Gần ba năm đã trôi qua từ ngày Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn ra mắt bạn đọc. Khách quan mà xem xét, tác phẩm này có ý nghĩa như một sự kiện văn chương. Nhiều bạn đọc và nhà phê bình, nhiều cơ quan ngôn luận ở Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, chuyên cũng như không chuyên về văn chương đã bàn luận về cuốn tiểu thuyết. Sự đánh giá trên cơ bản là đúng mức và tương đối thống nhất. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những ý kiến chưa thật phù hợp, cần được trao đổi, ngay cả trên những phương diện chủ yếu của tác phẩm.
Đứng trước biển ra đời khi trên lãnh vực kinh tế ở khắp các địa phương và trong tất cả các ngành đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về cách làm ăn theo những Chỉ thị, Nghị quyết mới của Trung ương. Kết cấu nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết xoay quanh sự trả lại vị trí thích hợp của một cán bộ quản lý gắn với sự thay đổi của một xí nghiệp đánh cá. Do đó có ý kiến cho rằng Đứng trước biển tập trung nêu ta một lối làm ăn mới trong kinh tế. Không ít người đồng tình quan niệm này. Rõ ràng họ cũng có lý của họ. Nhiều nhà kinh tế, nhiều cán bộ quản lý đã lấy tác phẩm làm chuẩn mực nhìn nhận lại cách làm ăn của mình. Và họ đã thu được kết quả mong muốn, ở mức độ này hoặc ở mức độ khác. Vả chăng, ngòi bút của Nguyễn Mạnh Tuấn trong khi viết Đứng trước biển đôi khi cũng có phần sa đà vào việc diễn tả một kiểu làm ăn mới của một cơ sở kinh tế. Ở đây tính cách nhân vật bị đẩy xuống hàng thứ yếu, chất tiểu thuyết giảm đi rõ rệt. Nhưng ai cũng biết đây là một tác phẩm văn chương chứ không phải một công trình kinh tế học. Phông của câu chuyện là những hoạt động kinh tế song vấn đề câu chuyện đặt ra là vấn đề xã hội, vấn đề nhân sinh. Người ta có thể rút ra những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa tư tưởng của một tác phẩm văn chương. Có điều, khi xác định điểm cốt lõi của tiểu thuyết phải xuất phát từ bản chất văn chương của nó. Thành ra khi cho Đứng trước biển hướng tới giải quyết nhiều khâu mắc trong kinh tế với thiện chí đề cao nó, lại vô tình hạ thấp nó, nhất là hạ thấp ý nghĩa có phần phổ biến và lâu dài của nó.
Nhiều người, kể cả những nhà phê bình có uy tín, đánh giá cao Đứng trước biển ở khả năng công phá cái tiêu cực với những biểu hiện và những tính chất khác nhau trong tư tưởng, tâm lý con người. Những Chín Tâm, Năm Miên, Sáu Kình... ở một mức độ nhất định thực sự làm hả hê nhiều bạn đọc. Nhưng có phải đó là phương diện trung tâm của cuốn tiểu thuyết? Có phải đó là dụng ý chủ yếu của tác giả? Ta dễ thấy cảm hứng chính của Nguyễn Mạnh Tuấn trong cuốn tiểu thuyết này là khẳng định. Những nhân vật tích cực như Ba Đức, Năm Dũng, Út Cần, Sáu Hớn, Lê Tám... nổi lên và gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng chúng ta. Hiệu quả nghệ thuật ấy sở dĩ có được chủ yếu bởi tính cách của nhân vật phản diện kể trên. Có nhiều cơ sở để tin rằng hiện thực mà tác giả mô tả mặt sáng lấn át mặt tối như thế nào.
Đứng trước biển xuất hiện trên nền hiện thực Thành phố Hồ Chí Minh khi cuộc sống của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn. Không ít người dao động. Phần lớn họ chưa trải qua thử thách của cuộc đấu tranh cách mạng. Không nhận rõ mình trong quá khứ và hiện tại, họ hoài nghi là dễ hiểu. Phải góp phần củng cố niềm tin của quần chúng vào con đường cách mạng, vào tương lai tươi sáng mà con đường cách mạng ấy tất yếu sẽ dẫn đến. Nhiều nghệ sĩ chân chính lòng nhủ lòng như vậy. Nguyễn Mạnh Tuấn trong nhiều tác phẩm của mình ngay cả Đứng trước biển có hướng tới mục đích ấy. Suy ngẫm của những cán bộ cách mạng chân chính như Út Cần, Sáu Hớn còn lay động mãi trong tâm trí của người đọc chúng ta. Dẫu sao, niềm tin của nhân dân vào mục tiêu cách mạng trong sáng, cao cả của Đảng chỉ là một trong những hệ quả rút ra từ những định đề chính yếu khác mà thôi. Vậy cần quan niệm chủ đề của tiểu thuyết Đứng trước biển như thế nào? Ta hãy đi từ chính tiêu đề có ý nghĩa biểu tượng của tác phẩm Đứng trước biển. Biển ở đây chính là cuộc sống cách mạng với bề mặt mênh mang và bề sâu sôi động của nó. “Biển cũng như sự nghiệp cách mạng này có lúc êm ả, nhưng nhiều lúc ầm ào sóng động. Phải thấy rằng tĩnh chỉ là tương đối nhất thời của mặt biển, của cuộc sống. Từ cái tên của cuốn sách, khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm đã bộc lộ khá rõ. Theo chúng tôi, có thể xác định vấn đề trung tâm của Đứng trước biển như sau: Đứng trước biển, đứng trước cuộc sống, người cách mạng chân chính nghĩ gì và làm như thế nào?
Trước hết, hiện thực ở đây ra sao? Dễ nhận thấy như biển có dòng trong dòng đục, hiện thực có mảng sáng mảng tối. Từ sự đúng đắn trong suy nghĩ và hành động của Ba Đức, lòng chân thực và cao thượng của Lê Tám, đạo đức cách mạng sáng trong của Sáu Hớn, cái nhìn nghiêm khắc và sắc sảo của Út Cần, đức tự tin và năng lực dồi dào của Thành... đến sức mạnh của tập thể tiên tiến như tàu H14 đứng đầu là người thuyền trưởng đủ phẩm chất, bản lĩnh và uy tín như Năm Dũng giúp ta cảm nhận một cách rõ rệt dòng trong của biển, mảng sáng của hiện thực. Còn dòng đục của biển, mảng tối của hiện thực biểu hiện tập trung qua sự trụy lạc, phản phúc của Sáu Kình, sự lỗi thời, cơ hội của Năm Miên nhất là qua sự bất tài, lộng hành, ích kỷ của Chín Tâm... Thêm vào đó, suy xét kỹ, hiện thực trong tác phẩm không đơn giản một chiều. Có trong có đục, có sáng có tối; lại có trong đục sáng tối lẫn lộn. Tập thể tàu H15 là vậy. Từng nhân vật như Hai Tiến, Ba Phi, Liên... cũng không khác. Hai Tiến giỏi về chuyên môn nhưng sớm co mình trong cái vỏ của phận sự công chức; Ba Phi là một thuyền trưởng xứng đáng nhưng quen sống tự do đến buông thả; Liên sống thiết tha gắn bó với công việc nhưng không phải đã tìm thấy được ngay một thái độ cần có trong cuộc đấu tranh với cái tiêu cực ở đời.
Có thể phác qua bức tranh cuộc sống được Nguyễn Mạnh Tuấn dựng lên trong Đứng trước biển là như vậy. Phải nhấn mạnh thêm rằng: dòng trong, mặt sáng nổi lên giữ vai trò chủ đạo trong hiện thực. Mặc dầu cái xấu vùng quẫy và gây tác hại thật ghê gớm. Đó là nguyên do chính tạo nên sự trì trệ, bê bối trong sản xuất, ảnh hưởng tai hại đến niềm tin và cuộc sống của nhân dân.
Trước hiện thực ấy, người cách mạng chân chính nghĩ gì? Nguyễn Mạnh Tuấn gửi gắm lý tưởng thẩm mỹ qua những nhân vật tích cực như Ba Đức, Bẩy Thu, Út Cần, Sáu Hớn... Muốn nghĩ đúng trước tiên phải có can đảm nhìn thẳng vào thực chất của sự vật. Tránh né, hoặc tạo ra ảo tưởng bằng cách này cách khác trong nhìn nhận hiện thực không thể giúp ta cải tạo được hiện thực. Nhân vật Bẩy Thu ưa nói thẳng vào tội lỗi, ưa phanh phui ý nghĩa trần tục của hiện tượng. Anh không quen “gọi những tên ăn cắp với Hán từ đồng nghĩa là “tham ô”, những tên dâm ô là “hủ hóa”, những kẻ u tối, bất tài là thiếu năng lực, những hậu quả phá hoại là “vô trách nhiệm”; để cho kẻ tội lỗi có vẻ sạch sẽ, do đó giá trị thật của đạo đức và liêm sỉ bị rẻ rúng đi”. Vào thời kỳ quá độ, khi cái tích cực, tốt đẹp không phải lúc nào cũng thắng thế, thì quan trọng bậc nhất theo tác giả là đừng để mất lòng tin của quần chúng. Sáu Hớn nghĩ một cách thấm thía : “Mất cái gì thì mất chứ không thể để mất lòng tin của quần chúng”. Muốn vậy, người cách mạng chân chính phải xả thân vì công việc chung, phải dám đứng ra gánh chịu trách nhiệm chính trước cái ngưng trệ, thậm chí cái thối rữa của hiện thực. “Để những gia đình công nhân phải chịu đựng vô lý trong sự cùng cực này thêm môt ngày là ta có tội một ngày... Không phải tụi đầu nậu lưu manh mà chính chúng ta phải chịu trách nhiệm”. Điều này cũng có ý nghĩa là trong bất kỳ tình huống nào, như Bảy Thu đã nói “người cách mạng chân chính, không thể vô trách nhiệm khi đứng trước biển được”. Vấn đề đặt ra cấp bách là người cách mạng lúc này phải làm gì và làm như thế nào? Bởi, lý tưởng tốt đẹp cần được thể hiện bằng hiệu quả sinh động trong thực tế. Hoàn toàn có cơ sở trong ý nghĩ của Ba Đức: “Tạo ra nguồn của cải vật chất đầy đủ cho xã hội... sẽ là sợi dây níu giữ tốt người ta ở lại với Tổ quốc”. Xây dựng nhân vật Ba Đức, Nguyễn Mạnh Tuấn chủ yếu muốn đưa ra một mẫu người hành động. Cuộc tranh luận giữa Ba Đức và Hai Tiến về mối quan hệ giữa dũng khí, hiểu biết và cách làm của người cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Đúng là cần phải dám làm, biết làm và làm tốt. Để đảm bảo được những yêu cầu này cần có những điều kiện: khí phách, hiểu biết, và phương pháp làm phù hợp trong hoạt động thực tiễn của mỗi người. Ba Đức hội đủ những yêu cầu nói trên. Ta đã biết anh trở về giữ chức Giám đốc Xí nghiệp đánh cá trong hoàn cảnh thật phức tạp và khó khăn.
Những lời dị nghị, những lá thư tố giác... Đáng kể hơn là giữa nhận thức của anh với thực tiễn cách mạng còn không ít những khoảng cách. Mọi trở ngại vẫn không làm anh chùn bước. Ba Đức nói với Năm Miên: “Sợ mất cắp, không dám làm, sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì cả. Mà như vậy sẽ là vụ đánh cắp lớn nhất. Đánh cắp trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao cho mình”. Cái sai sót có thể vấp phải trong khi hành động còn quý hơn gấp nhiều lần sự e ngại của những kẻ bất hành động. Dám làm là phẩm chất cần có để tự khẳng định mình. Không ngại khó ngại khổ, Ba Đức đã trăn trở tìm đến những hiểu biết đúng đắn soi sáng hành động. Anh khác Hai Tiến. Anh biết tôn trọng hoàn cảnh, biết thừa nhận quy luật khách quan. Từ những thất bại chua chát đầu tiên, anh đã nhanh chóng rút ra những bài học cần thiết. Không phải ở anh không còn những khiếm khuyết. Đáng quý là anh đã biết gạt đi đúng lúc những xúc động yếu mềm, những toan tính riêng tư để tôn trọng lề luật phép tắc. Anh biết trân trọng con người và rất chú ý đến lợi ích vật chất và tinh thần của họ. Sức mạnh của tập thể qua anh được nhân lên rất nhiều lần. Cho nên, ngay cả những kẻ chống đối anh cũng buộc phải thừa nhận anh. Có thể nói, ở phương diện con người hành động, Ba Đức đã thực sự chiếm được cảm tình của chúng ta.
Những lời dị nghị, những lá thư tố giác... Đáng kể hơn là giữa nhận thức của anh với thực tiễn cách mạng còn không ít những khoảng cách. Mọi trở ngại vẫn không làm anh chùn bước. Ba Đức nói với Năm Miên: “Sợ mất cắp, không dám làm, sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì cả. Mà như vậy sẽ là vụ đánh cắp lớn nhất. Đánh cắp trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao cho mình”. Cái sai sót có thể vấp phải trong khi hành động còn quý hơn gấp nhiều lần sự e ngại của những kẻ bất hành động. Dám làm là phẩm chất cần có để tự khẳng định mình. Không ngại khó ngại khổ, Ba Đức đã trăn trở tìm đến những hiểu biết đúng đắn soi sáng hành động. Anh khác Hai Tiến. Anh biết tôn trọng hoàn cảnh, biết thừa nhận quy luật khách quan. Từ những thất bại chua chát đầu tiên, anh đã nhanh chóng rút ra những bài học cần thiết. Không phải ở anh không còn những khiếm khuyết. Đáng quý là anh đã biết gạt đi đúng lúc những xúc động yếu mềm, những toan tính riêng tư để tôn trọng lề luật phép tắc. Anh biết trân trọng con người và rất chú ý đến lợi ích vật chất và tinh thần của họ. Sức mạnh của tập thể qua anh được nhân lên rất nhiều lần. Cho nên, ngay cả những kẻ chống đối anh cũng buộc phải thừa nhận anh. Có thể nói, ở phương diện con người hành động, Ba Đức đã thực sự chiếm được cảm tình của chúng ta.
Đứng trước biển khó tránh khỏi những điểm hạn chế ở mặt này mặt khác, nhưng rõ ràng, khi nhà văn tập trung thể hiện chủ đề nói trên, tác phẩm có điều kiện vượt qua được ý nghĩa cục bộ và nhất thời. Hy vọng Đứng trước biển sẽ có một sức sống lâu dài đáp ứng được lòng mong mỏi của người đọc chúng ta hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét