưng rồi ông bỏ học. Bùi Giáng tự học, đi dạy Pháp văn và Việt văn cho nhiều trường Tư Thục và làm thơ đăng báo. Thời gian dạy học, ông đã soạn sách giáo khoa, do nhà Tân Việt ấn hành,
Năm 1956: Bà Huyện Thanh Quan, Lục vân Tiên, Chinh phụ Ngâm, Quan Âm Thị Kính
Năm 1957: Truyện Kiều, Truyện Phan Trần, Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Công Trứ
Năm 1958: Tản Đà, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thọ Tường và Phan văn Trị.
Bùi Giáng thông thạo các ngôn ngữ Pháp, Anh, Hán văn, và tự học tiếng Đức 6 tháng, đọc và dịch sách của triết gia Martin Heidegger. Bùi Giáng là một thiên tài, chúng ta lâu năm ở Đức chưa chắc dịch được tác phẩm lưu loát như Bùi Giáng. Văn nghiệp của ông thật đồ sộ và đa dạng. Tác phẩm của ông có thể chia làm 5 loại:
- Giảng luận văn chương
- Triết học
- Dịch văn chương
- Thơ văn biên khảo
- Thêm một số tác phẩm hội họa dù không nổi bật.
Con người tài hoa của Bùi Giáng có những cảm xúc tuôn trào như một dòng suối chảy, ông đã sống cho riêng mình một cõi mộng. Trong thời gian dạy các trường tư thục, có nhiều chuyện thật của Bùi Giáng xảy ra trong giờ giảng dạy. Bùi Giáng rất yêu quý truyện Kiều của Nguyễn Du. Thông cảm tâm trạng của nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, nhưng không tránh được thuyết tài mệnh tương đố "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" hay "chữ tài liền với chữ tai một vần".
Bùi Giáng dạy Việt văn, khi giảng đến đoạn nàng Kiều phải bán mình chuộc cha để rồi phải mất 15 năm lưu lạc, Bùi Giáng đã khóc nức nở ngay giữa lớp học. Có lẽ nước mắt cũng không làm ông nguôi bớt, nỗi cảm thương người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Và từ đó không trường nào dám mời Bùi Giáng dạy học...
Thời gian trôi qua, bão giông đời lắng dịu, chúng ta giờ đây nghe lại một chút tâm tình, với tiếng nói thiết tha lời thơ trong tập Mưa nguồn xuất bản 1964, là tiếng thơ thiết tha với hoa đồng cỏ nội
Én đầu xuân, tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa
Bùi Giáng ở miền trung du xứ Quảng, hàng năm thường xảy ra những cơn nước lũ trên thượng nguồn chảy về xuôi. Những dòng nước đục tràn ngập ruộng vườn làm cảnh vật thêm tiêu điều
Một bờ dương xếp bến sau
Nước vần vũ đục nghe đau lá vườn
hay:
Em về ở lại đây thôi
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây
Mười con xóm nhỏ bên này
Nhắc nhau nhớ lại cái ngày bên kia
(Tiếng vọng)
Nhớ lại những ngày nước lênh đênh, trôi dạt qua làng bên tránh nước ngập cùng cô thôn nữ, như mênh mông của rừng suối, huyền bí của sương mây?
Người xuống theo dòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây
Suối đá gập ghềnh hôm sớm tụ
khói mù mịt thổi xuống đồi cây
(Người xuống)
Người dân quê Việt Nam, nhất là người Quảng Nam, luôn chịu khó làm việc không quản ngại nắng mưa đổi mùa, sống trọn vẹn vui buồn cùng thiên nhiên, mồ hôi đổ xuống luống cày và kết tinh thành những lời ca dao tha thiết. Tâm hồn Bùi Giáng vẫn là tâm hồn của người nông dân chân chất, nên lời thơ ông vẫn mênh mang như ca dao trên đồng lúa quê hương
Một tiếng nói một nụ cười chợt tắt
hết mấy phen buồn trở lại bên đời
đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt
Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi
(Người đi đâu)
Thi tập Mưa Nguồn với nhiều hình ảnh đẹp, là một tác phẩm tuyệt mỹ giai nhân.
Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lất bởi đời xuân em ạ
Thế nên chi anh cũng viết dòng này...
Mùa xuân hẹn thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
với dòng trong em hẹn ở bên đường
Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia..bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Dòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng
(Mưa nguồn)
Bùi Giáng nhìn không gian, thời gian hòa tan trong viễn tượng mênh mang. Theo dư luận, Bùi Giáng một thời đã yêu nữ nghệ sĩ Kim Cương, được Kim Cương tặng cái kính lão, suốt ngày lang thang Bùi Giáng làm bể một mặt kính nhưng vẫn đeo để khóc người một con mắt.
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con... 
Những nhịp bước bên đường còn dội mãi
Vang về đâu không vọng lại hồi âm
Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm...
