Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Khoảnh khắc chiêm bao 2

 Khoảnh khắc chiêm bao 2 
NHÀ THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: GƯƠM BÁU CÀI LƯNG
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976) từ trần ngày 6 tháng 9 năm 1976. Và tuần lễ này, là tròn 40 năm, ngày thi sĩ họ Vũ khuất bóng. 
Bản thân tôi có một kỷ niệm mơ hồ về nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Tôi học lớp Đệ Nhất B2 - tức là, lớp 12 Ban B (ban Toán) - tại trung học Chu Văn An, Sài Gòn. Hình ảnh Thầy Vũ Hoàng Chương hiện lên trong mắt các học trò trường này là một vóc dáng gầy, ngồi xích lô tới trường, và trông lúc nào cũng như trên mây. Thầy Vũ Hoàng Chương dạy Ban C, nghĩa là Ban Văn Chương. Cho nên, tôi không có duyên ngồi học chính thức. Thỉnh thoảng, tên bạn nào đó bên Đệ Nhất C, theo tôi nhớ có thể là Tô Chí Để, bảo là có hứng muốn vào nghe Thầy Vũ Hoàng Chương thì canh giờ mà vào, chờ điểm danh xong, là bước vào lớp ngồi, chẳng có vấn đề gì, vì Thầy Chương chẳng bao giờ thắc mắc. 
Thực sự, tôi không chuyên về văn học, trí nhớ lại kém, đầu óc chỉ lo thi bên Ban B, nên vào nghe thơ với phú, chẳng nhớ gì. 
Duy nhớ hình ảnh thơ mộng khi nhà thơ Vũ Hoàng Chương tới trường, thường là bộ đồ vest (nói theo thói quen từ Việt Nam, nhưng nói theo Mỹ là bộ suit) màu trắng, hay màu ngà - thực sự, không nhớ chính xác về màu sắc, nhưng thường là màu sáng. 
Nói cho đúng, lúc đó cũng có một vị thầy khác ưa đi xích lô tới Chu Văn An, đó là Thầy Nguyễn Đăng Thường. Tôi học Pháp văn với Thầy Thường và sau này có tin Thầy đi du học và ở lại Anh sau 1975. Thầy Thường cũng là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng văn phong rất là “thế kỷ 21,” nếu không phải là trước rất xa cả thời đại hiện nay. Nhưng vị trí Thầy Vũ Hoàng Chương có tính lịch sử đặc biệt. Không chỉ vì nhà thơ họ Vũ lúc đó là một tượng đài ngôn ngữ Việt, nhưng còn là hình ảnh rất mực sương khói trong suy nghĩ của những cậu học trò như tôi thời đó. 
Không phải vì thơ phải như thế. Không, không phải thế. Lúc đó, tôi đã thích thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Bùi Giáng rồi. Nhưng họ Vũ có một ngọn núi riêng, không dính bao nhiêu với đời thường. Hình ảnh nhà thơ họ Vũ tưởng như không có thực - khi mở trang giấy ra, thơ của Thầy Chương hệt như một sợi khói bay lên dịu dàng, và rồi biến vào một cõi tri nhớ mơ hồ của người đọc. Nhiều năm sau, chợt nhớ lại, người đọc bỗng thấy nhói trong tim, thấy cõi đời mang mang. Vậy đó, nhà thơ Vũ Hoàng Chương là một bảo vật của dân tộc Việt, một người đã viết được xuống giấy vẻ đẹp ngôn ngữ Việt, và đã nắm giữ những hồn rất Việt của tiếng Việt. 
Sau năm 1975, nhà thơ Vũ Hoàng Chương bị trù dập. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được những gì người cộng sản suy nghĩ... 
Sau này, có một bạn nói rằng, hai câu thơ lưu truyền trong dân chúng sau 1975: 
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, 
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do... 
để nói chuyện CSVN đổi tên 2 con đường Công Lý và Tự Do thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi là thơ của Vũ Hoàng Chương. 
Có đúng không? Tôi không biết. Xã hội sau 1975 là những mớ hỗn độn, mù mờ. 
Theo tiểu sử chính thức ghi trên Wikipedia, chúng ta có vàì nét về nhà thơ Vũ Hoàng Chương như sau. Cũng cần cảnh giác, hình như tự điển Wikipedia tiếng Việt chủ yếu do chính phủ Hà Nội biên soạn. Vũ Hoàng Chương (5 tháng 5 1916 - 6 tháng 9 1976) là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. 
Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương. 
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937. 
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm. 
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập "Ban kịch Hà Nội" cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944. 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975. 
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn. 
Năm 1959 ông đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Âu châu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ. 
Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire. 
Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam. Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. 
Đó là biên niên sử. Ẩn sau những dòng về ngày, tháng, năm... là một dòng sống sinh động và nhà thơ là người ghi lại những cảm xúc thơ mộng. 
Những dòng thơ thường được trích dẫn của Vũ Hoàng Chương là trong bài “Đời vắng em rồi say với ai” cực kỳ quay quắt: 
“... Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai. 
Ra đi chẳng hứa một ngày mai. 
Em ơi! lửa tắt bình khô rượu, 
Đời vắng em rồi say với ai? 
Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng 
Trăng nước âm thầm vạn dặm tang 
Ghé bến nào đây, người hải ngoại 
Chiều sương mặt bể có mơ màng?”  
Tuy nhiên, thơ như thế là trần gian quá... Thế rồi, tới một thời gian, thi sĩ nghiêng về đạo học. 
Nhà bình luận Khải Tâm trên tạp chí Giác Ngộ qua bài viết “Ngày xuân đọc "Nguyện cầu" của Vũ Hoàng Chương” đã nhận định về một bài thơ gần với lẽ đạo. 
Khải Tâm viết: “Nhưng những ai đã từng đọc Vũ Hoàng Chương đều có cùng nhận định rằng nhiều năm về sau, thơ ông không say men rượu nữa, mà say trong lẽ huyền vi, say trong cõi Thiền. Đọc “Nguyện cầu” hẳn chúng ta nhận ra điều đó: 
“Ta còn để lại gì không? 
Kìa non đá lở, này sông cát bồi 
Lang thang từ độ luân hồi 
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về. 
Trông ra bến hoặc bờ mê 
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương 
Ta van cát bụi bên đường 
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này. 
Để ta tròn một kiếp say 
Cao xanh liều một cánh tay níu trời. 
Nói chi thua được với đời 
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu. 
Tâm hương đốt nén linh sầu 
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi! 
Đêm nào ta trở về ngôi 
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian. 
Một phen đã nín cung đàn 
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.” (hết trích) 
Có một điểm rất mực độc đáo trong đời nhà thơ Vũ Hoàng Chương là thói quen làm giỗ thi sĩ Nguyễn Du. 
Trên Tạp Chí Sông Hương, tác giả Hoàng Quốc Hải ghi lời kể của bà Thục Oanh, hiền thê của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, qua bài viết tựa đề “Gặp bà Thục Oanh - nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương” ghi lại, trích: 
“... Tôi nhớ bữa ấy vào khoảng chiều ngày 9 (lại ngày 9) tháng 8 năm Bính Thìn (2.10.1976). Vũ gọi tôi lại gần, với giọng nhẹ nhàng, anh bảo: 
- Này mình, ngày mai Mùng mười tháng Tám là ngày giỗ Nguyễn Du đấy. Mình đi kiếm ít hoa trái về để mai anh làm giỗ Nguyễn. 
Sớm hôm sau, tôi bầy hoa, bánh và ít trái cây lên bàn thờ, pha thêm ấm trà cúng. Tôi vừa xong các việc thì anh đã áo quần tề chỉnh, đứng trước bàn thờ, tự tay thắp nhang, rót trà. Và anh khấn Nguyễn Du bằng thơ. 
Nghe giọng anh xúc động, khiến tôi rơi nước mắt. Tôi cảm như có sự hiện diện của cả Nguyễn Du nữa. Lạ lắm, lúc ấy tôi không nghĩ Nguyễn Du đã khuất từ hơn hai trăm năm, mà chỉ nghĩ tới một người khách của anh Vũ vừa đến thăm nhà mình. Thay vì sợ hãi, tôi thấy lòng ấm áp. 
Nguyên văn bài thơ Vũ khấn như sau: 
Đọc lại người xưa 
Văn tự hà tằng vi ngã dụng 
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên. 
Nguyễn Du 
Chẳng dùng chi được nhân tài 
Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ 
Phút giây chết điếng hồn thơ 
Nét đau mặt chữ bây giờ còn đau 
Chắc gì ba trăm năm sau 
Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây 
Nếu không cơm áo đọa đầy 
Như thân nào thịt xương này bỗng dưng 
Chết theo vào đến lưng chừng 
Say từng mảnh rớt, mê từng khúc rơi 
Nửa chiều say ngất mê tơi 
Khúc đâu lơ láo mảnh đời Thi vương”. (hết trích)
Nhà văn Mai Thảo sau khi ra hải ngoại viết bài hồi ký, tưạ đề “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương” trong đó kể lại: 
“Một đêm tôi ở lại với ông thật khuya, tới sát giờ giới nghiêm cộng sản. Xã hội thê lương nằm phục bốn chung quanh tường Gác Bút. Ông đưa tôi xem một lá thư Trần Dần.
Bị trừng phạt nặng nề, bị treo bút vĩnh viễn, nhà thơ Trần Dần, tài thơ trác tuyệt nhất của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, không được vào Nam, đã gửi cho ông một lá thư đầy những lời lẽ kính trọng, như ông vẫn nguyên vẹn là thi bá của cả một thế hệ thi sĩ đã hai miền chia cách suốt 30 năm chiến tranh. Lá thư, tôi chỉ còn nhớ được câu này: “Thơ anh, thơ Đinh Hùng, sống muôn đời với thi ca Việt Nam.” Đêm đó, cầm nỗi kính phục của Trần Dần đối với ngôi sao Bắc đẩu miền Nam trên tay, tôi nhìn bạn ngồi thư thái êm đềm trước mặt, đã chia xẻ được với thi ca một niềm sung sướng thống khoái vô tả. Kính phục của Trần Dần chắc còn lớn lao gấp bội. Nếu nhà thơ miền Bắc còn nhìn thấy được cõi thơ cuối đời và cái hiện tượng thăng hoa của tâm thức phóng thoát, ở thi sĩ!” (hết trích) 
Nơi đây, nhân ngày tưởng niệm 40 năm nhà thơ Vũ Hoàng Chương ra đi, người viết xin mượn mấy dòng thơ của thi hào Nguyễn Du trích từ bài “Ký hữu” (Gửi bạn) để bày tỏ lòng tưởng nhớ một bậc Thầy: 
Mạc mạc trần ai mãn thái không, 
Bế môn cao chẩm ngoạ kỳ trung. 
Nhất thiên minh nguyệt giao tình lại, 
Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng. 
Nhãn để phù vân khan thế sự, 
Yêu gian trường kiếm quải thu phong. 
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc, 
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long. 
Thi sĩ Quách Tấn dịch: 
Đầy trời lớp lớp dậy trần hiêu 
Đóng cửa nằm cao tạnh sớm chiều 
Chánh khí muôn thu ngàn hống vững 
Giao tình một mối bóng trăng treo 
Chuyện đời ghé mắt mây lơ lửng 
Gươm báu cài lưng gió hắt hiu 
Lặng lẽ bên hiên lòng đối trúc 
Hóa rồng chờ thuở tuyết sương tiêu... 
Thế đó, nhà thơ Quách Tấn dịch câu “Yêu gian trường kiếm quải thu phong” của Nguyễn Du là “Gươm báu cài lưng gió hắt hiu”... Vâng, với nhà thơ Vũ Hoàng Chương, ngôn ngữ thơ chính là gươm báu mà dân tộc Việt đã trao cho ông. 
Đặc biệt, một bài thơ của Vũ Hoàng Chương đã trở thành bất tử, nhan đề Lửa Từ Bi, viết tại Sàigòn ngày 15 tháng 7 năm 1963, để tưởng niệm Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức. Bài thơ như sau. LỬA TỪ BI 
Lửa, lửa cháy ngất tòa sen, 
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả 
xuống 
Hai vầng sáng rưng rưng 
Đông Tây nhòa lệ ngọc 
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc 
Ánh Đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên 
Ô đích thực hôm nay trời có mặt 
Giờ là hoàng đạo nguy nga 
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt 
Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la 
Nam mô Đức Phật Di Đà 
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay. 
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ 
Người rẽ phăng đêm tối đất dày 
Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây 
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ 
Phật Pháp chẳng rời tay 
Sáu ngã luân hồi đâu đó 
Mang mang cùng nín thở 
Tiếng nấc lên từng nhịp báng xe quay 
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió 
Người siêu thăng… giông bão lắng từ đây 
Bóng người vượt chín tầng mây 
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề. 
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc 
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi 
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác 
Trong vô hình sáng chói nét từ bi. 
Rồi đây… rồi mai sau… còn chi? 
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát 
Với thời gian, lê vết máu qua đi 
Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ tát 
Dội hào quang xuống chốn A tì 
Ô ngọn lửa huyền vi… 
Thế giới ba nghìn, phút giây ngơ ngác 
Từ cõi vô minh Hướng về cực lạc 
Vần điệu thi nhân chỉ còn là rơm rác 
Và cũng chỉ nguyện được là rơm rác 
Thơ cháy lên theo với lời kinh 
Tụng cho nhân loại hòa bình 
Trước sau bền vững tình huynh đệ này 
Thổn thức nghe lòng trái đất 
Mong thành quả phúc về Cây 
Nam Mô Thích ca Mưu Ni Phật 
Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt 
Tình thương hiện tháp chín tầng xây. 
TỪ BIỆT NHÀ THƠ KINH BẮC 
Để tiễn biệt nhà thơ Kinh Bắc (Lê Đình Viễn - Sáu Du), biên tập viên Tạp Chí Suối Nguồn của Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang, đã từ trần ngày 4-3-2016 tại Sài Gòn. 
Co cẳng đạp quan tài 
tới giờ để tụng kinh 
Không lẽ cứ nằm hoài 
nghe đất trời làm thinh 
Ráng nghe hết dòng thơ 
mai về cõi vô sinh 
Thân khắp trời bụi tro 
hữu tình hay vô tình 
Bốn mươi năm không ngủ 
mở mắt nhìn kinh ngạc 
Gió lật từng trang sử 
lạnh khắp trời Kinh Bắc. 
Giả điếc bốn mươi năm 
giữa chợ viết Suối Nguồn 
Lời hoa nở từng trang 
lấp lánh màu vô thường. 
Nguyên Giác Phan Tấn Hải trân trọng tiễn biệt bạn học thuở thiếu thời...  
TUYỂN TẬP "TÂM TRONG": KHI 10 NHÀ THƠ HỘI NGỘ
Xin mời đọc hai dòng thơ lục bát sau: 
Khom lưng nhặt hạt bồ đề 
Hỏi tâm mới thấy tỉnh mê kiếp người… 
Đó là thơ của thi sĩ Nguyễn Thanh Huy ở trang 152, trong tập “Tâm Trong” - một tuyển tập thơ đầy đạo vị, và cũng là một cuộc hội ngộ hy hữu, của 10 nhà thơ. 
Trong những ngày Xuân, không gì vui hơn là đóng vai độc giả để lắng nghe cuộc hội ngộ của 10 nhà thơ (và hiển nhiên, may mắn là, ngồi đọc sẽ đỡ mệt nhọc hơn là “khom lưng nhặt hạt bồ đề”)… 
Và do vậy, chữ nghĩa của họ rất là phiêu bồng. 
Tuyển tập thơ “Tâm Trong” xuất bản bởi NXB Trung Đạo cuối năm 2015, ngay trong Lời Nói Đầu đã giải thích cơ duyên hội ngộ 10 thi sĩ với những hình ảnh rất Thiền vị, rằng đây là một thuận duyên, rằng cái đẹp là quay về chính mình, rằng đây chỉ là bóng nhạn lướt qua sông, hay tựa tơ trời bãng lãng… 
Trích Lời Nói Đầu do Bạch Xuân Phẻ viết, như sau: 
“Xin cảm ơn! Cuốn sách nằm trong tay của quý vị là một thuận duyên cho tất cả chúng ta đang có mặt với nhau, giữa người đọc và người viết. Nơi đây là sự gặp gỡ giữa những tấm lòng vị tha đang cùng hướng gần đến Chân Thiện Mỹ. Ai trong chúng ta đều có những nỗi niềm, kỷ niệm, hoài vọng, ước mơ và hy vọng. Chúng ta đều biết thổn thức, trăn trở, rung động hay cảm nhận trước những gì xảy ra xung quanh chúng ta. Nhưng cái khó hơn là nhận chân những gì đang xảy ra ở trong ta. Cái hay, cái đẹp, phải chăng là sự quay về với chính mình. Cho và nhận tuy hai là một. Nhận và cho tuy một nhưng hai. Vì thế giữa người đọc và người viết không có một khoảng cách, có chăng chỉ là bóng nhạn lướt qua sông hay tựa tơ trời bãng lãng. 
