Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Bích Khê - Tài thơ độc đáo

Bích Khê - Tài thơ độc đáo
Đọc thơ Bích Khê, ta như đắm mình trong thế giới của màu sắc, mùi hương, hình ảnh, âm thanh... Người đọc như được tác giả dẫn vào thế giới tĩnh lặng và ở đó chỉ âm vang hư thực, mờ ảo của tiếng đàn truyền thống.
Cuối bài viết “Người em: Bích Khê”, bà Lê Thị Ngọc Sương - chị ruột của nhà thơ - ghi lại một chi tiết rất có ý nghĩa: “1945 - một đêm có tiếng reo hò vang lên: quân Nhật đầu hàng. Sáng hôm sau, thiên hạ hay rằng có cuộc khởi nghĩa. Bích Khê mừng quá, bắt người nhà khiêng chàng nằm trên ghế bố ra cửa đón phong trào đang lên. Chàng nói với chị: Em chưa muốn chết! Em yêu đời quá!”.
(70 năm đọc thơ Bích Khê, trang 24, NXB Thanh niên, 2003)
Câu nói thật cảm động, giúp ta rõ niềm vui sướng vô cùng của thi sĩ thanh niên khi được chứng kiến cuộc đổi đời của dân tộc. Tâm trạng hồ hởi đón chào cách mạng của Bích Khê không có gì khó hiểu, vì bản thân ông vốn nặng lòng với quê hương, đất nước. 
Có thể thấy rõ tình cảm ấy qua các bài thơ vịnh sử và những bài viết về các vùng quê của đất nước. Tâm trạng mừng vui ấy còn do truyền thống yêu nước của gia đình. Ông nội Bích Khê (cụ Lê Trọng Khanh) tuẫn tiết, quyết không khuất phục trước sự mua chuộc của tên đại Việt gian Nguyễn Thân. Ông thân sinh (Lê Quang Dục) ẩn cư trong nghèo túng để giữ tròn khí tiết. Chị (Lê Thị Ngọc Sương) và các anh (Lê Quang Khâm, Lê Quang Hường) đều gắn bó thuỷ chung với cách mạng,
Tiếc thay, niềm mong muốn giản dị và thật xúc động ấy không thực hiện được vì đã đằng đẵng chín năm ông mắc bệnh lao phổi và lúc đó là giai đoạn cuối cùng. Chỉ năm tháng sau ngày Quảng Ngãi khởi nghĩa, Bích Khê của chúng ta qua đời ngày 23 tháng Giêng năm 1946.
Bích Khê là một nhà thơ chân tài nhưng yểu mệnh. Không riêng gì ông, giai đoạn này có không ít nghệ sĩ nổi tiếng cũng ở tình trạng tương tự: Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) hưởng dương 24 tuổi, Vũ Trọng Phụng thọ hơn một chút, mất lúc 27 tuổi (1912 - 1939), Hàn Mặc Tử cầm cự khá hơn, nhưng cũng không qua tuổi 28 (1912 - 1940). Còn Nam Cao, ông đã hy sinh trước loạt đạn độc ác của thực dân Pháp ở bến đò Hoàng Đan lúc mới 36 - tuổi đã đến độ chín của nghiệp cầm bút.
Trong sáng tạo nghệ thuật, tài không đợi tuổi. Nguyễn Nhược Pháp có chỗ đứng xứng đáng trong nền thơ hiện đại chỉ bằng một tập thơ hết sức trong sáng Ngày xưa (1935). Thi nghiệp của Hàn Mặc Tử phong phú hơn, ông để lại cho hậu thế một chùm tác phẩm: Gái quê (1936), Thơ điên (tức Đau thương, 1936), trong đó có những bài sống mãi với thời gian (Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ). 
Cũng cần kể thêm các tập Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên v.v… Hai cây bút văn xuôi thì khỏi nói nhiều: Vũ Trọng Phụng là “tiểu thuyết gia trác tuyệt” (chữ của Nguyễn Đình Thi) bất tử với Giông tố và Số đỏ. Nam Cao cũng có vị trí tương tự với Chí Phèo và nhiều truyện ngắn xuất sắc khác.
Ngay khi Tinh huyết ra mắt độc giả, tín hiệu phản hồi rất tích cực. Hàn Mặc Tử khẳng định “có thể so sánh thơ Bích Khê như một đoá hoa thần dị” (bài tựa tập Tinh huyết, 1939). Tác giả Thi nhân Việt Nam - nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh - thì cho rằng trong Tinh huyết “có những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” (1941). Bước vào thời kỳ đổi mới, thơ Bích Khê càng được trân trọng. Còn Bích Khê? Đời thơ của ông kéo dài hơn một thập kỉ, từ tuổi 16 đến lúc qua đời. Sinh thời, ông mới cho in tập thơ Tinh huyết (1939). Non 50 năm sau, người đọc mới tiếp nhận tập thơ thứ hai (Tinh hoa). Bản thảo 3 tập thơ Mấy dòng thơ cũ, Đẹp, Ngũ hành sơn đến nay vẫn chưa được công bố đầy đủ.
Theo Chế Lan Viên, thơ Bích Khê là “một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực, lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ hai” (Thơ Bích Khê - 1988).
Còn nhà phê bình đáng tin cậy Lê Đình Kỵ thì khẳng định: “Bích Khê xuất hiện trên thi đàn như nhà cách tân đi xa hơn cả so với đương thời” (Bích Khê - Truyền thống và cách tân, 1997).
Nói cho công bằng, góp phần cách tân mạnh mẽ thơ mới, song hành với Bích Khê phải kể đến Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử. Hãy nói riêng về Bích Khê. Chặng đường sáng tác đầu tiên của ông lúc chưa đến tuổi thành niên chủ yếu là thơ Đường luật (Nguyễn Huệ, Đèo Hải Vân, Về Thu Xà cảm tác…) và thật lạ, nhà thơ sáng tác cả theo thể ca trù - thể loại tưởng như đã được đưa vào viện bảo tàng (Nghe chuông, Bán thơ). Nhà thơ được công luận đón chào dè dặt và chưa có chỗ đứng xứng đáng trên thi đàn. 
Từ năm 1937 trở đi, có một Bích Khê khác - Bích Khê của thơ tượng trưng. Cuối đời, ông tiến sang địa hạt tôn giáo nhưng đúng như Nguyễn Huệ Chi nhận xét “tính chất tượng trưng là đặc điểm quán xuyến toàn bộ thơ Bích Khê, nó chi phối cả những bài mang cảm xúc dữ dội cũng như những bài nhẹ nhõm” (Từ điển Văn học bộ mới, trang 126).
Ông đã từng tuyên ngôn:
Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay xuân đã lại
Thuần tuý và tượng trưng
(Xuân tượng trưng)
Sự đổi mới này là do ý chí quyết tự vượt mình của Bích Khê trên cơ sở đã tiếp nhận ảnh hưởng của tinh hoa thơ phương Tây, đặc biệt là thơ Pháp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế bậc trung học và bậc chuyên khoa tú tài. Ông đã nghiền ngẫm tác phẩm của Valéry, Rimbaud, Verlaine, Mallarmé, Baudelaire…
Cũng không thể không nhắc tới sự “khích tướng” - bức thư với nhiều lời khiêu khích mỉa mai của Hàn Mặc Tử “cốt làm cho chàng tức. Quả nhiên chàng giận run người và vội trả lời, thề với tôi rằng: trong sáu tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến làm thi sĩ nữa” (sách đã dẫn).
Nét độc đáo “rất Bích Khê”, như Hàn Mặc Tử nhận xét “là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…” (sách đã dẫn).
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,/ Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này/ Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?/ Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm/ Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?/ Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường/ Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc./ Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc/ Vài chút trăng say đọng ở làn môi.Chính vì thế, rất táo bạo, ông là người thứ hai sau Nguyễn Du vẽ “tranh lõa thể” bằng thơ, nhưng người đọc tuyệt nhiên không thấy sự gợi dục mà như được chứng kiến một kiệt tác của tạo hoá:
Hàn Mặc Tử đã bình luận xác đáng: “Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đương nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Và thấy mái tóc u huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm đang ngủ mơ…”(sách đã dẫn).