Mù sa thấp rừng mai xưa lỡ hẹn
Xuống thôn làng ngó lá rụng ven khe
Mùa tháng chạp chim trời xa lỡ hẹn
Với sông Thu từ một buổi bay về

Bùi Giáng đón nhận mọi viễn tượng kỳ diệu của thiên nhiên trở thành lẽ sống trong cô đơn, thơ ông có cái thăng hoa đơn giản và cũng lắm triết lý cao xa vời vợi. Bùi Giáng với quan niệm: "Nếu ta không thực hiện nổi cội nguồn trường mộng ở nội tâm, thì triết học không thể nào tiếp xúc được với căn cơ chân chính của nó, dù ta có líu lo trong học hiệu phù hoa" (M.Heidegger và Tư tưởng hiện đại, tập 1).
Mây đứng lại chân trời phủ khói
Dòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ
(Không đủ gọi một lần)
Bờ mây trắng dựng cuối trời bóng dáng
Của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian
Lòng vạn vật mơ màng chiều qua sáng
Em về nhanh cho mây trắng buông màn
(Bờ mây)
Có lẽ Mưa Nguồn là tập thơ đầu tay và giá trị nhất của Bùi Giáng. Liên tiếp, năm sau là 4 thi phẩm:  Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Màu Hoa Trên Ngàn, Sa Mạc Trường Ca. Từ năm 1966, Bùi Giáng dịch rất nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng, các tác phẩm của Saint Exupéry, Shakespear, Albert Camus, André Gide.
Nhà văn Nguyễn Quyết Thắng đã liệt kê theo thứ tự các sách được in tới năm 1972 có tất cả 55 tác phẩm. Hiện nay còn khoảng 10 tập thơ và nhiều văn bản dịch, chưa in..Nói về số lượng, ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam. Năm 1972 ông in khá nhiều sách: Đường đi trong rừng; Lời cố quận; Lễ hội tháng ba; Con đường ngã ba; Bước đi của tư tưởng; Bài ca quần đảo; Hoàng tử Bé; Mùi hương xuân sắc.
Le petit Prince, một trong những cuốn tiểu thuyết bất hủ Saint Exupéry, Bùi Giáng dịch với tên Hoàng tử bé. Làm cho độc giả qua nhiều thế hệ, đã yêu mến Hoàng tử bé qua ngòi bút hồn nhiên của Bùi Giáng. Trong Ngày Tháng Ngao Du, ông kể: "Hồi nhỏ, tôi được sanh ra và lớn lên trong miền quê hẻo lánh. Chung quanh có ruộng đồng sông núi trùng điệp, những đám cỏ chạy suốt tuổi thơ. Làng tôi xưa kia có nhiều cỏ mọc, cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn khổng lồ.
Cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, ngày trở về quê không còn lối. Bùi Giáng thuê nhà ở Sài Gòn, trong ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản chẳng may tai nạn hỏa hoạn thiêu rụi căn gác mất nhiều tài liệu sách, Pháp, Anh, Đức và nhiều bản thảo. Hỏa hoạn đó làm cho Bùi Giáng đau khổ, nổi cơn điên được gia đình đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa đầu tháng 5.1969. Theo các bác sĩ của viện: "Người cầm bút cô độc này, bịnh đã chuyển từ cuồng nhẹ sang cuồng nặng"
Bùi Giáng sống không cần đời. Có tiền nhuận bút, ông ra Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi mua khỉ, chó nuôi từng đàn. Có người đã phê bình sách dịch của Bùi Giáng rất lả lướt, nhưng cũng có lúc lạc đề; thay vì của tác giả, ông viết về quan niệm sống của chính mình?
Ra khỏi dưỡng trí viện, Bùi Giáng sống lang thang nay đây mai đó. Từ đầu năm 1973, ông dọn đến Đại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, có phòng riêng ở lầu 3. Ăn ngủ đó, ngao du trên hè phố bất kể nắng mưa. Thân hữu và gia đình xuất bản sách cho ông
Sau 1975, bệnh điên trầm trọng thêm, không được phép ở trong nội xá Đại Học Vạn Hạnh. Sống nhờ bạn bè thân nhân, có lúc ở nhờ chùa Già Lam, xóm Gà Gia Định. Từ 1985 về ở với người cháu, giúp Bùi Giáng an dưỡng và sáng tác, đến ngày cuối đời. Năm 1996, ông về thăm lại Quảng Nam mảnh đất của "tình biển nghĩa sông", khi ông đã 71 tuổi với bài tâm sự.
Non nưả thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần
Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
Về Trung biết chốn nào tìm
Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi!
Cuộc đời rong chơi bất tận, dù ở lại trên cõi đời này hay đi về bên kia thế giới, nhà thơ Bùi Giáng cảm thấy đủ vui buồn
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Ngày 17/8 năm Mậu Dần 1998. Bùi Giáng mất tại Sài Gòn vì bị tai biến mạch máu não, hưởng thọ 72 tuổi. Nói về thơ văn Bùi Giáng rất sâu rộng, bao la như biển cả, thời gian không cho phép, xin ngừng lại nơi đây. Thành thật cảm ơn quý vị đã theo dõi về đề tài thi nhân Bùi Giáng.
Mùa thu 2007
Nguyễn Quý Đại
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...