Cuốn sách này là một nỗ lực chung để làm văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam ngày càng phong phú hơn và được phát hành qua hệ thống Amazon, và nếu có lợi nhuận (sau khi ấn loát), số tiền lời sẽ được nhà xuất bản làm việc văn hoá xã hội. Tuyển tập này sắp đặt theo thứ tự của họ tên người viết, bao gồm: Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Phúc Sông Hương, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn và Tuệ Lạc. Rất mong sự hoan hỷ và biết ơn của tất cả quý vị, người đọc và người viết…” (trang 5) 
Khi 10 thi sĩ gặp nhau - trong đó có một nhà sư (và là nhà thư pháp nổi tiếng ở San Jose) và hầu hết là các cư sĩ đã gần trọn đời gánh vác Phật sự - ai cũng sẽ hình dung được rằng, vị cư sĩ thứ 11 sẽ từ mặt đất hiện lên (xin hiểu, đất Tâm) để hoan hỷ, tán thán về hạnh phòng hộ Tâm Trong: đó là khi nhà bình luận Huỳnh Kim Quang bước tới, đọc thơ và giới thiệu qua bài “Vào Cõi Tâm Trong” trên Việt Báo ngày 25-12- 2015 - trích như sau: 
"... Tâm Trong là lòng sạch như băng tuyết trên đỉnh cao chót vót, là lòng trong sáng rạng ngời như nhật nguyệt trên tầng không bao la vô tận. Như mặt hồ trong và lặng có thể phản chiếu ánh trăng trong sáng tròn đầy, tâm trong lắng xuống những ô trược để phản chiếu tự tánh thanh tịnh hồn nhiên. 
“Hồ tâm phẳng lặng lung linh trăng vàng.” 
(Dưới Nhành Liễu Xanh, Huyền) 
Nhà Phật gọi tâm đó là tâm chúng sinh, gồm có chân và vọng, thật và giả, Phật và chúng sinh. Cái tâm trong đó bao trùm tất cả các pháp, lớn thì như cõi thái hư mười phương pháp giới, nhỏ thì như một hạt bụi vi trần mắt phàm không thấy nổi. Từ tâm đó mà các pháp sinh. Từ tâm đó mà thơ ra đời. Tâm càng trong cảnh hiện càng rõ, càng nguyên sơ. Khi tâm cảnh hòa quyện lấy nhau, thơ sẽ là âm ba, là giai điệu oà vỡ trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Tâm càng trong, thơ càng vi diệu, mượt mà, sâu lắng, rung động lòng người..." (hết trích) 
Trước tiên là thơ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định).
Trong loạt Những Bài Thơ Haiku về Trăng, nơi Bài số 5, trang 9, trích: 
Trăng thủy tinh lấp lánh 
Lung linh mặt nước động chân nguyên 
Tỉnh - quay về Phật tánh. 
Hay trong bài Lời Nhắn Tình Yêu, trang 11, họ Bạch viết: 
… Có ai về bến đó 
Cho tôi gởi đôi lời 
Phù du cười cát bụi 
Ngậm ngùi miền tử sinh. 
Hay là bài Vô Ngôn, trang 17, họ Bạch viết: 
Kính tặng Thầy Minh Đạt 
Điện Phật trầm hương tỏa 
Trăng khuya soi dáng gầy 
Thầy trầm tư tĩnh tọa 
Vô ngôn thay cảnh này.  
Nhà thơ thứ nhì trong tuyển tập là thi sĩ Hàn Long Ẩn, cũng là nhà thư pháp. 
Trong bài Vết Cháy Thời Gian, thi sĩ HLA nơi trang 32 viết: 
Ta cắn vỡ thời gian tìm kỷ niệm 
Nghe đời mình loang lỗ vết máu xanh 
Mắt đã ráo khô đôi dòng lệ 
Mùa thu ơi, chiếc lá mục trên cành… (hết trích) 
Hay là trong bài “Ở Hai Đầu Sanh Tử” thi sĩ Hàn Long Ẩn viết: 
… Ở hai đầu sanh tử 
Là cuộc mộng bắt đầu 
Ta làm người lữ khách 
Gánh mãi một niềm đau… (hết trích) 
Nhà thơ thứ ba trong tuyển tập là Huyền. 
Trong bài thơ tựa đề “Sư đi Sư lại về” nơi trang 65-66, được ghi là “Thay lẵng hoa tang kính dâng Giác linh Hòa Thượng Thích Huyền Quang,” nhà thơ Huyển viết, trích:
 “... Cuộc đời là tạm bợ 
Sư thị hiện ta bà 
Hóa thân là khách trọ 
Sư gieo mầm liên hoa 
Nơi ao tù nước đọng 
Sư gạn đục lắng trong 
Từ khô cằn sỏi đá 
Từng bước Sư thong dong 
Huyễn mộng bào ảnh thôi! 
Sư hóa cánh chim trời 
Băng ngang vùng bão nổi 
Mưa sầu giăng muôn nơi 
Sư đứng bên bờ Giác 
Dõi mắt về bờ Mê 
Thương chúng sanh lầm lạc 
Sư đi Sư lại về 
Sư bước xuống dòng sông 
Bùn nhơ hóa nước trong 
Liên hoa tòa nở rộng 
Đưa Sư ngược bến Không 
Không đến cũng không đi 
Không tụ không phân ly 
Cùng pháp giới vô vi 
Sư đi Sư lại về... (hết trích) 
Kế tiếp là nhà thơ Nguyên Lương. 
Trong bài Nói Một Lần Thôi, trang 75-76, thi sĩ Nguyên Lương viết, trích: 
... Nói gì không biết nói 
Người đi ta hết lời 
Ngày xưa chưa dám nói 
Ngày nay cũng vậy thôi 
Viết gì không dám viết 
Mực chảy từ trái tim 
Ghi xuống một vài chữ 
Thật lòng ta yêu em 
Phải rồi: ta yêu em 
Cỏ cây có biết không? 
Đất trời nay chứng kiến 
Ta nói rồi nghe không! 
Ta nói một lần thôi 
Úp mặt lòng bàn tay 
Nhớ người sao nhớ quá 
Trái tim cuồng vỡ đôi 
Yêu người sao khó quá! 
Tháng tám trời đổ mưa 
Mực khô nhỏ nước mắt 
Tình khô thêm nước mưa… (hết trích) 
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du bay bổng. 
Trong bài nơi trang 116, NHLD viết, trích: 
Tái Sinh 
Ừ, ta gió núi mây ngàn; 
Đồi trăng suối chảy, tơ đàn mưa bay. 
Lối xưa vang tiếng hạc gầy, 
Có con bướm lạ chờ ngày hóa thân. (hết trích) 
Hay là bài nơi trang 120, NHLD viết, trích: 
Trăng Hạnh Phúc 
Mở trang sách đọng trầm hương, 
Cái tình hư ảo như sương khói mờ. 
Tìm trăng thấy cõi bơ vơ, 
Ai ngờ trăng ngủ trên bờ vai em. (hết trích)  
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương qua bài Buổi Chiều Đàn Trâu Nhớ Con, nơi trang 130 đã viết, trích: 
Không phải chim gõ kiến 
Gõ gỗ trong rừng sâu, 
Là tiếng mõ bản Thượng 
Chiều về gõ gọi trâu. 
Trại tù vang tiếng kẻng, 
Thằng chăn thúc bước mau. 
Đoàn tù đi bước chậm 
Bầy trâu gầy chờ nhau. 
Đàn trâu về bản Thượng, 
Tiếng nghé kêu lạc bầy. 
Tim người tù đau đớn 
Tưởng con mình đâu đây! 
Không phải chim gõ kiến 
Gõ gỗ trong rừng sâu, 
Tiếng mõ và tiếng kẻng 
Chiều về gõ gọi trâu. (hết trích)  
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thanh Huy luôn luôn quan tâm về những cõi bờ sinh tử. Trong bài Xác Thân Rồi Cũng Xa, nơi trang 153, NTH viết: 
Người qua rồi một thuở, 
Ta mất đi hình hài 
Cõi lòng ta tan vỡ 
Đêm buồn giữa trần ai. 
Từ khi ta thấy có, 
Là không đang đợi chờ 
Vốn chẳng dừng lại đó, 
Nên đời mãi ước mơ. 
Thời gian thì vẫn thế, 
Chỉ có ta thấy già, 
Đêm buồn ngồi kể lể, 
Một mình ta với ta... 
Lửa tàn theo điếu thuốc, 
Khói buồn chẳng bay xa, 
Có không rồi cũng vậy, 
Nghĩ chi cho mau già. 
Lời xưa thầy đã dạy 
Đây là cõi ta bà, 
Hơn thua gì cho mệt, 
Xác thân rồi cũng xa... (hết trích) 
Kế tiếp là nhà thơ Phan Thanh Cương, trong bài Lời Ru Xanh, trang 168, ghi nhận: 
Ngoài kia ngọn cỏ lay 
Giữa trời cao đất rộng 
Viết câu thơ về mẹ 
Ngọn cỏ về trên tay 
Mẹ để màu cho cây 
Mẹ để lời cho gió 
Mẹ ơi! cây và gió 
Lời ru xanh nơi này 
Để con làm nắng ấm 
Mẹ qua hết đêm đen 
Để con làm hoa nở 
Mẹ qua hết đông dài 
Có con chim ngây thơ 
Tưởng đo được trời rộng 
Có áng mây vu vơ 
Vẽ lên hình hài mẹ 
Thơ bằng lời ru xanh 
Tình mẹ mênh mông quá 
Suốt ngàn năm qua đi 
Mà sao thơ không thành. (hết trích)
Trong khi đó, nhà thơ Trần Kiêm Đoàn rất mực lãng mạn, qua bài tựa đề “40 - Valentine” nơi trang 194-195, với ghi chú rằng, “Viết tặng Lê, 40 năm ngày cưới của chúng ta.” Bài thơ trích như sau: Nhổ vài cọng râu bạc 
Anh ngỡ mình bớt già 
Nhuộm đường ngôi tóc trắng 
Em nghe mình trẻ ra 
Nhấm cốc rượu sương pha 
Ta nhen hồng cảm xúc 
Chân chim từng khóe mắt 
Tuổi xuân gần hay xa 
Gọi bình minh thịt da 
Chút phấn hồng tươi mới 
Nhớ giọng nói tiếng cười 
Nếp nhăn đời xa lạ Ngày 
Tình Yêu hôm nay 
Bốn mươi năm Ngày đó 
Sông xuôi về nỗi nhớ... 
Những mùa Valentine… (hết trích) 
Cuối cùng là nhà thơ Tuệ Lạc (Nguyễn Điều). Trong bài tựa đề Say Trăng, thi sĩ Tuệ Lạc viết, trích: 
“... Lắm lúc ta nhìn trăng dưới ao. 
Lung linh… biết ấy trăng nào? 
Bấy nhiêu đáy nước, bao gương nguyệt… 
Trăng cũng nhiều như những ánh sao? 
Trăng ở quê nhà, trăng chứa thơ. 
Ngày xưa ta vẫn khóc trăng mờ. 
Chừ trăng đất khách, trăng hoang lạnh.
Ta vẫn nhìn trăng, dạ ngẩn ngơ….” 
Có thể nói thêm gì về tuyển tập thơ “Tâm Trong”? Nơi đây xin mượn lời nhà phê bình Huỳnh Kim Quang: 
“Đọc từng trang của tuyển tập thơ Tâm Trong, tôi thấy như mình đang bước vào một vườn hoa văn học với vô số những kỳ hoa dị thảo đang khoe sắc thắm tươi và tỏa hương ngào ngạt. Đọc từng câu thơ của Tâm Trong lòng tôi cũng nhẹ bớt đi phiền não lao xao của cuộc sống đời thường, và thấy tâm mình cũng trong theo với những vần thơ trong vắt của mười tác giả. Điều may mắn của tôi là có thể đọc được những bài thơ hay của mười tác giả trong một tuyển tập mà không cần phải mất công tìm tòi ở đâu xa để đọc và thưởng thức. Quả tình, nếu không đọc được Tâm Trong thì chưa chắc tôi đã có duyên để đọc thơ của tất cả những nhà thơ có mặt trong tuyển tập thơ này.” 
Lời bình trên là đầy đủ vậy. Không dễ có cuộc hội ngộ của 10 nhà thơ với tâm hồn trong vắt như thế…
ĐỂ NHỚ MỘT NGỌN NÚI - HỌA SĨ VÕ ĐÌNH 
Tôi có một vài ký ức về họa sĩ Võ Đình. Gặp nhau thực sự không nhiều, nhưng hình ảnh về anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ. 
Trong những ngày tôi cư trú ở Virginia, gặp họa sĩ Võ Đình thường là trong một số sự kiện cộng đồng, có khi tại nhà một vài người trong giới văn nghệ - mà thời đó, những năm cuối thập niên 1980s, tôi là một người tuổi nhỏ, so với các bậc tôn túc có dịp quen thân và làm việc chung, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Trương Anh Thụy, nhà bình luận Trương Hồng Sơn (bây giờ là họa sĩ Trương Vũ)… 
Không khí văn nghệ thời đó ở Virginia vui lắm: mọi người, cho dù nổi tiếng thế nào đi nữa - thí dụ, giỏi nhiều ngôn ngữ xuất sắc như GS Nguyễn Ngọc Bích và phu nhân (chị Đào Thị Hợi cũng là một giáo sư về ngữ học tại một đại học ở thủ đô Washington DC), vẫn là những hình ảnh gần gũi, dễ thấy, dễ nói chuyện. 
Nhưng hình ảnh của Võ Đình khác hơn và là cái gì độc đáo, dị thường hơn. Nghĩa là, không đời thường. Ngay cả khi nói chuyện với anh Võ Đình, tôi vẫn thấy như dường anh đang đứng lơ lửng trên núi tuyết. 
Thử nhắm mắt lại, hình dung về anh, tôi nhận ra trong trí tôi các hình ảnh gắn liền với Võ Đình: kính trắng, đôi mắt sáng đăm chiêu, tay cầm tẩu thuốc, những khoảng trời tuyết trắng, những rặng cây xanh. Và đặc biệt, là hoa sen và mặt trăng. Hoa sen thì dễ hiểu, vì Võ Đình có quan tâm nhiều về Phật giáo. Nhưng còn mặt trăng? Kể cả khi gặp anh ban ngày, giữa trưa, tự nhiên tôi vẫn nghĩ tới mặt trăng. Có thể vì Võ Đình thường vẽ trăng? Có lẽ, nhưng không hẳn. Bởi vì trong nhiều bức tranh trừu tượng, Võ Đình có khi vẽ như là mặt trời đang rọi sáng rất phức tạp. Cũng có thể, khi nói chuyện với tôi (lúc đó, tôi đã có vài bài viết về Thiền Tông đăng trên vài báo ở California) và rồi anh Võ Đình kể về mặt trăng, vì anh là bạn thân với Thầy Thích Nhất Hạnh và có dịch một số bài của thầy này sang tiếng Anh - vì Thiền Tông thường nói về mặt trăng rọi sáng khắp sông hồ mà không phân biệt. 
Nên ghi chú rằng, lúc đó, tôi quen gọi tất cả những người hoạt động văn nghệ Virginia là anh hay chị, vì khi rãnh rỗi là tôi thiện nguyện giúp anh Giang Hữu Tuyên (khi sinh tiền anh Tuyên là chủ bút Hoa Thịnh Đốn Việt Báo) làm chuyện linh tinh trong nghề báo. 
Trong cương vị nhà báo khi rãnh rỗi (hình như chữ trong nước gọi là không chuyên, hay nghiệp dư, toàn những chữ lạ, tới giờ tôi vẫn chưa hiểu hết) hễ đi tới, đi lui là quen gần như hầu hết giới văn nghệ cả vùng. Nhưng ít gặp, vì họa sĩ Võ Đình ở xa khu vực cộng đồng. Nhớ có lần, anh Trương Vũ nói với tôi rằng anh Võ Đình ở trên núi mà. Hình như là có cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Vì nơi anh Võ Đình cư ngụ nơi hẻo lánh, nơi núi xa. Và cũng mang nghĩa bóng, là anh Võ Đình ở gần mây hơn người thường. 
Tôi rời Virginia, về California khoảng cuối năm 1989. Khi tôi cưới vợ năm 1992, anh Võ Đình có điện thoại, chúc lành, hỏi địa chỉ, và rồi anh gửi qua bưu điện chúc mừng - một tấm tranh vẽ trên giấy bìa cứng, hình chiếc ghe, mang họa tiết hoa sen nơi mũi thuyền, và mặt trăng trên cao có lấm tấm bụi. Tuyệt vời không ngờ. Mặt trăng lấm tấm bụi… Sao anh Võ Đình vẽ như thế? Ám chỉ rằng đời Phan Tấn Hải phải lấm bụi mới học thêm nhiều? Có lẽ. Hay anh Võ Đình muốn trình bày gì khác? Dĩ nhiên, tôi không bao giờ hỏi anh những chuyện bận tâm trong lòng anh. 
Trong trí tôi, họa sĩ Võ Đình luôn luôn là một ngọn núi. Anh ở hải ngoại nhiều thập niên, triển lãm khắp thế giới, viết sách tiếng Anh, dịch và minh họa sách Thầy Nhất Hạnh qua tiếng Anh. Tôi nghiệm ra một điều, giới họa sĩ Việt Nam ít chịu đọc sách tiếng Anh, ít chịu viết tiếng Anh. Có ngoại lệ trong những họa sĩ tôi có cơ duyên quen biết là họa sĩ Võ Đình và họa sĩ Nguyễn Quỳnh, hai người đều đọc nhiều, và viết tiếng Anh tuyệt vời. Dĩ nhiên, không nói tới giới trẻ làm chi. 
Thời ở Virginia, tiếng Anh của tôi còn kém lắm. Có lần, ngồi trong lớp, nghe bà giáo nói liên tục nửa giờ mà không nhận ra được một câu, tôi gục đầu xuống bàn và khóc. Mình học hoài sao dở quá, tôi nghĩ như thế, lại nhớ tới họa sĩ Võ Đình viết sách tiếng Anh mà lòng cứ thôi thúc, tự xấu hổ vì sẽ không làm gì được cho đất nước. Nhưng tự rầy mình, cũng đâu có làm cho mình giỏi được, và tôi liên tục học ngày, học đêm, đọc đủ thứ sách, và hễ nghĩ tới nhu cầu học tiếng Anh là tự nhắc về GS Nguyễn Ngọc Bích và họa sĩ Võ Đình - hai đỉnh cao về ngôn ngữ. 
Thời đó chưa có Internet, niềm vui là cầm lên các trang giấy. Mở trang sách ra, hay trải tờ báo ra, nghe tiếng loạt soạt của giấy là lòng tôi vui. Nhưng thời đó, có một sự kiện tôi tránh né, không bàn tới, phần nữa, tự biết mình chỉ nên dựa cột mà nghe. Đó là khi anh Võ Đình tranh luận về lý thuyết hội họa với một họa sĩ khác ở địa phương, về trường phái nét vẽ bằng mực tàu và cọ tre. Trí nhớ của tôi mơ hồ về chuyện này, vì mình không hiểu tận tường, tự biết không trang bị nhiều về lý thuyết hội họa. Cũng không nhớ lại về các tấm tranh nào dẫn tới tranh luận. 
Cuộc tranh luận kéo dài nhiều tuần lễ. Lúc đó tôi vẫn đọc đều đặn các bản tin từ hai tờ báo, tờ của anh Giang Hữu Tuyên và tờ của anh Ngô Vương Toại. May mắn, các báo có chuyện tranh luận để làm sôi nổi một nơi Miền Đông Hoa Kỳ thường rất im vắng. Lúc đó, tôi tự biết mình kiến thức còn quá kém… đọc và chỉ thấy mơ mơ hồ hồ. 
Đó là lần đầu tiên tôi đọc họa sĩ Võ Đình về lý thuyết hội họa. Sau này về Quận Cam, tôi mua sách lý thuyết hội họa đọc đủ thứ, lại ra thư viện công cộng mượn sách đọc. Ngồi đọc sách nửa đêm, thỉnh thoảng lại gặp một vài điểm lạ trong lý thuyết hội họa mới nghiệm ra rằng, mình chỉ là dân ngoại đạo đối với hội họa và thẩm mỹ, trong khi anh Võ Đình du học ở Pháp, từ nhiều thập niên trước đã hít thở không khí của màu sắc các trường phái hội họa Châu Âu… Và nhìn các tấm tranh của Võ Đình, nhận ra rằng anh vẫn là một tổng hợp của Đông phương và Tây phương. 
Nhìn kỹ, Võ Đình vẫn rất là trừu tượng Paris cho dù anh vẽ hoa sen và trăng. Và cho dù anh vẽ, hay viết, Võ Đình vẫn là một chiếc ghe chở trăng, nơi mũi ghe là một khắc họa hoa sen để hướng về một nơi bình an bên bờ kia. Đối với tôi, họa sĩ Võ Đình là một ngọn núi để tôi ngước nhìn lên. Tôi đã khâm phục nét vẽ thơ mộng dị thường của anh, đã khâm phục trình độ tiếng Anh tuyệt vời của anh. Và tự biết mình, tôi vẫn luôn luôn nhìn anh Võ Đình như một ngọn núi. Nơi đó, một thời tôi có cơ duyên quen anh - một ngọn núi..  
ĐỌC "THIỀN LÂM TẾ NHẬT BẢN" BẢN DỊCH HT THÍCH NHƯ ĐIỂN 
Một bản dịch về Thiền Nhật Bản vừa ấn hành trong tháng 5/2018. Sách nhan đề “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara Taidoo. Bản Việt dịch do Hòa Thượng Thích Như Điển thực hiện. 
Tất cả góp ý của người điểm sách nơi đây chỉ để hy vọng làm sáng tỏ ý Thiền, tuy bản thân người điểm sách chỉ là một người học còn non kém và tu chưa sâu. 
Đứng về mặt lịch sử, tác phẩm hiển nhiên là một thẩm quyền lớn. Thứ nhất, vì, theo dịch giả, bản thân “ngài Matsubara Taidoo phải gom góp tài liệu trong bao nhiêu năm mới viết xong cuốn sách nầy, vì Ngài không đề cập trong tác phẩm. Nhưng chúng tôi chắc rằng kinh nghiệm cả một đời người mới viết được một trong những tác phẩm có giá trị như thế.” 
Thứ nhì, Hòa Thượng Thích Như Điển từng du học bên Nhật Bản, và là người rất cẩn trọng chữ nghĩa, thường dịch sát nghĩa, tuy rằng Hòa Thượng khiêm tốn giải thích rằng, trích: 
“Tôi có thể đoan chắc rằng tôi dịch tác phẩm nầy của Ngài Matsubara đúng trên 80% ý chính của ông. Ngoại trừ một số chữ không nắm rõ ý chính, kính mong những vị giỏi tiếng Nhật có thể bổ khuyết cho chỗ dịch thiếu sót của chúng tôi...” (ngưng trích) 
Nếu lên mạng dò tìm, chúng ta sẽ thấy ngài Matsubara Taido (viết một chữ o, có khi viết chữ o với dầu huyền ở trên) là tác giả nhiều sách về Thiền Nhật Bản. Hiển nhiên, có thể suy đoán rằng ngài Matsubara có một thẩm quyền tham khảo đối với học giới quốc tế về lĩnh vực riêng của Thiền Nhật Bản... 
Trong khi đó, trình độ tiếng Nhật của Hòa Thượng Thích Như Điển siêu xuất hơn người. 
Bản thân Hòa Thượng giải thích trong Lời Nói Đầu: 
“Tôi đến Nhật vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 và rời Nhật ngày 22 tháng 4 năm 1977 để sang Đức. Trong hơn 5 năm trường đó, tôi học Nhật Ngữ tại trường Yotsuya khoảng 9 tháng, sau đó thi đỗ vào phân khoa Giáo Dục của Đại Học Teikyo ở Hachiojì, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Teikyo, tôi đã thi đỗ vào Cao Học Phật Giáo tại Đại Học Risso. Trong hơn 5 năm ở Nhật, tôi có hơn 4 năm ở chùa Honryuji, tại Hachioji, Tokyo thuộc Tông phái Nhật Liên Tông. Trong thời gian ấy tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tiếng Nhật nhiều, trong đời sống hằng ngày như giao tiếp, làm việc, tụng kinh, cúng đám, cầu an, cầu siêu, đám ma, cưới hỏi. Ngay cả những tập tục khác của người Nhật, tôi cũng học làm quen. Để rồi từ đó tôi có một cái vốn ngữ vựng rất lớn và rất tự tin về khả năng Nhật ngữ của mình. Được diễm phúc như thế là nhờ sự chăm sóc và đùm bọc của Thầy Oikawa...”(ngưng trích) 
Do vậy, kết luận rằng tác phẩm “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” có thẩm quyền như một sử liệu. Tất cả các sự kiện, các nhân vật, các thăng trầm của Thiền Lâm Tế Nhật Bản đều có thể dựa vào sách này. 
Tuy nhiên, có một điểm xin phép nêu lên, trong cách sử dụng chữ, có thể vì ngài Như Điển dịch quá sát nghĩa, có thể làm cho độc giả sơ học bối rối. 
Và cũng có thể vì ngài Như Điển đã rời Việt Nam quá lâu, nên sử dụng hai chữ Nam Truyền và Bắc Truyền để chỉ cho Thiền của Huệ Năng và Thần Tú. 
Hai chữ Nam Truyền và Bắc Truyền tại Việt Nam bây giờ cũng thường gọi là Nam Tông và Bắc Tông, chỉ cho hai khuynh hướng Theravada và Mahayana. 
Trong khi có thể gọi kiểu Trung Hoa xưa “Nam Năng, Bắc Tú” bằng nhóm chữ Thiền sư Huệ Năng ở phương Nam và Thiền sư Thần Tú ở phương Bắc sẽ không làm nhầm lẫn. 
HT Thích Như Điển viết trong sách này là, trích: 
“... Thần Tú đắc Thiền với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xiển dương Thiền Pháp ở miền Bắc Trung Hoa như Trường An và Lạc Dương. Dòng Thiền nầy của Thần Tú được gọi là Thiền Bắc Truyền hay Bắc Tông. Còn Huệ Năng, người đồng môn với Thần Tú, nhỏ hơn đến 30 tuổi, cũng đắc được yếu chỉ của Thiền Tông từ Tổ Hoằng Nhẫn nhưng đi về phía Nam để hoằng truyền Thiền Phái, nên Thiền của Huệ Năng được gọi là Thiền Nam Truyền hay Thiền Nam Tông... 
Về sau, Thiền phái Bắc Truyền Thần Tú suy vi, phái Thiền Nam Truyền của Huệ Năng lại ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo một số khảo sát nghiên cứu cho biết dần dần những bậc nhân tài ở Thiền Pháp Bắc Truyền của Thần Tú trống vắng, ngược lại, phái Thiền Nam Truyền lại thích nghi được với con người và phong thổ...”(ngưng trích) 
Sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara cũng dẫn ra bài kệ Thiền Tông: 
Giáo ngoại biệt truyền, 
Bất lập văn tự, 
Trực chỉ nhân tâm, 
Kiến tánh thành Phật. 
Và ghi rằng, trích: 
“... Bất lập văn tự có thể là phương thức của Thiền để nói hiểu rõ về ngôn ngữ và văn tự. Song vấn đề chính yếu vẫn là ai ai cũng có tánh Phật, cũng có khả năng để thành Phật.” (ngưng trích) 
Trong cương vị người đọc sách, xin nêu ý kiến rằng “bất lập văn tự” có lẽ không mang nội dung muốn làm “hiểu rõ về ngôn ngữ và văn tự.” 
Ngắn gọn, “bất lập văn tự” là nêu lên ý ly nhất thiết tướng, xa lìa tất cả các tướng, lúc đó mới nắm được thực tướng vô tướng. Bởi vì văn tự là vin vào tướng mà dựng lập. 
Đó là chỗ của tịch lặng... 
Lấy thí dụ đơn giản, chư tổ nói rằng như người uống nước, ấm lạnh tự biết, không nói chi được.
Tương tự, vị ngọt của nước mưa khác với vị ngọt của nước giếng, nước suối... Biết khác, mà không nói minh bạch được. Nơi đây, ngôn ngữ không thể nói gì được, huống gì là nói tới cảnh giới trí huệ bất khả nghĩ bàn. 
Tới đây xin nói về con vịt trời. 
Trong sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara kể chuyện, trích: 
“... có câu chuyện Thiền, đối thoại giữa Mã Tổ Đạo Nhất với đệ tử Ngài là Tổ Bách Trượng; khi hai người đang đi trên đường. 
Thấy con vịt trời hãi sợ bay lên, vì nghe tiếng động bước chân. Mã Tổ hỏi Bách Trượng: 
- “Cái gì vậy?” 
Bách Trượng trả lời: 
- “Con vịt trời” Mã Tổ hỏi: 
- “Đâu rồi?” Bách Trượng trả lời: 
- “Bay mất rồi”. 
Trong khi Bách Trượng suy nghĩ để trả lời cho Thầy, không hiểu sao tự nhiên Ngài Mã Tổ bốp mũi Ngài Bách Trượng một cái. Ngài Bách Trượng la: 
- “Đau quá.” Ngay lập tức Mã Tổ hỏi 
- “Đã bay mất rồi, thì làm sao đau được.” 
Ngài Bách Trượng thấy con vịt trời nhưng chẳng nghĩ mình là con vịt trời. Thế nhưng Ngài Mã Tổ, sư phụ của Ngài Bách Trượng đã nối kết con vịt trời với Ngài Bách Trượng như đồng nhất một tiêu điểm và chỉ rằng: “Vịt trời là Bách Trượng. Bách Trượng là vịt trời”...”(ngưng trích) 
Như thế, ngài Matsubara kể lại khác với bản gốc trong Bách Trượng Ngữ Lục. 
Bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực từ Bách Trượng Ngữ Lục, trích như sau: 
“... Một hôm sư theo hầu Mã Tổ, có một bầy vịt trời bay qua, Tổ nói: "Là gì vậy?" - Sư nói: "Vịt trời". Tổ nói: "Đi đâu rồi?" - Sư nói: "Bay qua rồi". Tổ bèn quay lại nhéo mũi Sư một cái, Sư đau la thất thanh. Tổ nói: "Sao nói bay qua rồi!". 
Sư ngay đó tỉnh ngộ, rồi liền trở về phòng thị giả khóc to thảm thiết...” (ngưng trích) 
Trong Bích Nham Lục (Một Trăm Công Án Thiền Tông), bản Việt dịch của HT Thích Mãn Giác kể về Tắc Thứ 53, nhan đề “Con Vịt Trời của Mã Đaị Sư” - trích như sau: 
THÙY: Khắp nơi không ẩn, toàn cơ độc lộ, gặp chuyện không vướng, luôn luôn có cơ duyên xuất thân. Trong câu vô tư, chỗ nào cũng có ý giết người. Song thử nói xem, rốt cuộc cổ nhân an nghỉ ở chỗ nào? Thử nêu lên xem. 
CỬ:
Một lần kia Mã Đại Sư tản bộ với Bách Trượng, thấy có bầy vịt trời bay qua. Mã Đại Sư hỏi, “Cái gì vậy?” Bách Trượng nói, “Vịt trời.” Mã Đại Sư nói, “Bay đi đâu vậy?” Bách Trượng nói, “Bay đi mất rồi.” Mã Đại Sư bèn bẹo mũi Bách Trượng. Bách Trượng đau quá kêu lên. Mã Đại Sư nói, “Đã từng bay đi đâu?” (ngưng trích) 
Xin phép trình bày, trong Bích Nham Lục viết: “Đã từng bay đi đâu.” Và Bách Trượng Ngữ Lục viết: “Sao nói bay qua rồi!” 
Như thế, không có ý nói “Vịt trời là Bách Trượng. Bách Trượng là vịt trời”... 
Mà chỉ nói rằng, cái được thấy (con vịt trời bay rồi) nhưng cái thọ tưởng (mũi bị bóp đau, làm kêu lên) vẫn còn đó... 
Chỉ vào con vịt trời và bóp mũi cho đau chính là “Trực chỉ nhân tâm.” 
Có lẽ ý chư tổ là như thế. 
Tương tự, nơi trang 123 sách “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” của tác giả Matsubara, bản dịch của Ngài Như Điển viết, trích: 
“Tiếp theo “Triệu Châu Vô Tự” là một công án ghi rõ trong tác phẩm “Vô Môn Quan”của Trung Hoa, trong đó có viết về Hòa Thượng Triệu Châu tịch năm 897 một câu chuyện như thế này: 
Có người học Thiền hỏi: 
- Bạch Ngài, con chó có Phật Tánh không? 
Triệu Châu đáp: 
- Không. 
Chữ Không trở thành công án. Thông thường, không đối lại với có, bởi vì cả hai khái niệm không và có vẫn thuộc tương đối. Thật ra, chữ không ở đây không có nghĩa là không, cho nên không thể dùng lý luận để giải quyết công án được. Nếu dùng tri thức tương đối để nhận ra, thì phải dùng cái lực khác để phá vỡ nó đi.”(ngưng trích) Ngài Matsubara viết về chữ Không như thế cực kỳ tuyệt vời. Vì như thế đúng với lời bình của ngài Vô Môn Huệ Khai (1183-1260), tác giả Vô Môn Quan, trong đó Tắc đầu tiên là “Con Chó Của Triệu Châu,” trích (bản dịch Dương Đình Hỷ): 
“Cử: 
Một ông tăng hỏi Triệu Châu: 
- Con chó có Phật tánh không? 
- Không! 
Bình 
Tham thiền phải qua cửa tổ, diệu ngộ phải tuyệt đường tâm. Cửa tổ không qua, đường tâm chẳng dứt thì như tinh linh nương vào cây cỏ. Thử hỏi thế nào là cửa tổ? Chính là một chữ Không, gọi là Cửa không cửa của thiền vậy.”(ngưng trích) 
Như vậy, xa lìa cả có và không là thế nào? 
Thực ra, bất kỳ ai trì tụng Kinh Kim Cương đều có thể nhận ra rất đơn giản: 
- Chỉ cần thay chữ “con chó” bằng chữ “chúng sinh tướng”... 
- Và thay chữ “Phật Tánh” bằng chữ “Thực tướng Vô tướng” là tức khắc thế giới sáng rực trước mắt. 
Lúc đó, tất cả các pháp đều rỗng rang vô tướng... Hễ còn vướng vào tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh... là cứ xoay vòng cõi này thôi. 
Hễ lấy sắc tướng và âm thanh mà cầu Phật, dù là cầu Phật Tánh đều là tà đạo. 
Đức Phật nói trong Kinh Kim Cương: nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. Nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy Như Lai. 
Câu hỏi rằng, Đức Phật có dạy công án không? Xin trả lời: Đức Phật dạy công án, và dạy khó vô cùng tận. 
Chư Tổ Trung Hoa và Việt Nam đưa các công án về đời thường, như cầm gậy đưa ra, hay chỉ vào vịt trời, hay chỉ vào cây bách trước sân, hay chỉ vào bà già bán bánh, hay nói về con trâu còn kẹt cái đuôi nơi cửa sổ, hay chỉ vào con chó... đều là hình tượng hóa các công án của Đức Phật. 
Đức Phật dạy công án khó thế nào? Khó tới mức rất trừu tượng, không còn thấy hình tướng gì nữa, vì đưa tất cả hình tướng trở về vô tướng: Đức Phật chỉ vào tứ đại (đất nước gió lửa), vào ngũ uấn (sắc thọ tưởng hành thức) - nghĩa là, những gì rất mực trừu tượng, không còn tướng mạo gì cả. 
Và tất cả, đều chỉ vào thực tướng vô tướng, nơi đó là Không, là Vô Ngã... là thấy tướng mà không phải là tướng, mới đúng là thấy Như Lai. 
Trong sách ngài Matsubara cũng tuyệt vời là khi kể truyện về ngài Bạch Ẩn Huệ Hạc, với bài “Toạ Thiền Hoà Tán” - xin trích mấy câu tuyệt vời như sau: 
“... 30) Ngay nơi tự tánh chứng biết 
Tự tánh tức vô tánh 
Việc ấy rời hý luận 
Nhân quả nhất như đà mở cửa 
Chẳng hai chẳng ba mà thẳng lối (35) 
Âm thanh vô tướng vẫn là tướng 
Đến đi đều chẳng có 
Vô niệm chính là niệm 
Múa hát cũng đều là tiếng pháp 
Rộng mở tam muội Không và Vô ngại...” (ngưng trích) 
Để nói ngắn gọn, tác phẩm “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” có giá trị lớn về sử liệu, sẽ giúp người hậu học dò tìm các sự kiện, các diễn tiến và các nhân vật Thiền Lâm Tế Nhật Bản. Tác phẩm cần có trong các tủ sách về Phật giáo Nhật Bản và về Thiền Lâm Tế Nhật Bản. 
Người điểm sách trân trọng cảm ơn tác giả Matsubara và dịch giả HT Thích Như Điển đã để lại một sử liệu giá trị.  
ĐỌC "BÁT CƠM HƯƠNG TÍCH" CỦA TT THÍCH NGUYÊN TẠNG
Tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng là một phần lớn của đời tác giả, ghi lại những gì Thầy mắt thấy tai nghe một thời và rồi nhớ lại... 
Tuyển tập chứa đựng rất nhiều kỷ niệm của Thầy Thích Nguyên Tạng, một nhà sư một thời lớn lên nơi vùng cát trắng Khánh Hòa, tu học từ chùa này sang chùa kia, rồi hoàn tất các học vị cao hơn để vào Sài Gòn và rồi sang Úc châu khi bào huynh bảo lãnh sang để tiếp tục tu học và hoằng pháp. 
Tuyển tập gồm 25 bài viết trong đó, ghi lại nhiều hình ảnh sinh hoạt trong đời tu sĩ từ thơ ấu cho tới khi sang Úc, và có cơ duyên đi hoằng pháp nhiều nơi trên thế giới. 
Trong phần Lời Giới Thiệu, HT. Thích Như Điển viết: “Đó chính là việc 'chân thật bất hư' mà Thầy Nguyên Tạng cũng đã thể hiện được điều đó.” 
Bài chính trong tuyển tập là Bát Cơm Hương Tích, ghi nhận cảm xúc tác giả về vai trò tu học và hoằng pháp... Tại sao bát cơm Hương Tích? 
Đó là hình ảnh từ Kinh Duy Ma Cật, khi ngài Duy Ma Cật vào chánh định, “dùng thần thông thị hiện khiến cho đại chúng nhìn thấy cõi Phật Hương Tích. Mùi hương ở cõi nước đó vượt hơn mùi hương của cõi trời, cõi người và các cõi Phật khác trong mười phương thế giới. Mọi sự, mọi vật trong cõi đó, đều dùng hương thơm tạo thành. Từ đất đai, kinh thành, lầu các, cỏ cây hoa lá... đều ngào ngạt hương thơm. Mùi hương của cơm cõi ấy cũng tỏa ngát khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Đức Phật Hương Tích cùng các vị Bồ Tát đang ngồi thọ trai, có các Thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đến cúng dường Phật và các Bồ Tát... 
Cõi Phật Chúng Hương khác với cõi giới Ta Bà. Đức Phật Hương Tích không dùng ngôn ngữ văn tự mà chỉ dùng phương pháp “Hương trần” để giáo hóa chúng sanh, tức là chúng sanh nơi đó khi ngửi được mùi thơm huyền diệu lập tức quay về chơn tâm, nhẹ nhàng, an lạc và giác ngộ.” 
Đó chính là hương của chánh pháp, hương của giới định huệ... Vai trò người tu sĩ từ thời thơ ấu nơi sân chùa miền cát trắng Khánh Hòa vào Sài Gòn, và sang Úc châu, lúc nào cũng sống trong chánh pháp, và đó chính là mang theo bát cơm Hương Tích để mời chúng sinh cõi này cùng thọ dụng - đó là hương giới, hương định, hương huệ.
Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng viết: 
“Trong Kinh Pháp Cú đã đề cập đến ý này: Hương các loài hoa thơm, không ngược bay chiều gió. Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay. Và Người Xưa cũng từng phán quyết rằng: “Quế hương bất viễn thư hương viễn, thế vị vô như Ðạo vị trường”. Có nghĩa là hương thơm của cây quế không bay xa bằng mùi thơm của kinh sách, vị ngọt của thế gian không bền vững lâu dài bằng vị ngọt của Đạo. Rõ ràng, hương thơm của bất cứ thứ gì hữu hình bên ngoài đều vô thường, chỉ có hương thơm vô hình bên trong mới miên viễn...” 
Tác giả cũng kể lại một kỷ niệm trong bài “Ngồi Thuyền Bát Nhã”... Thuyền Bát Nhã chính là con thuyền trí tuệ có thể chuyên chở chúng sanh vượt qua biển khổ sanh tử để đến bến bờ Niết bàn giải thoát an vui... 
Duyên khởi là, Bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, bộ Kinh đã truyền đến Việt Nam vào năm 1958 và được Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003) phát tâm dịch sang tiếng Việt. Ôn Trí Nghiêm đã phiên dịch bộ kinh này ròng rã suốt 8 năm, từ 1972 đến 1980 mới hoàn tất. Và theo lời Ôn Đỗng Minh, HT Trí Nghiêm đã dịch theo bản Biệt Hành, gồm 24 tập, mỗi tập gần 1000 trang với 25 quyển nhỏ, và cũng đóng thành 24 tập như nguyên bản chữ Hán. 
Thầy Thích Nguyên Tạng viết rằng Thầy có duyên làm thị giả cho Ôn Trí Nghiêm và Ôn Thiện Siêu trong 3 mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Hải Đức, Nha Trang từ 1981 đến 1983. Đầu năm 1998 người viết được bào huynh là Thượng Tọa Thích Tâm Phương bảo lãnh sang Úc định cư, khi nghe Ôn đau nặng nên đã về thăm Ôn đang nằm bệnh tại Chùa Tỉnh Hội Long Sơn sau mùa An Cư năm 2002 và đứng bên giường bệnh của Ngài, người viết đã phát nguyện sẽ đưa toàn bộ bản dịch của Ngài vào mạng lưới điện toán toàn cầu qua trang nhà quangduc.com, để cúng dường mười phương Phật tử gần xa và cũng để hồi hướng công đức cho Ôn. Sau khi về lại Úc, chúng tôi đã viết một thông báo ngắn cần gấp 24 người phát tâm đánh máy 24 tập Kinh Bát Nhã (bản in năm 1998) ngay lập tức có 24 Phật tử khắp nơi trên thế giới từ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu phát tâm nhận mỗi người một tập để đánh máy, và đây là bản kinh Đại Bát Nhã tiếng Việt đầu tiên đã online trước lễ Tiểu Tường của Ôn Trí Nghiêm vào ngày 13-01-2004. 
Cũng trong bài về chiếc thuyền Bát Nhã, Thầy Thích Nguyên Tạng giải thích vì sao: 
“Chư Tổ Đức dạy chúng ta thọ trì Bát Nhã Tâm Kinh mỗi ngày sáu thời là để giúp cho ta huân tập chủng tử Bát Nhã, sống trong thế giới Bát Nhã, mà sống trong thế giới Bát Nhã là sống trong chánh niệm tỉnh giác với tâm rỗng rang, thanh tịnh, rõ ràng thường tri, trực nhận mỗi phút giây của đời sống này là quý báu và mầu nhiệm. Nhờ ánh sáng của Bát Nhã Ba La Mật mà đời sống của chúng ta khinh an trong từng sát na mới mẻ hiện tiền, mỗi bước đi, mỗi hơi thở, ta không rời xa chân như thật tướng, ta sống với một tinh thần vô ngã vị tha, mang tình thương đến cho người, làm vơi bớt khổ đau của người. Nhờ ánh quang minh của Bát Nhã Ba La Mật mà hành giả luôn an trụ trong “đương thể tức không”, là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức, ngay nơi đó ta nhận biết được vạn pháp là không tướng, vô tướng, không phải ngoại cảnh biến mất rồi mới là Không mà ngay khi thấy sự vật còn hiện tiền đó vốn đã Không rồi, nên hành giả luôn tỉnh giác chánh niệm, mà chánh niệm là vô niệm, mà vô niệm chính là cứu cánh Niết Bàn, đây là chỗ đến cuối cùng của người đệ tử Phật.” 
Không chỉ viết về kinh điển, Thầy Thích Nguyên Tạng còn kể một số chuyện trong nhà chùa. 
Thí dụ, trong bài “Cúng Cháo,” khi giải thích về nguồn cơn vì sao các chùa cúng cháo cho cô hồn, tác giả kể lại: 
“... Tôi nhớ lại Sư Phụ của tôi (cố TT Chơn Kiến) có kể, lúc Hòa Thượng Thanh Bình mới về Trụ Trì một chùa làng ở trên Thanh Minh, Trường Lạc ở Diên Khánh (ngoại thành Nha Trang); vì HT bận rộn việc chùa nên quên cúng cháo, tối hôm đó, cô hồn hiện ra đập cửa phòng Ngài xin cháo để ăn, HT liền thức dậy nấu cháo để cúng ngay trong đêm khuya. Ngoài ra có nhiều chuyện kể khác, có vị Trụ Trì quên cúng cháo nên đêm về bị cô hồn khiêng đặt xuống đất, hoặc nghe dưới nhà bếp có tiếng khua chén bát, do cô hồn lục lạo đòi ăn...” 
Tương tự, Thầy Thích Nguyên Tạng cũng có các bài như Cúng Đại Bàng, kể lại duyên do vì đâu, trích: 
“Theo lời thuật lại trong khế kinh, ngày kia Đức Phật đi du hóa gặp một con chim Đại Bàng bắt các loài chim nhỏ ăn thịt. Chim Đại Bàng này có chiều kích rất lớn, mỗi lần há miệng, một hơi hút của nó chiếm một phạm vi nhiều cây số, tất cả các loài chim nhỏ đều bị cuốn hút vào miệng nó. Thấy việc sát sanh quá nhiều nên Đức Phật đã từ bi giáo hóa. Ngài dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, do đó chớ giết và chớ bảo giết”. Chim Đại Bàng tự nghĩ: “Thực phẩm hằng ngày của mình là thịt sống của các loài chim, nay Phật không cho ăn, lấy gì để nuôi thân mạng này”. Phật dạy: “Từ đây về sau ngươi về Chùa nào gần nhất để quý Tăng Ni cho ăn”...” 
Hay về ý nghĩa khi thọ trai, qua bài “Cúng Quá Đường,” Thầy Thích Nguyên Tạng viết: “Quá Đường, còn gọi là Thượng Đường hay Phó Đường, nơi Tăng chúng đến thọ thực mà tâm không tham trước ...” Hay là thói quen “lưu phạn”... tác giả giải thích: 
“Lưu phạn là san sẻ phần cơm của mình cho chúng quỷ thần và cho người ăn sau mình; ý nghĩa bố thí, mở rộng tình thương của mình dành cho người bất hạnh, không đủ cơm ăn áo mặc, ý tưởng này giúp cho hành giả nuôi dưỡng từ tâm ngay trong lúc mình ăn.” 
Với giọng văn vừa uyên bác, vừa chơn chất, Thầy Thích Nguyên Tạng đã kể về nhiều vị Thầy, ghi nhận cảm xúc riêng đối với từng vị thầy. 
Như khi viết về ân sư là cố Thượng Tọa Thích Chơn Kiến, tác giả ghi ơn cố ân sư đã làm môt cầu nối cho bản thân Thầy Thích Nguyên Tạng và truyền thống Phật Giáo Tây Tạng ngoài nước: “Thầy là một hành giả Mật Tông Kim Cang Thừa, Thầy từng gặp Thượng Tọa Viên Đức tại Thủ Thiêm, Sài Gòn thọ học cốt tủy của Mật Giáo và sau đó Thầy hành trì theo bộ sách Hiển Mật Viên Thông. Trong tịnh thất của Thầy có thờ hình Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương, Thầy đã áp dụng thực hành Tam mật tương ưng, phương pháp trọng yếu của Mật Tông mong đạt đến diệu dụng của pháp tu này. Con có phước duyên làm thị giả Thầy trong các kỳ Thầy nhập thất tịnh tu, nên dần dần được ảnh hưởng và chú ý đến pháp tu Mật Tông này. Đó chính là nhân duyên thù thắng mà Thầy đã trực tiếp gieo mầm hạt giống cho con làm quen với pháp tu này, đặc biệt là Thầy đã khai thị cho con về hành trạng tái sinh của các vị Lạt Ma Tây Tạng như Ngài Padmasambhava, Ngài Govinda, Ngài Milarepa.... Thầy đã bắt một chiếc cầu nối giữa con với Phật giáo thế giới bên ngoài, làm khơi dậy một thiện duyên cho con sau này tìm hiểu nghiên cứu dịch thuật các tài liệu...” 
Độc giả cũng sẽ tìm gặp các bài viết về cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, ngươì hoằng pháp bên Châu Âu và được Thầy Nguyên Tạng gọi là “Người trồng Sen trên tuyết”... 
Trong khi đó, giọng văn Thầy Thích Nguyên Tạng chùng xuống, bùi ngùi khi viết về Thầy Thích Hạnh Tuấn đã ra đi trong khi ước mơ xây dựng Phật Việt còn dở dang: 
“Hành trình Phật Việt của Thầy Hạnh Tuấn cũng thể hiện rõ nét ở Tổ Đường Chùa Trúc Lâm qua phong cách thờ phượng của Thầy. Thầy không thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma (470-543) theo truyền thống mà lại tôn thờ Sơ Tổ Trúc Lâm (1258-1308, đạo hiệu của Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia), người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử, mở ra một trào lưu tu học Phật tại VN vào triều đại nhà Trần. 
Một nét riêng Phật Việt khác của Thầy Hạnh Tuấn là tôn thờ và phổ biến tôn tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Pho tượng này đang tôn trí tại Chánh Điện Chùa Trúc Lâm từ 2007 là phục chế theo mẫu của pho tượng Quan Thế Âm Nghìn Tay Nghìn Mắt, một di sản, một bảo vật đang được bảo tồn tại Chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Đây là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của nền PGVN...” Tuyển tập cũng kể về một số kỷ niệm với Hòa Thượng Thích Như Huệ, được tác giả gọi là “Người giữ vững mái chèo” với ghi nhận: “Một điều thú vị khác mà người viết lưu tâm về Đức Trưởng Lão HT Như Huệ, Ngài là người có trí nhớ như máy thu âm mp3, bằng chứng là người viết đã từng “thi đua” với Ngài trùng tuyên lại “Quy Sơn Cảnh Sách” (khoảng 12 trang A4 cả nguyên văn chữ Hán và nghĩa Việt) của Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu, đây là một áng văn bất hủ trong văn khố Phật Giáo. HT Như Huệ nhớ vanh vách từng câu từng chữ trong bộ sách gối đầu giường này...”
Tương tự, độc giả sẽ thấy trong sách những hình ảnh và cảm xúc của tác giả Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn... 
Hay là kỷ niệm với Hòa Thượng Thích Như Điển trên các chặng đường hoằng pháp, trong đó gặp một số Phật tử tinh tấn, như cụ bà Diệu Bích, hơn 90 tuổi, ở thành phố Montreal, miền Nam Canada - “bà cụ từng là chủ hãng viết BIC xưa kia, nhưng điểm làm cho tôi chú ý là bà cụ đang niệm Phật công cứ, không bỏ sót một ngày nào trong mấy mươi năm qua.” 
Và nhiều bài khác, với nhiều chủ đề dễ dàng lôi cuốn người đọc. Trong sách này, độc giả sẽ được Thầy Thích Nguyên Tạng dẫn đi xem một vòng các sinh hoạt thiền môn, trong khi kể nhiều chuyện rất ít khi nghe ở ngoài cổng chùa - thí dụ, sự tích Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân làm một thiếu nữ xinh đẹp, và rao rằng hễ chàng nào thuộc kinh điển sẽ được cô chọn làm chồng. Câu chuyện ly kỳ, gay cấn, dẫn tới một nút thắt cuối truyện đã hiển lộ lên pháp ấn vô thường và bất như ý của cõi này. 
Hay là chuyện từ một sát thủ trở thành nhà sư theo Phật, và rồi trở thành A Lá Hán... đó là truyện về ngài “Angulimala, Một Câu Chuyện Về Sức Mạnh Của Lòng Từ...” 
Được biết, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng sinh năm 1967 tại Nha Trang. Xuất gia năm 1980, thọ giới Sa Di năm 1985 và thọ giới Tỳ Kheo năm 1988. Tốt nghiệp Trường Cơ bản Phật học Vĩnh Nghiêm năm 1992, trường Đại học Sư phạm (ngoại ngữ Anh) năm 1995 và trường Cao cấp Phật học Vạn Hạnh năm 1997. Đến Úc định cư năm 1998 và sáng lập trang nhà Quảng Đức www.quangduc.com. Tốt nghiệp Cử nhân Xã hội học tại Đại học La Trobe năm 2006. Hiện TT là Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu và là Phó Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan. Thượng Tọa là tác giả và dịch giả của nhiều tập sách như: Chết và Tái Sanh, Phật Giáo Khắp Thế Giới, Sức Mạnh của Lòng Từ, Hỏi Hay Đáp Đúng, Phật ngọc hòa bình, Lịch sử Phật Giáo Úc Đại Lợi... 
Nói ngắn gọn, tuyển tập “Bát Cơm Hương Tích” mang sức mạnh ở các thể văn: văn học, đạo học, sự tích một số sinh hoạt trong chùa, kỷ niệm về một số vị Thầy, và trong tận cùng... là sức kể chuyện từ một ngòi bút chân tu thực học như Thầy Thích Nguyên Tạng, và từ các trang sách là mùi hương của Giới Định Huệ...  
VIẾT VỀ THẦY THÍCH NHẬT TỪ 
Tôi không nhớ chính xác lần đầu nghe tên Thầy Thích Nhật Từ là khi nào. Chỉ nhớ là khoảng trong thập niên cuối thế kỷ 20. Lúc đó, các bạn Giao Điểm nói rằng có một vị tăng trẻ đang du học Ấn Độ, thuộc thành phần cấp tiến, viết một số bài hoằng pháp tốt đẹp. Hình như người đầu tiên nói với tôi như thế là đại lão cư sĩ Phan Mạnh Lương, người giữ chức Chủ Bút Tạp Chí Giao Điểm cho tới khi cư sĩ xuất gia, rời Quận Cam để về thọ giới tỳ kheo với Thầy Thích Thanh Từ, và rồi bây giờ về ngồi lặng lẽ nơi Thiền Viện Đại Đăng ở San Diego. Những ấn tượng ban đầu như thế thực sự là mờ nhạt, cho tới khi đọc nhiều bài viết của Thầy Thích Nhật Từ. Xin nói rõ rằng không phải lý luận nào của Thầy Thích Nhật Từ tôi cũng đồng ý, nhưng đa số là tán đồng các đề nghị cấp tiến của thầy. Thí dụ, một đề nghị gây nhiều tranh luận nhất là cải cách Bát Kỉnh Pháp. Tôi là người thế tục, cho nên không muốn bước vào những cuộc tranh luận có tính cách thể chế như vậy. Nhưng theo những gì tôi biết, trong Phật Giáo Tây Tạng và trong Thiền Tông Trung Hoa không phân biệt thứ cấp nam nữ, như hình ảnh nữ của Đức Phật Quan Thế Âm, hay như truyện tích một bà già hiểu đạo cũng được trân trọng hơn một giảng sư nổi tiếng (như tích Đức Sơn gặp lão bà). Thầy Thích Nhật Từ nói lên để đề nghị cải cách bát kỉnh pháp là phải lẽ, gặp nhiều sóng gió chống đối cũng là dễ hiểu. Điểm hay của vấn đề là, tất cả mọi người đều công nhận có những vị nữ lưu kiệt xuất, như trong thời cận đại nổi bật là Ni Trưởng Trí Hải. Khi đọc vấn đề bát kỉnh pháp, tôi biết rằng Thầy Thích Nhật Từ muốn nói chuyện cho giới trẻ tương lai. Và nhu cầu nói chuyện cho giới trẻ thâm nhập Kinh Phật là phải vận dụng nhiều kỹ năng khéo léo, trong đó Bát Kỉnh Pháp có thể là một vấn đề. 
Hay như khi đưa âm nhạc vào sinh hoạt Phật giáo. Nhiều năm sau, được biết rằng Thầy Thích Nhật Từ đã thực hiện, hay góp phần biên tập, góp phần hướng dẫn cho hàng trăm CD, DVD âm nhạc, phim, kịch… Chuyện này ít gây tranh luận hơn, vì cuộc đời là một dòng sông đầy những chuyển biến, và chúng ta buộc phải giao tiếp bằng sinh ngữ, không phải cổ ngữ, nơi đó âm nhạc là một phần của cuộc đời. Một điểm để tôi ủng hộ quan điểm sử dụng âm nhạc, phim ảnh để hoằng pháp cũng vì nhìn thấy quanh mình, những cô dì chú bác và cả giới trẻ đều mê âm nhạc, hoặc tân nhạc hoẳc cổ nhạc. Nếu tắt hết những âm thanh này, chúng ta không tiếp cận được Phật Tử. 
Từ hướng khác, các bạn Giao Điểm nhìn Thầy Thích Nhật Từ như một trong những người hộ pháp. Khi đại lão cư sĩ Phan Mạnh Lương chưa xuất gia, khi cư sĩ còn ở trong khu nhà sau bệnh viện Fountain Valley, thỉnh thoảng tôi vẫn tới thăm, nói chuyện về hướng đi tương lai của Phật giáo trong nước, trong khi bi quan vì nhiều tỉnh Miền Bắc không có tăng ni nào hiện diện, lòng vẫn giữ được lạc quan khi nhắc về Thầy Thích Nhật Từ, bày tỏ tin cậy rằng một học giả nhiệt tâm như Thầy tất sẽ còn làm nhiều việc hữu ích. 
Thực sự, tôi chỉ gặp Thầy Thích Nhật Từ khoảng nửa giờ đồng hồ, trong một dịp Thầy ghé thăm Quận Cam, khoảng cuối năm 2008. Trí nhớ của tôi mờ nhạt, cùng một bạn trong làng báo Phật Tử lái xe tới nhà một bạn khác ở Santa Ana, gặp trong buổi Thầy gặp riêng vài người. Tôi chỉ ngồi nghe, và nhớ rằng đó là một vị sư trẻ, nhiệt tâm. Lúc đó là vài năm sau khi Thầy Thích Nhất Hạnh về thăm Việt Nam (lần đầu, năm 2005) và hoằng pháp. 
Sau này, tôi thấy rằng, cho dù Thầy Thích Nhật Từ không đưa ra những cải tổ quyết liệt hay tự lập ra môn phái riêng như Thầy Thích Nhất Hạnh, nhưng Thầy Nhất Hạnh ít trở ngại nhờ đa số Phật tử hải ngoại và quốc tế (lúc đầu là người Pháp, rồi Châu Âu, rồi Hoa Kỳ…) đều cấp tiến. Dĩ nhiên, hai thầy không giống nhau, có nhiều dị biệt lắm, chỉ có điểm chung là muốn cải cách, và mỗi thầy nhìn cải cách theo một cách riêng. Nơi đây, tôi không bàn về giáo pháp, chỉ thuần túy nói về quan điểm Phật giáo vào đời (có khi gọi là nhập thế, dấn thân…). 
Trong một lần gặp anh Hồng Quang (nhớ là năm 2013), tôi được nghe nói rằng Đại Lễ Vesak LHQ 2014 sẽ không có tham dự của Thầy Thích Nhật Từ, và anh bày tỏ lo ngại rằng khi giao tiếp với Phật giáo quốc tế, Ban tổ chức có thể sẽ thiếu đi một vị sư năng động, có kinh nghiệm ngoại giao và có giao tiếp thân tình sẵn có với quốc tế như Thầy Thích Nhật Từ. 
Tôi nói, nếu thuần về tổ chức các sự kiện quốc tế, các công ty du lịch trong nước có nhiều kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ được cho quý Thầy trong Vesak LHQ 2014, nhưng vắng mặt một chiếc cầu với nhiều vị sư quốc tế như Thầy Thích Nhật Từ hẳn là một bất lợi. Vài ngày sau, tôi viết bài "Nghĩ Về Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014" (1) để nói về Thầy đã sẵn có kinh nghiệm Đại Lễ Vesak LHQ 2008 và kinh nghiệm này cần thiết cho Đại Lễ Vesak LHQ 2014. 
Tôi không được đọc hết những gì Thầy Thích Nhật Từ đã viết. Trong những gì đọc được, tôi thích nhất là cuốn “Kinh Phật Cho Người Tại Gia.” Đó là một tuyển tập các Kinh Phật thích nghi cho mọi gia đình, sử dụng ngôn ngữ thân cận với đời thường. 
Tôi đã trân trọng viết về công trình này của Thầy Thích Nhật Từ, trích như sau: 
“Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩ Việt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thương nhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn. Đọc xong tuyển tập dày 900 trang này, người viết chỉ ước mơ rằng tất cả các gia đình Việt Nam đều có một cuốn này trên bàn thờ, và ngày ngày trong gia đình sẽ thay nhau tụng đọc nghe hiểu và thọ trì. Tuyển tập có 63 Kinh, nhưng thực tế là nhiều hơn. Vì trong đó có một số là tổng hợp từ nhiều kinh, thí dụ, Kinh Chuyển Pháp Luân (trang 437-442) kết hợp hai kinh từ Tam Tạng Pali, hay Kinh Mười Hai Nhân Duyên (trang 443-458) kết hợp ba kinh trong đó một từ Tạng Pali và hai từ Kinh A Hàm. 
Trong “Kinh Phật Cho Người Tại Gia” cũng có toàn bộ Kinh Pháp Cú, nơi đây được Thầy Thích Nhật Từ đặt tên là Kinh Lời Vàng Phật Dạy (trang 83-180), dịch từ Tạng Pali ra thể thơ song thất lục bát để dễ học thuộc lòng và tụng đọc. Đây cũng là một điểm tế nhị để đưa Phật Giáo VN tới gần với Phật Giáo quốc tế, vì kinh này được các Phật tử Hoa Kỳ và Châu Âu ưa thích đặc biệt - chỉ cần thấy rằng đã có ít nhất 25 bản Anh dịch của kinh Pháp Cú là thấy tầm quan trọng của kinh này, trong khi ít Phật Tử tại Việt Nam biết tới kinh này.
Cũng nên ghi nhận rằng, nhiều Phật tử Hoa Kỳ thường tặng nhau kinh này trong những dịp lễ. 
Đọc kỹ sách này, chúng ta có thể thấy những cách ứng biến tinh tế của Thầy Thích Nhật Từ trong khi soạn dịch. Nhưng ứng biến như thế cho thấy cách suy nghĩ tìm phương tiện chuyển Đạo Phật tới thật thuận lợi cho các Phật Tử Việt Nam. Thấy rõ, từng trang, từng dòng chữ, từng âm vận sử dụng đều được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng… 
… Toàn bộ cuốn này có thể gọi là trường thiên thơ 4 chữ... trừ các bài kệ hay kinh đã thi hóa. Công phu là như thế. Chỉ vì lợi ích cho người Phật tử Việt Nam. 
Tấm lòng của Thầy Nhật Từ cũng hiển lộ nơi cách sử dụng ngôn ngữ. Thí dụ, nơi Kinh Nền Tảng Đức Tin (trang 513- 518) trong đó có một tiểu đề là “Đừng Để Bị Cải Đạo.” 
Hiển nhiên, bất kỳ ai lướt mắt qua trang giấy này đều giựt mình vì đọc Kinh xưa mà nhớ tới chuyện nay. Bản gốc kinh này là Kinh Kalama ở Tạng Pali. 
Trong kinh có người trình với Đức Phật (cũng ở thể vần 4 âm cho dễ nhớ, và hy vọng tất cả Phật Tử sẽ nhớ mãi Kinh này): 
“Bạch Đức Thế Tôn! Có các Sa môn và Bà la môn đi đến nơi này truyền đạo của họ, vị nào cũng dụ tất cả chúng con cải đạo theo họ, đồng thời nhiều vị buông lời chê bai, khinh miệt các lời giảng dạy tôn giáo của các vị khác. Sự việc này làm chúng con phân vân: Vị nào tuyên bố sự thật chân chính? Đạo nào chân lý?”…” (hết trích) 
Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn giữ ước mơ rằng cuốn tuyển tập trên của Thầy Thích Nhật Từ sẽ được in và tặng cho tất cả Phật Tử. Hy hữu mới có một tuyển tập như thế. 
Sau cùng, để nói ngắn gọn về Thầy Thích Nhật Từ, sẽ khó tìm được ngôn ngữ nào chính xác. Vì Thầy hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực. Riêng trong những gì tôi có cơ duyên biết về Thầy, có thể nói rằng Phật Giáo Việt Nam cần rất nhiều tu sĩ như Thầy. Cần rất nhiều vậy. Để nói kiêu văn chương nhà Phật, Thầy Thích Nhật Từ là một viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam.
TỈNH MÊ MỘT CÕI: TỪ ĐỊA NGỤC TỚI TỊNH ĐỘ 
Lời giới thiệu: 
Bài viết này là Lời Bạt trong “Tỉnh Mê Một Cõi” (tức Hứa Sử Truyện), một tác phẩm truyện thơ chữ Nôm được GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải, GS Trần Ngọc Ninh giới thiệu và nhận định.  
Có địa ngục hay không? Có Diêm vương, vua của cõi địa ngục, hay không? Có Tịnh độ, có cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà hay không? Có phải các nhà sư khi đi từ Miền Bắc và Trung về phía Nam đã dạy Thiền Tông qua cách niệm Phật hay không? Và các nhà sư Nam Bộ thời đầu thế kỷ 18 đã truyền dạy Phật pháp thế nào, đối với giới trí thức và đối với những người dân quê không biết chữ? 
Bài viết này sẽ tìm cách trả lời, một phần nào, những câu hỏi trên qua cuốn truyện thơ “Tỉnh Mê Một Cõi” - hay “Hứa Sử Truyện” - nhìn đối chiếu với kinh Phật. Bài viết này cũng để trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Sâm - thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, và là Trưởng ban Văn chương tại Viện Việt Học - đã cho đọc trước bản thảo do Giáo sư thực hiện rất mực công phu và Lời Tựa Đề cực kỳ tuyệt vời của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, nguyên Viện Trưởng Viện Việt-Học (3/2003-2/2008). Những dòng chữ nơi đây, chỉ xin được làm thêm một ghi chú dài về Phật học trong văn chương Nam Bộ ba thế kỷ trước. 
Nơi đầu bản thảo là phần dẫn nhập và giới thiệu “Thay Lời Tựa Đề Dẫn Giải Vào Truyện ‘Tỉnh Mê Một Cõi’: Một Thời Của Lịch Sử Văn Chương Việt Nam” do Giáo Sư Trần Ngọc Ninh viết. Chỉ riêng phần này cũng đã là một tuyệt tác trong lĩnh vực phê bình sử học và văn học Việt Nam. 
Cuốn sách “Tỉnh Mê Một Cõi” này, như thế đã trở nên một kỳ quan văn học: tôi đang chứng kiến hai vị thầy lớn về văn học chung sức trong một công trình lớn. GS Trần Ngọc Ninh đã đưa ra cái nhìn sâu sắc và độc đáo về các đề tài dẫn tới tác phẩm này: về chuyển biến của tiếng Mường Việt, về thể lục bát của dân ca Chiêm, về khởi thủy thơ lục bát Việt Nam, về nói thơ và văn chương truyền khẩu, về thời xuất hiện truyện thơ viết bằng Chữ Nôm, về những tiến bộ trí thức trong thời suy vong của vận nước, về các thầy đồ làng khai sanh ra truyện thơ, về giá trị truyện thơ Bắc Hà thời Lê Mạt, về truyện thơ vào Đường Trong, và về yếu tố Phật giáo trong “Tỉnh Mê Một Cõi.” Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm và sơ chú rất mực công phu, mất tới 7 năm. Theo Giáo sư, tác giả cuốn này có thể là một hay nhiều nhà sư vô danh, bản thảo được Hòa Thượng Toàn Nhật, một cựu tướng nhà Tây Sơn, in ấn: “Sách được một vị chân tu nào đó viết ra trên giấy để lại trong chùa nào đó, Hòa Thượng Toàn Nhật với hạnh ngộ được đọc, giác ngộ bèn chấp bút, kêu gọi khắc in. Không biết Ngài đã thêm vào bao nhiêu tư tưởng của mình, sửa biết bao câu văn trong nguyên bản, nhưng chắc chắn rằng những gì tác giả đi trước nói đã ngài được giữ ít nhất là ở phần cốt lõi. Vì vậy tôi chủ trương tác phẩm nầy thuộc về công đức chung của các thiền sư hơn là riêng một vị.” 
Truyện thơ này rất mực dân gian Nam Bộ: nhân vật chính là Văn Quới, ba mẹ mất sớm, được vào chùa tu, thầy ban pháp hiệu là Hứa Sử, bị quỷ dạ xoa vâng lệnh Diêm Vương bắt xuống địa ngục vì nhầm với một người có tên là Vương Hứa Sử. Khi Diêm Vương biết bắt nhầm, mới giảng Phật Pháp, dạy pháp niệm Phật Di Đà, và trả Hứa Sử về trần gian, và vân vân. Trong truyện, Hứa Sử chứng kiến nhiều màn kinh sợ ở địa ngục, về sau Hứa Sử trở thành La Hán, lên cõi Tây Phương cực lạc, đi dạo cõi trời tìm ba mẹ, đi xuống địa ngục tìm người quen. Phần thứ nhì của truyện thơ lại có gay cấn khác: Triệu Tân là chúa của quân Bắc phiên, thấy tướng Đổng Vân của Việt Vương vào chùa tu, mới xua quân vào đánh. Quân Việt Vương thua, chạy liên tục. Việt Vương mới vào chùa thỉnh Đổng Vân ra cầm quân lại để cứu nước. Lựa chọn giữa việc giữ giới sát, với việc cầm quân ra trận, cho thấy lại tinh thần thời Lý Trần. Đổng Vân cầm quân, trước khi xuất trận, dạy binh lính niệm Phật A Di Đà… khi xông trận, tất nhiên là quân phương Nam thắng trận, Triệu Tân và quân Bắc phiên đầu hàng, được tướng Đổng Vân tha mạng, khuyên là nên niệm Phật. Cuối truyện, vua Việt Vương cũng vào chùa tu. Ngắn gọn, các nhà sư đã sáng tác truyện thơ, trong đó khuyên niệm Phật để lên cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà, trong khi nói lên cảnh khổ dưới địa ngục. Câu hỏi là, như thế có đúng Phật pháp hay không? Nơi đây, chúng ta tách ra làm đôi câu hỏi trên để thảo luận về 2 đề tài vẫn thường nghe tranh luận: khái niệm Tịnh Độ A Di Đà và khái niệm địa ngục. 
Nếu mượn khái niệm phổ biến ở Tây phương để nói, Phật giáo không có địa ngục (hell), Phật giáo chỉ có luyện ngục (purgatory), bởi vì không có chuyện trừng phạt đời đời trong Kinh Phật. Nhưng vì thói quen, ông bà mình dùng chữ địa ngục để chỉ cảnh giới sau khi chết, người lành lên trời (gọi là: sanh thiên), người dữ đọa địa ngục (nhà tù dưới đất); nơi đây, chúng ta sẽ dùng cách gọi quen thuộc này. Kinh Phật nóí, chúng sinh sẽ đi 6 cõi lành dữ khác nhau, tùy nghiệp thiện ác. Trong đó, có địa ngục ở cõi dữ. Nhưng có thực có địa ngục hay không, hay chỉ là ẩn dụ? Cuộc tranh luận này đã diễn ra gay gắt tại Việt Nam nhiều năm gần đây, lên cả đài truyền hình nhà nước. 
Trong Kinh Phật có nói rằng chỉ duy một cõi không có phương xứ là Niết Bàn, là cảnh giới giảỉ thoát của các bậc A La Hán, khi tham sân si biến mất. Ngoài ra, tất cả các cõi khác, kể cả địa ngục đều có phương xứ. 
Ngắn gọn: Đức Phật dạy rằng có địa ngục. Trong cuốn “Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng” của Hòa thượng Janakabhivamsa, do U Ko Lay dịch sang Anh ngữ, và Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ, Chương 11 có viết: 
“... Bốn cõi dữ ác là: (1) địa ngục (niraya), (2) súc sanh, (3) ngạ quỷ (peta, quỷ đói) và (4) cõi phi thiên (asurakaya, A tu la, các quỷ thần)... 
8) Avici (Địa Ngục A-tỳ (HV) hay Địa Ngục Vô Gián), là tầng địa ngục dưới cùng và là tầng địa ngục kinh khủng nhất, nó rộng khoảng 100 yojanas vuông (một jojana khoảng 8 dặm Anh, bằng khoảng gần 12.9 km) được bao bọc bởi tường bằng sắt, mái trần bằng sắt và nền sàn sáng rực bằng sắt đang nung đỏ. Ở đây, chúng sinh bị hành hạ liên tục bằng những ngọn lửa bốn bên, lửa ở địa ngục này là kinh khủng nhất, đến xương cũng bị chảy tan. Bởi vì bị đốt cháy liên tục, nên sự thống khổ, đau đớn không bao giờ ngừng hay có chút gián đoạn nào, nên được gọi là Avici, có nghĩa là địa ngục Vô Gián là vậy. Ngài Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) đã bị đày xuống địa ngục này vì đã gây ra nhiều tội nghiệt nặng vào thời Đức Phật, như tội chia rẽ Tăng Đoàn và mưu sát Đức Phật…” (1) 
Đó là cái nhìn từ Phật giáo Nam Tông, còn gọi là Theravada, hay Phật giáo Nguyên thủy. Khái niệm địa ngục nguyên khởi không phát xuất từ Phật giáo Trung Hoa như nhiều người nói.
Trong Kinh Pháp Cú, kinh căn bản của tất cả bộ phái Nam Tông và Bắc Tông, có Phẩm 22, có tên là Phẩm Địa Ngục, gồm 14 vần kinh ngắn trong đó mỗi vần kinh là một sự tích, Đức Phật dạy rằng làm dữ sẽ đọa địa ngục, điển hình: 
“306. "Nói láo đọa địa ngục 
Có làm nói không làm, 
Cả hai chết đồng đẳng, 
Làm người, nghiệp hạ liệt."…” (2) 
Tuy nhiên, nhiều thầy vẫn thường dạy, rằng không hề có ông Diêm Vương nào hết. Chuyện một ông vua cõi địa ngục chỉ có trong tiểu thuyết. Đức Phật nói rằng, tâm chúng ta tạo ra nghiệp, sẽ dẫn đi các cõi sinh tử lục đạo luân hồi. 
Chỗ này cần ghi nhận, có một kinh trong đó Đức Phật nói rõ là địa ngục dưới biển chỉ là chuyện nói cho vui thôi, chỉ là ẩn dụ thôi, chớ không có thiệt đâu. Và chỉ duy có một kinh này, Đức Phật nói rõ như thế. 
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, nơi Chương II, Tương Ưng Thọ, Kinh Vực Thẳm (Pàtàla), trích: 
“Kẻ vô văn phàm phu nói như sau: "Ở giữa biển lớn, có vực thẳm". Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đối với việc không có, không xẩy ra, lại nói: "Ở giữa biển lớn, có vực thẳm". 
4) Này các Tỷ-kheo, đồng nghĩa với các khổ thọ về thân là vực thẳm này.” (3) 
Tiến sĩ B.C. Law dịch chữ “vực thẳm” là “luyện ngục” (purgatory) để cụ thể hơn. Trong khi đó, đại sư Nyanaponika Thera dịch là “hố sâu không đáy” (bottomless pit), và ngài Nyanaponika dịch là “vực sâu không đáy” (bottomless chasm) (4). Ngắn gọn, trong kinh này, Đức Phật nói, không có địa ngục, chỉ là sự đau đớn của cảm thọ thôi. 
Tuy nhiên, chúng ta có thể thắc mắc rằng, tại sao trong rất nhiều kinh khác, rất nhiều, chứ không phảỉ ít, Đức Phật nói cụ thể về những địa ngục tương ưng với các nghiệp ác? Đặc biệt, Đức Phật thường nói rằng làm việc thiện này, sẽ lên cõi trời; làm việc dữ nọ, sẽ rơi xuống địa ngục, sau khi thân này hết thọ mạng? Vậy, nếu nói rằng địa ngục chỉ là ẩn dụ như kinh “SN 36.4 - Patala Sutta” vừa dẫn, tất nhiên cõi trời cũng chỉ là biến hóa của tâm, khi tâm thọ hỷ, thọ lạc, có phải không? 
Cuối bài này, chúng ta sẽ tiếp cận câu hỏi vừa nêu một cách khác. Nơi đây, xin nhấn mạnh một điểm rằng, Diêm Vương trong truyện “Tỉnh Mê Một Cõi” không phảỉ một tay nhà quê, không phải một nhân vật hung bạo. 
Ngôn ngữ của Diêm Vương khi dạy đạo cho Hứa Sử đã sử dụng ngôn ngữ Thiền Tông, nêu yêu cầu nhận ra tự tánh trong sạch như trăng thu, tuy vào cõi trần nhưng vẫn không nhiễm, và tánh này sẽ hiện ra trước mắt người đã thấy lẽ sắc không. 
Phần Diêm Vương dạy đạo cụ thể nói về chơn tánh, có thể trích từ câu 835: 
“Tánh thiêng sạch tợ trăng thu, 835 
Muôn phương soi tỏ chẳng lu chút nào. 
Cho nên lộn áng trần lao, 
Theo cơ ẩn hiển, ra vào thong dong. 
Vốn đà ngộ chữ sắc không, 
Trả lời thệ trước ra công độ đời. 840 
Vậy nên lộn lại làm người 
Khắp trong bảy thú không nơi nào từ. 
Nhưng mà chơn tánh tự như, 
Ấy là chư Phật tổ sư trong đời… 
Xa vòng thành thị nhơn dân, 
Tụng kinh lễ sám ân cần không ly. 
Nương theo kinh luật tu trì, 
Tham thiền niệm Phật chẳng khi nào rời. 
Minh tâm kiến tánh đã rồi, 855 
Vậy sau mới khá ra đời ứng cơ…” (hết trích) 
Ghi nhận rằng, sau khi nói về tánh thiêng bất nhiễm, Diêm Vương lại nói về nhân quả xuống địa ngục, cũng theo phong thái Kinh Phật, trước là nói nghiệp thiện sẽ lên trời, sau là nói nghiệp dữ sẽ xuống địa ngục, xem từ câu 949: 
“Những người thập thiện chuyên ròng, 
Về hưởng khoái lạc Thiên cung nhiều đời. 950 
Những người hủy báng Phật Trời, 
Ngũ nghịch, thập ác đọa nơi A tỳ.” (hết trích) 
Cũng nên đọc kỹ rằng, trong truyện nhiều lần nói về chuyện khi người chết, gia đình phảỉ đem những tờ công cứ niệm Phật ra để, nói kiểu dân gian, kể công trong quá khứ niệm Phật đếm số nhiều, có ghi công cứ. Nghĩa là phải đếm số lượng câu niệm Phật, một cách dạy mà nhiều vị trí thức chê là chỉ giành cho mấy bà già nhà quê. 
Và cũng nên đọc kỹ rằng, khi hai nhà sư Thanh Sơn và Hứa Sử giác ngộ, xong đã làm hai bài kệ phong thái rất mực Thiền Tông, bằng ngôn ngữ đốn ngộ của ngài Huệ Năng, chứ không phải kiểu chậm rãi đếm số niệm Phật. 
Xin mời đọc các câu thơ, từ câu 2288: 
“Bút đề nên kệ, ba hàng ngâm nga. 2288 
Thanh Sơn kệ rằng: 
Phật với chúng sanh trước ngỡ xa, 
Đến nay mới tỏ ở một nhà. 
Bằng ai vô niệm thời mới thấy, 
Những chúng hữu tình kiếm chẳng ra. 
Đến chừng xét lại cho rốt gốc, 
Vốn thời không Phật cũng không ta. 
Hứa Sử kệ rằng: 
Tây phương tịnh thổ ngỡ là xa, 
Ngày nay mới biết nội ta bà. 
Gạn lóng tấm lòng cho thanh tịnh, 
Rõ ràng trước mặt trổ liên hoa. 
Tịnh thổ Di Đà không phân cách, 
Dón thời cũng ở một lòng ta.” (ngưng trích) 
Ngôn ngữ ngài Thanh Sơn là của Thiền Tông: Phật với chúng sanh là một, ở chung một nhà là ở chung trong thân này (hóa ra cõi Tây phương ở trong thân này), vô niệm rồi mới thấy (rõ ràng, không còn đếm số niệm Phật nữa), không Phật cũng không ta (xin nhớ: Nam Tông chỉ nói không ta, tức vô ngã; nhưng tới Bắc Tông mới nói không Phật, nghĩa là Tánh Không, các pháp vốn thật là không). Trong khi đó, ngôn ngữ Hứa Sử chỉ thẳng vào tánh mà nói: Tây phương Tịnh độ cũng chỉ nơi đây, trước mắt thôi, cũng ở một lòng ta. Đây là đúng y Pháp Bảo Đàn Kinh. 
Chính vì vậy, giữa những sự kiện rất là dân gian, chuyện con quỷ vô thường đi với quỷ dạ xoa lên trần gian bắt hồn kẻ dữ xuống địa ngục, lại bắt nhầm Hứa Sử, cho thấy tra tấn cả trăm kiểu… thế rồi chính Diêm Vương dạy niệm Phật A Di Đà để có chết thì sang Tây phương liền. 
Chính vì chủ ý của tác giả mượn pháp Niệm Phật để dạy pháp Thấy Tánh của Thiền Tông, nên cách dạy trong truyện thơ này có khi dị biệt: lúc dạy niệm 4 chữ A Di Đà Phật, lúc lại khuyên niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Lúc nói 4, lúc nói 6, thế nào cũng làm mấy bà cụ nhà quê rối trí, lại lo là sẽ có khi đếm nhầm, chẳng biết rồi chết đi sẽ tới cõi nào. 
Dạy khuyên niệm 4 chữ A Di là ở câu thứ 2822: 
“Bây giờ lòng chẳng muốn chi, 
Rất muốn bốn chữ A Di, không rời. 2822” 
Hầu hết các chỗ khác là dạy khuyên niệm 6 chữ A Di, thí dụ, câu 3113: 
“Chẳng bằng sáu chữ A Di, 
Thoát nơi Địa ngục đặng về Tây phương.” 
Trong tinh thần đó, chúng ta đoán là nhà sư tác giả nghĩ là niệm mấy chữ A Di cũng được, thậm chí, vô niệm có thể là trúng ý tác giả hơn. Cần phảỉ nói rằng trong “Tỉnh Mê Một Cõi,” phương pháp dạy về địa ngục hoàn toàn đúng theo cách Đức Phật đã từng dạy, không vẽ vời sai chệch tí nào. 
Thí dụ, rất nhiều chỗ trong Kinh, Đức Phật dạy rằng làm thiện sẽ sanh thiên, làm ác sẽ đọa địa ngục. Rất nhiều chỗ như thế. Thí dụ, trong Kinh Hạnh Con Chó, thuộc Trung Bộ Kinh MN 57 (Kukkuravatika sutta), bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, trích một đoạn như sau: 
“... Ta sẽ trả lời cho Ông. Ở đây, này Punna, người nào hành trì hạnh con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì giới con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì tâm con chó một cách hoàn toàn viên mãn, hành trì uy nghi con chó một cách hoàn toàn viên mãn, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh thân hữu cùng với các loài chó. Nếu Ông ấy có tà kiến như sau: "Do giới này, hạnh này, khổ hạnh này, hay phạm hạnh này, ta sẽ sanh thành chư Thiên này, hay chư Thiên khác", thời này Punna, đối với kẻ có tà kiến, Ta nói có một trong hai sanh thú như sau: địa ngục hay bàng sanh. Như vậy, này Punna, nếu hạnh con chó được thành tựu, thời được sanh trong loài chó, nếu không được thành tựu, thời được sanh trong địa ngục...” (5) 
Như thế, tác giả không hề bịa đặt gì về cõi địa ngục, vì Đức Phật rất nhiều chỗ đã nói lên những hình ảnh đáng sợ như thế, chỉ trừ một chỗ đã nêu, trong đó Đức Phật nói là dưới đáy biển không có địa ngục đâu. 
Tới đây, câu hỏi về nhân vật Diêm Vương: Kinh Phật có nói gì về vị vua cõi địa ngục này không? Câu trả lời là có. Đức Phật có kể về Diêm Vương. 
Tới đây, chúng ta dẫn Kinh Trung A Hàm, bản Việt dịch và Hiệu chú của Thầy Tuệ Sỹ, bản Kinh Thiên Sứ, trong này Đức Phật kể về có một vị vua địa ngục tên là Diêm Vương, trích: 
“... Diêm vương đáp: 
“ - Ngươi quả là kẻ bại hoại, suy vi lâu, vĩnh viễn mất mát. Nay ta sẽ tra khảo ngươi như trị kẻ phóng dật, làm hạnh phóng dật. Ác nghiệp của ngươi không phải do cha mẹ làm, không phải do vua, không phải do Trời, cũng không phải do Sa môn, Phạm chí làm. Chính ngươi tự tạo nghiệp ác bất thiện, cho nên hôm nay chắc chắn ngươi phải thọ báo... 
“Ngục tốt liền xách chúng sanh ném lên giường sắt nóng đang cháy đỏ rực, bắt buộc ngồi trên đó, dùng kẹp sắt nóng, kẹp vạch miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào. Nước đồng sôi đó đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi răng, đốt lợi răng rồi đốt cuống họng, đốt cuống họng rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt ruột già, đốt ruột già rồi đốt ruột non, đốt ruột non rồi đốt dạ dày, đốt dạ dày rồi nước ấy từ thân chảy xuống. Các chúng sanh ấy chịu bức bách như vậy suốt vô lượng trăm ngàn năm, chịu khổ đau cùng tột, cuối cùng vẫn không chết được, để cho nghiệp ác bất thiện của các chúng sanh ấy sạch hết.” (6) 
Nếu có chúng sinh nào bỗng nhiên nghi ngờ, rủi Kinh Trung A Hàm là do người Trung Hoa bịa đặt ra, chúng ta có thể dẫn kinh tương đương ở Kinh Trung Bộ trong Tạng Pali, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Thiên Sứ. - Devadùta Sutta. (7) 
Ngắn gọn, Đức Phật có dạy về một vị vua địa ngục, tên là Diêm Vương, cũng có cai ngục tra tấn đủ thứ. 
Câu hỏi nơi đây là, có phải Đức Phật chỉ mượn những hình ảnh dễ sợ kia để cho chúng ta phảỉ tu hay không?
Hay, có nên dẫn Kinh Kim Cương ra để nói rằng các pháp chỉ là như bọt sóng, như ráng nắng, và do vậy, cõi trời và địa ngục cũng chỉ là bóng trăng đáy nước? 
Nếu đặt câu hỏi như thế, chúng ta sẽ tới một chỗ nên đặt câu hỏi lại: có địa ngục hay không, có Diêm Vương hay không? Và tại sao tác giả “Tỉnh Mê Một Cõi” sau khi khuyên niệm Phật tha thiết, rồi lại nói trong câu 2292 rằng “bằng ai vô niệm thời mới thấy”? Vậy thì, thấy cái gì, khi tâm đã vô niệm? 
Tới đây, chúng ta nên dẫn Kinh Kim Cương của Bắc Tông rằng nói có cũng sai, nói không có cũng sai. Đối với những người muốn chúng ta dẫn Kinh Pali của Nam Tông, nơi đây có thể dẫn ra Kinh Tương Ưng SN 12.15 Kaccaayanagotto Sutta (8) trong này Đức Phật nói, rằng hễ ai nói có, cũng sai; hễ ai nói không, cũng sai. Ngắn gọn, Đức Phật dạy, hễ thấy pháp tập khởi, thì thấy là có; hễ thấy pháp biến diệt, thì thấy là không. 
Như thế là gì? Trong Thiền Tông gọi là nhìn tâm như gương sáng, khi mây nổi, biết mây nổi; khi mây tan, biết mây tan; do vậy, không gọi là có, cũng không gọi là không. Đó là lý do ngài Đạo Hạnh Thiền Sư nhà Lý ghi thơ rằng: 
Có thì có tự mảy may 
Không thì cả thế gian này cũng không. 
Hình như trả lời cách này có thể làm một số người khó tính không hài lòng, cho dù chúng ta đã dẫn ra cả kinh Bắc Tông và Nam Tông. Nếu vậy, chúng ta có thể dẫn ra một kinh nghiệm bất kỳ ai cũng từng trải qua. Có một công án Trung Hoa, nói rằng một hôm, bạn đứng nơi một góc rừng, góc núi, hay góc biển nào đó. Đột nhiên mưa ào ạt, tiếng gió, tiếng nước, tiếng là cây rừng bay xào xạc; bạn ướt và lạnh thê thảm. Thế rồi nhiều ngày sau, câu hỏi là: cảnh đó và những âm thanh ghê rợn đó, bây giờ ở đâu? Đây chính là chỗ nên dẫn ra 2 kinh vừa nêu, dẫn lời Đức Phật rằng ngài không nói có, ngài không nói không… Thực sự, các pháp ngay tức khắc đã là không, vì phải duyên vào nhau mà hiển lộ thì làm sao mà nói là có, và do vậy làm sao nói được là không. 
Như thế, có phải đó là câu trả lời cho phương xứ địa ngục và Diêm Vương chăng? 
Nếu có độc giả nào khó tính, rằng địa ngục là cái ngay đây không kinh nghiệm được, và đó vẫn là những cái không thấy được, không nghe được… hay ít nhất, chưa thấy, chưa nghe được. 
Vâng, như thế, bây giờ chúng ta bàn tới cái kinh nghiệm trực tiếp. Thí dụ, như giọng ca một ca sĩ. Có lẽ, Thái Thanh là ca sĩ có giọng ca hay nhất của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ tân nhạc vừa qua, và hầu hết mọi người từng nghe giọng ca của bà. Câu hỏi là, bạn đang ngồi nhìn lên sân khấu, trực tiếp nhìn và nghe ca sĩ Thái Thanh hát, những âm thanh vang trong không gian đó có gọi được là có, hay gọi là không? Có ai chụp bắt được những âm thanh bà vừa hát? Không ai chỉ ra được phương xứ của những âm thanh bà vừa hát ra. May mắn, bây giờ có máy ghi âm. Nhưng ngay cả như thế, cũng không ai chỉ ra tánh của những âm vang do ca sĩ này vừa hát ra. Tất cả đều từ nhân duyên khởi lên, phảỉ có một ca sĩ Thái Thanh rèn luyện một đời cộng với tài năng bẩm sinh, có ca khúc, có trống đàn, có luyện tập… nhưng ngày hôm đó vẫn khác ngày hôm sau, ca khúc trước vẫn khác ca khúc sau, từng giây phút vẫn độc đáo, không hề giống giây phút nào, và tất cả đều vô tự tánh, đều không thực tánh, đều vô ngã, đều không có người ca, không có lời được ca… Không ai chụp bắt được bất cứ gì hết. Vì nốt nhạc này khởi lên, chúng ta nghe là có; và nốt nhạc đó biến mất để chỗ cho nốt khác, lúc đó chúng ta nghe là không. Ngắn gọn, các pháp từng khoảnh khắc là bất động, là không di chuyển vì tính độc đáo của từng pháp, từng khoảnh khắc. Đồng thời cũng gọi là bất nhị, vì có với không như dường là một, hay đúng hơn, cũng không gọi là bất nhị được - chỉ là vô ngôn mà nhận ra tánh các pháp thực sự là vô tự tánh, vì không dùng ngôn ngữ được chỗ này. 
Do vậy, không thể nói là cảnh nơi góc biển, hay cảnh ca sĩ Thái Thanh đứng hát đã đi tới đâu, bởi vì nó chỉ là do nhân duyên hiện ra. Khi màn hạ, khi đèn tắt, khi nhạc sĩ rút dây đàn, khi ca sĩ Thái Thanh rời quán nhạc… cảnh cũ là duyên hợp, nên không thực tướng, và là không hề đi, vì cũng chẳng hề tới. Vậy thì, cảnh địa ngục và Diêm Vương cũng thế. Không gọi được là có, và không gọi được là không. Kinh Kim Cang nói rằng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai - nếu thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy tánh. Tới đây, chúng ta trả lời câu hỏi về Tịnh độ. Có thực là có một cõi Tịnh độ, nơi an lạc vĩnh cữu như thế, nơi chúng sinh vào sẽ được học Phật Pháp cho tới ngày giải thoát? Xin trả lời rằng, có ít nhất một cõi Tịnh độ như thế, cho thánh quả thứ 3, tức là các vị Bất Lai. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, do Thầy Thích Đức Thắng dịch ra tiếng Việt, được Thầy Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích, nơi Chương Một Pháp, Phẩm Bất Đãi, Kinh Số 2 viết: 
“Tôi nghe như vầy: 
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ đà, tại nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: 
“Hãy diệt một pháp, Ta sẽ xác chứng các ngươi thành A-nahàm. Một pháp gì? Sân nhuế. Này, các Tỳ kheo, hãy diệt sân nhuế, Ta sẽ xác chứng các ngươi đắc A na hàm.” (9) 
Nghĩa là, chỉ cần rời bỏ tâm sân, là đủ đắc thánh quả thứ 3, gọi là A Na Hàm, hay Bất Lai, không trở lại cõi này, sẽ vào cõi Tịnh Độ của các bậc thánh A Na Hàm, nơi đó chỉ ngồi học đạo thôi, và rồi sẽ hoàn toàn giải thoát. 
Đức Phật đã có dạy về một Tịnh độ như thế trong Kinh Pali. 
Trong bản Anh dịch Kinh Pali của dịch giả John D. Ireland: "Udana and the Itivuttaka: Two Classics from the Pali Canon" 
- chúng ta thấy Đức Phật dạy rằng, điển hình: 
- trang 117, trong Kinh Dosa Sutta, hễ trừ được lòng căm ghét, sân (hate) là đắc thánh quả thứ 3, Bất Lai, không trở lại cõi này nữa; 
- hay trang 118, Kinh Kodha Sutta, hễ dứt bặt lòng giận dữ, phẫn nộ (anger) là đắc thánh quả thứ 3, Bất Lai, không trở lại cõi này nữa... Xem bản tiếng Anh ở link (10) 
Tương tự, hay chỉ dứt bỏ tâm ngã mạn, cũng thế. 
Một điều có thể tin rằng, hầu hết các bà già nhà quê khi niệm Phật A Di Đà, sẽ có rất nhiều bà cụ đã dứt được tâm sân hoặc tâm ngã mạn. Và như thế, các cụ sẽ vãng sanh ngay vào cõi của bậc thánh thứ 3, tức là cõi của các vị A Na Hàm.
Bản dịch của Thầy Minh Châu tương đương là Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ) nơi Chương Một - Một Pháp, cụ thể, có kinh nói hễ dứt tâm sân, trong khi kinh khác cùng Chương lại nói hễ dứt tâm ngã mạn, là đắc quả A Na Hàm, vào ngay cõi Tịnh Độ Bất Lai. (11) 
Kinh Phật nói, cõi của các bậc A Na Hàm gọi là Tịnh Độ, còn gọi là thế giới Suddhāvāsa, tiếng Anh dịch là "Pure Abodes" – nơi ngụ cư Thanh Tịnh, hay Trong Sạch; tất cả các kinh nói về tứ thánh quả đều nói về cõi này. Trong khi các kinh Tịnh Độ thường đọc ở chùa nói rằng có 9 phẩm sen vàng, trong cõi Tịnh Độ A Na Hàm chỉ có 5 phẩm. Những dị biệt con số có lẽ không quan trọng. 
Đó cũng là Tịnh độ, đúng không? 
Như thế, hiển nhiên là có Tịnh độ. Cũng y hệt như khi chúng ta đọc cuốn Tịnh Mê Một Cõi, từng trang một mở ra là một cõi Tịnh độ. Bảo đảm như thế. Với tôi, mở sách này ra đọc, là vào một cõi Tịnh độ rất hiếm hoi vậy. Xin trân trọng cảm ơn các thiền sư tác giả “Hứa Sử Truyện,” và xin trân trọng cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã thực hiện “Tỉnh Mê Một Cõi” rất mực tuyệt vời. 
GHI CHÚ: 
(1) http://www.budsas.org/ 
(2) http://thuvienhoasen.org/
(3) http://thuvienhoasen.org/
(4) http://www.accesstoinsight.org/
(5) http://thuvienhoasen.org/
(6) http://www.budsas.org/
(7) http://thuvienhoasen.org/
(8) http://www.accesstoinsight.org/ 
(9) http://thuvienhoasen.org/
(10) http://tinyurl.com/
(11) http://thuvienhoasen.org/
NGÔ THẾ VINH VÀ 18 CHÂN DUNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ VĂN HÓA 
Ngô Thế Vinh là người viết rất cẩn trọng, và tôi là người đọc ông rất trân trọng. Chữ của Ngô Thế Vinh không phải từ những giấc mơ hiện ra, nhưng là từ nỗi lo sâu sắc cho dân tộc và từ những bước chân đi xa nhiều ngàn cây số bên dòng Cửu Long để viết lên hai tác phẩm biên khảo Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch - nơi giữa những dòng chữ, độc giả có thể ngửi thấy mùi bùn non đồng ruộng chen lẫn với mồ hôi, nước mắt của đồng bào. 
Và bây giờ là tuyển tập Ngô Thế Vinh viết về 18 người mà ông trực tiếp có giao tình, có hoạt động nghệ thuật một thời với họ, hay từng là môn sinh.
Nơi đây chữ của ông kể lại nhiều thập niên từ quê nhà tới quê người, qua 18 người hoạt động văn học và văn hóa độc đáo, và họ là một phần những gì đẹp nhất của một thời VNCH. Trong đó, có những người đã lìa xa, nhưng không bao giờ trôi vào quá khứ - như Võ Phiến, như Thanh Tâm Tuyền, như Mai Thảo, và tất cả - vì tác phẩm của họ vẫn đang hiện ra trong các sắc màu bất tử của văn học dân tộc, chứ không chỉ riêng của Miền Nam Việt Nam. 
Tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (nơi đây, sẽ gọi tắt là Chân Dung) của Ngô Thế Vinh viết về: Mặc Đỗ, Như Phong, Võ Phiến, Linh Bảo, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Cao Xuân Huy, Phùng Nguyễn, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ. 
Trong đó, hai người cuối danh sách là 2 nhà khoa học, từng là thầy của Ngô Thế Vinh trong Đại Học Y Khoa. 
Bạn có thể thắc mắc: danh sách các chân dung văn học nghệ thuật như thế là không đủ… Như vậy, còn thiếu Tạ Tỵ, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Khắc Khoan, Cung Tiến, Doãn Quốc Sỹ, vân vân… Không phải đâu, họ vẫn bàng bạc hiện ra trong sách Ngô Thế Vinh. Bạn sẽ thấy tên của các nhà văn vừa nêu đó, và rất nhiều nhà văn khác hiện diện trong nhiều trang sách và cả hình ảnh. Như thế, Chân Dung có thể xem là một phần của văn học Miền Nam Việt Nam trước 1975, và một phần văn học hải ngoại. 
Tôi là một trong vài người có cơ duyên được đọc sớm những gì Ngô Thế Vinh viết, mỗi khi ông gửi bài để phổ biến lên báo. Bài ông viết mang tính sử liệu cao, thường dài, phức tạp, nhiều hình, và do vậy khi đưa lên trang web là cả một vấn đề. Để giữ đúng thứ tự hình trong bài, giữ đúng vị trí và giữ luôn cả những cách Ngô Thế Vinh trình bày văn bản, như các chữ nghiêng và chữ đậm, chỉ có cách lấy ra từng tấm hình… Những việc như thế, thường mất gần một tiếng đồng hồ cho một bài viết. Nghĩa là, cực kỳ gian nan. Và tôi phải tự mình trình bày bài Ngô Thế Vinh như thế. Bởi vì, nếu tôi chuyển sang Ban Kỹ Thuật, bài của Ngô Thế Vinh sẽ được phóng lên chớp nhoáng, sẽ không được trình bày như nguyên bản, và có thể bị cắt bỏ rất nhiều hình để làm cho nhanh. 
Nếu tất cả các bài viết gửi tới tờ báo đều phải trình bày cẩn trọng như thế, một tờ nhật báo không thể thực hiện được, khi hàng ngày phải đọc cả trăm bản tin, phải chọn ra vài chục bản tin để dịch, và có khi phải viết các bài bình luận chính trị khẩn cấp trong ngày. Nhưng với Ngô Thế Vinh, tôi tự thấy mình không có quyền để cho chữ của ông chệch ra khỏi cách trình bày nguyên thủy - vì với tôi, chữ của Ngô Thế Vinh đã khắc họa lên những chân dung của văn học, văn hóa… nơi đó, các tác giả sống trong đam mê sáng tạo, khát khao tìm cái mới và đẹp của nghệ thuật, và đồng thời chia sẻ những đau đớn với đồng bào trong cuộc chiến Nam Bắc. 
Ngô Thế Vinh có cơ duyên trưởng thành trong nhiều lĩnh vực. Ông viết văn, làm báo từ thời còn là sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn. Ngô Thế Vinh tự trình bày về cơ duyên xuất bản sách này: 
“… Với 18 chân dung văn học nghệ thuật và văn hoá đã hoàn tất, tôi nhận được nhiều gợi ý nên cho xuất bản như một tuyển tập, nếu có một cuốn sách “tạo dựng [lại] diện mạo của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ” như vậy, thì đây sẽ là trang sách riêng đề tặng cho Phùng Nguyễn.” 
Cảm giác của tôi là: nói là viết để tặng Phùng Nguyễn, một nhà văn thế hệ đi sau nhưng cũng chia sẻ những gian nan một thời chiến tranh Việt Nam, trong tận thâm tâm Ngô Thế Vinh đã viết để tặng cho đời sau. Mỗi bài viết của Ngô Thế Vinh là một mảng lịch sử về dân tộc mình. Bạn có thể đọc Ngô Thế Vinh như đọc những sử liệu có thể không tìm ra nơi đâu, những sử liệu của người trong cuộc kể lại. Văn của Ngô Thế Vinh không để giải trí. Nó có thể làm chúng ta mất ngủ, trằn trọc. Khi đọc sách Ngô Thế Vinh về dòng sông Mekong, chúng ta có thể cảm nhận trên trang giấy có bùn lầy Miền Tây, đang loang những trận mưa nước mắt của đồng bào. Và khi đọc về 18 chân dung văn học và văn hóa, bạn sẽ thấy hơn một nửa thế kỷ lịch sử hiện ra, nơi đó tác giả Ngô Thế Vinh kể lại từ góc nhìn của một nhà văn, và là một bác sĩ. 
Không ai kể được chi tiết về bệnh của họa sĩ Đinh Cường như Ngô Thế Vinh, và cũng là người khéo chọn hai câu của họa sĩ để từ biệt trần gian: 
“…Vĩnh biệt Đinh Cường. Tưởng nhớ cuộc đời tài hoa Đinh Cường qua hai câu thơ man mác của chính anh: 
Ra đi mới biết lòng vô hạn 
sương có mờ thêm trên sông Hương.” 
Chúng ta cũng có thể nhận ra nét bút rất riêng của Ngô Thế Vinh mà không nhà biên khảo văn học nào có thể đạt tới, một nét bút mô tả như ảnh chụp về nhà văn Mai Thảo:
 “… Chỉ có một bàn viết, chiếc giường đơn với nơi đầu giường là một chân đèn chụp rạn nứt và dưới gậm giường mấy chai rượu mạnh; trên vách là mấy tấm hình Mai Thảo; đặc biệt là tấm ảnh phóng lớn có lẽ chụp trước 1975, Mai Thảo cao gầy ngồi trên bậc thềm nhà cùng với nhà thơ Vũ Hoàng Chương mảnh mai trong áo dài the, phía dưới là một kệ sách…” Ngô Thế Vinh cũng kể về những mâu thuẫn trong văn giới về cách biên khảo văn học, qua bài viết về Võ Phiến: 
“… cho dù Võ Phiến đã phải lao động bền bỉ suốt 15 năm [1984-1999] để hoàn tất bộ sách Văn Học Miền Nam nhưng chính ông chưa hề tự coi đó là một công trình hoàn hảo nên vẫn ao ước việc đánh giá nền văn học 1954-75 cần được bắt đầu nghiêm chỉnh. 
Cho dù bộ sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến có những hạn chế đưa tới nhiều tranh cãi khá gay gắt. Người ta đã nặng lời trách ông về những phần thiếu sót trong bộ sách ấy: như khi ông đã gạt một số tên tuổi văn học của thời kỳ 1954- 75 ra khỏi bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan, rồi cả cách ông phê bình các nhà văn, nhà thơ được ông chọn đưa vào sách cũng bị ông sử dụng cái sở trường văn phong tuỳ bút/ nay thành sở đoản để châm biếm mỉa mai cá nhân với nhiều định kiến thiên lệch. 
Nhà văn Mặc Đỗ nhóm Quan Điểm thì thật sự bất bình, Mai Thảo nhóm Sáng Tạo trong lần trò chuyện cuối cùng với Thuỵ Khuê 7/1997 cũng không kềm được cảm xúc nói tới “bọn vua Lê chúa Trịnh”, và nói thẳng: “Võ Phiến cũng có chỗ được chỗ không được. Đại khái như phê bình văn học, đối với tôi thì không được. Văn Học Miền Nam tổng quan đó thì không được. Thơ dở. Tạp văn hay.”…” Trong bài viết về Nguyễn Đình Toàn, chúng ta sẽ nhận ra cách đọc văn của Ngô Thế Vinh, không chỉ đối chiếu với các diễn biến lịch sử quê nhà, mà cũng là phân tích về nỗ lực sáng tạo: 
“Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri… …Nguyễn Đình Toàn với kỹ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. 
Nguyễn Đình Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp.” 
Trong bài viết về Thanh Tâm Tuyền, chúng ta cũng đọc được các lá thư trao đổi giữa nhà thơ và Ngô Thế Vinh - đó là các lá thư mang tính sử liệu, ghi lại những chặng đường sáng tác và suy tư của Thanh Tâm Tuyền. 
Ngô Thế Vinh viết: 
“… Những người bạn gần và hiểu TTT đều nghĩ rằng thái độ sống ẩn dật, từ chối những tiếp xúc và khép kín của anh có lý do của một TTT đang tự lột xác, lặng lẽ tích luỹ, TTT vẫn đọc rất nhiều và không ngừng đi tìm cái mới, với “giấc mộng lớn” để rồi khi tái xuất hiện là một TTT hóa thân, đó sẽ là một TTT khác, một TTT phục sinh để anh có thể viết trở lại/ re-écrire.
Nhưng rồi, như một định mệnh, TTT đã không còn thời gian.” 
Vâng, Thanh Tâm Tuyền không còn thời gian. Nhưng các tác phẩm văn học của Thanh Tâm Tuyền đã trở thành một tượng đài, vương các lớp bụi thời gian và vẫn đứng sừng sững trước mắt chúng ta. 
Hay như hình ảnh Nhật Tiến qua lời kể Ngô Thế Vinh - cả hai người đều là nhân chứng sống của một thời 1963. Lúc đó, nhà văn Nhất Linh trước khi tuẫn tiết đã chép một bản sao di chúc gửi cho chàng sinh viên y khoa Ngô Thế Vinh đề ngừa mật vụ tịch thu và bóp méo sự kiện. Lúc đó, nhà văn Nhật Tiến đã can đảm đọc bài tiễn biệt Nhất Linh giữa vòng vây mật vụ. Ngô Thế Vinh kể lại: 
“… Nhất Linh đã viết thêm một bản di chúc thứ hai giao cho nhóm sinh viên. Lúc đó tôi đang học năm thứ ba Y khoa. Vào những ngày đầu của tháng Bảy, 1963, Nguyễn Tường Quý chở anh là Nguyễn Tường Vũ [con của ông Nguyễn Tường Thụy, người anh cả của mấy Anh Em gia đình Nguyễn Tường] xuống Đại học xá Minh Mạng tìm tôi. Quý chờ xe ở ngoài, chỉ có Nguyễn Tường Vũ vào gặp. Không nói gì nhiều, Vũ trao tay cho tôi một phong thư mỏng, cho biết đó là một trong hai bản di chúc viết tay của Nhất Linh: “Nhờ Vinh giữ, khi cần Vinh đưa lại“. 
… Điếu văn của nhà văn trẻ Nhật Tiến lúc đó mới 27 tuổi, giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, Nhật Tiến đã can đảm phát biểu với tính cách một nhà văn độc lập cho dù lúc đó Anh đang là Phó Chủ tịch Văn Bút. Nhật Tiến đã ràn rụa nước mắt với hết tâm can nói tới cái chết của nhà văn Nhất Linh: “Văn hào đã hình thành sứ mạng cao quý của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính.”…” 
Những dòng kể lại tự thân đã trở thành một phần lịch sử. 
Bên cạnh vai trò nhân chứng lịch sử, bản thân Ngô Thế Vinh cũng là một nhân chứng y khoa. Như trong bài Ngô Thế Vinh viết về Cao Xuân Huy: 
“… Melanoma-mắt là loại ung thư hiếm, rất thầm lặng và khi phát hiện thường là trễ… 
Huy và tôi, qua cell vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, thường là ngày thứ Năm sau ngày tái khám ở UCLA về. Thường là tôi phone cho Huy, nhưng lần này Huy gọi tôi báo tin cho biết CT scan mới phát hiện có bướu nhỏ trong gan. Nhiều phần có thể là do di căn từ ung thư mắt…” 
Chúng ta cũng sẽ gặp những tấm ảnh hiếm gặp, những khoảnh khắc của lịch sử ghi lại qua ống kính máy ảnh. Thí dụ, trong bài viết về Giáo sư Phạm Biểu Tâm, bên cạnh các tấm hình có từ thân nhân Giáo sư họ Phạm, chúng ta sẽ thấy một tấm hình có nguồn từ Life Magazine, với ghi chú của Ngô Thế Vinh: 
“… Hình 1: Gs Phạm Biểu Tâm nói chuyện với SVYK trong một giảng đường 28 Trần Quý Cáp, Sàigòn sau vụ Thầy bị bắt trước biến cố 1963. [nguồn: Life Magazine]” 
Cuối bài viết này, Ngô Thế Vinh mượn chính dòng thơ của Giáo sư Phạm Biểu Tâm, người được mô tả là “một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước” để như lời từ biệt của môn sinh gửi tới người thầy ngành y: 
“Nhớ Thầy Phạm Biểu Tâm, đọc lại bài thơ thiền của Thầy, để tìm được nguồn an ủi: 
Trăm năm trước thì ta chưa có 
Trăm năm sau có cũng như không 
Cuộc đời sắc sắc không không 
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi…” 
Vâng, câu hỏi trong đời của từng người chúng ta vẫn là: trăm năm còn lại chút gì? Câu trả lời là, ước mơ một nét văn hóa Việt nơi phương trời xa. Ngô Thế Vinh viết về họa sĩ Nguyên Khai, và ghi ước mơ này: 
“Mong ước, rồi ra ngoài một Gallery Nguyên Khai trên không gian ảo www.nguyenkhaiart.com, căn nhà nhỏ mơ ước của Nguyên Khai - chữ của Trịnh Cung, nơi thị trấn Tustin, Orange County California và một số tranh tượng ấy sẽ được giữ lại như thêm một nét văn hoá Việt nơi thủ đô tỵ nạn của một thế hệ di dân thứ nhất.” 
Hay như để hóa thân vào một nền văn học khác, như trường hợp Nguyễn Xuân Hoàng, khi được một nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật. Ngô Thế Vinh viết: 
“Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là “Mùa Thu”, cô đã không có may mắn được gặp nhà văn NguyễnXuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.” 
Để nói ngắn gọn, thời gian đang cuốn trôi tất cả, nhưng tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa của Ngô Thế Vinh sẽ vẫn ở mãi với văn học Việt Nam, vừa là sử liệu, vừa là chứng liệu, vừa là nhận định văn học từ chính một người cùng chia sẻ nỗ lực sáng tạo một thời. Nơi một góc thư viện, tác phẩm của Ngô Thế Vinh vẫn là độc đáo, và những dòng chữ đó - dù là viết về dòng sông Mekong hay về dòng sông văn học - cũng là từ máu tim của ông. Xin trân trọng mời đọc.
Nguyên Giác
Theo https://thuvienhoasen.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...