Sự sáng tạo độc đáo này được thể hiện thành công trong Xuân tượng trưng, Đồ mi hoa, Nghê thường, Hiện hình… và một số bài khác. Tất nhiên cũng có bài vượt ngưỡng cho phép khiến yếu tố nhục cảm và cuồng loạn được thể hiện khá đậm nét, có thể gây phản cảm nơi người đọc - chẳng hạn bài Xác thịt. Có thể cảm thông, cũng như Hàn Mặc Tử, đây là tác động của tình trạng bệnh tật, căng thẳng và kéo dài mà tác giả phải chịu đựng.
Đọc thơ Bích Khê, ta như đắm mình trong thế giới của màu sắc, mùi hương, hình ảnh, âm thanh. Chắc hẳn Bích Khê cũng như những nhà Thơ mới am hiểu sâu sắc thơ Pháp đều tâm đắc với quan niệm của Baudelaire “Les parfums, les couleurs et les sons se repondend” (Mùi hương, màu sắc, âm thanh hô ứng với nhau). Verlaine nhấn mạnh một cách thuyết phục: với chủ nghĩa tượng trưng, nhạc điệu là yếu tố được quan tâm trên hết và trước hết (De la musique avant toute chose). 
Thật thú vị, quan điểm của Verlaine đã gặp gỡ với truyền thống thơ ca Việt Nam - một nền thơ đặc biệt coi trọng tính nhạc, coi nhạc điệu là một phương diện căn bản của hồn dân tộc. Có thể kể hàng loạt bài thơ gây ấn tượng sâu sắc với người đọc: Tiếng đàn mưa, Mộng cầm ca, Đây bản đàn thơ, Tiếng sáo dưới trăng…
Nhạc tính trong thơ ông được thể hiện một cách linh hoạt qua vần, nhịp, cách ngắt câu, cấu tạo hình ảnh. Chẳng hạn, đọc Tỳ bà, ta ngạc nhiên một cách thú vị khi toàn bài gồm 7 khổ thơ, 28 câu, 196 chữ tất cả đều vần bằng.
Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mềm/ Trăng đan qua cành muôn tay êm/ Mây nhung pha màu thu trên trời/ Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Vàng sao nằm in trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây/ Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề/ Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Cây đàn yêu đương làm bằng thơ/ Dây đàn yêu đương run trong mơ/ Hồn về trên môi kêu em ơi/ Thuyền hồn không đi lên chơi vơi
Tôi qua tim nàng vay du dương/ Tôi mang lên lầu lên cung thương/ Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng/ Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi/ Đâu tìm đào nguyên cho xa xôi/ Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu/ Sao tôi không màng kêu: yêu em/ Trăng nay không nàng như trăng thiu/ Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông
Người đọc như được tác giả dẫn vào thế giới tĩnh lặng và ở đó chỉ âm vang hư thực, mờ ảo của tiếng đàn truyền thống.
Bích Khê đã khuất đúng 70 năm. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, có lúc con người công dân Bích Khê bị vu oan một cách phi lý, con người nghệ sĩ Bích Khê chỉ được nhắc tới một cách dè dặt. Nhưng giờ đây, trong không khí của thời kỳ đổi mới, mọi chuyện đã khác. Họ Lê ở Thu Xà (Quảng Ngãi) đã dành cho ông một ngôi từ đường trang trọng. Thành phố Quảng Ngãi đã có một đường phố thoáng rộng gắn biển tên Bích Khê. Và chúng ta đã long trọng tổ chức một đêm thơ để tưởng nhớ Bích Khê - một ngôi sao trong bầu trời sao của phong trào Thơ mới vào ngày 23/1/2016 vừa qua.
Tự nhiên tôi nhớ đến bài Thơ tuyệt mệnh của ông, rất ngắn, chỉ có 4 câu:
Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi
Sau nghìn thu nữa trên trần thế
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi
Hai câu cuối của bài thơ thể hiện lòng tin yêu cuộc sống, đã được con cháu Bích Khê khắc trên bia mộ của nhà thơ tài hoa nhưng yểu mệnh.
Việc làm ấy rất có ý nghĩa.
Trần Hữu Tá
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...