Phác họa bối cảnh xuất hiện tình ca
Ngô Thụy Miên trong nền
tân nhạc miền Nam, 20 năm
Tôi vẫn nghĩ bất cứ ai, có chủ tâm đi tìm những nét đặc thù của
20 năm Tân nhạc miền Nam, cũng sẽ nhận ra rằng, giữa thi ca và nền tân nhạc, nhất
là dòng nhạc mà chúng ta quen gọi là tình ca, là một gắn bó tuyệt vời. Tựa như
đó là những cuộc hôn phối không thể lý tưởng, đẹp đẽ hơn.
Dù chưa có một nghiên cứu khoa học nào, cho thấy bao nhiêu phần
trăm những tình khúc đi ra từ thơ, còn tồn tại đến ngày hôm nay, nhưng, những
người theo dõi sự sống, chết của dòng tân nhạc miền Nam 20 năm cho rằng, chí ít
cũng có tới gần một nửa những tình ca vốn là thơ hay ý thơ của các thi sĩ, tới
hôm nay, vẫn còn tồn tại nơi quê nhà, cũng như ở xứ người.
Vì sự tương quan xương thịt như thế, giữa thơ và nhạc, cho
nên tôi không nghĩ mình quá lời, khi kết luận rằng, ít nhiều mỗi nhạc sĩ của 20
năm Tân nhạc miền Nam từng tìm đến với thơ hay ý thơ của những thi sĩ đương thời
hay tiền chiến.
Vì tính lãng mạn lồng lộng của thơ tình Việt Nam mà một nhạc
sĩ, trong đời họ, có thể “kết hôn” với thơ của nhiều nhà thơ khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có một số nhạc sĩ chỉ mặn mà và chỉ thành
công với thơ của một hai thi sĩ mà thôi.
Ðiển hình cho trường hợp này, là cõi giới tình khúc Ngô Thụy
Miên với thơ Nguyên Sa.
Trước khi bước sâu vào mối tương tác hữu cơ giữa thơ Nguyên
Sa và nhạc Ngô Thụy Miên, tôi nghĩ có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại nguồn gốc
đưa tới sự giầu có, huy hoàng, lộng lẫy của cõi giới tình ca miền Nam 20 năm
trước đây.
Trước nhất, chúng ta không hề quên rằng tình ca là mùa gặt
hái chính của Tân nhạc Việt Nam, nở rộ từ những năm đầu thập niên 1940. Nhưng kể
từ Hiệp Ðịnh Geneva chia đôi đất nước, miền Nam sau một thời gian ngắn được sống
trong yên bình thì, chiến tranh đã dóng rả những hồi chuông oan nghiệt của định
mệnh chung một dân tộc.
Theo bước chân thời gian, chiến tranh, tang tóc ở miền Nam
như nấm gặp những cơn mưa triền miên bom đạn. Tuổi trẻ miền Nam ngơ ngác, thất
thần trước một tương lai bất định. Họ, những người trẻ miền Nam giống như bị trần
truồng trước tương lai ngõ cụt, tai họa của cái chết kề cận, tựa như họ có thể
chạm tay, chạm mặt với thần chết!
Trong tình cảnh tuyệt vọng này, phản ứng tự nhiên của những
con thú cùng đường là chống trả hay lẩn trốn trong những căn hầm trú ẩn hư ảo.
Phản ứng này, thể hiện rất rõ nét qua văn chương và âm nhạc.
Vì thế, có dễ không mấy ai ngạc nhiên khi nhìn lại 20 năm văn
học nghệ thuật miền Nam, người ta thấy có ba khuynh hướng chính, như ba phản ứng
chống trả hoặc trốn chạy tùy theo cảm nhận riêng của mỗi cá nhân là:
1. Chống chiến tranh.
2. Ðắm mình trong căn hầm tính dục. (Khuynh hướng này chỉ phổ
cập trong lãnh vực văn chương, không phổ cập trong lãnh vực âm nhạc. (Và,)
3. Trú ẩn trong những cánh rừng hay những núi, đồi lãng mạn.
Nói chung, với 3 khuynh hướng chính này thì cõi ẩn trú được
thanh thiếu niên miền Nam tìm tới, ở lại đông đảo nhất là những cánh rừng hay
những núi, đồi lãng mạn.
