Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Ba trụ cột của nền âm nhạc cổ điển: Sonata, Concerto và Symphony

Ba trụ cột của nền âm nhạc cổ điển: 
Sonata, Concerto và Symphony
Nền âm nhạc cổ điển để lại ba dấu ấn quan trọng trong nền văn hóa âm nhạc thế giới đến ngày nay. Đó là ba thể loại: Sonata, Concerto, Symphony (Giao hưởng). Có người đã hỏi chúng tôi: “Làm sao để phân biệt ba thể loại này một cách nhanh nhất”. Có thể nói: “Sonata là một tác phẩm khí nhạc dành cho một hoặc đôi khi là hai nhạc cụ. Concerto là một bản sonata trong đó có sự so tài giữa một nhạc cụ độc tấu với cả dàn nhạc. Giao hưởng là một bản sonata dành cho cả dàn nhạc”. 
Sonata - Những kiến thức cơ bản
Theo các nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, sonata “vừa là một hình thức âm nhạc (musical form), vừa là một thể loại (style)”. Một tác phẩm âm nhạc có thể mang cấu trúc của sonata, khi đó, người ta gọi tác phẩm đó mang “hình thức sonata” mà chúng ta đã làm quen trong bài viết ở kỳ 6 vừa qua. Bên cạnh đó, sonata còn là một loại tác phẩm âm nhạc, tương tự như oratorio, opera, concerto, v.v…, khi đó người ta có “thể loại sonata” hay “liên khúc sonata”, mà chúng ta tìm hiểu trong số báo này.
Danh từ sonata xuất hiện ở Ý vào đầu thế kỷ 17, và chỉ có nghĩa đơn giản là một khúc khí nhạc nhỏ. Tuy cũng gồm nhiều chương với nhịp độ khác nhau, nhưng sonata ở thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 cũng chỉ có tính chất gần với tổ khúc (suite) nhạc múa, và được gọi là sonata tiền cổ điển (sonata thời baroque). Domenico Scarlatti (Nhạc sĩ Ý, 1685 - 1757) đã có những đóng góp đáng kể trong việc hoàn thiện hình thức sonata. Ông viết tất cả 555 sonata. Trong đó ông bắt đầu sử dụng các kiểu chủ đề tương phản, làm cơ sở cho sự phát triển hình thức sonata sau này. Cho đến Philipp Emanuel Bach (1714 - 1788), con trai của J. S. Bach, hình thức sonata có thêm nhiều tiến bộ rõ rệt, thể hiện ở sự kết hợp tinh tế giữa chất trữ tình du dương và chất suy tư, kịch tính của ngôn ngữ âm nhạc. Những nhà soạn nhạc vĩ đại của trường phái cổ điển Vienne (Haydn, Mozart) cũng đã có những đóng góp quý báu cho thể loại này. Nhưng công lao to lớn nhất phải dành cho nhà soạn nhạc bậc thầy Beethoven, người đã hoàn chỉnh thể loại sonata một cách tuyệt vời, đưa hình thức này lên đỉnh cao nghệ thuật, thể hiện được một cách tài tình những tư tưởng lớn của thời đại và những diễn biến sâu sắc nhất của tâm hồn con người.
Liên khúc sonata cổ điển là một tác phẩm gồm nhiều chương liên kết lại với nhau, trong đó mỗi chương tương đối mang tính độc lập. Ngoài ra yếu tố cần thiết và quan trọng của thể loại liên khúc sonata cổ điển là: trong số các chương trong tác phẩm, nhất thiết phải có một chương (thường là chương I) được viết dưới hình thức sonata. Về bố cục, thể loại liên khúc sonata cổ điển thường gồm có ba hoặc bốn chương với tốc độ khác nhau:
a. Chương I: thường được viết ở hình thức sonata với nhịp độ nhanh, sôi nổi (nên thường được gọi là sonata allegro). Do biểu tượng và ý đồ nghệ thuật của hình thức sonata nên chương một nhằm giới thiệu tập trung nội dung của tác phẩm. Hai chủ đề phản ánh các mặt tương phản của cuộc sống, tư tương và tâm hồn con người. Do đó, có thể nói chương I đã thể hiện phần nào tư tưởng và quan điểm của tác giả.
b. Chương II: thường được viết ở nhịp độ chậm như: Andante, Adagio hay Largo. Chương II thường có giai điệu trữ tình như một ca khúc. Đôi khi, nó cũng mang tính chất suy tư hoặc bi thương (như trong Sonata số 12 của Beethoven, chương chậm là một hành khúc tang lễ - marche funèbre).
c. Chương III: Các nhà soạn nhạc ở thế kỷ 18 (như Haydn, Mozart) thường chỉ viết sonata ba chương, riêng Beethoven đã sáng tạo ra sonata bốn chương. Trong thể loại sonata bốn chương này, Beethoven đã đặt giữa chương hai và chương cuối một chương có nhịp điệu Scherzo. Tính chất âm nhạc ở đây khi thì vui nhộn, khi thì hóm hỉnh, châm biếm. Nó khác điệu Menuet ở chỗ không bị gò bó vào tiết tấu vũ khúc, mà có phong cách tự do và giàu sức diễn tả hơn. Là chương kết, thường có nhịp độ rất nhanh (vivace, presto). Chương kết có thể được xây dựng trên cơ sở một điệu múa dân gian, khúc biến tấu (variation) của một chủ đề mang tính ca khúc, hoặc được viết theo hình thức Rondo. Từ thế kỷ 18 trở đi, do nhu cầu diễn đạt nội dung ngày càng sâu sắc và phong phú, nên chương kết cũng có thể được viết ở hình thức sonata. Trong trường hợp này, chương kết có vị trí quan trọng trong việc tổng kết vấn đề đã nêu ra trong tác phẩm, khẳng định một kết luận bằng những hình tượng âm nhạc tràn đầy kịch tính và sức diễn tả.
Concerto - Bản sonata của David và Goliath
Concerto ngày nay được hiểu như một liên khúc sonata dành cho một nhạc cụ độc tấu đối thoại với dàn nhạc: chàng David nhỏ bé (sau này trở thành Vua Do Thái) đối đầu với gã khổng lồ Goliath! Thật ra, kể từ khi được hình thành, thể loại này đã trải qua nhiều dạng thức phát triển. Khái niệm “concerto” đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy mỗi thời đại.
Từ “concerto” trong tiếng Ý được xuất phát từ động từ “concertare” nghĩa là “cạnh tranh, ganh đua”. Ở đây, là sự ganh đua giữa một nhạc cụ độc tấu với cả dàn nhạc. Nhưng cũng có người cho rằng, nguồn gốc của tên gọi “concerto” là từ một danh từ La-tinh: “consortio” nghĩa là “sự hiệp nhất lại”. Ở đây, là sự hiệp nhất giữa hai bè: độc tấu và dàn nhạc để diễn tả cùng một nội dung.
Vào khoảng năm 1600, lần đầu tiên trong trường phái Venise (với Gabrieli và Monteverdi và học trò người Đức của hai ông là Schütz) xuất hiện tên gọi “concerto” để chỉ chung các tác phẩm hoặc viết cho nhiều ban hợp xướng, hoặc phối hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc. Cuối thế kỷ XVII, khái niệm “concerto” được coi như là một nguyên tắc thể loại để tạo nên các hình thức như: concerto grosso, triosonata, các motet dành cho solo hay hợp xướng. Đỉnh cao của thể loại này là vào khoảng từ 1700 đến 1750 với Corelli, Händel, Vivaldi và Bach.
