Nguyễn Tuân và sự độc đáo
Ở bất cứ phương diện nào của nghệ thuật ngôn từ, ông cũng khéo léo đặt cái dấu ấn riêng của mình. Trước thứ văn bản “trộn không lẫn” ấy, các loại văn chương không dấu ấn riêng hiện ra như một thứ hạng nhì, hạng ba.
Bước đầu: từ bỏ
Lúc mới viết, Nguyễn Tuân cho “trình làng” một thứ văn chương nhang nhác như “xã hội ba đào ký” của Nguyễn Công Hoan, tức là đi vào khắc hoạ những nét kỳ cục buồn cười của chung quanh. Nhưng rồi đặt vào hoàn cảnh thị trường văn chương đang hình thành, ông cảm thấy không ổn. Phải tìm ra được “mặt hàng riêng” của mình. Có vẻ như ở đây người ta phải dám chơi một tiếng bạc “được ăn cả ngã về không”. Và Nguyễn Tuân đã chấp nhận. Cái cách viết mới le lói hình thành qua vài bài in trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Giang bị ông từ bỏ. Một cuộc phiêu lưu bắt đầu, Nguyễn Tuân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi vào con đường độc đạo chưa ai đặt chân.
Lấy bản thân làm tài liệu
Mọi người dễ nhận ra khi đọc Nguyễn Tuân là ông chỉ viết về chính những gì ông đã sống. Trong khi ở một số người cầm bút đương thời có hiện tượng “sống một đằng viết một nẻo” thì ông mang chuỗi ngày quý báu của mình đang thể nghiệm vào luôn các trang viết. Đọc những bài trong Tùy bút I, Tùy bút II, Nguyễn... người ta không những biết ông gia cảnh thế này, dòng dõi thế kia, mà còn được biết thói quen hút thuốc và đọc sách của ông, ý thích lang thang trên các đường phố Hà Nội của ông, thậm chí còn được biết ông làm thêm một cái nhà, hoặc đi dự một đám cưới ra sao.
Phải nói đây là cả một hướng đi bạo. Ngay ở phương Tây, từ thế kỷ XIX về trước, lối viết đi vào xây dựng hình ảnh bản thân đã bị lên án. Pascal từng bảo: “Cái tôi thật đáng ghét”. Đối chiếu với thói quen giao tiếp của người phương Đông thì cái cách nói về bản thân không biết mệt ấy lại càng khó coi. Nguyễn Tuân lại tình nguyện đi vào vùng cấm ấy có phải vì những ý nghĩ thường trực sau:
- Trong tất cả sự độc đáo trên đời, chỉ có sự độc đáo của mỗi cá nhân là bền vững nhất, chắc chắn nhất.
- Chỗ giống nhau của tất cả chúng ta là chẳng ai giống ai hết.
- Vậy cách tốt nhất trong giao tiếp là cứ hiện đúng như mình vốn có, biết đâu nhờ đó lại tạo nên sự đồng cảm.
Montaigne chắc không thể ngờ là cái câu ông viết trong Tiểu luận “Tôi chính là chất liệu cho sách của tôi” lại được một nhà văn nước Việt thực hiện một cách trọn vẹn.
Một chút quá đáng
Trên cái hướng lớn là khai thác bản thân, một động tác nữa được thực hiện để tạo nên vẻ độc đáo của văn chương Nguyễn Tuân, đó là ông luôn tìm cách tô đậm những gì khác người nơi mình. Trên các trang viết, con người tác giả thường hiện ra đầy thách thức. Ai kia quen sống theo khuôn khổ, hẳn không thể thích cách sống ngang tàng không chịu ràng buộc của ông. Trong sự chung sống, nếu như người đời thường trọng sự khoan hoà nhân ái, thì ông sẵn sàng “lượm những hòn đá thực to ném lung tung, bất kể là trúng đích hay trật sang bên cạnh” (Đôi tri kỷ gượng). Cho đến lời lẽ hàng ngày của Nguyễn, theo chính ông miêu tả, thường cũng “lủng ca lủng củng dấm dẳng cứ như đâm vào họng”. Những người có quen biết ông Nguyễn đều biết rằng, thực ra, ở đây tác giả có phần thậm xưng. Đọc kỹ văn của Nguyễn Tuân, người ta nhận ra ông không chỉ ích kỷ, mà còn biết lo cho mọi người; có lúc rất khinh bạc, nhưng có lúc lại đôn hậu biết điều. Nói chung, phải nhận đó là một con người khả ái, bởi ý thức phục thiện và những tinh tế trong đối xử. Nhưng Nguyễn Tuân lại cứ thuận miệng mà tố mình lên như vậy là vì ông muốn tạo ra cho trang viết một hiệu quả nghệ thuật cần thiết. Và sự hấp dẫn của văn ông là sự hấp dẫn của kẻ làm xiếc, kẻ đi trên bờ vực. Theo dõi lời lẽ, cử chỉ của kẻ thường tỏ ra khác đời ấy, người bình thường không khỏi nhiều phen kinh sợ, nhưng rồi ra, lại được thở phào nhẹ nhõm. Và lúc tới được với con người đích thực nơi ông, cũng là lúc người ta hết lời cảm phục.
Độc đáo để thành thực
“Lúc mới giao thiệp loàng xoàng với chung quanh, người ta đã không chịu được chàng rồi. Bây giờ Nguyễn lại làm sách để ghi lại những cái lố bịch mà sự chung đụng mỗi ngày càng vạch rõ thêm, người ta lại càng không thể tha thứ cho chàng được nữa” (Đôi tri kỷ gượng).
Trong lời tự nhận xét trên, Nguyễn Tuân đã nhìn thấy một sự thực: ở xứ sở này, sự độc đáo trong văn chương dường như là chuyện hai lần vô lễ, chung quanh không bao giờ chấp nhận. Câu hỏi đặt ra: tại sao ông Nguyễn vẫn xé rào mà đi và cuối cùng lại được kính trọng? Ở đây, câu trả lời có liên quan đến một vấn đề cơ bản của nghệ thuật.
Mỗi khi có dịp tiếp xúc với bạn đọc, một số cây bút hạng nhì hay tỏ ý phân trần: trong tác phẩm tôi viết, tôi không thêm thắt bịa đặt gì cả. Tôi chỉ ghi chép sự thực như nó vốn có. Ít ra, tôi đã biết điều, tôi đã khiêm tốn! Khốn khổ, nếu như sự thật trong nghệ thuật là cái chuyện bất cứ người trần mắt thịt nào cũng nhìn thấy, thì các tài năng làm gì còn có lý do mà tồn tại?! Không, cái gọi là sự thực khách quan ấy thường nhàm chán, vô bổ. Ngược lại, cái sự thực mà người ta mong tìm thấy ở tác phẩm văn chương bao giờ cũng mang màu sắc chủ quan của các nhà văn chân chính, nghĩa là chỉ nhà văn đó mới nhìn ra, mà những người khác không thể thấy. Nói gọn lại tức là: trong văn chương, người ta không độc đáo thì cũng không thể thành thực.
Không dễ bắt chước
Thấy Nguyễn Tuân “chơi lối độc tấu” được nhiều người mến mộ, không ít cây bút vỡ ra bài học về sự độc đáo và cũng có ý học theo, mà trước tiên là tô đậm cho cuộc sống và văn chương mình những vẻ khác đời. Có điều phần lớn những cây bút học đòi này thất bại: sự độc đáo trong văn chương ở họ, rút lại là một cái gì dang dở bất thành, cá tính hiện ra thành cá tật, đôi khi đọc chướng anh ách và đọc một lần là người ta sợ, không dám đọc tiếp.
Đến được sự độc đáo trong văn chương, Nguyễn Tuân dựa trên một căn bản văn hóa vững chắc; muốn học cách khai thác bản thân như Nguyễn Tuân, trước tiên phải có vốn liếng từng trải thâm hậu và bản năng làm người nhạy bén như ông Nguyễn - bằng không, tẩu hỏa nhập ma là chuyện khó lòng tránh khỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét