Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Bích Khê - Con suối xanh lặng lẽ

Bích Khê - Con suối xanh lặng lẽ
1. Cái trong lặng của nguồn…
Có một Trường thơ Loạn ra đời, những năm 30 của thế kỷ trước, trên  vùng đất “khúc ruột miền Trung” này, với ba chàng trai trẻ.
Họ là ai? Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Lịch sử văn chương Việt Nam có lúc sững lên vì họ. Và rồi Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử đường hoàng đi vào sách giáo khoa, được công chúng trẻ hôm nay đọc và học mỗi ngày trong giảng đường.
Duy chỉ có Bích Khê lặng lẽ.
Nhà thơ biết và muốn mình mãi là con suối biếc. Suối biếc thì luôn náu mình giữa đại ngàn. Giòng rất hẹp mà lòng rất sâu. Nước trong đến rợn người, xiết vào lòng đá tảng.
Tinh huyết và Tinh hoa từ khi ra đời vẫn luôn tỏa ra một mùi hương lạ. Nó làm ta liên tưởng đến tiếng chuông kỳ ảo trong các huyền truyện của H.C.Andersen. Những người lớn ngập mình trong thế giới được thua sẽ không bao giờ bắt được mùi hương tiếng chuông ấy. Chỉ có những trẻ thơ thoáng nghe và mải mốt đi tìm. Và, họ bắt gặp một chân trời bát ngát.
Những chân trời mời gọi. Thơ Bích Khê mời gọi chúng ta. Bước tới và khám phá đi, thơ ca của giòng suối biếc.
2. Khát vọng chạm môi vào tinh chất…
Tuổi đôi mươi, nhà thơ đã chọn những âm trầm. Phương Đông uy nghiêm (Đường luật) hay Việt Nam lả lướt (Hát nói) đều nằng nặng một u hoài.
Này sầu hoa, sầu cỏ, sầu núi, sầu non
Sầu tất cả bà con say tỉnh dở
Chưa nói đến tớ sầu vì tớ
Bôn ba mà vỡ lỡ nét tang thương
Ma dắt lối quỉ đưa đường
Sầu đây đó sầu vương chằng chịt mãi
(Bán sầu)
Cái u hoài này không trang trọng cổ kính Huyện Thanh Quan mà phóng túng tài hoa Nguyễn Khắc Hiếu.
Rồi cái âm trầm ấy đã trở thành chủ âm của thơ ca Bích Khê, khi chàng dấn bước vào hành trình khơi mở. Cúi xuống và cúi sâu xuống hồn mình, trái tim thơ trẻ đã giao hòa cùng đất đai quê xứ:
Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh
Anh có khi nào trở lại chưa?
Ngày đi chậm lắm. Giòng sông biếc
Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa
(Làng em)
Làng thì cũ. Ngày thì chậm. Và mưa. Nhưng giòng sông biếc lại hừng sáng, bất chấp khung cảnh vây quanh. Bởi giòng sông ấy đã thu vào lòng mình cái hồn thời đại. Bởi nhà thơ đã tìm thấy thanh gươm bổn mệnh của đời mình:
Người cho ta một thanh gươm rất sắc…
(Mộng cầm ca)
Từ ngôi làng quạnh hiu ơ thờ ngày tháng, làm thế nào chàng trai thơ bắt được thanh gươm? Không, gươm đã tìm đến chủ, như thuở xưa sứ thần tìm đến Gióng. Và rồi bình minh đến. Một bình minh của thơ ca và sáng tạo.
Một thanh gươm rất sắc, có ai nói như thế không về ngôn từ thơ ca? Và rồi ngay tức thì, từ khoảnh khắc chạm tay, Bích Khê hiểu ra mình đã cầm nắm được một điều kỳ diệu: một luồng sinh khí khác thường khai mở sức thanh xuân. Những cụm từ chỉ hành động mạnh mẽ ngông cuồng: Vung lên cắt… mạch nguyệt vàng xanh, Xẻ mạch trời mây xô sao, răng rắc, Phăng mạch đêm, hương vỡ, ứa ngầm tinh, Điên rồ múa… có khác thường không với một bài thơ mang cái tên êm đềm Mộng cầm ca?
Có mối liên hệ nào giữa chiếc đàn mộng tưởng và thanh gươm rất sắc? Bích Khê nói gì với ta ở ba từ mạch liên tiếp (mạch nguyệt, mạch trời mây, mạch đêm) nằm trong ba câu thơ liền nhau trên? Như thói thường, thi nhân nương mình vào vũ trụ để tìm hòa âm giai ngẫu, Bích Khê lại muốn lay động, phá vỡ, xáo trộn. Vì sao?
Một mình chiêm nghiệm trong bóng tối mịt mùng của không gian vật lý, không gian xã hội, không gian tâm lý và không gian chữ nghĩa, nhiều lúc nhà thơ đã như nắm được sợi sinh mạch nguồn cơn của thế giới này. Đắm say và khát khao, người muốn đi đến cùng trong cảm giác chạm môi vào tinh chất (essence). Trịnh Công Sơn rất gần với Bích Khê trong tâm thế thường trực này, chỉ có điều người thì khẽ khàng, kẻ lại mạnh mẽ, nhưng cuối cùng cả hai đều đến đích, bởi họ đã sử dụng tài tình cái chìa khoá đầy quyền năng của ngôn từ và giai điệu.
3. Những bước lượn bất ngờ làm nên nghịch lý…
Trong giòng chảy 14 năm của mình, Bích Khê luôn có những bước lượn ngoạn mục đầy bất ngờ, bởi vì nói như Thanh Thảo, chàng luôn luôn “bước tới [①]. Có thể thấy những bước vận động lớn qua ba chặng đời nghệ thuật: 1931-1936, 1936-1939, 1939-1945, tương ứng với ba tập thơ: Mấy giòng thơ cũ (chưa xuất bản), Tinh huyết (1939) và Tinh hoa (1997). Cũng có thể nhận ra sự tự vượt thoát của Bích Khê trong từng tập thơ một. Rồi đây hẳn chúng ta còn phải nghiên cứu kỹ về hai vấn đề trên, với công tác văn bản học tỉ mỉ, khoa học. Ở đây, đi từng bước nhỏ, tôi muốn dõi theo những cú lượn trong từng bài thơ của Bích Khê. Những cú lượn cực nhanh và ngày càng tinh diệu, lắm khi làm chúng ta hoa mắt.
Với Mộng cầm ca, bốn khổ thơ đầu phả ra cảm giác dạt dào của ngũ quan về thiên nhiên và con người; bỗng ngoặt một cái, đường bay sững lại ở sự kiện đầy kịch tính, là biểu tượng chuyên chở tuyên ngôn:
Người cho ta một thanh gươm rất sắc
Ồ vung lên…cắt mạch nguyệt vàng xanh
Xẻ mạch trời-mây xô sao, răng rắc
Phăng mạch đêm, hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Người cho ta một thanh gươm rất sắc
Ta điên rồ… múa giữa áng bình minh
Trong Đồ Mi hoa, sau khi ngợi ca một nhan sắc vừa lồ lộ đài nộn nhụy, vừa tinh khiết chứa mùa xuân phẩm tiết, Bích Khê uốn lượn ở khổ thơ áp chót:
Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ
- Sắc trong màu, màu trong sắc: hân hoan..
Ta những muốn mùa đông nhường lại chỗ
- Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc: lan man…
Ta những muốn màn đen về cõi mộ
- Cả không gian là bể sáng tràn lan
Đến Duy tân, bằng thể thơ tám chữ, Bích Khê uốn lượn trong từng câu:
- vắt giòng, chấm ngang:
Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới,
Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong (…)
Trong vòm xanh. Màu cưới màu bình lặng,
Gây phương phi: chiếu sáng ngả sang mờ
Vì hình dung những sắc mát, non, tơ
Như mặt trời lọc qua khóm liễu, một
Hoàng hôn - Ôi đàn môi, chim báu tớt:
- mở ngoặc:
Múa song song: khiêu vũ dưới đêm hồng
(Những con cừu tim trẻ mướt như lông…
- xuống giòng bậc thang, hỏi và trả lời:
Mộng?
Thiên tài?