May mắn thay miền Nam thời đó, có được tự do đủ, để các
khuynh hướng học thuật phát triển. Nếu không có những tự do căn bản này, nền
văn học nghệ thuật của miền Nam cũng sẽ giống như miền Bắc mà thôi.
Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại của một dân tộc,
luôn có cho riêng nó một ngôn ngữ. Ngôn ngữ ấy khả dĩ phản ảnh được tâm trạng đời
sống của đa số. Bởi thế, miền Nam, ở những thập niên 1960, 1970, tuy người ta vẫn
còn đọc thơ tình của những thi sĩ tiền chiến như Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận
hay, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư v.v… Và, một số người vẫn còn nghe, hát những
tình khúc của Tô Vũ, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Khánh, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, Hoàng
Giác, Tử Phác hay Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý v.v… Nhưng đại đa số,
nhất là giới trẻ ngày càng xa lạ với những ca khúc như:
Em lo gì trời gió
Em lo gì trời mưa
Em tiếc gì mùa hè
Em tiếc gì mùa thu
Em lo gì trời mưa
Em tiếc gì mùa hè
Em tiếc gì mùa thu
Ta cứ yêu đời đi
Như lúc ta còn thơ
Rồi để anh làm thơ
Rồi để em dệt tơ…
Như lúc ta còn thơ
Rồi để anh làm thơ
Rồi để em dệt tơ…
(“Thoi Tơ,” thơ Nguyễn Bính, nhạc Ðức Quỳnh)
Ðôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vời
Có nói cũng không cùng
Nhìn thôi mà chẳng nói
Tình đôi ta vời vời
Có nói cũng không cùng
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa…
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa…
(“Một Mùa Ðông” thơ Lưu Trọng Lư) (1)
Hình ảnh “anh làm thơ, em dệt lụa” là hình ảnh lãng mạn, tượng
trưng cho một tình yêu đẹp, rất lý tưởng… Nhưng dù đẹp hoặc lý tưởng tới đâu
thì nó cũng đã thuộc về quá khứ! Ðời sống thực của thanh thiếu niên miền Nam,
trong chiến tranh, dù họ có chọn mơ mộng, có lãng mạn như một ẩn náu cần thiết
thì cũng chẳng có bao người, biết được hình thù cái khung cửi…
Cũng vậy, bối cảnh đời sống của thanh thiếu niên miền Nam ở
những năm 1960, 1970, thực tế không hề có cảnh “em ngồi trong song cửa - anh đứng
tựa tường hoa…” để rồi cùng im lặng suốt một cuộc tình mà kết cục vẫn là sự xa
cách, với những dòng lệ ứa…
Thực tế của thời đại, giai đoạn miền Nam 20 năm, có lãng mạn,
lý tưởng nhẹ nhàng nhất thì cũng phải là:
Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Quê em nghèo, cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh…
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh…
(“Tình Quê Hương” thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Ðan Thọ)
Hoặc đô thị hơn thì chí ít cũng phải là:
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sau giao thừa xanh trong đôi mắt ngọc
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sau giao thừa xanh trong đôi mắt ngọc
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
(“Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” lời Nguyễn Ðình Toàn, nhạc Vũ
Thành An)
Ở tình khúc kể trên của Ðan Thọ, phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên, từ
những năm giữa thập niên 1950, đã sớm cho thấy, người con gái không còn “ngồi
trong song cửa” nữa. Người con gái thời “hậu tiền chiến” đã mạnh dạn bước ra khỏi
nhà, đi tới, ngồi xuống một gốc cây, chờ đón người tình của mình.