Từ lúc ra đời đến nay, concerto đã lần lượt mang nhiều ý nghĩa khác nhau:
1) Để gọi tên một tác phẩm viết cho một hay nhiều bè giọng hát có nhạc cụ đệm. Ví dụ như; “Concerti ecclesiastici a 8 voci” (1595) (Concerto giáo đường viết cho 8 giọng) của Banchier. Tên gọi theo ý nghĩa này tồn tại mãi đến đầu thế kỷ XVIII. Chính Bach là người đã đưa ra tên gọi “concerto” với ý nghĩa trên cho một số bản cantate nhà thờ của ông.
2) Đó là một tác phẩm được viết cho vài nhạc cụ, trong đó có nhạc cụ diễn loại bè trầm đánh số (figured bass, basso continuo) và thường có giai điệu tương phản với các nhạc cụ khác. Thể loại concerto này tồn tại trong thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Ví dụ, 6 bản “Concerto Brandenburg” của Bach. Đặc biệt concerto của thời kỳ này có các thể loại:
a/. Concerto grosso là một tác phẩm dàn nhạc có vài chương, trong đó, theo tập quán, có những đoạn dành cho một nhóm nhạc cụ độc tấu (gọi là concertino) diễn tấu tương phản với đoạn tutti (diễn theo bè trầm đánh số, figured bass) do toàn thể dàn nhạc (concerto grosso).
b/. Concerto độc tấu là loại concerto mà chúng ta thường gặp ngày nay, ttrong đó, có một nhạc cụ cụ độc tấu diễn tấu cùng dàn nhạc. Khái niệm này có từ đầu thế kỷ XVIII, lúc đó, violon là nhạc cụ thường được dùng độc tấu. Với loại concerto này, người ta luôn phải nêu tên nhạc cụ độc tấu. Ví dụ, “Concerto cho đàn Tranh và dàn nhạc” của nhạc sĩ Quang Hải.
3) Khái niệm “Concerto” còn được các nhà soạn nhạc hiện đại dùng với ý nghĩa nghĩa là một sáng tác cho một nhóm nhạc cụ hòa tấu (ensemble) nhưng không dùng đến nhạc cụ (thường là đàn organ) để diễn bè trầm đánh số (figured bass). Ví dụ: “Concerto cho dàn nhạc” của Belá Bartók.
4) Concerto theo phong cách Ý (Concerto nach Italienischen Gusto) thường được gọi là “concerto Ý”, là một tác phẩm độc tấu của đàn clavecin, mô phỏng theo thể loại concerto độc tấu với dàn nhạc bằng cách làm nổi bật sự tương phản giữa nghệ sĩ độc tấu với phần “Tutti”
Giao hưởng (symphony) - Bản sonata cho dàn nhạc
Kể từ khoảng năm 1750, thuật ngữ “symphony” được dùng với nghĩa “bản sonata dành cho cả dàn nhạc”. Trước đó, thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau. “Symphony” có căn nguyên từ tiếng Hy-lạp với nghĩa là “một chồng âm”. Người Hy-lạp cổ dùng từ này để gọi việc kết hợp các âm thanh một cách dễ nghe với dàn đồng ca. Về sau, tuy nó được dùng nhiều cách khác nhau, nhưng thường nhất vẫn là để chỉ một loại khí nhạc. Một ngoại lệ là trong tác phẩm “Sacrae symphoniae” (Giao hưởng thánh) của G. Gabrieli và H. Schütz nó lại được dùng để chỉ thể loại âm nhạc dành cho nhạc cụ và cả giọng hát. Tên gọi symphony đã được áp dụng cho các chương khí nhạc của một vở opera (như vở “Orfeo” của Monteverdi), cho phần mở đầu của tổ khúc nhạc khí (như trong “Sonata da camera” của Rosenmüller ), cho phần dạo đầu của một cantata (như trong bản Cantata số 156 của Bach), cho tên gọi ouverture (phần mở màn) của thể loại opera Ý, thậm chí cho phần dạo đầu của một ca khúc, hay bất thường hơn, được Bach dùng để gọi tên các inventions (ứng tấu) 3 phần của mình.
Giao hưởng hiện đại vẫn duy trì hình thức tác phẩm độc lập, dựa trên khuôn mẫu 3 chương từ ouverture Ý từ 1730 đến 1750. Các nhà soạn nhạc thành Vienne đã thêm một chương minuet (menuet) vào cấu trúc của ouverture Ý để có được thể loại giao hưởng. Do đó, tuy người ta thường gọi Joseph Haydn (1732-1809) là “Cha của giao hưởng” (Father of symphony) nhưng như thế không có nghĩa là ông đã sáng tạo ra nó, mà chỉ vì Haydn đã có nhiều cải cách quan trọng và có công phát triển thể loại mạnh mẽ này qua 104 bản giao hưởng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Từ các giao hưởng được viết sau năm 1780, đặc biệt trong 12 giao hưởng Salomon sáng tác cho thành phố London (nên còn gọi là giao hưởng London), Haydn đã chịu ảnh hưởng nhiều về sự tinh tế và duyên dáng của Mozart, nhà soạn nhạc thế hệ sau ông. Đặc biệt, qua 3 giao hưởng sau cùng (trong số 41 giao hưởng, viết vào năm 1788) của mình, Mozart đã vượt xa Haydn và được tôn vinh bởi sự cân bằng âm sắc, diễn cảm và cách tạo cấu trúc cho giao hưởng.
Trong số 9 giao hưởng của Beethoven, “Symphony No. 3 - Eroica” là giao hưởng đầu tiên theo phong cách mới. Nó được xem như tiền thân của âm nhạc Lãng mạn,và đặc biệt “Symphony No. 9” với quan niệm lớn nhất về cấu trúc hình thức của symphony trước khi những giao hưởng đồ sộ của Mahler xuất hiện. Trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven, lần đầutiên giọng người qua hình thức hợp xướng được sử dụng như một nhạc khí trong một thể loại thuần túy dành cho khí nhạc. Hợp xướng tiếp tục được khai thác nhiều trước khi có các giao hưỡng Mahler. Trong symphony-cantata “Lobgesang” (Bài ca ngợi) của mình, Mendelssohn thậm chí còn để cho tính chất cantata (hợp xướng) nổi trội hơn giao hưởng.
Bản giao hưởng số 6 của Beethoven, “Pastorale”, mở đầu cho khuynh hướng sáng tác thể loại giao hưởng có chương trình (program symphony), có tiêu đề. Trong đó, Beethoven đã đặt tên cho 5 chương của mình. Đây cũng là lần đầu tiên có thể loại giao hưởng 5 chương. Sau này Berlioz đã nối tiếp sáng kiến của Beethoven để viết “Symphonie fantastique” và giao hưởng bi kịch “Roméo et Juliette”. Hai tác phẩm này được viết cho dàn nhạc và giọng hát nhưng lại theo một thể loại mới do Liszt sáng tạo: thơ giao hưởng (Symphonic poem).
Mặc dù còn có nhiều biến đổi nữa do nhiều tác giả làm phong phú thể loại giao hưởng, nhưng cho đến ngày nay, trong các giao hưởng hiện đại, người ta vẫn có khuynh hướng viết theo cấu trúc 3 hoặc 4 chương. Trong số rất ít nhà soạn nhạc thuộc dòng nhạc bác học của Việt Nam, có rất ít người viết thể loại giao hưởng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tự hào với nhà soạn nhạc, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam , tác giả của 8 giao hưởng đã được phổ biến ở vài nơi trên thế giới và giao hưởng số 9 vừa được hoàn tất với đề tài Cửu Long dậy sóng. Chỉ tiếc rằng, trong số các học trò đã tốt nghiệp của ông tại các Nhạc viện, kể cả những người đang lãnh đạo bộ môn Sáng tác tại những nơi đó, gần như không ai có được tác phẩm giao hưởng thứ hai ngoài tác phẩm tốt nghiệp! Một nền âm nhạc tuyệt tự?.
NGUYỄN BÁCH
Nguồn: KIẾN THỨC ÂM NHẠC
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...