- Trên hỗn độn khoả thân
- chú dẫn ý nghĩa bằng hai gạch nối:
Vàng… khi cách biệt - giữa hồn xây mộ -
Nhưng kinh ngạc hơn là Xuân tượng trưng và Ngũ Hành Sơn (tiền và hậu), những bài thơ mà theo tôi là đỉnh điểm của thiên tài. Nơi đây, trong một thể thơ năm chữ, Bích Khê đã lượn trong từng từ, từng âm, từng hình ảnh, từng nhịp điệu, từng ý nghĩa...
Văn bản cho thấy, từ mở cho đến kết, Xuân tượng trưng và Ngũ Hành Sơn (tiền và hậu) hoàn toàn không có dấu ngắt. Đó quả thực là con suối vô thủy vô chung, lưu vực hẹp và sâu, lưu lượng mạnh và luân chuyển khôn lường thành nhiều con sóng nhỏ: lời/ nhạc/ hình/ nét/ cảm giác/ tư tưởng… (Xuân tượng trưng); vật/ người/ tình/ cảnh/ nhạc/ tiên/ yêu tinh/ ngai báu/ thiên đường.. (Ngũ Hành Sơn (tiền) người/ cảnh/ vũ trụ/ triết học/ Phật/ văn chương/ thế gian… (Ngũ Hành Sơn (hậu).
Ở Ngũ Hành Sơn (tiền):
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngai báu thiên đường
Hai ta là chất bổ
Cắn ở trái đau thương
vì họ có đôi, nên ước vọng cao nhất là đến đỉnh non Bồng:
Ôm nhau chết bên đường
Mơ màng trăng hạc rước
Ở Ngũ Hành Sơn (hậu), chàng đi một mình, nên được cái niềm vui hào sảng sóng mình cùng triết lý, Phật pháp và “chính phẩm văn chương”:
Đứng trên Đài Vọng Hải
Ngỡ tới Hoàng Hạc Lâu
Tuyệt thay hòn Non Nước
Hồn Thôi Hiệu ở đâu
Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, lạy
Trên, dưới, đất, trời, chầu
Vàng sao ngời mắt rạng
Sương châu nhỏ giọt sa
Những bài thơ trên, khi đọc lên, gợi nhớ những thần chú xa xưa,  do âm điệu cực kỳ biến ảo và ngôn ngữ thơ ca giàu sức nén.
Và như vậy có thể nói, bước lượn lớn nhất, bao trùm nhất của giòng chảy thơ Bích Khê là đường lượn chéo, uyển chuyển, đã nối liền  Đông và Tây,  xưa và nay,  thi ca và triết học, cảm giác và trí tuệ….
Những bước lượn đã làm nên các nghịch lý trong văn bản và ngược lại. Phân tích các nghịch lý này, dường như ta  hiểu được phần nào cái lạ lùng khó hiểu của thế giới thơ Bích Khê.
4. Con người kép trong thơ, sự chưng cất tuyệt đẹp từ đâu…
Không theo lẽ thường, Bích Khê xuất hiện và tồn tại trong không gian thơ của mình một con người kép: con người cảm xúc và con người suy tưởng.
Cuộc gặp gỡ giữa ba thi nhân thuở ấy, thoáng chốc thôi, mà như định mệnh. Lần lựa hơn trong khởi nghiệp, Bích Khê bừng nở muộn và thơ ông là tinh chất được chưng cất từ hai dung dịch thơ ca đậm sắc Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên.
Dù chứa chan cảm xúc, Bích Khê không chuồi đi trong dẫn dắt của ngũ quan như Hàn Mặc Tử. Dù tràn đầy ý thức cách tân, Bích Khê không xiêu theo hấp lực của suy tưởng như Chế Lan Viên. Không chỉ đam mê Bích Khê còn tỉnh thức. Vừa sống với thơ, Bích Khê còn nghĩ về thơ. Từng bài thơ Bích Khê dung chứa con người kép này của ông, mà phương diện nào cũng sục sôi, cũng “bôn bức” [②].
Sẽ cắt nghĩa thế nào, hiện tượng này?
Đồng bệnh tương lân, có lẽ trong những người bạn thơ, Bích Khê gần Hàn Mặc Tử nhất. Chia sẻ, xót xa, tâm hồn thơ Bích Khê có lúc giao hòa cùng Hàn Mặc Tử: Hiện hình, Làng em, Nghê thường…Chất cảm xúc trong thơ ấy là cảm xúc quyện chặt giữa hồn và xác: chiêm ngưỡng và rạo rực, hân hoan và thảng thốt. Cái âm điệu trong thơ ấy vừa dào dạt vừa kìm nén. Cái hình ảnh trong thơ ấy vừa bảng lảng vừa suồng sã. Nhưng cả trong khi giống Hàn Mặc Tử như vậy, Bích Khê đã đi xa hơn, đã ướm mình vào thế giới siêu thực, như nhiều người nói, và vẫn là Bích Khê với âm chất Quảng Ngãi của riêng mình: Gió thiệt đa tình…Thơm tho mùi thịt bắt say ngà… (Hiện hình); Lên men nồng khướt, xoay tròn lên không (Cuối thu); Nhung mây ê ngời sao kim cương, Dạ lan ê ngời say men hương,  Này! Muôn ngọc nữ ngớp y thường(Nghê thường); Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ (Đồ mi hoa); Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương.. Hỡi trần gian! Hãy chết ngột trong sao (Nàng bước tới); Tôi sú tình trong đôi mắt ướt, Mơ màng phối hiệp ở chiêm bao (Tôi chết rồi tiếng nói như châu); Màu thi sắc lá đọ dung nghi (Hồ Xuân Hương); Của lời thơ lóng đẹp. Ôi đàn môi, chim báu tớt (Duy tân); Miệng nào rục điệu ca, Làm ứa mảnh trăng lòn  (Ngũ Hành Sơn).
Cũng từ phong khí đất đai và nhịp hồn thời đại mà thơ Bích Khê gặp gỡ thơ Chế Lan Viên, trong cảm hứng, trong motif nghệ thuật và trong sự tỉnh thức. Nhưng nếu Chế Lan Viên ngả về cái huy hoàng của tư duy, Bích Khê nương theo cái tráng lệ của ngôn từ. Suy tưởng với Bích Khê là suy tưởng trên ngôn từ. Vì vậy Bích Khê cách tân rõ hơn Chế Lan Viên về thủ pháp.
Chất nhựa thơm nồng kỳ lạ đã ứa ra, trên đôi tay của những người tinh luyện ngôn từ, Tây và Đông: Baudelaire, Rimbaud, Valéry, Bích Khê …
Có cả trong thơ Bích Khê, cái hồn của Đông và Tây, cổ kính và hiện đại, nghiêm trang và sỗ sàng, vì thế Quách Tấn nói “Bích Khê nhảy từ thái cực này sang thái cực khác” (…) lúc “khăn đen áo dài tề chỉnh”, khi “trần thân đứng trước chỗ đông người mà không chút ngượng ngùng” [③].
Đọc thơ Bích Khê sẽ nhận ra cái cảm giác dạt dào của ngũ quan, cái táo bạo và bề bộn của hình ảnh, luôn bị gò trong cái khuôn cân đối chặt chẽ của câu thơ và nhịp điệu. Đừng hòng tìm ở đây cái lửng lơ xộc xệch của câu thơ tự do. Điều gì làm nên cái nghịch lý thứ hai này trong thế giới thơ ca Bích Khê? Ta biết rằng cả cũ và mới, Bích Khê đều muốn vắt ra cái chất nước trong ứa từ nguồn cội. Và là nước thì tất phải chảy, con suối ấy chưa bao giờ dừng đọng, chưa bao giờ chịu cam lòng quẩn quanh, dù nhà thơ thì đang phải giam mình trong một xác thân bệnh tật và một không gian tỉnh lẻ. Vận động, mải miết chảy, đó là hình ảnh mà thơ ca Bích Khê lưu lại. Bước vận động của thơ Bích Khê cũng khác người. Nói theo ngôn ngữ truyện chưởng, Bích Khê luôn đi những chiêu hết sức bất ngờ. Sách vở và kiến thức đông tây cổ kim tất nhiên là có, nhưng đến một lúc nào đó đã nép mình nhường cho một linh giác lạ thường, làm nở xoè ra những bông ánh sáng.
5. Tinh huyết, Tinh hoa, xác tín và trao gửi…
Nghệ sĩ nhất trong số những nghệ sĩ Việt Nam hiện đại, Bích Khê lại là con người luôn xác quyết trong đời và trong thơ. Những giòng hồi ức của Quách Tấn và Ngọc Sương hé mở nhiều với ta về một cá tính. Và tôi tự hỏi: làm sao ở độ tuổi đôi mươi, người ta có thể tự chủ và tự biết đến vậy! Tự chủ và tự biết trong học tập, trong lập thân, trong văn chương, trong tình cảm và cả trong cái chết, khi thân xác thì ốm yếu, đời sống thì gian nan.
Lời tuyệt mệnh Bích Khê tự đề cho mộ chí mình:
Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi
là một một dự báo đầy tự tin, hoàn toàn ung dung, của một thi nhân hiện đại đứng vững trên khu vườn thơ ca dân tộc.
Nhưng còn Tinh huyết và Tinh hoa, nhan đề hai tập thơ mà Bích Khê đã rất cân nhắc trong chọn lựa?
Tinh huyết làm chúng ta nghĩ về cái essence của vùng miền và đất nước kết lại, làm thành cốt cách, khí chất nơi người. Tinh hoa lại gợi đến cái essence của xã hội và thời đại hội tụ, bộc lộ thành tài năng, dáng vẻ.
Bích Khê đã trao tặng chúng ta cái món quà vô giá mà từ lúc hình thành ý tưởng, đếnlúc gói ghém, cột nơ, thảy đều cẩn trọng và chu tất.
6. Dáng viết Bích Khê…
Lịch sử thơ ca để lại cho ta những dáng viết và những dáng người. Có thời ta gặp những dáng viết tỏ ra vững chãi hân hoan trong những dáng người dựa dẫm. Thật hạnh phúc khi gặp những dáng viết liêu xiêu lảo đảo trong dáng người thung dung tự tại. Bích Khê- đời, từng chịu đựng những cơn đau, lặng lẽ thu xếp trước cho mình cái chết, nồng nàn cả tin mà cũng quyết liệt đến bất ngờ. Bích Khê- thơ, chọn cho mình một lối đi cheo leo, và cái dáng thơ chênh vênh nghiêng ngả trên sợi dây rất mảnh vắt ngang núi cao và vực sâu ấy luôn làm ta chóng mặt.
Ba mươi mốt năm trần thế, một thể chất mong manh, một trái tim nhạy cảm. Tình yêu hay thời cuộc, tiếng dội nào cũng đều làm ran ngực trẻ. Bích Khê đã chọn nhận và khước từ. Chỉ có cuộc hôn phối với thơ ca là vĩnh viễn. Với thơ ca, chàng đã giữ được thế cân bằng để đi đến đích. Cả trong thơ và trong đời, Bích Khê như một người đạt đạo ở tuổi ba mươi.
Chú thích:
①] Thanh Thảo - Chàng bước tới, trong Bảy mươi năm đọc thơ Bích Khê, Nxb. Thanh Niên, H, 2003, tr.142
[②] Lời của Bích Khê: “Tôi biết thơ tôi chưa theo kịp thơ Tử. Thơ Tử đã lên đến độ “xuất thần nhập hóa”. Tôi phải tu luyện lâu ngày mới vói tới vai Tử được. Sánh Tử là  Gia Cát Lượng, tôi là Bàng Thống đúng lắm. Phải công nhận Bàng Thống thua Gia Cát Lượng xa. Một bên ung dung… một bên bôn bức… Tánh tôi thật giống tánh Phụng Sồ..” (Quách Tấn, Đời Bích Khê, Lửa Thiêng, S, 1971, tr.159)
[③] Sđd, tr.94.    
Sài Gòn, 2006
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn

Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn Lôi sinh ra ở một làng chài, gần cảng biển thuộc nước Vệ. Là chàng trai khôi ngô, tuấn tú, vốn có tố ch...