Qua tới thí dụ thứ hai, cũng cho thấy người nữ không còn ngồi
quay… tơ cho chàng làm… thơ mà, nàng đã chủ động đi… thăm chàng. Hơn thế, nàng
còn chọn thời điểm quan trọng nhất của một năm là đêm 30 Tết, thay vì phải ở
nhà để cùng cha mẹ chờ cúng giao thừa thì nàng lại ở bên chàng. Nàng đưa bàn
tay mình cho chàng nắm lấy. Nàng trao môi mình cho chàng yêu thương… Nhờ vậy,
chàng biết tay nàng… lạnh. Môi nàng… ấm…
Và, kẻ ngoại cuộc, sung sướng được làm nhân chứng cho chọn lựa
đi tới, để được sống với tình yêu của nàng là “người phu quét đường,” là “chiếc
lá vàng”…
Hai hình ảnh lãng mạn không thể hiện thực hơn, tôi trưng dẫn,
trong tình khúc vừa kể, chỉ là một trong hàng ngàn hình ảnh, biểu tượng cho
tính chất lãng mạn đầy tích cực của thời kỳ thơ/nhạc miền Nam 20 năm, trước
đây.
Trước nhu cầu cấp bách của thanh thiếu niên miền Nam về những
cảm thức lãng mạn mới, như những cánh rừng hoặc, những núi, đồi cho họ ẩn trú
(dù chỉ là ảo tưởng) trước tai ương, năm 1957, về phương diện thi ca, thi phẩm
“Thơ Nguyên Sa” in lần thứ nhất ra đời.
Trong tình cảnh bơ vơ, thất lạc kia, năm 1965, về phương diện
tình ca, hai tình khúc mang tên Ngô Thụy Miên ra đời. Ðó là các ca khúc “Chiều
Nay Không Có Em” và, “Mùa Thu Cho Em.” Hai ca khúc này là hai dự báo mạnh mẽ sự
thành tựu rực rỡ nay mai của họ Ngô.
Ở thời điểm giới hạn từ 1955 tới 1965 thì thơ Nguyên Sa là một
hiện tượng mang tính dấu mốc lãng mạn mới. Như thể thơ Nguyên Sa đã mang lại
cho buồng phổi thanh thiếu niên miền Nam những lượng khí trời mới.
Tôi dùng cụm từ “lãng mạn mới” với dụng ý nhấn mạnh, trong 20
năm học thuật miền Nam, không phải nhà thơ hay nhạc sĩ nào bước vào cõi giới
thi ca và âm nhạc lãng mạn cũng đều thành công.
Theo ghi nhận chung, rất nhiều người thất bại nếu khiếm khuyết
tài năng hoặc đi tiếp trong trong bóng rợp của những hình tượng, những cảm thức
đã thành khuôn thước sáo mòn, ước lệ của thơ, nhạc lãng mạn có từ thời tiền chiến.
Trong bối cảnh đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn là những nỗ
lực ý thức, năm 1969, tức bốn năm sau hai tình khúc đầu tay, Ngô Thụy Miên thẩm
nhập cõi giới thi ca Nguyên Sa - Ðể cùng với thơ của tác giả này, họ Ngô làm
thành một hợp hôn tuyệt vời.
Trong bài viết nhan đề “Ngô Thụy Miên: Sau 35 năm hoạt động
âm nhạc,” đăng tải nơi trang mạng vietnhac.org, cố nhạc sĩ Trường Kỳ viết:
“Nếu nhạc Từ Công Phụng và thơ Du Tử Lê được coi là một sự kết
hợp hài hòa, thì nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa phải được coi là một sụ kết
hợp sâu xa về tình cảm. Từ sự gần gũi với thơ Nguyên Sa trong thời kỳ học trò,
Ngô Thụy Miên đã chịu ảnh hưởng không ít ở hơi thơ của thi sĩ tên tuổi này khiến
người nghe dễ nhận thấy bàng bạc trong dòng nhạc của anh như chính anh tâm sự:
‘Trong thời gian đi học, thơ của Nguyên Sa mình đọc nhiều nhất, ngâm nhiều nhất
thành ra nó đã thấm vào hồn mình… Trong tất cả 4 thập niên của tôi thì thơ của
ông ấy lúc nào cũng bàng bạc trong dòng nhạc của tôi. Ngay cả như bên này như
tôi viết ‘Nắng Paris Nắng Saigon’ cũng mang âm hưởng của ‘Áo Lụa Hà Ðông’ hay
‘Paris Có Gì Lạ Không Em.'”
Chú thích:
(1) Bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc (?) Người hát được ghi nhận
“tới” nhất, là ca sĩ Duy Trác.
8/8/2010
Du Tử Lê
Nguồn: DuTuLe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét